Đao nước tắm trong trướng lều
N gưu đại tiểu thơ về sau nói với bạn bè: - Hôm đó, tôi chính mắt trông thấy. Nàng ta nói: - Tôi thấy Tư Không Trích Tinh bước lại trước mặt bà lão, bà lão cong ngón tay, ra dấu cho y đưa đầu lại, thì thầm mấy câu vào bên tai y. - Rồi sao? - Rồi sau đó, tôi thấy cái gã Tư Không Trích Tinh giả trang làm Tây Môn Xuy Tuyết cố ý làm ra vẻ tàn bạo đó, bỗng nhiên biến hẳn sắc mặt, trừng hai cặp mắt lớn lên nhìn bà lão, làm như tròng mắt sắp rớt xuống đất. Ngưu đại tiểu thơ nói. - Rồi sao? - Rồi sau đó, y ngồi bệt xuống ghế, mồ hôi chảy dầm dề từ trên đầu xuống, cặp mắt trừng trừng, hết nửa ngày mới tỉnh hồn lại, mới đứng dậy đi về chỗ cũ, miệng lầm bầm như đang niệm kinh, chẳng ai biết y đang nói gì. - Cô cũng không nghe gì sao? - Không. - Bà lão ấy rốt cuộc là ai? - Ông không bao giờ nghĩ ra được. Ngưu đại tiểu thơ nói: - Tôi dám bảo đảm, dù là Gia Cát Lượng có sống lại, nhất định cũng đoán không ra bà lão ấy là ai. Nàng ta nói: - Hôm đó, Tư Không Trích Tinh về lại chỗ ngồi của mình, biểu tình trên gương mặt giống như vừa gặp một con quỹ to đầu. Một con quỹ có cái đầu còn lớn hơn cả cái cối xay.
Ngưu đại tiểu thơ nhìn nét mặt của Tư Không Trích Tinh lúc y về lại bàn, nhịn không nổi hỏi: - Có phải ông vừa thấy một con quỹ to đầu không? - Không. Tư Không Trích Tinh nói: - Tiếc là tôi không gặp, tiếc là nơi đây không có quỹ to đầu.
- Tiếc? Tiếc nghĩa là sao? - Tiếc nghĩa là, tôi thà gặp một con quỹ to đầu còn hơn. Ngưu tiểu thơ hạ giọng hỏi: - Không lẽ bà lão đó còn đáng sợ hơn con quỹ to đầu? - Hừ. - Bà ta là ai? - Hừ. - Hừ nghĩa là gì? - Hừ có nghĩa là, dù tôi có biết cũng không thể nói. Tư Không Trích Tinh nói: - Huống gì, tôi chẳng biết gì cả. - Ông đang nói dối. Ngưu đại tiểu thơ nói: - Lần này tôi nhận ra rõ ràng, ông đang nói dối. Lần này Tư Không Trích Tinh ngay cả hừ cũng không. Ngưu đại tiểu thơ cố ý thở ra: - Không ngờ danh tiếng lẫy lừng như Thâu Vương Chi Vương Tư Không Trích Tinh lại là một người như vậy, không những biết nói xạo, còn là tên nhát gan, người ta chỉ bất quá thì thầm vào tai y vài câu, y đã sợ muốn thụt đầu vào như con rùa, ngay cả rắm còn không dám đánh một cái. Tư Không Trích Tinh bỗng nhiên đứng dậy, toét miệng nhìn nàng ta cười một cái, và nói: - Tái kiến. Hai tiếng ấy còn chưa thốt xong, người y đã biến mất tăm mất dạng. Ngưu đại tiểu thơ đứng đần mặt ra nơi đó, tức tối cả nửa ngày, ngớ mặt cả nửa ngày, mà chẳng biết làm gì hơn. Tư Không Trích Tinh muốn đi, có ai cản được y? Có ai rượt theo kịp y? Ngưu đại tiểu thơ thần thông quảng đại cách mấy, cũng chỉ có nước trừng mắt nhìn. Nàng ta thật tình tức giận muốn chết luôn. Cái gã ăn trộm vặt này rõ ràng đã chịu theo nàng tới Hoàng Thạch Trấn, bây giờ y bỏ đi rồi, có tức giận cũng chẳng ích lợi gì, trừ tức mình ra còn tức ai được nữa? Cặp vợ chồng thần bí kia còn đang ngồi trong góc lầu, không biết đang lãi nhãi nói gì, lâu lâu còn quay đầu lại nhìn nàng ta cười cười. Ngưu đại tiểu thơ rốt cuộc chịu không nổi nữa. Nàng ta bỗng nhảy lên như một con châu chấu, lớn bước qua bên đó. Qua đó rồi, Ngưu đại tiểu thơ lại càng thêm tức giận.
