Mạn Thiên Hoa Vũ - Cảm Hứng Lịch Sử Việt Nam

Chương 57


trước sau


Một nhánh hoa, nhẹ rơi trong mộng cũ
Chợt tỉnh giấc, gửi đến người ra sao?
.

Đạt đặt ly nước lọc lên mặt bàn cạnh giường, cạnh đó là chiếc đồng hồ đếm ngược quen thuộc. Hai năm sống ở Đại Việt của quá khứ, không ít lần tôi nằm mơ thấy tiếng tít tít đáng sợ của nó, khi choàng tỉnh lại không rõ mình đã quay trở về với thế kỷ hai mươi mốt hay chưa.

Lúc này đây, nhìn thấy thằng em trai bằng xương bằng thịt đang nheo mắt dò xét, cả chiếc áo phông yêu thích mặc nhiều tới mức hơi ngả màu... rốt cuộc tôi cũng chấp nhận được sự thật rằng mình đã thoát ra khỏi giấc mộng Đoàn Niệm Tâm rồi.

Tôi chống tay xuống giường ngồi dậy, uống một hơi hết ly nước lọc, cảm thấy đầu óc tỉnh táo hơn đôi phần.

"Tâm làm em sợ chết khiếp." Đạt không đứng yên một chỗ, nó chộp lấy chiếc đồng hồ rồi nhét vào túi quần, như thể đang sợ tôi sẽ đeo lên tay lần nữa. "Tự dưng lại gào lên tên của danh nhân lịch sử, lâu không được vượt thời gian nên bà ngáo rồi hả?"

Hai bên thái dương giật giật không ngừng, tôi hít một hơi khó nhọc, hỏi: "Bao lâu rồi?"

"Bao lâu gì?" Đạt ngẩn người.

"Từ lúc chị ngất ấy."

Từ phản ứng của Đạt, có thể thấy rằng thời gian tôi "biến mất" không hề dài, thậm chí có thể chỉ mới vài ngày trôi qua mà thôi.

Đạt rút điện thoại ra liếc một cái, nhàn nhạt đáp: "Ngất cái gì chứ... hiện tại là mười một giờ ba mươi lăm phút, bình thường giờ này Tâm còn chưa đón bình minh cơ mà."

Như sét đánh ngang tai.

Giọng điệu trêu ngươi của thằng em trai láo toét không hề khiến tôi nổi giận mà thay vào đó, tôi chỉ biết chết trân, tròn mắt nhìn nó.

Hai năm tại Hoàng triều Trần, đổi lại là hơn mười tiếng đồng hồ ở thế kỷ hai mốt.

Thậm chí, tôi cũng không hề bị giật điện như mình đã tưởng.

Đạt nói, sau khi đeo đồng hồ vào tay thì tôi lăn đùng xuống đất bất tỉnh nhân sự. Nó phải dùng sức ba bò chín trâu mới có thể vác được tôi về phòng, nghe tiếng thở đều mới nhận ra tôi chỉ đơn giản là đang ngủ say như chết chứ chẳng có gì nghiêm trọng cả.

Ngày hôm sau, khi Đạt nhớ ra để vào phòng tôi lấy đồng hồ thì bắt gặp cảnh tượng tôi nói mớ. Ban đầu rất bình thường, chỉ là một, hai câu chửi bậy kiểu: "Con mẹ nó, lại ngã xuống sông rồi." Sau đó nghe thấy tôi gọi tên Đoàn Nhữ Hài thì nó mới phát hoảng mà lay tôi dậy.

Tôi không nhẫn tâm khiến bộ não bé nhỏ của Đạt phải chịu thêm áp lực nên quyết định giấu nhẹm chuyện mình đã sống ở Đại Việt những hai năm trời, chỉ lấp liếm cho qua rằng ngủ mơ thấy các nhân vật dưới thời vua Trần Anh Tông.

Đạt khinh bỉ nhìn tôi: "Gớm, cứ giả vờ giả vịt. Thôi được rồi, vài tháng nữa sửa xong Rosie thì em sẽ ưu tiên cho Tâm một chuyến về chơi với công chúa Huyền Trân nhá!"

