Dù Khúc Hạc Thanh và Điền Tân Mai vẫn ở trong làng, nhưng rõ ràng cách sống của họ khác hoàn toàn với những người cùng thế hệ xung quanh.
Hai người có công việc chính thức, đa phần là đi làm bên ngoài nên cuối tuần mới ra đồng giúp cha mẹ được một chút.
Khúc Hạc Thanh là chủ gia đình nên thường xuyên qua lại trong làng. Nếu nhà ai có việc hiếu hỉ gì, anh sẽ đi hỗ trợ ngay. Nhưng Điền Tân Mai lại ít xuất hiện hơn, một là cô đã rời làng nhiều năm rồi nên khá xa lạ với mọi người. Hai là cô thực sự không phải kiểu người có thể buôn chuyện việc nhà người khác. Tán dóc mấy việc vặt vãnh với người khác thì về nhà ngủ hoặc trêu Điền Điền còn hơn.
Không chỉ có thể, hai vợ chồng cũng rất có chính kiến trong việc dạy con.
Trẻ con trong làng rất khỏe mạnh, chúng mặc áo ba lỗ quần đùi chạy bên ngoài cả một ngày, dù có dính bùn đất cũng không sao cả. Mấy đứa bé trai hay bé gái đều đùa nghịch cùng nhau, nhưng chúng cũng vừa học vừa giúp làm việc nhà như nhặt củi đốt hay xúc lúa mạch non. Quần áo của những đứa trẻ này luôn là màu sẫm, nếu không người lớn giặt quần áo sẽ mệt lắm.
Thế nhưng gia đình Khúc Hạc Thanh không giống như thế, nhà họ không có bao nhiêu việc nhà nông. Trong nhà lại mới lát gạch, nhà có trần và bếp lò cũng được thay thế bằng hệ thống sưởi nước. Nhà cửa luôn được lau dọn sạch sẽ nên bé con 3 tuổi thường mặc váy trắng và đi giày da nhỏ. Nếu đứng cạnh những đứa bé khác thì sẽ giống một nét vẽ khác biệt vậy.
Có lúc cha mẹ già trong nhà sẽ nói Điền Tân Mai mấy câu, họ thấy đây là tác phong của người thành phố: Trọng hình thức, lại nghĩ ăn uống không sạch sẽ sinh bệnh. Trẻ con trong làng vẫn lăn lộn mà lớn lên nhưng vẫn khỏe mạnh, sao Điền Điền lại phải khác người ta.
Thế nhưng Khúc Hạc Thanh đã chắn trước cho Điền Tân Mai, anh nói mình thích con gái gọn ghẽ một chút, bé con trắng trắng mềm mềm, điệu đà một chút thì có sao.
Có chồng chắn phía trước nên Điền Tân Mai lại tiếp tục vui vẻ mua váy, thay quần áo cho con gái. Mà đây cũng không phải tác phong của người thành phố gì, sức đề kháng của trẻ con không tốt, sạch sẽ một chút mới ít bệnh tật.
Thế là cuộc sống của Khúc Dục Điền đã nhanh chóng biến thành ở bên cạnh bố mẹ, mặc váy kẻ ca-rô, đi quần tất màu trắng cộng thêm đôi giày da nhỏ màu đỏ. Trước và sau khi ăn cơm đều phải rửa tay, sáng tối mỗi ngày phải đánh răng rửa mặt, ăn xong gì đó phải súc miệng, nơ bướm trên tóc cũng được Khúc Hạc Thanh cài theo một kiểu riêng biệt.
Thế nhưng khi đến nhà ông bà, bà Khúc đã cởi quần tất và giày da nhỏ của bé ra, sau đó thay bằng quần bông và giày vải. Vừa thấy Khúc Dục Điền chạy đi rửa tay, bà lại lẩm bẩm: “Trọng hình thức y hệt mẹ nó”. Bà cụ cũng không cài nơ bướm cho bé, mà lần nào cũng chỉ buộc thắt lại bằng dây vải. Nếu có chảy nước dãi cũng sẽ không dùng khăn tay, rửa mặt thì chỉ dùng bừa khăn mặt nào đó chứ đừng nói đến đánh răng hay súc miệng.
