Sau khi rời khỏi Hành Sơn, Lam Hạo Nguyệt đã làm một việc khiến Trì Thanh Ngọc rất bất ngờ.
Nàng đổi thành vẻ yên lặng như trước, mang chàng đến thành Hành Dương.
Lúc rời khỏi Yên Hà cốc, trừ chuỗi bảo kiếm của mình, ngay cả một bộ quần áo cũng không mang theo. Trì Thanh Ngọc tưởng rằng nàng muốn mua đồ, thế nhưng Lam Hạo Nguyệt lại dắt tay chàng đi khắp mọi phố lớn ngõ nhỏ. Nàng không đếm xỉa ánh mắt lạ kỳ của đám người đi đường trên phố, nói cho chàng từng cảnh đẹp đáng lưu luyến trong ngôi thành này.
Tiếng xe ngựa ầm ĩ, cảnh họp chợ nhốn nháo, trong khung cảnh đó, bóng hai người được khắc lại, nhìn từ sau lưng, bọn họ như một đôi nam nữ rất bình thường, chẳng có gì đặc biệt.
Hoàng hôn, nàng mang Trì Thanh Ngọc đến bên bờ sông Tương.
Trời nhá nhem tối, ráng chiều như màu máu, những đàn chim nhạn hợp bầy lướt qua trời cao mênh mông, Trì Thanh Ngọc nghe thấy tiếng kêu văng vẳng như một niềm thê lương kia, buột miệng hỏi: “Chim nhạn à?”
“Dạ vâng.” Gió đêm bên bờ sông thổi mạnh, thổi tung mái tóc dài của Lam Hạo Nguyệt. Nàng khẽ phất sợi tóc bên gò má chàng, nhìn về xa. Nước sông Tương cuồn cuộn, bốn bề dậy sóng, bắn bọt nước tung tóe. Lúc này, có con chim nhạc lạc bầy cứ bay chầm chậm quanh quẩn mãi một nơi, không ngừng kêu to, cái bóng đen xì càng lúc càng nhỏ dần ở đằng chân trời xa xăm.
“Bên kia chắc là đỉnh Nhạn Về.” Vẫn như trước, Lam Hạo Nguyệt nắm tay chàng, đi tới một chỗ nước cạn bên bờ sông Tương. Đá cát ở đây trắng, thi thoảng có con chim nhạn gặp nước thì sà cánh nghỉ ngơi, bị hai người làm giật mình, thế là nhanh chóng vỗ vánh bay đi, cứ lượn vòng trên mặt nước mãi.
“Đây là ngọn núi thứ nhất, Nam Nhạc.” Lam Hạo Nguyệt kéo tay chàng, ngẩng đầu nhìn đỉnh Nhạn Về trước mặt, “Thanh Ngọc, em đưa chàng lên đó, được không?”
Trì Thanh Ngọc do dự một lát, lại bảo: “Không cần, tôi đi đứng khó khăn, em lại phải tốn sức.”
Lam Hạo Nguyệt năn nỉ: “Núi này không cao chút nào cả, … mà sau này, em cũng không quay lại nữa.”
Trái tim chàng khẽ co lại, rũ mi mắt nói: “Được, tôi đưa em đi.”
Lam Hạo Nguyệt vui vẻ dắt tay chàng đi xuyên qua chỗ nước cạn, đi tới đỉnh Nhạn Về. Quả đúng như lời Lam Hạo Nguyệt nói, quả núi này chỉ có thể được xem như một gò núi nhỏ mà thôi, thế nhưng vì mắt Trì Thanh Ngọc không thấy đường, vậy nên lúc lên núi vẫn rất cẩn thận.
Khi hai người lên tới đỉnh núi thì màn đêm đã buông xuống, đất trời bao la. Nước sông cuồn cuộn chảy về đông, từng đàn nhạn bay đến núi này rồi tìm về nơi mình đã chiếm cứ, tiếng kêu rú dần mất hẳn.
“Đây là ‘Hành Dương cánh nhạn bay đi hút’ (*) đó sao?” Trì Thanh Ngọc đưa mặt về phía sông, tự nói.
