Mr Đà Điểu Của Tôi

Thí Sinh Lớn Tuổi


trước sau

Sau khi Cố Minh Tịch quyết định tham gia kỳ thi đại học vào năm sau ở độ tuổi 28, Bàng Sảnh đã nhờ cô Đới giúp đỡ tìm các giáo trình, đề thi, đề thi mẫu từ các trường cấp ba ở thành phố E rồi gửi tới cho Cố Minh Tịch.

Trong học kỳ cuối cùng ở Tam Á, cuộc sống của Cố Minh Tịch thực sự rất tất bật, bận bịu vô cùng. Vừa phải dạy toán và tiếng anh cho hai lớp cuối cấp, phải tranh thủ thời gian vẽ tranh cho kịp thời hạn nộp bài lại còn phải ôn tập các môn văn hoá.

Sau khi biết anh sẽ tham dự kỳ thi đại học mấy người đồng nghiệp đều nhiệt tình tới dạy kèm. Thế nhưng vừa mới sờ vào đề thi đại học các môn toán, lý, hoá, họ đều rụng rời tay chân.

“Khó quá, đã lâu không chạm tới những thứ này nên quên hết cả công thức rồi.” Thầy Trần lắc đầu quầy quậy: “Bây giờ mà bảo tôi thi lại đại học thì tôi điên lên mất!”

Thầy Tống nói: “May mà thầy Cố biết vẽ nên có thể thi vào các trường năng khiếu, các môn văn hoá chỉ cần đạt điểm chuẩn là ok.”

Cố Minh Tịch thở dài: “Thực ra nếu thi mỹ thuật, đề thi cơ bản sẽ liên quan đến kỹ năng vẽ phác thảo, dùng màu và ký hoạ, những cái này tôi cũng đã lâu rồi không luyện tập. Nếu sang năm thi tôi phải tranh thủ nửa năm ôn luyện, cũng không dễ xơi.”

Kỷ Tú Nhân an ủi anh: “Cố lên! Em tin anh nhất định sẽ chiến thắng!”

Tháng sáu Tam Á nóng bức oi ả, mưa cũng dần xuất hiện nhiều hơn. Đám trẻ con lớp sáu của trường tiểu học Đồng Chi Hoa cũng sắp phải tốt nghiệp.

Công việc ở công ty đã được Bàng Sảnh bàn giao tương đối ổn thoả. Trâu Lập Văn mắt nhắm mắt mở với cô, thế là cô bèn xách hành lý tới Tam Á ở cùng Cố Minh Tịch.

Tất cả những đứa trẻ sắp tốt nghiệp đều đã đăng ký xong trường cấp hai muốn thi vào. Sau khi cuộc thi cuối kỳ kết thúc, nhà trường tổ chức cho chúng một lễ tốt nghiệp đơn giản. Ngồi dưới hàng hiên rợp bóng của khu ký túc xá giáo viên, Bàng Sảnh vừa ăn kem vừa ngắm nhìn các giáo viên và học sinh đứng chụp ảnh tốt nghiệp tại sân thể dục dưới cái nắng chói chang.

Các học sinh ở hàng đầu tiên phải ngồi xổm, tiếp theo hàng ngũ giáo viên ngồi trên ghế. Đứng sau họ là một hàng học sinh, hàng học sinh cuối cùng đứng trên ghế.

Bàng Sảnh nhận ra Cố Minh Tịch từ xa. Anh mặc áo sơ mi trắng cùng chiếc quần dài màu vàng nhạt. Chính Bàng Sảnh là người cài cúc áo cho anh, cô cài đến tận hàng cúc cổ, Cố Minh Tịch nói làm vậy trông long trọng hơn.

Mái tóc anh được cắt gọn gàng, áo quần sạch sẽ phẳng phiu, ngồi chính giữa hàng ghế giáo viên, trên môi Cố Minh Tịch là nụ cười điềm tĩnh dịu dàng. Anh dạy mỹ thuật cho tất cả các lớp nên phải chụp ảnh tốt nghiệp với cả bốn lớp. Chụp xong Bàng Sảnh nhận ra rất nhiều trẻ con vây quanh Cố Minh Tịch.

