Review Truyện Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ
Văn án:
Trình Nặc hai mươi tám tuổi bắt gặp chồng ngoại tình, trong một đêm mất cả chồng lẫn bạn thân, lòng chẳng tha thiết gì, đi xa tha hương, nhưng vận mệnh đã sắp đặt cô mua một căn nhà cũ.
Sửa nhà, trồng vườn rau, nuôi gà nuôi vịt, đốn củi nấu cơm, cuộc sống quay về trạng thái nguyên thủy nhất, lại để tâm tình cô quên đi hết thảy, không chỉ nổi tiếng, mà còn thuận tiện bắt được một “trung khuyển” sống, mai nở hai lần*, gió xuân như ý.
(*Mai nở hai lần ý chỉ trải qua hai cuộc hôn nhân.)
---
Sau cuộc hôn nhân thất bại, Trình Nặc quyết tâm bỏ lại nỗi đau và thất vọng vì bị chồng và bạn thân phản bội, một mình rời đi. “Cô nghĩ, rời khỏi nơi này đi, cứ đi xa, đừng quay lại nữa. Trình Nặc nhanh chóng hoàn thành thủ tục nghỉ việc, bắt taxi, trực tiếp đến sân bay. Mua vé máy bay cho chuyến cất cánh gần nhất, cũng chẳng màng đến điểm đến. Đi đâu cũng như nhau cả, chỉ cần có thể rời khỏi đây là tốt rồi.”
Cứ đi như thế, Trình Nặc vô tình đến một trấn nhỏ tên Lan Khê, mà ở đó cô đã bị hình ảnh của một căn nhà cũ ở cù lao Hà Diệp thu hút. “Trong ảnh, mặt trời ấm áp, một căn nhà thấm nhuần đau buồn của thời gian, tường trắng ngói đen, mái cong đầu ngựa, cửa sổ bằng gỗ hoa mở một nửa, rêu xanh dưới góc tường lan rộng, mấy phiến đá xanh bóng loáng nối nhau lát thành đường. Một con mèo nằm giữa lối đi, uể oải nheo mắt nhìn khóm hồng nở rộ.” Thế là cô quyết định đến cù lao có cái tên rất đẹp ấy để tìm căn nhà cũ nổi tiếng kia.
Nói thật thì Trình Nặc không có nhiều tiền lắm, có thể nói là rất nghèo, nhưng trong lúc nhất thời kích động cô đã quyết định mua căn nhà cũ, đến lúc nói ra rồi cô mới hối hận. “Nhưng khi bà lão run run lấy ra một tờ giấy khế ước mua bán nhà – đã ngả vàng có thể xếp vào hàng đồ cổ – giao cho cô, đột nhiên cô cảm ngộ ra, căn nhà kia, sắp thuộc về cô rồi. Đất tư nhân, thuộc về một mình cô, có thể để cô gọi là căn nhà của gia đình.”
Có lẽ Trình Nặc cũng không biết, căn nhà cũ xa lạ ấy chính là nơi sẽ mang đến mùa xuân thứ hai cho mình, vì ở đó, có Tông Lãng.
Nam chính Tông Lãng xuất hiện trong cuộc đời của Trình Nặc với tư cách đầu tiên là hàng xóm. Ở cái cù lao Hà Diệp chỉ toàn người già và trẻ nhỏ này, một người thanh niên trai tráng như Tông Lãng càng được trưng dụng, ai có việc nặng nhọc gì cần giúp cứ tìm Tông Lãng, anh cũng sẽ không hề từ chối một yêu cầu giúp đỡ nào, miễn là anh giúp được. Tất nhiên, việc giúp tìm người sửa lại căn nhà cũ cho Trình Nặc, anh cũng rất sẵn lòng.
Thật ra Trình Nặc không biết, đấy không phải là lần đầu Trình Nặc gặp Tông Lãng, mà anh đã gặp cô từ ngày đầu tiên cô đến trấn Lan Khê rồi. Lần đầu Trình Nặc và Tông Lãng gặp nhau, trong lúc đầu óc mơ hồ vì say rượu, Trình Nặc đã xin anh cho cô một mái nhà. Còn Tông Lãng, lúc đó anh vẫn hoàn toàn tỉnh táo, nhưng anh đã đồng ý cho Trình Nặc một mái nhà, vì anh... cũng không có nhà.
Trong lúc say rượu đó, Trình Nặc khóc trên lưng anh, yếu đuối như cô gái nhỏ. Đến lần thứ hai gặp lại khi đã tỉnh táo, cô tự động dựng lên một lớp phòng bị ngăn cách giữa mình và anh, cũng hồn nhiên không biết lời yêu cầu trong lúc mơ hồ của mình đã như hạt giống tình yêu mạnh mẽ nảy mầm trong tim Tông Lãng.
Lần này có cái cớ quang minh chính đại là sửa nhà cho Trình Nặc, anh đã tấn công cánh cửa trái tim đã khóa chặt của cô hoặc âm thầm hoặc trực tiếp, đều khiến cô không thể trốn tránh. Như câu nói “có công mài sắc, có ngày nên kim”, cuối cùng thì sự ấm áp của Tông Lãng đã phá vỡ được lớp phòng tuyến cứng rắn của Trình Nặc, tình cảm chân thành của anh đã xóa tan suy nghĩ mặc cảm cô là gái một đời chồng thì không xứng với trai tân như Tông Lãng.
