Thời thanh niên.
Trang Đồ Nam đang do dự với đơn xin chuyển vị trí của Lý Giai.
Về lý, cô là người có sở trường quản lý hiếm có trong viện.
Hơn nữa làm bạn học anh không muốn chuyện này ảnh hưởng tiêu cực tới con đường phát triển công việc của cô sau này.
Nhưng về mặt tình cảm anh cũng không muốn đối mặt với cô trong một văn phòng sớm chiều —— vì thế tự anh chuyển công tác.
Nói đúng ra thì Trang Đồ Nam từ một tổ trưởng nho nhỏ thăng lên thành lãnh đạo cấp trung.
Anh trở thành ‘người tùy tùng’ cho lãnh đạo sở hoặc các giáo sư có tiếng tăm trong ngành thiết kế mỗi khi phải tham dự hội nghị các bên.
Trong mỗi cuộc họp như thế anh sẽ tiếp xúc với các bên, nghe bọn họ đưa ra yêu cầu sau đó thương lượng với lãnh đạo và các giáo sư để thay đổi thiết kế sao cho phù hợp hơn.
Anh vẫn vẽ như cũ, nhưng phần vẽ cơ bản được thực hiện bởi các tổ viên.
Công việc của anh hiện tại đã mở rộng sang cả phần quản lý.
Trong đó anh giúp giải đáp nghi vấn cho tổ viên, sửa lại những chỗ sai, giao tiếp với các bộ phận khác như điện nước rồi báo cáo tiến độ với lãnh đạo hoặc các giáo sư.
Nha hoàn ấm giường biến thành bà vợ lẽ.
Mà bà ‘vợ lẽ’ Trang Đồ Nam lúc này có văn phòng của riêng mình, như thế anh sẽ giảm được tần suất gặp Lý Giai.
Lý Giai không nhắc lại chuyện chuyển công tác nữa.
Điều này chứng tỏ cô chấp nhận lời khuyên của anh đồng thời cô cũng nỗ lực chọn lúc có nhiều người để hỏi anh các vấn đề hay báo cáo tiến độ, tránh tiếp xúc riêng.
Sau vài lần tiếp xúc cả hai đều có thể làm như không có việc gì, quả thực vô cùng tự nhiên.
Hai người trưởng thành cứ thế giải quyết cục diện xấu hổ bằng cách giữ trong lòng dù hiểu rõ.
—
Một ca bán vé làm 12 tiếng từ 6 giờ sáng tới 7 giờ tối, giữa trưa nghỉ 1 tiếng.
Hoàng Linh và Hướng Bằng Phi ngày nào cũng ra cửa và về nhà cùng một lúc.
Trước kia hai người cùng đi làm và cùng về nhà nhưng hiện tại Hướng Bằng Phi có bạn gái nên sau khi tan ca thằng nhãi con thường tìm bạn gái đi ăn cơm hoặc xem phim còn Hoàng Linh về nhà một mình.
Hôm nay bà vừa rẽ vào ngõ nhỏ đã thấy không khí khang khác.
Đêm thu lạnh lẽo nên thường tới tối mọi người sẽ ít khi ra ngoài nhưng lúc này trước quầy bán quà vặt lại bu đầy người.
Bọn họ thảo luận khí thế ngất trời, Trang Siêu Anh cũng chen trong ấy.
Ông thấy vợ về thì vội chạy tới đón, “Hôm nay trong xưởng có chút việc nên anh không làm cơm chiều.
Em đói rồi hả? Chúng ta tới cửa hàng cháo ăn lót dạ rồi anh sẽ chậm rãi kể chuyện.”
Bà Lý hô to, “Hoàng Linh à, xưởng muốn bán nhà, giá cả ưu đãi, thông báo được dán trên văn phòng ấy.”
Trang Siêu Anh nói, “Thành phố và xưởng đều đã dán văn kiện lên bảng thông báo, anh đã chép những chỗ quan trọng rồi, lát anh cho em xem.”
—
Cửa hàng cháo rất nhỏ, bên ngoài bày một loạt lồng hấp để chưng màn thầu.
Trong hơi nước mờ mịt Hoàng Linh cẩn thận đọc những điểm chính Trang Siêu Anh đã chép lại.
Bà nhẹ giọng đọc điều kiện, “Là công nhân viên chức hoặc cán bộ xưởng đã về hưu, hộ khẩu Tô Châu…….”
Trang Siêu Anh vỗ đùi, “Em nghĩ giống anh đúng không? Hình như hộ khẩu của Tống Oánh vẫn ở Tô Châu đúng không?”
