Người dịch: Hoa Linh Linh
Sinh mệnh buổi chiều ngày hôm ấy, là vì anh mà có chút khác biệt.
1
Đã ba, bốn năm kể từ lần cuối cùng tôi trở về Nam Thành.
Bảng hiệu bên ngoài cửa sổ đã bị bong tróc từng mảng, chữ “cát” biến thành “khẩu”, “tha” biến thành “dã”(1), các cửa hàng xung quanh cũng đã đóng cửa nhiều năm, ảm đạm u ám mà bình yên bất động, giống như di tích bị thành phố đang thay đổi từng ngày bỏ lại.
Từ Thanh Diên đứng dưới lầu toà nhà phòng dạy guitar, nhìn tòa dân cư bên kia đường thật lâu, thật lâu.
(1)Chữ Cát (吉) bị bong phần trên chỉ còn lại chữ Khẩu (口), chữ Tha (他) bong phần bên trái chỉ còn lại chữ Dã (也).
Đèn mờ trong nhà vụt tắt, Thanh Diên đi về, kéo theo chiếc vali hai mươi inch tìm một khách sạn nghỉ qua đêm.
Lần này quay về dường như là một màn bị người ta tâm huyết dâng trào mà “tính toán”.
Hôm đó khi Thẩm Kính Hàn đang thay bóng đèn, Thanh Diên phát hiện ra cúc áo dưới cùng của anh bị lỏng liền lấy sợi chỉ xâu kim, khâu lại cho anh.
Thẩm Kính Hàn quay lại thư phòng một lát, đưa cho cô một tấm vé xem biểu diễn, nói Ban nhạc Di Đông sẽ công diễn ở Nam Thành vào tuần tới.
Kim không đâm vào tay, ngược lại bốn chữ “Ban nhạc Di Đông” lại như chiếc kim đâm nhẹ vào tim cô.
Thanh Diên hỏi: “Anh đi xem cùng em à?”
“Tuần tới anh đi công tác, em về một mình đi, cũng gặp chú một chút.”
Thanh Diên không nói gì.
Thẩm Kính Hàn biết mối quan hệ của cô và cha đã bất hoà nhiều năm.
Sau khi khâu cúc xong, Thang Diên gấp áo sơ mi lại, dùng ngón tay miết phẳng từng nếp nhăn: “… Xem tình hình đã, chưa chắc em đã có thời gian về.”
2
Ngôi nhà đã cũ.
Ban đêm có thể nghe thấy rõ tiếng xả bồn cầu ở tầng trên, Thanh Diên cảm thấy nó giống như tiếng ho khó chịu của một cụ già vậy.
Căn nhà rộng năm mươi mét vuông vẫn nhất quyết giữ lại kết cấu hai phòng ngủ một phòng khách, phân cho cô một căn phòng không quá năm mét vuông, sau khi đặt giường đơn, tủ quần áo và bàn học xong, sinh hoạt đều có chút chật hẹp.
Không gian đã chật chội như vậy mà cô còn muốn bày sách, tạp chí và vô số đồ dùng làm cho nó càng chật hơn.
Trên bàn chất một chồng sách cao nửa mét sát bức tường, cô nấp vào đằng sau, tưởng tượng đó là một pháo đài không thể phá hủy.
Cô tránh Từ Mậu Quốc hết mức có thể, chỉ quanh quẩn trong phòng mình.
Ngôi nhà này thực sự đã quá cũ rồi.
Khi Thanh Diên mười bảy tuổi uống nước trong phòng khách, cô đột nhiên nổi lên ý nghĩ này.
Trước mắt có thể thấy trần nhà cực kỳ thấp, thạch cao màu trắng đã phủ một lớp màu vàng xám, bàn ăn, tủ tivi và tủ lạnh ở bên ngoài lộ ra sự lỗi thời, nền nhà màu hồng phấn mang theo không khí trầm lặng, trên đó còn để lại những vết nước lau không sạch theo thời gian.