Cái lão già mặt mày vàng vọt ốm yếu, và cái bà lão lưng còng đó, ăn còn hơn cả hai con ngựa. Càng tức hơn nữa là, ngựa chỉ ăn cỏ, bọn họ ăn, không phải cỏ, mà cũng không phải đồ trơn. Bọn họ ăn toàn đồ ưa thích của những kẻ thân thể tráng kiện, ăn uống khỏe mạnh. Ngưu đại tiểu thơ của chúng ta tấu xảo lại là một người thân thể tráng kiện, ăn uống khỏe mạnh, không những vậy, nàng ta còn đang rất đói bụng. Càng làm cho người ta tức giận là, hai cái lão rùa đen ấy chẳng hề mời nàng ta ngồi, không những vậy, ngay cả dáng điệu muốn mời cũng không thấy đâu. Vì vậy, Ngưu đại tiểu thơ bỗng nhiên hạ ngay quyết tâm, cái vị Ngưu đại tiểu thơ này mà đã hạ quyết tâm, chuyện gì nàng ta cũng làm được. Nàng ta bỗng nhiên ngồi xuống, ngồi ngay chỗ Tư Không Trích Tinh vừa ngồi, cầm đôi đũa lên, bắt đầu ăn, không những vậy, còn ăn rất bạo, không chút khách khí.
Bà lão còng lưng kinh ngạc nhìn nàng ta, nhìn cả nửa ngày, nhịn không nổi thở ra một hơi: - Thời buổi này quả thật là biến đổi, hồi thời chúng ta còn con gái, có như vậy đâu. - Thời bà còn con gái ra sao? Ngưu đại tiểu thơ vẫn không ngừng đũa. - Thời đó, dù có người mời chúng ta ăn tý gì, chúng ta còn không dám động đũa. - Thời đó bà thật tình không động đũa? Ngưu đại tiểu thơ chớp mắt: - Thời đó, không lẽ bà ăn bằng tay? Lão già bật cười, bà lão trừng mắt nhìn, Ngưu đại tiểu thơ nằm phục trên bàn cười ngặt nghẽo, quên nhai cả miếng thịt vịt. Nàng ta bỗng nhiên phát giác ra, hai lão rùa đen này cũng không phải khả ố như lúc nãy mình tưởng tượng. Không ngờ, bà lão bỗng nhiên làm một chuyện nàng ta không thể chịu nổi. Bà ta bỗng nhiên nắm lấy tay nàng, không những vậy còn làm ra dáng điệu rất đồng tình, rất ôn nhu, nói với nàng ta:
- Tiểu cô nương, cô cũng nên hiểu chuyện một tý, không nên buồn khổ quá như vậy. - Tôi buồn khổ? Ngưu đại tiểu thơ hình như cảm thấy kinh ngạc quá, bất ngờ quá: - Ai nói tôi buồn? Tôi chẳng buồn tý nào. Bà lão hình như còn kinh ngạc, bất ngờ hơn: - Cô không khổ? Cô không khổ tý nào sao? - Tại sao tôi phải buồn?