Cô tò mò bước lại gần mới biết lũ trẻ đứa nào cũng khóc thút thít, rất nhiều trong số đó cầm những món quà lưu niệm nhỏ trên tay, chúng bảo đó là quà tặng cho thầy Cố, vì chúng nghe nói là thầy Cố sắp phải đi.

Các món quà thường là những tấm thiệp lũ trẻ tự tay làm, sổ ghi chép, cuốn album ảnh, bút máy, thuốc màu… Nổi bật nhất là một bạn học sinh còn ôm tới một rổ trứng gà, nói là bố mẹ dặn phải đưa tận tay thầy Cố.

Cố Minh Tịch không nỡ từ chối ý tốt của tụi nhỏ nên đành phải nhờ Bàng Sảnh nhận từng món quà. Anh ngồi xổm xuống sân trường, rất đông con gái xúm xít quanh anh vừa khóc vừa thủ thỉ nói chuyện.

Bàng Sảnh hiểu hơn ai hết tâm trạng tụi trẻ lúc này. Từ khi còn nhỏ cô đã biết Cố Minh Tịch xứng đáng là một người giáo viên. Anh nghiêm khắc nhưng không hà khắc, vừa lý trí lại rất dịu dàng, anh giảng bài tỉ mỉ và kiên nhẫn, sinh động và thú vị, đối xử bình đẳng với mọi học sinh, vừa biết cổ vũ nhưng cũng biết cách phê bình, điều hiếm hoi và đáng quý nhất là anh không bỏ rơi bất cứ một học trò nào, thậm chí cậu học sinh nghịch ngợm nhất lớp cũng dần tiến bộ nhờ được anh quan tâm.

Thực tế đã chiến thắng mọi lý lẽ, thành tích của hai lớp cuối cùng mà Cố Minh Tịch là giáo viên dạy toán và tiếng anh vượt trội hơn hai lớp còn lại. Vì vậy không chỉ lũ học trò mà ngay cả các phụ huynh cũng rất quý mến thầy giáo Cố khuyết thiếu đôi tay này.

Sau khi lễ tốt nghiệp kết thúc, kỳ nghỉ hè sẽ đến với trường tiểu học Đồng Chi Hoa. Tối hôm đó trong khi các giáo viên khác gói ghém đồ đạc về quê thì Cố Minh Tịch lại dẫn Đậu Đậu tới căn nhà riêng của mình như mọi lần.

Nhưng năm nay điều họ phải đối diện là sự chia xa. Ngay từ sau khi đặt chân tới đây Bàng Sảnh đã nhận ra tâm trạng buồn bã héo hon của Đậu Đậu. Kỳ nghỉ hè tự do tự tại không thể khiến cậu vui vẻ hơn chút nào mà ngược lại có vẻ như cậu còn mong muốn học kỳ này kéo dài mãi, không bao giờ kết thúc.

Bàng Sảnh không nói chuyện với Đậu Đậu nhưng Cố Minh Tịch sau bữa cơm chiều lại gọi Đậu Đậu đi dạo ngoài bờ biển. Hai người đi chừng hai tiếng, lúc về đến nhà mắt Đậu Đậu sưng húp như hai trái cà chua, cậu lén lút chạy tới đứng trước mặt Bàng Sảnh, vừa khóc thút thít vừa nói: “Cô Cua ơi, cháu ở đây hai ngày nữa, là, là phải tới chỗ mẹ rồi, cháu, cháu chắc là, chắc là từ giờ sẽ học ở đó. Cô Cua ơi, cô dẫn thầy Cố về nhà thì không được bắt nạt thầy ấy. Cô đã hứa với cháu rồi, cô, cô sẽ trở thành đôi tay của thầy!”

Bàng Sảnh cũng rơi nước mắt khi nghe những lời đó của cậu bé. Cô ngồi sụp xuống ôm lấy Đậu Đậu và bảo: “Cô sẽ không bao giờ bắt nạt thầy Cố, cô hứa với Đậu Đậu. Còn nữa, sau này khi được nghỉ hè cháu cứ đến nhà thầy cô chơi. Khi nào lớn cháu có thể thi đại học ở thành phố E, đến lúc đó cháu có thể thường xuyên ghé thăm thầy Cố!”

