Mọi người nghe Triệu Lão Biệt nói thì đều cảm thấy rất mông lung: “Số mệnh của con người đúng là trăm người trăm vẻ, nhưng hòn đá thì làm sao có số mệnh được?”
Thắng Hương Lân suy đoán: “Có lẽ Triệu lão sư phụ muốn nói – mọi sự vật trên đời đều có cơ duyên riêng của nó… ”
Tư Mã Khôi nói: “Cho dù hòn đá có số mệnh, thì nó vẫn chỉ là một hòn đá, tấm bia Vũ Vương chìm xuống vực sâu sao có thể chỉ là một hòn đá bình thường được?”
Triệu Lão Biệt thấy mọi người vẫn chưa hiểu chuyện, liền bảo: “Thế thì nói thế này vậy, chư vị đều là những người đi nhiều biết rộng, chắc hẳn biết Đường Thái Tông Lý Thế Dân chứ hả? Sau khi chết, Thái Tông hoàng đế được an táng ở Chiêu Lăng, trên mặt đá của điện thờ chạm khắc hình sáu con chiến mã. Đó đều là những con chiến mã ngài từng cưỡi lúc sinh thời, chỉ vỉ sơn lăng của Thái Tông được gọi là Chiêu Lăng, nên bức phù điêu sáu con tuấn mã được đặt tên là ‘Chiêu lăng lục tuấn’, sáu con tuấn mã đó lần lượt là Táp Lộ Tử có công cửu giá, Bạch Đề Ô ngày đi ngàn dặm, Quyền Mao Oa thiên mã hạ phàm, Thanh Truy động tác uyển chuyển như dải lụa trắng, Thập Phạt Xích tuấn mã huyết thống Ba Tư, Đặc Lặc Phiêu phi nhanh như gió.
Thực ra, phiến đá có khắc ‘Chiêu lăng lục tuấn’ chỉ là một phiến đá bình thường, trong núi có biết bao phiến đá như thế, nhưng vì trên bề mặt nó chạm khắc kiệt tác, nên nó mới trở thành báu vật, người nào nhìn cũng thèm muốn, kết cục nó bị một bọn trộm mộ để mắt tới, chúng đập nát điện, cất nó trong hòm, rồi cho lên tàu vượt biển sang hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.
Triệu Lão Biệt còn nói thêm. Lúc bọn trộm mộ hủy hoại ‘Chiêu Lăng lục tuấn’, chính mắt lão cũng trông thấy, các cậu nói xem trên đời này có biết bao tảng đá, sao có những tảng đá đứng trơ gan cùng tuế nguyệt hàng ngàn vạn năm, rồi bị phong hóa mủn nát trên núi mà mãi mãi không có ai ngó ngàng tới, trong khi đó có những tảng đá lại được người ta lựa chọn làm tấm bia khắc ‘Chiêu Lăng lục tuấn’? Nói đến cùng chẳng phải đều tại chữ ‘mệnh’ thôi sao? ‘Mệnh’ nói một cách đơn giản thì chỉ mỏng như lớp giấy dán cửa sổ, còn nói sâu hơn thì nó là vực sâu như biển cả không nhìn thấy đáy.
Hải ngọng bừng bừng lửa giận, ngoạc mồm ra mắng: “Bọn khọm Tây quả là đáng ghét, nẫng hết hàng tốt mà tổ tông chúng ta để lại, trách gì năm đó nổi dậy loạn Nghĩa Hòa Đoàn, thử hỏi không nổi dậy liệu có thành công không? Lúc đó mà ông đuổi kịp thì ông đã đẩy đường sắt, nhổ cột điện hất tung mẹ tàu chúng nó xuống biển cho rồi”.
Triệu Lão Biệt vội chối bay chối biến: “Nói gì thì nói mỗ đây ít nhiều vẫn là người có thực lực, người ta có câu ‘thà chết cũng không khai, thà đói cũng không làm giặc’, nghề vớ vẩn gì mà chẳng kiểm nổi hai bữa cơm nhạt qua ngày, sao phải đi làm cái việc hạ tiện sớm tối hầu hạ bọn chó đó?”
Tuy Tư Mã Khôi cũng phản cảm với lối nói chuyện mập mờ của Triệu Lão Biệt nhưng trong lòng anh cũng đôi chút cảm nhận được hàm ý giấu phía sau – số mệnh giống như một dòng sông thần bí, không ai biết nó sẽ đưa ta đến đâu, con đường phía trước của hội anh cũng đầy rẫy những điều chưa biết. Nhưng cuối cùng anh cũng hiểu Triệu Lão Biệt muốn nói gì, bia Vũ Vương chẳng qua chỉ là một phiến đá lớn, bản thân nó không hề có điểm gì đặc biệt, dòng chữ khắc trên tấm bia cổ đó mới là điều then chốt, nhưng trên phiến đá cùng lắm cũng chỉ khắc mấy hàng chữ “long ấn triều Hạ” đã thất truyền từ lâu chứ mấy, thực sự không thể tưởng tượng được mấy ký tự cổ đại đó có thể phát huy được tác dụng gì.
Tư Mã Khôi đành tiếp tục truy vấn Triệu Lão Biệt: “Lão có biết trên tấm bia Vũ Vương ghi chép bí mật gì không?”
Triệu Lão Biệt gật đầu đáp: “Vị thủ lĩnh đây nói rất chính xác, trước đây mỗ không biết, nhưng bây giờ thì đã hiểu rồi”.
Trong khoảnh khắc, tim mọi người như thắt lại, họ đều đợi để nghe Triệu Lão Biệt nói ra bí mật trên tấm bia Vũ Vương.