Toàn bộ không gian nhỏ hẹp cũ kỹ giống như thân thể của một người già yếu, lung lay sắp đổ nát.
Cô vốn không hề cảm thấy nhà nhỏ, khi còn bé cô thậm chí còn đá bóng trong phòng khách làm vỡ chiếc tách trà bằng sứ trắng trên đĩa.
Khi ấy, trong nhà lúc nào cũng có mùi thơm giống như giặt bằng nước xà phòng rồi phơi nắng thật lâu.
Trên chiếc bàn, trên tủ lạnh, trên tủ ti vi… Đều được bọc bằng tấm vải trắng đan hoa, là mẹ cô tự tay đan từng mũi một.
Tay nghề này cũng là một trong những vốn tự hào ít ỏi của Từ Mậu Quốc, bởi vì người trong nhà máy luôn nói ông ấy có phúc, tính khí kiêu ngạo và im lặng ít nói nhưng lại cưới được cô gái xinh đẹp và đảm đang nhất trong nhà máy.
Tuy nhiên, những ký ức tươi sáng đó không thể ngăn nổi cuộc sống ảm đạm u ám và dài đằng đẵng sau này, cô nhớ đến dãy hành lang quanh co vào buổi chạng vạng, đi qua chúng sẽ đến một căn phòng trắng muốt thê lương, mẹ đang nằm trong bóng xám, mu bàn tay phủ đầy những lỗ kim xanh tím, cổ tay bà gầy đến mức một đứa trẻ như cô cũng có thể dễ dàng dùng một tay nắm lấy.
Bà an ủi Thanh Diên, nói bị ốm là chuyện không có cách nào khác, sau này cô phải thay bà chăm sóc cha mình thật tốt.
Mẹ cô qua đời không lâu sau thì nhà máy làm ăn không tốt, Từ Mậu Quốc đang suy sụp bi quan cũng bị buộc phải thôi việc.
Hồi đó ông luôn trong tình trạng say xỉn, không đi làm gần nửa năm, đến khi gia đình gần hết lương thực ông mới đi tìm làm công việc kỹ thuật viên cho một nhà máy tư nhân.
Khi còn trẻ, Từ Mậu Quý học lên cao, lại quá kiêu ngạo, ở nhà máy cũ hơn mười năm cũng không kết giao lấy được một mối quan hệ tốt, sau khi thay đổi công việc, thanh niên tài giỏi ngày càng nhiều, địa vị của ông dần ra lề, tật kiêu ngạo thanh cao vẫn không chút thay đổi, ngược lại còn trở nên tồi tệ hơn.
Cuối cùng Thanh Diên vẫn phụ lòng việc mẹ giao phó, trơ mắt nhìn Từ Mậu Quốc biến thành một con quái vật già nua khiến người ta chán ghét.
Lúc đầu, cô cảm thấy đó là trách nhiệm của mình, tự trách bản thân trong một thời gian dài.
Cô dựng chiếc ghế dài không thấp hơn mình bao nhiêu lên trước bếp, muốn nấu cho Từ Mậu Quốc đang say một bát cháo, nhưng khi cô bưng qua lại bị Từ Mậu Quốc giơ tay hất đổ.
Cô còn chưa cao bằng một cây chổi lau nhà mà phải lôi nó đi quét sạch từng ngóc ngách trong căn nhà rộng năm mươi mét vuông, sau đó sáng sớm thức dậy đã lại thấy một vũng nôn bốc mùi hôi thối giữa phòng khách.
Cô mang tấm vải đan hoa đầy bụi bẩn đi giặt sạch, phơi trên cây treo ngoài ban công, buổi chiều trước khi mưa lớn gió nổi lên, cô trơ mắt nhìn mảnh vải bị gió mạnh cuốn đi, bay thật xa và bị cuốn vào lưới chống trộm của nhà nào đó không biết tên.