Ngưu đại tiểu thơ hỏi: - Lão thái thái, không lẽ bà không nhận ra tôi là người rất hiểu chuyện lắm sao? Lão thái thái chỉ thở ra, không nói gì nữa. Ngưu đại tiểu thơ cũng không nói gì, nàng ta đang chuẩn bị ăn tiếp, có điều, bỗng nhiên nàng ta nuốt không trôi nữa. Giữa lão già và bà lão thần bí đó, hình như có thứ gì làm cho nàng ta nuốt không trôi. Thứ gì đó dĩ nhiên chỉ là cảm giác. Một thứ cảm giác vô cùng kỳ quái, thậm chí có thể hình dung ra, đó là thứ cảm giác kỳ quái muốn chết người. Vì vậy, Ngưu đại tiểu thơ buông đũa xuống: - Lão thái thái. Nàng ta nói: - Lúc nãy bà khuyên tôi không nên buồn khổ? - Hỷ. Bà lão không nói gì, chỉ thở ra. - Vậy thì, xin hỏi lão thái thái, có phải tôi có lý do phải buồn khổ lắm không? - Hỷ, ta cũng chẳng biết. Lão thái thái nói: - Thời buổi này thay đổi quá, chuyện gì cũng đổi, ta cũng chẳng biết chuyện đó còn làm cho người ta buồn khổ nữa nay không. Bà ta thở ra nói: - Ta chỉ biết là, lúc ta còn con gái, nếu gặp phải chuyện như vậy, không những đau khổ lắm mà còn đi đâu đó một mình ngồi khóc thút thít cả mười ngày nửa tháng. Ngưu đại tiểu thơ thình lình quýnh quíu lên: - Lão thái thái, chuyện đó rốt cuộc là chuyện gì? Lão thái thái không trả lời, hỏi lại: - Cô có biết Tây Môn Xuy Tuyết đã tới Hoàng Thạch Trấn rồi không? - Tôi vừa mới nghe. - Cô có biết y vì lý do gì lại đó không? - Y lại đó tìm Lục Tiểu Phụng. Ngưu đại tiểu thơ nói: - Bởi vì, y rốt cuộc cũng còn coi Lục Tiểu Phụng là bạn bè. - Cô sai rồi. Lão thái thái nói: - Không phải y đi tìm Lục Tiểu Phụng, bởi vì trên đời này không còn ai tìm được Lục Tiểu Phụng.
- Tại sao? Ngưu tiểu thơ càng quýnh lên: - Tại sao? - Bởi vì một người sống, sẽ không đi tìm người chết. Lão thái thái nói: - Một người còn sống mà đi tìm người chết, chỉ còn nước phải chết theo. Bà ta nói: - Tây Môn Xuy Tuyết không phải đi tìm chết, y đi báo thù cho Lục Tiểu Phụng. ... Lục Tiểu Phụng đã bị chết ở Hoàng Thạch Trấn, tin tức đó chắc chắn sẽ được truyền bá vô cùng nhanh chóng ra khắp giang hồ. Hai vị lão tiên sinh và thái thái hiển nhiên không phải là kẻ nói dối, nếu không làm sao dọa được Tư Không Trích Tinh? Ngưu tiểu thơ cũng không biết mình làm sao xuống được tửu lầu, lại càng không nhớ mình phản ứng ra sao lúc nghe tin tức đó. Nàng chỉ biết bây giờ nàng đang ngồi trên một cây cổ thụ cao chót vót, không những vậy, còn khóc thê thảm, khóc tràng giang đại hải. Thời này và thời kia cũng vậy thôi, bất kể là thời buổi nào, một người thiếu nữ có một tình cảm bình thường thôi, sẽ ngồi đó mà đau lòng vì một người đàn ông nàng ta yêu mến. Ngưu đại tiểu thơ làm chuyện gì xem ra cũng không bình thường lắm, nhưng về phương diện tình cảm, nàng ta nhất định không khác một thiếu nữ bình thường nào khác. Nước mắt nàng ta khóc ra, dĩ nhiên so với người khác cũng không ít hơn. o O o Vẫn là cao nguyên cát vàng, gió lốc. Hoàng Thạch Trấn hình như là một nơi bị thời gian quên bẵng, không chừng, người trong Hoàng Thạch Trấn cố ý quên bẵng đi thời gian. Bất kể là bị thời gian quên đi, hay quên đi thời gian, giữa hai thứ đó, có một chỗ giống nhau: bất biến. Hoàng Thạch Trấn không biến đổi đi tý nào. Lúc Tây Môn Xuy Tuyết đi vào Hoàng Thạch Trấn, y cũng giống như Lục Tiểu Phụng, người y thấy đầu tiên, chính là một con đường bần cùng, và một người cùng cực muốn chết đi được.
