Việc Minh Gia Trang được đích thân đệ tử thân tín của Phiêu Hoàng Tông đứng ra làm bảo vệ đã khiến cho toàn bộ Hiểu Vân trấn một phen nhớn nhác. Tin gà tin vịt nổi lên nhiều như lá rụng mùa thu, Thi lâu Trà lâu nào cũng có kẻ bàn tán đến, thảo luận sôi nổi không kém gì tin tức về nam hắc y lúc trước. Các đệ tử Phiêu Hoàng Tông tuy gọi là hộ vệ trang viện nhưng họ kì thật chỉ chú tâm cảnh giới từ xa, tuyệt không hề lộ mặt lấy một lần. Trừ khi có hiệu lệnh của Thiên Sinh Nhã hoặc có biến, lúc đó họ mới được phép xuất hiện.
Giờ đã là tháng năm, thời tiết đang dần dần nghiêng sang tiết mùa hạ. Nắng đã dần dần thay cho khung cảnh mưa phùn ảm đạm trước đây, cây cối nhờ vậy mà càng lúc càng vươn mình phát triển. Không gian lúc này dường như tràn ngập bởi ánh vàng của nắng, màu xanh của những cây hoa đang vươn mình. Tuyết đã sớm tan đi, đôi khi để lại trên nền đường hay bên những gốc cây những vũng nước nhỏ. Mùa hạ tới, Hiểu Vân trấn lại trở nên nhộn nhịp vô bì, ngựa xe ra vào như nước. Các thi lâu, trà lâu cũng đã sớm thay đổi mành nhung che gió lạnh bằng mành trúc đơn sơ. Nơi nào cũng đang nhộn nhịp chỉnh trang, sửa chữa những nơi bị hỏng hay đã cũ, chuẩn bị tiếp đón khách nhân. Chỉ còn hơn một tháng nữa là tới ngày hội riêng của Hiểu Vân trấn – Thi Họa.
Thi Họa là hội thi hằng năm được tổ chức tại Hiểu Vân trấn, cái tên lễ hội này chỉ cần nghe qua ai ai cũng biết nó là gì rồi. Thi, họa – nét đặc trưng của tầng lớp Nho tu. Vốn trước đây, nó chỉ dành cho các tu sĩ cao tầng, các bậc cao danh vọng. Nhưng sau vì càng lúc nó càng thu hút các Nho tu tập trung khiến cho các vị lão niên tại Hiểu Vân trấn quyết định mở rộng ra thành một lễ hội lớn, ai ai cũng có thể tham gia. “Thiên Hoa trấn có lễ Phúc Hoa vang danh khắp chốn, vậy tại sao Hiểu Vân trấn ta không thể có một lễ hội đầy danh vọng như vậy?”. Đó là lí do mà Thi Họa ra đời.
Phần thưởng cho hội này cũng mỗi năm một khác, nhưng vẫn chung chung ở những khoản đại khái như giấy, mực, bút, nghiên, thư pháp… Mỗi một lần tổ chức lễ lại do một vị trưởng lão khác nhau đứng ra. Vì thế có những năm phần thưởng còn có thêm cả công pháp, pháp bảo, đan dược. Đương nhiên là không thể thiếu đi linh thạch rồi, thiếu thứ quan trọng ấy thì làm gì còn là hội? Vào thời điểm này, vui thích nhất có lẽ là những của hiệu chuyên bán giấy, bút, mực. Người ra người vào vô cùng tấp nập, sinh kế đại thịnh. Các cửa hàng này bình thường đa phần bày bán các loại giấy thơm, các loại mực thơm thông dụng của U Châu. Tuy nhiên tới mùa lễ hội, họ bày bán những loại giấy mực cao tầng hơn, thậm chí một vài nơi còn xuất hiện cả cực phẩm giấy như : Tuyết Hoa, Ngưng Nguyệt… hay các loại mực quý hiếm như Ô Sào, Thiên Tru… Đương nhiên, giá là không hề thấp. Tuy vậy lúc này thì chẳng ai cò kè gì cả, đối với Nho tu mà nói. Giấy, mực là cái đại diện cho chính danh dự của họ. Với các Nho tu, chỉ cần nhìn tới thỏi mực, chạm vào tờ giấy là đủ biết con người và tính cách họ ra sao rồi.
Nam nhân thì tất bật nghiên giấy như vậy, các nữ nhân đương nhiên không ai chịu kém phần. Tuy vậy, có rất ít các vị nữ nhân tham gia thi họa. Lễ Thi Họa tới với họ chỉ mang mục đích lớn nhất là kiếm một nam nhân ưng ý, hay ít nhất tìm được những bằng hữu tri kỉ. Điều này là mong muốn lớn nhất của họ, thậm chí nó với họ còn quan trọng hơn cả những thứ phần thưởng khiến bao kẻ nô nức tới đây kia. Thế nên nơi đông nữ nhấn nhất ở Hiểu Vân lúc này chính là những tiệm may và tiệm bán vải vóc. Nữ nhân ở Hiểu Vân này đa phần gần như có chung một lối sống, một lối suy nghĩ. Nên đương nhiên nhiều lúc người ta thấy các nàng thì chỉ cảm thấy mờ nhạt, chung chung, ai cũng giống như ai. Trừ khi có tài năng văn thơ xuất chúng, hoặc nhan sắc hơn người, hoặc có chút danh vọng. Nếu không các nàng đều như nhau cả, chẳng hề có chút nào riêng do mình tạo ra. Nói thế cũng phải, giới Nho tu vốn trọng tài năng mà thôi.
Kỳ Dao về tới Hiểu Vân trấn cùng đoàn nhân mã khiến cho cả trấn lập tức xì xào bàn tán không thôi. Không ít người lạ mới tới đã nhận ra nàng, vì vậy dùng ánh mắt vừa kính nể, vừa thèm muốn mà nhìn tới. Tuy vậy, cũng chẳng có ai dám cả gan lao đầu vào chỗ chết cả. Ngươi có đếm được kia có bao nhiều người không? Họ là ai? Muốn chết thì cứ việc!
Kỳ Dao khẽ vén rèm xe, nhìn ra phía ngoài. Nàng chỉ thấy trên đường chỗ nào cũng chật ních những người qua lại, hoặc phe phẩy quạt đầy tiêu sái, hoặc đang cầm trong tay những nghiên mực, cuộn giấy mà túm tụm trao đổi với nhau. Kỳ Dao lắc lắc đầu, lại nhớ lại tình cảnh dạo trước của mấy nữ nhân kia thì không khỏi giật mình, vội vã buông rèm lại. Nàng nhẩm tính : “Hôm nay đã là ngày mười ba tháng năm, như vậy chẳng mấy mà Hiểu Vân này mở lễ Thi Họa… Ai… đã hơn nửa năm rồi… Minh Tiến, chàng đang ở đâu?...”…
- Hắt xì!
- Tiến ca, ca bị cảm rồi à? Mà không đúng nha, giờ đã vào hạ, sao có thể bị cảm lạnh nhỉ?
Kim Minh trầm ngâm nói, nàng lúc này đang ngồi đối diện hắn mà dùng bữa. Bọn họ đã đi liên tiếp hơn năm ngày đường rừng, sáng đi, đêm nghỉ nhằm hướng tới Linh Sơn mà đi. Dọc đường không có bất cứ chuyện gì xảy ra khiến