Ngọt thật.
Buổi lễ từ thiện chính thức kết thúc vào lúc ba giờ chiều, song đêm nay hãy còn có tiệc từ thiện.
Trần Đại Xuyên không tham dự, sau khi buổi lễ kết thúc thì phóng thẳng đến thành phố B trên con xe do trợ lý thuê.
Lý Tùng Nhất có buổi biểu diễn lúc bảy giờ tối.
Cậu biết hôm nay Trần Đại Xuyên "đi ngang qua" đây và "nhân tiện" đến gặp mình, thành thử đã chừa ghế đẹp ngay hàng đầu cho anh.
Đến thành phố B là sáu giờ, sớm hơn ba mươi phút so với dự kiến của Trần Đại Xuyên.
Và mọi thứ sẽ thật hoàn hảo khi anh không gặp phải tình trạng tắc đường.
Thành phố B có diện tích khá nhỏ với cơ sở hạ tầng giao thông chỉ đạt mức trung bình, vừa đủ cho lượng lưu thông vào thời điểm bình thường.
Nhưng năm nay lễ hội văn hoá tổ chức ở thành phố B, các thanh niên nhàn rỗi đến từ tỉnh thành lân cận đều đổ về đây tận hưởng bầu không khí náo nhiệt.
Ra khỏi đường cao tốc là đến Nhà hát lớn ở trung tâm thành phố, đáng lẽ chỉ mất chưa đầy một giờ mà nay đã hơn một giờ rưỡi vẫn chưa đến nơi.
Trần Đại Xuyên bấm còi xe đến độ mất bình tĩnh.
Lúc Trần Đại Xuyên đến cổng Nhà hát lớn là gần tám giờ, vở kịch đã trôi qua phân nửa.
Nếu dưới tình huống bình thường, Trần Đại Xuyên ắt tìm bừa chỗ trống ở hàng ghế phía sau.
Nhưng Lý Tùng Nhất đã nhiều lần nhấn mạnh vị trí của anh đẹp nhường nào cách đây vài ba ngày.
Nếu các diễn viên trong đoàn kịch ghen ghét cậu hay nhân viên ở Nhà hát lớn chướng mắt cái tên Lý Tùng Nhất, thì chiếc ghế ngay hàng đầu kia sức mấy mà thuộc về Trần Đại Xuyên.
Nghĩ đoạn, Trần Đại Xuyên vẫn rón rén đi tới vị trí của mình; và thế là thành công thu hút biết bao ánh nhìn của khán giả xung quanh.
Ghế giữa ngay hàng đầu tiên, quả thật là một vị trí đẹp.
Trần Đại Xuyên giấu nửa khuôn mặt dưới chiếc khăn len xám tro, vừa ngồi xuống đã chạm phải ánh mắt của Lý Tùng Nhất trên sân khấu.
Và rồi, anh cảm tưởng khung cảnh trước mặt như thể bừng sáng.
Lý Tùng Nhất gói mình trong quân phục mới của thời kỳ Cách mạng Tân Hợi.
Thắt lưng đen bóng quanh eo, ủng quân đội cổ cao dưới chân; phô bày dáng người khoẻ khoắn của độ tuổi thanh niên trong tư thế hiên ngang bất khuất cách toàn diện.
Lý Tùng Nhất sắm vai vị tướng trẻ cúc cung tận tuỵ vì cách mạng, thường xuyên gào khan cổ khẩu hiệu "Đánh đuổi Mãn Thanh khôi phục Trung Quốc".
Cốt truyện tiến tới cao trào, nhân vật này lại càng cuồng nhiệt và khí khái hơn.
"Tôi muốn tạo phản!" Lý Tùng Nhất bước nhanh từ góc đến giữa sân khấu, đoạn hung hăng rút súng ra.
Chẳng biết cố ý hay vô tình mà Trần Đại Xuyên luôn cảm tưởng họng súng kia đang chĩa vào mình.
"Chỉ có lật đổ chế độ quân chủ thối nát và chính quyền chuyên chế Mãn Thanh, dân tộc chúng ta mới có thể tìm ra lối thoát trong lịch sử rối ren!" Lý Tùng Nhất căm phẫn hét lên.
Nhả chữ rõ ràng, nói năng hùng hồn.
Cậu giơ cao khẩu súng, bắn một phát chỉ thiên.
Nhạc nền bi tráng thình lình vang lên, ánh đèn spotlight liên tục nhấp nháy, và một sự thay đổi quy mô lớn về vị trí của các diễn viên đang diễn ra trên sân khấu.
Tất cả hoà chung vào giai điệu căng thẳng và kịch liệt của cuộc khởi nghĩa.
Cảnh này chú trọng nhiều vào ngôn ngữ cơ thể.
Để khán giả đắm chìm trong bầu không khí hào hùng, phải cường điệu nhưng cũng cần chú ý đến mỹ cảm; phải hoàn toàn giải phóng bản thân nhưng cũng cần hiểu cách tiết chế cảm xúc.
Trần Đại Xuyên đã cảm nhận điều đó một cách cận cảnh nhất, và anh nhận ra rằng Lý Tùng Nhất của bây giờ hoàn toàn khác với cậu của một năm trước.
Tại Liên hoan phim Tây Nam năm ấy, Trần Đại Xuyên hãy còn cho rằng Lý Tùng Nhất thoại lời chưa tới.
Song hiện tại, Trần Đại Xuyên đã không tìm thấy bất kỳ khuyết điểm nào với màn trình diễn cực kỳ rung động này.
Dẫu lời thoại hay ngôn ngữ cơ thể, Lý Tùng Nhất đều thể hiện chính xác cảm xúc căng thẳng cần có trong một cuộc khởi nghĩa quy mô lớn.
Khi Hà Gia vẫn đang chập chững phỏng theo phong cách biểu diễn nội tâm, đa tầng và giàu hàm súc của Lý Tùng Nhất, thì cậu đã bước ra khỏi đó và tiến tới một cánh cửa khác.
Trước đây lối diễn xuất của Lý Tùng Nhất tựa như tảng băng trôi giữa biển, chỉ khẽ khàng lộ ra phần chóp nhọn cao nhất.
Khán giả giống như hành khách trên con thuyền, nhìn tảng băng xuôi theo hải lưu mà trôi từ từ về phía mình.
Thoạt nhìn tưởng chừng vô hại, song nếu cảm nhận kỹ lưỡng mới có thể nhìn thấu cảm xúc cuồn cuộn mà khổng lồ ẩn giấu dưới lớp sóng biển.
Và rồi họ mất cảnh giác trước màn trình diễn của cậu, để từng ánh mắt cử chỉ ấy đâm sâu vào tim, để dư vị ấy cứ hoài khắc khoải trong tâm trí.
Lý Tùng Nhất đứng trên sân khấu vừa rồi lại nom như con chim biển đang bay lượn dưới cơn bão.
Tự do.
Bất cần.
Không biết sợ hãi.
Đôi cánh của cậu đánh bại những con sóng dữ dội trong cơn bão, màu lông tươi sáng kia đã vẽ nên một quyết định sắc bén trên những đám mây đen vần vũ.
Điều hoàn hảo nhất là Lý Tùng Nhất có thể chuyển đổi giữa hai trạng thái bất cứ lúc nào tuỳ theo tình hình thực tế.
Cậu, là một diễn viên bẩm sinh.
Vở kịch hạ màn, khán giả đáp lại bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt.
Trần Đại Xuyên cũng hoà vào mọi người, tặng cho đoàn kịch những cái vỗ tay khen ngợi.
Hiện giờ không còn nhiều người thích xem kịch nói, những khán giả có mặt ở đây phần lớn đã đứng tuổi, ít ai nhận ra Lý Tùng Nhất.
Dẫu có vài người lờ mờ nhận ra nhưng cũng không quá chắc chắn, vì dù sao Lý Tùng Nhất trong trạng thái này khác hoàn toàn với nhận thức của họ.
Huống hồ sân khấu cách khán giả cả mét, và Lý Tùng Nhất còn dặn dò đoàn kịch đừng đặt tên mình trên các áp phích quảng bá.
Khi chào bế mạc, Lý Tùng Nhất lặng lẽ bắn ánh nhìn về phía Trần Đại Xuyên —— Ý bảo anh chờ mình ở hậu trường.
Lý Tùng Nhất sợ Trần Đại Xuyên chờ lâu, bèn vội vàng thay quần áo rồi đội mũ lưỡi trai màu đen.
Cậu đeo khẩu trang, chả buồn tẩy lớp makeup đã chạy vọt ra ngoài.
Trên đường đi, mọi người trong đoàn kịch và nhà hát thay nhau chào hỏi cậu.
Người nào người nấy cũng rủ rê Lý Tùng Nhất ăn khuya, song cậu đều từ chối tất.
Trần Đại Xuyên đứng cuối hành lang hậu trường, nhìn Lý Tùng Nhất vẫy tay hết cỡ như minh tinh màn bạc đang đi thảm đỏ.
Xem ra em ấy nói mọi người thích mình, quả thật chẳng phải là chém gió với anh.
"Ăn tối chưa?" Lý Tùng Nhất nói, giọng cậu có chút khàn khàn sau vở kịch dài hai giờ đồng hồ.
Trần Đại Xuyên đáp: "Có ăn nhẹ rồi." Trên thực tế thì chưa ăn gì cả.
Lý Tùng Nhất tuồng như nhìn thấu lòng anh: "Tôi dẫn anh đi ăn khuya.
Gần đây lắm, một món địa phương rất nổi tiếng."
"Được." Trần Đại Xuyên gật đầu.
Hai người bước ra ngoài.
Lý Tùng Nhất trách cứ: "Nửa vở kịch trôi qua mà anh vẫn chưa tới, tôi tưởng anh không tới luôn."
