Những ngày sau đó Hạ Thanh Khê bận rộn y như lời cô đã nói, mỗi ngày đều có gia sư thay phiên nhau đến nhà để dạy kèm.
Những ngày Cố Yên Chi đến câu lạc bộ văn nghệ, Hạ Thanh Khê cũng không còn thời gian để chờ nàng trở về như trước đây.
Cố Yên Chi sẽ lang thang ở trường cho đến khi cổng trường đóng, nàng lại đi nơi này nơi kia, có khi cảm hứng đến thì ngồi ở một nơi nào đó chăm chút cho tiểu thuyết của nàng.
Mỗi ngày nàng đều trở về nhà rất muộn, buổi tối ngày kia nàng quay về nhà khi đồng hồ đã điểm 9 giờ tối, Trương Tĩnh Nhàn ở dưới bếp rót nước uống chuẩn bị đi ngủ, tiếng lạch cạch từ cửa chính vang lên, Cố Yên Chi đi vào nhà, nàng đi đến phòng bếp nhìn thấy Trương Tĩnh Nhàn cũng không chào hỏi mà quay lưng bỏ lên phòng.
Trương Tĩnh Nhàn siết chặt cái ly thủy tinh trong tay nhìn chằm chằm Cố Yên Chi.
Mỗi một ngày nàng cao hơn, nàng xinh xắn hơn và trưởng thành hơn tỉ lệ thuận với sự giao tiếp giữa bà ấy với nàng ngày càng ít đi, thậm chí đến bây giờ là không còn giao tiếp nữa.
Ánh mắt Cố Yên Chi ngày bé rất ngây thơ, đáng yêu, càng lớn đôi mắt ấy càng tĩnh lặng và hiện tại nó lại mờ mịt một chút dao động trong đó cũng không có.
Lúc nàng còn nhỏ, vì 3 năm mới mang thai nàng, vì nàng sinh non mà yếu ớt, Trương Tĩnh Nhàn đã rất yêu thương bảo bọc nàng.
Nhưng không biết vì sao câu nói của bà lão trên núi đó lại làm bà nhìn đứa con mình đứt ruột sinh ra bằng đôi mắt khác.
Đến khi Cố Yên Hoa ra đời, Cố Yên Chi trong mắt bà càng xa lạ, rồi biến cố ập đến, Cố Vĩ Văn ra đi, câu nói năm đó của bà lão lại vang vọng trong đầu Trương Tĩnh Nhàn.
Bà đau đớn tự dằn vặt mình, bà phải làm sao đây, đó là con gái của bà, nhưng bà lại không thể bình thường mà đối diện với nàng.
Một thời gian dài một mình vật vã với cuộc sống, vừa chăm Cố Yên Hoa còn nhỏ, lại bị nỗi ám ảnh của lời nói kia về Cố Yên Chi, Trương Tĩnh Nhàn dường như rơi vào trầm cảm.
Hôm đó bà đưa Cố Yên Chi ra ngoài, cho nàng ăn ngon, cho nàng mặt đẹp rồi cũng chính tay bà vứt bỏ nàng ở công viên kia.
Trương Tĩnh Nhàn quay về nhà nhưng trong lòng lại không thể thanh thản như mình nghĩ, bỗng nhiên cơn mưa lớn ập tới, tiếng sấm sét vang dội như đánh từng nhát vào trái tim bà, bà ôm ngực đau đớn gục ngã khóc lóc nằm trên sàn.
Không biết qua bao lâu ngoài cửa có tiếng chuông, Trương Tĩnh Nhàn bừng tỉnh khỏi giấc ngủ.
Khi cánh cửa gỗ kia mở ra, Cố Yên Chi một thân hình nhỏ bé, ướt sũng đứng trước mặt bà.
Trương Tĩnh Nhàn vừa đau khổ vừa xấu hổ không dám đối diện với nàng, nhưng sự hiểu chuyện và bình thản của Cố Yên Chi như một lưỡi dao hung hăng găm vào trong tim bà.
Cố Yên Chi không nhìn vào bà, nàng lướt qua người bà rồi trở về phòng như một người xa lạ.
Nước mắt nơi khóe mắt của Trương Tĩnh Nhàn trào ra không ngăn lại được.
Đó là con gái của bà, là máu thịt của bà nhưng bà không thể đối diện với nàng, cú sốc năm đó, những lời bà lão đó nói cộng với hành động không khắc chế được vì trầm cảm mà vứt bỏ nàng là tấm ngăn vô hình nhưng rất cứng cáp và vĩnh cửu giữa hai người.
Kể từ ngày hôm đó, Cố Yên Chi sẽ vô ý hữu ý mà lánh xa bà, xem bà như một người xa lạ, luôn cẩn trọng kiêng dè bà.
Trương Tĩnh Nhàn đối với thái độ của nàng cũng lạnh nhạt với nàng hơn, hai người thân máu mủ bỗng hóa người dưng.
Trương Tĩnh Nhàn dành hết sự yêu thương cưng chiều cho Cố Yên Hoa.
Dù cho có chịu uất ức, dù cho có khó khăn như thế nào Cố Yên Chi chưa từng chủ động cầu xin sự thương cảm của Trương Tĩnh Nhàn, nàng giống như một cây cỏ dại cứ kiêu hãnh bám víu mà sống.
Đến một ngày quen thuộc như bao ngày khác, Trương Tĩnh Nhàn chợt nhận ra từ khi nào đứa trẻ năm đó bà còn ấp ủ trong lòng lại trở thành một thiếu nữ xinh đẹp như vậy? Rồi bà cũng nhìn thấy ánh mắt đáng yêu của nàng, gương mặt hiền lành và tính cách dịu dàng của đứa bé gái luôn nhẫn nhục trong căn nhà này lúc nào đã lạnh nhạt và vô cảm khi nhìn bà như vậy.
Đầu năm khi về lại quê tại tỉnh M, Trương Thiếu Lâm nói với Trương Tĩnh Nhàn muốn đưa Trương Như đến thành phố T học nghề rồi sinh sống và lập gia đình tại đây.
Ông ta nhờ Trương Tĩnh Nhàn chiếu cố và trông coi Trương Như giúp vợ chồng ông ấy.
Từ khi Cố Vĩ Văn mất, Trương Tĩnh Nhàn một mình gánh vác gia đình nên rất khó khăn, đều là nhờ Trương Thiếu Lâm giúp đỡ không ít bà ấy mới có thể gắng gượng tới ngày hôm nay, bây giờ Trương Thiếu Lâm nhờ vả, một phần vì tình nghĩa, một phần vì mang ơn, Trương Tĩnh Nhàn không thể chối từ.
Tháng 7, Trương Như một mình mang hành lý đến thành phố T, lúc cô ta đến Cố Yên Chi đang ở lại nhà Hạ Thanh Khê.
Nhà Trương Tĩnh Nhàn không lớn nên không có phòng cho khách, phòng ngủ của Trương Tĩnh Nhàn rộng rãi nhất nhưng ngoài đi làm công nhân ở nhà máy, bà ấy còn nhận may vá quần áo nên trong phòng chứa một cái máy may và rất nhiều vải vóc, dụng cụ để bà ấy may đồ giao cho khách kiếm thêm thu nhập.
Phòng của Cố Yên Hoa nhỏ hơn phòng của Cố Yên Chi, nếu ở hai người sẽ rất chật chội.
Trương Tĩnh Nhàn biết Cố Yên Chi không ưa gì họ hàng nhà nội ngoại giống như cái cách mà họ chối bỏ nàng vậy.
Trương Như lớn hơn Cố Yên Chi 2 tuổi, lúc Cố Yên Chi còn nhỏ, Trương Như đã quen cái thói được ba mẹ chiều chuộng nên thường giành đồ chơi và thức ăn của nàng, đôi khi còn đánh Cố Yên Chi, Trương Tĩnh Nhàn đau lòng nên khi ấy đi làm trên đồng mới phải mang Cố Yên Chi theo để nàng phải chịu cực khổ, chịu nắng mưa.
Sau này, cả nhà bà lên thành phố để sống, một năm Trương Tĩnh Nhàn sẽ đưa Cố Yên Chi và Cố Yên Hoa về quê một