Hai người đứng bên ngoài chờ đợi mãi không thấy động tĩnh gì, hét gọi cũng không nghe hồi đáp, giật dây thừng cũng yên ắng bất động. Bọn họ cho rằng đã xảy ra chuyện xấu, đang định nghĩ cách quay về báo cáo với đơn vị, thì đúng lúc này Khỉ Già trèo lên. Hắn bảo tìm thấy một vật rất quý nhưng vì nặng quá, hai người vần mãi không xong, nên nhờ những người còn lại xuống giúp sức, bây giờ Nhị Lãn Tử vẫn ở dưới đó canh chừng.
Hai người kia nghe nói vậy thì động lòng, cũng không nghĩ ngợi gì nữa, chỉ hỏi một câu: “Trong động có an toàn không?” Khỉ Già nói: “Nó là cái hố có đáy khá chắc chắn, chẳng thấy bóng dáng con vật nào cả”. Hai người kia thấy tiền thì nổi máu tham, lập tức bạo gan cùng đi với hắn.
Xuống dưới đó chẳng bao lâu, thì lão Khỉ Già lấy súng bắn chim đốn ngã một tên, tên còn lại sợ đực mặt ra, chưa kịp hiểu ra chuyện gì, đã bị một dao đâm trúng tim. Thì ra, gã Khỉ Già là dân ngoại tỉnh, sớm biết trong núi Thần Nông Giá chôn giấu minh khí đồng xanh, chỉ cần tìm thấy một món rồi trốn ra nước ngoài, thì cũng đổi được khoản tiền kếch xù.
Khổ nỗi, hắn lại không thông đường thuộc lối, cộng thêm cánh rừng rậm nguyên sinh này đâu phải dễ chơi. Thế là, trước tiên hắn trà trộn vào lâm trường làm lụng một thời gian, rồi rủ hội Nhị Lãn Tử, những người dân bản địa đã thạo địa hình, dẫn hắn vào núi. Sau khi tìm thấy vật cần tìm, hắn lập tức ra tay giải quyết nhanh gọn ba gã đen đủi, tiếp theo đó vượt núi định trốn về phía nam, chẳng ngờ giữa đường thì bị tóm cổ.
Lúc ấy, hắn mới khai ra chuyện này. Nhưng, khi công an vào núi tìm kiếm thi thể người bị hại, thì nước mưa đã xói lở sườn núi, lấp kín cửa động, bởi vậy không tìm được xác. Nếu cứ vậy mà khép lại vụ án thì chẳng có gì đáng bàn. Điều đáng bàn là, địa điểm bắt được gã Khỉ Già trên tàu hỏa.
Khi đó, có hai nhân viên nhà tàu đến soát vé, thấy hành tung tên Khỉ Già lén la lén lút, trông rất khả nghi, vì hai mắt cứ láo liên, tay lại ôm khư khư một bọc rất to, nên hai anh liền lại gần hỏi hắn mấy câu, đồng thời yêu cầu cho kiểm tra hành lý. Khỉ Già có tật giật mình, lập cà lập cập mở bao hành lý ra.
Nào ngờ, hắn đột nhiên ném vụt thứ bên trong ra ngoài cửa sổ. Lúc ấy, đoàn tàu đang băng qua cầu, dưới chân cầu là dòng sông nước chảy cuồn cuộn, có vẻ rất xiết. Vật bị ném xuống có mà tìm đàng trời. Hắn nhất thời hoảng hốt, đã tiêu hủy chứng cứ, nhưng nhân viên soát vé và các hành khách xung quanh thì thấy rõ mồn một, vật Khỉ Giả ném đi là xác một đứa bé, chứ nào phải minh khí đồng xanh gì, hai thứ ấy khác nhau một trời một vực, dẫu có cận thị cũng đâu thể nhìn lầm được chứ? Có điều, mặc cho cảnh sát liên tục thẩm vấn, Khi Già chỉ nhận mình đã sát hại ba mạng, còn chuyện kia thì khăng khăng không chịu nói thật, một mực bảo mọi người trên tàu nhìn lầm.
Khi đó, cả nước đang dấy lên phong trào trấn áp, thanh trừ phản động, nên trong tình hình đó, bất kể Khỉ Già phạm phải điều luật gì, thì tội ác của hắn cũng không thể dung tha. Hắn mau chóng bị áp giải ra pháp trường xử bắn; còn chuyện Khỉ Già rốt cuộc đã tìm thấy thứ gì trong núi, có lẽ chỉ một mình hắn mới biết rõ mà thôi.
Ông bác cựu binh nói với hội Tư Mã Khôi: “Các đồng chí trong cục cảnh sát đã vào núi tìm chứng cớ, bốn năm đồng chí đội mũ bằng, tá túc ở lâm trường tụi tôi; tôi toàn nấu cơm cho các đồng chí ấy ăn. Lúc ăn cơm, nghe các đồng chí ấy kể rất nhiều tình hình, nên tôi mới biết tường tận từng chi tiết như vậy.
Tôi cũng biết gã Khỉ Già đó, hắn đáo để lắm, cũng lên bắc xuống nam suốt, biết rất nhiều chuyện trên trời dưới bể, đáng tiếc là cái bụng hắn xấu quá, có bản lĩnh nhưng không đi con đường chính đạo, cuối cùng phải đền bằng chính mạng sống của mình”. Tư Mã Khôi và Hải ngọng nghe xong, đều cảm thấy chuyện này quá là tà mị.
