Tòa thành Nhện Vàng còn lưu giữ một vong linh ngàn năm lởn vởn trong mật thất, nói chính xác hơn thì nó là một đoạn văn bản mật, một đoạn sóng điện cần sử dụng loại thiết bị cảm ứng đặc biệt mới có thể thu nhận được. Nấm mồ xanh đã chuẩn bị kế hoạch suốt mấy chục năm, cũng chỉ vì muốn đoạt được đoạn sóng điện u hồn bị vùi sâu dưới lòng đất đó.
Tư Mã Khôi không phải không hiểu chỉ cần đoạt được sóng điện u hồn trong mật thất, thì nhất định có thể giải mã được mọi bí mật của kẻ cầm đầu tổ chức Nấm mồ xanh. Nhưng việc này quả thật quá gai góc, chẳng khác gì hổ con vồ nhím chúa, bắt được mà không biết há miệng đớp vào chỗ nào. Gương mặt thật sự của Nấm mồ xanh cũng như cách hắn lẩn trốn trước mặt đội thám hiểm, đều bị che đậy kín bưng như trong thùng tôn; vả lại thành cổ vương triều Chăm Pa giờ đã chìm nghỉm xuống đầm lầy, hiện tại chẳng còn bất kỳ manh mối nào mà lần dấu vết.
Tư Mã Khôi cân nhắc nặng nhẹ, thấy rằng trước tiên vẫn nên trở về tổ quốc, hoàn thành nghĩa vụ với những đồng đội đã bỏ mình nơi chiến trận. Đối với anh, giờ đây không việc gì cấp thiết hơn trách nhiệm này.
Còn Ngọc Phi Yến, tất cả thuộc hạ của cô trong Sơn lâm đội thiếu lão đoàn đều mất mạng trong núi Dã Nhân, hiện tại cô chẳng biết phải đi đâu, nhưng do sự ảnh hưởng của cục diện chính trị, nên cô cũng không thể theo hội Tư Mã Khôi cùng vượt biên trốn về Trung Quốc được.
Tư Mã Khôi gợi ý cho Ngọc Phi Yến, mấy ngày nay, anh cùng toán quân bang Wa có nghe ngóng được một số tin tức trong nước, được biết vài năm gần đây những chiến hữu từ đội quân Cộng sản Miến Điện trốn về nước, đầu tiên đều bị nhốt cách ly chờ thẩm tra, mục đích chủ yếu là để đề phòng người được huấn luyện nghiệp vụ mật thám ở nước ngoài điều về nước làm nội gián, sau đó do số người phải điều tra quá nhiều, nên các quy trình cũng dần nới lỏng đáng kể. Có điều, trước khi vấn đề được điều tra rõ ràng thì không ai được phép trở về đất nước, mà phải tập trung xuống vùng nông thôn chịu quản thúc, hậu quả cũng không đến mức nghiêm trọng như ban đầu mọi người vẫn tưởng.
Tư Mã Khôi còn nhớ: trước đây trong đội quân Cộng sản Miến Điện có một nữ chiến sĩ, trông hao hao giống Tuyệt, cũng xấp xỉ tuổi Ngọc Phi Yến, dung mạo khá tương đồng, lí lịch của cô ấy giống với hội Tư Mã Khôi, đều là con em thành phần hữu khuynh chạy trốn ra nước ngoài, song thân sớm đã không còn, trong nước cũng chẳng có ai thân thích. Năm ngoái, cô ấy cùng bộ đội hành quân trong rừng rậm. Đầm lầy ở khe núi là nơi cư ngụ của lũ ve hút máu, chỉ cần gặp người sống là chúng ùa đến “nhiệt liệt đón chào”, chúng chui vào da thịt nhanh như cắt, rồi luồn vào não hút máu, loại ve này tuy không đáng sợ bằng đỉa Campuchia ăn thịt người, nhưng trên mình chúng lại mang mầm bệnh “viêm màng não mủ”, xác suất truyền nhiễm sang người là một phần trăm, người nào bị lây truyền đều vô phương cứu chữa, chỉ còn cách chờ chết. Khi đó, cô ấy không may bị ve hút máu truyền bệnh, không có cách gì chữa trị được, cuối cùng đã chết, chính tay Tuyệt còn đào đất chôn cất cô ấy.
Tư Mã Khôi bảo Ngọc Phi Yến giả mạo người nữ chiến sĩ đó, dù sao sau khi về Trung Quốc cũng bị đẩy xuống một vùng nông thôn hoang vắng nào đó, chỉ cần nhớ kỹ thân phận mới của mình, cố gắng học thuộc “ba bài ca” của Mao Chủ tịch(1), cán bộ ủy ban Cách mạng phụ trách quản giáo ở địa phương toàn là nông dân, trong mắt họ, con em thành phần hữu khuynh từ mặt khí chất cho đến dung mạo đều chẳng khác thanh niên trí thức là mấy. Làm gì có ai nhận ra cô? Cách này được gọi là “mưu cầu sinh tồn trước hiểm nguy” tuy không phải cách gì hay ho lắm, nhưng cũng không hẳn không phải một con đường sống.
