La Chu nhìn ra ngoài cửa sổ, gió thu từ bên ngoài thổi vào trong nhà, tai anh như phảng phất có tiếng gì, nó giống như trong vở kịch anh đang viết. Những ngón tay của anh dừng lại hồi lâu trên bàn phím, nửa tiếng, cũng có thể là một tiếng, anh không gõ được một chữ nào trên màn hình.
Anh lặng lẽ nhìn vào đề mục của vở kịch “Đoạn hồn Lâu Lan”, bỗng anh cảm thấy ân hận, vì sao mở đầu lại viết về Thành cổ Lâu Lan? Chẳng lẽ chỉ vì yêu thích tiểu thuyết của Yasushi Inoue nên vở kịch đầu tay này tất cả đều dành cho cái thành cổ xa xôi đó, có lẽ bản thân suy nghĩ chưa được thấu đáo. Nếu như viết một kịch bản về đề tài yêu đương quen thuộc trên mạng có lẽ dễ viết hơn. Trong cái văn học mạng buồn chán ấy chỉ cần viết mấy đoạn đối thoại dài là xong, mà lại còn hấp dẫn lớp trẻ, thậm chí còn có thể lấy khái niệm mới “Kịch nói trên mạng” để sao chép lại cũng được. Nhưng bây giờ đã muộn, có lẽ chủ định của mình đã bị cát vàng của Thành cổ Lâu Lan vùi lấp mất rồi. Cái kết này, cái kết chết người này mãi mà vẫn không làm sao sinh ra dưới bàn phím của anh được.
La Chu cảm thấy sáng tác giống như phụ nữ sinh con, giai đoạn cuối cùng là giai đoạn đẻ. Một tác phẩm hoàn chỉnh sẽ giống như một đứa trẻ sơ sinh được sinh ra từ trong suy nghĩ tìm tòi. Vận khí tốt thì sẽ đẻ thuận, vận khí xấu sẽ khó đẻ. Trong tâm tưởng của La Chu, hiện anh đang ở giai đoạn khó đẻ. Không nghi ngờ gì, anh cũng đau khổ vạn phần như người phụ nữ khó đẻ, chỉ muốn cầu cứu một linh cảm thần bí để cứu lấy cái bào thai sắp chết. Nhưng từ sau khi chứng kiến sự việc xảy ra lần trước, anh không dám nửa đêm xuống ven sông Tô Châu dạo bộ tìm cảm hứng nữa.
Mặc dù chưa có được một cái kết, nhưng buổi sáng La Chu vẫn đem một phần tác phẩm đã đánh máy xong đến rạp cho các diễn viên đọc. Các diễn viên chỉ đọc lướt qua. Thậm chí Tiêu Sắt chẳng thèm ngó qua đã nói đoạn này viết hay như Shakespear. Kịch bản của La Chu phá vỡ thứ tự thời gian, sắp xếp như thế khiến các diễn viên xem không hiểu. Buổi sáng khi các diễn viên xem kịch bản, anh chăm chú quan sát phản ứng của họ. Duy nhất chỉ có một người khiến anh không thất vọng đó là Lam Nguyệt. Lam Nguyệt đọc kịch bản không sót một chữ, hình như cô có tâm sự, muốn nói với La Chu, nhưng cuối cùng lại chẳng nói gì cả.
Vào lúc La Chu vừa dừng những suy nghĩ về công việc của buổi sáng thì bỗng nhiên có tiếng chuông điện thoại, anh nhấc điện thoại lên, bên kia là giọng một phụ nữ...
- A lô, có phải anh La Chu đấy không?
- Tôi đây!
- Em là Lam Nguyệt, bây giờ em có thể đến chỗ anh được không?
Câu nói đó của Lam Nguyệt khiến tim La Chu như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, anh không biết nên trả lời thế nào cho phải, vội nói:
- Hoá ra là Lam Nguyệt, nhưng bây giờ đã muộn rồi, đi đường sẽ không tiện.
- Em đang ở trước cửa nhà anh đây này!
Lam Nguyệt tắt máy.
Cô ấy đang ở trước cửa? Nhất định là mang theo điện thoại di động. La Chu vội đứng dậy, ra mở cửa. Quả nhiên là Lam Nguyệt, cô đang cầm điện thoại di động đứng ở cửa, miệng nở một nụ cười đầy ngụ ý. La Chu chú ý đến cái ngụ ý trong nụ cười của cô, chẳng biết dùng ngôn ngữ nào để miêu tả dáng điệu của Lam Nguyệt lúc đó. Thật vô cùng quyến rũ, trong đêm khuya tĩnh lặng, một người con gái đẹp đứng trước cửa nhà khiến người ta có cảm giác ấm áp khó tả. Đương nhiên là anh vội vàng đón cô vào nhà.
Lam Nguyệt lặng lẽ bước vào nhà, đi đến trước máy tính của La Chu, cô nhẹ nhàng nói:
- La đạo diễn, kịch bản của anh sao vẫn chưa viết xong?
La Chu cười đau khổ một lúc rồi nói:
- Viết không ra, bây giờ đang đau đầu đây. Lam Nguyệt, khuya thế này rồi em đến có việc gì?
- Em không đến được sao? - Cô quay đầu lại nhìn anh.
- Đương nhiên là được, anh chỉ muốn nói bây giờ muộn rồi. - La Chu cảm thấy hơi khó xử.
- Đêm chỉ mới bắt đầu thôi!
