Thị trấn Thương Bách là địa phận xung yếu của Thần Nông Giá, tuy quy mô của nó nhỏ hơn các thôn xóm bình thường khác, nhưng đó là con đường bắt buộc phải đi qua nếu muốn tiến vào núi, vì bốn phía núi cao bao vây trùng điệp, tùng bách mọc um tùm rậm rạp. Từ đây đi tiếp vào Yến Tử Ô, chỗ nào cũng toàn vách cao vực sâu nguy hiểm, bị rừng rậm nguyên sinh che phủ, con đường ở đây không còn là “đường” theo nghĩa thông thường nữa.
Hội ba người Tư Mã Khôi vào núi thăm dò bí mật chuyến này, cố gắng không tiếp xúc với người ngoài, tránh để bại lộ hành tung, gây ra những phiền toái không đáng có. Thế nhưng nếu không có người bản địa dẫn đường và bản đồ chi tiết, thì muốn vào rừng rậm nguyên sinh quanh năm không nhìn thấy ánh mặt trời này cũng đâu phải chuyện dễ, bởi vậy, trước tiên cả hội phải vào thị trấn để thăm đoàn trưởng Bạch.
Đoàn trưởng Bạch là cháu ruột của lão Lưu Hoại Thủy, trước đây từng là đoàn trưởng binh đoàn đường sắt, xét theo cấp bậc hành chính mà nói, thì chức ấy cũng tương đương với cán bộ đoàn thể cấp huyện. Trước Cách mạng Văn hóa, ông phục viên rồi chuyển đến địa phương này công tác, bây giờ là thành phần cốt cán của ủy ban cách mạng huyện, nên chỉ cần ông ấy chịu ra tay giúp đỡ thì khó khăn của ba người lập tức được giải quyết.
Nào ngờ, hội Tư Mã Khôi đến nơi thì cả thị trấn vắng tanh không một bóng người, nhà nào cũng cửa đóng then cài. Tư Mã Khôi và Hải ngọng đều giàu kinh nghiệm trinh sát hành quân. Hai người quan sát tình hình xung quanh một hồi, thấy mặt đất hãy còn đám tro tàn, nhưng bếp lò thì đã nguội lạnh từ lâu, mọi đồ đạc có giá trị trong nhà đều được chuyển đi sạch bách.
Xem ra, toàn bộ người dân sống trong thị trấn này đã di dời đến nơi nào đó vào mấy ngày trước, còn nguyên nhân vì sao thì hội anh không đoán ra được. Lúc này sắc trời đã dần tối, ba người đành trèo tường vào một nhà dân, ôm bó củi nhóm lửa, đun siêu nước nóng, nhuộm nhoạm ăn lót dạ vài miếng lương khô, rồi chuẩn bị ngả lưng cho lại sức.
Màn đêm buông xuống, nhiệt độ hạ rất nhanh, toàn thị trấn vùng thâÂm Sơn chưa được mắc điện, nên chỗ nào cũng tối mò mò, mỗi lần gió núi quét qua, lại văng vẳng vọng đến âm thanh não nùng thê lương, như tiếng rên rỉ của rặng tùng bách phía ngoài thị trấn. Hội Tư Mã Khôi vì từng trải qua vô số trải nghiệm hãi hùng, nên cũng để ý đến mấy chuyện vặt vãnh ấy.
Anh thấy Thắng Hương Lân sau khi uống thuốc, khí sắc chuyển biến rất tốt, nên cũng yên tâm hơn. Ba người ngồi quanh lò lửa, vừa sưởi ấm, vừa nói chuyện. Lúc trước, Hải ngọng đã dự tính đâu vào đấy, anh còn cho rằng, nếu tìm được vị lãnh đạo địa phương, thì hội anh chí ít cũng kiếm được bữa cơm ngon canh ngọt, làm gì có chuyện không thết đãi mình nổi mấy món “canh gà hầm nấm, nham nhĩ(1) xào thịt quay, dưa cải muối om đậu phụ”, chẳng ngờ lại bị ăn quả hụt, bây giờ đành ngồi gặm lương khô, nên trong lòng thấy chán nản khỏi phải bàn.