([1]) ‘‘Ba bài ca” của Mao Chủ tịch: là ba bài văn ngắn của Mao Trạch Đông, phát biêu trước khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập, lần lượt là “Vì nhân dân phục vụ”, ‘Tưởng niệm đồng chí Henry Norman Bethune” (Henry Norman Bethune 1890 -1939, bác sĩ người Canada, chiến sĩ hòa bình sang giúp Giải phóng quân Trung Quốc trong những năm 1938-1939) và “Ngu Công dời núi”, ba bài phát biểu này đều nhằm nhấn mạnh tư tưởng của đảng Cộng sản là vì nhân dân phục vụ, không màng lợi ích cá nhân và gian khổ phấn đấu.
Ngọc Phi Yến nghĩ đến cảnh ngộ đường cùng của mình, chỉ còn biết nghiến răng nuốt hận: “Đi thì đi, chỉ có điều lão quỷ nhà anh hãy nhớ cho kỹ: nếu chẳng may tôi gặp phải chuyện gì bất trắc, thì việc đầu tiên tôi làm là khai ra anh chính là kẻ chủ mưu đấy!”
Tuyệt cũng thấy kế hoạch này không khả thi, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, làm sao che giấu mãi được, huống hồ nếu cứ làm theo cái cách hồ đồ này của anh Khôi thì chắc không qua nổi cửa thẩm tra đầu tiên, vạn nhất người ta lôi hồ sơ trong thành phố ra so sánh, thì sẽ lộ chân tướng ngay, lúc ấy có mồm năm miệng mười giải thích cũng không ai tin, mà đâu chỉ một mình Phi Yến phải chịu tội, có khi cả anh Khôi cũng không tránh khỏi liên lụy ấy chứ.
Sau khi bàn bạc, Ngọc Phi Yến đành quyết định cao chạy xa bay đến Luân Đôn, cô dặn Tư Mã Khôi: “Ở Trung Quốc, tôi có một người chú họ chưa từng gặp mặt bao giờ, tên chú ấy là Thắng Thiên Viễn. Tuy cũng được học nghệ, nhưng con đường chú ấy lựa chọn không hề giống với bố tôi, chú ấv không hành nghề hối tử, mà đi du học ở Anh và Pháp, từng là viện sĩ trẻ tuổi nhất từ trước đến giờ ở Học viện khảo cố bảo tàng Pháp, đảm nhiệm chức vụ đội trưởng đội khảo cổ của Pháp – thường trú tại Ấn Độ, quanh năm lăn lộn ở những vùng có nhiều di tích lịch sử và giàu giá trị khảo cổ như Miến Điện, Campuchia, Việt Nam…
Nghe bố tôi nói, khoảng đầu những năm năm mươi, chú ấy từng bị tổ chức Nấm mồ xanh lợi dụng, đã giải mã được một phần bí mật văn vật cổ đại, nhưng sau khi biết được âm mưu thực sự của tổ chức, chú ấy liền tìm cách trốn về Trung Quốc dưới danh nghĩa Hoa kiều, đồng thời đảm nhiệm một chức vụ quan trọng nào đó ở Bắc Kinh, từ đó đến nay chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc. Chuyến này các anh trở về Trung Quốc hãy tìm cách đi gặp chú tôi, nếu chú ấy còn sống, có lẽ sẽ biết được chân tướng chôn vùi dưới tòa thành Nhện Vàng của vương triều Chăm Pa. Có điều các anh phải tuyệt đối cẩn trọng, chúng ta sống thêm được ngày nào hay ngày đó, đừng có mang tính mạng của mình ra làm trò đùa nữa.”
Tư Mã Khôi gật đầu đồng ý: “Chú cô đã là chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ học, hơn nữa lại chức cao vọng trọng, sau khi về nước chắc hẳn không thể nào từ bỏ sự nghiệp dở dang được, có điều từ sau khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu, phần tử trí thức của các đơn vị đa số đều bị đẩy xuống vùng nông thôn. Ở Bắc Kinh, tôi cũng có một vài mối quan hệ, sau khi trở về sẽ nhờ người giúp dò hỏi xem sao, biết đâu lại tìm ra tung tích chú ấy”. Thế là Tư Mã Khôi bắt đầu thu xếp hành lý, thực ra ngoài hai bàn tay trắng ra thì anh cũng không còn gì nhiều mà sắp xếp, sau khi chuẩn bị qua loa, anh định khởi hành một mình.