Sau đó Thanh Diên sống hoang dã đến mười bốn tuổi, cô không còn mơ giấc mơ “chăm sóc cha thật tốt” hão huyền nữa.
Từ Mậu Quốc không thích cô dán những bức ảnh lung linh của minh tinh Nhật Bản, Hàn Quốc lên bìa sổ, bìa vở nên đã tìm cơ hội đốt hết.
Kể từ đó, trong lòng Thanh Diên chỉ có sự thất vọng và hận thù lạnh lẽo.
3
Bên kia đường có một phòng dạy guitar, Thanh Diên mười bảy tuổi thường ngẩn ngơ nhìn bóng người sau tấm kính cửa sổ.
Vào mỗi cuối tuần, khoảng ba đến năm học sinh tiểu học sẽ đi bộ lên tầng hai, vài giờ sau lại nối đuôi nhau đi xuống cầu thang như xiên kẹo hồ lô.
Giáo viên trong lớp dạy guitar là một người đàn ông ngoài ba mươi, rất ít khi ra ngoài.
Bỗng một ngày, người đàn ông đó biến mất, đám học sinh tiểu học cũng nối tiếp nhau biến mất.
Sau khi đóng cửa ba tháng, Thanh Diên phát hiện ra phòng dạy guitar dường như đã được chủ nhân mới tiếp quản.
Những ô cửa sổ đầy bụi được lau sạch, đủ loại nhạc cụ lớn nhỏ được chuyển lên tầng trên, những học sinh tiểu học ra vào đã biến thành bốn đến năm thanh niên.
Họ dường như không phải mở để kinh doanh, đồng thời cũng hiếm khi ra ngoài.
“Cha đang hỏi con đấy, điếc rồi à?”
Thanh Diên rời ánh mắt từ cửa sổ về, nhìn chiếc áo lót đã ngả vàng của Từ Mậu Quốc bị dính một vệt bẩn không rõ trên ngực, đáy lòng cô cũng giống như đột nhiên xuất hiện một vết bẩn, lau thế nào cũng không sạch.
Vốn dĩ đã yên ổn nhiều ngày rồi, vốn dĩ cô chỉ xin Từ Mậu Quốc tiền mua tài liệu học thêm thôi.
Nhưng chưa bao giờ có thể tìm ra được lý do cãi vã giữa họ, tất cả đều phụ thuộc vào tâm trạng của Từ Mậu Quốc.
Thanh Diên muốn tránh trận chiến, cô nhanh chóng ăn hai miếng bánh hấp trước khi tình hình căng thẳng hơn rồi quay về phòng mình thu dọn cặp sách.
Trước khi đi ra ngoài, cô định mang sữa đậu nành nóng còn chưa uống hết đi, lại phát hiện trên bàn có một tờ tiền màu đỏ, trong phòng truyền đến tiếng chửi máng của Từ Mậu Quốc: “Tiền ném vào nước còn có thể nghe thấy tiếng, cho con tiền chẳng khác gì kẻ mù thắp đèn…”
Thanh Diên cắn môi, cầm lấy tờ tiền đó nhét vào túi, cầm cốc sữa đậu nành lên vội vàng đi ra ngoài.
Buổi sáng sớm mùa xuân có sương mù, trong tầm nhìn là một mảnh xám mờ mịt vô tận.
Dường như cuộc sống cũng vậy.
Trong nhà không ngừng ăn mặc nhưng lại không có nhiều tiền, nhà thì không thể bán được vì nó là nền tảng cơ bản của cuộc sống yên thân gửi phận.
Hỏi Từ Mậu Quốc tiền tiêu vặt luôn khiến cô cảm thấy bị xỉ nhục, cô cũng không thể thích những món phụ kiện lung linh đẹp mắt, chỉ dám mặc trộm chiếc váy voan ở đại hội thể thao, còn có những cuốn tạp chí mới in tràn ngập mùi thơm của mực.