Nhưng nghĩ cũng lạ, không hiểu người dân trong thị trấn đi đâu hết? Cả hội bàn luận ba câu sáu điều, rồi cùng cho rằng bớt một việc còn hơn thêm một việc, nên không cần thiết phải quan tâm xem thị trấn trong núi xảy ra chuyện gì, ngày mai vẫn tiến hành mọi việc theo đúng kế hoạch, tiến thẳng vào núi.
Thế là, mọi người chuyển sang bàn bạc mục tiêu chuyến đi lần này. [1] Nham nhĩ: một loài thực vật mọc ra từ các khe đá, hình thức gần giống mộc nhĩ, thường được dùng làm thức ăn. Thông qua các manh mối phát hiện dưới kính viễn vọng Lopnor, đặc biệt là cuốn sổ giải mã chữ triện cổ triều Hạ, Tư Mã Khôi biết được có một nền văn minh cổ đại đã bị thất lạc ngoài sử sách.
Nó khởi nguồn từ bộ tộc Quỷ Nô bị Vũ Vương nhốt dưới lòng đất, rồi hậu thế của họ phân nhánh và sinh sống ở nhiều nơi, trong đó có người Tochari ở Tây Vực và nước Diệt Hỏa ở Miến Điện v.v… Đặc điểm chung của họ là đều nhuốm màu sắc thần bí cô lập đậm nét, và có thể gọi chung tất cả hậu duệ của tộc Quỷ Nô là bộ tộc Bái Xà, tức tộc người thờ rắn.
Người Bái Xà đã mang tất cả truyền thuyết li kì và thần bí của dân tộc mình, chạm khắc lên bức tường đá của gian mật thất dưới lòng đất. Theo sự lý giải của hội Tư Mã Khôi, những truyền thuyết đó có lẽ chính là bia Vũ Vương chìm xuống vực sâu dưới lòng đất, vĩnh viễn không còn lộ diện trước nhân thế, nhưng tộc người Bái Xà lại vẫn còn vọng tưởng tìm thấy nó.
Buồn thay, thiên số thì cao mà địa số thì sâu, vực thẳm mù mịt, nên người thường không có cách nào đặt chân đến đó. Căn cứ theo những ghi chép mà tộc người Bái Xà để lại, muốn đến được chỗ đặt tấm bia Vũ Vương dưới vực sâu, trước tiên bắt buộc phải tìm thấy vật thể có tên là “nhật quỹ”.
Vật thể lai lịch bất minh và quái dị này, khả năng xuất hiện từ thời Thần Nông. Thông qua sự khảo chứng chuyến đi lần trước của hội Tư Mã Khôi, thì người cuối cùng tận mắt nhìn thấy nó có lẽ chính là Sở U Vương thời Xuân Thu Chiến Quốc. Hơn hai ngàn năm từ đó về sau, ẩn số còn cổ xưa hơn cả niên đại cổ xưa, vẫn ngủ sâu trong Thần Nông Giá.
Hải ngọng nghe Tư Mã Khôi nói đến những chuyện này thì láu táu phỏng đoán: “Lẽ nào gã Nấm mồ xanh bảy phần giống quỷ, ba phần cũng không giống người kia, là người Bái Xà cổ đại?” Tư Mã Khôi lắc đầu phủ định: “Nấm mồ xanh không có khả năng nhận biết chữ triện cổ triều Hạ, vì vậy hắn có vẻ không phải người Bái Xà bị diệt vong hàng ngàn năm về trước.
Giờ đây, khuôn mặt và thân phận thực sự của u hồn đó vẫn để lửng không lời giải, nhưng dẫu có là ma quỷ, thì hắn cũng phải có một lai lịch nhất định chứ”. Ba người đều cảm thấy chuyện này vô cùng kì quái, nhưng vì phục thù và chuộc lỗi, nên họ đành đặt mạng sống ra ngoài vòng sinh tử, tiếp tục đi tìm lời giải.
