Ngọn hải đăng là một tòa nhà trống rỗng, bên trong chỉ còn lại cầu thang đá có kèm theo tay vịn, chúng uốn lượn lên trên theo vách tường loang lổ như những cây mây lạnh giá đang cố gắng vươn tới ánh mặt trời xám trắng - trên đỉnh tháp, cái giếng trời như lúc ban đầu đã không còn, thay vào đó là một đống sạt lở nhỏ.
Từng viên gạch đều đã bị tróc lớp sơn làm lộ ra phần bên trong, trên đó mọc đầy rêu, trông nhạt nhẽo như những chiếc lá đã héo tàn.
Bao cát được đặt dưới chân cầu thang, qua năm rộng tháng dài, chúng dần bị đè ép đến cứng như đá.
Một chiếc bánh xe xe đạp nằm lẻ loi dựa vào tường, bên cạnh là một đôi boot da đã bị chuột gặm nát cùng với một cặp mái chèo đang chầm chậm mục rữa.
Người phóng viên bước qua cặp mái chèo, tiến lại gần bậc thềm đá để quan sát những vết cháy xém cùng những rãnh hình vuông ở trên đó, chắc là chúng được dùng để cố định tay vịn, tay vịn được làm bằng gỗ, có lẽ nó đã bị thiêu cháy vào một trận hỏa hoạn ở năm nào đó.
Anh xoay người nhìn về phía Prudence: "Chúng ta có đi lên tiếp không?"
"Tại sao không? Tôi chưa bao giờ bỏ dở việc gì cả."
Bước đi trong ngọn hải đăng làm phát ra những tiếng vang dồn dập vô cùng kích thích, tiếng người cũng vậy, vì vậy khi Prudence nói chuyện, từng câu chữ của ông va đập giữa những vách tường hệt như những chùm nho ướt mọng đang va đập trong những chiếc thùng rượu gỗ.
Người phóng viên cố gắng bước chậm lại để không vượt qua Prudence, đây không phải là một chuyện dễ làm bởi vì ông lão mới đi được ba bốn bước đã phải dừng lại, dựa vào vách tường để lấy hơi.
"Alex dùng cái tên R.
Bishop để viết bốn tiểu thuyết giật gân, tất cả đều là truyện ngắn.
Sau Túc trực bên linh cữu chính là Thư từ bóng tối, Số 11 đường Laken và Bội thu, sau đó hứng thú với chuyện giật gân của cậu ấy biến mất, giống như..." Prudence búng tay: "Ngọn lửa đã tắt, Alex tiện tay vứt đi R.
Bishop, xoay người tìm cái khác để thử nghiệm.
Nhà xuất bản đã viết bốn bức thư để hỏi ngài Bishop chuyện gì đã xảy ra, Alex gửi thư hồi âm bảo với họ rằng ngài Bishop đã bất hạnh chết đuối trong lúc đi du lịch ở Andalusia."
Chết đuối, tiếng vang của ngọn hải đăng lặp lại từ đó, chết đuối.
"Sau đó ngài ấy viết Con diều của Agnes với bút danh là M.
Sears, đây là quyển sách đầu tiên lọt vào tầm mắt công chúng của ngài ấy." Người phóng viên nói, anh cũng đã thấy hơi khó thở, hai người vừa mới leo được nửa ngọn hải đăng, đoạn cầu thang xoắn ốc hướng lên và hướng xuống đều kéo dài vô tận như không hề có điểm cuối.
Tòa tháp mờ tối cùng với ánh mặt trời rọi xuống từ chỗ cao khiến người ta nảy sinh một loại ảo giác rằng họ đang ở dưới một hầm mỏ sâu hoắm, hiện đang cố gắng leo lên dọc theo đường hầm.
"Cậu có biết là ban đầu, Con diều của Agnes được xuất bản như một quyển sách dành cho trẻ em không?"
"Tôi biết.
Đó chính là lý do khiến cho vài nhà bình luận tin rằng Mùa hè bất tận mới là tác phẩm thành công đầu tiên của ngài Loiseau, đối với bọn họ, Con diều không đủ nghiêm túc nhưng tôi vẫn bầu cho Con diều một phiếu.
Nhớ lại đoạn hồn ma của phi công cùng với Agnes chạy đuổi theo con diều ở nghĩa địa, nếu tôi là một đứa trẻ, chắc tôi sẽ mơ thấy ác mộng cả tuần liền mất."
"Tôi lại thấy đoạn ấy rất đẹp, cũng rất đau lòng."
"Đúng thật, nhưng vẫn rất rợn tóc gáy."
"Bọn họ còn dùng cái tên Sears nữa không? Ý tôi là bản tái bản Con diều của Agnes vào những năm gần đây ấy, tên tác giả trên bìa sách là cái nào?"
"Đã thống nhất là sẽ dùng Alexander Loiseau.
