Tư Mã Khôi phát hiện trong huyệt động sâu hút mắt này, ngoại trừ bốn thành viên đội khảo cổ và loài côn trùng phát sáng nơi đầm lầy ra, thì ở đây còn có một cánh cửa bằng đá bị che khuất giữa lùm nấm rậm rạp, đó là vật thể tồn tại ngoài cõi thực.
Có điều anh không thể đưa ra được bất kỳ chứng cứ gì để trực tiếp xác thực, tất cả chỉ là sự mách bảo của trực giác, cảm giác này tương tự lúc anh gặp Nhị Học Sinh trong động đạo, tuy gã đó có máu, có thịt, còn có cả hơi thở giống như người sống, nhưng Tư Mã Khôi luôn quả quyết rằng, hắn chính là thứ bị tấm bia đá nhốt nơi tận cùng địa mạch biến thành. Cả tòa đại điện đèn đuốc sáng trưng và khảm thần đặt trong đó nữa. Tất cả những thứ đó luôn váng vất hơi thở quái dị đến khó lòng hình dung. Bây giờ nghĩ lại anh mới thấy trăm ngàn ngọn nến trường minh vạn năm không tắt ấy thực ra chính là những con mắt của Entroypy. Trong khi đó, cánh cửa đá này đem đến cho anh cảm giác hoàn toàn khác, nó không thuộc về động không đáy, có lẽ nó là di chỉ mà người Bái Xà cổ đại lưu lại trong Entroypy.
Mọi người không cam tâm bó gối đợi chết, họ quyết tâm đi vào huyệt động phía sau cánh cửa đá đó thăm dò tình hình, xem bên trong có thứ gì, sau đó mới quyết định bước hành động tiếp theo. Hải ngọng lập tức cõng Thắng Hương Lân lên lưng, Tư Mã Khôi xách hộp thiếc đựng đầy đom đóm đi trước dẫn đường, cả hội xuyên qua khe hở của cánh cửa khổng lồ, đi mãi vào trong.
Cao Tư Dương nắm chặt cây súng. bám sát sau lưng Tư Mã Khôi, tuy ánh sáng đom đóm yếu ớt và phạm vi chiếu sáng khá hẹp, nhưng cả hội vẫn không khỏi ngạc nhiên trước vẻ cao lớn hùng vĩ của cánh cửa đá, mấy người đi qua khe cửa mà thấy như thể đang xuyên qua một khe cốc hẹp.
Sau khi vào phía trong cánh cửa, mọi người mới phát hiện nơi mình đang đứng là một gian động thất, vách đá bằng phẳng, mặt đất phủ lớp rêu dày, ngoại trừ phiến đá nằm chỏng trơ, đơn độc ở giữa ra thì xung quanh trống trơn. Không hề có đồ vật gì khác, phía cuối gian còn có một cách cửa hình vòm, nằm chìm trong tường, xem ra từ đó có thể đi vào sâu hơn nữa.
Hội Tư Mã Khôi phát hiện trên phiến đá trong động có hình vẽ, liền xúm lại xem. Khi bóc lớp rêu khô phủ bề mặt đi, dưới ánh sáng nhờn nhợn của đom đóm, Tư Mã Khôi thấy đó là hình vẽ tô tem vị thần cổ xưa hình cây khổng lồ. toàn thân mọc chi chít con mắt quái dị, có mắt nhưng không thể nhắm lại, có bụng nhưng không có lục phủ ngũ tạng, nó bất tử bất diệt và đang ngơ ngác chào đời giữa hư vô mông muội, giữa hỗn độn vạn vật. Xung quanh đó toàn là thi thể người và dã thú, khắp nơi cỏ lá héo khô tự thủa nào, tuyệt không thấy bong dáng con người, bức họa được điêu khắc vô cùng tinh tế và tỉ mỉ, toát ra vẻ thần bí khó diễn tả bằng lời.
Cao Tư Dương rất kinh ngạc, cô hỏi Tư Mã Khôi: “Bức họa này mô tả sự ra đời của Entroypy à?”
Tư Mã Khôi gật đầu, anh giải thích thêm: “Cổ nhân thường mang những chuyện cũ khắc thành tranh để lưu lại cho hậu thế”, nói xong, anh lại chăm chú quan sát phía trên và phía dưới phiến đá thêm mấy lượt nữa, nhưng không phát hiện điểm gì bất thường. Động thất tuy lớn, nhưng chỉ có phiến đá và những hình vẽ cổ khắc trên nó, ngoài ra, không tìm thấy bất kỳ vật nào khác.
Hải ngọng nói: “Nếu sớm tìm ra hình vẽ khắc trên phiến đá thì chúng ta đã không mất công chạy xa lắc xa lơ xuống lòng đất, rồi chui đầu vào rọ chịu chết thế này, bây giờ mới xem thì còn tác dụng mẹ gì nữa?”
Cao Tư Dương đề nghị: “Hình như phia sau động thất này vẫn còn không gian khác nữa, không rõ bên đó có gì, hay chúng ta sang xem rồi bàn sau?”.
