tháng Mười, hồi VI
"Cái chết của phi công Trình Tư Nguyên hẳn khiến Châu Yến An nhớ lại thảm kịch năm năm trước.
Cậu ấy không còn lựa chọn nào khác.
Cậu ấy đã tự tay kết thúc một sinh mạng lẽ ra không nên chết, cũng khiến lý tưởng cậu ấy đứng trên bờ vực sụp đổ lần nữa.
Nhưng lần này, Châu Yến An đã không còn đường lui.
Chẳng những không thể rút lui mà còn phải dũng cảm tiến lên, chịu đựng một hiện thực bất lực và không được lựa chọn."
"Thực ra, lần đầu tiên nhận được cuộc gọi và nghe Châu Yến An nói về ngày 32, tôi thậm chí còn hỏi ý kiến tâm lý gia trong quân đội.
Anh ta nói rằng ngày 32 có lẽ chỉ là cuộc tháo chạy của cậu ấy khỏi thế giới thực tại.
Trong thế giới ảo tưởng đó, không có lòng người phức tạp, không có đấu tranh chính trị, và không có quá nhiều tình cảnh bất lực.
Chỉ có rất ít cá nhân, mâu thuẫn cũng rất đơn giản, cậu ấy có thể giải quyết gọn gàng; đó là một nơi có thể dựa vào sức mạnh nội tại để Châu Yến An làm mạnh "Cái Tôi".
Tôi ngỡ rằng tình trạng của Châu Yến An nghiêm trọng hơn; nhưng bây giờ xem ra, nó còn kinh khủng hơn ác mộng.
Cớ gì ngày 32 phải liên kết với thực tế chứ."
Nhận định của người nọ về Châu Yến An cũng hệt như phán đoán của nhà tâm lý Điền Lộ với Dịch A Lam.
"Tôi đang nghĩ, tại sao tôi phải nói những điều này với cậu? Tôi đang mong cậu hiểu được những gì mà chúng tôi, đặc biệt là Châu Yến An, đang phải đối mặt suốt thời gian qua ư? Nhưng trong ngày 32, ngoại trừ cậu, Châu Yến An không còn người bạn nào nữa." Trịnh Đạc cười khổ, nhìn Dịch A Lam.
Hắn không nhìn thấy thứ cảm xúc rẻ tiền trên khuôn mặt y, hay tỏ vẻ rằng "Tôi hiểu, tôi hiểu" dưới một "hình thái" mãnh liệt khác.
Hắn chỉ trông thấy một ánh mắt dịu dàng và ẩm ướt.
Trịnh Đạc từng đặc biệt chú ý đến Dịch A Lam.
Trên thực tế, kể từ ngày Dịch A Lam gia nhập Tổ công tác khẩn cấp Ngày 32, việc chú ý đến y đã là bài tập về nhà cần thiết đối với một số người.
Theo quan điểm của Trịnh Đạc, Dịch A Lam quá ư trầm lặng; ngay cả khi đau buồn, y vẫn liếm láp và im lặng chịu đựng.
Điều này khiến nhiều người nhiều việc "chiếu" lên y, song đều bị y "nuốt chửng", chẳng có lấy một "tia phản xạ".
Người quan sát cũng không nhận đủ thông tin phản hồi để đánh giá nhanh về y.
Y thường là thế – trong nhiều cuộc họp, tiếp nhận thông tin bên ngoài một cách thụ động; nếu không cần thiết, chỉ lắng tai nghe.
Tuy nhiên, vào lúc này, Trịnh Đạc cảm nhận được niềm an ủi lớn lao bởi ánh mắt dịu dàng ấy.
Hắn bỗng thấy cảm kích vì Dịch A Lam là bạn đồng hành cùng Châu Yến An trong ngày 32.
Bởi thứ Châu Yến An cần chưa bao giờ là lời động viên; nó không đơn giản như chỉ cần dăm ba câu "Anh không sai", "Anh cần phấn chấn lên", "Anh sẽ vượt qua căn bệnh này"...!là xoa dịu được.
Châu Yến An cần gì? Có lẽ cậu ấy không cần gì cả.
Trịnh Đạc không rõ, nhưng dẫu thế nào chăng nữa, sự tồn tại lặng lẽ và dịu dàng của Dịch A Lam đã làm người ta vơi bớt cảm giác tuyệt vọng.
