Mọi người vô cùng kinh ngạc, ngặt nỗi âm khí trong huyệt động mạnh quá, khiến ánh sáng đèn cácbua cứ lập lòe ánh sáng xanh yếu ớt. Cả hội đành đứng ngoài cửa động thò đầu vào trong ngó nghiêng. Mấy bức bích họa cổ sặc sỡ tiếp xúc đột ngột với không khí lưu thông bên ngoài, nên màu sắc tươi tắn bắt đầu trở nên mờ nhạt, nhưng may mà vẫn giữ được những đường nét, hình khối cơ bản, nên hội Tư Mã Khôi vẫn có thể nhận dạng được những nét chủ yếu của nội dung bên trong.
Nội dung bích họa tương tự với một câu chuyện. Bên cạnh chiếc hộp khắc họa hình một người, mình khoác áo bào đai ngọc, phía sau lưng rồng bay phượng múa, rõ ràng là tư thế của bậc đế vương. Phía đối diện ông ta là một người khác, đầu đeo mặt nạ ba mắt. Hai người dường như đang thì thầm mật ngữ ngay trước bộ hài cốt trong chiếc hộp.
Phía trên họ chính là cảnh tượng rùng rợn: ác ma ăn thịt người. Cao Tư Dương hỏi Tư Mã Khôi: “Anh có hiểu nội dung bích họa nói gì không?” Tư Mã Khôi tự nhận mình là thành viên đội khảo cổ, nhưng thực chất kiến thức về lịch sử của anh chỉ dừng lại ở trình độ vỡ lòng, thấy nội dung bích họa li kì, âm u, anh cũng không biết nội dung chính xác của nó là gì, liền phịa đại ra một câu chuyện để lấp liếm với Cao Tư Dương: “Tôi nghĩ, chắc tay Sở Vương này đang đàm luận chuyện cõi u minh với đại thần của lão ta, xem làm cách nào để mình trường sinh bất tử.
Có điều, nhân thế tan nhanh như mây khói, tuy lão ta xuất thân là bậc vương hầu cao quý, nhưng cuối cùng cũng khó tránh khỏi bánh xe của số mệnh mà hóa thành đống xương trắng.” Hải ngọng cũng thêm lời cho xôm chuyện: “Chắc chú Sở này lo sau khi chết đi xuống âm ti, sẽ bị ác ma ăn tươi nuốt sống đây mà”.
Nhị Học Sinh thắc mắc: “Sao trên mặt vị đại thần lại đeo mặt nạ? Còn bộ hài cốt trong chiếc hộp là hài cốt của ai thế nhỉ?” Tư Mã Khôi và Hải ngọng đều im thin thít như bị bịt miệng, không biết phải trả lời thế nào, bức bích họa có từ thời cổ xưa, cách đây những hơn hai ngàn năm, ai mà biết được trong đầu con người cổ đại khi đó nghĩ cái quái quỷ gì.
Thắng Hương Lân nói: “Sở U Vương cuồng tín Vu thuật, ông ta thường mang theo một vị chủ tế thông thiên đeo mặt nạ đồng xanh bên mình. Vì vậy, nhân vật mặc áo bào đai ngọc kia có lẽ là Sở U Vương, nhưng câu chuyện khắc vẽ trên bích họa thì tôi chưa từng thấy ghi chép trong sử sách.
Với những gì chúng ta đã biết, đã nhìn, thì không thể suy đoán ra nổi nội dung của nó đâu”. Tư Mã Khôi cũng hiểu đôi chút về sự tích Sở U Vương. Nghe nói năm đó, Vũ Vương thảo phạt, chiến công hiển hách lừng lẫy bốn cõi trời đất, lập ra cơ nghiệp hơn tám trăm năm của nhà Chu.
Khi đó, xã hội vẫn chưa có khái niệm chế độ trung ương tập quyền, mà chia đất phong hầu cho mỗi nước nhỏ tự cai quản, cả thảy phong 72 nước, trong đó có Sở quốc. Chế độ này truyền đến thời Xuân Thu Chiến Quốc thì các chư hầu chia rẽ, nước Sở là vùng lãnh địa rộng trên năm ngàn lý(1), bái huyền điêu làm thần, thế lực vô cùng hùng hậu, còn thời điểm Sở U Vương chấp chính đã là thời kì cuối, bởi chẳng mấy năm sau khi ông ta chết đi thì nước Sở bị Đại Tần tiêu diệt.
Mộ phần của U Vương bị bọn quân phiệt cấu kết với lũ người Tây khai quật, hủy hoại vào những năm Dân quốc, một lượng lớn cổ vật lưu truyền vào dân gian. Khả năng đội thám hiểm Taninth cũng từng tham gia phi vụ đào mồ quật mả này, bởi vậy họ mới phát hiện ra huyệt động dưới khe m Hải thông qua các bức bích họa trong mộ U Vương.
Nhưng còn việc chiếc hộp đựng bộ hài cốt kia xuất hiện khá nhiều lần trong bích họa của Sở quốc, thì rất không bình thường, nhưng nhất thời, hội Tư Mã Khôi cũng không phát hiện ra manh mối gì, đành quan sát thêm các huyệt động còn lại. [1] Lý: Đơn vị độ dài thời xưa của Trung Hoa, bằng khoảng 0,5 km.
Bích họa trong động đá bị bong tróc, hủy hoại nghiêm trọng, chỉ nhận dạng được non nửa; có điều, nội dung dường như đều liên quan đến nhau, xem hai đầu mút cũng không khó đoán ra phần nội dung ở giữa, chỉ có sự kiện được ghi chép trong đó thì vô cùng quái dị, khó hiểu. Ngoài Sở U Vương ra, còn có một cô gái trẻ phong thái thướt tha, yểu điệu, rất bắt mắt.
