Mùa Xuân năm Thiệu Hưng thứ Mười một, một ngày kia, Triệu Cấu triệu Tần Cối và các đại thần vào cung thưởng hoa ban yến. Trước giờ Triệu Viện luôn có bên y lắng nghe bầu bạn trong những dịp này, thế nhưng lần này lại vắng mặt, một mình tới phủ Nhu Phúc.
Nhu Phúc hỏi y: "Phụ hoàng con ban yến cho chúng thần, vì sao con không đi?"
Triệu Viện cau mày đáp: "Con không muốn nhìn thấy tay Tần Cối đó." Từ nhỏ y đã lớn lên dưới gối Triệu Cấu, cũng dần học được bản lĩnh vui buồn không thể hiện ra mặt, thế nhưng hiện giờ nhắc tới người này, không nén nổi vẫn lộ ra thần sắc khinh bỉ.
Nhu Phúc bèn mỉm cười: "Con ghét hắn cũng không phải ngày một ngày hai rồi, vì sao tới nay nhìn hắn thêm một cái cũng không chịu?"
Triệu Viện cúi đầu, thoạt tiên trầm mặc, nghĩ ngợi hồi lâu mới nói lý do: "Con nghe thấy hắn bí mật thương nghị cùng Phụ hoàng, nói nhận được thư viết tay của Hoàn Nhan Tông Bật. Tông Bật nói cho hắn điều kiện nghị hòa: "Phải giết Nhạc Phi, sau đó việc nghị hòa mới có thể thành.""
"Nhạc Phi..." Nhu Phúc trầm ngâm, hỏi: "Có phải hiện giờ y vẫn một lòng Bắc phạt, đón hai vua về?"
"Vâng," Triệu Viện gật đầu nói: "Chỉ có điều tháng Giêng năm nay Tông Bật thống lĩnh 10 vạn đại quân đánh thẳng vào Hoài Tây, Phụ hoàng mệnh Trương Tào, Dương Nghi Trung, Lưu Ky nghênh địch, đồng thời lệnh cho Nhạc Phi dẫn quân yểm trợ từ phía Đông. Nhạc Phi chưa kịp tới ngay lập tức, quân Kim là do Dương Nghi Trung, Lưu Ky và bộ tướng của Trương Tào là Vương Đức đánh lui. Đợi tới khi Dương Nghi Trung, Lưu Ky trả lại quân đội, Tông Bật lại đột nhiên lệnh cho tướng Kim tấn công Hào Châu, đánh bại quân cứu viện của Dương Nghi Trung và Vương Đức. Lần này Nhạc Phi nghe tin vội vã tới yểm trợ, thế nhưng quân Kim đã dễ dàng vượt sông Hoài tiến về phương Bắc. Để mệnh Nhạc Phi tăng thêm cứu viện cho Hoài Tây, Phụ hoàng trước sau đã đích thân viết chiếu 13 lần, thế nhưng hai lần này y đều không tới ứng cứu kịp thời, bởi thế Phụ hoàng rất không vui."
Nhu Phúc hỏi: "Nhạc Phi có từng nói ra lý do y trễ nải?"
"Nói rồi, một là do y không may bị nhiễm phong hàn, hai là do quân Nhạc gia thiếu thốn lương thực." Triệu Viện thở dài: "Thế nhưng các đại thần trong triều đều nói, là bởi lần trước Bắc phạt y gặp phải trở ngại, trong lòng ôm oán giận, bởi thế..."
Năm Thiệu Hưng thứ Mười, Nhạc Phi dẫn quân đội Nhạc gia nhiều lần giao chiến quyết liệt với đại quân của Tông Bật. Tháng Bảy lấy được Yển Thành, dùng bộ binh nghênh đón kỵ binh Kim, thi thể quân Kim chất thành từng núi. Tông Bật chỉ đành chuyển sang đánh Dĩnh Xương. Nhạc Phi đã dự trù được nước đi này của y, lệnh cho Nhạc Vân tới yểm trợ, lần nữa đánh bại hơn ba vạn kỵ binh của Tông Bật. Sau đó Tông Bật đưa mười vạn quân tới đóng ở Chu Tiên trấn cách Biện kinh 45 dặm về hướng Tây nam, muốn ngăn cản Nhạc Phi tiến quân. Không ngờ Nhạc Phi chỉ phái 500 kỵ binh làm tiên phong khiến thế trận quân Kim rối loạn, sau đó mới dẫn quân xông thẳng vào trại Kim, các tướng đều anh dũng chiến đấu. Quân Kim mười phần đã chết mất sáu, bảy, thảm bại hoàn toàn, Tông Bật vội vã quay về Biện Kinh mới bảo toàn được tính mạng.
Từ đó, nghĩa quân phương Bắc lũ lượt hưởng ứng, tin tức chiến thắng liên tiếp truyền về, Nhạc Phi cũng chuẩn bị triệu chư tướng đến, chỉnh đốn đội ngũ rồi thừa thắng xông lên, hô khẩu hiệu: "Tiến thẳng về Hoàng Long phủ, cùng chư tướng uống say."
Thế nhưng Triệu Cấu và Tần Cối có ý hòa, liên tiếp hạ chỉ triệu Nhạc Phi rút quân. Trước đó Tần Cối đã viết thư lệnh cho đám người Trương Tào, Dương Nghi Trung, Hàn Thế Trung, Lưu Ky quay về. Nhạc Phi thấy chư tướng nghe lệnh lui quân, nếu mình còn tiếp tục kiên trì chỉ e sẽ khiến số quân ít ỏi còn lại rơi vào hiểm cảnh, cũng chỉ đành nghe lời hồi triều, thế nhưng trong lòng bi phẫn khôn cùng, trước khi lui quân hướng về phía Đông bái lạy, khóc nói: "Mười năm khổ cực, nay thành uổng phí. Biết làm sao, biết làm sao!"
"Haizzz, ngày sau y quả thực nên cẩn thận rồi..." Nghe Triệu Viện kể, Nhu Phúc cũng không nén nổi cảm khái: "Có tài mà không biết thu liễm, chính là đại kỵ đối với Phụ hoàng con."
Triệu Viện chăm chú nhìn Nhu Phúc, bất ngờ buột miệng nói ra: "Kỳ thực cô cô cũng thường xuyên nói những lời Phụ hoàng không thích nghe, làm những việc khiến người không vui, thế nhưng người vẫn luôn có thể nhẫn nhịn... Dám trái ý Phụ hoàng như cô cô và Nhạc Thiếu bảo, trên thế gian này quả thực chẳng có được mấy người."
"Không giống nhau. Ta là nữ tử, trong tay lại không có binh quyền, dẫu có bướng bỉnh chút xíu với huynh ấy, huynh ấy cũng chỉ xem như con chó con mèo đùa nghịch," Nhu Phúc cười lớn, sau đó nét mắt lại tức khắc trở nên nặng nề, "Nếu đổi lại là tướng lĩnh trong tay nắm trọng binh bướng bỉnh với huynh ấy, chỉ e sẽ khiến huynh ấy lập tức nhớ đến biến cố Miêu Lưu."
Nàng dời bước ngẩng đầu, nhìn lên bầu trời trong vắt như được gột rửa, nói: "Ta không sợ trái ý huynh ấy. Ta chẳng có tác dụng gì đối với nước nhà, cũng không còn điều gì lưu luyến, nếu có chọc huynh ấy giận, cùng lắm là chết mà thôi. Thế nhưng Nhạc Phi... Người tài như y không nhiều, nếu vì nóng giận mà đánh mất tính mạng thì thật đáng tiếc."
Tháng Tư năm này, Triệu Cấu tiếp thu kiến nghị của Cấp sự trung Phạm Đồng, hạ chỉ mệnh Hàn Thế Trung, Trương Tào, Nhạc Phi lần lượt vào triều yết kiến, phong Hàn Thế Trung, Trương Tào làm Xu mật sứ, Nhạc Phi làm Xu mật phó sứ, đem quân đội dưới trướng bọn họ trả về cho tam tỉnh, xu mật viện quản lý, lại thăng Dương Nghi Trung làm Khai phủ nghi đồng tam tư, ban tên Tồn Trung. Hành động này bề mặt là thăng quan, song thực chất là âm thầm tước đoạt binh quyền. Để đề phòng hai người Hàn, Nhạc có giao tình thân thiết với nhau liên thủ chống lại triều đình, Triệu Cấu cố ý tách hai người ra, để Hàn Thế Trung làm quan ở ngự tiền, còn Trương Tào, Nhạc Phi điều về Sở Châu quản lý chiến sự.
Tần Cối nhận được thư của Tông Bật liền ra sức bày mưu tính kế, ý đồ đẩy Nhạc Phi vào chỗ chết. Đầu tiên y kéo bè kết đảng với Tả gián nghị đại phu Vạn Sĩ Tiết, giật dây y dâng tấu vào tháng Bảy, nói Nhạc Phi "quan cao chức lớn, dương dương tự đắc, ỷ vào công cũ mà càn rỡ", lại nhắc lại việc cứu viện ở Hoài Tây, "chống lại thánh chỉ, không xuất phát kịp thời", lại nói ở Hoài Tây y đã làm "mất hết sĩ khí, dao động lòng dân", ngoài ra còn không quên kín đáo nói mỉa việc Nhạc Phi nghênh ngang bỏ lên Lư sơn lần trước.
Triệu Cấu lại chưa lập tức bày tỏ thái độ, thế nhưng Nhạc Phi bị kết tội như vậy vừa khó chịu vừa ý thức được tình thế nguy hiểm của mình, tháng sau bèn tự dâng biểu xin thôi chức. Triệu Cấu phê duyệt rất nhanh, bãi chức Xu mật phó sứ của y, phong y làm Võ thắng, Định Quốc quân tiết độ sứ.
Sau khi Nhạc Phi nhận một chức quan nhàn tản, Tần Cối lại càng không còn cố kỵ gì nữa, bí mật lập mưu với Trương Tào, muốn dùng vàng bạc dụ dỗ bộ tướng của Nhạc Phi tố cáo những sai lầm của y, thế nhưng không ai chịu nghe lời. Sau đó Trương Tào lại nghe nói Nhạc Phi từng muốn chém đầu bộ tướng Thống chế Vương Quý, hơn nữa còn xử phạt nhiều lần, bèn khuyên Vương Quý công kích Nhạc Phi. Vương Quý vừa nghe xong đã lắc đầu nguầy nguậy, nói: "Đại tướng nắm binh quyền trong tay, khó tránh khỏi lấy thưởng phạt ra để sai sử người, nếu vì thế mà sinh oán thán thì thật nhỏ nhen." Thế nhưng Trương Tào không chịu buông tha, đổi sang đem chuyện riêng ra uy hiếp. Vương Quý nhát gan,
cuối cùng đành miễn cưỡng đồng ý.
Sau đó Trương Tào lại mua chuộc Phó chế trí Vương Tuấn của Trương Hiến, lệnh cho Vương Tuấn tố cáo Phó đô thống chế Trương Hiến của Nhạc Phi, vu khống y muốn bỏ quân đội rời đi khi Nhạc Phi giao lại binh quyền để bức ép triều đình trao trả binh quyền cho Nhạc Phi. Vương Quý trình tờ cáo trạng của Vương Tuấn lên Trấn Giang xu phủ, Trương Tào nhận được, sai Vương Quý bắt Trương Hiến về, đích thân thẩm vấn.
Trương Hiến dĩ nhiên không chịu nhận tội, không ngừng kêu oan. Mặc dù bị Trương Tào dùng nghiêm hình tra khảo vẫn không chịu khai, từ đầu chí cuối kiên trì: "Hiến thà chết cũng không dám khai man." Trương Tào bèn tự ngụy tạo một bản khẩu cung đưa cho Tần Cối giao lên triều đình, vu khống Trương Hiến cấu kết với Nhạc Phi mưu phản.
Tháng Mười, Triệu Cấu hạ chỉ, giam Nhạc Phi và con trai y Nhạc Vân vào ngục đại lý tự, đồng thời hạ lệnh điều tra đại án "mưu phản", lệnh cho Ngự sử trung Hà Chú, Đại lý khanh Châu Tam Úy hỏi cung.