(*) Câu thơ trong bài Tống từ, Ngư gia ngao của Phạm Trọng Yêm, bản dịch Nguyễn Xuân Tảo. Bài thơ này miêu tả cảnh ngày thu, cảnh vật tiêu điều, nhạn bay đi chẳng có ý đậu lại.
Lam Hạo Nguyệt gật đầu nói: “Trên đỉnh Nhạn Về này, cứ mỗi lần vào thu đông có rất nhiều chim nhạn đậu lại nghỉ ngơi, cho dù người thấy cũng không bắn chết.”
Trì Thanh Ngọc khẽ mỉm cười, hỏi: “Vì sao lại đặc biệt tập trung ở nơi này?”
Lam Hạo Nguyệt đưa mắt nhìn nền trời bao la, đáp: “Nghe kể trước đây rất lâu, cứ mỗi khi đông về thì có đàn chim nhạn dừng chân ở chốn này, trong đấy có một con nhạn đực bị thợ săn bắn chết, con nhạn cái đi cùng ngay lập tức tông vào vách núi mà chết theo. Những chim nhạn còn lại không chịu bay đi, cứ gào thét thảm thiết cả ngày trên bầu trời Hành Dương, dù thế nào cũng không tản. Sau này, Huyện lệnh trừng phạt người thợ săn kia, sau đó lập bia khắc thơ về chim nhạn trên núi, thắp hương siêu độ trên đỉnh Nhan Về suốt cả ba ngày thì đàn chim nhạn kia mới chịu bay đi. Từ đó, mỗi năm khi nhạn bay về phương nam, lúc đi qua nơi này thì như nghe thấy loáng thoáng tiếng kêu gào thảm thiết của đôi nhạn đã chết kia, nên tất cả đều dừng chân ở đỉnh Nhạn Về này để chờ qua mùa đông. Tên của ngọn núi này, cũng từ đó mà ra.”
Trì Thanh Ngọc chăm chú lắng nghe, khuôn mặt có phần buồn bã, hỏi: “Tấm bia đá em nói cũng là thật à?”
“Đương nhiên là thật.” Lam Hạo Nguyệt vẫn không bỏ được tính trẻ con, sốt ruột nói, “Có điều… Chắc đã lâu lắm rồi, nên bây giờ không tìm thấy nữa đâu…” Nàng nói xong, lại sợ Trì Thanh Ngọc không tin nên liền kéo chàng trở về.
“Hồi nhỏ em đã từng tới đây rồi, chàng đừng nghĩ em đang nói xạo nha.”
Trì Thanh Ngọc mỉm cười, cũng không hỏi Lam Hạo Nguyệt muốn đưa chàng đi đâu, chỉ im lặng đi theo nàng. Lam Hạo Nguyệt đưa chàng đi xuống sau núi, đến bên hồ Yên Vũ dưới chân núi, nước trong veo, sương mù giăng phủ, dưới ánh trăng, càng trông như một bức tranh huyền ảo. Cát dưới chân núi mịn như tuyết, hàng tùng bên đường đong đưa, nàng bẻ một cành lau sậy trắng như tuyết, khẽ lướt qua mu bàn tay của Trì Thanh Ngọc.
“Không tìm thấy tấm bia đá nhưng hồ Yên Vũ thì mãi mãi ở chốn này, sẽ không biến mất.” Nàng cúi người nhặt một viên sỏi nhẵn thín bên bờ hồ, ở trong tay đụng vào nhau, phát ra âm thanh rất vui tai, “Nếu là ngày mưa dầm, ở đây sẽ có hơi nước bốc lên, càng giống tiên cảnh.”
Trì Thanh Ngọc ngồi xổm, đưa tay lướt qua hồ nước lành lạnh, bỗng hỏi: “Hạo Nguyệt, kể từ sau tối hôm nay, em thật sự không định quay lại nữa sao?”
Nụ cười trên mặt Lam Hạo Nguyệt cứng lại, nàng cúi đầu nhìn ánh trăng trên hồ nước, hỏi: “Chàng không muốn đưa em đến Lĩnh Nam à?”