Cái người cùng cực muốn chết đi được đó dĩ nhiên chính là gã Hoàng Tiểu Trùng tự xưng là đệ tử Cái bang đời thứ hai mươi ba. Lúc Hoàng Tiểu Trùng vừa thấy Tây Môn Xuy Tuyết, cặp mắt y sáng rực lên, như lúc y gặp Lục Tiểu Phụng. Chỉ tiếc Tây Môn Xuy Tuyết không phải là Lục Tiểu Phụng. Lục Tiểu Phụng hỏi thăm y khách sạn ở đâu, còn Tây Môn Xuy Tuyết thì đưa cặp mắt lạnh lẽo nhìn y đăm đăm. Ánh mắt lạnh như băng đó, như hai lưỡi kiếm sắc bén, xuyên thấu vào tâm khảm của Hoàng Tiểu Trùng. Y rụt rè hỏi: - Ông muốn tìm khách sạn? Tây Môn Xuy Tuyết không trả lời. Chẳng qua, có lúc, yên lặng cũng là một thứ trả lời. Đối với một người quen đoán nét mặt người khác như Hoàng Tiểu Trùng, Tây Môn Xuy Tuyết yên lặng có nghĩa là đã trả lời. Căn nhà gỗ nhỏ tý xíu phía sau tiệm tạp hóa của Ịại Nhãn, cũng không hề biến đổi, vẫn là một chiếc giường gỗ, trên giường vẫn trải một tấm vải trắng, điều duy nhất không giống là, tấm vải trắng đó rất sạch sẽ mới mẻ, như y phục trên người của Tây Môn Xuy Tuyết vậy. Ánh mắt của Hoàng Tiểu Trùng nhìn tới cặp mắt của Tây Môn Xuy Tuyết, ánh mắt của Tây Môn Xuy Tuyết nhìn tới tấm giấy màu đỏ trên giường, chính là tấm giấy đề rõ giá tiền vật dụng, tá túc phòng ở. Hoàng Tiểu Trùng muốn tìm trong biểu tình trên gương mặt của Tây Môn Xuy Tuyết một chút gì có thể đoán được, nhưng biểu tình trên gương mặt của Tây Môn Xuy Tuyết là một tấm băng lạnh ngàn năm, vừa lạnh vừa cứng, kiếm còn đâm không thủng huống gì là cặp mắt? Vì vậy Hoàng Tiểu Trùng chỉ còn nước cười giả lả, nói: - Đây là nơi duy nhất có thể tá túc được trong Hoàng Thạch Trấn, công tử không vừa lòng sao? - Dĩ nhiên là vừa lòng rồi, nơi đây ngoài bao ăn bao ngủ, chuyện gì cũng hầu hạ chu đáo, sao lại không vừa lòng được? Người trả lời dĩ nhiên không phải là Tây Môn Xuy Tuyết, bởi vì giọng trả lời rất cao mà thánh thót, rõ ràng là giọng của một người đàn bà. Tùy theo tiếng nói, bà chủ tiệm tạp hóa của Ịại Nhãn đi õn ẽn vào một hơi. Bà ta nở nụ cười thật phong tao, ngoe nguẩy thân hình đi lại trước mặt Tây Môn Xuy Tuyết, nói: - Công tử ...
Không những giọng nói bà chủ bỗng khựng lại, nụ cười trên mặt bà ta cũng biến đâu mất tiêu.
