Đỗ Hưng Đức cũng là bí quá không còn cách nào nên mới phải lặn lội lên Thái Nguyên Quan tìm người.
Nhà của ông ta vốn ở trấn Toàn Châu bên cạnh, trong nhà có của ăn của để, cũng có thể xưng danh là phú hộ một vùng.
Tháng Giêng năm nay, vốn là dịp lễ lạt hoan hỉ, thế mà trong nhà ông ta đột nhiên rộ lên việc bị quỷ ám.
Ngày nào cũng vậy, phòng bếp, sân nhà… dù ngày hôm trước đã sắp xếp gọn gàng đến đâu thì sang hôm sau vẫn bị quậy lung tung lộn xộn hết cả.
Chén bát rơi vỡ đầy đất, lu khạp đựng gạo cũng nứt làm thóc gạo văng tứ tung, chưa kể còn có sâu chết lẫn vào vô số kể.
Lúc đầu người trong nhà chỉ nghĩ rằng có kẻ ác ý phá phách đùa dai, bọn họ cũng đã đi báo quan nhưng sai nha được phái tới chẳng tra xét được gì.
Sau đó, những trò đùa đó càng ngày càng quá quắt hơn, không những nhà bếp bị quậy tưng mà kho lúa cũng không thoát nạn, thậm chí ngay cả giường màn, chăn đệm được xếp đặt ngay ngắn trong phòng ngủ lại làm sao đó mà bị xé rách te tua, đồ đạc trong nhà cũng cùng chung số phận.
Đỗ Hưng Đức cảm thấy đây không phải là quỷ quái quấy phá mà là nạn chuột, ông ta bèn bảo gia nhân tìm mấy con mèo về bắt chuột.
Tuy nhiên chuột thì quả thật bắt được không ít, nhưng nạn thì không hề ngừng lại mà còn nghiêm trọng hơn.
Sau đó ít lâu, ban ngày thì đồ dùng bị phá phách, ban đêm cả nhà họ vừa ngả lưng xuống nghỉ ngơi thì bỗng dưng nghe được tiếng cười và tiếng khóc quái dị, đôi khi còn có cả tiếng mắng mỏ chửi rủa lẫn vào, thế nhưng lúc mọi người giật mình tỉnh dậy lắng tai nghe kĩ thì không thấy gì nữa.
Nhà họ Đỗ bị hành cho lên bờ xuống ruộng, đến lúc không chịu nổi nữa mới đi hỏi thăm khắp nơi.
Có một người biết chuyện thì hỏi han rất tỉ mỉ, bảo bọn họ ngẫm lại rồi kể từng chi tiết cho ông ta nghe.
Đỗ Hưng Đức hồi tưởng trong chốc lát, đáp rằng bắt đầu từ sáng sớm mùng bốn thì mọi chuyện bắt đầu náo loạn, đến tận bây giờ chưa dứt.
Nghe xong đầu đuôi câu chuyện, người đó kết luận rằng tám chín phần mười là nhà họ đắc tội Hôi tiên rồi.
Trong dân gian, ngoại trừ đến chùa miếu, đạo quan để dâng hương cầu phúc thì một số người còn lựa chọn một trong năm vị đại tiên để tự cung phụng ở nhà.
Năm vị đại tiên này danh xưng lần lượt là Hồ, Hoàng, Bạch, Liễu, Hôi, tức là hồ ly, chồn, nhím, rắn và chuột.
Người nọ nói đến Hôi tiên chính là ý chỉ con chuột.
Theo truyền thuyết, ngày mùng ba tháng Giêng là ngày chuột đón dâu.
Tối ngày hôm đó, ai nấy đều tắt hết đèn đóm đi ngủ sớm để tránh quấy rầy đến ngày vui của chúng, vì nếu bọn chúng bị phá ngang chuyện tốt thì tất sẽ quay lại báo thù.
Đỗ Hưng Đức nghe xong thì về nhà hỏi một lượt người nhà từ trên xuống dưới mới biết, thì ra ngày hôm đó con trai út của ông ta Đỗ Văn Tuyên ra ngoài uống rượu với bạn đến khuya mới mò về nhà.
Lúc cậu ta vừa về tới thì đúng lúc nhìn thấy một con chuột vọt ra từ trong góc nhà, nhìn thấy ngứa mắt nên cậu ta dậm chân mắng chửi vài tiếng.
Vốn cho là chuyện nhỏ như cái đinh ghim, chẳng ai để trong lòng, lại chẳng ngờ vậy mà bị chuột ghi thù.
Đỗ Hưng Đức rõ mọi chuyện thì quày quả đi tìm người kia lần nữa để hỏi cách khắc phục.
Ai ngờ người đó vừa nghe ông ta nói rằng sau khi xảy ra chuyện còn thả mèo đi bắt chuột liền bảo phỏng chừng dù bọn họ có xin lỗi thì cũng không giải quyết được gì đâu.
Bây giờ muốn sống yên ổn thì hoặc là mời một đạo sĩ cao cường về trấn áp, hoặc là chuyển nhà, còn không thì phải rước Liễu tiên về nhà cung phụng.
Liễu tiên là rắn, rắn là thiên địch của chuột, nếu có Liễu tiên bảo vệ trong nhà thì chuột không dám bén mảng đến.
Đỗ Hưng Đức suy đi nghĩ lại thì cuối cùng quyết định rước Liễu tiên, thế là ông ta nghe theo người đó chỉ dẫn, nhanh chóng lập một gia tiên lâu (1) trong nhà, rước Liễu tiên vào ở.
Cách này quả nhiên rất hiệu quả, chẳng bao lâu sau, đám chuột trong nhà im hơi lặng tiếng hẳn.