Tư Mã Khôi và Hải ngọng cũng có ý đó, vậy là cả hội liền sang gian bên cạnh, vừa nhìn đã thấy kết cấu và vẻ ngoài của gian này rất giống gian trước đó, trên mặt đất cũng có phiến đá khắc hình vẽ. Bức họa khắc trên phiến đá thứ hai này vẽ một cảnh tượng khủng khiếp – Entroypy đang nuốt chửng vạn vật, phía dưới có vô số người Bái Xà cổ đại quỳ rạp xuống đất cầu xin.
Lúc này, mọi người mới biết, các hình vẽ khắc trên phiến đá có nội dung liên quan với nhau, động thất này có lẽ vẫn chưa phải gian cuối cùng, mà còn có thể tiếp tục vào sâu hơn nữa. Bức tranh vẽ trên phiến đá trong gian động thất thứ ba vẽ cảnh người Bái Xà cổ đại tôn Entroypy làm thần sống, mấy vị vương gia đều đội trang sức hình cây cổ thụ khổng lồ trên đầu và liên tục hiến người sống vào trong động làm vật tế thần.
Những ghi chép liên quan đến Entroypy, hội Tư Mã Khôi đều đã biết từ trước, nên giờ không ai thấy lạ lẫm hay bất ngờ với nội dung này, nhưng cả hội không thể nghĩ ra nguyên do vì sao lại có những phiến đá khắc hình vẽ kia? Rốt cuộc nơi đây còn bao nhiêu phiến đá như thế nữa? Vì sao chúng lại được phân chia và đặt trong các gian động thất khác nhau? Liệu những bức họa phía sau còn ẩn giấu bí mật động trời nào nữa chăng?
Nghi vấn trong lòng mỗi lúc một nhiêu thêm, nên mọi người chỉ xem lướt qua, rồi vội vàng đi tiếp vào gian trong.
Dọc đường, Cao Tư Dương vẫn đặc biệt để ý đến kim đồng hồ, cô thấy thời gian chưa hề xuất hiện sự thay đổi khác thường nào.
Cả đoàn rào bước nhanh hơn vào gian động thất đặt bức tranh thứ tư. Bức họa này vẽ hình người Bái Xả xây miếu thần cho Entroypy, tôn tô tem cây cổ thụ và rắn bay lâm lưỡng thần, đồng thời mô tả Entroypy giống như một hắc động giữa hư vô. Thi thể và linh hồn của người Bái Xà cổ đại sau khi chết đi đều được đưa vào trong động và bị vị thần cổ xưa ăn mất. Kiếp người vốn “sinh tử vô thường”, nhưng ai được Entroypy nuốt chửng sẽ không bao giờ phải chết thêm lần nữa, bởi vì kể từ đó họ đã trở thành một bộ phận của động không đáy, con đường dẫn tới cõi trường sinh thực ra chính là cái chết vĩnh viễn.
Phiến đá thứ năm ghi lại câu chuyên người Bái Xà cổ đại lừa dị thần Entroypy. Họ dùng tấm bia khắc lời nguyền chết chóc để nhốt Entroypy vào nơi tận cùng của địa mạch.
Do khắp người con quái vật hình cây cổ thụ khổng lồ này mọc toàn những con mắt không bao giờ khép lại, nên những bộ phận nhìn thấy tấm bia đá của nó sẽ lập tức khô quắt và chết, nhưng phần còn sống tiếp tục tái sinh, thay thế cơ thể bị hoại tử trước đó, nhưng khi vị thần cổ hoàn toàn sống lại thì nó lại nhìn thấy tấm bia đá và chết đi lần nữa. Từ đó, nó chìm sầu vào vòng xoáy sinh tử và không thể tự mình thoát ra nổi.
Mọi người xem một mạch đến phiến đá thứ sáu. Đó là cảnh tượng xảy ra sau khi người Bái Xà cổ đại dùng tấm bia đá nhốt vị thần cổ trong hắc động, họ cũng không tránh khỏi kiếp nạn của đất trời, đa số người Bái Xà bị hồng hoang nuốt chửng, tàn nhánh ít ỏi sống sót cũng dần dần diệt vong.
Hải ngọng sốt ruột, anh thấy đội khảo cổ đã biết hết những chuyện này, giờ xem đi xem lại phỏng có ích gì?
Tư Mã Khôi lại cảm thấy bức họa khắc trên các phiến đá rất bất thường. Sau khi người Bái Xà cổ đại dựng tấm bia đá, thì họ mới bị tổn hao nguyên khí do ảnh hưởng của chiến tranh, rồi lại bị hồng hoang nuốt chửng dẫn đến họa diệt vong, còn những bức họa trong động thất này rõ ràng xuất hiện trước khi người Bái Xà dựng bia đá. Từ bức họa thứ năm trở đi, thì cảnh tượng được vẽ hoàn toàn chưa xảy ra. Vì sao những tiên đoán về chuyện người Bái Xà cổ