Tuyết, gặp phải ánh mặt trời ấm áp, dĩ nhiên sẽ tan ra, nhưng một khối băng lạnh cứng cả ngàn năm sẽ không bị tan, không những không tan, còn làm cho ánh mặt trời bỗng lạnh hẳn ra, bỗng biến mất cả màu sắc. Gương mặt lạnh lẽo của Tây Môn Xuy Tuyết, đã làm bà chủ chịu hết muốn nổi, y chẳng thèm nhìn bà chủ một nửa con mắt, quay người lại đi ra ngoài, câu nói của bà chủ, còn cách nào tiếp tục cho được? Nụ cười của bà ta làm sao không biến đâu mất tiêu? - Công tử ... Công tử ... Hoàng Tiểu Trùng chạy theo Tây Môn Xuy Tuyết, không ngớt hô hoán. Tây Môn Xuy Tuyết như một người điếc, y lừng lững đi ra khỏi tiệm tạp hoá. Đối với Hoàng Tiểu Trùng, đó cũng không khác gì là một câu trả lời. Hoàng Tiểu Trùng thất vọng cực kỳ, y đưa mắt nhìn Vương Ịại Nhãn và bà chủ ra vẻ không làm cách gì hơn, đang tính mở miệng mắng chửi Tây Môn Xuy Tuyết một phen. Y vừa mở miệng ra, cả người bỗng cứng lại, cặp mắt nhìn trừng trừng ra khung cửa. Tây Môn Xuy Tuyết. Tây Môn Xuy Tuyết đi ra rồi, bỗng nhiên quay trở lại. Gương mặt của bà chủ, thoáng chốc lại tươi lên như một đóa hoa đang nở. Chỉ tiếc là Tây Môn Xuy Tuyết rốt cuộc cũng là Tây Môn Xuy Tuyết, y vẫn không thèm nhìn bà chủ lấy nửa mắt, ánh mắt của y, không phải đang nhìn một người, mà là đang nhìn một thứ đồ.
Bàn tay của y, cũng thò ra chỗ y đang nhìn.
Đấy là một cây hỏa pháo làm hiệu.
Bàn tay trái y thò ra lấy hỏa pháo, ngón tay bên kia búng một cái, một thỏi bạc văng ra rớt trên quầy. Động tác của Tây Môn Xuy Tuyết, tự nhiên là làm cho bọn bà chủ nổi tính hiếu kỳ lên. Bọn họ bất giác đi theo ra ngoài cửa. Tây Môn Xuy Tuyết mua hỏa pháo làm gì? Câu hỏi đó chỉ trong thoáng chốc đã được trả lời. Bởi vì bàn chân của Tây Môn Xuy Tuyết vừa đạp ra tới con đường cái của Hoàng Thạch Trấn, hỏa pháo trong tay y đã "hiu" lên một cái, bay thẳng lên không trung. Những đốm lữa vừa bùng lên sáng rỡ thành đóa hoa, trong chốc lát đã bị gió cát thổi bay mất tăm mất dạng.