Nếu vật gã Khỉ Già ném xuống sông từ toa tàu hỏa là xác đứa trẻ, thì vì sao hắn lại không thừa nhận? Hắn đã mang trọng tội sát hại ba mạng người, thì cho dù giữa đường có hại chết thêm một đứa trẻ, hoặc là lén vận chuyển thi thể của đồng nam đồng nữ xuống phía nam, thì chung quy cũng vẫn mắc tội chết, hà cớ gì còn không chịu nói thật cơ chứ? Tư Mã Khôi nghe nói, trước đây có một cuốn du ký, kể về một nhà thám hiểm người Ý, tên là Marco Polo.
Thời Nguyên, Marco Polo theo đoàn thương nhân bộ hành vạn dặm đến Trung Quốc, ông từng diện kiến Hốt Tất Liệt. Sau khi trở về quê hương, ông đã tập hợp tất cả những chuyện kì lạ mắt thấy và tai nghe dọc đường và ghi chép lại trong cuốn du ký, những chuyện trong đó đã gây chấn động rất lớn.
Nhưng, trước lúc lâm chung, Marco Polo đã nói: những điều mình viết lại chỉ là một nửa những gì mình tận mắt nhìn thấy, còn một nửa còn lại ông thà để nó mục ruỗng trong bụng chứ không muốn để bất kì ai biết; bởi cho dù có nói ra thì cũng không ai dám tin. Chẳng lẽ gã Khỉ Già bị xử tử kia, cũng phát hiện thấy thứ gì đó trong núi sâu, thứ mà… không một người nào dám tin? Ông bác cựu binh thấy thần sắc Tư Mã Khôi hiện rõ vẻ bất an, liền nói: “Tuy bây giờ nhắc lại vẫn khiến người ta rùng mình, nhưng chuyện này rốt cuộc cũng đã trôi qua bao năm rồi, bây giờ chỉ là tào lao ngồi kể lại thôi, ai còn quan tâm ngọn nguồn gốc rễ của nó nữa chứ; vả lại chuyện quái dị trong lâm trường nhiều vô kể, sau này có thời gian tôi sẽ từ từ kể cho các cậu nghe…”, nói đến đây, ông bác hỏi Tư Mã Khôi: “Cô gái ngồi cạnh cậu, nom khí sắc có vẻ không được tốt lắm nhỉ!” Lúc này, trời đã chuyển giữa thu, không khí trong núi lành lạnh.
Cơ thể Thắng Hương Lân yếu ớt, cô che cuộn chăn len lên ngực, tựa người cạnh ba lô, mê man chìm sâu vào giấc ngủ, gương mặt trắng bệch như không còn sắc máu; cũng không rõ cô mơ thấy gì mà khi ngủ vẫn còn nhíu chặt hai mày, tình hình sức khỏe của cô trông có vẻ rất tệ. Tư Mã Khôi thở dài đáp: “Không nhắc đến thì thôi, cứ nhắc đến là tôi lại rầu hết cả ruột.
Cách đây không lâu, cô ấy bị trúng khí độc hàn nhiệt trong sa mạc, thỉnh thoảng lại thổ huyết đen, tìm thầy thuốc chữa trị mấy bận rồi, nhưng đến nay vẫn chưa thấy biến chuyển gì, nên đã bảo đừng đi theo tụi tôi vào núi, mà cô ấy cứ nhất quyết không nghe. Thực ra, cô nàng chẳng qua cũng chỉ đọc nhiều sách tí chút, mới biết Trái đất hình tròn và người tiến hóa từ vượn thôi, chưa đâu vào đâu đã không còn biết trời cao đất dày gì cả”.
Ông bác cựu binh rất nhiệt tình, quay lại bảo Tư Mã Khôi: “Đây là chứng trúng độc âm hàn nhiệt đó mà. Năm ấy, khi bộ đội vào núi tiễu phỉ, cả ngày chui luồn khắp hang hốc, khe cốc, những nơi đó đều rất ẩm thấp, âm khí nặng nề, có những khi dăm bữa nửa tháng không nhìn thấy ánh mặt trời, không khí quanh năm ứ đọng không lưu thông, lại liên tục phải truy quét bọn phỉ trong núi sâu, hành quân gấp gáp, khiến phổi muốn nổ tung, dễ khiến độc hỏa âm ỉ lặn vào tim.
Chứng bệnh này như giả vờ vậy, cơ thể lúc nóng lúc lạnh, nôn ra toàn máu đen, thể lực người nào kém một chút là mất mạng như chơi. Đồng chí chỉ huy trong đội tụi tôi cũng chết vì nó đấy”. Tư Mã Khôi nghe ông bác cựu binh kể, thấy rất giống với tình trạng của Thắng Hương Lân.
Theo cách nói của lang trung, chứng bệnh này “ngoài nóng, trong lạnh”. Anh và Hải ngọng đã sớm quen với khí hậu ẩm ướt trong rừng rậm, nên đủ khả năng miễn cưỡng ứng phó với môi trường khắc nghiệt cực độ đó, còn Thắng Hương Lân, tuy cô cũng thường xuyên theo phân đội trắc họa ra ngoài thực địa công tác, nhưng điều kiện vẫn tốt hơn nơi này rất nhiều; vả lại trong quá trình mò mẫm dưới đáy vưc sâu, áp lực và sự giày vò mà tinh thần phải chịu đựng cũng tàn khốc chẳng khác nào điều kiện môi trường, mà cô có thể chống đỡ đến tận thời điểm này thì cũng khó khăn và đáng quý lắm rồi.
Ông bác cựu binh nói: “Năm đó, vì không hợp khí hậu, cộng thêm nhiệm vụ tác chiến cấp bách, nên quân số trong đội bị giảm đáng kể, số người chết trong núi cũng không ít, may nhờ lang trung bản địa đưa cho phương thuốc dân gian, tình hình mới có chuyển biến. Giữa rừng hoang núi sâu này có bốn