Trịnh Đạc lau mặt, như muốn xóa đi vẻ yếu ớt không nên thuộc về hắn: "Dịch A Lam, tôi chỉ muốn nói cho cậu biết Châu Yến An cũng là một người bình thường."
Dịch A Lam nhẹ giọng: "Tôi biết."
Đừng để bị lừa bởi vẻ ngoài cứng như kim cương của anh, Châu Yến An thực ra mỏng manh như thủy tinh trong suốt vậy.
Dịch A Lam tưởng rằng mình và Trịnh Đạc là hai người duy nhất trong nhà, song đến chín giờ tối cùng ngày, nội dung cuộc đối thoại giữa y và Trịnh Đạc lại được chuyển đến bàn của La Thái Vân bằng văn tự.
Sau khi xem tài liệu quan trọng do Bộ Quốc phòng gửi đến, La Thái Vân mở tập hồ sơ này vào lúc rạng sáng một giờ.
Đoạn bà đưa nó cho "trợ thủ" của mình là Ôn Ngọc Sinh – Dịch A Lam đinh ninh rằng người đàn ông trung niên thường xuất hiện đột ngột và hiếm khi ăn vận chỉnh tề này chính là trợ thủ kiêm thư ký của La Thái Vân, ngang hàng với Trịnh Đạc trong Tổ công tác.
Mặc dù Ôn Ngọc Sinh chưa từng được giới thiệu chính thức, song hắn ta luôn có mặt trong vài cuộc họp bí mật mà ngay cả Trịnh Đạc cũng không đủ tư cách tham dự.
Ôn Ngọc Sinh kỳ thực là một chuyên gia tâm lý có thẩm quyền, cũng là người bạn lâu năm của La Thái Vân; đảm nhiệm chức vụ tư vấn tâm lý đối ngoại của Bộ Quốc phòng.
Đôi khi bắt được dăm ba tên tội phạm khá ngoan cố, dù họ thẩm vấn thế nào cũng nhất quyết không hé răng; những lúc thế này, chính là sân khấu của Ôn Ngọc Sinh.
Hắn ta dùng cách đặc biệt của mình để kết nối với tội phạm hoặc tấn công vào điểm yếu tâm lý của đối phương để phá vỡ sự phòng vệ.
La Thái Vân đã mời Ôn Ngọc Sinh đến Tổ công tác khẩn cấp sau nhiều lần suy nghĩ kỹ lưỡng.
Đọc xong tập tài liệu, Ôn Ngọc Sinh hỏi La Thái Vân: "Chị muốn tôi tìm cơ hội nói chuyện với Châu Yến An à?"
La Thái Vân nói: "Cậu đọc báo cáo điều trị của Châu Yến An năm năm trước chưa?"
Ôn Ngọc Sinh: "Tôi đọc rồi.
Tình trạng khi đó của cậu ta khá nghiêm trọng, đã ảnh hưởng đến các chức năng sống.
Nhưng báo cáo kiểm tra sức khỏe đầu vào đã chứng minh cậu ta hồi phục khá tốt trong năm năm qua, các chỉ số tâm sinh lý đều ổn.
Chẳng qua thâm tâm cậu ta thế nào thì còn chưa chắc."
"Liệu chứng rối loạn của cậu ta có đe dọa đến an ninh quốc gia không?"
"Không." Ôn Ngọc Sinh khẳng định.
"Có thể nói nguyên nhân khởi phát đến từ chuyện này: chỉ cần cậu ta ích kỷ một chút, là đã chẳng mắc kẹt như thế."
"Vậy thôi, cậu không cần nói chuyện với Châu Yến An đâu." La Thái Vân bảo.
"Châu Yến An từng tiếp xúc với nhiều nhà tâm lý, sẽ nhận ra ý định của cậu.
Cách cậu dẫn dắt chưa chắc đã chữa khỏi Châu Yến An, còn vô hình trung gây áp lực cho cậu ta.
Tôi không muốn Châu Yến An xem đây là "áp lực từ chính phủ", giống như chúng ta thậm chí còn không được phép trầm cảm.
Chúng ta nên cho cậu ta một tự-do tiêu-cực; dầu gì, con người cũng đôi khi thấy mệt mỏi mà."
La Thái Vân xoa vầng trán nhưng nhức rồi khẽ nhắm mắt, đây có lẽ là lời nhắc khéo của Trịnh Đạc dành cho bà, rằng đừng nên tạo áp lực quá lớn cho Châu Yến An.
