Hai hôm chờ đợi đó trời đặc biệt lạnh. Sáng sớm hôm ấy, Tạ Nhất xin nghỉ, vội vàng ra trạm xe lửa.
Hiện đang là ngày nghỉ, tuyết số 1 đông nghìn nghịt người, ai nấy cũng cố chen lấn và đẩy xô chèn ép người khác dẹp lép cả ra. Dọc đường đi Tạ Nhất lòng bất ổn vô cùng. Tròn ba năm rồi cậu chẳng gặp Vương Thụ Dân.
Từ mười sáu tuổi đến mười chín tuổi, là quá trình đủ để một thiếu niên trở thành một người đàn ông. Tạ Nhất thốt nhiên nhận thấy, té ra đã lâu như vậy, té ra người kia ở ngay trong tim mình. Bản thân đã luôn chôn giấu bấy lâu.
Như thể một cái rương không đáy, tàn trữ chuyện cũ bao năm. Rất lâu sau đó mới mở ra, bất chợt phát hiện, cõi người ta chỉ hữu hạn trăm năm. Nhanh như thoi đoi gió đẩy. Nếu ngày trước không có buồn vui sướng khổ, thì ngày sau há sẽ phai nhạt xóa mờ?
Tạ Nhất không hiểu tư vị đang dậy sóng trong lòng là gì. Một thứ cảm giác chỉ chực trào nhảy bổ ra khỏi cổ họng. Vừa vui mừng vừa lo lắng. Nói chuyện điện thoại so với gặp mặt trực tiếp, vẫn khác nhau cả vạn dặm dài. Thiết nghĩ, Vương Thụ Dân đã lâu không về nhà, tới cả thời gian người thân đến thăm cũng khước từ để dồn sức vào học hành. Đùng một cái ba năm, lần đầu trở lại, phải đi một quãng đường thật xa đến tìm cậu. Phải chăng, tận sâu trong lòng, vẫn đang ôm một tia mong chờ?
Hối hả chạy tới trạm xe lửa, gió lạnh thổi táp vào mặt, khiến Tạ Nhất tỉnh táo ra, bước chầm chầm lại, cười giễu bản thân một phen. Mong chờ? Có gì để mong chờ? Mình là một tên biến thái, lẽ nào cũng biến người khác thành biến thái theo?
Tới giờ xe cặp bến, tuyến xe của Vương Thụ Dân đến, Tạ Nhất đứng bật dậy, dáo dác tìm kiếm trong đám người nhốn nháo.
Những người đứng chờ thân nhân ở trạm xe hẳn là cũng có cảm giác thế này, nhất là giữa lúc đông người, mỏi mắt ngóng tìm hình bóng quen thuộc. Nếu không có di động liên hệ thì cơ bản xác suất nhận ra nhau chẳng đến một phần trăm.
Tạ Nhất chẳng dám chớp mắt, ráng giành đứng ở nơi cao nhất, dựa theo hồi ức mà tìm một người.
Ngay lúc mắt mỏi chân run, kiếm hoài không gặp, thì vai bị ai đó vỗ một cái. Tạ Nhất giật mình, quay đầu lại, chưa kịp trông rõ hình dáng đối phương thì bị cánh tay cứng như sắt thép quặp lấy cổ, vai bị đè xuống, thiếu điều ngã sóng soài dưới đất.
Tạ Nhất ho khan mấy tiếng, cố ngước đầu lên, nhưng Vương Thụ Dân lại cố tình đè lưng cậu lại, "Hứ, cố trừng đôi mắt mù của cậu lên tìm gì hả?" Đoạn Vương ta cõng bao hành lý lên vai, xoa xoa cánh tay Tạ Nhất, bĩu môi chê bai, "Sách, tôi nói cậu Tạ Nhất, tới tre nó còn to hơn cậu. Ba năm rồi còn đâu, sao chẳng to béo cao lớn thêm tí nào. Có đem cậu quẳng vào lò thì cũng chẳng cháy lên nổi."
Chẳng biết là do cơn ho khan hay trời đang lạnh mà mặt Tạ Nhất khẽ ưng ửng đỏ. Đoạn cậu giãy ra, cẩn thận quan sát thanh niên đứng trước mặt, cảm khái mà rằng, "Vương Thụ Dân, bộ đội các cậu mỗi ngày ăn phân hóa học à?"
