Vẽ bóng cầu treo, ngược dòng suối
Một vệt nắng chiều, sóng nước reo.
.
Vẫn là câu nói cũ: Có sức khỏe là có tất cả.
Không dám lười nhác nằm ườn một chỗ, tôi tự ép mình trở người, nhờ Đông Ly đỡ ra ngoài sân tản bộ.
Ngoài ăn uống đủ chất để bồi bổ cơ thể thì tôi còn phải nạp vào người các một đống thuốc thang đắng ngắt theo chỉ thị của Dương Gia, mỗi ngày vận động cơ thể và tắm nắng để nhanh chóng được sống như một người bình thường.
Hiện tại tôi và Đông Ly đang tạm trú ở nhà riêng của Dương Gia tại trấn Thiên Hưng (1), cách kinh thành Thăng Long tới hai trăm dặm đường.
Vị thần y này sống một mình nên căn nhà cũng chỉ có mấy gian, bao gồm phòng ngủ của ông ta, một căn phòng dành riêng cho con gái - tức Dương Thu Nguyệt - nếu có đến thăm, phòng để đồ, phòng bếp.
Trước nhà là một khoảng sân rộng, ra khỏi cổng sẽ thấy hai hàng cây dẫn lối, cây nào cây nấy đều cao tới bốn, năm mét. Tán cây rộng, rợp một màu trắng tinh khôi với những chùm hoa bung nở. Tôi và Đông Ly đều không rõ đây là cây gì, con bé đã từng hỏi Dương Gia nhưng chỉ nhận được cái nhìn đầy khinh bỉ nên đành bỏ cuộc.
Ngay dưới gốc cây đầu tiên bên trái có đặt một chiếc chõng tre nhỏ, tôi mới đi qua đi lại một lúc đã thấm mệt, liền phủi đi vài chiếc lá rơi trên đó rồi ngồi xuống nghỉ ngơi.
Nghĩ cũng kỳ lạ, hoạt động rồi mới thấy gân cốt đều vô cùng bình thường, tôi không hề giống với người phải nằm liệt giường suốt ba năm. Có chăng chỉ cảm thấy hụt hơi một chút, đầu óc choáng váng, nói chuyện vài câu là phải thở dốc. Có lẽ đúng như Quỷ Dẫn Đường đã nói, cơ thể này của Đoàn Niệm Tâm vốn đã chết từ lâu, còn tồn tại đến giờ đều là nhờ vào linh hồn của tôi cả.
Đông Ly mang tới cho tôi một bát nước ấm, chỉ vào cái chõng tre rồi nói: "Ngày em và cô quay về Thăng Long sắp đến rồi, em nhất định phải mang theo nó về."
Tôi chỉ có thể uống từng ngụm nước nhỏ, động tác vô cùng chậm chạp.
"Ồ, cái chõng này đặc biệt thế cơ à?" Nước trong bát khẽ sánh, rơi vài giọt xuống áo nhưng tôi không quá để tâm, chỉ tò mò vì sao Đông Ly lại muốn đem theo thứ này quay lại kinh thành.
Con bé cười rộ lên: "Đây là chiếc chõng tre có một không hai, do đích thân Quan gia và anh An đẽo gọt, ráp từng thanh lại đó ạ."
Chà, thông tin này đúng là khiến tôi phải mở rộng tầm mắt. Tôi khẽ lắc người vài cái, còn thấy cái chõng này không được chắc chắn cho lắm, thì ra là do Trần Thuyên và Thành An bắt tay nhau tạo nên.
Đông Ly giống như thuyết khách của Trần Thuyên, hùng hồn ngợi ca ông chủ, đồng thời đá vài câu sang việc Thành An khéo léo ra sao, chăm chỉ thế nào.
Một trận gió thổi tới, hương hoa thoang thoảng vờn quanh.
Con bé Đông Ly vẫn tiếp tục bài ca của mình, kể lại chi tiết mỗi lần Trần Thuyên đến thăm tôi trong suốt ba năm qua.
