Hai người hợp sức nghĩ cách, tục ngữ nói rất hay: “Cứu người gặp nạn chứ không cứu kẻ khốn cùng”, chúng ta đều là trang nam tử hán vai năm tấc rộng thân mười tấc cao, không thể ngồi đây mà chờ Hạ Cần người ta đến cứu tế, phải nhanh chóng tìm ra cách để an cư lạc nghiệp mới được.
Có điều, cứ theo tình hình thực tế mà xét, trong khi đại Cách mạng Văn hóa vẫn chưa kết thúc, thành phần công nông binh về cơ bản vẫn làm việc theo lối mòn suy nghĩ: một cái hố trồng một củ cải, thì không thể tìm nổi công việc nào cho ra hồn mà làm; thêm nữa Tư Mã Khôi và La Đại Hải lại lăn lộn bao nhiêu năm trong quân đội Cộng sản Miến Điện, từ trước đến nay nào hay biết pháp luật kỷ cương là thứ gì, khắp mình rặt mùi khí du kích, làm sao cam tâm đến tận Hắc Long Giang heo hút kia khai khẩn đất hoang. Chẳng còn cách nào hơn, họ đành chạy về khu Hắc Ốc sống tạm bợ qua ngày.
Vùng ngoại ô Hắc Ốc vốn dĩ là nơi tập kết của những thành phần nhàn rỗi lêu lổng dưới đáy xã hội, nó đồng thời cũng là danh từ thay thế cho thế giới ngầm bản địa. Không biết bao nhiêu lần sở công an và ủy ban cách mạng tìm cách xóa sổ ổ nhóm này, nhưng mãi đến tận bây giờ vẫn không thể triệt tiêu hoàn toàn được. Năm đó, Tư Mã Khôi từng một thời tung hoành ngang dọc nơi đây, bây giờ vẫn còn rất nhiều người quen. Ở Trung Quổc, mối quan hệ là nguồn tài sản quan trọng nhất, nếu muốn dấn thân vào xã hội, quen người tất sẽ thông đường, như vậy mới có cơ hội kiếm miếng ăn, rốt cục ai sống mà chẳng phải ăn, sinh tồn là tiền đề cho mọi hành vi xã hội, nếu không có cái ăn thì đừng nói đến kế hoạch này nọ làm gì cho mệt.
Khi đó, khu Hắc Ốc chủ yếu sống nhờ vào con đường sắt, hàng tuần đều có một chuyến tàu vận chuyển lơn sống từ Hồ Nam đến thẳng Quảng Châu, sau đó dỡ hàng xuống xếp lên xe chở đến Hồng Kông. Cả đi lẫn về tuốt tuột hết sáu ngày, trên toa tàu cần người phụ trách quét dọn và cho lợn ăn, những công việc này vừa vất vả vừa mệt mỏi, lại còn vô cùng bẩn thỉu, mà nếu lỡ gặp vận rủi, lũ lợn sống chết quyết tâm chạy trốn, thì những người chăm sóc nó phải chịu trách nhiệm liên quan. Những công việc này từ trước đến nay chỉ thuê nhân công thời vụ, nhưng thù lao thì tương đối khá khẩm, một chuyến đi như vậy được hai mươi tệ. Khu Hắc Ốc có rất nhiều lao động tự do tranh cướp công việc này.
Tư Mã Khôi và Hải ngọng nhờ người quen mách đường, đút lót cho ông quản lý đường sắt một tút thuốc thơm thượng hạng, nhờ vậy mới giành được công việc này. Nhưng ngay từ lần đầu tiên lên tàu làm việc, cả hai đã trợn mắt há mồm, tuy mặt đã bịt đến hai lượt khẩu trang nhưng cái mùi hôi thối nhức mũi vẫn sốc vào tận óc, tởm lợm đến nỗi tới bữa không nuốt nổi cơm, vả lại lúc vác thùng nước gạo vào toa nuôi lợn, thì trời ơi, còn khủng khiếp hơn cả bị quân chính phủ bao vây ở Miến Điện. Lũ lợn đói vừa nhìn thấy thức ăn liền sầm sập lao đến, bất luận hò hét thế nào chúng cũng không chịu dừng lại, nếu Tư Mã Khôi không nhanh chân lẹ tay thì chắc đã bị chúng xông lên giẫm chết tại chỗ rồi.
