Mặt trời ngả về tây.
Giác Trần ngồi xuống một chiếc ghế tre đặt dựa vào cửa sổ, thân khoác áo tràng tựa như ngồi giữa vầng kim quang.
Lý Kinh Trọc không trông rõ nét mặt ông, chỉ cảm thấy càng có vẻ trang nghiêm hơn thời điểm gặp nhau ngoài hành lang.
Mất một lúc anh mới nhớ ra ngày xưa ông hay giao thiệp với tầng lớp nào, không khỏi liên tưởng đến mấy vị lãnh đạo cấp cao trong bệnh viện mình.
"Thường ngày cháu thích làm gì?" Giác Trần hỏi.
Lý Kinh Trọc cho rằng ông sẽ hỏi về quan hệ giữa anh và Liễu Tức Phong, hoặc hỏi cảm nghĩ về hắn như thế nào, không thì chí ít sẽ hỏi về nghề nghiệp và xuất thân gia đình, anh đã soạn đủ loại đáp án sẵn trong đầu, chỉ không ngờ Giác Trần lại mở màn bằng một câu đơn giản mình thích làm gì.
"Không cần căng thẳng.
Tôi chưa bao giờ nhúng tay vào chuyện của Tức Phong." Giác Trần thấy anh không nói gì, hòa ái mở lời trước, "Chỉ muốn nói chuyện với cháu mấy câu thôi."
Lý Kinh Trọc hoàn hồn lại, trả lời: "Công việc ở bệnh viện rất bận, ngày thường chỉ có thể đọc sách, bây giờ được nghỉ thi thoảng cháu có vẽ tranh đánh quyền."
Giác Trần bình luận: "Học y vất vả."
"Thật ra vẫn ổn ạ." Lý Kinh Trọc không dám than vất vả, ngược lại còn kể ra vài câu chuyện thú vị ở phòng thí nghiệm cho ông nghe.
Giác Trần cũng kể lại vài chuyện kỳ thú năm xưa của mình, tuy ngữ khí bình đạm, nhưng chỉ vài từ ít ỏi đã đủ khiến Lý Kinh Trọc phải cảm khái thổn thức trong lòng.
Hai người hàn huyên một trận, Lý Kinh Trọc bị cách nói năng và phong độ của Giác Trần hấp dẫn, bất giác thả lỏng tinh thần hơn, chuyện gì cũng nói được.
Giác Trần không hỏi anh chuyện gì quá riêng tư, mà phần lớn là nói về đông tây kim cổ, mời anh giải thích, trong lúc anh trả lời không hề cắt ngang, chờ nói xong hết cũng không phán xét gì, chỉ gợi ý thêm vài chỗ mà anh chưa đào sâu tới.
Không khí trò chuyện đã vui vẻ thoải mái, Lý Kinh Trọc mới bạo gan hỏi về Liễu Tức Phong hồi còn nhỏ.
"Cháu nghe xong có thể cười nó, nhưng đừng nói cho nó biết là tôi kể." Giác Trần nhấp một ngụm trà, "Hồi cấp hai nó mua hoa tặng toàn bộ bạn học nữ trong trường, nhờ các nữ sinh xếp hàng cho nó nắm tay, mỗi người nắm một lần.
Hiệu trưởng gọi điện thoại đến chỗ tôi phàn nàn chỉ có thể dùng bốn chữ hình dung ra cảnh tượng lúc đó: Hoàng đế tuyển phi.
Tôi hỏi nguyên do, nó bảo chỉ muốn thử xem có thật mình không thích con gái hay không."
Lý Kinh Trọc không nhịn được truy vấn: "Sau đó thì sao?"
Giác Trần buông chén trà, nói rất nhẹ nhàng: "Tôi nhờ người tìm ít tài liệu giáo dục, bắt nó ở nhà suy nghĩ kĩ rồi mới được quay về trường."
Lý Kinh Trọc gật đầu, hai người lại tán gẫu thêm một lúc về những chuyện trước khi Liễu Tức Phong thành niên.
Lý Kinh Trọc nhớ đến xấp phim ảnh, liền hỏi xin Giác Trần ảnh chụp trước năm mười tám tuổi của hắn.
Giác Trần không đáp ngay, chỉ hỏi: "Có biết chơi cờ không?"
Lý Kinh Trọc đáp: "Cháu chỉ biết chơi cờ tướng."