Phía trước chỉ là một màu xanh ngút mắt của cỏ cây nhưng tôi lại như thấy được Trần Thuyên vừa bước qua cánh cổng kia, hai tay ẵm chặt tôi đang ngủ say, từ tốn ngồi xuống chính vị trí này.
Hai chúng tôi ở dưới cây hoa trắng, Trần Thuyên ôm tôi trong lòng, có khi ngước lên nhìn ngắm bầu trời, khi lại cúi xuống như đang thủ thỉ điều gì đó cho tôi nghe.
Đông Ly bảo, Quan gia của con bé sợ tôi nằm trong phòng bí bách nên mới cùng Thành An ráp lại một cái chõng đặt bên ngoài, mỗi lần đến đều bế tôi ra để "tận hưởng chút không khí trong lành".
"Quan gia luôn nói rằng cô sẽ tỉnh lại." Đông Ly nhìn tôi, cười bảo.
Liệu niềm tin này có phải là lý do chính mà tôi quay trở lại Đại Việt hay không?
Đông Ly đã quét tước dọn dẹp xong xuôi, quyết định nghỉ ngơi hóng gió cùng tôi một lát.
Con bé khép hờ mi mắt, khẽ khàng ngân nga một giai điệu dịu dàng. Hẳn lúc này Đông Ly đang nghĩ tới Thành An.
Tính cách của Đông Ly hướng ngoại nhưng mỗi lần gặp Thành An đều như muốn thu mình lại, nói năng cẩn trọng hơn, cố gắng tỏ ra mình là một người con gái dịu dàng.
Thành An ở kinh thành, Đông Ly lại lựa chọn theo tôi lên núi, chấp nhận vài tháng mới được gặp người thương một lần. Nếu không phải tình cảm giữa hai người vô cùng bền chặt, chẳng sợ sóng gió thì có lẽ chỉ là một mối đơn phương, chưa kịp tỏ bày.
Theo như tôi quan sát trước nay thì Thành An đối xử với Đông Ly rất tốt, chỉ có điều lại tương tự với cách Đỗ Quân quan tâm tôi ngày xưa. Tức là, có chút tình cảm gì đó không rõ ràng nhưng lại phân định rạch ròi, biến nó thành mối quan hệ giữa anh trai và em gái.
"Cứ nhắc mãi tới Quan gia làm gì? Còn Thành An của em thì sao?" Tôi tủm tỉm chuyển chủ đề, muốn thăm dò thái độ của con bé xem ra làm sao.
Khoé miệng Đông Ly hơi trĩu xuống, ánh mắt như tối lại nhưng rất nhanh, con bé đã lại nhe răng đùa giỡn: "Ôi chao, cái gì mà của em chứ!"
Trong lồng ngực lại xuất hiện cảm giác hụt hẫng khôn cùng, Đông Ly đáng thương của tôi vẫn cứ giữ mãi mối tương tư này suốt mấy năm qua sao?
Tôi hạ giọng: "Ta biết em có tình cảm với anh Thành An mà, hai người hiện tại có gì tiến triển chưa?"
Hai má Đông Ly đỏ bừng, vội cúi đầu xuống không lên tiếng.
Thực ra Đông Ly bằng tuổi Đoàn Niệm Tâm, tức là tính tới bây giờ đã khoảng hai ba, hai tư tuổi, ở thời đại này không còn trẻ trung gì nữa. Vậy mà cứ nhắc đến Thành An là nó lại như biến thành một đứa trẻ con, rụt rè, ngại ngùng, chỉ sợ bị cười trêu.
Tôi còn đang cân nhắc, không biết nên tiếp tục làm công tác tư tưởng cho con bé như thế nào thì Đông Ly đã ngẩng lên, gương mặt mang nét buồn man mác.
Con bé khẽ khàng nói: "Trong lòng anh An... có người khác rồi cô ạ."