Hôm đó, hai người vất vả lắm mới cho lợn ăn xong, mệt đứt cả hơi, bò lên nóc tàu ngồi hút thuốc, Hải ngọng đột nhiên hỏi Tư Mã Khôi: “Cậu còn nhớ Mã trọc không?”
Tư Mã Khôi nói: “Đương nhiên là nhớ, có lúc tớ còn nằm mơ thấy bộ dạng ngồi trên nóc tàu hỏa của cậu ta nữa kia. Bố mẹ Mã trọc chỉ có mỗi mình cậu ta là con trai độc đinh, bên trên có sáu chị gái, gia đình cung phụng cậu quý tử như bảo vệ con ngươi chính mình, từ nhỏ chẳng để cậu ta phải làm việc gì vất vả, ngay cả đi học cũng do các chị lần lượt đưa đi đón về. Năm diễn ra phong trào Hồng vệ binh của học sinh sinh viên, nghe đồn Mao Chủ tịch sẽ đến núi Cảnh Cương thị sát, mấy triệu hồng vệ binh trên toàn quốc đều ‘rồ lên’ kéo nhau đổ về đó.
Tàu hỏa chật cứng người, chẳng tìm nổi chỗ mà đặt chân. Khi ấy, Mã trọc cũng muốn đi. Bố cậu ta vừa nghe con trai nói đi gặp Mao Chủ tịch, thì thấy vinh dự quá còn gì, tưởng như cả mồ mả tổ tiên nhà họ Mã cũng sắp phun khói xanh tới nơi, nghĩ thế ông liền đồng ý cho cậu ta đi cùng hội mình. Trước khi đi còn dặn dò đủ thứ, lại cho hẳn một cặp sách trứng gà mang theo. Hội mình không len chân vào trong toa được đành phải bò lên nóc tàu ngồi. Mã trọc từ nhỏ chưa bao giờ bước chân ra khỏi cửa, càng chưa bao giờ được ngồi tàu hỏa, không biết rằng tàu còn phải đi xuyên qua lòng núi, khi đoàn tàu vừa chạy vào đường hầm, xung quanh lập tức tối thui như mực, cậu ta sợ hết hồn hết vía, quên mất mình đang ngồi trên nóc tàu lao nhanh, liền vụt đứng dậy định chạy trốn; kết quả đầu đập phải thành đường hầm. Cái chết quả là quá thảm khốc. Sau khi xuống tàu, hội mình liền quay trở lại đường hầm tìm thi thể cậu ta, cảnh tượng não óc vương vãi khắp mặt đất, có lẽ đến khi chết tớ cũng không thể nào quên được”.
Hải ngọng cũng thở dài nói: “Sau này mọi người mới vỡ lẽ, thì ra tin Mao Chủ tich đến thi sát ở núi Cảnh Cương chỉ là tin vịt, làm cậu Mã trọc chết, đúng là mẹ nó chứ, không đáng tẹo nào, cái thằng oắt đấy và tớ hồi nhỏ chơi khá thân với nhau, dính như hình với bóng, tớ toàn chăm sóc cậu ta”.
Tư Mã Khôi ngạc nhiên hỏi: “Cậu đang tưởng chuyện trong mơ là sự thật đấy à? Sao tớ lại nhớ hồi đó cậu chuyên gia đi bắt nạt trẻ con nhỉ, cái cặp sách đựng đầy trứng gà mà Mã trọc mang theo, lúc tàu còn chưa kịp chuyển bánh, thì đã bị cậu oanh tạc mất một nửa. Rốt cục thì cậu thân thiết với Mã trọc hay thân thiết với mấy quả trứng gà nhà cậu ta hả?”