Ai dè Hải ngọng biết được việc này, tuy vết thương vẫn chưa khỏi hẳn, nhưng anh không chịu ở lại dưỡng thương, một mực đòi theo Tư Mã Khôi về nước. Anh bảo đã chán ngấy cái đất Miến Điện này rồi, vả lại cũng rất nhớ ông bố La Vạn Sơn đang ngồi nhà đá của mình, nên một ngày anh cũng không thể ở lại thêm được nữa.
Tư Mã Khôi thấy Hải ngọng đã xuống đất đi lại được, thì quay sang hỏi ý kiến của Tuyệt. Nhận được câu trả lời khẳng định từ cô, anh bèn đồng ý dẫn theo Hải ngọng về nước.
Ở ngã tư con đường số mệnh, mỗi người đều có lựa chọn riêng cho mình, nhưng mỗi ngả đường đều chứa đầy biến cố và vô tri, giống như bị ngọn núi tuyết Gao Li Gong sừng sững đứng chặn trước mặt vậy. Bốn người rốt cục đã cùng nhau trải qua những giờ khắc sinh tử hoạn nạn, lại biết rõ con đường phía trước của mình tràn đầy biến động và hiểm nguy, nói không chừng, lần chia tay này sẽ là lần chia tay vĩnh viễn, trong lúc sắp biệt ly, ai nấy đều nặng trĩu tâm sự, mọi người im lặng, chẳng ai nói với ai câu gì, hoàn cảnh hiện tại thật đúng với câu nói của người xưa “Điều duy nhất khiến ta lặng lẽ, thẫn thờ, chỉ có chia ly mà thôi”.
Tư Mã Khôi không muốn thấy mọi người thối chí, cảm nhận được bầu không khí nặng nề, anh bèn lay lay vai mọi người: “Thôi, các cậu đừng ủ rũ như gà mắc mưa thế nữa, chẳng phải chúng ta vẫn còn sống đây sao? Mai sau thiếu gì cơ hội gặp lại, nghĩ thế sẽ thấy tâm trạng vui vẻ hơn đấy”. Nói xong liền vẫy tay gọi Hải ngọng lên đường, rời khỏi bang Wa, cắm đầu đi một mạch về hướng biên giới Miến Trung.
Giống với số phận của đa số những người rời khỏi Miến Điện trốn về nước, Tư Mã Khôi và Hải ngọng – ngoài việc bị kiểm tra sức khỏe, còn phải trải qua rất nhiều cuộc thẩm tra khác nữa, may mà vụ án Hạ Thiết Đông đã khép lại khá lâu, nên người ta không còn truy cứu nhiều về các vấn đề có liên quan. Nhưng tiếng tăm của Tư Mã Khôi và Hải ngọng khi còn vùng vẫy ở Miến Điện quả cũng không tầm thường, thậm chí ở trong nước người ta cũng phong thanh biết được, bởi vậy hai người họ không chỉ đơn giản bị đẩy xuống vùng nông thôn cải tạo lao động như dự liệu ban đầu, mà còn bị tống vào một xưởng sản xuất gạch ngói ở vùng ngoại ô heo hút thuộc Trường Sa để quản thúc. Ban ngày thì lao động chân tay, tối đến họ lại phải ngồi viết tường trình ở lóp học cải tạo, ghi chép tường tận, chân thực, nguyên văn tất tần tật mọi việc lớn nhỏ từng tham gia ở Miến Điện, còn về việc sau này sẽ tiếp tục bị nhốt hay được thả, đều phải do các ban ngành có liên quan thẩm tra chứng thực trước đã, đợi sau khi có kết luận mới định tội được.
Tư Mã Khôi không ngờ quá trình thẩm tra lại diễn ra nghiêm ngặt đến thế, thậm chí ngay cả viết thư cho gia đình cũng bị hạn chế, về cơ bản hoàn cảnh của hai người gần giống với trạng thái cách ly, hoàn toàn không được liên lạc với anh em bên ngoài, hiện tại người duy nhất dược phép đến thăm nom hai người chỉ có mỗi mình Hạ Cần – cô bạn học cùng lớp ngày xưa.
Mấy năm nay, bố của Hạ cần đã thăng quan làm tới chức phó tư lệnh. Sau khi cô gia nhập quân đội, thì được điều đến làm việc tại Viện y học tổng quân khu. Sau ngần ấy năm xa cách với Tư Mã Khôi và Hải ngọng, giờ đây tướng mạo ba người đều thay đổi rất nhiều, nhưng tình bạn ngày xưa thì vẫn vậy. Lúc này gặp mặt, ba người họ vừa vui mừng vừa ngạc nhiên, thật là trăm mối tơ lòng lẫn lộn.
Hạ Cần gạt nước mắt, trách cứ bạn: “Các cậu nổi tiếng quá rồi còn gì. Khi đó lấy đâu