Mỗi sáng sớm họ đưa thiên thần nhỏ sạch sẽ qua, khi tan làm về sẽ nhận được một nhóc con rối tung rối mù tới mẹ ruột cũng không nhận ra.
Điền Tân Mai không còn cách nào khác, hai ông bà cũng cố chấp trong việc dạy trẻ con giống như mình vậy, bởi họ có kiên trì của bản thân. Hơn nữa, lúc đi làm không thể để Điền Điền ở nhà một mình, hai ông bà cũng thật lòng muốn giúp các con trông cháu, nên cô không thể yêu cầu quá nhiều được.
Chỉ là sau khi về nhà, cô sẽ đun nước tắm rửa, thay quần áo cho con gái. Tắm giặt thơm tho xong rồi sẽ lại mặc váy ngủ nhỏ vào cho bé, rồi ôm vào trong chăn kể chuyện.
Hai ông bà muốn nuôi trẻ con theo kiểu hoang dã, chơi càng vui càng tốt, dù có bị va đập hay gì cũng không sao. Đợi Điền Điền thiếp đi trên giường nhỏ rồi, Khúc Hạc Thanh và Điền Tân Mai mới lấy cồn i-ốt, bật đèn pin xử lý vết thương trầy da trên cánh tay và bàn chân cho con gái.
Mà bây giờ Khúc Dục Điền đã hơn 4 tuổi, cũng nên đi nhà trẻ rồi. Việc chạy nhảy của bé ngày càng hăng, đồng thời sau khi về nhà, vết thương trên người cũng nhiều hơn. Trong lòng Điền Tân Mai vẫn hơi không thoải mái, cô suy nghĩ thật lâu rồi bàn bạc với Khúc Hạc Thanh về chuyện muốn từ chức ở nhà chăm con.
Hai vợ chồng cùng đi làm thì thu nhập cao thật, nhưng con lớn nhanh quá, chớp mắt một cái đã hơn 4 tuổi rồi. Nếu bọn họ còn không ở bên con nhiều hơn, Điền Điền sẽ trưởng thành mất.
Thật ra người Điền Tân Mai không quá khỏe mạnh, mà ngày nào cũng phải bôn ba đi làm lại càng vất vả hơn. Khúc Hạc Thanh cũng có ý này từ lâu rồi nhưng luôn không nói, anh muốn để Điền Tân Mai tự quyết định.
Bây giờ vợ muốn ở nhà chăm gia đình, Khúc Hạc Thanh cũng ủng hộ ngay. Tiền thì có thể kiếm dần, nhưng không thể bỏ lỡ sự trưởng thành của con gái được. Mà tiền lương của mình anh cũng đủ để cả gia đình dùng rồi.
Thế là Điền Tân Mai cứ ở nhà như thế, Khúc Dục Điền không phải ngày nào cũng đến nhà bà nội nữa, mà chuẩn bị thêm chút nữa để đi nhà trẻ.
Hai ông bà Khúc lại không nỡ xa cháu, dù trong nhà vẫn luôn có mấy đứa cháu khác náo loạn, nhưng đứa cháu bọn họ thích như Khúc Dục Điền chỉ có một mà thôi. Lúc nghe con dâu nói muốn để Điền Điền đi nhà trẻ, hai người cũng lần đầu nói nặng lời với Điền Tân Mai.
Họ nói con dâu nhẫn tâm quá, giờ con bé mới hơn 3 tuổi, sao đã bắt đi học rồi?
Điền Tân Mai không biết nói gì cho phải, đi học đâu phải ngồi tù, sao lại thành nhẫn tâm được? Lúc Điền Điền biết nói, hai vợ chồng họ đã bắt đầu dạy bé học thơ cổ, học Tam Tự Kinh (1). Việc giáo dục vỡ lòng đã làm rất tốt rồi, bây giờ gửi đi nhà trẻ có thể tiếp xúc với nhiều bạn đồng lứa nữa thì có gì là không tốt?
