Toàn thân Tư Mã Khôi nổi da gà, khi anh định thần nhìn lại thì không thấy nó đâu nữa. Cái đầu đột nhiên chìm vào màn sương dày đặc. Anh đuổi theo cái đầu, phạt những sợi dây leo vướng víu trước mặt, phát hiện thấy phía sau bức tường dây leo và cây cổ thụ là một đầm nước tù đen ngòm và lạnh lẽo, mặt nước phẳng lặng, trải rộng mênh mông, căn bản không tìm được chỗ đặt chân.
Anh thầm nghĩ, chẳng lẽ là “phi đầu man” chăng? Năm xưa, trong rừng rậm Miến Điện, nhiều dân địa phương đã cắt thủ cấp của tù binh, rồi cắm sọ người chết lên một cọc nhọn để nó phong hóa. Nghe nói, những chiếc sọ người này thường bay đi cắn người vào ban đêm, nên ngay cả bọn thực dân Anh Pháp nghe nhắc đến nó cũng phải tái mặt, thế nhưng thời kì Sở quốc cổ vẫn chưa tồn tại truyền thuyết về phi đầu man.
Cao Tư Dương chưa xác định rõ mục tiêu thì không bao giờ tùy tiện nổ súng. Từ trước đến giờ cô không tin những chuyện ma quỷ, nhưng vật vừa xuất hiện rõ mồn một khi nãy đã khiến cô không biết giải thích thế nào. Lúc này, ba người còn lại cũng lần lượt tụt dây trèo xuống, sau khi nghe kể, ai nấy đều kinh ngạc tột độ.
Tư Mã Khôi vẫn chưa nhìn kỹ vật đó trông thế nào, liền bảo Nhị Học Sinh châm lửa thắp sáng ngọn đuốc, đoạn quay sang dặn mọi người, nơi đây không có người, vì vậy chỉ cần phát hiện tình hình bất ổn là có thể lập tức nổ súng. Bây giờ, chúng ta đã có súng và lửa phòng thân, nếu quả thực có thứ gì không sạch sẽ, thì nó cũng phải biết điều lùi lại ba bước.
Mọi người không dám lơ là, dò dẫm từng bước xuống đáy huyệt động, nơi có pho tượng điêu khắc mặt quỷ, để soi đèn cácbua thám thính. Huyệt động này dường như là hố tế lễ, đường kính rộng cả trăm mét, độ sâu cũng tầm trên dưới trăm mét, quy mô khá rộng lớn. Có điều, màn sương mỏng trong động giăng mắc mênh mông, không khí tràn ngập cảm giác âm u, tà mị.
Đáy hố vô cùng rộng rãi, dây leo quấn quýt bám chặt vách động, ven rìa toàn là vũng tù sâu hút, pho tượng điêu khắc cao lớn sừng sững nhìn xa xăm về phía đối diện, tựa như thể nó đang âm thầm lặng lẽ bảo vệ một vật gì đó trong bóng tối quánh đặc. Các đồ vật bằng vàng, ngọc hoặc đồng xanh đủ mọi hình thù vương vãi khắp nơi, dưới chân cũng có những phiến đá khắc hoa văn mây cuốn, nhưng bọn Tư Mã khôi không thể nhận dạng nó rốt cuộc là vật gì.
Nhị Học Sinh thấy hai mắt như không đủ dùng, bởi dường như sau mỗi vết tích vô cùng nhỏ bé lại đều ẩn chứa một bí mật ảo diệu vô cùng tận, anh chàng bất giác than: “Sở quốc đã diệt vong hơn hai ngàn năm, những cổ vật này đều bị ngủ quên dưới lòng đất, đúng là trách mình mau thịnh, trách người chóng suy mà….” Hải ngọng cũng cảm khái: “Cánh tay có to khỏe đến đâu cũng chẳng thể ngăn được bánh xe lịch sử lăn về phía trước.