Giác Trần lấy ra một hộp cờ bằng gỗ: "Ảnh thì có, nhưng muốn lấy phải xem bản lĩnh."
Xếp cờ xong, hai người ngồi đối diện nhau, bắt đầu hạ.
Mỗi một nước đi Lý Kinh Trọc đều suy nghĩ trước sau, cân nhắc trăm bề, Giác Trần cũng không thúc giục, chỉ là quân cờ trên tay Lý Kinh Trọc vừa hạ, ông lập tức nhấc quân của mình đi ngay gần như không cần suy xét.
Lý Kinh Trọc cố giữ vững tâm không để ông làm ảnh hưởng, bình tĩnh cân nhắc, mỗi một nước đều dùng toàn lực muốn đặt mình vào thế tốt nhất.
Ván cờ này hai bên tranh đoạt thảm thiết, nhưng không phải do thực lực ngang hàng, mà là Giác Trần cố ý không nghiền chết Lý Kinh Trọc, luôn chừa lại cho anh một đường đi.
Một bàn cờ vốn có thể kết thúc rất nhanh, nhưng hai người lại ngồi lâu thật lâu.
Cuối cùng bên Lý Kinh Trọc chỉ còn lèo tèo vài quân, Giác Trần mới hỏi: "Vẫn muốn hạ cho xong sao?"
Lý Kinh Trọc đã sớm biết, thoải mái nhận thua.
Trên mặt Giác Trần không biểu hiện gì, trong mắt lại có ý cười: "Nếu vẫn muốn ảnh chụp thì ngày mai lại đến."
Lý Kinh Trọc đáp ứng, dọn sạch bàn cờ gấp lại.
Giác Trần đưa anh ra cửa, nói: "Trên cầu treo bây giờ đang có mây tía hoàng hôn đấy."
Lý Kinh Trọc cho là Giác Trần muốn chỉ dẫn anh thưởng thức cảnh hoàng hôn, liền gật đầu nói sẽ cùng Liễu Tức Phong đi xem, kết quả ra đến cửa lại không thấy hắn đâu.
Anh đang định đi tìm, bỗng nghe thấy một tiếng ngân dài từ phương xa bay tới như tiếng huýt sáo, núi rừng yên tĩnh, một tiếng ngân kinh động vô số chim chóc bay lên.
Lý Kinh Trọc nhìn về nơi phát ra tiếng sáo, cầu treo vắt giữa hai vách núi nghìn trượng nguy nga khiến người đứng trên cầu càng thêm nhỏ bé.
Lúc này anh mới nhủ thầm, đúng là không ai hiểu con bằng cha.
Trong khoảnh khắc này, cả ngôi chùa tựa như bị tiếng sáo kia đánh thức, lầu cao bỗng nhiên vang lên tiếng trống trang nghiêm, gác chuông cũng ứng theo bằng tiếng chuông túc mục, âm thanh chuông trống lãng đãng vờn giữa mây núi như muốn nuốt trọn đất trời.
Liễu Tức Phong đứng trên cầu, tóc dài tung bay, sau lưng ngập đầy mây tía, đang vẫy vẫy cây sáo về phía Lý Kinh Trọc trên hành lang.
Cây sáo kia gắn dây tua đỏ ở đuôi, hiện giờ cũng đang lay động giữa ráng chiều lộng lẫy.
Tiếng chuông trống dừng lại, mùi đàn hương thoang thoảng bay tới.
Trong lồng ngực Lý Kinh Trọc như chợt nổi mưa gió, rồi chợt yên tĩnh trở lại.
"Nói chuyện lâu thế." Liễu Tức Phong cười hỏi, "Cảm giác thế nào? Không đáng sợ lắm chứ hả."
"Rất thú vị." Lý Kinh Trọc đáp, "Còn dùng ảnh chụp của anh làm tiền thưởng, chơi một ván cờ."
Hai người quay sang chỗ khác xem hoàng hôn, Liễu Tức Phong nói: "Em không thắng được, nên bây giờ vẫn trắng tay chứ gì."
Lý Kinh Trọc hỏi: "Làm sao anh biết?"
Liễu Tức Phong nói: "Em đọc《 Kỳ vương *》của A Thành chưa? Thời ông ấy còn trẻ cũng sánh ngang với Vương Nhất Sinh trong 《 Kỳ vương 》, có thể đánh với mấy người cùng một lúc, không có đối thủ."