(1) Tam Tự Kinh: (chữ Hán: 三字經) là cuốn sách chữ Hán được soạn từ đời Tống, đến đời Minh, Thanh được bổ sung. Sách được dùng để dạy học cho học sinh mới đi học. Ở Việt Nam trước đây cũng dùng sách này. Nội dung cuốn sách hơn 1000 chữ, bố trí ba chữ một câu có vần. Hiện nay những người học chữ Hán cũng học nó để có số vốn 600 chữ để rồi tiếp tục học lên cao.
Sau khi Khúc Hạc Thanh biết việc này thì lập tức tới che chắn. Anh nói quyết định gửi Điền Điền đi nhà trẻ là ý của mình, cuối cùng lần này con trai cũng không bằng cháu gái, hai ông bà mắng luôn cả Khúc Hạc Thanh. Rồi sau đó có nói gì họ cũng không đồng ý cho Điền Điền đi học sớm như thế.
Thế là việc này bắt đầu giằng co, cuối cùng hai bên đều phải thỏa hiệp. Đợi Điền Điền 5 tuổi sẽ cho bé đi học lớp mẫu giáo lớn, học vỡ lòng ở nhà là được rồi.
Sau khi về đến nhà, Khúc Hạc Thanh và Điền Tân Mai đều thấy mệt mỏi từ thể xác đến tinh thần. Có lẽ vì 2 năm trước gửi con đến chỗ ông bà nên họ luôn nghĩ hai người nuôi con không tốt. Chỉ cần liên quan đến Khúc Dục Điền, dù là việc nhỏ nhặt thôi cũng rất dễ xảy ra tranh cãi.
Trở về nhà mình rồi, Khúc Dục Điền thay dép đi trong nhà nhỏ rồi đi dạo trong phòng khách mà không hiểu sự khó xử của ba mẹ. Trong khoảng thời gian này, bé đang học đọc và nhận mặt chữ nên trên tường dán rất nhiều thẻ chữ lạ, bên trên còn vẽ động vật và hoa cỏ rất xinh nữa.
Khúc Dục Điền lôi quyển truyện của mình ra rồi đi tìm ba mẹ để hai người đọc cho nghe. Bé con chưa đến 4 tuổi chỉ xem được hình minh họa, nên muốn nghe kể chuyện thì phải tìm ba mẹ trợ giúp.
Điền Tân Mai thấy con gái lôi quyển truyện thật
Khúc Hạc Thanh chậm một bước chỉ có thể làm người chịu trận, anh giãy dụa một chút, hay là để anh nấu cơm?
Cuối cùng Khúc Hạc Thanh bị Điền Tân Mai vô tình từ chối, vì thế anh chỉ có thể gánh vác trách nhiệm kể chuyện cho con gái nghe.
Sau năm 3 tuổi, Khúc Dục Điền bắt đầu có những câu hỏi “Vì sao”. Khi bé nghe tới thứ gì, thường thích hỏi một câu vì sao. Cho dù là người kiên nhẫn tới mấy cũng sẽ không chịu nổi nhiều câu hỏi như thế. Thế là vợ chồng hai người không chỉ mua rất nhiều sách vỡ lòng của trẻ con, mà còn bàn bạc anh một ngày em một ngày, mỗi người giải đáp cho con gái một hôm.
Có trời mới biết sao con gái lại có nhiều cái “vì sao” đến thế?!
Mà hai vợ chồng còn phát hiện sự chú ý của con gái không giống với người thường lắm.
Những câu chuyện trước khi ngủ đều là chuyện cổ tích. Ví dụ đứa trẻ khác nghe tới đoạn mỹ nhân ngư nhỏ hóa thành bọt biển thì ít nhiều cũng buồn, bởi cuối cùng hoàng tử lại hạnh phúc bên người khác. Nhưng Khúc Dục Điền không giống như thế, bé hớn hớn hở hở vung tay nói muốn làm phù thủy, vì bé thấy như thế có thể chế ra nhiều loại thuốc nước, có thể biến đuôi thành chân, như thế tài giỏi biết bao.