Chẳng qua, tăm dạng của Tây Môn Xuy Tuyết, bọn bà chủ vẫn còn biết, bởi vì, y không hề rời khỏi Hoàng Thạch Trấn. Không những y không hề rời khỏi Hoàng Thạch Trấn, y còn ngồi xuống trên một tảng đá bên vệ đường, như một nhà tăng nhập định, như một tảng băng quanh năm không gặp ánh nắng mặt trời. Mắt trời đã lặn, phương tây đỏ rực lên một màu hoàng hôn. Hoàng hôn chiếu trên màu áo trắng y phục của Tây Môn Xuy Tuyết, hình như cũng nhuốm luôn màu đỏ au. Gió càng thổi mạnh. Có điều, tiếng gió không lấp nổi tiếng vó ngựa đang chạy gấp rút lại. Khoái mã chạy như bay, mà ngừng cũng lẹ. Vừa đến chỗ Hoàng Thạch Trấn chừng hai mươi trượng, hai chục con ngựa ngừng vó lại, người ngồi trên ngựa không nói tiếng nào lẳng lặng nhảy xuống, hai chục con ngựa bao quanh thành một khoảng trống vuông vắn. Bọn họ là ai? Bọn họ đến đây có chuyện gì? Đấy là những câu hỏi đang nằm trong đầu bọn bà chủ. Hai chục người vừa nhảy xuống ngựa, lập tức tiến hành công tác rất thuần thục, thuần thục như bọn họ đã từng làm vậy từ nhỏ tới lớn. Vì vậy câu hỏi trong đầu bọn bà chủ, không đầy một tuần trà đã có câu trả lời. Câu trả lời không phức tạp tý nào: bọn họ đang dựng một cái lều lên. Vải lều trắng như tuyết, còn trắng hơn cả y phục trên người của Tây Môn Xuy Tuyết, bởi vì y phục của y, bây giờ đã bị gió cát của Hoàng Thạch Trấn thổi mấy tiếng đồng hồ liên tục thành vàng khè.
Lại có tiếng vó ngựa vang lên.
Lần này, tiếng vó ngựa hình như chỉ có một con độc nhất.
Hai chục người đó, vừa dựng xong lều đàng hoàng rồi, lập tức nhảy lên ngựa lẳng lặng bỏ đi. Trong lớp bụi mịt mù của hai chục con ngựa đó, một chiếc xe ngựa đang chạy lại. Người đang đánh xe, cũng ăn mặc như những người kia, kình trang một màu đen tuyền. Xe ngựa chạy một mạch tới trước lều, sau xe có bốn gã đại hán cũng kình trang màu đen nhảy xuống, bốn người nhảy xuống đất cùng một lúc, bởi vì trên người bọn họ đều có đòn gánh.
Trên đòn gánh có một thùng gỗ, trong đó có hơi nóng không ngớt bốc ra. Bọn họ khiêng cái thùng gỗ lớn đó vào lều.
Lúc bốn gã đại hán đi ra, trên tay chỉ còn thừa đòn gánh. Bọn họ cũng không nói một lời nào, nhảy vào lại trong xe, gã đánh xe lại đưa roi lên đánh một cái, ngựa lập tức xoay đầu lại, xe chạy trở về đường cũ.
Chính ngay lúc đó, lại có hiện tượng mới lạ xảy ra. Rõ ràng là chỉ có một cổ xe chạy trở ra, nhưng bỗng nhiên lại biến thành tiếng động của hai cổ xe ngựa đang chạỵ
- Bọn họ đang làm bùa phép gì vậy?
Gã ăn mày Hoàng Tiểu Trùng thật tình nhịn không nổi cất tiếng hỏi.
- Ngươi hỏi ta?
Bà chủ nhìn ăn mày:
- Vậy thì ta phải đi hỏi ai?
Bà chủ cũng chẳng cần hỏi ai, bởi vì bà ta đã thấy hai cổ xe đang chạy ngược chiều qua. Hiện tượng quái lạ đó, chẳng qua vì có thêm một cổ xe nữa tới Hoàng Thạch Trấn thế thôi. Gã đánh xe trên cổ xe ngựa này cũng ăn mặc in hệt như gã đánh xe bên cổ xe vừa rồi, hiển nhiên cũng cùng một bọn với nhau. Cổ xe ngừng lại đúng vào vị trí cổ xe vừa rồi đã ngừng. - Ngươi xem lần này ai lại đây? Gã ăn mày nhìn bà chủ hỏi, biểu tình trên gương mặt của y, làm ra vẻ đã biết trong xe có thứ gì vậy. - Ngươi cho là trong đó lại có thùng gỗ nữa sao? Ngươi cho ngươi là Thiên Lý Nhãn hay Gia Cát sống lại đấy sao? Bà chủ hỏi. - Làm sao bà biết tôi cho là trong đó có thùng gỗ? Gã ăn mày hỏi. - Bởi vì ta cũng ngu giống như ngươi. Bà chủ nói. Bà chủ nói mình ngu là có lý do, bởi vì bà ta đã thấy những người trong xe bước ra là ai. Không phải là những người mặc áo đen. Không phải là những người mặc kình trang, mà là những thiếu nữ phong tư kiều diễm. Bốn cô thiếu nữ, hai cô hai tay cầm hai cây đuốc, một cô hai tay ôm một bộ y phục trắng toát, còn một cô hai tay ôm một tấm khăn tắm. Bốn cô vừa vào trong lều, cổ xe ngựa lập tức chạy đi. Còn căn lều thì sáng rực lên. Bất cứ căn lều nào, có bốn cây đuốc để bốn góc, đều phải sáng rực rỡ lên, huống gì một căn lều trắng toát như vậy. - Ta biết đám người này lại đây làm gì.