Cô chỉ có thể sống trong thế giới sương mù từng ngày, mò mẫm tìm lối ra, tìm kiếm sự cân bằng giữa lòng tự trọng nhạy cảm và thực tế phũ phàng.
Thanh Diên càng chạy càng nhanh, khi đi ngang qua cửa hàng vừa mở bên kia đường thì đụng phải ai đó.
Sữa đậu nành đổ ra đất, cũng bắn cả vào một đôi giày vải màu trắng.
Thanh Diên vội vàng xin lỗi, lấy khăn giấy từ trong túi áo đồng phục ra.
Khi đưa qua cô ngẩng đầu lên, đối diện với một khuôn mặt gầy nhợt nhạt, trong mắt có màu xanh đậm ướt át của cỏ xanh ven hồ.
Cả ngày hôm đó trời đều âm u, sau khi sương mù tan đi một đám mây đen lại tới, tựa như trời sắp mưa, đến buổi chiều mây đen lại từ từ bị gió thổi bay đi.
Buổi chiều có một tiết phải đến phòng học đa năng ở tòa nhà dạy học bên cạnh để học.
Ngay khi tiếng chuông báo hết tiết học trước đó vang lên, các cô gái liền ôm những cuốn vở có bìa xinh xắn mà bản thân đã chuẩn bị rồi khoác tay nhau tạo thành từng nhóm nhỏ hai, ba người mà đi.
Thanh Diên đi một mình giữa đám đông.
Thanh Diên luôn chỉ có một mình.
Lúc lên cấp ba cô mê làm thơ và đọc sách, quan hệ với các bạn nữ trong lớp cũng luôn không tốt.
Hai việc này không biết ai là nhân, ai là quả, có lẽ là một vòng tuần hoàn ác tính của nhân và quả.
Có người nói cô thanh cao, cô đã từng nỗ lực muốn tham gia vào những chủ đề thịnh hành đó nhưng dáng vẻ bảo sao nghe vậy ấy đến bản thân cô còn chán ghét.
Vậy nên cô càng căm ghét Từ Mậu Quốc hơn, cảm thấy tính cách “thanh cao” đều là di truyền từ ông, cũng vì vậy mà thành thói quen khó sửa.
Sau khi tiết học đa phương tiện kết thúc là họp lớp, bình thường đều sẽ đổi thành giờ tự học, lớp phó sinh hoạt đến thu tiền tài liệu từng người một, Thanh Diên sờ túi cặp sách, bên trong trống rỗng, phút chốc cô liền kinh hãi đến toát mồ hôi lạnh.
Nửa tiết sau cô gần như lật tung hết ngăn tủ, ôm một tia hy vọng “có lẽ tiền chưa mất” mỏng manh.
Sau khi tiết tự học buổi tối kết thúc Thanh Diên trở về toà dân cư, cô không đi lên, chỉ ngẩng đầu nhìn ánh đèn mờ của cửa sổ nhỏ, lần đầu tiên cảm thấy mình không thuộc về bất kỳ ánh sáng nào.
Cô ngồi bên lề đường, nhét tai nghe vào tai.
Con đường này nhỏ hẹp, ít xe cộ, sớm muộn gì cũng bị các quán ăn vặt chiếm dụng, chỉ có xe đạp leng keng chạy qua.
Thanh Diên nhìn chằm chằm vào ngã tư hồi lâu, trong tai nghe Phác Thụ đang hát “Tôi mơ thấy đứa trẻ đó, ở vườn hoa bên đường khóc, quả bong bóng yêu thương ngày hôm qua đã bay đi”.
Trong màn đêm, một vài chiếc xe chầm chậm lướt qua, đèn xe rẽ rồi chuyển hướng, ánh sáng chập chờn xuyên qua mí mắt đang khép lại, chiếu vào đáy mắt sâu thăm thẳm, nối tiếp nhau, từng tia từng tia đỏ đậm.
Sau lưng có tiếng bước chân dừng lại, Thanh Diên vội vàng tháo tai nghe ra quay đầu nhìn, là người lúc sáng cô đụng phải.
Anh có vẻ do dự, hỏi: “Có chuyện gì vậy? Có cần tôi giúp không?”
Thanh Diên chỉ sang hướng đối diện: “Nhà tôi ở bên đó, tôi không muốn về… Tạm thời.”
“Ồ.” Anh lùi về phía đầu cầu thang, dừng lại ở đó một chút rồi lại nói: “… Lên ngồi một lát không? Bên ngoài lạnh lắm.”
Tôi đã quen Châu Tập như vậy, vào buổi sáng mùa xuân gió se lạnh ấy.
Phòng học âm nhạc chồng chất guitar, bass, trống, piano… Có đủ cấu hình tiêu chuẩn của một ban nhạc.
Châu Tập nói bọn anh là một ban nhạc dân gian, những thanh niên thường xuyên ra vào đều là thành viên của anh.
Giá thuê phòng ở đây rẻ, tường cũng đã có cách âm nên anh thuê làm phòng tập và ở luôn.
Anh ngồi ở trên ghế trước cây đàn piano cách Thanh Diên hơn ba mét, mười ngón tay đan vào lại tách ra, từ đầu đến cuối đều hơi mất tự nhiên.
Anh có vẻ không giỏi giao tiếp với người khác.
“Anh là người hát chính sao?”
“Người sáng tác, còn có hát chính.”
Thanh Diên “oa” một tiếng: “Vậy anh biết chơi piano?”
Châu Tập quay lưng lại, đánh một chuỗi nốt nhạc ngẫu hứng trên các phím.
Giai điệu vui vẻ đơn giản, nhắm mắt lại tựa như đang đi dưới bóng râm xanh mát, những bông hoa đỏ rực nở rộ rơi xuống.
“… Còn chưa viết xong.” Anh thu tay dừng lại một chút, nhìn cô rụt lại thành một cục trên chiếc ghế đối diện mới nhận ra hình như mình tiếp khách không đủ chu đáo: “Em… uống nước ấm không?”
Anh đứng dậy lục lọi hồi lâu, quay lại nhìn Thanh Diên xin lỗi: “Xin lỗi em, không có cốc dùng một lần.”
Thanh Diên biết mình đã làm phiền lâu, cũng không còn sớm, cô đứng dậy nói: “Tôi phải về rồi.”
Châu Tập tiễn cô ra cửa, cô bước từng bước trên bậc thang từ chỗ sáng đến chỗ tối, vào khoảnh khắc dừng lại ở bậc thang cuối cùng, cảm xúc buồn bã trong lòng dâng lên như cơn gió một cách vô lý.
Cô quay đầu lại nhìn lên bóng dáng của Châu Tập đang đứng trong ánh đèn ở cửa: “Anh có thể cho tôi mượn một trăm tệ không?”
4
Chiếc cốc miệng rộng hình móng mèo được đặt cạnh chiếc cốc trắng tinh của Châu Tập.
Thanh Diên nói dùng loại một lần quá lãng phí nên cô đã tự chủ chương mua một cái mới như thế này.
Thanh Diên trở thành khách quen của phòng học guitar, nghe Châu Tập và những thành viên khác luyện tập, cũng trở thành bạn của họ.
Họ có tính cách hiền lành dễ gần, khác hẳn với những người chơi nhạc dân ca trong tưởng tượng của Thanh Diên.
Họ gọi cô là A Thanh, đôi khi còn lấy thơ của cô để tiện tay sáng tác, nói đùa rằng trong ban nhạc thiếu một người chuyên viết lời, đợi Thanh Diên đến bù vào vị trí này.