Đậu Đậu nhoẻn miệng cười để lộ hàm răng còn thiếu mấy cái: “Vâng, thầy Cố cũng dặn cháu như thế!”

Hai hôm sau mẹ Đậu Đậu tới đón con trai. Lần này Cố Minh Tịch thu dọn tất cả mọi thứ của Đậu Đậu từ quần áo, đồ chơi đến đồ dùng học tập… Đậu Đậu phải tới Quảng Đông, Bàng Sảnh không biết bố dượng có đón nhậncậu bé hay không, dù sao ít nhiều cậu bé vẫn sẽ bị tủi thân nhưng cũng chẳng còn cách nào khác.

Lúc sắp phải đi Đậu Đậu khóc nức khóc nở, suýt chút nữa còn lăn lộn dưới nền nhà. Cậu bé không chịu nghe bất cứ ai khuyên nhủ mà chỉ ôm chân Cố Minh Tịch khóc lu loa.

Thực ra đến chính Cố Minh Tịch cũng không biết tương lai của Đậu Đậu rồi sẽ thế nào, anh chỉ biết ngồi xuống hứa hẹn nhiều điều với cậu bé.

“Nếu năm sau cuối kỳ điểm Toán và tiếng Anh của em đều trên 95 điểm, thầy Cố sẽ đón em tới thành phố E chơi hai tuần. Thầy Cố hứa với em, chắc chắn sẽ giữ lời!”

Phải dỗ dành rất lâu Đậu Đậu mới gật đầu trong tiếng khóc lóc, cậu bé chầm chậm bước từng bước theo mẹ. Bàng Sảnh đứng bên lau nước mắt, tới khi không còn nhìn thấy Đậu Đậu nữa Cố Minh Tịch mới đi về phía cô, cúi xuống hôn lên trán cô rồi nói: “Trước đây lúc anh đi em cũng khóc như vậy phải không?”

Bàng Sảnh nhìn anh với hai hàng nước mắt lưng tròng, hỏi: “Sao anh biết?”

Anh nói: “Anh đoán vậy.”

“Anh đã bỏ rơi em hai lần!” Bàng Sảnh nói: “Cố Minh Tịch, từ giờ trở đi anh không được phép làm như vậy nữa!”

Anh mỉm cười, ánh mắt dịu dàng đủ làm cô an lòng: “Anh hứa là sẽ không bao giờ để xảy ra chuyện như vậy nữa.”

Nhờ có Bàng Sảnh kề bên, Cố Minh Tịch làm xong các thủ tục rời khỏi trường học và uỷ thác cho công ty quản lý tài sản thanh toán các chi phí điện, nước, than, truyền hình cáp… Anh tiêu hết tiền trong thẻ ngân hàng, dùng hết các thẻ tích điểm của siêu thị, mãi đến khi làm thủ tục huỷ số điện thoại mới giật mình nhận ra mình đang thực sự chào tạm biệt Tam Á.

Lần này thu dọn hành lý được Bàng Sảnh giúp đỡ nên tốc độ của Cố Minh Tịch tăng lên khá nhiều. Anh không có nhiều đồ đạc, quần áo giày dép rất ít nhưng sách vở và giấy vẽ lại khá nhiều, phải mấy cái hòm mới chứa hết.

Lúc thu dọn ngăn kéo tủ cho anh Bàng Sảnh
tìm thấy một cây bút máy hiệu Hero, vỏ bút màu xanh lam đậm, mở nắp bút ra mới biết ngòi bút đã hỏng.

“Anh còn giữ cái bút này à, ngòi hỏng rồi.” Cô cười vui vẻ: “Nhìn thấy nó mới thấy mình trẻ trung. Anh đi khắp mọi miền Tổ quốc mà vẫn giữ được nó.”

Cố Minh Tịch ngồi xuống nền nhà cùng cô, anh đùng ngón chân kẹp lấy chiếc bút đang nằm trên tay cô, dùng ngón tay nhẹ nhàng vuốt ve vỏ bút rồi nói: “Chỉ vì cây bút máy này anh đã mắng Đậu Đậu, lần đầu tiên cũng là lần duy nhất.”

Bàng Sảnh trợn tròn mắt: “Hả?”