Chỉ là nếu mọi việc vẫn suôn sẻ như vậy thì hôm nay sẽ không có chuyện Đỗ Hưng Đức lên Thái Nguyên Quan tìm đạo sĩ.
Tục ngữ có câu “mời thần thì dễ, tiễn thần thì khó”.
Thần tiên không thể nào rước một cách tùy tiện được, chỉ cần sơ ý làm gì đó khiến cho bọn họ phật ý thì đừng mong có ngày an bình, bọn họ không quậy cho cửa nát nhà tan thì sẽ không chịu bỏ qua.
Đỗ Hưng Đức cũng không nghĩ đến tai nạn lần nữa lại đến nhanh như vậy.
Tháng trước nhà họ tổ chức tiệc mừng thọ, có một vị khách mời dẫn theo con trai của mình đến dự, đứa bé phát hiện ra một con rắn nhỏ ở trong bụi hoa, chẳng những không sợ mà còn bắt ra cầm chơi, làm thế nào đó mà con rắn chết ngắc, còn bị kéo đứt thành mấy khúc.
Lúc ấy Đỗ Hưng Đức không hề hay biết, đến khi đứa bé kia trở về nhà, đôi tay nó bỗng nhiên ngứa ngáy dữ dội, đến nửa đêm thì thằng nhóc bị nổi sởi khắp người, da thịt đầy những vết vằn vện nhìn giống hệt như da rắn.
Cùng lúc đó, trong nhà Đỗ Hưng Đức cũng bị rắn bao vây, có người còn bị chúng cắn phải, tuy rằng không độc nhưng nhìn rắn bò lổm ngổm khắp các ngóc ngách trong nhà cũng thấy ghê muốn chết.
Đỗ Hưng Đức kêu trời không thấu, thế là đành phải mời đạo sĩ đến.
Nhưng khốn thay, ông ta liên tục mời mấy vị đến rồi mà vị nào vị nấy đều suýt bị rắn cắn chết.
Mấy ngày nay người trong nhà họ Đỗ đã bắt đầu đòi chuyển nhà đi chỗ khác, có điều căn nhà đó là nhà tổ, đâu phải muốn đi là đi được.
Cuối cùng, lúc Đỗ Hưng Đức sắp bị dồn vào đường cùng tới nơi thì có người mách cho ông ta về Thiệu Dật và Cố Cửu.
Lúc đầu nghe nói đây là hai đạo sĩ trẻ tuổi thì ông ta chần chừ, nhưng cực chẳng đã, Đỗ Hưng Đức tự nhủ xem như thử một lần chót vậy, nếu còn không ăn thua thì phải tính đến chuyện chuyển nhà thôi.
Thiệu Dật nghe xong câu chuyện thì vẫn bình chân như vại, còn Cố Cửu thì nổi hết cả da gà.
Tuy rằng cậu đã từng gặp vô số người chết và lệ quỷ, nhưng lúc đối mặt với mấy con mềm mềm dài dài uốn éo như rắn hay rết cậu vẫn sợ chết khϊếp.
Đỗ Hưng Đức kể xong thì khổ sở nói: “Hai vị đạo trưởng, hai vị xem xem khi nào thì có thể đến nhà tôi xem thử một chuyến với?”
Thiệu Dật trả lời: “Ngày mai đi, hôm nay chúng tôi phải chuẩn bị vài thứ.”
Đỗ Hưng Đức thấy Thiệu Dật chịu đi thì mừng rỡ nói: “Vậy hai chúng tôi về trước, ngày mai tôi sẽ cho người đến đón hai vị.
Thiệu Dật gật đầu, Cố Cửu liền tiễn hai người ra cửa, sau đó cậu quay vào giúp Thiệu Dật sắp xếp đồ đạc mới mua ngày hôm nay.
Thông thường gia tiên rất nhỏ nhen, trước kia Thiệu Dật từng thấy sư phụ xử lý những vụ việc tương tự rồi, mấy năm nay hắn cũng thành công dẹp loạn vài lần, có thể nói là đã tích lũy được kinh nghiệm phong phú trong mảng này.
Hắn bảo Cố Cửu vẽ vài loại bùa cần dùng, còn mình thì tự khắc hai thẻ bùa gỗ đào gọi sấm sét.
Vậy là xem như chuẩn bị đầy đủ.
Xong xuôi đâu đấy, Cố Cửu lấy ra một bình thuốc trong ngăn tủ, bảo Thiệu Dật vén tay áo lên.
Trên cổ tay của Thiệu Dật có một vết thương, hai ngày trước hắn vừa cắt cổ tay lấy máu để vẽ trận pháp xua âm khí cho Cố Cửu, bây giờ vết thương đã lành nhưng vẫn phải xức thuốc vài ngày.
Cố Cửu chậm rãi rắc thuốc bột lên miệng vết thương, hỏi: “Sư huynh, sư phụ có nói khi nào về không?”
Thiệu Dật đáp: “Tháng sau.”
Cố Cửu vui vẻ nói: “Tháng sau là Thất Tinh Hoàn luyện thành rồi.”
Thất Tinh Hoàn là pháp khí mà Phương Bắc Minh phải dành tới ba năm mới tìm đủ, có thể giúp Cố Cửu trấn áp âm khí trong người.
Thất Tinh Hoàn được bện từ bảy đồng tiền cổ, đồng tiền hình tròn, có lỗ vuông ở giữa, tượng trưng cho trời và đất, dung nạp linh khí vạn vật, có khả năng áp chế và hấp thu âm khí tà ác.
Sau khi bện tiền đồng thành Thất Tinh Hoàn thì phải đặt nó vào trong Thất Tinh Trận rồi luyện chế bằng cách cứ bảy ngày thì