Nghe vậy tôi chỉ biết cười khổ, không biết nên đáp lời ra sao.

"Tâm dậy đánh răng rửa mặt đi, em xuống cắm cơm. Tí em phải call với leader báo cáo nên Tâm luộc ít rau bắp cải trước rồi chờ em. Hôm nay ăn với gà chiên mắm, okay?" Đạt liến thoắng phân công nhiệm vụ, không quên nhắc nhở thêm. "Đừng có mà ngủ cố nữa, dậy luôn đi đấy."


Mặc dù tràn ngập lồng ngực tôi là một cảm giác hụt hẫng muốn rơi nước mắt, nhưng không thể phủ nhận được cuộc sống tiện nghi của thời hiện đại vẫn là số một.

Đạt ra khỏi phòng, kéo cửa rầm một cái. Tôi lục tìm điện thoại dưới gối, nhanh chóng mở Google ra tìm tên Trần Anh Tông rồi lướt một lượt từ trên xuống dưới.

Lưỡng lự hồi lâu trước mục Gia quyến, tôi tắt điện thoại, vứt lên bàn.

Nếu đã trở về rồi thì không nên để tâm quá làm gì, nhỉ?

Nghe tiếng Đạt xì xà xì xồ ở phòng bên, tôi lười biếng ngả lưng xuống đệm, trộm nghĩ mỗi lần nó họp đều mất cả tiếng đồng hồ. Bây giờ dù chợp mắt thêm ba mươi phút rồi mới dậy rửa rau thì cũng không muộn.

Cuộn mình trong chăn, trên người tôi vẫn là bộ váy có thêu hình hoa cúc ở vạt dưới. Đương nhiên là thằng Đạt không dám tự thay đồ cho tôi rồi.

Mí mắt nặng trĩu, tôi bỏ ngoài tai mấy lời dặn dò của Đạt, tay mò mẫm đặt giờ báo thức trên điện thoại rồi kéo chăn chùm kín đầu, trong chốc lát đã chìm sâu vào giấc ngủ.

...

"Tiên sư mày!"

Dội vào tai tôi là một câu chửi bậy vô cùng truyền cảm và duyên dáng.

Mở trừng hai mắt, tôi ngồi bật dậy như mới gặp phải ác mộng.

Không còn tấm poster Super Junior dán trên tường, cũng chẳng hề có giá sách nhỏ cạnh cửa sổ với chiếc rèm màu ghi đen.

Tôi đang mặc áo giao lĩnh trắng, ngoài ra còn được đắp một chiếc chăn mỏng, che kín gót chân.

Trước mắt tôi là người phụ nữ với mái tóc ngắn lởm chởm, thân mặc viên lĩnh tối màu, dưới chân không đi dép. Mặt đất tung toé những loại lá cây mà tôi không biết tên, còn có một cái thúng đang nằm úp.

Bà ta sững người nhìn tôi rồi gào lên: "Đông Ly!"

Giọng bà ta còn trầm hơn cả Chiêu Văn vương nữa.

Cửa phòng bị đạp tung, Đông Ly xuất hiện với mái tóc được búi cao, trên tay vẫn đang ôm một rổ trứng gà. Trên mặt nó lấm tấm mồ hôi, hai má đỏ hây hây như vừa phải đứng dưới nắng thật lâu.

"Cô cả? Cô tỉnh rồi!" Con bé vội đặt rổ trứng xuống đất, lao tới ôm chầm lấy tôi.

Ôi... giấc ngủ ba mươi phút ấy đã lại đưa tôi quay về với Đại Việt bảy trăm năm trước, với Đông Ly đang bù lu bù loa, sờ nắn tay chân của tôi như muốn xác nhận rằng tôi không chỉ là ảo ảnh.

Tôi dở khóc dở cười, kéo nó ra bảo: "Ô kìa, làm sao đấy?"

Con bé cứ khóc mãi không thôi, nước mắt nước mũi tùm lum.