“Bút máy này bị Đậu Đậu làm hỏng.” Anh cười, “Anh thấy nó làm rơi nhưng lại không có cách nào cứu vãn. Lần đó anh mắng Đậu Đậu làm thằng bé sợ khóc thút thít hết cả buổi tối, nó mới có sáu tuổi đầu. Cuối cùng anh phải dẫn nó đi ăn KFC rồi mua cho nó bộ đồ chơi Transformers nó mới chịu nói chuyện với anh.”

Bàng Sảnh bật cười còn Cố Minh Tịch thì lắc đầu bất lực, “Đôi khi có cảm giác Đậu Đậu giống hệt em ngày xưa, thích ăn thích chơi, không nhỏ nhen hẹp hòi, rất dễ dỗ dành.”

Bàng Sảnh mím môi: “Bây giờ em không dễ dỗ dành sao?”

“Bây giờ em có chút… Nói sao nhỉ?” Anh nghiêng đầu như đang đắn đo cách dùng từ: “Hơi lòng tham vô đáy.”

“Này Cố Minh Tịch! Anh có thể đừng dùng thành ngữ được không?” Bàng Sảnh nổi giận la hét: “Thế nào là lòngtham vô đáy hả?”

“Ý anh là…” Cố Minh Tịch cúi xuống hôn lên vai cô, rồi há miệng cắn nhè nhẹ: “Trên một khía cạnh nào đó.”

Bàng Sảnh cắn thật mạnh lên vai anh không chút nương nhẹ rồi vui vẻ khi nghe thấy tiếng kêu đau của anh. Cô nghiến răng nói: “Suy cho cùng ai mới là người lòng tham vô đáy? Anh nói cho rõ đi người tối nào cũng đòi ‘trả bài’ là ai hả?”

Anh nhắm mắt lại hôn cô thật nồng nàn, coi như không nghe thấy.

Năm phút sau Bàng Sảnh hô lên: “Cố Minh Tịch! Hành lý còn chưa thu dọn xong mà!”

“Nếu em không thích trả bài buổi tối thì bọn mình tiến hành buổi chiều luôn đi.” Anh nói: “Trả bài xong dọn tiếp.”

Cô tuyệt vọng nhưng trong lòng cũng rất thích.

Sự thật chứng minh rằng cô là một người dễ dỗ dành.

Mùa mưa, vài phút trước trời còn nắng chang chang mà chẳng bao lâu sau mây đen đã phủ kín, gió biển dịu dàng dần trở nên tàn bạo, không gian tối sầm lại, mưa to bằng hạt đỗ trút xuống rào rào, những hàng cây nhiệt đới trên đường lay động dữ dội vì gió.

Bàng Sảnh mặc váy mỏng đứng bên cửa sổ, cô tò mò mở cánh cửa làm gió vù vù thổi vào, mưa cũng làm ướt váy làm cô phải vội vàng đóng cửa lại, khoanh tay đứng bần thần trước cửa.

Đây là buổi tối cuối cùng của họ ở Tam Á. Trưa hôm sau họ sẽ lên đường trở về thành phố E.

Cố Minh Tịch đi tới đứng sau Bàng Sảnh rồi tiến lại gần chút nữa để lồng ngực mình chạm vào lưng cô. Đôi vai khiếm khuyết hơi co lại, chạm nhẹ vào vai cô như tư thế đang ôm ấp.

“Em nhìn gì vậy?” Anh hỏi.

“Lúc ở một mình gặp phải thời tiết thế này anh ra ngoài bằng cách nào?” Bàng Sảnh hỏi: “Trời mưa ai che ô giúp anh?”

Anh thoáng sửng sốt, không biết đáp lại thế nào.

Không ai giúp anh che ô nên Cố Minh Tịch đã quen đi lại trong mưa gió. Kỳ nghỉ hè năm nào cũng mưa, thỉnh thoảng còn có bão làm Cố Minh Tịch rất khó ra ngoài nhưng dù sao anh và Đậu Đậu cũng phải ăn cơm. Khi trong nhà không còn thức ăn, anh chỉ còn cách cắn răng ra đường mà thôi.

Đây chỉ là một trở ngại rất rất nhỏ trong cuộc sống của anh, nhỏ đến mức không đáng nhắc tới. Cố Minh Tịch nói vào tai Bàng Sảnh: “Bàng Bàng, sau này có em che ô cho anh là được rồi.”