Có ai đó đã nói “Giữa người với người, đừng nói đến chuyện xứng hay không xứng, phù hợp là tốt rồi”, giữa Trình Nặc và Tông Lãng cũng thật sự hợp nhau, vì họ đều cần một mái nhà, đều cần nhau...
---
Ở bài review này mình sẽ không nhắc đến những chi tiết hài hước đáng yêu trong quá trình Tông Lãng theo đuổi Trình Nặc, vì với mình, nó chưa phải là chi tiết đắt giá nhất của truyện. Mà điều ấn tượng với mình nhất chính là cách mà Trình Nặc hòa nhập vào cuộc sống mới có thể nói là tẻ nhạt với những người đến từ thành phố lớn như cô, là sự cố chấp của Tông Lãng với cù lao Hà Diệp khi anh bỏ qua cơ hội phát triển ở thành phố để ở lại cù lao hoang sơ này.
Trên cù lao Hà Diệp có cả hết ba con đường mười ba hẻm, một mảnh đất bé tí chừng hai ki-lô-mét vuông nhưng lại có hơn trăm ngàn người, tàu buôn qua lại đều neo đậu ở đây. Đến khi màn đêm buông xuống, đèn đuốc sáng trưng, vô cùng sầm uất. Nhưng đó là Hà Diệp của hơn một trăm năm trước, còn Hà Diệp của hiện tại là khung cảnh đổ nát thê lương với những căn nhà cũ kỹ in đậm dấu ấn thời gian. Chính những người trẻ được sinh ra và lớn lên ở đây còn bỏ đến nơi đô thành để tìm kiếm cơ hội, ấy vậy mà Trình Nặc ngược lại, cô đến từ một thành phố lớn xa hoa lại quyến định chọn hòn đảo yên tĩnh giữa lòng sông này để bắt đầu cuộc sống mới.
Còn Tông Lãng, anh cố chấp ở lại đây là vì anh xem cù lao Hà Diệp là quê hương, người dân trên cù lao là người thân của mình. Gần ba mươi năm trước, khi Tông Lãng còn là đứa trẻ sơ sinh đã bị bỏ rơi ở bến phà trên cù lao, ông nội tốt bụng ôm anh về nuôi, vài năm sau ông mất, chính những người dân ở đấy đã cưu mang Tông Lãng. Anh muốn nhìn thấy lại cù lao Hà Diệp thuở còn huy hoàng, muốn ở lại để trả ơn những con người chân chất tốt bụng ở đây đã cưu mang mình.
[ “Từ lúc nghe câu chuyện ông nội kể, anh đã nung nấu một giấc mơ.”
Tông Lãng nắm chặt tay cô, mười ngón tay đan vào nhau, “Anh muốn để nơi này, sống lại lần nữa.”
Trong bóng đêm Trình Nặc nhìn anh, như nhìn thấy được ánh sáng trong mắt anh.
“Anh có thể làm được.” Cô nói.
Anh cười, “Tin anh vậy sao?”
Cô gật đầu, không có lý do gì cả, chỉ là cứ tin anh thế mà thôi.
Anh nâng tay cô đến bên môi, “Anh đã tìm cách rồi, em cứ chờ đi, chưa tới mấy năm nữa, anh sẽ cho em thấy một cù lao Hà Diệp đầy sức sống.”
Cô cười, “Được, em chờ.” ]
Và từ đây, trong quá trình thực hiện ước mơ Tông Lãng không còn cô đơn nữa, vì đã có Trình Nặc bên cạnh ủng hộ anh, cô là chốn về mà hơn hai mươi năm nay anh luôn ao ước.
---
Đến với “Mùa xuân ở căn nhà cũ”, nó sẽ đưa các bạn thoát ra khỏi không gian ngột ngạt nơi thành thị xô bồ, khung cảnh yên bình của cù lao Hà Diệp như được hiện ra trước mắt, sẽ cảm nhận được nhịp sống chậm rãi và tìm cảm chân chất của những người dân nơi đây. Không những thế, chúng ta còn được dịp cảm nhận được không khí vui tươi phấn khởi của những ngày chuẩn bị trước tết cổ truyền, với những món ăn đậm đà hương vị truyền thống, dù là theo văn hóa của người Trung Quốc nhưng chắc chắn cũng rất thân thuộc với người Việt Nam ta. Cuối truyện, bạn editor còn có tâm chuẩn bị thêm một list công thức kèm ảnh minh họa của các món ăn được nhắc đến trong xuyên suốt từ đầu đến hết truyện.
Lần đầu tiên mình đọc truyện của tác giả Yên Bán Căn là bộ “Nhật ký theo đuổi vợ của anh chàng đầu bếp", sau khi đọc xong bộ đấy đã có cảm tình với tác này vì cách viết nhẹ nhàng pha chút hài hước, đặc biệt là sủng, rất hợp ý mình. Đến khi đọc xong, muốn tìm truyện cùng tác giả thì thấy bộ “Mùa xuân ở căn nhà cũ” chưa hoàn, thế là phải đợi tận mấy tháng trời. Và may mắn là tác phẩm này không uổng công mình đã đợi, thật sự rất ưng ý, mình nghĩ có lẽ các bạn sẽ thích nó.
Nếu đã mệt mỏi với những màn tranh đấu chốn hậu cung, hay đã quá căng não với những suy luận sắc bén của tâm lý tội phạm, thì các bạn hãy thử thể loại điền văn để cảm nhận được sự yên bình của cuộc sống chốn thôn quê nhé.
Bình luận truyện