Năm ngoái nhà xuất bản Landong đã cho ra mắt box set phiên bản sưu tầm, ngoài Con diều ra thì còn có hai quyển tiểu thuyết miêu tả về cuộc sống hậu chiến tranh, nhà xuất bản cho rằng cùng một bộ sách thì không nên dùng hai cái tên, độc giả sẽ không hiểu, với lại Loiseau vẫn có độ nhận diện cao hơn Sears."
"Độ nhận diện." Prudence lặp lại danh từ này, lắc đầu: "Ai lại có thể nghĩ tới chứ?"
Ai lại có thể nghĩ tới chứ? Ngọn hải đăng lặng lẽ học vẹt.
"Alex không thích cái tên đó lắm."
"Sears ạ?"
"Alexander.
Chưa có ai gọi cậu ấy như vậy cả, cho dù ở những trường hợp quan trọng thì cậu ấy cũng tự xưng là Alex, chữ ký cũng vậy.
Cậu ấy nói rằng cái tên Alexander ấy quá nặng, nghe giống một bao cát, cậu ấy không thích gánh theo một bao cát như vậy."
"Giải thích rất thú vị."
Phía dưới phòng điều khiển đèn chính là phòng ngủ của người gác tháp đã bị bỏ hoang, đó là một gian phòng hình bán nguyệt, cầu thang dẫn lên đỉnh tháp nằm ngay cạnh chiếc nệm đơn độc.
Nơi này đã từng có người khác đến thăm, trên tường phủ đầy hình vẽ bậy, hình khiến người ta chú ý nhất chính là hình vẽ một cặp đầu rắn đang nhô lên từ nước biển sôi sùng sục, xung quanh là hàng đống những từ chửi bậy cùng lời đe dọa được viết bằng súng sơn, bởi vì bị sương mù từ biển ăn mòn, màu sơn trở nên cũ kỹ nâu đen như vết máu.
Một chiếc đèn lồng cũ đang nằm úp trên tấm nệm, bên cạnh là một vài chiếc kim tiêm đã sử dụng cùng những vết cháy do tàn thuốc gây ra.
Bụi bặm như những lớp tuyết bẩn phủ đầy trên mặt đất, Prudence đạp phải một cuốn lịch cũ đã ướt meo, hình vẽ trên lịch đã không còn thấy rõ, miễn cưỡng lắm mới nhận ra đường nét của cánh buồm, phía dưới là một dòng chữ nguệch ngoạc mờ ảo viết "Hiệp hội thuyền buồm Brittany, 1979".
Cầu thang được cố định bằng đinh tán, các mối hàn được sơn cẩn thận để tránh bị ăn mòn, nhìn vẫn rất chắc chắn.
Người phóng viên leo lên trước, sau đó giúp Prudence leo lên sau.
Cửa sổ thủy tinh trong phòng điều khiển đèn đã không còn bao nhiêu, gió thổi vào từ bốn phía, chuôi đèn trống rỗng nhưng thấu kính to lớn vẫn chưa bị tháo bỏ, nó hướng về mặt biển mênh mông ở phía tây, nhìn xuống từ độ cao này, mặt biển như biến thành một tấm vải có màu xanh của tảo, mỗi một vết nhăn đều trông như được vẽ một cách cẩn thận.
"Alex có rất nhiều ý tưởng kỳ diệu." Prudence dùng mũi giày để gạt mảnh kính bể ở trên mặt đất sang một bên: "Cậu ấy nói rằng câu chuyện giống như một vi khuẩn gây bệnh, người nghe là những người mang theo mầm bệnh, nhà văn lại là vật chủ dẫn bệnh, câu chuyện thét chói tai trong đầu bọn họ, chúng đòi được biểu đạt ra ngoài, được sao chép, được tiếp tục sống trong một linh hồn khác.
Vài câu chuyện sẽ bị quên lãng, từ đó sẽ biến mất.
Vài câu chuyện khác lại tiếp xúc, tranh đấu, dung hợp với nhau, vào một ngày nào đó sẽ sinh ra một mầm bệnh mới, hoặc có thể khiến con người mừng như điên, hoặc có thể thật đáng thương, cũng có thể dọa người hơn, vậy thì nó mới có thể tiếp tục chiếm một chỗ riêng trong trí nhớ của mọi người."
Người phóng viên đứng lại bên cạnh thấu kính: "Nghe có vẻ kinh dị."
"Nhưng cậu cũng đồng tình với ví dụ này mà đúng không?"
"Tôi yêu cái ví dụ này."
"Tôi đã thấy tận mắt." Prudence bước tới bên cạnh mảnh thủy tinh bể, đôi mắt ngắm nhìn vịnh biển hoang vắng, cân nhắc lựa lời: "Ý tôi là việc này giống như tận mắt nhìn thấy một cây thường xuân lan đầy cả một mặt tường, thời