Hoàng Linh gật đầu, “Vì thực hiện ‘nghỉ không lương’ nên dù đã chuyển tới Quảng Châu cô ấy cũng không chuyển khẩu.
Năm trước về đây cô ấy muốn về hưu non nhưng xưởng bảo chưa đủ điều kiện nên hàng năm cô ấy còn phải nộp tiền bảo hiểm cho xưởng để sau 60 tuổi có lương hưu.
Khi đó hai nhà vì chuyện của hai đứa kia mà xấu hổ chết đi được vì thế cô ấy cũng không kể tỉ mỉ, em cũng không hỏi rõ.
Em cảm thấy khả năng hộ khẩu của cô ấy vẫn ở Tô Châu.”
Hai vợ chồng liếc nhau và đều nghĩ tới con gái.
Trang Siêu Anh nói, “Mau ăn đi, sau đó chúng ta đi gọi điện thoại.”
Hoàng Linh nói, “Tới bốt điện thoại công cộng của phố bên cạnh gọi, trong tiệm tạp hóa toàn công nhân viên chức cũ, lắm người nhiều miệng.”
—
Trang Siêu Anh có thói quen viết thư nhà báo tình hình cho con cái nên Trang Đồ Nam sẽ nhận được thư một cách đều đặn.
Trong đó có tình hình chung quanh, việc vặt vãnh ở nhà, chính sách, nhân tình thế thái, chuyện bát quái và truyện dài với tiêu đề 《 xưởng dệt bán nhà với giá ưu đãi 》.
Lúc đầu phong cách thư nhà còn bình thường, mang đúng bản sắc “Trang Siêu Anh”, chủ yếu phổ cập khoa học về《 phương án cải cách chế độ nhà ở trong nội thành Tô Châu 》và biện pháp cụ thể của xưởng dệt.
Ông còn giới thiệu chế độ công quỹ của Tô Châu, tiền đặt cọc và kỳ hạn lãi suất, lãi vay vân vân.
Tất cả đều được ông báo cáo đầy đủ cho Trang Đồ Nam.
Ngoài ra còn có tư cách mua nhà ưu đãi của Hoàng Linh và Tống Oánh cũng như quyết định mua bán của hai nhà.
Trang Đồ Nam đọc xong thì bỏ qua một bên.
Nhưng dần dần nội dung thư ngày càng quỷ dị.
Trang Đồ Nam không biết lúc Trang Siêu Anh viết thư có tâm tình gì, dù sao anh cũng đọc mê mải, trong lòng vui vẻ hơn nhiều.
Đầu tiên là Trang Tiêu Đình tỏa sáng trên sân khấu.
“…… Tiêu Đình cầm điện báo ủy quyền và sổ hộ khẩu tới văn phòng quản lý bất động sản làm thủ tục.
Nhưng cán bộ khăng khăng bắt bản thân công nhân viên chức hoặc người nhà tới làm 《 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà 》.
Trong xưởng có nhiều người đang ở nơi khác đều nhờ người tới làm thay vì thế chuyện này thực quái lạ.
Ba và mẹ đều nghĩ phó xưởng trưởng Lưu đang muốn nuốt không căn nhà của Tống Oánh.
Lúc ấy Tiêu Đình không lên tiếng.
Lần thứ hai con bé chọn lúc có nhiều người đang ở văn phòng quản lý bất động sản.
Chờ trưởng phòng đứng trước mặt mọi người thanh minh yêu cầu bản thân Tống Oánh hoặc người nhà tự tới làm thủ tục thì con bé lặng lẽ móc giấy đăng ký kết hôn của mình và Đống Triết ra……”
Trong thư dần lộ ra mâu thuẫn và xung đột.
“Nhà họ Vương ở bên cạnh vì 4 m2 mà vung tay đánh nhau.
Mấy ngày trước Vương Phương về đây, tuy có hộ khẩu Tô Châu nhưng vì không phải công nhân của xưởng nên cô ấy không có điều kiện mua nhà ở ưu đãi.
Vương Dũng muốn mua 4 m2 này nhưng Vương Phương bắt phải trả theo giá thị trường.
Cuối cùng hai bên đánh nhau phải ra đồn.
Việc nhỏ này lại trở thành sự kiện xã hội nổi bật trong thời kỳ cải cách nhà ở.《 Nhật báo Tô Châu 》đưa tin khiến nó có ảnh hưởng lan rộng.
Dưới con tức giận văn phòng quản lý bất động sản của xưởng dệt phá bỏ căn phòng kia và khôi phục bức tường bên trái như cũ.”
Sau khi làm xong giấy chứng nhận sở hữu bất động sản Trang Tiêu Đình tiếp tục phát huy vai trò tỏa sáng của mình.
Chuyện này được Trang Siêu Anh dùng hai trang giấy đầy ngập chữ để mô tả tỉ mỉ.
“Tiêu Đình giúp Tống Oánh xử lý《 giấy chứng nhận sở hữu nhà 》và vô tình phát hiện địa chỉ căn phòng phía tây rõ ràng ghi hai cái tên Tống Oánh và tên con trai của Ngô San San.
Tống Oánh nói cô ấy tuyệt đối không biết về việc này, cũng không biết Lưu Kiện và Ngô San San đã làm thế nào.
Tiêu Đình lập tức dời hộ khẩu của mình vào sổ hộ khẩu của Tống Oánh rồi tìm Lưu Kiện và Ngô San San yêu cầu họ chuyển ra ngoài, đồng thời dời tên con trai họ ra khỏi hộ khẩu của căn phòng phía tây.
Lưu Kiện và Ngô San San không chịu dọn.
Ngô San San cứ nói là bọn họ mới đi làm, chưa đủ điều kiện được đơn vị phân nhà.
Chờ tới khi họ được phân nhà sẽ dọn đi.
Ba và mẹ con đều nói thôi kệ đi nhưng Bằng Phi không chịu, hai bên cãi nhau dữ dội.
Cuối tuần Tiêu Đình về nhà mời hai vợ chồng Ngô San San tới nhà uống nước.
Con bé nói: “Chuyện cải cách nhà ở là chính sách lớn, nhà nước dần dần sẽ có các chế độ khích lệ giải quyết vấn đề nhà ở cho mọi người như cho vay lãi thấp, hoặc mua nhà trả góp.
Đại học Tô Châu cũng đang cải cách, nhưng tăng nhiều mà cháo thì ít nên trường học cần suy xét trên nhiều phương diện như chức vụ, tuổi nghề, bằng cấp, thành tích công tác…… Tôi cũng là người mới vào, lại không có cam kết ở lại lâu dài nên tư cách được chia phòng bị đẩy xuống cuối.
Tôi đã cẩn thận nghiên cứu chính sách, dù là mua nhà trả góp hay bán nhà giá ưu đãi thì một đôi vợ chồng cũng chỉ có thể mua được một căn nhà có diện tích được quy định.
Nếu có người báo cáo với đơn vị của hai người là mấy người đã có nhà ở, lại cung cấp chứng cứ chứng minh đứa nhỏ còn có tên trong hộ khẩu với địa chỉ nhà này thì chỉ sợ hai người sẽ phải đợi lâu mới tới lượt được phân nhà đó.”
Ba và mẹ con nghe xong thì ngây ra, còn Ngô San San lại hiểu ngay thế là vội mang theo Lưu Kiện và con trai dọn về nhà chồng, đồng thời di dời hộ khẩu của đứa nhỏ.”
Trang Đồ Nam đọc xong thư thì lập tức cảm thán: không phải người một nhà không vào một cửa, Trang Tiêu Đình quả nhiên là đứa con dâu ghê gớm.
Anh bắt đầu chờ mong thư nhà, vì anh có dự cảm mãnh liệt rằng Phượng Sồ của đại học giao thông sẽ còn đất để dụng võ.
Và Trang Tiêu Đình quả nhiên không phụ sự kỳ vọng của anh mà tiếp tục bành trướng, hoành hành khắp nơi.
Sau khi thương lượng với cha mẹ hai bên cô sửa chữa lại hai căn phòng phía tây rồi dán thông báo ở cửa trường tiểu học phụ thuộc.
Hai căn phòng ấy sửa thành một bếp ăn nhỏ chuyên cung cấp chỗ ăn trưa, nghỉ ngơi và học tập cho đám học sinh tiểu học và trung học của mấy trường gần đó từ thứ hai đến thứ bảy.
Tới chủ nhật Trang Siêu Anh còn có thể dạy thêm cho đám học sinh cấp ba.
Lúc này Hoàng Linh không cần làm người bán vé đi sớm về muộn, ăn ngủ ngoài đường nữa.
Bà và một nữ công nhân họ Chu đã nghỉ việc của xưởng cùng nhau phụ trách quản lý bếp ăn nhỏ.
Trang Siêu Anh viết như thế này trong thư, “Mẹ con và cô Tống Oánh đã mua đứt căn nhà nhưng xưởng chỉ phát bản 《 giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản 》vì thế nhà này tạm thời chưa thể rao bán.
Sau năm năm thủ tục mới hoàn tất và lúc ấy chúng ta sẽ được toàn quyền giao dịch.
Tiêu Đình gửi sổ hộ khẩu và giấy tờ sở hữu nhà cho cô Tống Oánh, đồng thời viết một hợp đồng thuê 2 căn phòng giá 60 tệ một tháng, đúng bằng mặt bằng thuê nhà chung của thành phố.
Kỹ sư Lâm nhận được thư còn đặc biệt gọi điện về khen Tiêu Đình làm việc quyết đoán, cẩn thận, suy nghĩ chu đáo.
Ngoài ra Tiêu Đình còn xin bưu cục lắp điện thoại cho nhà mình để tiện cho phụ huynh gọi điện, cũng tiện cho con gọi về nhà.”
Trang Đồ Nam lại không nhịn được than thở Trang Tiêu Đình đúng là trời sinh một cặp với Lâm Đống Triết, năng lực làm việc này quả thực không ai bằng.
—
Một ngày trước tết dương Trang Đồ Nam xin nghỉ rồi nhân cơ hội ấy về Tô Châu thăm người thân.
Lúc anh về tới nhà đã là buổi chiều, Hoàng Linh đang ở phòng phía tây phân phát đồ ăn lót dạ cho 8 đứa nhóc —— là món cơm nếp cẩm quậy với đường và mỡ lợn.
Từng miếng cơm hình tròn ngon mắt là thứ đồ ăn Trang Đồ Nam thích nhất khi còn nhỏ vì thế anh vội buông ba lô, rửa tay và cùng bọn nhỏ xếp hàng chờ đến lượt.
Trong phòng phía tây có hai giá sách sát tường, ba bộ bàn ghế cao thấp khác nhau phù hợp với bọn trẻ thuộc các lứa tuổi.
Trang Đồ Nam vừa ăn vừa nhìn thằng nhóc ngồi cùng bàn.
Thằng nhóc con chừng 6-7 tuổi, vẻ mặt lanh lợi hỏi, “Chú chính là con trai bà Hoàng Linh đúng không? Cháu thấy chú gọi bà ấy là ‘mẹ’.”
Trang Đồ Nam lập tức ngây ra sau đó mới hoàn hồn.
Từ lúc nào mà mẹ anh đã thành ‘bà’ rồi.
Anh chỉ có thể thầm thở dài trong lòng và gật gật đầu.
Thằng nhóc con kia thì nói như ông cụ non, “Chú đang làm việc cho viện kiến trúc của Đại học Đồng Tế đúng không? Kiến trúc thật là tốt, có thể kiếm nhiều tiền.
Con nhà nào thi đậu vào khoa kiến trúc thì nhà ấy sẽ mở tiệc ăn mừng.”
Trang Đồ Nam suýt phun hết cả đồ ăn trong miệng ra, “Cháu là con nhà ai thế?”
Thằng nhãi con chỉ vào đám trẻ con khác trong phòng, “Ba mẹ tụi cháu không phải công nhân xưởng nên chú không biết đâu.”
Hoàng Linh vừa rót nước ấm cho bọn nhỏ vừa giải thích, “Xưởng muốn nâng cao thu nhập nên cho phép trường học phụ thuộc chiêu sinh bên ngoài.
Mấy đứa nhỏ này học xa nhà nên giữa trưa không thể về ăn cơm, nghỉ ngơi.
Sau khi tan học cũng chẳng có ai trông tụi nó làm bài nên cả đám mới tới nhà chúng ta.”
Bà xách ấm nước quay lại phòng bếp thế là Trang Đồ Nam lại hỏi, “Sao cháu biết chú đang làm cho viện thiết kế của Đại học Đồng Tế?”
Thằng nhóc kia rung đùi đắc ý nói, “Thiên cơ không thể tiết……”
Một con nhóc ở bên cạnh nhút nhát sợ sệt chen vào, “Trên ba lô của chú viết ‘viện thiết kế đại học Đồng Tế‘.”
Trang Đồ Nam nhìn thoáng qua cái ba lô anh tiện tay ném ở góc tường.
Mẹ kiếp, anh suýt thì bị một thằng nhãi hù dọa.
Thằng nhóc kia nhếch