Về chuyện hoàng tử và mỹ nhân ngư nhỏ thì liên quan gì đến giấc mơ chế thuốc nước vĩ đại của bé? Không quan tâm!
Lại ví dụ như khi kể tới đoạn công chúa Bạch Tuyết rời đi, Khúc Dục Điền vẫn truy hỏi vì sao môi của công chúa Bạch Tuyết lại màu đỏ. Nếu thời tiết quá khô rồi nứt môi chảy máu thì làm sao phát hiện ra được? Có thể cho bé một cái gương thần của Hoàng Hậu không? Gương biết nói chuyện thật hả? Có thể kết bạn với gương được không?
Khúc Dục Điền có đôi mắt hai mí to giống ba, phần đuôi lông mi vừa cong lại vừa đậm. Khi bé ngước lên nhìn người khác, mắt sẽ như có tấm rèm nhỏ vậy. Khúc Hạc Thanh thấy đôi mắt của con gái rất giống mặt trăng, khi nhìn người khác còn mang theo đôi cánh nhỏ. Vì thế, dù bé có đuổi theo anh hỏi vì sao nửa thân trên của mỹ nhân ngư không phải là cá, nửa thân dưới không phải là người, thì Khúc Hạc Thanh cũng sẽ chịu đựng huyệt thái dương đau nhức mà giải thích cẩn thận cho con gái.
Có lẽ người khác không biết vì sao Khúc Hạc Thanh và Điền Tân Mai kiên trì trong việc cho con gái học chữ và đọc sách sớm như thế. Bởi con nhóc này có quá nhiều câu hỏi, bọn họ lại không muốn trả lời qua loa, vậy thì để sách vở trả lời bé đi.
Nhưng cuối cùng, chỉ có thể kết luận rằng hai vợ chồng vẫn còn quá trẻ.
Sau khi Khúc Dục Điền đọc quyển “Mười Vạn Câu Hỏi Vì Sao” xong thì lại có càng nhiều câu hỏi. Mà bé lại biết một lượng kiến thức cơ sở nhất định rồi, lúc hỏi chuyện gì cũng khiến mấy người Khúc Hạc Thanh khó mà giải thích thỏa đáng được.
“Ba ơi, vì sao bà Bạch ở nhà bên đi giày nhỏ thế?”
“Mai Mai, vì sao nhà ông Tôn lại giã bánh Tổ (1)?”
(1) Bánh Tổ: là một loại bánh có xuất xứ từ Quảng Nam, đây là một ăn đặc sản, có truyền thống lâu đời trong mỗi dịp tết của người dân xứ Quảng. Nhiều địa phương ở Quảng Nam đều làm bánh này. Nguồn gốc bánh do người di cư ở Trung Quốc tạo ra để chào đón dịp tết, thực chất khi xưa người Hoa không biết dịch nghĩa là dùng để thờ tổ tiên nên đặt là Bánh Tổ. Thực chất loại bánh này có tên là niên cao (年糕) hay tiếng Anh là nian gao, có nhiều giả thuyết cho rằng do vua Quang Trung sáng tạo ra nhưng thực chất là không phải. Bánh Tổ xuất hiện trên đất Hội An từ khá lâu, cùng thời với sự hình thành các khu phố cổ, chúng được người Hoa du nhập từ thế kỷ 16 – 17 và tồn tại cho đến ngày nay. Bánh Tổ cùng với món cao lầu là hai món ăn truyền thống, và là đặc sản phố cổ Hội An từ hàng trăm năm qua. Tùy phong tục của từng nhà mà bánh Tổ có hình dáng và màu sắc khác nhau.
“Vi khuẩn có hình thế nào ạ? Ngôi sao hình tròn hay có góc nhọn? Vì sao đi học lại nhất định phải đến trường?”
“Với cả, vì sao hai người lại ngồi xổm bịt tai?”
Hết chương 3.