Một câu ngắn gọn nhưng đã chôn vùi biết bao nghẹn ngào của Đông Ly, con bé chỉ mím môi, không dám tỏ thêm bất cứ thái độ nào.
Trước giờ tôi chỉ biết Thành An trên dưới ba mươi tuổi, đã theo Trần Thuyên từ rất lâu, xung quanh không hề xuất hiện một bóng hồng nào. Gương mặt y có thể nói là khá ưa nhìn nếu như không bị một vết sẹo phá hỏng mĩ quan.
Đông Ly lại nói: "Nếu không phải có lần anh An say rượu lỡ lời thì em cũng đâu biết được chuyện này. Bên người anh ấy luôn mang theo một bức tranh, vẽ cảnh hoa sen dưới đêm trăng. Anh An gọi nó là Liên hoa vọng nguyệt."
Tưởng đâu Thành An chỉ biết đánh đánh đấm đấm, ai ngờ cũng văn vẻ không kém em trai Nhữ Hài nhà tôi ấy nhỉ.
"Anh An không biết vẽ nên tới tám, chín phần bức tranh này là của người con gái kia để lại. Hơn nữa, anh ấy còn tự tay đề hai câu thơ, rằng:
Người đời cười nói vô tri,
Nào ai hiểu thấu nỗi lòng hồng nhan." (2)
Đông Ly cười buồn, dịu dàng ngâm.
Một Nhất đẳng Ngân bài Thị vệ, là người không thể thiếu bên cạnh hoàng đế lại có nỗi niềm riêng, không thể buông tay. Hơn nữa, có vẻ như người trong lòng của Thành An không có cuộc sống hạnh phúc cho lắm, thậm chí y và nàng lại không thể đến với nhau, bức tranh là tất cả còn sót lại giữa hai người.
Đang đà tâm sự nên Đông Ly cũng chẳng ngần ngại mà tiết lộ thêm cho tôi biết về thân thế của Thành An.
Y đi theo Trần Thuyên từ những ngày anh còn là Đông cung Thái tử. Cha của y là binh sĩ tử trận trong cuộc chiến với quân Mông Nguyên, mẹ cũng mất sớm nên từ nhỏ y đã được đưa đến Côi Sơn tự tại phủ Thiên Trường sinh sống. Không rõ vì lý do gì mà Thành An lọt vào "mắt xanh" của Trần Thuyên, được về Thăng Long theo hầu thái tử.
Cũng may là y có chút võ vẽ nên về sau mới lên được chức thị vệ riêng của Trần Thuyên, chứ nếu nhập cung làm nội thị thì mối tình của Đông Ly dành cho y đã chết từ trong trứng nước rồi.
Võ công của Đông Ly tới một nửa là do Thành An đích thân chỉ dạy, được y đặc biệt quan tâm săn sóc nên nảy sinh tình cảm cũng là điều không tránh khỏi.
Con bé Đông Ly này thích Thành An dễ phải đến sáu, bảy năm trời, thậm chí biết y đã có người khác nhưng vẫn âm thầm chịu đựng, không tiến lên cũng không từ bỏ. Về điểm này, tôi chắc chắn không thể so sánh với nó được.
"Ê!"
Dương Gia lớn tiếng gọi từ xa, trên lưng còn đeo một cái giỏ lớn. Trong giỏ là vô số những búp hoa hình bầu dục, to bằng lòng bàn tay. Nhìn qua tôi còn tưởng một giỏ toàn lá cây.
Ông ta ném cái giỏ cho Đông Ly, kéo áo lên lau mồ hôi trên trán rồi nói: "Ngươi mang vào rửa sạch rồi lau khô. Đầu giờ Mão sáng mai thì trải một cái khăn ra sân, đem phơi hết đống này lên đó. Đến chiều tắt nắng thì lại cất vào. Lặp lại như vậy vài ba ngày nhé."