Trịnh Đạc tuy không phải là đặc vụ chuyên nghiệp, song hắn đương nhiên phải biết một số phương pháp chống nghe lén.
Nếu không muốn có người thứ ba ngoài Dịch A Lam nghe thấy, hắn sẽ chọn một nơi khác chứ chẳng phải là nhà an toàn do Bộ Quốc phòng cung cấp.
La Thái Vân bảo: "Khám sức khỏe định kỳ trước khi bước vào ngày 32 tương đương với một lần khám toàn diện.
Nếu (chứng rối loạn) Châu Yến An thình lình tái phát, hoặc thậm chí nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến các chức năng sống, đội y sinh nhất định sẽ phát hiện đầu tiên, chúng ta không có gì phải lo lắng.
Còn đối với những xáo trộn bên trong, thôi thì cứ tin tưởng cậu ta đi."
Ôn Ngọc Sinh gật đầu đồng ý.
Dịch A Lam cũng đôi khi hốt nhiên nghĩ đến khuôn mặt thoạt trông bình thường của Ôn Ngọc Sinh, nhất là vào những lúc hắn ta ngẩn ngơ không biết làm gì.
Y còn phát hiện rằng Ôn Ngọc Sinh thích quan sát những người phát biểu trong buổi họp, thường ghi lại điều gì đó vào sổ tay.
Phải thừa nhận, Dịch A Lam bị ấn tượng sâu sắc bởi ánh mắt khi hắn ta nhìn chăm chú một người.
Nó khiến ta liên tưởng rằng mình là một con cá trôi từ đáy sông tối tăm lạnh lẽo lên vùng nước ấm – nơi có ánh ban mai hiền hòa cùng làn gió thanh mát; và khi ta đang bơi lội thỏa thích, vô thức dỡ xuống tấm khiên phòng vệ để đớp lấy con mồi, thì cũng là lúc những bí mật sâu kín nhất trong tim bị khoét rỗng bởi chiếc móc câu sắc nhọn.
Đương lúc nghĩ về phép ví von ấy, sự chú ý của Dịch A Lam bỗng chuyển sang người khác.
Đó chính là Điền Lộ, nhà tâm lý cũ của y.
Điền Lộ cũng có đôi mắt như thế, nhưng không tinh xảo và tự nhiên như Ôn Ngọc Sinh.
Khi Điền Lộ nhìn Dịch A Lam, y có thể cảm nhận rõ đối phương đang cố hết sức khiến mình nới lỏng cảnh giác, khiến mình đặt niềm tin lên anh để rồi trải hết những khắc khoải trong lòng.
Dịch A Lam bỗng toát lên một ý nghĩ, rằng liệu sau mấy tháng qua Điền Lộ có còn nhớ thân chủ là mình hay không? Và liệu anh có còn nhớ ngày 32 mình từng nói? Nếu một ngày Điền Lộ hay tin ngày 32 là thật, anh sẽ nghĩ gì về những phán đoán của mình lúc trước?
Điền Lộ ư? Anh vẫn nhớ hết đấy.
Trong vòng vài tháng sau khi gặp Dịch A Lam, Điền Lộ đã tiếp xúc với ngày 32 từ những con đường khác nhau.
Con đường đầu tiên cũng là thân chủ của anh.
Khi Điền Lộ nghe lại những câu từ miêu tả tương tự về ngày 32 từ một nữ sinh mười chín tuổi không hề có quan hệ gì với Dịch A Lam, anh đã phải bối rối thật lâu.
Trong một tích tắc, anh gần như cho rằng đây là trò đùa dai của ai đấy cố ý nhằm vào mình.
Sau đó, khi tham dự một hội thảo của ngành tâm lý học ở Nam Lâm, và trò chuyện với một đồng nghiệp, anh mới biết rằng người nọ cũng gặp phải những thân chủ tự nhận có thể bước vào ngày 32.
Cậu bạn đồng nghiệp mở một phòng tham vấn nhỏ ở vùng sâu vùng xa, ngỡ rằng chỉ có mình gặp phải những "thân chủ" đó.
Cậu ta còn nói đùa với Điền Lộ: "Xã hội hiện đại, con người bị hành hạ đến không kể xiết, đủ loại chứng bệnh quái đản thi nhau ra đời..."
Điền Lộ thận trọng hỏi về đặc điểm thân chủ, được biết người nọ không phải Dịch A Lam, cũng chẳng phải nữ sinh đại học mười chín tuổi.
Vậy, đã có ba người.