Hải ngọng vội phản ứng: “Tiên sư nhà cậu, cậu nghĩ thế thì còn nói làm chó gì nữa, chẳng phải bây giờ tớ đang ngồi trên nóc tàu hỏa buồn nẫu ruột tưởng nhớ đến thằng bạn cũ đây sao?” – Nói đoạn, anh trầm ngâm một lát rồi tiếp: “Bọn mình chịu đựng khổ cực thế này thực ra cũng chẳng thấm tháp vào đâu, nhưng cái chính là làm xong việc chỉ biết ngồi đờ đẫn trên nóc tàu, thật nghĩ mà nản, vả lại cả ngày bận tối mắt tối mũi cố kiếm chút tiền xương máu mà cũng chỉ đủ làm no cái bụng, bọn mình phải chịu cảnh này đến mùa quýt nào mới có ngày nở mày nở mặt ra được hả?”
Tư Mã Khôi gật đầu bảo: “Cái công việc tệ hại, bám theo xe lửa nuôi lợn cho anh em thuộc địa thực dân kia, tớ cũng chẳng muốn làm tí nào, tội nợ này đâu phải để con người chịu đựng. Tớ định sẽ đến Bắc Kinh để dò hỏi tung tích của ông Thắng Thiên Viễn, nhân tiện đi kiếm tí tiền, giải quyết vấn đề cơm áo trước mắt cái đã”.
Hải ngọng nghe đến tiền thì lập tức hào hứng hẳn lên: “Cậu có nơi nào kiếm ra tiền ở Bắc Kinh à?”
Tư Mã Khôi nói: “Năm xưa, chiếc áo khoác da chuột xích long tuấn mã mà Triệu Lão Biệt mang ra đổi chác với bọn mình, là một vật vô cùng hiếm có, suốt thời gian đi Miến Điện, tớ vẫn nhờ Hạ Cần giữ hộ, Bắc Kinh là thành phổ lớn, chắc sẽ dễ tìm thấy người mua nó.”
Nói là làm ngay, khi chuyến tàu vừa trở về Trường Sa là họ lập tức bỏ việc đến Bắc Kinh. Nhờ vào các mối quan hệ trước đây, hai người vừa dò la tin tức của ông Thắng Thiên Viễn, vừa tìm một số người thích sưu tầm bảo vật có thể mua chiếc áo lông chuột.
Năm ấy, đại Cách mạng Văn hóa tuy vẫn chưa kết thúc hẳn, nhưng Bắc Kinh vốn nổi tiếng là nơi “thế giới đa hệ”, con người trong thiên hạ có trăm phương ngàn kế mưu sinh khác nhau, kiểu gì mà chẳng tìm ra những kẻ chuyên mua bán đổi chác bảo vật nhân thời kỳ bài trừ tứ cựu(1), những người này rất am hiểu cái gì là xã hội, bọn họ không ai không tỏ tường cái lẽ: triều đại nào mà chẳng có khi biến động? Nếu cuộc sống lúc nào cũng thanh bình ấm no, thì đồ cổ cũng không thể lưu lạc xuống tận hang cùng ngõ hẻm, bị người ta trao đi đổi lại với cái giá bèo bọt chẳng khác gì mớ rau ngoài chợ. Có điều, thời thế chính trị biến động đến mấy thì sớm muộn gì cũng phải có ngày kết thúc, tới lúc ấy, mấy thứ cổ lỗ sĩ sẽ lập tức quay ngoắt tăng giá vùn vụt, có khi lãi gấp trăm gấp ngàn, lợi nhuận khổng lồ đến dễ dàng, chẳng khác gì từ trên trời tự dưng rơi vào mồm.
(1) Bài trừ tứ cựu: là chủ trương được đề ra trong đại Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc, trong đó bốn cái cũ cần bài trừ la: tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ và tập quán cũ.