La Chu cúi đầu nhìn đồng hồ, đã 10giờ 30 rồi. Anh vội nói:
- Em uống gì?
- Em không muốn uống gì cả. - Lam Nguyệt lạnh lùng nói: - Thực ra em đến đây là vì kịch bản của anh.
- Kịch bản của anh? Em có ý kiến gì về kịch bản?
La Chu hơi thất vọng, anh vẫn cho rằng Lam Nguyệt đến là vì vị trí diễn viên chính của vở kịch, giống như Tiêu Sắt đeo bám anh.
- Hết sức xin lỗi anh, em nói thật, kịch bản của anh viết không được hay!
La Chu đứng ngây ra, anh như bị cô ta nhìn thấu tim, anh thật thà nói:
- Anh thừa nhận!
Lam Nguyệt mỉm cười:
- Nếu cứ viết theo kiểu của anh, thì đến ngày biểu diễn cũng không thể viết xong được!
La Chu bất đắc dĩ gật đầu. Anh cảm thấy cô gái đứng trước mặt mình có sự hiểu biết hơn người, những cô gái bình thường không thể bì được. Tiêu Sắt cũng phải lu mờ trước cô ấy.
Lam Nguyệt tiếp tục nói:
- Để em viết chung với anh nhé!
- Em nói gì? Em viết cùng với anh á?
- Anh không tin em à? - Mắt cô nhìn thẳng vào mắt La Chu.
La Chu dang hai tay:
- Được thôi, bây giờ em hãy nói cho anh nghe cấu tứ của em!
Lam Nguyệt gật đầu, cô nhẹ nhàng nói:
- Sai sót lớn nhất trong kịch bản của anh là nội dung hơi tầm thường, tuy kết cấu của nó đã phá vỡ thứ tự thời gian, nhưng điều đó không giúp gì cho kịch bản, ngược lại nó làm cho công chúng thất vọng, lãng phí một tài liệu tốt. Thực ra đề tài của vở kịch và tên của nó tương đối hay, “Đoạn hồn Lâu Lan”, một cái tên mang chủ nghĩa duy mỹ. Thành cổ Lâu Lan là một nơi thần bí biết bao, rất nhiều người đều hướng đến đó, nếu như có thể đưa được tính thần bí ấy vào trong kịch bản thì có thể lôi cuốn được nhiều khán giả, thậm chí còn khiến cho đoàn kịch của chúng ta thành công.
- Tính thần bí?
La Chu gật đầu, anh như vỡ ra một điều gì đó từ trong câu nói của Lam Nguyệt.
- Đúng. Thế giới tự nó đã rất thần bí, trong cuộc sống thường ngày cũng đã bao gồm nội dung huyền ảo của nó, Thành cổ Lâu Lan là một ví dụ. Kế hoạch của em là sẽ sửa đổi kịch bản thành thế này: Hơn một ngàn năm trước, quốc vương Thành cổ Lâu Lan trong một trận chiến đã thất bại cùng với quân đội của mình. Ông một mình nhảy xuống một ngôi mộ cổ, dưới mộ ông đã gặp một người đàn bà bí mật. Người đàn bà đó đã cứu ông, về sau, còn đính hôn với ông. Nhưng chẳng bao lâu sau, quốc vương chia tay cô trở về Thành cổ Lâu Lan, tiếp tục cuộc sống quân vương của mình. Một năm sau, quốc vương trở lại ngôi mộ cổ, đi tìm người đàn bà bí mật kia, nhưng ông phát hiện cô ta đã chết, để lại một đứa con gái. Quốc vương mang đứa bé về Thành cổ Lâu Lan, ông yêu nó như viên ngọc minh châu. Hai mươi năm sau, công chúa Thành cổ Lâu Lan trở thành người con gái đẹp nhất Tây Tạng. Hoàng tử nước Vu Điền, dũng sĩ nổi tiếng nhất Tây Tạng đến Thành cổ Lâu Lan định cầu hôn với Công chúa, nhưng do bị đại quân của Hãn quốc Nhu Nhiên, một dân tộc du mục ở phương bắc áp sát biên giới, quốc vương Thành cổ Lâu Lan bị ép phải gả Công chúa cho Khả hãn của Nhu Nhiên. Đêm đó, Công chúa bí mật yêu cầu được gặp Hoàng tử nước Vu Điền nhưng lại bị võ sĩ của quốc vương bắt về cung. Đúng lúc đó, Hoàng tử nước Vu Điền đến điểm hẹn, chàng gặp một cô gái thường dân, nhưng lại ngộ nhận đó là Công chúa Thành cổ Lâu Lan và bày tỏ tình cảm với cô. Do kịch bản quy định các cô gái Thành cổ Lâu Lan đều phải mang mạng che mặt, nên khi gặp, Hoàng tử Vu Điền không nhìn thấy mặt cô ta. Thực tế, cô gái thường dân kia mới là vai chính của vở kịch, tên của cô ta là Lan Na, một nữ nô tỳ. Về sau, đêm đêm, Hoàng tử đều đến chỗ hẹn gặp cô ta, còn Lan Na thì cũng cứ đến hẹn lại đến, mặc dù Hoàng tử không nhìn thấy mặt cô ấy. Hoàng tử ở lại Thành cổ Lâu Lan, nhà trọ mà chàng ở lại chính là nơi cô nữ tỳ Lan Na làm việc. Trong một lần rót nước cho Hoàng tử, tình cờ cô làm rơi mạng che mặt. Hoàng tử nhìn thấy mặt cô, chàng vô cùng