Triệu Lão Biệt ra vẻ thần bí nói: “Chúng ta bèo nước tương phùng, duyên phận cũng khá sâu đậm, các vị đã muốn hỏi bí mật khắc trên tấm bia đá kia rốt cuộc là gì, thì mỗ cũng xin nói thật vậy, các vị nghe đây…”
Cả hội không thể tưởng tượng nổi một phiến đá khổng lồ bị chìm dưới vực sâu từ mấy ngàn năm trước có thể ghi chép lại bí mật kinh thiên động địa gì, giờ phút này, lòng hiếu kỳ của mọi người đã dãn ra đến cực điểm, ai nấy đều nín thở lắng nghe như thể chỉ sợ lọt mất chữ nào.
Triệu Lão Biệt vốn không muốn tiết lộ bí mật với đối phương, nhưng bị đẩy vào thế bí, lão lên gân lên cốt nói: “Bí mật này đúng là chuyện động trời, các vị nói nó là thế nào thì nó chính là thế ấy… nghĩ nó là thế nào thì nó chính là thế ấy!”
Hải ngọng ngứa ruột, phăm phăm lao vào lão, rút dao săn ra, định đẽo Triệu Lão Biệt thành “cây gậy người” luôn một thể.
Tư Mã Khôi thấy tuy xung quanh lai lịch của Triệu Lão Biệt có nhiều điều ly kỳ, nhưng lão ta chẳng qua chỉ là hạng ít học, mở miệng ra là thở toàn khẩu ngữ giang hồ, lời lẽ thô kệch, muốn lão giải thích rõ ràng mọi bí mật cổ xưa ẩn chứa trong tấm bia Vũ Vương còn khó hơn lên trời, dẫu sao mọi người đã xuống tận đáy vực sâu, kiểu gì cũng nghĩ được cách tìm thấy tấm bia cổ, trước mắt phải xác định chính xác lai lịch của lão đã. Nghĩ vậy, anh bảo đối phương trình bày cặn kẽ từ đầu chí cuối xem lão “đã gặp những ai, học những công phu nào, biệt bảo được những báu vật gì, trải qua những sự kiện nào, từng đi đến đâu, vì sao lại xuất hiện ở dưới lòng đất này – nơi mà con người không thể đặt chân tới và biết bí mật của tấm bia Vũ Vương qua nguồn thông tin nào?”
Triệu Lão Biệt cũng biết tiếc mạng sống, mắt thấy không thể tiếp tục che đậy được nữa, lão đành khai ra thân thế của mình: Triệu Lão Biệt có cuốn bí thuật biệt bảo gia truyền, ngoài cặp mắt tinh như cú vọ phân biệt được mọi báu vật trên đời, lão còn biết chút ít về mấy món công phu “miêu thoán cẩu thiểm”(1). Ngoài ra, lão luyện cả khí công, từ trước đến giờ chưa bao giờ bị ảnh hưởng bởi sự nóng lạnh của thời tiết. Trời nóng bức bao nhiêu, lão vẫn mặc áo da như thường, có điều lão ta quanh năm chỉ quanh quẩn khai hoang trồng cấy ở vùng nông thôn, chưa bao giờ được ra ngoài mở mang tầm mắt, cũng chưa đi đâu xa quá cổng làng.
1 Miêu thoán cẩu thiểm: nghĩa là “chó chui mèo lủi”.
Triệu Lão Biệt là hạng người ếch ngồi đáy giếng điển hình, cùng lắm cũng chỉ thấy bầu trời rộng bằng lòng bàn tay, lúc nào cũng nghĩ ta đây tài giỏi lắm. Đến những năm Dân quốc, cả nước lâm vào nạn đói, người dân ở nông thôn chết đói như ngả rạ, lão đành bươn trải ra ngoài tìm kế mưu sinh, nhưng lúc đó thế thời đang loạn lạc, lão không thể tìm thấy báu vật trong thành, trong khi ngoài thành thì nhan nhản bọn ngựa vang(2), giặc đất, chỉ bất cẩn một chút là mất mạng như chơi. Có câu “Hổ đói chặn đường vồ người, người đói ra đường mãi võ”, lão cũng bày đại mấy gánh hàng, diễn thử mấy chiêu, nhưng chuyện đời ăn cần tiền, ở cũng cần tiền, trên có mái nhà, dưới có nền nhà, chi phí cống cho quan viên và giang hồ đều phải nộp đủ, lão lại chỉ biết mấy chiêu nhà quê, chẳng có mấy người cam tâm móc túi bỏ tiền xem lão diễn. Cuối cùng hết cách, lão đành hạ quyết tâm làm giặc đất.
Những năm đó, tuy cả gầm trời đều loạn thành mớ bòng bong, nhưng giới giang hồ vẫn duy trì giới luật nghiêm ngặt. Người ta vẫn bảo “đất có thổ công sông có hà bá”, thổ công hà bá đã không gật đầu thì đố dám chen chân nhập bọn, mà nếu đánh lẻ thì ngặt nỗi thổ không thông, người không quen. Xưa có câu rất chí lý “ làm ăn không đắc địa, chỉ tổ rước cục tức vào thân”, Triệu Lão Biệt đương nhiên cũng thấu hiểu đạo lý này, lão cảm thấy tốt nhất nên tìm một “bóng tùng” để nương tựa, bởi rốt cuộc lưng có dựa gốc cây thì thân mới mong mát mẻ. Cái gốc cây to nhất lúc ấy tất nhiên là