Chú đừng ngồi đấy lo bò trắng răng nữa”. Đoạn anh quay sang hỏi Tư Mã Khôi: “Chẳng phải cậu bảo huyệt động này thông thẳng xuống mạch đất à? Sao… sao chưa gì đã thấy đến đáy thế này?” Tư Mã Khôi nhướn mắt nhìn tứ phía, xung quanh tuy vẫn có chút ánh sáng yếu ớt phát ra từ những hợp chất hữu cơ, nhưng tầm nhìn vẫn vô cùng hạn chế, còn đèn quặng chỉ đủ soi sáng một một vạt, nếu lờ dờ dò dẫm tìm kiếm, thì không biết bao lâu mới biết rõ tình hình phải đối mặt lúc này, nhưng ngay bây giờ anh cũng không có cách gì khác, đành bảo Hải ngọng: “Chắc còn có huyệt động khác thông tới nơi sâu hơn.
Chúng ta thà nghi lầm chứ không thể bỏ sót, trước tiên phải nắm rõ địa hình đã “ Mọi người thấy ven rìa đáy động phần lớn đã ngập trong nước tù, bởi vậy cả hội chỉ có thể giẫm lên cây, đi vào giữa. Chưa đi được mấy bước, họ đã thấy trong mặt nước trước mắt lộ ra những vật hình trụ vô cùng kì dị.
Trụ đá trên nhọn, dưới to, dài ngắn, cao thấp khác nhau, nhưng mỗi trụ đều to bằng cả một vòng tay, bề mặt khắc hoa văn vảy giáp, trình độ điêu khắc vô cùng tinh tế, các trụ đá bao quanh một bệ đá, ngoài ra còn có hai con kì lân nét mặt hung ác men cột bò xuống. Tư Mã Khôi vừa soi đèn quặng vừa nghĩ thầm: “Mấy trụ đá này hình thù rất kì quái, như thể đó là móng vuốt của một pho tượng thú khổng lồ nào đó.
Pho tượng lại chìm quá nửa dưới nước, thể tích to lớn kinh người, nên phạm vi chiếu sáng của đèn quặng và lửa đuốc đứng trước nó cũng nhỏ bé chẳng khác nào ánh sáng đom đóm….” Lúc này, trên mặt nước im lìm bỗng nhiên khuấy động một làn sóng nhẹ. Anh lập tức cúi sát đầu nhìn, chỉ thấy dưới đáy nước có một người đang ngẩng mặt nhìn anh chằm chằm.
Nước ngầm dưới lòng đất trong vắt, nhưng vì nằm trong địa động không bao giờ nhìn thấy ánh sáng ban ngày nên nó trông càng u tối và sâu thẳm hơn. Tư Mã Khôi biết, cái bóng bập bềnh dưới nước chắc chắn không phải bóng mình. Anh bất giác cúi thấp người, chậm chạp tiến gần mặt nước, định bụng quan sát cho rõ hơn.
Hình dạng cái đầu càng lúc càng rõ nét hơn nó giống như một người lùn màu trắng, nhưng chỉ thấy phần đầu chứ không thấy tứ chi, trông rất giống với cái đầu mà anh thấy trôi dập dềnh sau rặng dây leo khi nãy. Cái đầu bỗng nhiên há ngoác miệng, rồi nhảy vọt từ đáy nước lên không trung, lao bổ vào mặt Tư Mã Khôi.
Tư Mã Khôi không ngờ vật dưới nước lại biết bay, anh kinh hãi thất sắc, bởi tình thế cấp bách, trong lúc vội vã không kịp nghiêng người né tránh, Tư Mã Khôi đành giương khẩu súng M-1887, cuống quýt giơ báng súng ra đỡ trước mặt, và chỉ nghe “sột” một tiếng, như thể hàm răng sắc nhọn đang liên tiếp cắn vào báng súng gỗ.
