Mùa Xuân năm Thiệu Hưng thứ Mười hai, ngày Nhâm Dần tháng Giêng, Triệu Cấu hạ chỉ lệnh cho Kiến quốc công Viện chuyển ra ngoài cung sinh sống.
Năm nay Triệu Viện đã 16 tuổi, phủ đệ ngoài cung Triệu Cấu sớm đã chuẩn bị thỏa đáng cho y. Thế nhưng từ đầu Đông năm ngoái, Trương Uyển nghi đã ốm liệt giường, đã sang năm mới vẫn chưa bình phục. Triệu Viện lo lắng vô cùng, quỳ xuống cầu xin Triệu Cấu cho phép y được tiếp tục chăm sóc mẹ ốm, xuất cung chậm một chút. Triệu Cấu đồng ý, cho y ở lại trong cung thêm hai tháng.
Trương Uyển nghi ốm không nhẹ, nghe nói Triệu Viện sắp phải rời cung lại càng buồn bã, bệnh tình ngày một trở nặng. Triệu Viện ngày nào cũng túc trực hầu hạ bên giường bệnh của nàng, không dám tự ý rời đi, sau đó thấy tình hình của mẹ không ổn bèn không ăn không ngủ ngày đêm canh gác.
Anh Phất cũng tới thăm Trương Uyển nghi mỗi ngày. Một ngày nọ, khi tới trông thấy Trương Uyển nghi đang mê man ngủ, mà Triệu Viện mệt mỏi quá độ gục xuống thành chiếc ghế đang ngồi ngủ gật, sắc mặt tiều tụy vô cùng, bèn khẽ khàng thở dài, lệnh người mang một chiếc áo khoác tới, tự mình đắp lên cho Triệu Viện.
Triệu Viện lại lập tức tỉnh lại, nhanh chóng đứng dậy hành lễ với nàng.
Anh Phất mỉm cười nói: "Viện ca quả thực hiếu thuận, trong ngoài đều ca ngợi. Thế nhưng cũng phải cẩn thận sức khỏe chính mình, nếu vì lao lực quá độ mà ngã bệnh, mẹ con thấy vậy không biết sẽ đau lòng tới mức nào, ngày bình phục chỉ sợ sẽ càng xa hơn."
Lập tức quay đầu mệnh cung nhân: "Đưa Sùng quốc công hồi cung nghỉ ngơi."
Triệu Viện không muốn rời đi, mấp máy môi muốn tự xin ở lại. Anh Phất lại vỗ nhẹ vai y, ngăn y lại, thấp giọng ôn hòa nói: "Mấy ngày này con vì chăm sóc mẹ mà không đến Tư Thiện đường, hai vị tiên sinh mà cha mời cho con ngày nào cũng ngồi đó đợi con đến. Hiếu thuận là việc nên làm, thế nhưng nếu phớt lờ tiên sinh, cha con có thể sẽ cảm thấy con không tôn sư trọng đạo, mặc dù chưa chắc sẽ nói ra, song trong lòng không vui. Huống chi cha con đặt kỳ vọng lớn lao nơi con, nếu thấy con vì việc nhà mà lơ là việc học, dĩ nhiên sẽ khó tránh khỏi cảm thấy thất vọng."
Những từ ngữ nàng dùng đều rất nhẹ nhàng, khi nhắc tới Triệu Cấu cũng thản nhiên như không, song nghe nàng nói vậy, khuôn mặt lạnh lùng của Triệu Cấu lập tức hiện lên trong đầu Triệu Viện, khẽ khàng run rẩy. Lại chăm chú nhìn Trương Uyển nghi, nên ở lại hay rời đi, cảm thấy do dự vô cùng.
Anh Phất biết trong lòng y lo lắng cho mẹ, bèn khuyên nhủ: "Con về cung nghỉ ngơi một lát đi, rồi tới Tư Thiện đường. Nếu cha con không có ở đó, con gặp mặt tiên sinh là có thể quay về, không tốn bao nhiêu thời gian. Có ta ở đây, Viện ca có thể yên tâm, mẹ con sẽ không có việc gì."
Triệu Viện ngẫm nghĩ hồi lâu, cuối cùng gật gật đầu. Anh Phất bèn mỉm cười giúp y khoác thêm áo, chỉnh lại đầu tóc, tiễn y ra bên ngoài, ánh mắt nhìn y từ ái vô cùng, dáng vẻ hệt như Trương Uyển nghi ngày thường.
Tới Tư Thiện đường, thấy Triệu Cấu quả nhiên đang ngồi bên trong. Trông thấy Triệu Viện tới, y mỉm cười, nói: "Cuối cùng con cũng tới rồi."