Trì Thanh Ngọc trầm mặc một lát rồi nói: “Khí hậu Lĩnh nam nóng bức, ở địa vực xa xôi, chỉ sợ không bằng gia hương của em…”
“Không phải chàng cũng sống ở đó hơn mười năm rồi sao? Chàng có thể làm được thì em cũng có thể.” Nàng nắm viên sỏi trong tay, nằm lên lưng, gối đầu lên vai chàng.
Trì Thanh Ngọc khẽ thở dài, nàng lại quay sang trước mặt chàng, huơ huơ tay, nói: “Mang kiếm của chàng tới đây nào.”
“Để làm gì?”
“Bảo chàng mang tới thì mang đi.”
Trì Thanh Ngọc nghi ngờ đưa Cổ kiếm cho nàng, Lam Hạo Nguyệt rút kiếm ra khỏi vỏ, dùng sức di chuyển, khắc chữ lên viên đá cuội nhẵn thín như ngọc. “Cho chàng đấy.” Khắc xong, Lam Hạo Nguyệt thổi mảnh vụn đi, đặt viên đá cuội kia vào lòng bàn tay chàng.
Chàng sờ tay lên vết khắc, bên môi bất giác hiện lên nụ cười nhàn nhạt: “Tên của tôi à?”
“Dạ.” Lam Hạo Nguyệt giao lại kiếm Yên Hà của mình cho chàng, “Thanh Ngọc, đến phiên chàng khắc tên em.”
Trì Thanh Ngọc cầm kiếm của nàng, thấp giọng nói: “Tôi sợ khắc không đẹp.”
“Chẳng sao hết, em giúp chàng.” Nàng khăng khăng cầm tay chàng, chỉa mũi kiếm lên viên đá trên đất. Trì Thanh Ngọc cười nhạt, dưới sự chỉ dẫn của nàng, chầm chậm khắc tên nàng xuống. Chữ của chàng viết không tiêu sái, nét bút thẳng và rất cứng, dùng sức rất nhiều, mỗi khi hoàn thành một nét sẽ ngừng lại một chút, tựa như đang suy nghĩ đến hướng bút tiếp theo.
“Không bị méo lệch chứ?” Sau khi hạ xong nét chữ cuối cùng, chàng cau mày hỏi.
“Không có.” Lam Hạo Nguyệt nhặt viên sỏi màu trắng kia lên, đặt bên cạnh viên có khắc tên chàng ban nãy. Trì Thanh Ngọc cẩn thận sờ lên chữ mình khắc, vẻ mặt có phần thư thái.
“Chàng biết viết chữ, em cảm thấy thật là tài giỏi.” Lam Hạo Nguyệt móc vào ngón tay chàng, dựa vào bên cạnh chàng.
Chàng cúi đầu, siết chặt hai hòn đá lại, “Hạo Nguyệt, đối với người bình thường, đây chỉ là một chuyện rất đơn giản.”
“Nhưng chàng là người trong lòng em cơ mà. Thế nên việc gì chàng có thể làm được, em đều cảm thấy rất giỏi.” Nàng kéo tay chàng, đặt lên gò má mình. Gió cuốn sóng trắng, đánh vào bãi cát hai bên bờ, tiếng chim nhạn cô đơn dần xa khuất, dưới bầu trời mênh mông, chỉ còn ánh tịch dương nhàn nhạt.
Chàng khẽ khàng đưa đầu ngón tay đụng lên mặt Lam Hạo Nguyệt, dè đặt mà rất dịu dàng, như một món bảo vật được cất giấu cả ngàn năm.
“Đến khi trở về Lĩnh Nam, em gả cho tôi nhé.” Chàng rũ mi, cúi đầu nói.
Trong lòng Lam Hạo Nguyệt dậy sóng, chàng trai trước mặt này, dù thế nào cũng không nhìn thấy được diện mạo của nàng, thế nhưng từ lần đầu tiên gặp nhau dưới ánh trăng Đường môn, vẻ kiêu ngạo thanh cao của chàng đã chiếu vào trái tim nàng mất rồi. Dù đã trải qua bao chua xót, cũng từng oán hận, thế nhưng nàng vẫn rất muốn được ở cùng chàng.
