Thời thanh niên.
Lâm Đống Triết cảm thấy nội quy trường học cũng không cứng nhắc như Trang Đồ Nam hình dung.
Sau khi được nhà trường cho phép hội học sinh có thể mượn phòng học để tổ chức vũ hội vào cuối tuần hoặc thời gian rảnh.
Dù có yêu cầu nhất định với các loại ánh đèn mờ ảo của vũ hội hoặc cấm việc nhảy đôi dính sát vào nhau trong khoảng cách gần giữa nam nữ sinh viên, dù đám cán bộ làm công tác chính trị thường xuyên tới kiểm tra nhưng tốt xấu gì cũng là vũ hội.
Và quan trọng là nó được phê duyệt rồi.
Sinh viên các lớp cũng thành công kết đôi, trong phòng tự học có nam và nữ sinh ngồi gần với nhau, trong nhà ăn cũng thế.
Nghe nói trong ký túc xá của đám sinh viên các khóa trên còn có mấy đôi góp gạo thổi cơm chung.
Dù việc yêu đương này còn ít, lúc trao đổi cũng có đôi chút lén lút nhưng dù sao vẫn có.
Hơn nữa hình như trường học cũng ngầm đồng ý.
Bọn họ cũng không để nhóm cán bộ chính trị đi bắt người và phê bình khắp nơi.
Lâm Đống Triết và Trang Tiêu Đình tới Thượng Hải cách nhau một ngày.
Hai người đều được các bậc phụ huynh vui vẻ hớn hở đưa tới trường.
Sau khi bận xong việc chính hai nhà đều tới ký túc xá của con nhà kia ngồi chơi.
Tống Oánh đặc biệt mang theo hai bao trái cây và đồ ăn vặt của Quảng Đông và đưa cho bạn cùng phòng của Lâm Đống Triết một bao, còn một bao kia xách tới ký túc xá của Trang Tiêu Đình.
Cô nhiệt tình đón tiếp mấy cô nữ sinh cùng nhau ăn uống.
Và ngay sau hôm ấy cả hai ký túc xá đều biết Lâm Đống Triết và Trang Tiêu Đình là thanh mai trúc mã lớn lên từ nhỏ với nhau.
Sau khi khai giảng Trang Đồ Nam lại tới cửa một chuyến để thăm em gái.
Anh mang theo Lâm Đống Triết và Trang Tiêu Đình cùng tới nhà ăn.
Sau đó không bao lâu Lâm Triết và Trang Tiêu Đình lại bị đồn là “Anh em họ xa”.
Có tầng quan hệ này che giấu nên chẳng ai ngạc nhiên khi hai “anh em họ xa” này qua lại với nhau.
Ban đầu hai người cũng chỉ giao lưu qua lại giống các bạn học khác.
Tới tối hai người thường chọn những phòng khác nhau trong khu dạy học hoặc trong phòng đọc sách để cùng nhau ôn bài.
Có khi bọn họ sẽ tới Đồng Tế thăm anh trai – nhưng kỳ thực hai người trộm trốn đi dạo phố hoặc đi xem phim.
Nhưng cũng chỉ thế mà thôi.
Trang Tiêu Đình không thân mật quá với Lâm Đống Triết, không dám cùng anh ăn cơm trong nhà ăn, cũng không dám để anh đưa cô về ký túc xá nữ.
Ngày thường thời gian hai người ở bên nhau cũng không nhiều.
Chỉ thi thoảng gặp ở trong trường, rồi trộm liếc đối phương trong nhà ăn, hoặc tình cờ lướt qua nhau ở hành lang và liếc nhau một cái…….
Nhưng chỉ cần một ánh mắt, một nụ cười đã khiến cả hai vừa ngượng ngùng vui vẻ vừa mặt đỏ tim đập.
Cuối tuần cả hai sẽ cùng nhau dạo các nơi ở Thượng Hải.
Lâm Đống Triết giỏi chơi, lại chịu khó tìm hiểu nên tìm ra được góc chợ nhộn nhịp, hoặc một quán cơm gần miếu, một quán mì lạnh ở miếu Thành Hoàng, bia đá của đại văn hào Pushkin ở công viên tam giác, chợ bán sỉ ở bến tàu, một ngôi chùa an tĩnh…… Tóm lại, anh mang theo Trang Tiêu Đình đi dạo khắp nơi, nhìn ngắm những thứ lạ lẫm.
Nếu không có chỗ thích hợp để đi xem anh sẽ đạp xe chở cô lang thang trên những con phố, vừa đơn giản vừa vui vẻ.
Trong mắt trong lòng chỉ có mỗi một người.
—
Đại học Đồng Tế thành lập học viện quy hoạch kiến trúc và Trang Đồ Nam trở thành nghiên cứu sinh đầu tiên được chọn tham gia học viện.
Ký túc xá của hệ nghiên cứu sinh khoa kiến trúc và khoa công trình ở ngay cạnh nhau.
Trong ký túc xá của Trang Đồ Nam có bốn người, vừa đủ nửa nọ nửa kia.
Hai người là nghiên cứu sinh hệ kiến trúc, hai người là nghiên cứu sinh hệ công trình —— dùng cách nói tự giễu của sinh viên khoa kiến trúc thì đây là một phòng có “bè lũ bốn tên đòi cải cách” (cứ đòi cải cách với thay đổi quy hoạch mãi): trong đó hai kẻ đi xây tường (khoa kiến trúc) và hai kẻ đi dựng thép (khoa công trình).
Hai nghiên cứu sinh của khoa công trình là người có tuổi, lớn nhất là đàn anh Phùng Ngạn Tổ với thâm niên từng trải vô cùng phong phú.
Năm 1981 anh đỗ khoa công trình của đại học Đồng Tế.
Sau khi tốt nghiệp anh vào viện thiết kế kiến trúc của Đồng Tế làm việc cho tới nay.
Năm 1986 anh thi đỗ nghiên cứu sinh khoa công trình của đại học Đồng Tế.
Phùng Ngạn Tổ đã kết hôn, ngày thường anh ở ký túc xá do cơ quan phân cho, hơn nữa mới năm hai anh đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh vì thế ít khi tới trường.
Anh hai Vương Thượng Văn cùng chuyên ngành với Phùng Ngạn Tổ.
Nguyên nhân anh thi lên thạc sĩ rất đơn giản.
Trong ký túc xá của khu nghiên cứu sinh là bốn người một phòng còn trong ký túc xá của viện thiết kế kiến trúc là 10 người một phòng.
Điều kiện ở trường so với ở viện tốt hơn nhiều thế nên anh học thạc sĩ.
Vương Thượng Văn nhìn hai thằng đàn em đang nghẹn cười thì nói, “Hai đứa mày đừng có cười.
Chờ tụi bây đi làm rồi mới biết điều kiện ở Thượng Hải này quá tệ……”
Vương Thượng Văn vô cùng đau đớn nói, “Kém đến độ không thể tưởng tượng nổi.”
Người còn lại là Dư Đào, là bạn học cùng khoa với Trang Đồ Nam.
Hai người tuy cùng khoa nhưng lĩnh vực nghiên cứu lại khác nhau.
Trang Đồ Nam làm về khoa học kỹ thuật trong kiến trúc còn Dư Đào làm về nghiên cứu lý luận của thiết kế kiến trúc.
Vì hướng nghiên cứu khác nhau nên ngày thường hai người sẽ học các lớp khác nhau, giờ giấc cũng khác nhau.
Ngoài lúc ngủ ba người ít khi đồng thời xuất hiện ở ký túc xá, cuộc sống rất tự do.
“Quả hóa” Vương Đại Chí đã đậu lên nghiên cứu tiến sĩ năm trước và đi theo giáo sư La học tập, đồng thời tham dự vào công tác bảo hộ, tu sửa kiến trúc lịch sử và di sản của Thượng Hải.