Họ đã chuẩn bị sẵn tâm lý để ứng phó với mọi biến cố. Đêm hôm đó, hội Tư Mã Khôi tá túc trong thị trấn Thương Bách. Ngày hôm sau, trời còn chưa sáng, Tư Mã Khôi đã dậy, đi lòng vòng quan sát những ngôi nhà xung quanh, anh không tìm thấy súng săn, liền tiện tay lấy một ít muối và dầu cây tùng, sau đó để lại hai đồng chèn dưới bệ đèn.
Cuối cùng, anh và hai người bạn đồng hành thu xếp hành lý chỉnh tề, quấn vải vào bắp chân rồi tiến vào núi sâu. Tuy không có người dẫn đường, nhưng anh vẫn nắm được phương hướng đại khái, trước tiên phải vượt đỉnh Thần Nông Giá cao nhất so với mực nước biển, sau đó băng qua Yến Tử Ô, rồi tiến vào rừng rậm nguyên sinh; còn làm thế nào tìm thấy đường hầm trong m Hà Cốc, thì phải đợi vào núi trinh sát tỉ mỉ mới biết được.
Núi non ở Thần Nông Giá uy nghi, hiểm trở. Những dãy núi trải dài ngút tầm mắt, trông đồ sộ, nhấp nhô, trùng trùng điệp điệp nhiều tầng. Trong rừng mọc đầy lãnh sam, trúc gai và hoa đỗ quyên dại. Lúc này, tiết trời đang lúc giữa thu, cả cánh rừng nhuộm đỏ sắc hoa và xác lá khô, không những vậy, còn có vô số thác nước, dường như mỗi một sơn cốc đều có dòng suối nước trong vắt, xanh thẳm, tuôn chảy róc rách.
Đi qua thị trấn Thương Bách chính là cánh rừng nguyên sinh không bóng người, càng vào sâu, rừng rậm càng um tùm, thần bí, khe núi hun hút, đỉnh núi xanh thẫm, trùng độc rắn độc và các loài dã thú thường xuyên lai vãng. Ở Miến Điện, Tư Mã Khôi vẫn thường phải chui rúc trong các khu rừng rậm nhiệt đới, nhưng anh chưa bao giờ đi vào rừng rậm nguyên sinh giống như Thần Nông Giá.
Anh chỉ biết đỉnh Thần Nông cách mặt biển 3000 mét, là ngọn núi chính cao nhất trong quần thể núi Đại Ba. Nhưng đến khi bước chân vào, anh mới phát hiện, các ngọn núi xung quanh đều sàn sàn giống nhau, địa thế nhấp nhô đan xen, không thể phân biệt rõ ngọn núi nào là đỉnh Thần Nông.
Ngoài ra, cả dải rừng già núi thẳm này toàn là đỉnh núi cao chót vót và vực sâu chằng chịt, nhiều nơi không có đường đi, nên rõ ràng đã ngắm chuẩn hướng mà không qua nổi, đành đi đường vòng mất cả ngày trời, cuối cùng vẫn loanh quanh một chỗ. Ba người phải dựa vào kinh nghiệm trước đây, mò mẫm theo hướng chạy nhấp nhô trải dài của ngọn núi, không ngừng đi sâu vào trong.
Họ xuyên rừng suốt hai ngày, cũng không rõ đã phải quanh qua bao khúc đường vòng, thì mới thấy ở nơi sâu trong rừng cây có một ngọn núi hình dáng trông như đỉnh mái nhà, mà nhìn bao quát tứ phía xung quanh, thì dường như những ngọn núi khác đều không cao bằng nó. Mọi người đoán, có lẽ đây chính là đỉnh núi chính của Thần Nông Giá, mà cho dù có