Không kịp phân tích xem bên trong lời nói hòa nhã này có phải ẩn chứa cảm xúc gì không, Triệu Viện lập tức cúi đầu đi tới trước mặt Triệu Cấu trịnh trọng hành lễ.
Triệu Cấu ngồi đó, đợi y hành lễ xong bèn chỉ sang hai bên, vẫn bình tĩnh dặn dò: "Đây là tiên sinh mới của con, Xu mật viện biên tu quan Triệu Vệ, Đại lý tự trực Tiền Châu Tài. Đợi sau khi con chuyển khỏi cung rồi, bọn họ sẽ vào phủ dạy học cho con."
Triệu Viện nghe lời lần lượt hành lễ với hai vị tiên sinh, lại ngồi xuống cùng bọn họ nói chuyện hơn một canh giờ, đợi Triệu Cấu đi rồi mới dám quay về. Thái độ của Triệu Cấu từ đầu đến cuối ôn hoà bình tĩnh, thậm chí còn có phần tán thưởng Triệu Viện, thế nhưng lúc đứng dậy Triệu Viện lại phát hiện ra lớp áo trong cùng không biết từ lúc nào đã bị mồ hôi lạnh thấm ướt.
Về tới cung Trương Uyển nghi, quả nhiên trông thấy Anh Phất đang rót thuốc bưng nước hầu hạ mẫu thân mình. Lại mệnh người bê một chậu nước ấm vào, giữa lúc quay đầu trông thấy Triệu Viện bèn nhẹ giọng nói: "Xin Viện ca đợi ở bên ngoài, ta lau thân mình cho mẫu thân con."
Triệu Viện kinh ngạc nói: "Loại chuyện này, Uyển nghi nương nương cũng muốn đích thân làm?"
Anh Phất gật đầu, cười nhạt nói: "Những hạ nhân này tay chân không đủ khéo léo."
Triệu Viện không nói gì lui xuống, tuy ngoài miệng không nói gì, trong lòng lại cảm kích vô ngần.
Mấy ngày sau đó, Triệu Viện không dám trễ nải việc học hành, ban ngày tới Tư Thiện đường học tập, mà Anh Phất cũng ngày ngày túc trực hầu hạ trong cung Trương Uyển nghi, việc gì cũng đích thân làm, ai nấy đều khen ngợi hiền đức.
Thế nhưng bệnh tình của Trương Uyển nghi lại trở nặng hơn, ngày một nghiêm trọng, tới cuối cùng dường như chỉ còn lại một bộ xương khô, ngay tới sức lực nói chuyện cũng không còn nữa.
Ngày Canh Ngọ tháng Hai, ngự y tuyên bố đã cố gắng hết sức, nhưng Trương Uyển nghi đã không cứu được nữa.
Triệu Viện quỳ trước giường mẫu thân, chỉ e mẹ nghe được sẽ buồn, cũng không lớn tiếng khóc, cắn răng tận lực kìm nén, thế nhưng nước mắt vẫn không nén được ào ạt tuôn rơi.
Anh Phất ngồi bên mép giường, hai tay nắm chặt lấy tay Trương Uyển nghi, vừa khóc lóc vừa khen ngợi những ưu điểm của nàng. Phan Hiền phi đứng bên quan sát, nhớ lại tình nghĩa những năm nay với Trương Uyển nghi, có chút buồn bã, không ngừng lắc đầu thở dài.
Bàn tay Trương Uyển nghi đột nhiên khẽ khàng động đậy, dường như muốn rút ra khỏi tay Anh Phất, đôi môi cũng mấp máy, cổ họng nghẹn ngào, phát ra từng âm tiết đơn lẻ, lắng nghe thật kỹ mới nhận ra đó là "Viện".
Triệu Viện vội vã xáp lại gần, hỏi: "Mẹ, con ở đây."
Trương Uyển nghi vuốt v e khuôn mặt y, chậm rãi, nỗ lực mở mắt ra nhìn y. Còn chưa kịp nhìn rõ, hai hàng nước mắt đã chảy xuống.
"Viện, Viện..." Toàn bộ sức lực còn lại lúc này của nàng dồn vào việc thốt ra cái tên đứa con yêu của mình, còn muốn nói gì đó, thế nhưng đã lực bất tòng tâm.
"Trương tỷ tỷ không cần lo lắng, Anh Phất sẽ thay tỷ chăm sóc cho Viện." Anh Phất lần nữa cầm lấy tay của nàng, nắm chặt, cúi người xuống, để nàng có thể nghe được rõ hơn, ánh mắt chân thành: "Ngày sau muội nhất định sẽ xem Viện như con ruột của mình, để nó và Cừ ở với nhau, quyết không thiên vị, cho dù có một miếng ăn cũng sẽ chia đều."
Trương Uyển nghi dường như rất kích động, lồ ng ngực phập phồng lên xuống, toàn thân run rẩy, giống như muốn th ở dốc mà không được, cuối cùng trợn trừng mắt nhìn chằm chằm Anh Phất, thốt ra một chữ: "Ngươi..." Sau đó chìm vào yên tĩnh, một tia hồn phách cuối cùng tan vào sắc đêm đậm dần theo tiếng gọi này.
Triệu Cấu đã tan triều quay về, đứng cạnh cửa không biết đã quan sát bao lâu, lúc này mới bước lại gần, đưa tay vuốt đôi mắt vẫn đang mở của Trương Uyển nghi.
Vì Trương Uyển nghi qua đời, Triệu Cấu bãi triều hai ngày, truy phong Trương Uyển nghi làm Hiền phi, an táng ở Diên Thọ viện ngoài thành. Đồng thời cũng để Triệu Viện nhận Anh Phất làm mẹ, trước khi chuyển ra khỏi cung sống cùng Cừ. Anh Phất quan tâm Triệu Viện vô cùng, dáng vẻ không khác gì từ mẫu.
Ngày Đinh Sửu tháng Hai, Triệu Cấu phong Bảo Khánh tiết độ sứ, Kiến quốc công Viện làm Kiểm hiệu thiếu bảo, tấn phong Tấn An quận vương.
Ngày Nhâm Dần tháng Ba, Tấn An quận vương triệu Viện chuyển ra sinh sống bên ngoài hoàng cung.
Kim chủ cho phép đưa linh cữu đế hậu Huy Tông và Hoàng thái hậu quay về. Ngày Đinh Mão tháng Tư, Hoàng thái hậu Vi thị và linh cữu xuất phát từ Ngũ Quốc thành, Kim phái Hoàn Nhan Tông Hiền, Lưu Đào, Cao Cư An hộ tống Hoàng thái hậu về Tống.
Sau khi nhận được tin tức, Triệu Cấu lập tức phong thưởng cho người trong dòng tộc Vi thị, từ tằng tổ Vi thị trở xuống đều được truy phong, em trai Vi thị là Vi Uyên cũng được phong làm Bình lạc quận vương.
Anh Phất cũng trở nên bận rộn hơn, đích thân giám sát việc sửa sang, trang trí cung Từ Ninh. Triệu Cấu đôi khi vào trong ngắm nghía, trông thấy cách bài trí đồ đạc trong cung có vẻ quen mắt, từng chiếc bàn, chiếc ghế, bức mành, thậm chí của hoa cỏ trồng trong vườn cũng giống với cung thất mẫu thân từng ở khi xưa tại Biện Kinh, không nén được kinh ngạc, hỏi Anh Phất: "Trước kia nàng chưa từng hầu hạ mẫu hậu, vì sao lại ghi nhớ đồ đạc trong cung người tới vậy?"
Anh Phất đáp: "Từ Ninh cung là nơi mẫu hậu sẽ ở, thần thiếp nào dám lơ là. Thần thiếp cố ý nhờ mấy cung nhân cũ đã từng hầu hạ mẫu hậu ở Biện Kinh khi xưa kể lại cách bài trí trong cung mẫu hậu. Ngoài ra, cáo mệnh phu nhân nhà Vi quận vương thi thoảng vào cung, thần thiếp cũng từng thỉnh giáo bà ấy."
Triệu Cấu liền nở nụ cười, nói: "Tốt lắm.
Những việc thế này quả nhiên cần người tỉ mỉ như nàng làm."
Ngày Kỷ Tỵ tháng Tư, Triệu Cấu phong Uyển nghi Ngô Anh Phất làm Quý phi.
Vì mẫu hậu sắp sửa quay về, tâm trạng Triệu Cấu tốt dần lên, bầu không khí trong cung cũng thêm chút vui vẻ, thế nhưng không kéo dài được bao lâu. Ngày Tân Tỵ tháng này, Tri hu di huyện Tống Triệu dâng tấu, nói nhận được tin báo ở Tứ Châu, thê tử kết tóc của Triệu Cấu - Hoàng hậu Hình thị đã qua đời vào tháng Sáu năm Thiệu Hưng thứ Chín ở nước Kim. Khi ấy người Kim giấu giếm không phát tang, cho tới tận khi Vi thái hậu sắp sửa quay về mới xin Kim chủ cho phép được đưa theo linh cữu của Hình thị. Kim chủ đồng ý, bởi thế theo Vi thị quay về là linh cữu của một vua hai hậu.
Hoàng hậu Hình thị. Người con gái đã biến mất khỏi cuộc sống của Triệu Cấu 16 năm, là ký ức mà y trước nay luôn cố tình tránh né. Nàng gắn liền với những khổ nạn mà y sợ hãi mỗi khi nhớ về. Mà giờ phút này y đang ngồi trên triều đường, nghe quan viên tâu báo, không thể trốn tránh, chỉ có thể để mặc cho bóng hình nàng lơ lửng trong tâm trí.
Tân hôn mặn nồng, nàng mắt mày xinh đẹp, cúi đầu trong cái nhìn chăm chú của y, bẽn lẽn vô ngần. Bên dưới tà váy đỏ ẩn hiện gót sen ba tấc, thế nhưng không hề hay biết đôi chân nhỏ nhắn của mình đã khiến nhu tình ẩn giấu trong lòng y trỗi dậy. Loạn thế cách biệt nơi chân trời góc biển, nàng từng tháo chiếc vòng vàng y tặng xuống, nhờ sứ giả chuyển lời tới y: "Mong được như chiếc vòng này, sớm ngày gặp gỡ." Thế nhưng từ đó chớp mắt đã nhiều năm, nàng cuối cùng vẫn biến thành một đoạn ký ức khô héo trong sự tuyệt vọng của y. Những năm tháng cách biệt giữa hai người đã khóa chặt thanh xuân của nàng, y cũng cố gắng không nghĩ về những gì nàng đã gặp phải. Hình ảnh nàng trong trái tim y vẫn mãi yểu điệu mà xinh đẹp như thế, mà trước ánh mắt muôn người, y lại không tìm được cảm xúc thích hợp để bày tỏ.
Cuối cùng, y chỉ nói một câu với những người thăm dò biểu cảm của mình: "Ngày Kỷ Sửu tháng này, phát tang cho Đại Hành Hoàng hậu."
Về tới tẩm cung, vốn mang theo tâm trạng nặng nề, y lấy chiếc hộp đựng chiếc vòng vàng cất trong tủ khóa ra. Nào ngờ, mở ra, không chút phòng bị, một đồ vật đã cố tình lãng quên lại đâm sâu vào mắt y.
Đêm hôm ấy, chỉ mong say mãi không tỉnh. Y tìm một lầu các gần sông nước, lặng lẽ ngồi đó, uống cạn từng ly.
Nghe nói y say rồi, Anh Phất tới tìm y. Cảnh tượng trước mắt khiến nàng nhớ lại nhiều năm trước, cũng ở một tầng lầu, nàng từng trông thấy một người đàn ông uống say nằm ngủ gục trên thư án.
Nàng lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh y, dùng ánh mắt vuốt v e ngũ quan mà trước nay chỉ có thể quan sát từ xa, nghe tiếng nước sông ào ạt dâng bên ngoài. Người khuất đã khuất, tâm trí nàng hoảng hốt, thế nhưng cõi lòng lại tĩnh lặng, trong tim ấm áp như gió Xuân về. Nàng ngẩn ngơ tưởng tượng, đợi tới khi y tỉnh lại, liệu có khi nào y sẽ dịu dàng mỉm cười, nói: "Anh Phất, là nàng."
Y nói mê một tiếng, giống như thở dài, cơ thể cũng khẽ nhúc nhích, thế nhưng vẫn chưa tỉnh lại. Ngủ như vậy lâu không tốt cho cơ thể, Anh Phất bèn đi tới dìu y, muốn đỡ y lên sập nằm. Vừa nâng một cánh tay y lên, bèn cảm thấy bên dưới ống tay áo y có vật c ứng nào đó.
Nàng nhận ra nó, đó là chiếc hộp gỗ nàng từng trông thấy. Trong biến cố năm Kiến Viêm thứ ba ở Dương Châu, y vội vã cưỡi ngựa bỏ chạy, rõ ràng đã ra khỏi hành cung rồi, thế nhưng lại mạo hiểm lộn ngược về, chỉ để lấy chiếc hộp gỗ đào bị bỏ quên này.
Nàng vẫn luôn muốn biết, trong đây có đựng đồ vật nào quan trọng tới vậy, lại có thể khiến y bất chấp sống chết bảo vệ.
Cầm nó lên, trước khi mở ra, quả thực nàng có chút do dự, một cảm giác sợ hãi không thể giải thích được.
Cuối cùng nàng vẫn mở nó ra. Nàng không thắng nổi sự hiếu kỳ thiêu đốt trái tim.
Ha! Hóa ra là như vậy. Hóa ra là như vậy!
Không ngờ nàng chỉ bật cười, khiến cảm giác đau đớn biến thành một biểu cảm nhạt nhòa.
Trong chiếc hộp gỗ, là chiếc vòng vàng của Hình Hoàng hậu. Câu chuyện về chiếc vòng vàng sớm đã được coi như chuyện tình bi thương giữa đế hậu, lưu truyền khắp hậu cung. Nàng không xa lạ, cũng không bởi thế mà cảm thấy kinh ngạc hay ghen tức.
Thời khắc này, khiến nàng nhìn không chớp mắt là một đồ vật khác —— một chiếc chuông bạc. Nàng cũng đã từng trông thấy, là chiếc chuông bạc đính trên giày thêu của Nhu Phúc đế cơ năm ấy.
Chuông bạc đính phía sau gót giày thêu nhỏ nhắn, xinh xắn đáng yêu, đế cơ xỏ vào, dọc đường bước đi phát ra những tiếng kêu đinh đang. "Thế này cô nhóc có muốn lén lút chạy ra ngoài cũng khó rồi." Thái thượng hoàng hậu thấy vậy hài lòng mỉm cười.
Thế nhưng tới một ngày, chiếc chuông biến mất, không còn thấy nữa. Nàng hỏi: "Đế cơ, chuông bạc trên giày của người sao lại rơi mất rồi?"
Nhu Phúc tinh nghịch chớp mắt, cười nói: "Bị một con cún cắn đi mất rồi."
......
Đóng chiếc hộp gỗ lại như cũ, cất lại vào ống tay áo Triệu Cấu, khi làm động tác này, Anh Phất nhận ra, khóe mắt y không ngờ lại có một chút ánh sáng lấp lánh.
Lại lặng lẽ ngồi đó hồi lâu mới đứng dậy một mình rời đi, trước khi đi thấp giọng dặn dò cung nữ canh gác bên ngoài: "Một lát nữa gọi quan gia dậy, mời ngài uống canh giải rượu xong thì đưa ngài về cung nghỉ ngơi. Không cần nói với ngài ta đã từng tới đây."
Đêm Xuân mát mẻ thơ mộng này, vì sự xuất hiện bất ngờ của chiếc hộp gỗ mà trở nên lúng túng và nguy hiểm. Quý phi mới được tấn phong của vương triều Đại Tống trong lúc vô tình đã phát hiện ra, đấng phu quân quyền lực cao vời của nàng trốn bên dưới một nỗi bi thương đường hoàng công khai, thương tiếc cho mối tình thầm kín vô vọng của mình.
Bởi thế nàng không thể để cho y biết, nàng đã từng tới đây, nàng đã từng trông thấy. Nàng sẽ tiếp tục giấu kín tất cả, giống như y cất giấu chiếc hộp của mình.
Quý phi Anh Phất lại tiếp tục thản nhiên giám sát việc cử hành tang lễ cho Hoàng hậu trong cung. Có lẽ là vì công việc phức tạp này khiến thể xác và tinh thần nàng đều mệt mỏi, cuối cùng cũng ngã bệnh.
Ngày hôm ấy Triệu Cấu tới thăm nàng, ngồi trước giường của nàng, đột nhiên nói với nàng bằng ngữ khí chân thành: "Những năm này nàng bầu bạn bên trẫm, sống chết có nhau, khổ nạn không rời, trẫm đều ghi nhớ hết. Trẫm vì Hoàng hậu chưa quay về nên đã để trống hậu vị 16 năm, cũng đành khiến nàng mãi làm một phi tần, ngang hàng với đám người Phan Hiền phi, Hàn Thu Tịch. Trẫm áy náy vô cùng. Mà nay Hoàng hậu đã qua đời, đợi mẫu hậu về Nam, trẫm sẽ xin ý chỉ của Thái hậu, lập nàng làm hậu."
Anh Phất kinh hãi, mặc dù đang ốm bệnh vẫn kiên trì đứng lên quỳ trước Triệu Cấu, rưng rưng nói: "Mẫu hậu ở phương Bắc xa xôi, thần thiếp ngày thường vẫn vui vẻ, chỉ khi Thánh thượng ban yến mới nhớ tới nỗi khổ của người, không tránh khỏi hổ thẹn trong lòng. Còn về việc lập hậu, thần thiếp sợ hãi, quả thực không dám mơ tưởng hão huyền."