Người phụ nữ lạ mặt khi nãy không thèm để ý tới chúng tôi nữa, ngồi xổm dưới đất, tay nhặt từng cọng lá vào cái thúng cắp bên nách.

Và... đây hoàn toàn không phải là phòng tôi ở phủ họ Đoàn.

"Nào, nghe ta hỏi cái đã." Tôi dùng tay áo lau nước mắt cho Đông Ly, nghiêm mặt ra lệnh.

Con bé sụt sà sụt sịt đáp: "Dạ. Tại em vui quá thôi..."

Tôi lắc lắc ngón tay: "Đây là nơi nào, hơn nữa..." Sau đó chỉ về phía người phụ nữ. "Bà cô kia là ai? Quan gia đâu?"

Trong đầu tôi vô thức tái diễn lại tình cảnh tại hồ Nhật Thịnh.

Khi ấy, bao quanh mặt trời là một quầng sáng lớn, rung động dữ dội. Không biết vì lý do gì mà lồng ngực tôi như bị bóp nghẹt, toàn thân rã rời. Tôi muốn đứng lên nhưng không có chút sức lực nào, cứ thế mà ngã xuống lòng hồ, hồn phách quay trở về với thân thể của Nguyễn Từ Niệm Tâm.

Theo trí nhớ của tôi, trước khi tôi bất tỉnh thì Trần Thuyên cũng đã lao xuống theo... vậy có nghĩa anh là người vớt tôi lên.

Xem nào, vượt thời gian bằng linh hồn và thể xác không hề giống nhau. Thời gian mà tôi sống ở Đại Việt dưới thế kỷ mười ba là hai năm, nhưng song song với đó chỉ là mười tiếng đồng hồ tại thế kỷ hai mốt. Câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu sự chênh lệch này có chút logic nào để tôi dựa vào đó mà phân tích hay không?

Đông Ly quệt nước mũi, đáp: "Quan gia... Quan gia quay về kinh thành được gần mười ngày rồi ạ. Còn vị kia là thầy của thái y Bân..."

Nơi này không phải là Thăng Long?

Người phụ nữ mà Đông Ly gọi là "thầy của Phạm Bân" tiến đến gần, híp mắt quan sát tôi một lượt. Tôi cũng không để yên, liền nghiêng đầu nhìn bà ta không chớp mắt. Đúng là người đẹp tuổi xế chiều, chỉ có điều yết hầu quá lớn và còn có dáng dấp của đàn ông.

Trong lúc tôi âm thầm đánh giá giới tính của người phụ nữ, bà ta hắng giọng một cái, Đông Ly vô cùng ăn ý kéo tay trái của tôi ra, đặt lên một chiếc gối. Người phụ nữ khẽ chạm lên cổ tay tôi, hơi ấn nhẹ, vẻ mặt suy nghĩ. Được một lát thì đổi phía, ba ngón tay trái của bà ta chạm vào cổ tay phải tôi, lực ấn tương tự như vừa rồi.

Cuối cùng người phụ nữ hất tay tôi xuống, ôm cái thúng vào bụng rồi bỏ ra ngoài. Trước đó bà ta còn lẩm bẩm: "Đúng là cái đồ kỳ quặc..."

Người phụ nữ đi được một lát lại ló đầu vào, mắng: "Con ranh kia, đi ra đây!"

Đông Ly giật nảy người, cẩn thận đứng dậy, dặn tôi cứ yên tâm nghỉ ngơi rồi chạy theo bà ta.

...

Phải chờ đến tối mới có cơ hội được nói chuyện với Đông Ly, con bé mất tăm mất tích cả chiều, vô cùng bận rộn. Tôi nằm trong phòng thi thoảng còn nghe thấy tiếng chửi bới Đông Ly của người phụ nữ nọ, vô cùng đáng sợ.

Xin lỗi, tôi nhầm, là người đàn ông mới đúng.

Tôi gần như không có chút sức lực nào, chỉ ngồi trên giường, tay run rẩy xúc từng miếng cháo. Thân thể này tựa như mới trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh, mới từ cõi chết trở về.


