Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 14 - Chương 311: Dịch Trâu (Ngưu Hoàng)


trước sau

Trần Hoa Phong người huyện Mông Sơn (tỉnh Sơn Đông) ngày hè nóng nực ra ngủ dưới gốc cây ngoài đồng. Chợt có một người vội vã đi tới, quấn một cái khăn quanh đầu, đi mau tới dưới bóng cây, ngồi xuống một tảng đá quạt lấy quạt để, mồ hôi chảy ròng ròng. Trần ngồi dậy cười nói “Bỏ cái khăn ra thì không quạt cũng mát”. Khách nói “Bỏ ra thì dễ, nhưng đội lên thì khó”. Trần cùng khách trò chuyện, thấy học hành rất uẩn súc. Kế khách nói “Bây giờ chẳng mong ước điều gì, chỉ cần có rượu ngon ngâm lạnh, uống vào một hơi vừa thơm vừa mát, vào tới ruột gan rồi thì có thể đỡ nóng được một nửa”. Trần cười nói "Chuyện đó dễ lắm, ta xin lo cho ông", rồi nắm tay khách nói "Tệ xá cũng gần đây, xin mời ghé qua chơi", khách cười đi theo. 

Vào tới nhà, Trần lấy rượu cất dưới hầm đá ra, lạnh tê cả răng. Khách cả mừng, uống liên tiếp một hơi hơn chục chén. Trời vừa xế chiều chợt mưa xuống, Trần bèn thắp đèn trong phòng lên. Khách cởi khăn ra cùng ngồi, trò chuyện một hồi, Trần thấy phía sau gáy khách lúc lúc lại lóe sáng, lấy làm ngờ vực. Không bao lâu khách say, lăn ra ngủ ở giường, Trần đẩy ngọn đèn tới gần nhìn trộm, thấy sau vành tai khách có một cái lổ sâu hoắm to bằng cái chén, miệng lỗ có mấy mảnh da che khuất như cánh cửa, bên ngoài có lớp da mềm rủ xuống che khuất, trong thì trống rỗng. Trần sợ lắm, lén nhấc búi tóc khách lên, lấy trâm vạch lớp da xem, thấy có một vật như con trâu nhỏ theo chỗ tay khều bay ra, phá tung cửa sổ mà đi. Trần hoảng sợ không dám vạch nữa. Vừa định quay đi, khách đã tỉnh dậy, hoảng sợ nói "Ngươi lén xem chuyện trộm kín của ta, thả con trâu
dịch ra, làm sao bây giờ”. Trần lạy hỏi nguyên do, khách đáp “Đã tới nước này thì còn ngại ngùng gì nữa. Nói thật với ngươi, ta là ôn thần lục súc đây, vừa rồi anh thả con trâu dịch ra, chỉ sợ là trong vòng trăm dặm trở lại đây sẽ không còn giống trâu nữa". 

Trần vốn làm nghề nuôi trâu, nghe thế cả sợ, lạy xin chỉ cách giải trừ. Khách nói "Ta chắc không tránh được tội rồi, còn cách để giải trừ thì có sâm đắng giã ra là hiệu nghiệm nhất, nhưng phải truyền ra cho nhiều người, không nên giữ riêng thì được rồi". Nói xong chào ra cửa, lại vốc đất vun lên ở chân vách, nói “Mỗi lần dùng một viên cũng công hiệu”, rồi chắp tay chào, chớp mắt không thấy đâu nữa. Không bao lâu sau, trâu bò trong vùng quả nhiên mắc bệnh, bệnh dịch lan ra. Trần muốn thủ lợi, giữ kín bài thuốc không chịu truyền rộng ra, chỉ nói với em. Người em làm thử thì công hiệu như thần, nhưng Trần làm thuốc đổ cho trâu mình uống thì vô hiệu, nuôi hai trăm con đều chết sạch, chỉ còn bốn năm con trâu cái già, cũng nối nhau lăn ra sắp chết. Trần buồn rầu không biết làm sao, chợt nhớ tới vốc đất ở chân vách, cũng nghĩ chưa chắc đã có công hiệu, nhưng cũng lấy cho trâu uống. Qua đêm thì trâu đều đứng dậy cả, mới sực hiểu rằng sở dĩ thuốc không công hiệu là vì thần phạt mình có ý riêng tư. Vài năm sau, trâu cái sinh đẻ, đàn trâu của Trần mới dần dần được như cũ. 

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện