Dịch giả: luongsonbac1102Lúc trước trong việc cứu trợ nạn dân, nếu phạm vi gặp nạn không lớn, mà quan viên cứu trợ thiên tai lại kiên quyết thì quan phủ sẽ áp dụng một số biện pháp quyết liệt và có phần ganh đua. Đó chính là đến những nhà giàu khuyên bảo cưỡng ép, có kẻ nào không nghe thì giết luôn cả nhà, nếu như vậy ít nhiều cũng có thể ngăn được giá lương thực tăng lên. Mà quan tốt có được thủ đoạn và quyết đoán, không sợ sau này bị trả thù như vậy, thường được người ta coi là ác quan.
Hiện giờ việc phát động cứu nạn thiên tai mới bắt đầu, Tần Tự Nguyên cũng đã từng ra quyết định như vậy, muốn cứu thêm được càng nhiều người càng tốt. Nhưng lão cũng hiểu rõ quy mô tăng lên của giá lương thực lần này, chỉ sợ là dựa vào mấy biện pháp này chỉ như muối bỏ bể, khó mà làm nên chuyện. Mà nếu đã dùng hết mọi cách, lại chưa thể hoàn thành việc cứu giúp các nạn dân, cho dù lão có là Tể tướng cũng không được yên. Bởi vì suy xét và cân nhắc như vậy nên lão mới thứ dùng đến cái nhìn của Ninh Nghị.
Nhưng chuyện này không có nghĩa là lực lượng của Hữu tướng phủ không hề có động tĩnh gì.
Các phú hộ lần này tham gia đầu cơ lương thực như Tề gia, Tả gia, Thái gia trên cơ bản đều có thể đối đầu trực diện với Tần Tự Nguyên. Bề ngoài thì Tần Tự Nguyên cũng không thể trực tiếp xé rách da mặt với nhiều người như vậy, bởi vì không ai dám đồng thời đắc tội với nhiều đối thủ như vậy. Nhưng việc cứu nạn thiên tai và kiếm tiền lại là những hành động ngầm phía dưới, cho dù không động được đến đám nhà giàu đó nhưng với một vài hộ nhỏ hơn, tướng phủ vẫn động tới được đấy.
Trước khi tuyết rơi, đám người Ninh Nghị vẫn rất hạn chế sử dụng sức mạnh này, trừ một chút để kích động dân loạn hay trực tiếp động thủ với vài tên quan những người còn lại thì đi thuyết phục khắp nơi, để bọn họ im lặng tiếp tục quan sát, ngầm đưa ra một tuyên bố:
- Chúng ta lần này rất kiên quyết, ngươi cứ chờ mà xem
Đợi cho đến thời khắc tuyết bắt đầu rơi, mọi chuyện đều được tiến hành. Các quan viên đã thu thập thông tin của các tiểu địa chủ nhỏ và trung đầu cơ lương thực, chỉ ra lệnh một cái là lập tức đánh thẳng đến cửa, thẩm tra phán tội, đối với những tội nghiêm trọng nhất, Tướng phủ đã được Hoàng đế cho phép, không cần đợi sau thu mà lập tức trảm quyết. Sự khởi đầu này chính là giết một vài hộ đầu cơ cho đám tiểu thương nhìn vào.
Trong kinh thành, những thủ đoạn này của Tần Tự Nguyên đã được Chu Triết cho phép. Theo việc bắt người, hạ ngục, chém đầu, một lượng lớn lương thực vốn đang nằm im được tung vào thị trường, việc phát cháo cứu giúp nạn dân cũng được thực hiện lên đến cao trào, vào giờ khắc khi tuyết lớn bắt đầu rơi này, đám phú hộ cũng vì vậy mà có những hành động phản kích lại.
Những nhà giàu có dã tâm lập tức nuốt hết số lượng thực được đưa vào thị trường, những hộ có quan hệ thì dùng đủ mọi biện pháp cắt đứt đầu mối cung cấp gạo. Đối với việc phát cháo miễn phí của quan phủ, bọn chúng có ý đồ làm náo loạn, có mấy chỗ thậm chí còn phóng hỏa kho chứa lúa gạo. Xung đột giữa đám nhà giàu đầu cơ lương thực với những thương nhân từ vùng khác đến từ từ trở nên kịch liệt, việc trị an ở những khu vực gặp thiên tai cũng giảm xuống rất nhiều.
Bởi vì trận tuyết giáng xuống và trị an kém đi, phần lớn các lái buôn từ nơi khác đến lựa chọn rời đi. Một bộ phận người mặc dù tràn đầy nhiệt huyết, nhưng sau khi ý thức được sự thật lạnh như băng thì cũng không ở lại, chỉ có một số ít những người trẻ tuổi ở lại, hơn nữa lại càng thêm đoàn kết. Việc vận chuyển lưu thông lương thực trở nên gian nan, điều này cũng có nghĩa tổng số lượng thực ở khu vực bị thiên tai chỉ có bấy nhiêu thôi. Nhưng sau một hồi tranh đấu quyết liệt, tâm lý của một bộ phận tiểu thương nhanh chóng sụp đổ, bọn họ bắt đầu bán ra lương thực, xu hướng như vậy càng ngày càng lớn dần.
Đây là những chuyện đấu đá rất bình thường ở những vùng bị nạn, còn những thủ đoạn hung hiểm quyết định đại cục thật sự lại nằm ở triều đình.
Lời ra tiếng lại công kích giữa hai vị Tể tướng ngày càng kịch liệt. Gần như ngày nào có tấu chương sổ sách được gửi đến, chúng không nhằm vào Lý Cương và Tần Tự Nguyên, mà là nhằm vào quan viên làm việc dưới trướng hai người này, nhất là những quan viên hiện đang phụ trách việc cứu nạn thiên tai đều bị chỉ trích nhiều nhất. Hoàng đế Chu Triết tuy không dẹp yên được những phiền toái này, nhưng trên cơ bản y vẫn ủng hộ phía Tể tướng cứu nạn thiên tai. Làm Hoàng đế, y đương nhiên là nhìn rõ thế cục hiện tại, chỉ có một số bản tấu có chứng cứ vô cùng xác thực, y mới đành đứng ra hạ lệnh nghiêm tra, bãi miễn.
Về phía Lý Cương, Tần Tự Nguyên cũng không ngừng dâng tấu vạch tội một số quan viên có máu mặt. Một vài vị quan nhỏ vì ngăn trở giúp nạn thiên tai bị chỉ trích nhiều nhất, gần như ngày nào cũng có người phải ngã ngựa. Về phía hoàng đế vẫn luôn duy trì khuynh hướng phối hợp, nhưng cũng vẫn phàn nàn với đám người Lý Cương:
- Các khanh đừng dùng thủ đoạn tàn ác quá, tránh sau này lại rước họa vào thân, trẫm sắp bị các phía gây áp lực đến không chịu nổi rồi, không riêng gì trong triều đâu
Nhưng trong tháng mười hai, tổn thất về người lớn nhất mà bên phía Tướng phủ phải gánh chịu là người phụ trách vấn đề lương thực ở Kinh Hồ Nam lộ Lâm Xu Đình. Người này vốn là một viên tướng tài dưới trướng Tần Tự Nguyên, y cai quản tuyến đường Kinh Hồ Nam lộ, vốn là rất có sức mạnh duy trì việc buôn bán và cứu giúp nạn dân, mà vấn đề duy nhất ở chỗ thế gia lớn nhất ở Kinh Hồ Nam lộ là Hàn gia, đây chính là nhà mẹ đẻ của Hoàng thái hậu.
Trong thời gian quản lý Kinh Hồ Nam lộ, Lâm Xu Đình đã tận lực tránh việc phát sinh xung đột trực diện với Hàn gia, nhưng có nhiều việc va chạm thì vẫn không thể tránh né. Trong tháng 11 đã có người của Hàn gia vào kinh tìm Thái hậu dâng cáo trạng, chúng thêu dệt lên chuyện Lâm Xu Đình ở Kinh Hồ Nam lộ làm chuyện bạo ngược, tham ô không làm tròn trách nhiệm, lại chuẩn bị đầy đủ chứng nhân, chứng cớ. Đám quan viên lại dâng tấu rất quyết liệt, cuối cùng phía Thái hậu cũng bị thuyết phục, cảm thấy người nhà của mình đã bị ức hiếp quá đáng. Mà Chu Triết cũng bắt đầu dò xét rất kỹ chuyện này, cuối cùng giận tím mặt đem Lâm Xu Đình ra xử tội.
Sau khi trong triều đình có quyết định như vậy, Lại bộ Thị lang Lâm Trung Thái vốn có quan hệ rất tốt với Lâm Xu Đình đã từng khóc đến thổ huyết điều trần cầu xin Chu Triết thu hồi mệnh lệnh đã ban ra, cuối cùng đã phải nói rằng:
- Nếu Lâm Xu Đình bây giờ không làm quan nữa, vô số nạn dân ở Kinh Hồ Nam lộ sẽ không còn đường sống nữa mất thôi
Y cũng là một quan viên thuộc phái Lý Cương, Tần Tự Nguyên, lúc này hắn là đầu óc không tỉnh táo mất rồi. Lời này khiến Chu Triết vô cùng giận dữ, vỗ bàn mắng:
- Khốn khiếp, người làm như thiên hạ này ngoại trừ Lâm Xu Đình thì không còn ai là quan tốt nữa không bằng! Ngươi cứ làm như chỉ có các ngươi là quan thanh liêm, trừ các ngươi ra, quan lại dưới tay trẫm thì không phải là xông vào chốn nước sôi lửa bỏng cứu nạn nhân dân sao? Trẫm sẽ bãi miễn Lâm Xu Đình! Ngươi! Ngươi cũng về nhà đóng cửa tự suy nghĩ cho trẫm
Quan to dưới tay lập tức bị tổn thất mất hai người, Tần Tự Nguyên cũng chẳng thể xoay chuyển trời đất. Lúc này tuy rằng tuyết lớn đang trút xuống, nhưng cũng không khoa trương đến mức hoàn toàn lấp kín các con đường. Sau khi ý chỉ của triều đình được truyền đến Kinh Nam, Lâm Xu Đình bị bãi chức, bị yêu cầu vào kinh thành đợi điều tra. Y cũng là lòng như lửa đốt, chửi ầm lên, trên đường lên kinh đã mắc bệnh hiểm nghèo, cuối cùng là tin dữ truyền đến.
Lâm Xu Đình năm nay bốn mươi chín tuổi, thân là quan to của một địa phương, tinh thần đang rất dồi dào, trẻ trung khỏe mạnh. Mặc dù chuyện này đã đả kích y rất lớn, lại thêm vào trời đông giá rét đến vậy, nhưng nếu nói y bệnh nặng mà chết thì quả thật có điểm đáng ngờ. Chỉ có điều việc này đến tột cùng là thật hay do Hàn gia ở Kinh Nam một tay che trời dựng lên, sau này cũng rất khó tra xét.
Lúc này trong việc cứu trợ nạn dân lại xảy ra chuyện do đám tiểu nhân gây nên, bên phía Tướng phủ rối bời, lại bị tổn thất quan viên lớn như Lâm Xu Đình, liền sẽ dẫn đến công sức bỏ ra thì nhiều mà thu lại chẳng được bao nhiêu. Mà chuyện tương tự thì ngày nào cũng xảy ra.
Kẻ đầu bạc Tần Tự Nguyên phải lấy tinh thần thép để ứng phó với đủ loại tình thế, thường xuyên cùng đám người Ninh Nghị bàn bạc đề ra quyết sách. Ninh Nghị trên thương thường rất có bản lĩnh nhưng lại không quen thuộc với chốn quan trường, mỗi khi đề ra quyết sách đều được Tần Tự Nguyên đánh giá là rất tốt. Trong việc đấu đá nhau đến từng chân tơ kẽ tóc này, giá lương thực rốt cuộc cũng hạ xuống. Nhưng cũng không ai biết kết quả cuối cùng là như thế nào, bởi vì những người cần cứu chết đi
ngày càng nhiều. Lúc này ở những khu vực gặp thiên tai, cứ mỗi ngày trôi qua đều có rất nhiều người chết, hoặc là chết vì đói, hoặc là chết vì quá lạnh. Có rất ít nơi mà quan phủ và các nhà giàu dốc lòng cứu nạn. Lại còn có những người ở tại những vùng núi xa xôi, sau khi hạ được giá lương thực xuống thì hoặc đã thành cô linh, không thì cũng lặng lẽ mà chết trong những vùng núi sâu.
Ở phía Hà Đông lộ, Sư Sư đã ở đây được một tháng. Trong tháng đầu tiên, nàng chạy đi chạy lại khắp nơi tham gia cứu nạn thiên tai, phát cháo miễn phí, mở kho lương thực, bán lương thực, trong lòng cũng đã cảm nhận thấy sự nhiệt huyết khảng khái tràn đầy. Nhưng cho đến nay, sự mệt mỏi và áp lực tâm lý đè nặng dồn ép nàng. Thỉnh thoảng nàng vẫn mặc áo choàng, đeo khăn trùm đầu ra khỏi thành phát cháo miễn phí, nhưng đa phần nàng vẫn đứng từ phía xa nhìn những nạn dân ấy mà lặng lẽ khóc nức lên.
Lúc đầu nàng có khóc, nhưng không lâu sau đã dừng lại rồi, đến mấy ngày nay, nàng không cầm lòng được lại khóc. Lúc ban đầu là nàng khóc cho những nạn dân ấy, cho đến mấy ngày nay, những giọt nước mắt của nàng phần nào là cho chính mình.
Những năm gần đây, nàng không phải là chưa từng chứng kiến qua thảm kịch nào, cũng không phải là chưa từng nhìn thấy cái chết. Nhưng mà, khi nàng thật sự muốn làm gì đó, khi mà bên người cũng có rất nhiều người có bầu nhiệt huyết sục sôi như vậy lại phải đón nhận cảm giác thất bại mãnh liệt nhất. Những lời mà Ninh Nghị nói với nàng khi ở kinh thành, đến bây giờ nàng mới dần dần hiểu được.
- Chúng ta không cần những đại phú hộ vung tiền ra
- Chúng ta còn muốn giúp họ kiếm tiền
- Nếu bọn họ bớt tham lam đi một chút, liền sẽ có rất nhiều người được cứu sống
Nhưng... Mỗi một ngày trôi qua, đều có rất nhiều người phải chết.
Giá lương thực đúng là bắt đầu giảm. Có đôi khi nàng rất muốn lập tức trở lại kinh thành đi tìm Ninh Nghị hỏi một câu:
- Chúng ta đã thành công rồi phải không? Đã có bao nhiêu người chết? Ít hơn năm vạn đúng không?
Nhưng nàng biết rằng, bất kể là như thế nào, trong lòng nàng cũng rất khó bình tĩnh. Lương thực quan phủ tích trữ được còn rất ít, việc phát cháo miễn phí cũng hiếm dần, có nhiều nơi còn khó khăn hơn chỗ các nàng rất nhiều.
Đôi khi nàng nghĩ đến, đã chết nhiều người như vậy rồi, chỉ là để đám nhà giàu đó kiếm ít đi chút đỉnh thôi. Bao nhiêu người chết như vậy, mà bọn chúng mỗi nhà mỗi hộ đều không ngừng vơ vét tiền của. Nhiều người như vậy, hành động như vậy thì có thể chiến thắng ai đây.
Trong kinh thành, đối với việc có thể đạt được mục tiêu đã tính toán từ trước hay không, Ninh Nghị cũng không nắm chắc. Trên thực tế, sau khi trận tuyết lớn giáng xuống, hiệu suất tình báo từ các nơi truyền đến đều bắt đầu ngưng trệ. Mọi chuyện đều ký thác vào kế hoạch hoàn hảo ban đầu và quan lại địa phương. Về phần trong kinh thành, chỉ có cách dốc hết sức để duy trì tốt toàn bộ đại cục.
Mà sau cái chết của Lâm Xu Đình, đại cục cũng không được hoàn hảo.
Đã sắp vào hạ tuần tháng mười hai, chỉ mười ngày nữa là đến giao thừa rồi. Trong kinh thành các hộ gia đình đều giăng đèn kết hoa, những nơi như Ninh gia và Tướng phủ cũng không ngoại lệ. Cho dù nam nhân các hộ đều đang dốc sức cứu trợ nạn dân thiên tai, trong các hộ này, năm mới đương nhiên vẫn phải đón rồi. Kỷ Khôn lúc này đã về tới tướng phủ, Nghiêu Tố Niên đã về nhà, hòa thượng Giác Minh vẫn ở lại. Ninh Nghị mỗi ngày đến tướng phủ cùng mọi người cộng lại sổ sách và xử lý các sự vụ khác. Đêm nay sau khi ăn cơm tối xong, mọi người chưa về nhà ngay và còn ở lại thảo luận thêm mấy chuyện liên quan đến việc cứu giúp nạn dân gặp thiên tai. Ở Hoài Nam còn một lô lương thực có thể sử dụng được, nhưng vẫn đang trong quá trình thương lượng.
Đêm chưa khuya hẳn, trong thư phòng vẫn còn sáng đèn. Tần Tự Nguyên chắp hai tay sau lưng cùng mấy người Ninh Nghị, Kỷ Khôn, Văn Nhân Bất Nhị bàn về những điển cố nổi tiếng. Lão đã râu tóc bạc trắng nhưng ánh mắt tinh tường, tinh thần tốt, nói chuyện lại rất khôi hài. Trong lúc đó, Tần lão phu nhân đi vào quan tâm lão một chút, lại mang cho những người đến đây một phần trà bánh. Sau khi bà ra ngoài, Tần Tự Nguyên lại nói tiếp những chuyện xưa, thì có người hầu chạy đến bẩm báo:
- Đại nhân
Tần Tự Nguyên nhìn sang.
Tin tình báo không quá nửa tờ giấy nhỏ, Tần Tự Nguyên đọc một lần, cau mày lại. Lão đứng ở đó, nhìn sang một phía thư phòng, ánh mắt trừng trừng, lại có chút hoang mang. Một lát sau, lão đưa tờ giấy ấy ra, đám người Kỷ Khôn đang muốn đưa tay ra đón, Tần Tự Nguyên cũng đang trong tư thế vươn tay ra lại ngã ngồi trên chiếc ghế đằng sau lưng, một tay nắm chặt lấy lưng ghế dựa, nổi gân xanh lên. Lão mở miệng, mấp máy muốn nói gì, cuối cùng chỉ nói được hai chữ:
- Trương Giác
Văn Nhân Bất Nhị xông ra khỏi phòng:
- Người đâu! Mau gọi đại phu đến! Mau lên!
Kỷ Khôn tiến lên, một tay bắt mạch cho Tần Tự Nguyên, một tay ấn vào huyệt Nhân Trung. Ninh Nghị đi đến nói:
- Thả lỏng, thả lỏng, Tần tướng hãy thả lỏng, mọi chuyện đã có chúng tôi. Thả lỏng, mặc kệ có chuyện gì xảy ra, đều có thể xử lý được, hít thật sâu, làm giống như tôi nào
Hắn vừa nói vừa nhận lấy tờ giấy trong tay Tần Tự Nguyên, xem qua một lượt, đột nhiên xiết chặt lại, môi giật giật, cũng không nói được gì, chỉ cắn răng nói:
- Hô hừm
Từ đại phu trong tướng phủ gần như chạy như bay đến, liếc nhìn Tần Tự Nguyên một cái, nói:
- Các ngươi đi ra ngoài
Rồi lấy ngân châm ra bắt đầu đâm vào. Kỷ Khôn lui ra phía sau hai bước, Ninh Nghị lôi y ra khỏi thư phòng, đưa tờ giấy cho y, Kỷ Khôn cầm lấy đọc, Văn Nhân Bất Nhị cũng đi đến.
Không ai nói câu nào, bởi vì như vậy sẽ quấy rầy người trong phòng.
Trong tháng mười một, bên ngoài Nhạn Môn quan, Trương Giác và Hoàn Nhan Đồ Mẫu đánh ba trận, hai trận đầu thất bại, đến trận thứ ba thì chuyển bại thành thắng, đẩy lui đại quân của Hoàn Nhan Đồ Mẫu. Sau đó người Kim thay con trai thứ hai của A Cốt Đả là Hoàn Nhan Tông Vọng lĩnh quân, đánh cho Trương Giác đại bại ngoài thành Nam Kinh, Hoàn Nhan Tông Vọng hiện nay là tướng quân mạnh nhất của người Kim, Trương Giác tự biết không địch lại được, suất quân lui về phía Nam vào Yến Kinh. Lúc này người trấn thủ Yến Kinh là Thường Thắng quân của Quách Dược Sư và Tuyên Phủ Vương An Trung. Hoàn Nhan Tông Vọng lĩnh quân tiến về phía nam, nhưng do đang mùa đông nên không thể công thành. Quách Dược Sư chủ trương cố gắng giữ thành, lại không biết lúc đó Vương An Trung đã nhận được một lệnh từ kinh thành.
Vương An Trung để cho Trương Giác tránh đi, khi Hoàn Nhan Tông Vọng yêu cầu thì luôn nói là không có người này. Hoàn Nhan Tông Vọng lại càng nôn nóng đòi người, tỏ thái độ nếu Vũ triệu không giao người ra thì sẽ khai chiến với Vũ triều. Vương An Trung lúc này liền giết một người có tướng mạo khá giống Trương Giác, giao ra thủ cấp. Nhưng mà những người Kim biết mặt Trương Giác đều nhìn ra không phải đầu của Trương Giác. Một lần nữa dưới áp lực của người Kim, Vương An Trung đành mang Trương Giác ra quở trách, chỉ trích y đã gây ra mối xung đột giữa Vũ triều và người Kim. Trương Giác mắng to rằng Vũ triều không biết dùng người. Sau đó Vương An Trung giết Trương Giác, lấy đầu giao cho Hoàn Nhan Tông Vọng.
Người Kim rốt cuộc cũng lui binh.
Năm ngọn đèn tiễn đưa năm cũ treo cao trên cổng thành. Trong thành Biện Lương vẫn phồn hoa như trước, chỉ có gió đêm mùa đông thổi xào xạc, trời dân lạnh, người đi lại trong sân đều trầm mặc không nói gì. Không lâu sau đó, Ninh Nghị đi đến bên ngoài viện, đánh một quyền về phía cây đại thụ, ầm một cái, thân cây lay động, vỏ cây vỡ toác ra.
Mùa đông năm Cảnh Hàn Vũ triều thứ mười một, có biết bao nhiêu người nỗ lực muốn làm nên chút chuyện cho quốc gia, nhưng cuối cùng lại có rất nhiều người đã phá vỡ thành quả đó.