Tướng mạo Đông Ly có gì đó khang khác, bớt đi vài phần tươi tắn, tăng thêm nét phiền muộn bên khoé mắt.

Đáy lòng như có lửa đốt, tôi đưa bát cháo cho Đông Ly, dè dặt hỏi: "Hiện tại là năm nào?"

Con bé liền ngưng động tác, hít một hơi thật sâu rồi đáp: "Hưng Long năm thứ mười một ạ."

Còn chưa kịp phản ứng, nó đã hạ giọng, tiếng nói như nghẹn lại: "Cô cả... cô đã ngủ suốt ba năm qua đấy..."

Trực tiếp bỏ qua những câu hỏi kiểu: "Cái gì, ba năm là sao?" rồi vật vật vã vã mất thời gian, tôi thấy mình đã đủ vững vàng, không còn bị những thông tin như vậy khiến cho bàng hoàng nữa.

Ba năm trước, tôi được Trần Thuyên kéo lên từ dưới hồ, hai mắt nhắm nghiền. Phạm Bân đang trực trong cấm cung bị Thành An lôi cổ đến, sau khi chẩn mạch thì không thấy có gì bất thường, phán đoán rằng do cơ thể mệt mỏi nên tôi mới rơi vào giấc ngủ sâu mà thôi. Thái y mà ăn nói luyên thuyên gớm.

Trần Thuyên không an lòng, ở lại cạnh tôi suốt ba ngày ba đêm.

Sau đó anh phải hồi cung, chính sự không thể bỏ lỡ chỉ vì một người.

Ba ngày, nửa tháng, tôi vẫn không tỉnh lại.

Phạm Bân bó tay chịu chết, đành phải viết thư nhờ vả thầy mình là Dương Gia - cha của Dương Thu Nguyệt mà tôi từng gặp ở phủ họ Đỗ. Ban đầu Dương Gia từ chối, phần vì ông ta không thích dính dáng tới hoàng thất, còn lại là bởi Dương Gia mới chuyển nhà lên núi, muốn sống một cuộc đời cô độc cho đến khi chết, tránh tiếp xúc với quá nhiều người.

Dù Trần Thuyên có hứa hẹn bao nhiêu vàng bạc thì Dương Gia cũng phớt lờ. Cho đến khi biết được tôi mắc phải "bệnh lạ", cảm thấy cái danh thần y của mình bị thách thức thì ông ta mới đồng ý.

Để tránh gây "hoang mang dư luận", Đoàn Nhữ Hài thông báo với mẹ, em dâu Vân Phi của tôi và tất cả mọi người rằng tôi ốm nặng nên phải về quê tĩnh dưỡng. Bằng tài thuyết khách của mình, cậu ta khiến mẹ phải yên lòng ở lại kinh thành, Đỗ Chi không bù lu bù loa, và tránh được một phen khó xử với vợ chồng Chiêu Văn vương.

"Chứng bệnh" của tôi không bình thường nên phải giữ kín, ngoài Đông Ly đi theo chăm sóc thì cũng chỉ có Trần Thuyên, Thành An, Phạm Bân và em trai Đoàn Nhữ Hài là tỏ tường.

Ba năm trôi qua, thế sự đổi thay.

Cùng năm tôi gặp nạn, Hưng Đạo đại vương qua đời tại phủ đệ Vạn Kiếp. Tuy rằng ông trở bệnh đã lâu nhưng đây vẫn là một tổn thất rất lớn với Đại Việt, Trần Thuyên vô cùng đau lòng. (1)

Vợ chồng Đoàn Nhữ Hài đã có một cậu con trai kháu khỉnh, đặt tên là Lâm Vũ. Mẹ là Vân Phi - tức mây bay, con là Lâm Vũ, mưa trên rừng. Còn gì hoà hợp hơn thế? (2)

Quay trở lại với Dương Gia, dù ông ta có y

thuật cao siêu đến đâu thì cũng không cách nào trị khỏi "bệnh" cho tôi. Đông Ly và tôi đành ở lại trong căn nhà nhỏ của Dương Gia tại huyện Thuỷ Vĩ (3), trấn Quy Hoá, ngày ngày chờ ông ta chẩn mạch, chỉ mong có chút chuyển biến.

