Đây là lần đầu tiên kể từ khi Giang Hà mất, Bạch Bích đi thăm mẹ. Cô đi bằng xe bus, dựa vào cửa sổ ngắm nhìn phong cảnh mùa thu bên ngoài. Xe chạy đúng một tiếng đồng hồ mới đến bệnh viện Tâm thần.
Xung quanh bệnh viện Tâm thần vô cùng yên tĩnh, không có nhiều cửa hàng và các khu nhà. Mọi người hình như đều kỵ nơi này, người đi đường mỗi khi đi qua cổng đều muốn bước nhanh hơn, như sợ từ bên trong bất ngờ có một người điên lao ra. Nhưng Bạch Bích xưa nay không hề có cảm giác đó. Cô luôn bình tĩnh đến, bình tĩnh ra về giống như người đi tản bộ ở ngoại ô vậy. Cô thong thả bước qua cổng lớn, đi xuyên qua vườn hoa tiêu điều của ngày thu, sau khi vòng qua một tòa nhà nhỏ đẹp đẽ, cô nhìn thấy trong một vườn hoa có rất nhiều người mặc quần áo bệnh nhân đang tụm năm tụm ba nói chuyện, cũng có người đi bách bộ một mình hoặc đang suy tưởng. Thi thoảng có mấy bác sĩ hoặc hộ lý đi ngang qua.
Bạch Bích biết rằng mẹ mình nhất định ở trong đám người này. Cô bước đến vườn hoa nhỏ đó tìm mẹ. Bỗng có người gọi cô, hóa ra là người bạn cùng ở viện với mẹ cô. Sau khi bố cô qua đời, thần kinh của mẹ cô đã không bình thường, về sau tình hình ngày một xấu đi. Khi Bạch Bích tốt nghiệp cấp một, mẹ cô đã được đưa vào ở trong bệnh viện Tâm thần cho đến nay.
Đã nhiều năm nay, Bạch Bích hầu như cứ một, hai tuần lại đến thăm mẹ một lần. Trải qua thời gian dài nên dần dần cũng trở nên quen với bạn bè của mẹ ở đây. Có người thậm chí đã chứng kiến Bạch Bích trưởng thành từ một học sinh trung học đến khi là một thiếu nữ như bây giờ. Bạch Bích cười với người vừa gọi cô. Cô biết người phụ nữ trung niên vừa gọi cô thực ra là một nữ thi sĩ. Những năm 80 của thế kỷ trước, cô ấy đã sáng tác rất nhiều bài thơ nổi tiếng, sánh ngang với Thự Đình, Bắc Đảo. Về sau do dính líu đến một người đàn ông đã có vợ, hẹn nhau cùng tự sát. Kết quả người đàn ông kia đã bị chết còn cô ấy thì được cứu sống nhưng bị điên. Nữ thi sĩ cứ nhìn Bạch Bích cười suốt. Nụ cười ấy quả thật rất đẹp, nhưng nhìn lâu lại khiến cho Bạch Bích cảm thấy trong người khó chịu.
Nữ thi sĩ chỉ chỉ vào một hòn non bộ, nói với Bạch Bích:
- Mẹ cháu ở kia kìa, bà ấy mong cháu suốt. Bạch Bích, nghe mẹ cháu nói mấy hôm nữa cháu cưới à, bánh kẹo của cô đâu?
Mặc dù là một bệnh nhân tâm thần nhưng tinh thần và trí tuệ vẫn như bình thường. Nếu chỉ trò chuyện bình thường thì không thể biết được.
Bạch Bích sững người, không biết trả lời thế nào, đành đáp qua loa:
- Cháu xin lỗi, mọi việc có chút thay đổi, cháu không thể có quà cưới cho cô được!
Cô vội vàng rời khỏi chỗ đó, đi về phía hòn non bộ, cuối cùng cô cũng nhìn thấy mẹ cô.
Mẹ Bạch Bích đang ngồi một mình trên một chiếc ghế dài, nhìn đàn chim bồ câu bay lượn trên bầu trời. Từ lúc chưa nhìn thấy Bạch Bích, bà đã cất tiếng nói:
- Bạch Bích, cuối cùng con cũng đã tới!
Bạch Bích biết, nhiều năm nay, cuộc sống trong bệnh viện Tâm thần đã khiến cho mẹ cô nhạy cảm hơn người bình thường về thính giác và khứu giác, đến nỗi không cần nhìn bằng mắt cũng phân biệt được ra ai với ai.
- Mẹ, mẹ vẫn khỏe chứ?
- Thì vẫn thế. Ngồi xuống đây con!
Mẹ cô quay người lại, vẫy cô ngồi xuống. Mẹ cô nhìn chẳng thấy già đi tí nào. Cuộc sống trong bệnh viện Tâm thần thậm chí còn làm cho bà trẻ ra, trông bà như chỉ mới hơn 40 tuổi.