Đông Ly ôm giỏ trong tay, vâng dạ rất ngoan. Dương Gia còn chưa yên tâm, gọi với theo: "Nhớ là phải cẩn thận kẻo rách, ngày mai đem ra phơi ngoài nắng đấy."
Ông ta còn nhìn chăm chăm theo Đông Ly, chính xác là cái giỏ kia, như sợ con bé sẽ làm đau đống hoa ấy vậy.
Chắc chắn đây là một loại dược liệu quý hiếm nào đó thì mới có thể khiến thần y Dương Gia phải chăm lo từng tí một như thế.
Tôi nổi lòng tò mò: "Ông cho con hỏi, đó là cây gì thế ạ?"
Ánh mắt Dương Gia vẫn mơ mơ màng màng, vô thức đáp: "Là cây Hoàng Vân..." (3)
Trả lời rồi ông ta mới giật mình khỏi giấc mộng, quay ngoắt lại lườm tôi. Thật sự là gương mặt mỹ nhân hiền lành này không hề phù hợp với tính cách quái gở của Dương Gia chút nào.
Như vừa nghĩ ra điều gì đó vô cùng ác độc, Dương Gia nhếch miệng cười, hai mày hơi nhíu lại khiến tổng thể khuôn mặt đểu cáng đi mấy phần.
Ông ta hất hàm với tôi: "Đợi mấy nữa phơi khô, ta cho ngươi thử một ít nhé. Đốt lên rồi ngửi là thích lắm đấy."
Tôi co rúm lại một chỗ, lắc đầu quầy quậy: "Dạ thôi, con không dám."
Từ thái độ của Dương Gia cũng có thể thấy được dù loài cây kia có quý giá đến đâu thì nó cũng không có gì tốt đẹp cả.
Hơn nữa...
"Lá cây này có thể gây nghiện đúng không ạ?" Tôi híp mắt, quyết định dò hỏi Dương Gia.
Toàn thân ông ta chấn động, tròn mắt nhìn tôi. Dương Gia cao giọng: "Nhóc con cũng am hiểu các loại dược liệu sao?"
"Không ạ, nhưng con đã từng nghe nói về loài cây này rồi." Tôi chậm rãi đáp.
Cây Hoàng Vân thì không biết nhưng tôi có chút ít kiến thức về cần sa, hoa anh túc, coi như đủ dùng. Ví dụ như việc lấy búp hoa phơi khô rồi đốt lên lấy khói để hít, tôi từng dịch một đoạn phim Mỹ nói về vấn đề này nên cũng nắm được cơ bản.
Dương Gia hừ một tiếng, đảo mắt: "Cái thứ ăn trắng mặc trơn ở kinh đô như nhà ngươi, nghe được ở đâu mà nghe. Bốc phét vừa thôi."
Sao lại có một người đàn ông với giọng điệu đanh đá chua ngoa đến thế nhỉ!
Tôi bực mình: "Phơi khô rồi đốt cháy, khói của nó khi hít vào có thể gây rối trí, hoảng loạn, thậm chí là nhìn thấy ảo giác phải không ạ?"
Lần này thì Dương Gia đã phải thay đổi nét mặt, không còn cau có với tôi nữa.
"Sao ngươi lại biết rõ về cây Hoàng Vân như vậy? Ngươi từng thử rồi hả?" Ông ta trầm giọng.
Trời ơi, người ta là con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, sao lại nghĩ tôi từng dùng chất cấm như thế chứ! Tôi cật lực lắc đầu, sợ rằng ông ta lại ép hỏi mấy câu dạng như vậy nên chuyển chủ đề: "Vì sao loại cây ấy lại tên là Hoàng Vân ạ?"
Đinh ninh rằng chỉ cần hỏi một câu cực kỳ nhàm chán là Dương Gia sẽ mặc kệ, tôi không ngờ ông ta lại quay ngoắt một trăm tám mươi độ, tốt bụng giải thích:
"Dân gian tương truyền, vùng