Lần này ra đi, không thể nào quay lại Hành Sơn nữa, nhưng chỉ cần có chàng bên cạnh, dù phải ăn gió nằm sương, cũng không hối hận.
Khóe môi nàng nở nụ cười thật xinh, “Vâng, chỉ cần chàng không quên lời mình đã nói.”
“Sẽ không. Chỉ cần em nguyện ý theo tôi…” Chàng hít thật sâu, hôn lên mi mắt, từ từ hạ xuống, rồi cuối cùng dừng lại ở môi nàng.
Lau sậy đong đưa trong gió thu, hoa lau như tuyết, đan vào nhau, bay lả tả, thấp thoáng bóng ai.
…
Lúc rời khỏi đỉnh Nhạn Về, Trì Thanh Ngọc nhặt hai viên đá cuội ban nãy bỏ vào trong bọc quần áo của mình. Lam Hạo Nguyệt nói: “Mang tụi nó về Lĩnh Nam, đặt ở nhà chúng ta nhé.”
Chàng vác bọc đồ, nắm tay nàng, bảo: “Được, đến lúc đó, em thích để ở đâu cũng được.”
Lam Hạo Nguyệt vui vẻ đồng ý.
***
Cứ thế mà rời khỏi Hành Dương. Sáng sớm ngày hôm sau, khi rời khỏi tòa thành cổ này, Lam Hạo Nguyệt vẫn không thể kiềm lòng, ngoảnh đầu nhìn lại. Núi xa xanh thẳm, thấp thoáng bóng núi, thu thảo rì rào trên tường thành loang lổ, trong thoáng chốc, bỗng khiến người như trở về với ngày xưa.
“Hạo Nguyệt, em làm gì vậy?” Trì Thanh Ngọc nhận ra người bên cạnh đang do dự, cũng dừng chân.
“Không có gì,” Lam Hạo Nguyệt nở nụ cười thật tươi, cố tỏ ra hào hứng nói: “Em đang suy nghĩ có nên ngồi thuyền hay không, như thế chúng ta có thể trở về Lĩnh Nam sớm một chút.”
Chàng không nói gì thêm, cùng nàng đi tới bến đò cách đó không xa. Thuyền giương buồm lướt xuôi dòng, Lam Hạo Nguyệt dựa vào người chàng, đưa tay theo làn nước, nhắm mắt, lặng lẽ nghe tiếng gió trên sông. Trong lòng nàng, thật ra cũng không biết sau lần phản bội rời khỏi Yên Hà cốc này liệu có thể đặt chân về lại mảnh đất Hành Dương này, không biết ở Lĩnh nam cách xa ngàn dặm kia, liệu có thể tìm được chỗ nương thân hay không. Thế nhưng giờ phút này, nàng đã không còn lựa chọn nào khác.
Con thuyền Lam Hạo Nguyệt thuê chạy dọc theo sông Tương, xuôi về Nam, đến khi tới gần Sâm Châu, vì nhà đò muốn trở lại điểm xuất phát nên bọn họ đành phải lên bờ lần nữa.
Đầu tiên đi qua một thôn trấn nhỏ xíu, tới gần thành Sâm Châu, người lui tới cũng đông dần. Trì Thanh Ngọc có thể cảm nhận mỗi khi xuyên qua thị trấn thì người càng lúc càng chen chúc, âm thanh ngày càng ầm ĩ.
Lúc chàng ở Thần Tiêu cung, trừ nhũng khi ra ngoài theo sư huynh vào núi sâu để chữa bệnh giúp người thì thi thoảng có xuống núi, đến Bác La, nhưng hầu hết vẫn luôn ở trên đỉnh Phi Vân. Cũng chỉ từng đi tới những nơi rất phồn hoa như Huệ Châu một hai lần mà thôi. Chàng không thích náo nhiệt, chẳng phải ra vẻ thanh cao, chỉ là trong cảnh chật chội hỗn độn như vậy, dẫu kiếm thuật có cao tới đâu thì cũng hoàn toàn uổng phí. Ngoài ra, từ đầu đến cuối phải đi đứng rất cẩn thận, chăm chú, thế mà vẫn thường bị người khác va vào, hoặc bị những vật dưới