Anh ở ngay ký túc xá bên cạnh nên thường ỷ vào việc mình từng tuồn tài liệu ôn thi thạc sĩ cho Trang Đồ Nam mà chạy qua bên này xin nước nóng úp mì tôm.
—
Phùng Ngạn Tổ thi thoảng ghé thăm ký túc xá và thảo luận với Vương Thượng Văn với khí thế ngất trời.
Lúc hai người nói chuyện cũng không trốn tránh hai người còn lại thế là Trang Đồ Nam vểnh tai lên nghe hai lần sau đó mơ hồ hiểu chủ đề nghiên cứu của họ là về giao thông của Thượng Hải.
—
Tết Trung Thu tới, dù không được nghỉ nhưng không khí trong trường vẫn thêm vài phần không khí của ngày hội.
Nhà ăn bán bánh trung thu, trên bảng thông báo có thông tin về vũ hội, đám sinh viên thì vừa lười nhác vừa thích thú.
Trang Đồ Nam vui vẻ học xong hai lớp buổi chiều và về ký túc xá thả cặp rồi chuẩn bị tới đại học giao thông.
Đúng lúc này Phùng Ngạn Tổ đẩy cửa vào, Vương Thượng Văn theo sát phía sau, trong tay xách một bịch nilon màu đen.
Vương Thượng Văn móc từ túi nilon hai túi bánh trung thu, một hộp đồ ăn và nhiệt tình mời hai đàn em, “Giáo sư của bọn anh phát phúc lợi trung thu, tối này chúng ta cùng nhau liên hoan nhé.
Bánh trung thu là thành ý của anh cả, còn đồ ăn này là anh cống nạp.”
Trang Đồ Nam hơi do dự, Phùng Ngạn Tổ thấy thế thì hỏi, “Sao thế? Tối nay cậu có hẹn à? Đi dự vũ hội à?”
Trang Đồ Nam lắc đầu, “Em hẹn em gái cùng ăn trung thu nên đang định tới đại học giao thông cùng ăn cơm tối với con bé.”
Vương Thượng Văn nói, “Tối nay bọn anh cũng phải tới văn phòng làm việc, nếu không chúng ta ăn sớm một chút, tầm 5 rưỡi nhé? Cậu ăn hai miếng bánh trung thu rồi hẵng đi.”
Đây là lần liên hoan đầu tiên của ký túc xá nên Trang Đồ Nam nhanh chóng quyết định, “Để em xuống lầu gọi điện cho em gái nói em không qua nữa.”
—
Trang Đồ Nam gọi điện thoại tới ký túc xá của em gái và nhờ dì quản lý nói với Trang Tiêu Đình là tối nay anh có việc, không tới đó ăn cơm được.
Gác điện thoại rồi anh lại tới quầy bán quà vặt mua mấy chai bia xách lên lầu.
Tới 5 rưỡi hai đàn anh lại xuất quỷ nhập thần mà xuất hiện sau đó bốn người dọn một cái bàn ra giữa phòng rồi bày đồ ăn và bia ra.
Phùng Ngạn Tổ mở gói bánh trung thu đặt lên nắp hộp đồ ăn và dùng dao gọt hoa quả cắt thành miếng nhỏ.
Dư Đào thấy giấy gói ném ở một bên thì tò mò, “Tổ cố vấn nghiên cứu Phổ Đông?”
Phùng Ngạn Tổ tùy tiện đáp, “Giáo sư của bọn anh nằm trong tổ nghiên cứu này nên chia cho bọn anh chút bánh trung thu.”
Anh chàng Dư Đào tò mò tiếp tục đặt câu hỏi, “Em từng nghe nói về tổ nghiên cứu này nhưng không biết nó là của Đồng Tế.
Là các đại học ở Thượng Hải liên hợp thành lập ra hay là cơ cấu của chính phủ vậy?”