Gã ăn mày dở giọng tự đắc nói. - Ngươi biết? Ngươi biết thật sao? Bà chủ hỏi. - Tôi biết, tôi biết thật mà. - Bọn họ lại đây làm gì? - Bọn họ lại đây dựng buồng tắm lên. Bà chủ đưa tay lên, tính gõ vào dầu ăn mày, nhưng bàn tay bà ta không gõ vào đầu của gã, không phải vì gã tránh né, mà là bà ta bỗng hiểu ra, bà ta hiểu ra không phải gã ăn mày đang trêu chọc mình. Những người này quả thật đến đây để làm buồng tắm. Vì vậy bà ta mở to mắt ra, mở to miệng ra hỏi: - Y quả thật là Tây Môn Xuy Tuyết sao? - Nói thừa, trừ Tây Môn Xuy Tuyết ra, còn ai không nói không rằng xông thẳng vào Hoàng Thạch Trấn như vậy? Gã ăn mày nói. - Đúng, trừ Tây Môn Xuy Tuyết ra, còn ai thích sạch sẽ, không chịu ở trong khách sạn hào hoa duy nhất của Hoàng Thạch Trấn do ta làm chủ này? Ông chủ tiệm tạp hóa bỗng nhiên biến thành thông minh hẳn ra. - Đến Hoàng Thạch Trấn, ăn hết một ngày bụi cát, trừ Tây Môn Xuy Tuyết ra, còn ai nghĩ đến chuyện tắm rữa, thay đổi y phục? Gã ăn mày càng lộ vẻ đắc ý. Cặp lông mày của bà chủ bỗng cau lại. - Sao vậy bà? Gã ăn mày hỏi. - Còn làm sao! Ngươi không thấy Tây Môn Xuy Tuyết đem bao nhiêu người đó lại Hoàng Thạch Trấn sao? Gã ăn mày bật cười, y nói: - Bà yên tâm, Tây Môn Xuy Tuyết mà ỷ đông người thủ thắng, y chẳng phải là Tây Môn Xuy Tuyết đâu. Tây Môn Xuy Tuyết mà là Tây Môn Xuy Tuyết, bởi vì trước giờ y chỉ hành động có một mình. - Nhưng mấy tên mặc áo đen ngươi giải thích sao đây? - Những tên đó chỉ là nô bộc hầu hạ y thôi. Về phương diện đó, Tây Môn Xuy Tuyết là một tên công tử hào hoa, không phải là một tay kiếm hiệp. Do đó, cặp lông mày của bà chủ lại dương ra thoải mái. Bọn người mặc áo đen quả nhiên lại đây dựng phòng tắm cho Tây Môn Xuy Tuyết, bởi vì sau khi mọi chuyện đã được thu xếp ổn thỏa, Tây Môn Xuy Tuyết bèn đứng dậy bước vào lều. - Chúng ta đi thôi. Ông chủ tạp hóa thấy Tây Môn Xuy Tuyết bước vào lều, bèn quay lưng lại tính về tiệm. - Đi? Các ngươi muốn đi thì đi trước đi. Bà chủ nói. - Tại sao? Không lẽ bà muốn nhìn trộm Tây Môn Xuy Tuyết