Mọi trở ngại đều đã qua, mọi nỗi đau đã hoá thành cơn gió. Bàng Sảnh hiểu ý Cố Minh Tịch, anh không phải một người thích sống trong ký ức cũng giống như cuốn sách anh sắp ra mắt – “Cá Voi cô đơn”, vẫn là một câu chuyện nói về hy vọng và ước mơ.

Nhìn cơn mưa to ngoài cửa sổ, Bàng Sảnh nói: “Không biết ngày mưa có ngớt mưa không, em sợ chuyến bay sẽ bị ảnh hưởng.”

Cố Minh Tịch đứng kề vai cô, nói: “Dự báo thời tiết là ngày mai nắng.”

Hôm sau quả nhiên trời quang mây tạnh, Bàng Sảnh và Cố Minh Tịch đi gửi chuyển phát nhanh mấy thùng đồ nên chỉ rời đi trong tư thế rất nhẹ nhàng, bước lên chuyến bay trở về thành phố E.

Đây là lần về nhà đúng nghĩa của anh. Khi xuống máy bay Bàng Thủy Sinh đã đợi sẵn ở đó, ông lái xe tới đón Cố Minh Tịch và Bàng Sảnh về Thịnh Thế Bắc Thành. Vừa xuống xe Bàng Sảnh đã nóng lòng dẫn Cố Minh Tịch tới thăm nhà mới.

Nhà đã trang trí xong nhưng vẫn chưa có đồ đạc và điện nước, mùi sơn mới nhè nhẹ. So với khi đi xem nhà trước đây, lúc này nơi đây có vẻ rộng rãi, sáng sủa và ấm cúng hơn.

Cố Minh Tịch theo Bàng Sảnh đi từ phòng này sang phòng khác, thậm chí anh còn không nỡ bước đi trên nền nhà sạch bóng dưới chân, đôi mắt tham lam nhìn mọi thứ trong nhà. Khung cửa sổ bằng nhôm, tủ bát màu vàng tươi trong bếp, khu vực để tivi lát đá cẩm thạch, trần nhà trắng phau, ban công đầy nắng… và cả nhà vệ sinh khiến anh rất đỗi ngạc nhiên.

Nhà vệ sinh rất rộng. Trước bệ rửa mặt Bàng Sảnh kê sẵn một chiếc ghế cao, lắp đặt bồn tắm rộng và bồn cầu thông minh, thậm chí giá treo khăn mặt và nơi treo quần áo cũng chỉ cao ngang eo, rõ ràng là để thuận tiện cho Cố Minh Tịch.

Anh nói: “Bàng Bàng, em không cần thiết phải chu đáo với anh như vậy đâu.”

“Đây không phải em chu đáo với anh.” Bàng Sảnh nói: “Anh là chủ nhà nên tất nhiên mọi thứ ở đây đều phải làm thế nào để thuận tiện cho chúng ta sử dụng. Đây đâu phải nhà mẫu để người ta ngắm nghía.” Cô ôm anh, nũng nịu: “Em muốn anh sống một cách thoải mái và thuận tiện, em mong là chúng ta có thể sống trong căn nhà lâu thật lâu vì em thực sự không thích chuyển nhà!”

Anh ngẫm nghĩ rồi đáp: “Ừ, anh cũng không thích chuyển nhà.”

Cô mỉm cười: “Bố em nói nhiệm vụ trong nửa tháng tới của chúng ta là đi tham quan một lượt các cửa hàng bán đồ dùng gia đình và đồ điện gia dụng, không cần phải làm gì ngoài ra. Sau khi mua đầy đủ mọi thứ, chúng ta sẽ bắt đầu công cuộc liều mạng!”

Hôm nay là ngày 6/7/2011 cách ngày thi của các khối năng khiếu và cuộc thi đầu vào nghiên cứu sinh của Bàng Sảnh chỉ vỏn vẹn nửa năm, các ngày thi đại học 11 tháng.

Thí sinh lớn tuổi Cố Minh Tịch hít một hơi thật sâu, thầm nghĩ đúng là phải liều mạng thôi.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện