Nếu suy diễn từ động cơ gây án thì người bị tình nghi nhiều nhất ở cả vụ án 703 và vụ Dịch Thiếu Thanh chính là Đinh Hằng Viễn.
Vậy nên sau khi Quý Thương giao bản thảo truyện cho Doãn Hạo và thẳng thắn kể lại mọi chuyện Doãn Hạo đã điều tra lại toàn bộ chứng cứ ngoại phạm của Đinh Hằng Viễn.
Và lần điều tra này của anh cũng lại xác nhận rằng Đinh Hằng Viễn hoàn toàn không có thời gian gây án.
Nhưng Doãn Hạo vẫn luôn cảm thấy nghi ngờ Đinh Hằng Viễn, đặc biệt là sau khi anh thẩm tra lại hồ sơ vụ án 703 và thấy đoạn pháp y mô tả dụng cụ cắt lưỡi nạn nhân thì sự ngờ vực của anh càng dấy lên dữ dội.
Đồng thời Doãn Hạo cũng hiểu rất rõ nếu đối tượng tình nghi là một người khác chắc chắn anh sẽ theo đuổi đến cùng.
Anh sẽ đào bới tận chân tơ kẽ tóc, dù có phải quật ba thước đất anh cũng sẽ làm đến khi sự thật phơi bày trước mắt mới thôi.
Nhưng đổi lại là Đinh Hằng Viễn anh lại không thể không e dè thận trọng, để tránh một chút lòng ghen ảnh hưởng đến tư duy luôn thuần lý trí của mình.
Sau khi lược đi một số chi tiết của vụ án, Doãn Hạo thuyết minh sơ qua cho Đinh Hằng Viễn mục đích cuộc gặp ngày hôm nay.
Tuy nhiên vì chuyện này liên quan đến sự kiện mười hai năm trước nên hẳn Đinh Hằng Viễn cũng đoán được ít nhiều.
Cảm xúc của Đinh Hằng Viễn khá ổn định, thậm chí có thể gọi là bình tĩnh.
Dù sao thì chuyện cũng đã qua nhiều năm, lúc này anh ta tỏ ra lạnh nhạt cũng không có gì là bất hợp lý.
Xét cho cùng đến thời điểm này chưa có thêm bằng chứng nào về vụ án của Đinh Tư Tân.
Sau khi liên kết hai vụ án mới với nhau thì suy luận tiền đề cũng chỉ là kẻ chủ mưu vì nguyên nhân nào đó đã tin “sự thật” Quý Thương nói năm đó.
Còn thực chất kẻ đó có nắm được chứng cứ nào có thể đưa vụ án Đinh Tư Tân ra ánh sáng hay không thì chưa thể khẳng định được.
Nói cách khác, đứng trên lập trường khách quan để nhận định thì bản án mười hai năm trước không bị xem là một vụ án oan sai.
Và việc khi đó Đinh Hằng Viễn không chọn tin tưởng Quý Thương cũng không phải lỗi của anh ta.
Đinh Hằng Viễn im lặng hồi lâu, Quý Thương biết anh ta đang nghĩ đến điều gì.
Quý Thương cũng biết Doãn Hạo đã rất thận trọng trong cách dùng từ, anh cố gắng không đưa ra bất cứ một nhận xét nào mang tính cá nhân có thể định hướng tư duy cho Đinh Hằng Viễn.
Hẳn nhiên đó cũng là điều Quý Thương và Doãn Hạo thống nhất với nhau trước cuộc gặp này.
“Nếu đã có chứng cứ mới tại sao không báo ngay cho cảnh sát để các anh lật lại bản án, phơi bày sự thật cho mọi người cùng biết?” Đinh Hằng Viễn không nhìn Quý Thương, anh ta ngập ngừng nói với Doãn Hạo: “Còn nếu không có chứng cứ thì dựa vào đâu mà các anh cho rằng mục đích của hung thủ là báo thù cho Tư Tân? Biết đâu hai người đó còn có chung kẻ thù nào khác, kẻ đó cố tình tung hỏa mù làm cảnh sát nhận định sai thì sao?”
Dù bao nhiêu năm đã qua, dù Quý Thương cũng đã sớm nghĩ đến nhưng khi nghe chính miệng Đinh Hằng Viễn nói những lời này anh vẫn vô thức cảm thấy vừa nhói lòng vừa thất vọng.
Quả nhiên dù bề ngoài Đinh Hằng Viễn có vẻ dửng dưng nhưng cái chết của Đinh Tư Tân vẫn là vết sẹo không thể đụng chạm trong lòng anh ta.
Bởi thế nên chỉ cần một chút dấu hiệu manh nha khiến anh ta ý thức được có thể năm đó mình đã lầm, có thể Quý Thương không hề nói sai thì cái chết của Đinh Tư Tân với anh ta sẽ càng trở nên khó chấp nhận.
Thế là trong vô thức anh ta đã vội vã phản bác, vội vã phủ nhận khả năng này.
“Cũng không loại trừ trường hợp đó.” Doãn Hạo tiếp tục câu chuyện theo hướng đã bàn trước với Quý Thương, anh giải thích: “Hiện nay chúng tôi đang sàng lọc mạng lưới quan hệ của cả hai nạn nhân, có thể đúng như anh nói, giữa hai người này còn có những mối liên quan khác nữa.
Nhưng trong công tác điều tra chúng tôi không thể bỏ qua bất cứ một khả năng nào.
Vì thế hy vọng anh Đinh thông cảm và hợp tác với cảnh sát.”
Đinh Hằng Viễn ậm ừ, có vẻ thả lỏng hơn trước nhiều.
Doãn Hạo nói tiếp: “Năm đó ngoài người nhà ra Đinh Tư Tân còn có người bạn nào rất thân ở trường hoặc ngoài trường không?”
Mẹ Đinh Hằng Viễn đã mất, cha anh ta đang liệt một chỗ, khi những người ruột thịt trực hệ khác đã qua đời hết thì cơ bản sẽ loại người nhà ra khỏi diện tình nghi.
Đinh Hằng Viễn gỡ kính xuống, nặn nặn mũi, anh ta nghĩ một lúc rồi lắc đầu đáp: “Tư Tân là người rất nhiệt tình, con bé quan hệ rất tốt với cả bạn bè lẫn bà con trong thôn.
Nhưng nếu bảo có ai rất rất thân không thì đúng là tôi không có ấn tượng gì cả.
Chuyện qua lâu lắm rồi, xin lỗi có lẽ tôi không giúp được gì cho các cậu.”
Quý Thương đã im lặng hồi lâu, lúc này chợt lên tiếng: “Em nhớ hồi đó có một cậu con trai từng bị đưa vào diện bị tình nghi, hình như năm ấy cậu ta đang theo đuổi Tư Tân thì phải.
Anh Hằng Viễn còn nhớ cậu ta tên là gì không?”
Đinh Hằng Viễn cận không nặng nhưng ngồi cách nhau một cái bàn anh ta vẫn không sao thấy rõ được gương mặt Quý Thương.
Ngón tay anh ta mãi mân mê gọng kim loại của cặp kính mắt mà lại không chịu đeo nó lên.
Anh ta cảm thấy ngắm nhìn Quý Thương như thế này là tốt nhất, mơ hồ, mông lung như gặp gỡ trong mộng, khiến mọi thứ dễ dàng hơn bao nhiêu.
“Không nhớ lắm.” Đinh Hằng Viễn lắc đầu rồi cười nhạt cảm thán: “Ngoài người thân ruột thịt làm gì còn ai hơn mười năm rồi vẫn nhớ mãi chứ?”
Đinh Hằng Viễn lại nhìn Quý Thương: “Tình cảm thời niên thiếu lấy đâu ra mà sâu sắc? Làm sao đáng để người ta giết người vì con bé sau ngần ấy năm? Anh nghĩ có lẽ các cậu theo nhầm đối tượng rồi.”
Câu nói mang ẩn ý này khiến Doãn Hạo nhíu mày, anh phải cố dằn lại cơn bực mình, thật chỉ muốn mời gã này xéo đi cho nhanh.
Thậm chí với chính Quý Thương, khi mối tình xưa nghĩa cũ đã sớm trôi vào dĩ vãng thì nghe Đinh Hằng Viễn nói mấy lời vừa rồi anh cũng bị sững sờ không khác gì Doãn Hạo.
Không phải anh nhói lòng, mà là anh thấy lạ quá.
Đinh Hằng Viễn ngồi đây lúc này dường như không phải là cái người mới cách đây không lâu ở viện dưỡng lão Thường Bình còn hỏi anh có phải vẫn sợ sét đánh hay không.
Đinh Hằng Viễn nói xong thì đeo kính lên mắt, ánh mắt anh ta nán lại ở Quý Thương một thoáng rồi hướng ra ngoài cửa sổ, anh ta nói: “Sáng nay anh bảo Tiểu Ngải sẽ đưa nó đến gặp chú lần trước hút thuốc ngoài cửa nó vui lắm.
Không ngờ Tiểu Cửu hẹn anh lại đây là vì việc này.”
Đinh Hằng Viễn vừa cười vừa nói nhưng hàm ý thì rất rõ ràng.
Quý Thương cũng chẳng muốn giữ anh ta lại thêm, dù sao con gái người ta còn đợi dưới nhà kìa.
Thế là anh dứt khoát nói: “Anh Hằng Viễn này, còn một chuyện em muốn hỏi nốt.
Năm đó có bao nhiêu đứa con trai về nghỉ hè ở nhà bà Ngô Anh Tư, cái bà nhà sát cạnh hồ ấy? Anh có nhớ không?”
Đinh Hằng Viễn đứng dậy, vuốt phẳng lại áo quần bị nhăn.
Anh ta hơi nhíu mày rồi khẳng định: “Bốn đứa.”
“Anh có chắc không?” Quý Thương hỏi.
“Chắc chắn.” trong đầu Đinh Hằng Viễn lúc này chỉ còn hình ảnh Quý Thương với