Người dịch: Hoa Linh Linh
“A Lục, anh bắt được em rồi.”
Tiết tử
Cơn gió lướt nhanh qua cửa sổ, cả nhà máy càng lúc càng yên tĩnh.
Trán và lòng bàn tay A Lục đổ đầy mồ hôi, bụi trong ống dẫn rơi vào mắt, cô ra sức dụi dụi, hai mắt sưng đỏ lên, vừa ngứa vừa đau.
Cô gần như sắp bật khóc rồi.
Trước mặt xuất hiện một luồng ánh sáng yếu ớt, cô bò nhanh hơn, cuối cùng cũng nhìn thấy một bóng người đổ dài trên nền xi măng.
“Anh Ninh Sinh, là anh sao?”
Cô ngạc nhiên vui mừng bò ra khỏi đường ống, chạy theo hướng bóng người ngược sáng đó.
1
Trần Lục Sa đột ngột tỉnh dậy từ trong giấc mơ.
Nháy mắt cảnh vật chuyển từ mộng thành hiện thực, bên ngoài mưa rả rích, là cơn mưa xối xả liên tục không ngớt của mùa hè phương nam.
Trần Lục Sa và Châu Tịnh Sinh thuê chung một căn hộ hai phòng ngủ, một phòng khách ở trên tầng cao, lúc thời tiết đẹp có thể nhìn thấy biển ở phía xa và những cây hoa phượng tím nở rộ rực rỡ trên đường từ cửa sổ.
Châu Tịnh Sinh bận đi làm, Trần Lục Sa bận chuẩn bị cho kỳ thi IELTS, cuộc nói chuyện giao tiếp hàng ngày giữa hai người thường diễn ra trong nửa giờ trên bàn ăn sáng.
“Châu Tịnh Sinh, thứ tư tuần tới mẹ em tổ chức sinh nhật, em muốn về nhà một chuyến.”
Châu Tịnh Sinh ngồi ở đầu bàn bên kia, cổ tay áo sơ mi trắng không dính chút bụi, phía sau cặp kính gọng mỏng thấp thoáng đôi mắt chứa đựng sự bình tĩnh không chút gợn sóng của cái gọi là “tinh anh giới tài chính”.
Anh nói: “Anh về cùng em.”
“Không cần đâu, không phải công việc của anh rất bận à?”
Châu Tịnh Sinh vô cùng kiên trì, anh lập tức lấy điện thoại ra đặt hai vé máy bay.
Trần Lục Sa đã không còn cảm thấy kinh ngạc về cách làm việc kỳ quái của anh nữa rồi.
Cô nhai bánh mì, lại nói: “Tối qua em đã nhận được thư của anh Ninh Sinh rồi.” Nó được gửi từ một ngôi làng nhỏ ở sâu trong núi tại biên giới Tây Nam, gửi tới hòm thư của chung cư, bị đè dưới một xấp tờ rơi, một túi giấy rất dày, ngoài thư còn có ảnh.
Trần Lục Sa nhận được gói hàng phong phú như vậy ba tháng một lần, vào khoảng ngày mùng mười là tới, đã duy trì được ba năm mặc kệ gió mưa.
Châu Tịnh Sinh tựa như không nghe thấy, anh thản nhiên quệt mứt lên bánh mì như thể đây mới là chuyện quan trọng nhất trước mắt.
Trần Lục Sa sầu muộn, chống cằm trên mặt bàn gỗ thở dài một tiếng hoà vào tiếng mưa lớn: “Rốt cuộc khi nào anh Ninh Sinh mới trở về đây.”
Ăn sáng xong, xe lao đi trong cơn mưa đưa Trần Lục Sa đến phía dưới toà nhà lớp học khẩu ngữ.
Châu Tịnh Sinh dặn cô học hành cho tốt, Trần Lục Sa liên tục nói “biết rồi” nhưng sau khi Châu Tịnh Sinh đi cô liền quay lại ngăn một chiếc xe, đi theo hướng ngược lại.
Trần Lục Sa đi gặp bác sĩ tâm lý.
Hôm nay cô đến hơi sớm, trong phòng tư vấn, bác sĩ điều trị của cô, giáo sư Ngô đang tiếp một người bạn cùng ngành.
Giáo sư Ngô dẫn cô vào phòng làm việc và bảo cô đợi.
Mười lăm phút sau, giáo sư Ngô tiếp khách xong liền bưng trà nóng bước vào phòng, đặt tách trà lên bàn cà phê trước mặt Trần Lục Sa, nhẹ giọng hỏi: “Gần đây tốt hơn chút rồi sao?”
Trần Lục Sa lắc đầu: “… Tôi lại mơ thấy giấc mơ đó.”
“Có tiến triển không?”
Trần Lục Sa lắc đầu.
Giấc mơ này đã quấy nhiễu Trần Lục Sa hơn một năm.
Trong mơ cũng mưa xối xả, là vào đêm khuya, cô lái xe như đi trong một lọ mực.
Trời đổ mưa như trút nước, trong phạm vi đèn chiếu gần tầm nhìn cực kỳ thấp, tay chân cô cứng đờ lại vì lạnh, động tác xoay vô lăng vô cùng chậm, đợi đến khi phát hiện ra có người ở phía trước thì đã quá muộn…
Một năm qua, giấc mơ này liên tục xuất hiện, nó luôn đột ngột dừng lại khi cô sắp nhìn thấy rõ người đó, hình ảnh cuối cùng trước khi tỉnh dậy là một người mặc áo gió đen đứng giữa đường, hòa vào màn mưa.
Theo lý mà nói cô nên cảm thấy giấc mơ này thật khủng bố, nhưng cảm xúc của cô lúc nào cũng buồn bã, giống như bản thân cô biến thành một quả mơ xanh nhăn nheo trong nước muối vậy, vị vừa chua vừa chát.
Giáo sư Ngô đẩy tách trà về phía cô, hỏi một cách uyển chuyển: “Tiến độ chuẩn bị kỳ thi IELTS không thuận lợi sao?”
Trần Lục Sa cười nói: “Có phải ông muốn nói tôi bị áp lực quá lớn không?”
Giáo sư Ngô cũng cười: “… Trước tiên không nói đến cái này nữa.
Cô nhận được thư rồi à?”
Nhắc đến Châu Ninh Sinh, vẻ mặt của Trần Lục Sa dịu đi: “Vẫn như trước, thư và ảnh.”
Bức thư viết rất ngắn gọn, nói về tình hình hiện tại, dặn dò cô chú ý sức khoẻ, nỗ lực chăm chỉ.
Chữ viết rất đẹp, nét bút mạnh mẽ, tự nhiên phóng khoáng.
Có rất nhiều ảnh, ngôi làng được bao quanh bởi những tán cây trong buổi ráng chiều, căng tin đặt chiếc tủ lạnh cũ, con bò già nằm trên bờ ruộng, những hòn đá và cây cỏ lạ chưa từng thấy hay là bầu trời xanh thẫm lúc bình minh… Những bức ảnh không có kết cấu gì, thậm chí có một số tấm còn bị mờ, quả thật giống bức ảnh của một đứa trẻ tùy tiện chụp vậy.
Ba năm qua, mỗi một bức ảnh của Châu Ninh Sinh đều được Trần Lục Sa cất giữ cẩn thận, giống như lời dặn dò của Châu Ninh Sinh khi anh rời đi: Chăm chỉ học hành, đợi anh quay lại.
2
Từ khi Châu Tịnh Sinh mười lăm tuổi, hàng xóm thường cảm thán, hai anh em nhà họ Châu thiếu niên nhanh nhẹn phóng khoáng, thật sự là người này anh tuấn hơn người kia.
Lấy “mười lăm tuổi” làm mốc là bởi vì trước năm mười lăm tuổi, Châu Tịnh Sinh là một người mập mạp.
Cùng một chiếc áo sơ mi trắng, anh trai Châu Ninh Sinh mặc lên trông như nam chính truyện tranh.
Em trai Châu Tịnh Sinh mặc lên thì căng chặt, cúc lung lay như sắp bật ra vì chiếc bụng như cái trống của anh.
Châu Tịnh Sinh nhỏ hơn anh trai Châu Ninh Sinh gần ba tuổi, mà Trần Lục Sa còn nhỏ hơn Châu Tịnh Sinh hai tuổi.
Hai nhà Châu Trần là hàng xóm của nhau, cha mẹ của họ qua lại với nhau nhiều năm nên từ khi sinh ra, Trần Lục Sa đã được hưởng sự che chở yêu thương tỉ mỉ chu đáo của hai anh trai họ Châu.
Ở cái tuổi ngây ngô không hiểu chuyện, trong lòng Trần Lục Sa đã phân biệt anh em nhà họ Châu theo vẻ bề ngoài một cách rõ ràng: Anh Ninh Sinh đẹp trai, thông minh, loá mắt, thích.
Anh Tịnh Ninh mập mạp, vụng về, trầm mặc ít nói, ghét.
Lúc nhỏ Trần Lục Sa có tính cách bướng bỉnh cố chấp, đặc biệt thích trêu chọc Châu Tịnh Ninh.
Cô cướp đồ ăn của anh, đoạt lấy cuốn sách anh đang đọc hoặc là xông vào phòng anh như tên lửa khi anh đang nghiêm túc làm bài tập, bắt anh phải kể một câu chuyện cổ hiếm có.
Châu Tịnh Ninh chưa từng biện hộ, anh gần như cam chịu điều đó.
Châu Ninh Sinh là một người hoàn mỹ.
Trần Lục Sa không phải là người duy nhất giữ quan điểm này, Châu Tịnh Sinh càng thông suốt một cách triệt để hơn.
Anh và Châu Ninh Sinh học cùng trường tiểu học, cùng lớp năng khiếu, mặc quần áo giống nhau, thậm chí đến bộ đồ ăn cũng phải chọn giống hệt nhau.
Người lớn thường cười đùa Châu Tịnh Sinh là cái đuôi nhỏ của anh trai nhưng Châu Tịnh Sinh dường như không bao giờ quan tâm đến điều đó.
Trần Lục Sa học tiểu học cùng trường với anh em nhà họ Châu.
Tan học, Trần Lục Sa ngồi trên yên sau xe đạp của Châu Ninh Sinh, dẫn đầu đi về phía xa.
Châu Tịnh Sinh đi theo phía sau, dùng sức đạp, thở hổn hển.
Trần Lục Sa nổi lên lòng xấu, nói phải nhanh đến cửa hàng băng đĩa phía trước để giành được album mới phát hành, thúc giục Châu Ninh Sinh đi nhanh hơn.
Châu Tịnh Sinh đương nhiên không đuổi kịp, thân thể nặng nề của anh nghiêng về phía trước như muốn đột phá giới hạn, dưới chân càng ngày đạp nhanh hơn, sắc mặt đỏ bừng.
Hình ảnh như vậy tự nhiên không có gì liên quan tới “cảnh đẹp ý vui” cả, Trần Lục Sa nhìn bóng dáng bị bỏ lại càng lúc càng xa kia, trong lòng mơ hồ dâng lên suy nghĩ: Tại sao còn muốn đuổi theo? Từ bỏ là được rồi mà, thật là nhếch nhác thảm hại.
Sau đó, Châu Ninh Sinh toả sáng, thể hiện năng lực, đi trên con đường của một người làm mưa làm gió, có được tình yêu thương chiều chuộng vô tận.
Châu Tịnh Sinh vẫn béo phì, vẫn vụng về ít nói và khó hoà hợp.
Còn Trần Lục Sa không biết sầu muộn, hy vọng cuộc sống thế này sẽ tồn tại mãi mãi, tốt nhất là đừng bao giờ có một ngày lớn lên.
Nhưng mà năm cô mười tuổi, công việc của cha Châu có thay đổi, phải chuyển nhà lên phía bắc.
Vào ngày chuyển nhà hôm đó, Trần Lục Sa đến nhà họ Châu để tiễn.
Chiếc xe tải lớn dừng ở cửa, cha mẹ Châu và Châu Ninh Sinh đang giúp bê hành lý lên xe.
Châu Ninh Sinh nhìn cô méo miệng lại muốn khóc liền ngồi xổm xuống an ủi: “A Lục đã là người lớn rồi, đừng khóc nữa, được không? Kỳ nghỉ đông và hè em có thể đến tìm bọn anh chơi mà.” Anh ấy chỉ vào trong phòng, muốn rời sự chú ý của cô đi: “Bên ngoài nóng, em vào trong nói chuyện với Tịnh Sinh đi.”
Châu Tịnh Sinh ngồi trước cửa sổ phòng ngủ, anh mặc áo sơ mi, cái bụng căng phồng khiến cúc áo lung lay như sắp rụng.
Anh ngồi ngay ngắn nghiêm chỉnh, lưng thẳng tắp, tay cầm cây bút không biết đang viết gì, nét bút chậm rãi lại thận trọng.
Trần Lục Sa không tới gần, cô đứng ở cửa phía xa xa, hình bóng Châu Tịnh Sinh vẫn luôn bị cô ức hiếp nhưng trước nay chưa từng oán giận lấy một câu dần trở nên mờ mịt trong nước mắt: “Châu Tịnh Sinh, các anh đều đi rồi, em phải làm sao đây?”
Châu Tịnh Sinh đóng nắp bút lại, quay người nhìn cô.
Lần đầu tiên Trần Lục Sa chú ý tới, trong ánh đèn phản quang, Châu Tịnh Sinh có đôi mắt đẹp như vậy, tựa như hồ nước đang ngủ say.
Anh dường như không biết phải làm thế nào để an ủi, bèn bước tới phía trước, cho cô một cái ôm vụng về.
3
Tuổi thơ của Trần Lục Sa thật sự kết thúc khi nhà họ Châu chuyển đi nơi khác.
Cô gần như trưởng thành sau một đêm, bắt đầu cảm thấy những nụ cười vô tư không biết buồn sầu trong trường thật ngây ngô đến nực cười.
Trong hai năm, Trần Lục Sa và Châu Ninh Sinh nói chuyện trao đổi nhiều nhất là qua thư từ.
Cô than thở với anh ấy về cuộc sống phiền muộn, thành tích thi tăng dần, cũng chia sẻ một số chuyện vui vẻ, chẳng hạn như sau khi họ chuyển đi, hoa tường vy trong sân nở rồi, vẫn um tùm như trước.
Cuối thư, cô sẽ để lại một câu “Giúp em hỏi thăm Châu Tịnh Sinh”.
Châu Ninh Sinh trả lời hết từng bức thư của cô nhưng nội dung ngắn gọn, chỉ giải thích bằng vài câu hoặc là khuyên cô học hành chăm chỉ.
Đôi khi trong thư sẽ kẹp thêm một vài bức ảnh, ảnh màn đêm, lá rụng hoặc những con đường phủ đầy tuyết ở phía bắc.
Vào kỳ nghỉ hè chuẩn bị lên cấp hai, Trần Lục Sa đã lên phía bắc một chuyến.
Châu Ninh Sinh lại cao hơn rồi, anh ấy đứng ở cửa ga, dáng người cao lớn mặc chiếc áo phông trắng, cả người đẹp trai chói mắt, giống như ánh sáng xuất hiện khi chiếc lá bị gió mùa hạ thổi qua rơi xuống.
Sau khi chào hỏi xong, Trần Lục Sa mới thấy Châu Tịnh Sinh đang đứng ở một góc cách đó không xa.
Anh đã cao hơn, cũng gầy đi không ít, nhưng vẫn chưa thoát được khỏi phạm trù “mập mạp”.
Anh đang mặc một chiếc áo phông gần giống của Châu Ninh Sinh, đeo tai nghe, giống như một cái bóng không tranh với đời, mãi đến khi Trần Lục Sa nhìn sang, anh mới ngước mắt lên đối diện với ánh mắt cô.
Trong kỳ nghỉ hè, anh em nhà họ Châu và một người bạn của Châu Ninh Sinh đã đưa Trần Lục Sa đi ăn chơi từ sáng đến tối.
Người bạn của Châu Ninh Sinh kia tên là Vệ Khải, một người bản địa sinh ra và lớn lên ở đó, biết rõ những nơi đặc sắc của địa phương.
Ba người họ dẫn Trần Lục Sa đi ăn bánh đậu vàng Hà Lan và bánh gạo chiên chính tông, đi dạo trong những con hẻm cổ kính cây cối um tùm để tìm một quán có bánh rán ngon nhất.
Họ thường xuyên đến sân trượt băng nhất, Trần Lục Sa giữ thăng bằng không tốt, mỗi lần đều ngã đến sưng mặt tím mũi.
Chạng vạng tối, cả thành phố như phiêu bay trong ánh hoàng hôn dày đặc.
Từ sân trượt băng đi ra, Châu Ninh Sinh lấy bình xịt trong trong ba lô xử lý vết bầm tím sưng tấy trên cổ tay và mắt cá chân của Trần Lục Sa.
Anh ngồi xổm, động tác nhẹ nhàng chậm rãi, như thể trong tay là một món đồ sứ cổ vô giá nào đó.
Trần Lục Sa nín thở, không dám cúi đầu nhìn Châu Ninh Sinh.
Anh ấy hỏi cô câu “Có đau không?” rất nhiều lần, cô ngây ngốc lắc đầu, không cảm thấy đau, chỉ là rất hoảng loạn, trong lòng vui vẻ không nói ra được.
Nhưng không hiểu vì sao lại có một chút mờ mịt khó hiểu.
Lúc đó Châu Tịnh Sinh chỉ đứng dưới bóng đèn của tòa nhà, đeo tai nghe, yên lặng như một cái bóng.
Trần Lục Sa phát triển muộn, mãi đến khi lên cấp hai rồi thân thể mới bắt đầu gầy đi nhanh chóng.
Trong xương thiếu nữ như chôn chặt một ngọn lửa, bùng cháy lốp bốp, nửa đêm chân cô thường bị chuột rút, đau đến mức tỉnh dậy.
Trong thư cô gửi Châu Ninh Sinh đã bắt đầu trộn lẫn những tâm tư uyển chuyển dịu dàng của thiếu nữ.
Thư viết luôn khó hiểu nhưng cũng sẽ lộ ra chút đuôi không thể giấu được, sợ anh ấy phát hiện ra, lại sợ anh ấy không thể phát hiện ra.
Tần suất và nội dung trả lời của Châu Ninh Sinh vẫn như cũ, như thể không biết gì về lời nói lảm nhảm và thăm dò của cô vậy, đáp lại vẫn là dặn dò của anh cả.
Ảnh anh ấy gửi cho cô, cô cẩn thận thu gọn từng tấm, kẹp vào trong một cuốn sổ bìa da bò, dày cộp khiến bìa bị phồng lên.
Tuổi tác lớn dần theo độ dày của cuốn sổ, sau này Châu Ninh Sinh tốt nghiệp cấp ba, vào trường có ngành địa chất tốt nhất cả nước để theo học ngành thăm dò địa chất.
Châu Tịnh Sinh giảm cân thành công, tiếp nối truyền thống người gặp người thích của anh trai, hàng xóm luôn khen hai anh em nhà họ Châu một người lại đẹp trai hơn người kia.
Sau khi Châu Ninh Sinh vào đại học, Trần Lục Sa vẫn giữ liên lạc qua thư từ với anh ấy chỉ là tần suất không thường xuyên như trước, thường sẽ gửi ba tháng một lần, nội dung phong phú vượt xa phạm vi gửi thư, gói thành một bọc nặng.
Châu Ninh Sinh cũng trả lời cùng nội dung với cô, gửi những bức ảnh thuận tay chụp ở trường đại học hoặc là những mẫu thực vật lạ được tìm thấy khi đi dã ngoại.
Trong những ngày nghỉ, Trần Lục Sa cũng sẽ đến tham quan trường học của Châu Ninh Sinh, cùng anh đi xem Bảo tàng Địa chất, nghe anh kể câu chuyện phía sau những khoáng thạch.
Trần Lục Sa đã sắp xếp kế hoạch ổn thoả, cô muốn đợi đến lúc thi vào được một trường ở cùng thành phố với Châu Ninh Sinh rồi sẽ nói cho anh biết những tâm sự bao năm qua.
Tuy nhiên, sự thay đổi xảy ra một cách không kịp đề phòng.
Châu Ninh Sinh tốt nghiệp, chuẩn bị lên đường đến ngôi làng sâu trong núi ở biên giới phía tây nam để làm một hạng mục thí nghiệm thăm dò quan trọng, không rõ ngày về, có khả năng sẽ rất lâu.
Trần Lục Sa vội vã chạy trong đêm đến gặp Châu Ninh Sinh lần cuối trước khi anh ấy đi.
Sau đó, thân phận của Trần Lục Sa liền thay đổi từ “cô bé hàng xóm hồi còn nhỏ của tôi” thành “bạn gái của tôi”.
Sau đó, Châu Ninh Sinh dặn dò cô “chăm chỉ học hành, chờ anh trở về”, cứ như vậy liền đi tây nam, loáng một cái đã ba năm.
4
Trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã làm ngập toàn bộ các tuyến đường phố.
Trần Lục Sa ngồi ở hàng đầu tiên trong lớp học đeo tai nghe nghe nhạc.
Ánh sáng trong tầm mắt đột nhiên tối đi, cô tháo tai nghe ra, ngẩng đầu nhìn: “… Châu Tịnh Sinh? Sao anh lại thê thảm thế này?”
Anh mặc quần âu và áo sơ mi, từ đầu gối xuống ướt sũng, nước nhỏ giọt làm ướt gạch lát nền trước cửa.
Buổi sáng Trần Lục Sa lội qua đường bị vật nhọn dưới nước làm đứt cổ chân, cô vốn nghĩ không có vấn đề gì lớn nhưng qua cả buổi sáng, bàn chân cô sưng tấy như cái màn thầu, mỗi bước đi đều đau đớn, không còn cách nào khác chỉ có thể nhờ Châu Tịnh Sinh giúp đỡ.
“Tắc đường rồi, anh đi bộ từ ngã tư qua.”
Châu Tịnh Sinh đỡ cô ra cửa, hơi cúi lưng xuống.
Trần Lục Sa kinh ngạc: “Anh định cõng em?”
Châu Tịnh Sinh không nói gì, vẫn duy trì tư thế này.
Cô bò lên, nói: “Anh đừng có lợi dụng lúc người ta gặp nguy hiểm mà hất em xuống.”
Trần Lục Sa nằm trên lưng anh, ngửi mùi nước mưa trên quần áo anh.
Hai bên mai anh lấm tấm mồ hôi, cõng một người hơn 45kg chắc hẳn không ung dung thoải mái như vậy, nhưng từng bước đi của anh lại vô cùng vững vàng.
“Châu Tịnh Sinh, anh còn nhớ chuyện em bị người ta bắt nạt rồi anh đến tìm em đó không?”
Đó là vào năm cấp hai, các bạn nam trong lớp rất tò mò về những người bạn khác giới, có điều tốc độ phát triển của đầu óc luôn kém hơn nhiều so với chiều cao cho nên họ thường bày tỏ tình cảm theo những cách không thể ngờ tới được, Trần Lục Sa chính là một trong những nạn nhân của loại phương thức biểu đạt ngây thơ này.
Trong giờ ngữ văn học “Đạp sa hành”(1), giáo viên đặc biệt nhấn mạnh “sa” trong tên bài thơ được phát âm là “suō”.
Sau khi tan học, cậu nam sinh ở bàn sau bắt đầu gọi Trần Lục Sa là “suō suō”, khiến một nhóm nam sinh làm theo, bọn họ đùa bỡn nói: “Suō suō, ai đã đặt tên cho cậu vậy!(2)”
(1)Đạp sa hành/踏莎行: Bài thơ của Án Thù.
(2)Chữ Sa trong tên bài thơ và tên của nữ chính đều là Sa (莎), nhưng chữ này có hai cách phát âm, tên của nữ chính phát âm là shā.
Trần Lục Sa không phải là người có tình cách im lặng nhẫn nhịn, cô nhặt cặp sách trên ghế lên đập mạnh vào nam sinh ngồi phía sau.
Tình hình nháy mắt trở nên hỗn loạn, cuốn sổ da bò để trong cặp sách rơi ra ngoài, ảnh rơi tứ tung.
Nam sinh kêu một tiếng dài “ồ” rồi ngồi xổm xuống nhặt, Trần Lục Sa nhấc chân giẫm lên ngón tay cậu ta.
Sau đó cha mẹ ra mặt, bồi thường tiền viện phí cho nam sinh, Trần Lục Sa nhận được một bài giáo dục tư tưởng kéo dài hai tiếng đồng hồ.
Từ phòng làm việc của giáo viên đi ra, Trần Lục Sa trốn vào nhà vệ sinh và gọi cho Châu Ninh Sinh, tiếng “tút tút tút” vang lên rất lâu trong đêm vắng, điện thoại gọi hết lần này đến lần khác nhưng không có ai nghe.
Trần Lục Sa nghĩ có lẽ lúc này Châu Ninh Sinh đang học thêm, anh ấy sắp phải thi đại học rồi.
Vừa định rời đi thì chuông điện thoại đột nhiên vang lên, cô vội vàng nhấc máy nhưng mà là Châu Tịnh Sinh gọi tới, không phải Châu Ninh Sinh.
Châu Tịnh Sinh nói: “Điện thoại của anh trai anh để ở nhà… Anh sợ em xảy ra chuyện gì?” Giọng nói của anh có một tia do dự: “Sao thế?”
Nước mắt của Trần Lục Sa rơi xuống, như thể đến giờ phút này cô mới nhận ra mình đã tủi thân uất ức đến nhường nào.
Nhưng mà cô không nói gì cả, mặc cho Châu Tịnh Sinh hỏi vô số lần câu “sao vậy”, cô cũng chỉ lắc đầu, khóc nức nở.
Sau giờ học buổi tối ngày hôm sau, ở cửa lớp, Trần Lục Sa nhìn thấy một người cô không thể ngờ tới.
Sau nửa phút Trần Lục Sa mới dám đi lên nhận người, bởi vì Châu Tịnh Sinh quả thật quá gầy rồi, cả người lộ ra vẻ tiều tuỵ tái nhợt.
Anh vẫn đeo tai nghe, lặng lẽ đứng dưới bóng đèn hành lang, những nữ sinh qua lại đều không khỏi ngoái lại nhìn anh nhưng anh chỉ mải tìm bóng dáng Trần Lục Sa trong đám đông.
Họ đi bộ về nhà trong màn đêm, Trần Lục Sa giải thích cho Châu Tịnh Sinh nghe về lý do tại sao ngày hôm qua mình lại khóc.
Châu Tịnh Sinh nói: “Phong xuy duẩn thác phiêu hồng thế, vũ đả đồng hoa tận lục sa”(3) Thấy cô nghi hoặc, anh lại giải thích: “… Thơ của Nguyên