Thấm thoắt đã ba năm, tôi giống như người đang say ngủ nhưng thực tế thân thể hoàn toàn "đóng băng", không hề có bất cứ thay đổi nào so với trước đó. Tức là: Tóc không mọc dài, không cần ăn uống, chỉ tồn tại qua ngày như vậy.

Cứ hai tháng một lần, sau ngày rằm vài hôm là Trần Thuyên lại từ kinh thành vượt gần hai trăm dặm đến thăm tôi, đi theo chỉ có Thành An, không ai khác nắm được tung tích. Anh chỉ ở lại nửa ngày, nhìn thấy tôi vẫn bình yên là lại quay trở về tiếp tục xử lý triều chính.

Trần Thuyên quả quyết rằng trên đời này không thiếu thứ bệnh kỳ lạ, lại dùng mấy lời khích bác Dương Gia. Người đàn ông này tính tình cổ quái, vui giận thất thường, bị Trần Thuyên gọi là thầy thuốc dỏm thì nổi giận, lập lời thề sẽ tìm cách khiến tôi tỉnh lại.

Đã có Quan gia và thần y lên tiếng, mấy người Đông Ly chỉ biết chấp nhận rằng tôi đang bị bệnh nặng, hiện chưa có thuốc chữa mà thôi.

Chỉ là khi Dương Gia còn chưa ra được bài thuốc nào thì tôi đã đột ngột mở mắt, nói năng như thường. Ông ta chẩn mạch xong liền sửng sốt, có lẽ không ngờ được trên đời này còn có người kỳ quặc hơn cả mình nữa.

Khi tôi ở trong trạng thái ngủ say, thân thể bình thường, sức khoẻ vô cùng tốt. Nay đã tỉnh giấc lại thấy chính khí hư nhược nghiêm trọng, cần phải bồi bổ cho tốt.

Đông Ly buông màn cho tôi, nhẹ nhàng bảo: "Sáng sớm mai em sẽ tìm cách báo tin về Thăng Long, cô cả phải ngủ sớm, ăn uống đầy đủ cho thân thể sớm ngày khoẻ lại, Quan gia cũng yên lòng."

Tôi hỏi: "Từ kinh thành đến nơi này mất bao lâu?"

Con bé ngẫm nghĩ giây lát rồi đáp: "Cả đi cả về chắc khoảng bốn, năm ngày đó ạ." Nó tủm tỉm cười, nói tiếp: "Cô nóng ruột muốn gặp Quan gia lắm rồi phải không?"

Đối với tôi chỉ mới là một ngày, còn Trần Thuyên thì đã là ba năm cách trở. Ai nóng ruột chứ chẳng phải tôi đâu.

"Luyên thuyên!" Tôi mắng Đông Ly.

Con bé cười khúc khích trêu ghẹo vài câu, thổi tắt đèn rồi đi về phía giường của mình.

Nơi này không phải phủ họ Đoàn rộng rãi thênh thang, tôi và Đông Ly phải ở chung phòng. Nghe nói nửa tháng trước Dương Gia còn cứu được một cô gái bị thương do gặp phải thổ phỉ, hiện đang phải "tạm trú" ở trong một gian phòng chứa đồ bé tẹo chứ không được may mắn như tôi.

Chuyện này cũng hơi tức cười, Dương Gia tuy là thầy thuốc nhưng chẳng hề có tấm lòng bồ tát như học trò Phạm Bân, bởi vậy ông ta càng không có ý định giúp đỡ bất cứ người qua đường nào. Đông Ly bị Dương Gia sai đi hái quả, vô tình gặp phải cô gái kia nên mới đưa về, đây cũng là lần đầu con bé sử dụng vũ lực để ép buộc Dương Gia cứu người.

Một ngày của Đông Ly tương đối bận rộn, ngoài để ý tôi thì giờ còn thêm việc chăm sóc cô gái nọ, phải thổi cơm nấu nướng, giúp Dương Gia quét sân, dọn vườn, sắc thuốc. Ấy vậy mà con bé vẫn quyết định ở lại nơi này cùng tôi suốt ba năm, chấp nhận sống trong thiếu thốn...