Trần Đại Xuyên: "Trên đường bị kẹt xe."
"Tôi còn nghĩ, nếu anh không tới thì cái ghế kia biết tính sao.
Bảo đảm mấy người họ cười vào mặt tôi, bảo tôi làm cho cố rồi cuối cùng bị người ta cho leo cây.
Cái mặt già này biết chui đằng nào."
Trần Đại Xuyên bật cười: "Được rồi, tôi biết sai rồi.
Đừng cằn nhằn nữa, tôi hứa không có lần sau."
Lý Tùng Nhất toan nói gì đó, song cuối cùng lại nhịn xuống.
Cậu dẫn Trần Đại Xuyên đến một quán mì cá đù vàng*.
Mặt tiền không lớn, nằm trong góc khuất của con phố; nhưng khi đẩy cửa bước vào mới hay bên trong đông đúc và náo nhiệt nhường nào.
[1] Mì cá đù vàng (黄鱼面): Cá đù vàng là một loại cá địa phương nhỏ có gai với thịt trắng bong và hương vị thơm ngon.
Mì cá đù vàng ngon nhất ở sự kết hợp giữa những miếng cá đã được lọc bỏ xương và những sợi mì dài, cuộn trong nước dùng đậm đà được làm từ cá kho, có hương vị nhẹ nhàng và vị nhạt.
Lý Tùng Nhất gọi món: "Hai tô mì cá đù, một tô không cá."
Ông chủ: "..." Chỉ ăn mì nước lèo, đúng là thời tới cản không kịp.
Lý Tùng Nhất tìm một góc yên tĩnh cho hai người.
Trần Đại Xuyên nghĩ mà buồn cười: "Ăn mì cá đù mà không lấy cá?"
"Tôi không quen ăn hải sản." Lý Tùng Nhất tặc lưỡi.
"Mấy người trong đoàn kịch siêu thích mì cá đù ở đây.
Ngày nào cũng lải nhải bên tai tôi quán này ngon lắm; còn nói mai mốt về nhà không thể ăn nữa, tiếc đứt ruột.
Vậy chắc ngon thật, nên tôi mới dẫn anh tới đây ăn thử.
Tôi sợ anh nhìn tôi rồi ăn không nổi, nên thôi tôi ăn mì nước lèo."
Ánh mắt Trần Đại Xuyên có vẻ gì nhang nhác phức tạp.
Anh không biết giải thích cảm giác đó là gì, như thể có chú mèo con đang cào nhẹ vào lòng.
Anh hỏi: "Cố ý cho tôi ăn thử?"
"Chứ còn gì nữa." Lý Tùng Nhất nói.
"Để đón tiếp ông chủ anh đây, tôi đã hỏi tất cả dân địa phương trong nhà hát, còn tổng hợp ý kiến của mấy người đoàn kịch.
Sau cùng mới quyết định chọn quán này."
Dừng một thoáng, Lý Tùng Nhất bồi thêm: "Quan trọng là rẻ nữa."
Trần Đại Xuyên dở cười dở khóc, những gợn sóng khó giải thích trong lòng đã bị Lý Tùng Nhất phá tan trong chốc lát.
Nhân viên phục vụ mang đến một tô mì cá đù vàng và một tô mì nước lèo không cá.
Lý Tùng Nhất nói: "Anh ăn thử đi."
Trần Đại Xuyên ăn một lát cá.
Lý Tùng Nhất đưa anh cái muỗng: "Nước lèo thơm lắm, húp thử đi."
Trần Đại Xuyên gật đầu, húp một muỗng.
Lý Tùng Nhất ra lệnh tiếp: "Ăn thêm miếng cá nữa."
Trần Đại Xuyên: "..."
Anh cảm thấy mình như một người không có khả năng tự gánh vác sinh hoạt, ăn tô mì mà còn chịu điều khiển từ xa.
"Ăn đi mà." Lý Tùng Nhất giục.
Trần Đại Xuyên chẳng còn cách nào khác đành làm theo mệnh lệnh của cậu, đưa một lát cá vào miệng.
Lý Tùng Nhất long lanh mắt: "Thấy sao?"
Trần Đại Xuyên gật đầu: "Cá tươi, ngon thật."
Lý Tùng Nhất thở ra, đoạn cầm đũa lên.
Không có cá đù vàng, món mì này cùng lắm chỉ như tô mì Dương Xuân* với nước lèo trong vắt được làm thủ công.
Thế mà, Lý Tùng Nhất ăn cách khoái chí.
[2] Mì Dương Xuân: là một loại mì nước kiểu Giang Tô, sợi mì nhỏ trơn, mùi nước dùng nhè nhẹ, vị khá thanh đạm.
Đây là món mì của người Hán nổi tiếng ở vùng Giang Nam, là một nét đặc sắc của Hoài An, Giang Tô.
Trần Đại Xuyên nhìn dáng vẻ hớn hở của cậu mà cười nhẹ,