Điền Lộ muộn màng nhận ra, rằng "ngày 32" có lẽ không đơn giản như vậy.
Suy đoán ban đầu của anh, "ngày 32" là một kiểu tư tưởng tương tự như các triết lý tà giáo, hoặc có nội dung mang tính tẩy não.
Nó cũng có khả năng là một trò chơi đang thịnh hành gần đây, bộ phận thanh niên buồn chán, bi quan hoặc có tính cách nổi loạn thể hiện sự bất mãn đối với xã hội bằng phương pháp chơi game nhập vai này.
Trong mọi trường hợp, đây cũng là một hiện tượng xã hội thú vị.
Điền Lộ dự định sẽ nghiên cứu sâu về nó khi có thời gian.
Điền Lộ – một tâm lý gia khá nổi bật trong ngành, lịch hẹn chật kín; vào một ngày nọ, anh nhận được cú điện thoại đánh vỡ nhận thức luận của mình.
Người gọi tự giới thiệu: "Đàn em Điền Lộ, phải không? Anh là Nhuế Đào.
Anh lấy thông tin liên lạc của em từ thầy Trình."
Điền Lộ biết Nhuế Đào, một đàn anh hơn mình vài tuổi, là người cực kỳ tài giỏi.
Giáo sư hướng dẫn của anh lúc đó là thầy Trình, thường dùng rất nhiều lời có cánh để khen ngợi Nhuế Đào.
Chẳng qua sau tiến sĩ, Nhuế Đào tập trung nghiên cứu nhiều hơn về tâm lý học xã hội.
Trước sự lễ phép của Điền Lộ, Nhuế Đào đi thẳng vào vấn đề: "Em có nghe nói về "ngày 32" chưa?"
Điền Lộ thoáng lên giọng: "Đàn anh, anh cũng gặp thân chủ như vậy rồi ư?"
Nhuế Đào cười: "Xem ra em cũng biết.
Vậy tốt rồi, anh không cần giải thích cho em ngày 32 là gì nữa."
Điền Lộ hỏi: "Đàn anh nghĩ gì về hiện tượng này ạ? Ngày 32 là một xu hướng mới, tư tưởng mới hay chỉ là trò chơi?"
Bấy giờ, Điền Lộ thậm chí còn tự hỏi: Liệu đây có phải là thực nghiệm do nhóm Nhuế Đào tiến hành?
"Là thật đó."
"Vâng?"
"Như thân chủ của em đã nói, ngày 32 là thật.
Vào cuối mỗi tháng, một số ít cá nhân bước vào ngày 32 mà không rõ lý do.
Đó là một bản sao hoàn hảo của thế giới vật chất mà ta đang sống."
Điền Lộ cứng người: "Em, em ghi nhận ý kiến của an..."
"Vì anh cũng thế."
Điền Lộ im bặt.
Nhuế Đào nghiêm nghị rằng: "Từ cuối tháng Năm, anh đã bước vào ngày 32 năm lần.
Mỗi lần hệt như nằm mộng, lần nào tỉnh lại cũng trở về với thời không này.
Thoạt đầu, ngay cả anh cũng thắc mắc liệu mình có bị thao túng tâm lý hay không.
Đến khi anh gặp một thân chủ tâm sự với mình, và đến khi anh đồng ý gặp thân chủ trong ngày 32, anh mới biết nó là thật đấy em."
"Xin lỗi, đàn anh." Điền Lộ khó xử.
"Có lẽ em phải mất một lúc mới tiêu hóa được.
Không phải em nghĩ anh lừa em, mà là chuyện này nằm ngoài nhận thức rồi."
"Trong ngăn kéo có khóa ngay bên trái bàn tham vấn, ở dưới cùng có một cuốn sổ.
Trong cuốn sổ kẹp tấm ảnh chụp vợ thầy Trình, chính xác hơn là tấm ảnh được cắt ra trong một cuốn tạp chí."
Điền Lộ đỏ mặt: "Anh, anh nói nhảm."
Điền Lộ bước nhanh đến bàn mở ngăn kéo, tấm ảnh được cắt trong một trang tạp chí khoa học vẫn nằm ở góc bí mật nhất.
Lề giấy và bề mặt cuốn sổ, hay thậm chí là những giấy tờ khác đều ở đúng vị trí, không có dấu vết bị xới tung.
"Đó là những gì anh thấy vào ngày 32.
Xin lỗi em, anh biết làm vậy đã xâm