Khi đó Thanh Diên đã không còn mê mẩn những minh tinh Nhật Bản, Hàn Quốc nữa mà thích Phác Thụ điên cuồng, đến mức trong lớp còn phải giấu dây tai nghe vào cổ áo bẻ cao lên để nghe nhạc.
Lần đầu tiên nghe Châu Tập hát, Thanh Diên cảm thấy giọng hát của anh có phần giống Phác Thụ, giọng hát chưa qua xử lý của anh có một sự bí ẩn trực tiếp đi thẳng vào lòng người.
Châu Tập và ban nhạc của anh không kiếm tiền, mọi người đều túng thiếu, ngoài ban nhạc ra họ còn phải làm những công việc khác để bù vào.
Nhưng Thanh Diên luôn chắc chắn rằng họ có thể nổi tiếng, chỉ là cần một chút thời gian và cơ hội thôi.
Vào cuối mùa xuân, ban nhạc có buổi biểu diễn tại một trường đại học ở thành phố lân cận, Châu Tập hỏi cô có muốn đi cùng không.
Phương Trình đánh trống cười nói: “Đó là trường cũ của Châu Tập, trai đẹp nhiều như mây.”
Sáng thứ bảy hôm ấy, Thanh Diên trốn lớp học thêm, gặp nhóm Châu Tập ở ga tàu rồi cùng nhau đến trường cũ của Châu Tập.
Cô cởi bộ đồng phục học sinh nặng nề ra, thay một chiếc váy liền kẻ ca rô, chân đi đôi giày da nhỏ có chút không vững.
Chân tay thiếu nữ mang theo vẻ đẹp mong manh tựa như chạc cây xanh, chỉ còn cách ngày nụ hoa nở một đoạn xuân.
Lúc xếp hàng vào ga, khuỷu tay của Thanh Diên vô tình cọ vào cánh tay của Châu Tập, nhẹ như cơn gió chạm vào con thuyền nhỏ trong làn nước tĩnh lặng.
Biểu diễn lúc ba giờ chiều nhưng không hề dư dả chút thời gian nào, ban nhạc cần phải tổng duyệt lần cuối.
Cô và nhóm Châu Tập chen chúc trong hậu trường hỗn loạn, buổi trưa chỉ ăn cơm hộp.
Châu Tập xin lỗi cô, nói biểu diễn xong sẽ đưa cô đi ăn những món ngon.
Thanh Diên ngồi ở hàng ghế đặc biệt, ánh nắng buổi chiều chiếu xuống làm cho cỏ xanh bốc hơi nóng hầm hập, khi ban nhạc bước lên sân khấu, từ phía sau truyền tới những tiếng hò reo và huýt sáo nồng nhiệt.
Khoảnh khắc Châu Tập cất tiếng hát, những âm thanh ấy đồng thời biến mất, sự im lặng khiến cho người ta nghẹt thở lập tức rơi xuống, cô và hàng nghìn người cùng lúc bước đi dưới bóng cây xanh mát, những bông hoa đỏ rực như một ngọn đuốc rơi xuống.
Vành mắt cô âm ấm, không phải vì bài hát, mà là vì sự phối hợp ăn ý giữa những ánh hào quang lấp lánh nhỏ bé.
Châu Tập mặc áo phông trắng ngồi trên sân khấu ôm cây đàn guitar, dáng vẻ rủ mắt xuống không tranh với đời, chỉ là dốc bầu tâm sự mà không tìm kiếm sự đồng cảm.
Cô cảm thấy anh giống như gió, giống như ánh trăng trong trẻo.
Cô nghĩ đến câu thơ mà cô đã từng thấy trong một cuốn sách: “Sinh mệnh buổi chiều ngày hôm ấy, là vì anh mà có chút khác biệt, giống như gió núi thổi qua cửa sổ, mặt trời lặn nhuộm màu váy em, giống như con chim trở về trong buổi hoàng hôn bị lạc, xông vào tấm màn tre của em.”
