Một năm sau, một đạo quán mới tinh nằm ở vùng ngoại ô phía Nam kinh thành được khánh thành.
Đạo quán này được xây vì Hoàng hậu. Nghe nói, kể từ hơn một năm trước, Hoàng hậu bắt đầu mê muội đạo giáo, một lòng cầu đạo, tự xin phế vị.
Vì thế, Hoàng đế sai bộ Công chọn một nơi có phong thủy tốt, xây đạo quán cho nàng.
Vì Đế Hậu tình thâm, nghe nói rất nhiều chỗ trong đạo quán đều do đích thân Hoàng đế để tâm thiết kế.
Tin tức truyền ra, văn võ bá quan đều bùi ngùi than thở tạo hóa trái ngang, Đế Hậu có duyên không phận.
Trong cung Từ Ninh, Tô Ngâm trải một tấm bản đồ rất lớn trên bàn, Thái hậu thảnh thơi đi tới nhìn qua: “Ôi, xây hoành tráng ghê đấy chứ!”
Tô Ngâm cười nói: “Dạ, Hoàng thượng rất đầu tư công sức, không muốn để Hoàng hậu nương nương chịu thiệt. Về sau Hoàng hậu vào ở thấy có gì không ổn lại sửa chữa tiếp cũng không sao, dù sao chỗ đó cũng lớn, tạm thời bỏ qua một nơi cũng không quan trọng.”
Thái hậu gật gù, xoay người đi tới giường La Hán. Hoàng hậu thấy thế vội đỡ bà, Thái hậu nắm chặt tay nàng: “Cảm ơn con về mấy năm qua.”
“Thái hậu đừng nói thế.” Thang Doanh Sương hầu hạ bà ngồi xuống, rồi mỉm cười rót trà, “Chuyện này là do thần thiếp tự nguyện, Hoàng thượng đâu ép uổng gì thần thiếp. Bây giờ đi chốn ấy cũng là ý của thần thiếp, thần thiếp nào dám nhận sự cảm kích của Thái hậu.”
Từ tận đáy lòng, Thang Doanh Sương hiểu rõ, đúng là mình đã giúp Hoàng đế. Nhưng mặt khác, nếu nàng không tiến cung, bây giờ chắc đã bị ép gả cho người khác, sống một cuộc đời nàng không mong muốn.
Thái hậu cười cười: “Làm mẹ chồng nàng dâu một thời gian, ai gia cũng không có gì nhiều cho con.” Nói xong, bà ra hiệu cho cung nữ đứng cạnh, cung nữ này hành lễ rồi ra ngoài điện lấy đồ.
Thái hậu tiếp tục nói với Hoàng hậu: “Đây là những đồ ngoài cung người ta ưa chuộng, con mang theo mà dùng.”
Thang Doanh Sương mỉm cười hành lễ tạ ơn, song mãi mới thấy cung nữ kia bê cái tráp vào.
Khi đó nàng không vội mở ra, chỉ bảo cung nữ đi theo nhận lấy. Tới khi về đến cung Khôn Ninh, Thang Doanh Sương mở ra nhìn mới hoảng sợ.
Bên trong là chiếc quạt tròn vẽ hình đôi uyên ương nghịch nước, hai con chim được thêu rất sống động, nhưng đều là chim mái.
Một cặp túi thơm, thoạt nhìn như không có hoa văn gì, nhưng rọi dưới ánh nắng có thể nhìn thấy hoa văn chìm, đều là chim phượng.
Còn có lọ thuốc hít nhỏ xinh, trên thân vẽ một đôi chim hoàng oanh, nhưng trên mình cả hai đều có sọc, là chim mái.
Thang Doanh Sương càng ngắm càng khó hiểu, nghĩ mấy thứ này đến từ Thái hậu, nàng bỗng thấy hãi hùng.
Nhưng sau khi lo lắng, nàng từ từ bình tâm.
Thái hậu hẳn là… không có ý gì khác?
Nếu bà muốn trách phạt nàng sẽ có rất nhiều cách. Bảo Hoàng đế trị tội nàng, xử lý Tống Vi, hoặc để cả hai bọn họ chết không minh bạch, cách nào cũng không khó.