Nhạc Phi bị tra hỏi không nhiều lời, chỉ nói: "Trời cao đất dày chứng giám cho tấm lòng ta." Sau đó liền cởi áo lộ lưng, xin hai người Hà, Châu xem xét. Hai người vừa nhìn, trông thấy trên lưng y có bốn chữ khắc sâu vào da thịt —— tận trung báo quốc.
Hà Chú và Châu Tam Úy không nén nổi cũng sinh ý kính trọng với Nhạc Phi, ra sức biện hộ cho y với Tần Cối. Tần Cối không vui, đáp: "Đây là ý của Thánh thượng, các ngươi sao dám không tuân!"
Hà Chú thở dài: "Chúng tôi nào dám bao biện cho Nhạc Phi, quả thực địch mạnh vẫn chưa bị tiêu diệt, nay lại gi3t chết một vị đại tướng, khiến sĩ khí sụt giảm, không phải kế sách lâu dài!"
Dứt lời, hai người Hà, Châu xin cáo lui. Tần Cối lại lệnh cho Gián nghị đại phu Vạn Sĩ Tiết xử án này. Vạn Sĩ Tiết là tâm phúc của Tần Cối, lại có hiềm khích với Nhạc Phi, dĩ nhiên ra sức bức cung, mấy lần dùng hình tra khảo Nhạc Phi, thế nhưng vẫn không thể ép y nhận tội. Tới cuối cùng, Nhạc Phi chỉ căm phẫn viết tám chữ lớn lên tường trong ngục: Thiên nhật chiêu chiêu, thiên nhật chiêu chiêu! (
Mặt trời soi rọi)
Cuối năm này, một đêm kia Triệu Viện đột nhiên phi ngựa tới phủ Nhu Phúc, sau khi xuống ngựa liền vội vã lao vào trong tìm Nhu Phúc, thở hồng hộc tức giận nói: "Cô cô, người cứu Nhạc Thiếu bảo đi, ông ấy sắp bị ban chết rồi!"
Nhu Phúc đứng dậy, mở lớn mắt: "Huynh ấy, quyết định rồi?"
"Là Tần Cối." Triệu Viện phẫn nộ, "Theo ý hắn ta, Nhạc Thiếu bảo bị xử chết vì tội mưu phản. Rất nhiều triều thần đều đã dâng sớ van xin, ngay tới Thái phó Hàn Thế Trung cũng đã ra mặt, chất vấn Tần Cối chứng cứ phạm tội mưu phản đâu. Tần Cối cũng chỉ có thể lấp li3m: "Có thể có việc này." Hàn Thế Trung tức giận nói: "Ba chữ "có thể có", sao có thể khiến thiên hạ phục!" Lại tiếp tục lấy lý lẽ ra tranh luận, song Tần Cối không để ý, một lòng muốn đẩy Nhạc Thiếu bảo vào chỗ chết."
Nghe tới đây, Nhu Phúc rũ mắt, như có điều ngẫm nghĩ: "Không, người hy vọng Nhạc Phi chết nhất, không phải là Tần Cối."
Triệu Viện thoáng sững sờ, trong lòng hiểu nàng muốn ám chỉ ai, song lại không dám tiếp lời, chỉ đành tiếp tục nói: "Hôm qua một thường dân ở Kiến Châu tên Lưu Doãn Thăng tập hợp dân chúng, muốn kêu oan cho Nhạc Phi với Phụ hoàng. Hôm nay Tần Cối nhận được tin tức lập tức tiến cung giữa đêm. Lúc ấy Phụ hoàng đang dạy con luyện chữ ở Tư Thiện đường, Tần Cối lại không hề né tránh con, nói thẳng với Phụ hoàng: "Thả hổ dễ, bắt hổ khó, vụ án Nhạc Phi đã treo đó quá lâu, chỉ e sẽ sinh biến cố, xin bệ hạ mau chóng đưa ra quyết định." Phụ hoàng ngẫm nghĩ rồi nói: "Vậy thì ban chết đi." Dứt lời bèn phất tay lệnh cho Tần Cối lui đi, tiếp tục ung dung múa bút, qua nửa canh giờ nữa mới về tẩm cung. Con vừa đợi Phụ hoàng rời đi đã lập tức phi ngựa tới tìm cô cô. Xin cô cô vào cung gặp Phụ hoàng, cầu xin cho Nhạc Thiếu bảo."
"Ta?" Nhu Phúc không nén được cười nhạt, hỏi y: "Con cho rằng, ta có thể cứu được người mà Phụ hoàng con đã quyết ý muốn giết chăng?"
"Nếu trên thế gian này còn người có thể cứu ông ấy, cũng chỉ có thể là cô cô rồi." Đôi mắt Triệu Viện sáng rực, vẫn tràn trề hy vọng, "Con còn nhớ năm Thiệu Hưng thứ Tám, cô cô từng thuyết phục Phụ hoàng không nghênh đón người Kim, cũng không nhận sách phong của chúng. Nay nếu cô cô ra mặt, cũng có thể sẽ khiến Phụ hoàng thay đổi quyết định, thu hồi thành mệnh."
"Con sai rồi, Viện." Nhu Phúc lắc lắc đầu, ngữ khí nhàn nhạt, ý cười bên khóe môi vẫn chưa tan, song ánh mắt nhìn y đã dâng đầy bi ai. "Ta không thể thay đổi huynh ấy... Mà ta cũng chưa từng thay đổi huynh ấy."
Ngày Quý Tỵ tháng Mười hai năm Thiệu Hưng thứ Mười một, Triệu Cấu hạ chỉ, ban rượu độc cho Nhạc Phi. Trương Hiến, Nhạc Vân xử trảm theo quân pháp.
Nghị hòa Thiệu Hưng Tống Kim được kí kết vào một tháng trước ngày Nhạc Phi chết, hai bên đồng ý lấy sông Hoài làm ranh giới, Tống cắt hai châu Đường, Đặng cho Kim, mỗi năm cống nạp 25 vạn lượng bạc, 25 vạn thước lụa, tạm dừng chiến tranh, mỗi bên rút về lãnh thổ của mình.
Nghị hòa đạt thành, Triệu Cấu bèn mệnh người chuẩn bị công việc nghênh đón linh cữu Huy Tông và Thái hậu Vi thị về Tống, đồng thời cũng hạ chỉ xây dựng lại đạo trường Thánh Thọ, chuẩn bị làm nơi chúc thọ sang năm sau khi Hoàng thái hậu về Nam.
"Năm sau là lễ mừng thọ sinh thần 63 tuổi của Hoàng thái hậu, mặc dù không phải đại thọ, song để chúc mừng Thái hậu về Nam, nhất định phải tổ chức cho long trọng, hết thảy phải chuẩn bị từ sớm." Triệu Cấu đặc biệt nhấn mạnh.
Quan thừa chỉ trước đó đã tra cứu tư liệu liên quan, tuổi tác của Thái hậu dĩ nhiên đã ghi nhớ trong lòng, thế nhưng lúc này nghe Triệu Cấu nói vậy lại có chút kinh ngạc, dè dặt hỏi: "Theo ghi chép trong cung tịch, Hoàng thái hậu sinh vào năm Thiên Hựu thứ tư dưới thời Triết Tông, năm sau hẳn là 53 tuổi..."
"Hỗn xược!" Triệu Cấu lập tức đại nộ, đập bàn mắng: "Hoàng thái hậu là mẹ ruột của trẫm, lẽ nào trẫm còn nhớ sai tuổi tác của mẹ? Cung tịch trải qua chiến loạn chắc chắn đã bị thất lạc, thế nhưng việc lớn thế này sao có thể để xảy ra sơ sót, còn không mau kiểm tra lại một lần nữa, sửa lại tất cả những chỗ sai!"
Thừa chỉ quan khiếp sợ tạ tội, vội vã răm rắp y lệnh làm theo, sau khi ra ngoài bèn lập tức tìm người tới sửa cung tịch, sửa tuổi tác của Thái hậu lớn thêm 10 năm.