"Khôn ngoan vượt được Thanh Hà,
Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy."
Nhớ đến Đại Phu Đào Duy Từ, lòng Ngọc Phương lại bồi hồi xúc động.
Tuy không được gặp Đại Phu vì ông đã mất trước khi cô ra đời, nhưng Ngọc Phương vẫn kính trọng, tự xem Đại Phu Đào Duy Từ là thầy của mình.
Ngài chính là thầy cuả Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Đại Phu Đào Duy Từ cũng là người thiết kế nên Lũy Trường Dục hay còn được dân gian gọi là Lũy Thầy.
Chiến lũy đã làm biết bao binh tướng của Đàng Ngoài phải chịu cảnh hao xương tổn máu, lực bất tòng tâm không thể công phá.
Tuy nhiên, ít người nhận ra Lũy Trường Dục chỉ mới là thành lũy thứ nhất.
Thành lũy thứ hai được Đại Phu xây dựng cho Đàng Trong chính là quyển binh thư Hổ Trướng Khu Cơ mà ông đã viết.
Quyển binh thư này không chú trọng vào các học thuyết, triết lý quân sự mà chú trọng vào phần thực hành thực tiễn.
Ai cũng biết Hổ Trướng Khu Cơ bao gồm ba phần: Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa.
Ba quyển này tập hợp tất cả các kiến thức từ hậu cần, rèn quân luyện tướng, chế tạo vũ khí cho đến khía cạnh kinh tế quốc gia.
Nhưng chỉ một số ít người biết ngoài ba phần Thiên Thời, Địa Lợi và Nhân Hòa.
Đại Phu Đào Duy Từ còn viết phần thứ tư là Âm Binh.
Ba phần đầu chính là cực dương, còn phần thứ tư chính là cực âm của Đại Phu.
Phần này sau khi Chúa Sãi xem xong đã quyết định không đưa ra truyền bá rộng rãi.
Có hai lý do, thứ nhất Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cũng giống như Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, đều là người quân tử nhân từ, coi việc ám toán là thủ đoạn tà ác.
Thứ hai việc tuyển mộ được những người có thể học và thực hành những điều trong đó vô cùng khó khăn, nói trắng ra gần như không thể, chỉ có tìm được Thần trong cõi người mới có thể làm được.
Do đó phần Âm Binh trong Hổ Trướng Khu Cơ cứ thế dần trôi vào quên lãng và biến mất.
Nhưng một trong số những người biết về phần Âm Binh này lại vô cùng có hứng thú với nó nên đã bí mật sao chép lại.
Đó là Điện Tiền Đô Kiểm Điểm Lương Quận Công Trương Công Giai, người đã theo Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào nam.
Ông ta truyền lại Âm Binh cho con là Trương Phúc Phấn, danh tướng Đàng Trong từng cố thủ thành công Lũy Trường Dục trước đại quân của Đàng Ngoài vào năm 1648.
Phấn truyền lại bộ Âm Binh này cho con mình là Trương Phúc Cương, người có công đánh bại quân Trịnh tại Lũy Trấn Ninh vào năm 1672.
Sau đó Cương đưa lại cho con của mình là Trương Phúc Phan.
Cuối cùng Âm Binh rơi vào tay Trương Phúc Loan là con thứ của Phan.
Có thể nói gia tộc họ Trương nhiều đời có võ công hiển hách, tuy giữ Âm Binh nhưng lại không thể sử dụng.
Chỉ đến khi lọt vào tay Trương Phúc Loan nó mới có đất để dụng võ.
Loan là người cơ mưu, thâm trầm khó đoán, thủ đoạn hiểm độc nhưng bề ngoài lại vô cùng thánh thiện hòa nhã.
Thần trong cõi người không tìm được ư? Không sao, hắn sẽ tìm Quỷ trong nhân gian vậy.
Hắn lựa chọn vô