*Kỳ Vương 棋王: truyện ngắn của tác giả A Thành đăng trên tạp chí "Văn học Thượng Hải" năm 1984, kể về thanh niên trí thức đam mê cờ tướng Vương Nhất Sinh trên hành trình giữ gìn môn cờ và tìm kiếm đối thủ chơi cờ trong thời kỳ cách mạng văn hóa vô sản.
Lý Kinh Trọc gật gù: "Ông ấy giống...!nói như thế nào nhỉ, giống như một truyền kỳ.
Trước ngày hôm nay em vẫn chưa tin cái gì gọi là nghe người nói chuyện một buổi hơn mười năm đọc sách, hôm nay mới tin."
Liễu Tức Phong cười trêu chọc: "Nếu ông ấy trẻ hơn hai mươi tuổi, chắc anh không có cửa đâu nhỉ?"
Lý Kinh Trọc nói: "Câu này anh lấy ra đùa trước mặt cha anh thử xem."
Liễu Tức Phong vẫn chưa thôi: "Em đừng nhìn ông ấy như bây giờ, ngày cha anh xuống tóc, không biết bao nhiêu trai gái đứng ngoài cửa chùa rơi nước mắt, anh chứng kiến hết."
Lý Kinh Trọc chế nhạo: "Anh hâm mộ lắm hả?"
Liễu Tức Phong trợn trắng mắt: "Chấp pháp câu cá*."
*Chấp pháp câu cá (entrapment): thuật ngữ chỉ những người lợi dụng kẽ hở hoặc sự thiếu hiểu biết luật pháp của người khác để dụ dỗ, lôi kéo người đó làm việc trái pháp luật để bản thân hưởng lợi, tóm lại là dụ người vào tròng đó.
Lý Kinh Trọc cũng trợn trắng mắt lại: "Là ai giở trò chấp pháp câu cá trước? Em chỉ được tính là học theo thôi."
Liễu Tức Phong tấm tắc: "Mồm miệng Tiểu Lý càng ngày càng sắc bén."
"Thầy sao trò vậy."
Hai người nhìn phía trước, khóe môi không nhịn được đều cong lên.
Ngắm hoàng hôn, ăn cơm tối xong, hai người tản bộ một lúc rồi trở về phòng nghỉ ngơi.
Đến giờ uống thuốc, Lý Kinh Trọc mới phát hiện ra, cả một ngày hôm nay anh gần như không nhớ gì đến chuyện mình nhiễm HIV nữa.
Ban đêm hai người nằm bên nhau, gió thổi lay nhẹ vách mùng, Lý Kinh Trọc duỗi tay sờ lên hoa văn mùng, cảm giác rất giống khi ở dưới quê.
Sờ một lúc anh đột nhiên cất tiếng: "Chắc em không thể làm như anh, mau chóng dẫn anh về gặp cha mẹ được."
Liễu Tức Phong an ủi: "Mỗi nhà mỗi cảnh."
Lý Kinh Trọc nói: "Cha anh tiến bộ thật đấy, dù anh khác với người thường, còn gây họa ở trường học, ông ấy cũng chỉ bắt anh xem tài liệu giáo dục là xong.
Cha mẹ em tuy cũng là người tốt, nhưng nếu chuyện rơi xuống đầu em, bọn họ sẽ không chấp nhận dễ dàng như vậy đâu."
"Xem tài liệu giáo dục?" Ngữ khí nghi hoặc của Liễu Tức Phong vang lên trong bóng tối.
"Úi." Lúc này Lý Kinh Trọc mới nhận ra mình vừa bán luôn Giác Trần, trong lòng hơi áy náy, "Thì là...!chuyện Hoàng đế tuyển phi ý."
"Cái gì hoàng đế tuyển phi?" Liễu Tức Phong phản ứng lại rất nhanh, ảo não nói, "Ông ấy kể em cả chuyện đó nữa à."
Lý Kinh Trọc tưởng tượng ra hình ảnh kia, nỗ lực nín cười nhưng bả vai vẫn run rẩy không thôi.
Liễu Tức Phong nhận ra gối đầu và chăn rung lên, tức giận lên án: "Lúc ấy anh thảm như thế mà em còn cười."
Lý Kinh Trọc cười luôn thành tiếng, vừa cười vừa nói: "Có