So với Trần Thuyên không kể mưa gió mà vượt trăm dặm đường từ kinh thành đến thì sức nặng của Đông Ly trong lòng tôi không kém hơn là bao nhiêu.

Nghe tiếng Đông Ly thở đều, con bé hẳn đã đi vào giấc mộng đẹp rồi. Tôi tự véo vào tay mình thật mạnh, cảm nhận rõ rệt cơn đau mới thở phào một hơi. Cơ thể tôi không có mấy sức lực, đầu óc tựa trên mây, cơn buồn ngủ ập đến như sóng trào.

Tôi không dám ngủ, chỉ sợ rằng một lần nữa mở mắt ra sẽ lại thấy Đạt ngồi đó, hỏi tôi có làm sao không.

Và cũng là một lần nữa... phải cách xa Trần Thuyên tới bảy trăm năm đằng đẵng.

Khi tôi đang vật lộn với chính mình, không để ý tự lúc nào đã có một bóng người dong dỏng cao đứng ở cuối giường.

Đông Ly vẫn đang nằm ở phía bên kia phòng, tôi nhớ rằng Dương Gia chỉ thấp có một mẩu nên có thể loại trừ. Đây chắc chắn cũng không phải là cô gái bị thương kia, vóc dáng này chỉ có thể là một người con trai.

Ngay đêm đầu tiên về với Đại Việt mà tôi đã có cơ hội được gặp gỡ với ma miền núi rồi cơ à? Hãnh diện quá đấy.

Tôi chán đến mức chẳng hề cảm thấy sợ hãi, trơ mắt nhìn bóng người tiến lại gần, từ từ ngồi xuống mép giường và cẩn thận kéo chăn che kín chân giúp tôi.

Ma mà cũng lịch sự quá thể.


Trong phòng tối đen như mực, chỉ có chút ánh sáng mờ ảo rọi vào từ khe cửa. Tôi có căng cả mắt ra cũng không thể thấy rõ được khuôn mặt của người lạ kia, chỉ biết tự hỏi cửa nẻo đều đóng chắc rồi, anh ta vào bằng cách nào?

"Lâu lắm không gặp, dạo này em gan phết!"

Ối chao, chất giọng nam tính này là của ai?

Thấy tôi im lặng không đáp, người kia liền tỏ ra hờn dỗi: "Còn hẹn hẹn hò hò, nói rằng nhất định sẽ chờ tôi đến đón, vậy mà bây giờ đã quên rồi? Hử?"

Cả người tôi lạnh toát: "Quỷ Dẫn Đường?"

Anh ta phá lên cười, búng tay một cái: "Bingo!"

Tôi suýt khóc: "Anh... anh đến đưa tôi đi à?"

Quỷ Dẫn Đường khẽ vỗ vào trán tôi, lắc đầu: "Dĩ nhiên là không rồi. Tuy nhiên hiện tại tình trạng của em quá tệ, tôi phải đích thân tới thăm nom một lát."

Tôi vội nói: "Cho tôi hỏi một câu nhé."

Anh ta nghĩ rất lâu rồi mới đáp: "Được, nhưng chỉ hỏi duy nhất một câu thôi nhé. Mà hợp lý thì tôi mới trả lời em."

"Vì sao ngày ấy chỉ ngã xuống hồ thôi mà tôi lại có thể quay về thời hiện đại?"

Quỷ Dẫn Đường bật cười, bảo: "Liên quan gì tới sông nước mà em ghê gớm thế. Linh hồn em vốn đâu thuộc về thế giới này, sống trong thân xác của Đoàn Niệm Tâm đã là bất đắc dĩ, không cẩn thận một chút là tiêu đời ngay."

Nói hết câu, anh ta không tỏ ra cợt nhả nữa mà bắt đầu nghiêm túc giải thích cho tôi nghe. Có thể hiểu đại khái là ngày hôm đó mặt trời toả ra một nguồn năng lượng vô cùng mạnh mẽ, mà linh hồn tôi lại thuộc về một khoảng thời không khác, tần số rung động khác thường nên lập tức bị đá bay về với thân thể thật của mình.

