Câu chuyện của người hói đầuChúng tôi đi theo người gia nhân Ấn Độ dọc theo một hành lang bẩn thỉu, thiếu ánh sáng và thiếu cả bàn ghế.
Cuối hành lang, hắn mở cánh cửa bên tay phải.
Ánh đèn vàng rực đón tiếp chúng tôi.
Giữa vùng sáng chói chang đột ngột đó hiện ra một người đàn ông thỏ thó với cái đầu hói khổng lồ bóng loáng.
Một vành tóc hung chạy quanh đầu tự nhiên gợi cho ta hình ảnh đỉnh một quả núi nổi lên từ giữa đám rừng thông.
Người đàn ông đứng thẳng, vặn đôi tay với nhau, vẻ bứt rứt.
Nét mặt thay đổi không ngừng, hết mỉm cười rồi lại cau có mà ta chẳng biết tại sao.
Ngoài ra, môi dưới của ông ta bị tật trễ xuống, để lộ hàng răng vàng bệch và mọc lộn xộn.
Ông tìm cách che đậy bằng cách chốc chốc lại đưa tay che phần dưới mặt.
Ông có vẻ còn trẻ, tuy bị hói đầu: thực ra, ông vừa mới ba mươi tuổi.- Kính hầu cô, cô Morstan! Ông nhắc đi nhắc lại bằng một giọng lanh lảnh - Kính hầu quý ngài: Xin mời quý ngài hạ cố bước vào bên trong ẩn phòng nhỏ bé của tôi.
Nó không lớn lắm đâu; thưa cô, song tôi đã thiết trí nó theo sở thích của tôi: một thánh đảo huy hoàng giữa bãi sa mạc nóng bỏng của Nam London.Cả ba chúng tôi đều bàng hoàng ngơ ngẩn trước quang cảnh gian phòng ông mời chúng tôi vào.
Trong ngôi nhà buồn tẻ này, gian phòng trông đến lạc lõng, chẳng khác nào viên kim cương tinh khiết nhất lại gắn vào một chiếc nhẫn đồng.
Bốn bức tường được trang hoàng bằng thảm và màn với màu sắc và nghệ thuật rất tuyệt vời, đôi chỗ người ta vén lên một chút để làm nổi bật hơn một lọ cổ phương Đông hoặc một bức tranh lồng khung sặc sỡ.
Tấm thảm trải lên sàn nhà màu hổ phách có vân đen, dày đến độ chân ta lún vào đấy thật khoan khoái như bước lênmột lớp rêu.
Hai tấm da cọp rộng lớn tăng thêm vẻ huy hoàng Đông Phương.
Một cỗ điếu cày to tướng đặt trên một cái mâm chẳng làm giảm vẻ đẹp đẽ của toàn cảnh chút nào.
Từ chiếc đỉnh trầm treo bằng một sợi dây vàng nhỏ gần như mắt không trông thấy được, ngay giữa gian phòng, tỏa ra một mùi hương nồng thắm.Người đàn ông vừa lăng xăng vừa tự giới thiệu:- Tôi là Thaddeus Sholto.
Cô chắc hẳn là cô Morstan? Còn các ông đây là...?- Xin giới thiệu: đây là ông Shelock Holmes và bác sỹ Watson.- Ồ, một bác sỹ à? Ông la lớn, vẻ kích động rõ ràng - Thế ông có mang ống chẩn bệnh theo không? Tôi có thể hỏi thăm ông là...? Xin ông vui lòng...? Tôi đang rất lo ngại không biết cái mão biện mạc của tôi có hoạt động tốt không, và nếu không phải là quá lợi dụng lòng tốt của ông thì...? Tôi nghĩ là cái động mạch chủ của tôi thì không sao, nhưng tôi rất mong được biết ý kiến của ông về cái mão biện mạc.Tôi khám tim cho ông theo lời ông yêu cầu, nhưng thấy chẳng có gì là bất thường, chỉ có điều là hình như ông đang đau khổ về một nỗi lo sợ thầm kín nào đó: Toàn thân ông ta run lẩy bẩy từ đầu xuống chân thế kia.- Mọi sự đều có vẻ bình thường - Tôi bảo - Ngài chẳng có lý do gì để phải lo lắng cả.- Xin cô cũng vui lòng bỏ qua cho tôi nỗi lo âu hồi hộp này, cô Morstan ạ - Ông nói bằng giọng nhẹ nhàng hơn - Sức khỏe của tôi rất yếu kém, và từ lâu nay cái biện mạc ấy vẫn làm tôi băn khoăn mãi.
Nay tôi rất đỗi vui mừng được biết rằng không có gì đáng ngại.
Này cô, nếu thân phụ cô không làm nhọc tim mình quá độ, thì hôm nay ông ấy có thể vẫn còn sống đấy.Thật tôi muốn tát tai ông ấy quá.
Lối nói năng thô bạo và thờ ơ về một chuyện đau buồn như thế làm tôi tức đến lộn ruột.Cô Morstan ngồi xuống, mặt mày tái nhợt, đôi môi trắng bệch ra.- Trong thâm tâm, tôi cũng biết là cha tôi đã chết rồi.- Tôi có thể thuật lại cho cô mọi chi tiết.
Hơn nữa, tôi có thể đem lại công bằng cho cô.
Và tôi sẽ làm đúng như thế, dù anh Bartholomew của tôi có nói gì đi nữa.
Tôi rất mừng là các bạn cô có mặt ở đây.
Không phải chỉ vì họ làm cho cô an tâm mà còn vì họ sẽ là nhân chứng cho những điều tôi sắp nói và làm.
Bốn chúng ta đây cũng đủ đương đầu với anh Bartholomew của tôi rồi.
Nhưng ta chớ để kẻ lạ xen vào? Cảnh sát hay các viên chức khác cũng thế! Nếu không có sự can thiệp không phải lúc thì ta sẽ có cách thu xếp mọi chuyện rất thỏa đáng.
Nếu làm rùm beng chuyện này lên thì anh Bartholomew sẽ bực mình lắm đấy.Ông ngồi trên chiếc ghế tròn thấp, cặp mắt xanh yếu ớt và kèm nhèm nhìn chúng tôi như lục vấn.- Riêng về phần tôi, những điều ông sắp sửa nói ra chắc là không đi xa hơn những suy nghĩ của tôi lắm đâu - Holmes bảo.Tôi gật đầu đồng tình.- Điều đó tốt thôi! - Ông ta nói: - Rất tốt thôi! Tôi có thể mời cô dùng ly rượu Chianti được chăng, cô Morstan? Hoặc một ly Tokay nhé? Tôi chẳng có thứ rượu vang nào khác.
Tôi khui một chai nhé? Không à? Thế thì tôi mong rằng khói thuốc không làm cô khó chịu: Thuốc lá phương Đông có một mùi thơm đậm đà.
Tôi hơi nóng tính, như cô thấy đấy, và thứ thuốc điếu cày này đối với tôi là một liều an thần tuyệt diệu.Ông đưa ngọn nến xích lại gần và trong khoảnh khắc từng tăm khói thuốc lọc qua nước màu hồng.
Ngồi thành hình bán nguyệt, đầu hơi chồm về phía trước, cằm tỳ lên bàn tay, cả ba chúng tôi chăm chú nhìn con người nhỏ bé với cái đầu to tướngláng bóng ấy, đối diện với chúng tôi, rít từng hơi thuốc trên ống điếu bằng dáng điệu thiếu tự tin.- Sau khi quyết định bắt liên lạc trực tiếp với quý vị - Ông nói - tôi cũng ngần ngại lắm mới cho biết địa chỉ của mình.
Tôi e rằng quý vị không theo lời yêu cầu của tôi, đem theo những kẻ có thể gây ra phiền hà.
Thế nên tôi đã mạn phép định với quý vị một điểm hẹn sao cho Williams có thể trông thấy quý vị trước.
Tôi hoàn toàn tin tưởng anh ta.
Vả lại tôi cũng đã căn dặn anh ấy đừng đưa quý vị đến đây, nếu thấy có dấu hiệu khả nghi.
Quý vị chắc cũng miễn chấp cho tôi về những biện pháp phòng đó, nhưng thật tình là tôi đang sống một cuộc đời có phần ẩn dật.
Hơn nữa, không có gì làm cho tính mẫn cảm của tôi, mà tôi có thể coi là rất tinh tế, một phát ghê tởm bằng một tên cảnh sát.Tôi có xu hướng bẩm sinh là tránh mọi hình thức thô bạo; và rất hiếm khi tôi tiếp xúc với cái đám bằng dân hạ đẳng kia.
Như quý vị đã thấy, tôi sống trong một khung cảnh thanh lịch.
Tôi có thể tự cho tôi là người bảo vệ nghệ thuật.
Ấy, nhược điểm của tôi là ở chỗ đó.
Cảnh này là một bức tranh của họa sỹ Corot chính hiệu đấy.
Còn đây, về bức tranh này của họa sỹ Salvator Rosa, thì một chuyên gia có thể dè dặt nêu lên một vài điểm yếu; nhưng ngược lại, bức tranh này của Bouguereau, thì không có gì phải bàn cãi thêm nữa.
Tôi có xu hướng rõ rệt với trường phái hội họa của Pháp mới đây, thú thật như vậy.- Xin lỗi ông Sholto, cô Morstan cất tiếng - Tôi đến đây theo lời yêu cầu của ông để nghe những điều ông muốn nói với tôi.
Bây giờ cũng đã muộn lắm rồi, và tôi mong sao cuộc hội kiến này càng chóng càng tốt.- Dẫu cho rằng một sự sẽ êm xuôi, thì cũng phải còn lâu lắm ạ.
- Ông đáp - Chắc chắn là ta sẽ phải đi đến Norwood để gặp anh Bartholomew của tôi.
Chúng ta sẽ cố gắng thuyết phục anh ấy làm cho anh ấy phải nghe ra lẽ phải mới được.
Anh ấy rất giận tôi vì tôi đã làm điều mà tôi cho là đúng.
Tối qua chúng tôi đã gần đi đến chỗ cãi lộn nhau rồi đấy.
Quý vị không thể tưởng tượng được mỗi khi anh ấy nổi giận thì anh ấy khủng khiếp như thế nào.- Nếu cần đi đến Norwood tốt hơn có lẽ ta nên đi bây giờ chăng? - Tôi đánh bạo nói.Ông vụt cười đến đỏ bừng cả tai.- Không được đâu! Ông kêu lên - Tôi không biết anh ấy sẽ phản ứng ra sao nếu tôi đưa quý vị đến đấy một cách đột ngột như vậy.
Không ạ, chưa tiện, tôi cần giải thích cho anh ấy rõ vị trí của mỗi người trong chúng ta.
Và trước hết, cần phải nói thêm là trong câu chuyện này, còn một số điểm mà chính tôi cũng còn chưa được tỏ tường.
Tôi chỉ có thể trình bày cho quý vị thấy những gì mà tôi được biết.Thiếu tá John Sholto, thuộc đạo quân ở Ấn Độ, là thân sinh ra tôi, chắc quý vị cũng đã đoán biết.
Ông nghỉ hưu cách đây gần 11 năm và đến định cư tại biệt trang Pondicherry, khu Thượng Norwood.
Tại Ấn Độ ông rất giàu; lúc trở về, ông mang theo một số tiền kếch sù, một bộ sưu tập phong phú những báu vật hiếm có, và sau cùng là một số gia nhân người bản xứ.
Thế rồi ông tậu một ngôi nhà và sống rất đế vương.
Chúng tôi, anh Bartholomew và tôi là con song sinh, độc nhất.Tôi nhớ rất rõ nỗi sửng sốt khi hay tin đại úy Morstan mất tích.
Chúng tôi đọc chi tiết nội vụ đăng trong các nhật báo, và được biết ông ấy là bạn thân của cha tôi, nên chúng tôi công nhiên thảo luận vụ ấy trước mặt ông.
Vả lại; chính ông cụ cũng tham gia ý kiến với chúng tôi để giải thích điều bí ẩn này.
Nhưng tuyệt nhiên, không bao giờ, một trong hai chúng tôi lại có ý ngờ rằng ông cụ lại giữ kín điều bí mật tận đáy lòng.
Tuy nhiên, ông cụ biết rõ, và trên đời này chỉ có mình ông cụ mà thôi, về số phận của Arthur Morstan.Có điều chúng tôi cảm thấy một điều bí ẩn nào đó, một hiểm nguy thật sự đang đe dọa cha chúng tôi.
Ông cụ rất sợ phải ra phố một mình và mướn cả hai cựu võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp làm người gác cổng.
Williams, người đã đưa quý vị đến đây tối nay là một trong hai tay đó.
Đã có dạo anh chàng này là vô địch hạng nhẹ của nước Anh đấy.
Cha chúng tôi không muốn thổ lộ nguyên nhân những nỗi sợ hãi của ông, nhưng ông cụ vô cùng kinh tởm những người đi chân gỗ, đến độ, một ngày nọ, ông cụ không do dự bắn một phát súng ngắn vào một người như thế, mà thực ra đó chỉ là một nhân viên chào hàng vô hại đang đi kiếm mối.
Chúng tôi đã phải trả một khoản tiền rất lớn mới giữ kín được việc này.
Anh tôi và tôi sau cùng rồi cũng cho đây chỉ là tính ngông của tuổi già thôi.
Nhưng các sự cố tiếp theo buộc chúng tôi phải thay đổi ý kiến.Đầu năm 1882 trong lúc đang đọc báo trước bữa điểm tâm, cha tôi nhận một bức thư từ Ấn Độ gởi sang.
Ông suýt ngất xỉu và cũng từ ngày đó ông cụ héo hon dần.
Lúc ấy chúng tôi không đọc được nội dung lá thư kia, nhưng đến khi ông cụ tỉnh lại tôi thấy nó chỉ gồm vài câu viết hí hoáy.
Suốt nhiều năm sau, ông cụ mắc chứng sưng gan; tình trạng suy sụp rất nhanh.
Khoảng cuối tháng Tư, chúng tôi được thông báo là ông cụ không còn hy vọng gì nữa và muốn nói chuyện với chúng tôi một lần cuối.Khi chúng tôi bước vào phòng, ông cụ đang ngồi, người được đỡ bằng nhiều gối, và thở rất khó nhọc.
Ông bảo chúng tôi khóa cửa lại và ngồi xuống bên cạnh giường.
Nắm chặt lấy tay chúng tôi, ông cụ thuật lại chúng tôi nghe một câu chuyện thật là ly kỳ.
Cơn xúc động và đau đớn đôi lúc đã khiến ông phải ngắt lời.
Tôi cố gắng kể lại nguyên văn lời ông:"Vào giây phút cuối cùng này - Ông cụ nói - chỉ còn một điều duy nhất làm cha khổ tâm: đó là cung cách cha đã đối xử với cô gái mồ côi của anh bạn Morstan đáng thương của cha.
Do cái tính keo kiệt đáng nguyền rủa vốn là nguyên nhân tội lỗi của cha, cô bé đã bị truất mất một kho báu mà ít ra nó cũng có quyền được hưởng một nửa.
Tuy nhiên, chính cha cũng không sử dụng đến của ấy, bởi vì tính keo kiệt đã khiến cha đâm ra mù quáng và ngu xuẩn.
Của cái đã khiến cha quên hết tất cả nên cha không muốn chia sớt cho ai, dầu ít đến đâu chăng nữa.Các con có trông thấy chuỗi ngọc bên cạnh lọ thuốc quinine của cha không? Đấy, mãi cho đến nay, cha vẫn chưa quyết định dứt khoát là nên xa nó đấy, các con à.
Vì thế mà cha đã lấy nó ra với quyết định gởi nó cho cô gái kia đấy.
Vậy, nay đến lượt các con, các con hãy gởi cho cô ấy một phần công bằng trong kho báu vật Arga[1] nhưng chớ gởi gì cả, dẫu chỉ là một hạt ngọc trước khi cha chết.
Dầu sao thì cũng có rất nhiều người còn đau yếu hơn cha mà vẫn bình phục được!".Giờ cha sẽ cho các con biết Morstan đã chết như thế nào - Ông cụ nói tiếp - Từ lâu, ông ấy mắc chứng đau tim, nhưng chẳng nói cho ai biết cả.
Chỉ có mình cha là rõ chuyện ấy.
Dạo còn ở bên Ấn Độ, nhờ thời cơ đặc biệt lạ lùng, ông ấy và chanắm trong tay một kho báu to lớn.
Cha chuyển nó về Anh và ngay tối hôm về nước, Morstan đến đòi phần mình.
Ông ta đã đi bộ từ nhà ga và chính Lal Chowdar, tên gia nhân trung thành của cha chết từ sau dạo ấy, đã đưa ông ta vào nhà.
Một cuộc cãi vã bùng ra sau khi ông ấy và cha bàn tính chuyện chia chác kho báu.
Lúc tức giận cực điểm, Morstan vụt đứng dậy, rồi đột ngột đưa tay sang bên.
Mặt mất hết thần sắc, ông ngã ngửa người ra.
Đầu ông chạm mạnh vào góc chiếc hộp đựng báu vật.
Cha cúi xuống nhìn xem và kinh hoàng khi thấy ông ta đã chết.Cha ngồi bất động hồi lâu trong