Vương Thượng Văn nói, “Ban đầu chỉ là các giáo sư của Bắc đại, Phúc Đán và Đồng Tế nghiên cứu thảo luận về Phổ Đông và lập ra, là một tổ chức dân sự thuần túy.
Sau khi các giáo sư phát hành một loạt tác phẩm văn chương khai phá Phổ Đông thì các đơn vị sự nghiệp và các cơ quan chính phủ mới lục tục tham gia rồi thành lập một tổ nghiên cứu liên hợp.
Hiện tại nó là cơ quan nghiên cứu của chính phủ.”
Phùng Ngạn Tổ cắt một cái bánh trung thu, “Tuy nói là đơn vị nghiên cứu của chính phủ nhưng không có biên chế, không có tiền lương.
Về cơ bản mọi người đều có công việc khác, chẳng qua bọn họ dành thời gian rảnh rỗi nghiên cứu.
Bánh trung thu này cũng coi như phúc lợi khó có.”
Các đàn anh ôn tồn giải thích khiến Trang Đồ Nam cũng không nhịn được tò mò, “Họ nghiên cứu cái gì vậy?”
Phùng Ngạn Tổ nói, “Nghiên cứu rất nhiều vấn đề, có hoàn cảnh, kinh tế, giao thông…… Giáo sư công trình của Đồng Tế chủ yếu đi theo giáo sư Lâm nghiên cứu việc xây dựng hệ thống giao thông và internet của Thượng Hải.”
Vương Thượng Văn đưa bánh trung thu được cắt miếng chia cho mọi người, “Thượng Hải là nơi đi cuối cả nước về nhiều mặt, từ diện tích đường giao thông tới diện tích cư trú của người dân.
Các hội nhóm nghiên cứu khoa học của Đồng Tế đã đưa ra nhiều phương án xây cầu kéo dài qua sông Hoàng Phố, nối Phổ Đông với Phổ Tây.”
Phùng Ngạn Tổ nói tới đây thì không nén được tự hào, “Là cầu dây văng.”
Trang Đồ Nam đang theo giáo sư khảo sát bến tàu ở Phổ Tây nên lập tức hiểu, “Thượng Hải là thành phố cảng, nhiều thuyền tới lui, sông Hoàng Phố lại nhiều sương mù nên thuyền dễ đụng phải trụ cầu dẫn tới sự cố.
Nếu làm cầu dây văng sẽ không có trụ cầu, như thế thuận lợi cho thuyền bè qua lại.”
Giọng anh không nhịn được run lên, “Cầu Trường Giang ở Nam Kinh rộng 160 m và vẫn phải có 9 trụ cầu cùng 10 nhịp cầu.
Nay xây cầu trên sông Hoàng Phố với chiều ngang hơn 400 m thì làm sao mà xây cầu không cần trụ được?”
Dư Đào nói, “Mọi người đừng đánh em nhé, nhưng em nghe nói người Nhật vẫn luôn muốn đấu thầu dự án xây cầu trên sông Hoàng Phố.
Mọi người vẫn còn đang tranh luận chuyện có nên để kỹ sư nước ngoài xây cầu hay không kìa.”
Phùng Ngạn Tổ và Vương Thượng Văn liếc nhau sau đó quyết định hù dọa hai tên đàn em.
Vương Thượng Văn mở một chai bia và đưa cho Trang Đồ Nam, “Giáo sư Lâm đã dẫn dắt một đội ngũ của khoa công trình xây bốn cây cầu dây văng.
Chiều ngang cây cầu sau lại rộng hơn cây cầu trước vì thế kinh nghiệm của họ không ít.
Anh cả Phùng đây chính là người đã tham gia công trình xây cầu đá của Trùng Khánh đó.”
Phùng Ngạn Tổ nói, “Việc thiết kế, tính toán đều do chuyên gia làm, anh chỉ ở công trường nghiên cứu học tập và dựa theo bản vẽ cùng các công nhân hoàn thành trình tự công việc.
Mọi người đừng nói nữa, mau ăn