Đáng ra tôi đã có thể an toàn nếu cứ ở rịt trong nhà, nhưng không, tôi lại chọn chèo thuyền ra giữa hồ Nhật Thịnh chơi đùa cùng Trần Thuyên. Cái tên Nhật Thịnh có nghĩa là "ánh sáng rực rỡ của mặt trời", xét về mặt tâm linh thì quả thực đây không phải một địa điểm tầm thường. Thêm vào đó, bên cạnh tôi còn có một vị hoàng đế, cũng có thể coi đây chính là "mặt trời" của Đại Việt. Hơn nữa vua còn là "thiên tử" - "con trời", mang khí thế của vạn quân, khiến quỷ thần khiếp sợ.

Quỷ Dẫn Đường đặt tên cho sự kiện này là "Tam Nhật Trùng Tụ" vạn năm có một, bởi chẳng có ai xuyên hồn mà lại đen đủi kiểu kỳ quặc như tôi cả.

Nhờ anh ta tôi cũng mới hiểu được lý do bản thân hay ốm yếu. Mặc kệ Đoàn Niệm Tâm này có phải kiếp trước của tôi hay không thì thân thể của nàng cũng không thể "khớp" một trăm phần trăm với linh hồn tôi được. Sau khi tôi úm ba la xì bùa biến thành Đoàn Niệm Tâm thì sẽ phải mất một khoảng thời gian ngắn để "hai bên" hoà hợp, từ đó tôi mới có thể sống được như người bình thường.

Trong thời gian đó, do vẫn chưa phải một con người hoàn chỉnh nên tôi mới có đôi chút khả năng nhìn thấy ma quỷ, tuy nhiên như Quỷ Dẫn Đường nói thì tất cả đều là hên xui mà thôi.

Về bản chất thì Đoàn Niệm Tâm đã chết từ lâu, thân thể này còn trên cõi đời này hoàn toàn là nhờ tôi, hay nói đúng hơn là một nguyên nhân nào đó mà Quỷ Dẫn Đường không thể tiết lộ.

Tôi khẽ nghiêng đầu nhìn Đông Ly ở phía bên kia, thấy con bé vẫn yên giấc, không hề bị ảnh hưởng bởi cuộc nói chuyện của tôi và Quỷ Dẫn Đường.

Dáng người thanh mảnh của Quỷ Dẫn Đường như hoà lẫn trong màn đêm, yên ắng lạ thường. Anh ta không có hơi thở, lại ngồi yên như tượng, tôi giật mình tưởng anh ta biến mất lúc nào rồi.

Một con quỷ mà cũng biết do dự, hồi lâu Quỷ Dẫn Đường mới lên tiếng: "Tôi chỉ muốn nhắc em nhất định phải vững tâm. Ai chê cũng mặc, ai cười mặc ai."

Tôi sửng sốt: "Anh có ý gì?"

Tiếng Quỷ Dẫn Đường như gần như xa: "Đến lúc ấy... em sẽ hiểu."

Dứt lời, tôi choàng tỉnh, phía ngoài trời đã sáng rõ.

---

Nhất chi mê nhập cố nhân mộng,
Giác hậu bất kham trì tặng quân.

Có nghĩa:

Một nhánh hoa, nhẹ rơi trong mộng cũ
Chợt tỉnh giấc, gửi đến người ra sao?

(Trích "Tảo mai kỳ 2" - Trần Nhân Tông.
Thường Yên dịch thô)

(1) Đại Việt Sử ký Toàn thư chép:
Canh Tý, [Hưng Long] năm thứ 8 [1300]
Mùa thu, tháng 8, ngày 20, Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư thượng phụ thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương.

(2)Trong tên của Đoàn Nhữ Hài, chữ Hài có nghĩa là hài hoà, hoà hợp

(3) Huyện Thuỷ Vĩ: Lào Cao hiện nay



trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện