Năm hai lăm tuổi, Vương Cầm sinh con mà không có chồng.
Cha mẹ cô ta thấy xấu hổ vì con gái nên bảo cô ta bế con ra ở riêng, một kiểu biến tướng của đuổi con cháu ra đường.
Sau đó một mình Vương Cầm nuôi Vương Cảnh Bình trưởng thành, quãng thời gian đó thực sự là gian khổ không biết bao nhiêu mà kể.
May sao Vương Cảnh Bình là đứa trẻ rất có chí, thành tích học tập của cậu luôn xếp hạng đầu, cậu thi được học bổng toàn phần vào trường trung học tư thục, sau khi tốt nghiệp đại học cậu ở lại làm giảng viên cho trung tâm bồi dưỡng mấy năm rồi chuyển công tác đến trường trung học Thần Tinh nổi tiếng khu Vạn Thuận.
Doãn Hạo đã cố ý cho Vương Cầm thời gian để tâm trạng bà ta ổn định lại nhưng xem ra không hiệu quả lắm.
Vương Cầm lúc này vẫn đang khóc nức nở, đôi mắt bà ta đục ngầu, mí mắt sưng húp như chực nứt ra.
Bàn tay cầm cốc giấy của bà ta run bần bật, miệng bà ta thì không ngừng lặp lại mấy câu.
“Đã đỡ khổ rồi mà, cuộc sống đang tốt đẹp hơn mà, sao lại như thế? Tại sao lại có người muốn hại nó? Cảnh Bình tốt quá mà… Từ bé tôi đã bảo nó nhà mình không được như người ta, đừng có ham chuyện bao đồng, đừng nặng nhẹ với người khác, tôi chỉ cần nó khỏe mạnh nên người.
Chẳng bao giờ nó gây thù chuốc oán với ai, cả đời nó không to tiếng cãi nhau bao giờ, làm sao lại có người muốn hại nó được…”
Doãn Hạo kiên nhẫn đợi thêm một lát rồi thận trọng xác nhận lại: “Cô chắc chắn là Vương Cảnh Bình chưa bao giờ có mâu thuẫn với ai chứ? Có thể nào là xung đột lợi ích không?”
Vương Cầm chậm chạp lắc đầu.
Doãn Hạo hỏi tiếp: “Vậy con trai cô có bạn gái không?”
Vương Cầm vẫn lắc đầu, nhưng ngừng một lát bà ta lại nói: “Lúc trước nó có quen một đứa, con bé đó là giáo viên thực tập ở trường nó.
Nhưng con bé lóc cha lóc chóc, tôi không ưng được.
Nửa năm trước Cảnh Bình đã chia tay với nó rồi.”
Doãn Hạo hỏi: “Cô còn nhớ tên cô gái đó chứ?”
Vương Cầm nghĩ ngợi rồi tự dưng gương mặt bà ta lộ ra thêm một cảm xúc khác ngoài đau khổ, đó là sự chán ghét: “Hình như là Trần Thiến Di.”
Doãn Hạo hạ giọng bảo Tiểu Đắng chuyển thông tin này cho Từ Bân rồi quay lại hỏi tiếp: “Vậy phiền cô cố nhớ lại xem thời gian gần đây con trai cô có biểu hiện gì bất thường không?”
“Biểu hiện bất thường á? Không có.
Nó sinh hoạt đúng giờ giấc lắm, sáng 6 rưỡi dậy, 7 rưỡi đi làm, dạy hết giờ tự học buổi tối về đến nhà là 10 rưỡi.
Mấy hôm nay đang chấm thi thì 8 rưỡi tối nó về, ngoài giờ làm nó chỉ quanh quẩn với tôi, chẳng có gì lạ cả.”
Ngừng một chút, Vương Cầm nói thêm: “À nhưng tối qua nó hơi khác thật, cổ áo nó bẻ không hết, tắm xong nó không giặt đồ, nó cũng không uống bát canh gà tôi nấu…”
Thực ra Doãn Hạo không cảm thấy những biểu hiện ấy có gì là bất thường, nhưng anh cũng không ngắt lời người mẹ đang đau khổ này.
Bấy giờ Vương Cầm lại nói: “Còn một chuyện nữa không biết có coi là khác thường không.
Ở trường có học sinh đánh nhau, nó vào can rồi bất cẩn bị thương, vết ở ngay trên khóe môi ấy…”
Nhắc đến chuyện con trai bị vạ lây Vương Cầm có vẻ lại xúc động hơn.
Doãn Hạo đợi một lát rồi mới hỏi câu cuối cùng theo thủ tục: “Xin lỗi, phiền cô cho cháu biết từ 11 giờ 30 tối qua đến 4 giờ sáng nay cô ở đâu?”
Vương Cầm khẽ gật đầu, cũng không tỏ ra bức xúc vì câu hỏi này: “Chân tôi thế này thì còn đi đâu được? Bây giờ là đỡ nhiều rồi nhưng tôi tự đi một mình vẫn nhọc lắm, cứ dăm bước là phải nghỉ một lúc.
Hầu như tôi vẫn ngồi xe lăn.
Ở nhà Cảnh Bình mướn cho tôi một chị giúp việc ban ngày, 10 giờ sáng và 3 giờ chiều hôm qua chị ấy đẩy tôi xuống đường tản bộ, lúc khác thì tôi ở nhà thôi, anh cứ hỏi chị ấy thì biết.”
“Chậc, giá mà chân tôi không làm sao… hết thuốc thì tôi đi mua cho nó, kể cả nó đi mà lâu lâu không thấy về tôi cũng xuống đường tìm được, nếu thế thì biết đâu…”
Doãn Hạo lái xe cùng với Tiểu Đắng đưa Vương Cầm về nhà.
Lúc trước đến đón Vương Cầm anh không vào trong nhà, bây giờ sau khi được bà ta đồng ý anh mới đi vào xem xét phòng riêng của Vương Cảnh Bình.
Phòng Vương Cảnh Bình rộng khoảng mười mét vuông, giường kê sát tường, đối diện với giá sách.
Có một cái bàn đọc sách gần cửa sổ, sách vở trên bàn hầu hết đều liên quan đến giảng dạy.
Không có đồ trang trí, không tranh ảnh, không đồ chơi, đây là gian phòng ngủ cứng nhắc đơn điệu của một con mọt sách.
Chính vì như vậy bức tranh ép dưới mặt kính tủ đầu giường trở nên thật lạc lõng.
Đó là một bản phác họa phong cảnh.
Giấy đã ố vàng, nét vẽ vụng về non nớt, thực ra nó khá giống một bức vẽ ngoáy lúc rảnh rỗi.
Tranh đen trắng chỉ tô một chút xíu màu cho cây hoa trên sườn núi, bông hoa tròn màu vàng, chính giữa lấm chấm đen.
Giống hoa cúc dại, hoặc là… hoa hướng dương.
Doãn Hạo chụp lại bức vẽ.
Khi được hỏi Vương Cầm cũng trả lời không rõ bức vẽ này từ đâu ra, bà ta chỉ biết nó luôn nằm ở đó.
Họ chưa bao giờ chuyển nhà nên chẳng ai từng động đến nó.
Rời khỏi nhà Vương Cầm, Doãn Hạo và Tiểu Đắng đến nhà cô giúp việc để xác minh thông tin rồi sang văn phòng quản lý nhà ở yêu cầu họ gửi hình ảnh camera giám sát khu vực tòa nhà trong hai ngày gần đây cho cảnh sát.
Vừa xong công việc thì được Sài Lộ gửi cho địa chỉ của nhà văn Tiểu Cửu.
Người lấy bút danh Tiểu Cửu này tên thật là Quý Thương.
Quý Thương mở một nhà khách ở số 9 đường Thủy Tụ, thôn Hồng Lĩnh khu Tử Giang tên là “Nhàn Tiêu”.
Tiểu Đắng bảo: “Xem ra viết tiểu thuyết chỉ là nghề tay trái của người này thôi, bảo sao không ký hợp đồng cũng chẳng thấy nổi tiếng.
Đã thế lại còn tùy tiện bỏ ngang truyện nữa chứ.”
Lễ tân của Nhàn Tiêu là một cô gái mặt tròn vành vạnh, miệng chúm chím cỡ ba ngón tay, tô son đỏ chót.
Lúc này cô ta đang tròn mắt săm soi Doãn Hạo và Đặng Đăng, thái độ cô nàng vừa nghi ngờ vừa khá là đề phòng: “Mấy anh tìm sếp tôi có việc gì? Ảnh vừa ngủ dậy xuống nhà ăn cơm xong, giờ chắc lại lên bế quan tu luyện tiếp rồi, không tiếp khách đâu.
Có việc gì mấy anh cứ nói với tôi đi, cần đặt ăn hay đặt phòng ạ? Đặt với tôi là được chiết khấu cao nhất rồi, mấy anh có gặp ảnh cũng không có giá thấp hơn đâu.”
Doãn Hạo đưa mắt nhìn đồng hồ treo tường, 2 giờ 15 chiều: “Vừa ngủ dậy hả? Bế quan là sao?”
Cô nàng cười tươi rói, ra điều đắc ý: “Là vậy đó, sếp tôi coi vậy mà là nhà văn đó nha, chỗ này chỉ là nghề tay trái của ảnh thôi.
Mấy anh hiểu làm sao được thế giới của các nhà văn, ý tưởng đến lúc nào ai biết được.
Hễ có ý tưởng là sếp tôi ngồi lì ở trển cả ngày, ai hỏi cũng không tiếp.”
Cô nhân viên này xem ra là fan hâm mộ mù quáng của sếp.
Chắc cô ta không biết “nghề tay phải” của sếp mình bi đát thua xa nghề tay trái nên mới dám vênh mặt tâng bốc như vậy.
Thấy cô nàng vẫn tía lia không ngừng, Doãn Hạo đành phải nói thẳng: “Chúng tôi là cảnh sát, phiền cô báo cho ngài Quý Thương chủ cô mời anh ta tạm thời xuất quan tiếp chúng tôi.”
Cô nàng híp mắt lại: “Cảnh sát á? Cho tôi xem thẻ chứng minh được không? À với lại sếp tôi phạm tội gì vậy?”
Tiểu Đắng đứng nghe sốt ruột quá nên buột miệng: “Sao cô nói nhiều thế? Lễ tân như cô chúng tôi mà là khách thật chắc cũng bỏ về vì sợ cô quá.”
Cô nàng lườm cậu ta một cái: “Tôi chỉ nói nhiều với người đẹp trai thôi ạ! Anh thử đến một mình đi, có khi tôi câm luôn ấy.”
Tiểu Đắng tức muốn hụt hơi, Doãn Hạo đứng cạnh rút thẻ ra rồi vỗ vai ra hiệu cho cậu chàng bình tĩnh lại: “Cảnh sát khi làm nhiệm vụ không được để phát sinh xung đột với nhân dân.
Với lại cô ấy nói cũng đúng mà.”
Ăn thêm một đòn từ đồng đội Tiểu Đắng đành bày tỏ sự khinh thường trong câm lặng.
Sau khi xem kĩ thẻ của họ, nàng lễ tân nhảy tót ra cánh cửa mở ra sân sau rồi ngửa cổ gào toáng lên với mấy cái nhà tầng cạnh đó: “Sếp ơi, cảnh sát đến tìm anh!”
Dù lúc này là giờ hành chính nhưng trên bãi cỏ trong sân vẫn có mấy bàn khách đang ngồi thong thả uống trà chiều.
Vừa nghe cô nàng gào lên như vậy không chỉ khách trong sân mà nhân viên phục vụ và cả bọn Doãn Hạo, Tiểu Đắng đều vã mồ hôi hột với cô ta.
Doãn Hạo thầm nghĩ: Ông chủ Quý Thương này ngu cỡ nào mà đi mướn loại nhân viên phổi bò vậy!
Trong giây lát sân sau vẫn tĩnh lặng, không ai có phản ứng gì.
Cô em kia khum hai tay lên miệng, tiếp tục: “Sếp ơi… có cảnh sát!!!”
Một cánh cửa sổ tầng trên cùng tòa nhà bốn tầng sơn màu trắng bật mở.
Từ xa xa Doãn Hạo trông thấy một người đàn ông mảnh khảnh, mặc áo màu nhạt, làn da trắng như thể được đồ hiệu ứng phát sáng, uể oải đứng bên cửa sổ.
Anh ta lên tiếng bằng cái giọng nghe thật mệt mỏi: “Tiểu Nê Ba, sao em không bắc loa lên gọi sếp ơi chạy mau, cảnh sát đến bắt