Bạch Bích nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh mẹ, xung quanh không một bóng người, không gian cực kỳ yên tĩnh, trong bóng cây, dưới hòn non bộ, Bạch Bích cảm thấy mẹ cô được sống hàng ngày trong bệnh viện Tâm thần như thế này hệt như một kiểu an dưỡng, lại còn giữ mãi được tuổi thanh xuân. Cô nắm tay mẹ, nhìn vào mắt mẹ. Đôi mắt mẹ cô rất hiền từ, không hề có ánh mắt của kẻ ngây dại, trông nó bình thường hơn cả của những người bình thường. Cô khẽ nói:
- Mẹ, con xin lỗi, đã lâu rồi con không đến thăm mẹ!
Ánh mắt của mẹ cô bỗng có gì đó sáng lên, bà hỏi:
- Có phải Giang Hà xảy ra chuyện rồi không?
- Mẹ, sao mẹ biết?
- Bởi vì lẽ ra con đã đến sớm hơn và phải đi cùng với Giang Hà. Bây giờ con đến có một mình và trông thái độ của con, mẹ biết ngay là có chuyện.
Bạch Bích không thể không khâm phục trí tuệ của một bệnh nhân tâm thần, cô gật đầu, cố gắng nói với giọng bình tĩnh:
- Giang Hà chết rồi!
- Con gái mẹ, con buồn không? - Mẹ cô đưa tay ra vuốt mái tóc cô.
- Có ạ!
Trong lòng mẹ, nước mắt Bạch Bích cuối cùng cũng trào ra khỏi khoang mắt. Thế rồi, cô kể cho mẹ nghe toàn bộ những việc đã xảy ra.
Mẹ cô bình tĩnh nghe hết những điều cô kể, sau đó bà lặng đi hồi lâu, bà nhìn Bạch Bích bằng ánh mắt rất lạ, đưa những ngón tay ra vuốt ve cô. Bà nói:
- Con gái, đây là số mệnh của Giang Hà, chẳng ai chạy trốn được số mệnh cả.
- Mẹ, con biết mẹ đã từng đi đến hồ La Bố. Lúc đó là lúc nào ạ? - Bạch Bích chợt hỏi sang vấn đề này.
Mẹ cô bỗng dưng yên lặng. Bà đưa mắt nhìn lên trời, có lẽ bà đang hồi tưởng lại, trong mắt bà như ẩn giấu một điều gì. Nhưng cuối cùng bà cũng cất tiếng nói:
- Ừ, mẹ đã từng đến đó, mẹ đi cùng bố con. Đó là câu chuyện hơn hai mươi năm về trước, lúc đó con mới sinh chưa được bao lâu. Bố mẹ tham gia vào một cuộc khảo cổ kết hợp giữa nền văn minh Lâu Lan và Đô Thiện. Chuyện này mẹ nhớ rất rõ, tháng 10 năm ấy, bố mẹ ngồi xe lửa ba ngày ba đêm mới đến được Khố Nhĩ Lặc[21] thuộc Tân Cương. Sau đó lại xuất phát từ đó, cùng với các đơn vị khác đến từ các nơi trong cả nước đi ô tô đến hồ La Bố.
Bạch Bích biết rằng mẹ cô tuy có bệnh tâm thần nhưng phần lớn thời gian thần kinh của bà bình thường, đặc biệt là trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay, những hồi ức của bà là hoàn toàn có thể tin cậy.
Mẹ cô tiếp tục nói:
- Vùng đó cho mãi đến những năm cuối của thập kỉ 70 thế kỉ trước vẫn chưa mở cửa với bên ngoài, cả đoàn phải cắm trại nằm chờ ở mảnh đất bên cạnh rất lâu mới được cấp phép vào hồ La Bố. Đường đến hồ La Bố khắp nơi là sa mạc mênh mông và vùng đất của những núi đá sa mạc. Đoàn bố mẹ đi qua là dãy núi đá ở Long Thành thuộc hạ lưu sông Khổng Tước, được tận mắt nhìn thấy kỳ quan núi đá, đâu đâu cũng chỉ nhìn thấy những dãy núi đá tập trung dày đặc phản xạ ánh nắng mặt trời. Những gò đất bị gió cát bào mòn không thương tiếc, hiện lên dưới muôn vàn tư thế khác nhau, có cái giống như núi đất, có cái giống như lô cốt cũ, có cái giống như đài phong hoả. Tất cả đều khiến người ta phải kinh ngạc, đây quả thật là sự khéo léo vô cùng của thiên nhiên. Tiếp đó, đoàn đi qua Thổ Căn, đặt chân vào phạm vi của hồ La Bố. Đây là một cái hồ lớn hình chậu đã khô cạn. Mẹ quả thực khó có thể dùng ngôn từ để tả lại quang cảnh hoang vu ở nơi đây. Đoàn dừng chân ở bờ phía tây của hồ La Bố, phải đào đất