Cô gái đó eo thon, tóc búi cao, mình mặc áo tay rộng, váy dài, mấy bức bích họa khác đều vẽ thi thể và quan tài của cô ấy. Nội dung mấy bức bích họa này rất đỗi li kì, bí ẩn. Theo Tư Mã Khôi lý giải, nó hình như ghi chép lại sự việc Sở U Vương xin bộ hài cốt đựng trong chiếc hộp một quẻ bói, và được vị vu sư đeo mặt nạ đồng xanh phán rằng, đại họa sắp giáng xuống đầu ông ta, bởi sẽ có vô số âm hồn đến đòi mạng, điều này khiến Sở U Vương khiếp sợ, cả năm không dám ra khỏi cửa.
Một ngày, có người bắt được một con bạch ngư hiếm gặp trên sông, mang đến dâng vua. U Vương nghe nói bạch ngư là do long xà biến hóa thành, ăn vào có thể trường sinh bất tử, liền lệnh cho người hầu đem nấu chín con cá, rồi bản thân ăn một nửa, nửa còn lại để phần con gái.
Con gái Sở U Vương thấy nửa con cá trắng, vừa xấu hổ lại vừa tủi giận, phẫn nộ quát: “Thụ vương để cho ta con cá đã ăn mất một nửa, là hạ nhục ta. Ta còn mặt mũi nào sống trên đời nữa?”. Thế là, nàng treo cổ tự vẫn. Sở U Vương mất con gái, trong lòng vô cùng đau khổ, táng thi thể con gái ở cổng tây ngoài thành, quan tài bằng đá khảm vàng ngọc, còn chôn theo rất nhiều kì châu dị bảo như bình bạc, yếm ngọc làm đồ bồi táng, nhưng chuyện này luôn được giữ bí mật, không truyền ra ngoài.
Lão ta lại ra lệnh thả chim ưng trắng ở trong thành, mời bách tính đến chiêm ngưỡng, sau đó cho người dụ chim ưng và vô số nam thanh nữ tú cùng xuống mộ đạo công chúa, rồi đột ngột đóng cánh cửa đá ngàn cân. Tất cả mọi người bất phân thiện ác đều bị chôn vùi trong mộ. Lão ta đã dùng cách này để tuẫn táng người sống theo người chết.
Sau đó, hàng đêm Sở U Vương chỉ cần chợp mắt, là thấy những oan hồn tức tưởi tìm đến. Lão ta hoảng hốt ăn không ngon, ngủ không yên. Vu thuật cho rằng: “Người chết thì cương, cương thì huyết mạch kiệt, kiệt thì tinh lực diệt, diệt thì hình hài ruỗng, ruỗng thì hóa cát bụi.
Duy chỉ âm hồn không siêu thoát mới hóa thành dị vật, ngụp lặn trong vực sâu cửu tuyền”. Vì sao nói sau khi con người chết, âm hồn sẽ ngụp lặn dưới vực sâu cửu tuyền? Bởi vì thời xưa cho ràng, dưới đất có hoàng tuyền, đó chính là dòng nước ngầm phân bố theo tầng thứ, nơi sâu nhất phải xuyên qua chín dòng suối.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được xây dựng ở địa điểm rất sâu, mà căn cứ theo sử sách ghi chép thì “xuyên qua tam tuyền mới đặt quan tài”. Điều đó có nghĩa, chỗ đặt quan tài đã sâu xuyên thấu ba tầng nước ngầm dưới đất. Vực sâu cửu tuyền cũng không hẳn có chín tàng nước ngầm thực sự, mà chín chỉ là con số ám chỉ sự cực điểm, ý muốn nói nơi đó là sâu nhất, không thể sâu thêm nữa, đấy là cõi u minh mà người sống không thể đặt chân đến, chỉ có vong hồn mới tới được mà thôi.
Trước đây, người ta thường nói: “Nhắm mắt xuôi tay xuống cửu tuyền”, cửu tuyền ở đây chính là vực sâu cửu tuyền. Tương truyền, phía dưới Biển Âm Dụ có một huyệt động, nơi sâu nhất thông trực tiếp với mạch đất. Sở U Vương tin rằng, đó chính là vực sâu cửu tuyền, giờ đây mộng thấy điềm gở, khả năng là ác quỷ từ lòng đất ngoi lên đòi mạng.
Lão ta ngẫm lại việc ngày trước, trong lòng không khỏi day dứt nỗi ân hận muộn màng, nên ra lệnh cho người mang tất cả những bảo vật quý giá nhất ném xuống lòng động để trấn tà. Nhưng chẳng bao lâu sau, vị Sở U Vương kia vẫn phải về âm ti nộp mạng. Tư Mã Khôi nói với mọi người phân tích của mình: “Nếu lão Sở U Vương kia không quá mê tín những chuyện ma quỷ ấy, thì chưa biết chừng cũng không chóng chết đến vậy, kì thực trên đời làm gì có dị thuật tiên tri? Đó chẳng qua là sợ cái gì thì gặp cái đó, càng lo lắng thì càng dễ xảy ra chuyện, đon giản là ứng với định luật Murphy mà thôi.” Hải ngọng nghiến răng ken két: “Lừa bao nhiêu người xuống mộ đạo, rồi chôn sống làm đồ tuẫn táng.
Đúng là tàn độc và thất đức hết chỗ nói! Hải ngọng tớ chưa