Thái hậu không cần phải dùng cách thức mơ hồ như vậy để “nhắc nhở” nàng.
Vậy thì ý Thái hậu là…
Thang Doanh Sương cầm túi thơm trong tay, đôi mày đẹp nhíu lại quan sát một lúc, đột nhiên cảm thấy hình như Thái hậu đang có ý khoe khoang.
“Chuyện gì ai gia cũng biết hết, thấy ai gia giỏi không?”
Cảm giác từa tựa như vậy.
—
Trong cung Càn Thanh, Thẩm Huyền Ninh vừa day huyệt Thái Dương vừa thao thao bất tuyệt một đống lý lẽ trước mặt Thang Thuật Nhân.
Thang Thuật Nhân làm thầy y chẳng phải ngày một ngày hai, có không ít lần y phải giải thích hoặc tranh cãi với ông, nhưng chỉ có lần này, ông không cách nào kiên nhẫn lắng nghe y.
Vì y đang nói về chuyện của Hoàng hậu.
Ban đầu, Thang Thuật Nhân nói gần nói xa ngụ ý y đang ức hiếp Hoàng hậu. Vì thế Thẩm Huyền Ninh phải tận tình khuyên nhủ và giải thích cho ông hiểu, nói mình không phải vì Tô Ngâm nên mới vứt bỏ Hoàng hậu mà đúng là Hoàng hậu dốc lòng tu đạo, y không khuyên nổi Hoàng hậu.
Y nói: “Nếu an bài một thân phận khác để nàng xuất cung gả chồng trẫm cũng đâu có bị mất mặt, hà cớ gì phải dùng cách này?”
Khuyên lơn mãi, Thang Thuật Nhân mới tạm tin tưởng, nhưng lại tỏ ý không tán đồng chuyện này.
Thang Thuật Nhân cảm thấy, trai lớn dựng vợ gái lớn gả chồng là điều tất yếu, Hoàng hậu thật sự không nên xuất gia.
Thang Thuật Nhân còn nói, trăm thiện đức hiếu đứng đầu, nếu Hoàng hậu xuất cung, dù gì cũng nên ở trước mặt cha mẹ tận hiếu chứ sao lại vào đạo quán?
Thẩm Huyền Ninh không ngờ một người có thanh danh hiển hách, nổi tiếng là bậc đại nho đương thời như thầy mình ấy vậy mà lại cổ hủ như thế. Y nhíu mày nghe Thang Thuật Nhân phân tích ưu nhược điểm xong mới nói: “Thầy à, nếu ngài để nàng gả cho người khác, hầu hết thời gian nàng đều ở nhà chồng, cũng đâu thể ở trước mặt ngài báo hiếu. Còn nếu nàng muốn ở nhà báo hiếu cho ngài, vậy nàng không vào đạo quán cũng chẳng nên gả đi, đúng không?”
Thang Thuật Nhân nghẹn lời.
Thẩm Huyền Ninh: “Dù sao đôi đường đều khó vẹn toàn, sao thầy cứ nhất quyết phải chọn một trong hai? Ngài buông bỏ hết không được sao?”
Thang Thuật Nhân suýt nữa bị y chọc giận tới ngất đi, ông hít một hơi thật sâu: “Sao có thể buông bỏ chứ?”
“Nếu ngài buông bỏ, nàng sẽ hạnh phúc.” Y nói rồi đứng lên, đi tới trước mặt Thang Thuật Nhân, kề vai ngồi xuống bên cạnh dỗ dành ông, “Theo trẫm thấy, dù Hoàng hậu đi tu cũng có thể làm tròn đạo hiếu cơ mà. Nàng đâu phải là một người không biết hiếu thảo, lễ Tết hoặc khi sức khỏe ngài không tốt, nàng nhất định sẽ về thăm.”
Nếu thành hôn chẳng phải cũng là thế? Tóm lại sao có chuyện ngày ngày đều ở nhà mẹ đẻ được.
Thang Thuật Nhân nhíu mày: “Trong ba điều bất hiếu, không có con là tội lớn nhất, thần và mẹ nó còn