Thời xưa, người ta gọi những kẻ chuyên thu mua đồ cũ là kẻ “đánh trống con”, vì họ thường đeo một cái túi vải lớn trên lưng để đựng tiền, tay gõ vào mặt trống tròn dẹt to cỡ lòng bàn tay, vừa đánh trống vừa sục sạo khắp các ngõ ngách, phạm vi thu mua rất rộng, đồ đắt có khi là đồ cổ vàng ngọc, trang sức, tranh chữ… đồ rẻ tiền có khi chỉ là mấy cái nồi sứt bát mẻ, lông gà lông vịt vụn vặt. Nói tóm lại, chẳng có thứ gì bọn họ không thu mua. Trong năm nghề tám nghiệp lưu hành ở Bắc Kinh cổ xưa, nghề này luôn chiếm một phương, vì thế cho đến tận bây giờ những kẻ hành nghề thu mua vẫn rất hãnh diện với tên gọi cũ. Chỉ có điều, thời kỳ diễn ra đại Cách mạng Văn hóa họ chuyển sang hoạt động bí mật, không dễ gì lộ mặt ra ngoài, cho dù là người rất thông đường thuộc nẻo muốn tìm bọn họ cũng còn khó nữa là.
Gia thế của Tư Mã Khôi khác với người thường, cả thành Bắc Kinh có tên thu mua nào không biết anh là hậu duệ của gia tộc họ Trương, gốc gác đâu phải hạng xoàng. Muốn bán đồ tốt, bao giờ chủ nhân cũng phải kể tường tận ngọn nguồn gốc gác của nó, bởi vì mấy món này không phải từ trên trời tự dưng rơi xuống, càng không phải từ dưới đất bỗng chốc mọc ra. Nếu như tổ tiên ba đời nhà anh đều là phu khuân vác ở bến tàu, rồi một ngày anh đột nhiên mang một món đồ cổ có giá trị cực lớn đem đi bán, thì chẳng cần liếc, cũng có thể khẳng định chắc chắn nó là hàng nhái. Nhưng một người xuất thân từ gia đình giàu có danh giá thì lại khác, cho dù bây giờ người ta đã khuynh gia bại sản, nhưng không chừng, họ vẫn có thể moi móc được món đồ tốt từ một xó xỉnh ngóc ngách nào đó cũng nên, rồi mang ra chợ bán thì giá trị của nó đúng là thôi rồi.
Đúng như dự đoán, quả nhiên có mấy vị “đánh trống con” sau khi biết tin liền mời Tư Mã Khôi vào trong một ngôi nhà ở gần đầu phố bán đèn để xem hàng, một trong những vị đó có một lão sư phụ họ Lưu, tên thật là Lưu Hoài Thủy, người quen đều gọi chệch tên lão là Lưu Hoại Thủy, do lão có con mắt tinh tường thần khóc quỷ sầu nên còn được người ta đặt biệt hiệu Thủy ma trống. Tổ tiên sáu đời nhà lão Lưu Hoại Thủy đều xuất thân từ nghề đánh trổng con, thông tin này là có chứng cứ hẳn hoi, thậm chí có người còn đồn ngay từ thời Tống, nhà lão đã bắt đầu cai quản trường sinh khố(2), và chẳng ai ở đây có kinh nghiệm “đánh trống” dày dạn như lão.
(2) Trường sinh khố: thời Tống còn gọi là chất khố, gần giống với hiệu cầm đồ ngày nay.
Thủy ma trống đeo cặp kính lão, ăn mặc giản dị xuề xòa, chân đi giày vải, tay xách chiếc túi giả da kiểu cũ, trông chẳng lộ chút tông tích gì, nếu không phải người trong nghề thì ai nhìn cũng nghĩ lão đại khái là viên kế toán của một cơ quan nhà nước nào đấy. Người này từ trước đã đi lại khá thân mật với nhà họ Trương, còn những người mua khác đều do lão ta dắt mối đến, vừa nhìn thấy Tư Mã Khôi và La Đại Hải, bọn họ vội đến thỉnh an theo đúng quy tắc cũ, đã vậy