Hai mươi bốn
Có một ông cha như thế, khiến cho Nhan Cẩn Dung chỉ cần nghe thấy một số câu chữ đặc biệt sẽ lập tức cảm thấy đau đầu muốn chớt, rồi thì chỉ muốn đạp cửa chạy trốn mất dạng.
Thí dụ như là "chân ái", như là "Ngài dịu dàng đoan trang hiền hòa như thế nhất định có thể hiểu được mối tình sâu nặng trong sáng của chúng tôi", rồi thì "Sao người có thể tàn nhẫn đến thế vô tình đến thế cố tình gây sự đến thế", vân vân và vân vân cùng với một số câu từ gào thét khác.
Đây chính là lý do vì sao gã chưa bao giờ trốn học, hết đi học võ ở Đường gia tới đi học văn ở Thôi gia, thậm chí còn nán lại sau giờ học không muốn về. Nhan ông rất thích kéo các thể loại chân ái về nhà, lúc ông bà nội gã còn tại thế thì kéo đến trước mặt ông bà nội mà nhốn nháo, chờ ông bà lần lượt qua đời rồi, ông ta lại thích kéo đến trước mặt con cái ầm ĩ.
Thật sự, gã cảm thấy cực kỳ mất mặt, nên mới thà chạy khắp nơi học văn học võ chứ không muốn về nhà.
Mẹ ra ở riêng cũng tốt. Để cho cha của gã cùng đám chân ái của ông ta tha hồ mà đàm luận lý tưởng đời người, để cho mẹ gã có thể nghỉ ngơi an dưỡng.
Bao nhiêu năm nay, mẹ gã phải nhẫn nhịn tới mức sắp tắt thở đến nơi rồi.
Cơ mà bà Nhan còn chưa tắt thở, ông Nhan và chân ái không biết thứ mấy chục của mình suýt nữa thì ngỏm củ tỏi.
Mùa hè đã tới, khi Đường Cần Thư bắt đầu ngâm lọ mứt thanh mai đầu tiên, dịch trạm đưa tới một lúc hai lá thư nhà, của em gái Nhan Cẩn Dung và chị dâu Đường Cần Thư. Hai người họ từng người đọc thư của mình, vừa đọc vừa biến sắc mặt.
Mặc dù góc độ kể chuyện không giống nhau, phong cách kể chuyện cũng khác biệt (giữa kể chuyện đầy ly kỳ với tường thuật phân tích), nhưng đều chung một sự kiện.
Là thế này. Bà Nhan đã chuyển tới biệt trang sống riêng, nguyên tưởng rằng có thể từ nay vĩnh viễn không qua lại với ông Nhan tới khi chết già. Ai dè ông Nhan lại tìm được một "chân ái" chân chính, tình yêu như sấm nổ vang trời khiến lửa đốt diệm sơn, nồng nàn như dầu sôi như lửa bỏng, yêu đến đất trời huyền ảo, yêu đến vũ trụ hồng hoang.
Thế rồi ông ta cảm thấy không thể phụ tấm chân tình của Đan Sương cô nương đáng thương bán tiếng cười chứ không bán thân, cho dù xuất thân thanh lâu đi nữa cũng vẫn giữ tấm thân trinh bạch chờ tới ngày gặp được đại tài tử phong lưu xuất chúng là ông ta xuất hiện mới xiêu lòng mà trao thân gửi phận... Thế nên phải cho nàng ấy một danh phận chính thức.
Kết quả là, ông ta mang theo "chân ái" mới đi gõ cửa biệt trang đòi gặp bà Nhan, nhất quyết bắt bà Nhan phải ngồi nhận chén trà của di nương kính vợ cả.
Bà Nhan mang theo đầy tớ, ai nấy cầm chày gỗ đập mấy chục nhát đuổi cả hai kẻ ra khỏi cửa. Bà Nhan tự mình đi đầu, hai tay hai cây chày gỗ to đầu bọc vải bông vung lên quật cho cả ông Nhan lẫn chân ái một trận nên thân.
Ông Nhan hớt hải ôm đầu gào lên. "Bà ghen tị như thế là phạm vào thất xuất, tôi... tôi sẽ viết thư bỏ vợ, đuổi cái thứ đàn bà nanh nọc như bà cút về nhà!"
Đáp lại ông ta là thêm một cơn mưa chày gỗ nữa từ tay bà Nhan.
Sau đó, bà Nhan chống nạnh dõng dạc thông báo đầy đanh thép của bậc cân quắc, những lời này khiến cho toàn bộ kinh thành nổi lên một cơn gió lốc.
"Lão già mất nết kia. Tôi đã nhẫn nhịn cái thứ vô liêm sỉ vô tích sự như ông hai mươi mấy năm nay, giờ tôi không thèm nhịn nữa đấy. Có ngon thì về dứt khoát viết thư bỏ vợ đi, đừng có dọa suông làm gì. Dẫu sao trước nay tôi chưa bao giờ phải dựa dẫm cái ăn cái mặc nhà ông tí nào. Có điều tôi báo cho ông hay, cái nhà họ Nhan này tôi đã giao lại cho dâu cả quản lý, con gái tôi cũng đã gả đến nhà chồng tốt xong xuôi. Ông cứ việc mà bỏ vợ, nếu tôi thành phụ nữ bị chồng bỏ, con trai trưởng con trai thứ giỏi giang nhà ông sẽ lập tức bị biếm từ đích tôn thành hàng thứ xuất. Cùng lắm thì tiền đồ làm quan có hơi bị ảnh hưởng chút xíu mà thôi, chúng nó vốn hiếu thuận ngoan ngoãn, chắc là sẽ không hận ông đâu, vẫn sẽ phụng dưỡng ông đến hết đời."
"Yên tâm đi, nể tình cha mẹ chồng xưa nay đối xử với tôi cực kỳ có tình có nghĩa, tôi sẽ không gϊếŧ ông... Mặc dù thật ra muốn gϊếŧ ông, tôi có hẳn một trăm mấy chục phương pháp không vi phạm pháp luật."
Bà Nhan chỉ định nói xong mấy câu tuyên bố đó rồi vào nhà đóng cửa nghỉ ngơi, tiếc là ông Nhan lại lắm miệng thêm vài câu đầy bẩn thỉu. Kết quả là bà Nhan lại tiếp tục dùng chày gỗ bọc vải bông ở đầu, "chu đáo thân mật" dạy cho ông Nhan bài học thế nào là "giữ mồm cho sạch".
Còn cô nàng "chân ái" tên là Đan Sương, thôi thì coi như bị tai bay vạ gió đi kèm.
Thế nên hiện giờ ở kinh thành, trào lưu dạy chồng mới chính là sử dụng chày gỗ đầu bọc vải bông thật dày. Thậm chí còn trở thành sự tích được thêu thành tranh, một loại truyền kỳ kiểu như sự tích Tam Nương dạy con ấy.
(Tam Nương dạy con: Tam Nương hay Vương Tam nương là thiếp của Tiết Quảng thời Minh. Vợ của Tiết Quảng sinh con trai là Ỷ Ca nhi. Tiết Quảng đi xa làm ăn, gửi tiền nhờ bạn cầm về cho vợ con. Bạn giấu tiền làm của riêng và bảo vợ con rằng Tiết Quảng đã chết ở xứ người. Cả vợ cả vợ lẽ của Tiết Quảng thế là bỏ đi lập gia đình mới hết, chỉ có Tam nương ở lại nuôi nấng Ỷ Ca nhi thành người. Ỷ ca nhi từng bị bạn bè chế nhạo là cô nhi không có cha mẹ. Tam nương giáo dục răn dạy Ỷ ca nhi. Về sau Ỷ ca nhi lớn thi đỗ Trạng Nguyên, Tiết Quảng cũng trở về sum họp và cưới Tam nương làm vợ cả. Sự tích này được dựng thành kịch hát thời nhà Thanh.)
Vì sao chứ? Tại vì đánh nhau bằng gậy bình thường e là dễ gây thương nặng thậm chí mất mạng, phải trả bằng mạng sống, quá là thiệt thòi. Chày gỗ đầu bọc vải bông dày thì lại có thể thoải mái mà đánh, chỉ cần không đánh vào đầu, đảm bảo đau thì rất đau mà không cách nào kiểm nghiệm được thương tích.
Nhan Cẩn Dung im lặng lúng túng như gà mắc tóc. Còn Đường Cần Thư chỉ thấy phục lăn phục lóc.
Bác Nhan gái quả thực quá là oai hùng.
Càng nghĩ càng thấy bác ấy quả xứng danh là đấng cân quắc anh hùng, nuôi dạy con từ nhỏ tới khi thành người, khi cần nhẫn nhịn thì nhẫn nhịn. Như thế này hoàn toàn có thể sánh ngang với cái sự "nằm gai nếm mật" hoặc "nhục chui dưới háng" ngày xưa.
(Nằm gai nếm mật: Việt vương Câu Tiễn bị Ngô vương Phù Sai đánh cho thua trận phiêu dạt khắp nơi. Câu Tiễn đêm nằm giường phủ gai, ngày ăn cơm với mật đắng để nhắc nhở bản thân không được quên cái nhục mất nước. Thậm chí còn hơn nữa là nếm phân của Phù Sai để tỏ lòng thần phục. Về sau Câu Tiễn và tướng của mình là Phạm Lãi dùng mỹ nhân kế, dâng năm mỹ nữ trong đó có Tây Thi để khiến Phù Sai đắm mình vào sắc đẹp mà lơ là triều chính. Cuối cùng Câu Tiễn đánh thắng à gϊếŧ Phù Sai, Tây Thi tự vẫn hoặc có lời đồn rằng Phạm Lãi Tây Thi yêu nhau nên cùng nhau quy ẩn giang hồ.)
(Nhục chui dưới háng: Hàn Tín thời Chiến quốc là một người tài ba nhưng mãi không được trọng dụng. Có lần bị tên vô lại bán thịt chửi mắng làm nhục bắt phải chui qua háng người đó, Hàn Tín chịu làm như thế để yên thân. Về sau Hàn Tín được nhà Hán trọng dụng trở thành đại tướng quân, dùng binh như thần tiêu diệt và chinh phục được hết các nước chư hầu, giúp nhà Hán thống nhất Trung Nguyên.)
Rõ ràng bác ấy có vũ lực khủng bố như thế nhưng lại chịu ẩn nhẫn từng đó năm. Nếu bà ấy sớm mang chày gỗ ra đánh người... e là cả Nhan đại biểu ca Nhan tiểu biểu muội đều sẽ gặp khó khăn khi tìm đối tượng thành gia thất.
Tình yêu cha mẹ dành cho con cái, thường nằm ở mưu tính lâu dài. Bác Nhan gái quả thật đã gánh vác vai trò vừa làm cha vừa làm mẹ mà nuôi dạy các con của mình vậy.
Chính vì sự khâm phục nể trọng đó, nên khi Nhan Cẩn Dung rầu rĩ về phòng viết thư cho mẹ, Đường Cần Thư nhờ gã tiện tay chép lại một tờ "Ghi chép cách muối rau dưa".
Bác Nhan gái nghe đồn rất thích ăn các món rau dưa ngâm và muối tương. Nhưng thời đại này các món rau dưa muối tương đó đều rất là mặn, cho nhiều muối để bảo quản được lâu. Nhưng ăn quá mặn lại không tốt cho sức khỏe.
Ban đầu Đường Cần Thư tính đóng gói rồi gửi mấy lọ dưa muối rau ngâm cho bác Nhan gái ăn thử. Nhưng đường xá xa xôi, mấy thứ rau dưa muối tương mà dùng ít muối của cô phải được bảo quản giữ gìn cực kỳ nghiêm khắc, chỉ sợ giữa đường có sơ suất mà hỏng mất vị. Thế nên cô dứt khoát viết nó thành một tờ hướng dẫn chế biến luôn.
Thời đại này, các công thức chế biến đồ ăn vẫn luôn theo hệ tự do phát huy, đơn vị đong đếm toàn là một chút, một ít, một chén (cơ mà không nói rõ là chén to chén bé như nào). Đấy không phải phong cách của