Mọi người nghe động tĩnh, mới phát hiện có một thứ màu trắng bám trên báng súng của Tư Mã Khôi. Vật thể đó hao hao giống sọ người chết, từa tựa như cá, phần đầu giống sọ của người lùn, miệng rộng mang ngắn, trong mồm có vô số răng nhỏ ngọn hoắt xếp mau rít, phần thân sau thuôn dài, mình không có vảy, da giống cá giáp(1), sau mang mọc hai cặp vây cánh giúp chúng rời khỏi mặt nước bay lên không trung.
Lúc này, “con cá” đang cắn báng súng gỗ của Tư Mã Khôi, hàm răng sắc nhọn cắn ngập sâu vào trong, nó cố giơ vây giương cánh định bay, nhưng do cắn sâu quá nên chịu chết không thoát ra được. Dù vậy, sức mạnh của nó vẫn rất khủng khiếp, khẩu M-l 887 trong tay Tư Mã Khôi suýt chút nữa đã bị nó lôi xuống nước.
[1] Cá giáp (tên khoa học: Ostracodermi, nghĩa là ‘‘bọc da giáp, bọc da vỏ”, là tên gọi chung để chỉ bất kỳ nhóm cá không hàm (thời nguyên thủy, đã tuyệt chủng) với một số phần nào đó của cơ thể được che phủ bằng một lớp giáp có cấu tạo từ chất xương. Tư Mã Khôi từng xeÂm Sơn Hải Đồ trên đỉnh Vũ Vương, cũng thấy loài cá quái dị với hai cặp vây giống như cánh, thì đoán có lẽ nó là giống cá Lycoptera, một loài thuộc bộ cá rồng, đã tuyệt chủng từ cuối kỷ Phấn trắng, chúng chuyên ẩn mình ở những vùng nước tĩnh dưới lòng đất, có khả năng nhảy vọt khỏi mặt nước săn mồi, tập tính hung tàn khát máu.
Lúc này, anh bỗng nhiên gặp phải một một con cá rồng sờ sờ ngay trước mắt, thì mới biết loài cá này hung hãn, đáng sợ đến thế. Nếu khi nãy anh không kịp thời giơ súng che chắn thì đã bị nó cắn rách một mảng thịt lớn rồi. Tư Mã Khôi gí báng súng xuống đất, gọi Nhị Học Sinh lấy mũi giáo gỗ đâm thủng con cá rồng, rồi dùng hết sức gỡ nó ra.
Thắng Hương Lân thấy cảnh ấy, cô lập tức nảy sinh một dự cảm không lành: “Dưới đáy huyệt động này có loài cá ăn thịt người sinh sống, chứng tỏ nó không phải là vùng nước chết….” Lời còn chưa dứt thì một loạt cá vảy rồng từ vùng nước xa đã “chiu” một cái nhảy vọt lên không trung.
Lúc này, mọi người đã có sự phòng bị trước, nên Hải ngọng lập tức giương súng bóp cò, phạm vi sát thương của đạn số 8 rất lớn, con cá rồng đâm vào họng súng liền tan xác thành mảnh nhỏ ngay tức thì. Lúc này, vô số cá rồng từ đáy nước bơi lên. Những con cá Lycoptera bị dòng nước cuốn trôi xuống đây, chúng bắt phù du làm thức ăn.
Loài cá này đẻ trứng rất nhanh, không ngừng sinh sôi nảy nở thần tốc, trong khi đó số lượng phù du lại có hạn, nên tất cả sinh linh khác trong động đều đã bị chúng tiêu diệt sạch, bởi vậy lúc nào chúng cũng trong trạng thái đói khát cực độ. Giờ đây, chúng tụ tập thành bầy thành đàn bơi trên mặt nước, rồi lao bổ vào hội Tư Mã Khôi tấn công như vũ bão.
Mọi người đang đứng trên gốc cây ẩm ướt, chật chội, tứ bề trống trải, chỉ thấy bọn cá Lycoptera bay vù vù đến từ bốn phía. Sự cố xảy ra quá bất ngờ, cả hội chỉ còn biết gắng sức phòng ngự, con ở xa thì bắn, con ở gần thì chặn lại bằng báng súng. Cao Tư Dương không hổ danh là xạ thủ bách phát bách trúng, cô