Ba năm trước, Tạ Nhất đứng cạnh Vương Thụ Dân chỉ thấy hai người chênh lệch nhau chẳng bao nhiêu. Bây giờ nhìn lại thì cách nhau hơn nửa cái đầu. Cái tên to xác kia chẳng hề biết lạnh, mùa đông mà mặc áo jacket, để phơi làn da rám nắng cùng bả vai nảy nở rộng lớn của mình.
Gương mặt của thanh niên góc cạnh, ngũ quan sâu sắc, chỉ khi nào cười lên thì mới gợi nhớ tới thiếu niên mười sáu tuổi ngày nào, hàm chứa khí chất phóng khoáng, chẳng sợ kham khó gì.
Tạ Nhất mỉm cười, Vương Thụ Dân nhìn dáng tươi cười đó thì thấy có chút lạ lẫm. Cậu thanh niên này cứ im lặng mỉm cười, đôi môi tái nhợt, cằm thuôn nhọn, mi mày cong cong, khóe mắt nhíu lại, chẳng hiểu sao chỉ thấy vừa buồn bã, vừa thờ ơ... Vương Thụ Dân lắc đầu, hỏi đùa, "Chú có nhớ anh không?"
"Nhớ cậu? Nhớ cậu có hóa thành tiền được không? Tôi làm sao có thời gian xa xỉ đó!" Tạ Nhất xách hộ một túi hành lý, "Đi thôi, tôi dẫn cậu đi ăn gì đó."
Bên trong ga xe lửa rất nóng, lại rất chật, Tạ Nhất chỉ cười nghe Vương Thụ Dân nói liên miên một hồi, kể chuyện cậu bé xuất ngũ về nhà được nhà nước cấp việc làm cho, kể chuyện người anh em một lần có thể ăn hết khẩu phần ăn dành cho năm người, kể chuyện diễn tập từ lớn tới bé, nghiêm cần, khắc kỷ, nhưng lại sục sôi nhiệt huyết.
Người qua người lại chen chúc không ngừng, Vương Thụ Dân nghiêng người, nép cơ thể sát vào Tạ Nhất, ngực dán lên vai cậu. Nhiệt độ cơ thể xuyên qua lần áo sơ mi mỏng, truyền tới người Tạ Nhất, khiến cậu hồi hộp tưởng chừng không thể thở nỗi.
Cảm giác thấy hơi thở của Vương Thụ Dân phả lên trên vai, mặt và cổ Tạ Nhất lần nữa ửng hồng lên. Đây không phải là cự ly an toàn, vành tai tóc mai chạm nhau. Cái ý nghĩ "cách ra xa một chút" ngay từ lúc gặp lại nhau cứ trỗi lên trong đầu, hóa thành vuốt nhọn cào lấy trái tim, quặn lên đau nhói.
Cậu vốn là một người rõ ràng, rạch ròi yêu ghét, khiến người ta cảm giác thấy cậu như thể một con hổ con chẳng thể nhốt được vào lòng. Thở hắt ra một hơi cũng làm người khác ngửi thấy mùi cố chấp. Tạ Nhất nghĩ, nếu cậu là phụ nữ, thì lục phũ ngũ tạng cũng hư thối cả. Khi đối mặt với người kia, vẫn cứ tự tin mặc cảm thôi.
Biển người mênh mông, gần như vậy, xa đến thế.
Tagore từng nói, khoảng cách xa nhất thế gian, chính là tôi đứng trước mặt em, em lại không hay lòng tôi yêu em. Nhà văn xa xôi nơi nước bạn, viết những câu chữ hàn lâm, nhưng lại dễ dàng lay động lòng người, vì bởi từng tiếng từng lời đều thấm đậm tư vị cuộc đời.
*
Nụ cười vui vẻ của Vương Thụ Dân hoàn toàn tắt ngúm khi bước vào căn phòng trọ ọp ẹp của Vương Thụ Dân. Ngoài kia là thành phố xa hoa sáng lóa, người xe như nước, nhà cửa như nêm, nhưng bước qua phía bên này lại là một không gian nhỏ bé, chật chội, lại còn ngai ngái mùi ẩm mốc.