Sau khi biểu diễn xong, Thanh Diên vào hậu trường tìm người nhưng không thấy Châu Tập đâu.
Phương Trình chỉ ra một nơi không xa: “Châu Tập bị một người bạn gọi đi rồi.”
Cây ngô đồng đổ bóng rộng rãi, Châu Tập đứng cùng một người phụ nữ ở dưới gốc cây cao lớn.
Thời gian họ nói chuyện không dài, người phụ nữ kia rất nhanh liền rời đi nhưng Châu Tập lại đứng bất động ở đó rất lâu, lá vàng đung đưa bò trên vai anh, bóng dáng anh dường như đã bị màu sắc của cây nhuộm dần, cũng trở thành bóng râm màu xanh thẫm.
Châu Tập thực hiện lời hứa, đưa Thanh Diên và ban nhạc cùng đến phố ăn vặt bên ngoài trường học để ăn tối.
Họ ngồi giữa những tràng pháo hoa kéo dài và tiếng ồn ào huyên náo, Phương Trình bí mật nói cho Thanh Diên biết, lúc Châu Tập học năm hai đã bỏ học, vì âm nhạc mà đoạn tuyệt với gia đình.
Họ ngồi chuyến xe buổi tối trở về thành phố, xe đi trong bóng tối, gió lọt qua cửa kính xe lướt qua ngọn tóc, Thanh Diên giả vờ ngủ, cô nghiêng đầu tựa vào vai Châu Tập.
Mắt cô mở ra một khe nhỏ trộm nhìn anh, ai ngờ lại đúng lúc bắt gặp ánh mắt rủ xuống của anh.
Giây phút ấy, trong mắt anh không còn niềm vui hay nỗi buồn, chỉ có một màu xanh thẫm ướt át của cỏ xanh ven hồ.
Nhưng mà trong phút chốc anh liền bật cười, vươn tay đè đầu Thanh Diên xuống: “Mau ngủ đi.”
Thanh Diên nhắm mắt vào, nhưng lại nói: “Châu Tập, ngày hôm đó sao anh lại giúp em? Không sợ em lừa tiền sao?”
Sau một hồi im lặng, Châu Tập nói: “Bởi vì anh cảm thấy hình như em khóc rồi.”
Trong khi xe liên tục lắc lư, Thanh Diên tựa má trên vai Châu Tập, mơ một giấc mơ vui vẻ.
Trong mơ, cuối cùng cô cũng không còn cảm thấy cô đơn nữa.
5
Chập tối lúc gió nổi lên, Thanh Diên sẽ luôn tưởng tượng những đám mây thay đổi nhanh chóng đó là một con dã thú đang lao về nhà, bởi vì quá gấp gáp nên mới để lộ tung tích.
Bầu trời nhìn ra từ văn phòng được nhuộm thành một màu vàng xán lạn, mùa hè vẫn chưa hoàn toàn trôi qua.
Họ giống như đang ngồi trên một chiếc xe, phi nhanh về phía ngọn núi lớn mang tên thi đại học, còn chưa đến nơi nhưng họ đã chạm tới cái bóng của ngọn núi.
Giáo viên chủ nhiệm cầm bảng điểm tổng của kỳ thi thử đầu tiên trên tay, cúi đầu tìm cái tên “Từ Thanh Diên”.
Nên xác định phương hướng đi tiếp sau khi vượt qua núi, nhưng mà Thanh Diên lại không có chút suy nghĩ gì.
Cô học sinh này bình thường đến mức gần như trong suốt, do lâu ngày không khơi thông nên giáo viên chủ nhiệm không biết nên đưa ra hướng dẫn mang tính xây dựng như thế nào.
Có điều thái độ gần như dửng dưng của Thanh Diên khiến ông ấy rất thất vọng, sau khi thở dài, ông ấy nghiêm túc dặn dò: “Lớp mười