Lúc Từ An thái hậu trách mắng Lý Liên Anh, một số thái giám đứng từ đằng xa, đã hết sức lo lắng cho hắn.
Đến khi nghe thái hậu quát truyền thị vệ đem Anh ra chặt đầu thì cả bọn hoảng hồn bạt vía, vội chạy cả lại quỳ mọp xuống đất, lạy lấy lạy để cầu xin bà tha cho.
Lý Liên Anh lúc này cũng đã thấy nguy, miệng lắp bắp tâu:
- Mong Phật gia nể mặt Tây cung thái hậu mà tha cho cái mạng chó của nô tài!
Từ An thái hậu vốn người nhân đức hiền hậu, khi thấy cả bọn đều quỳ mọp xuống xin tha, tình cảnh hết sức đáng thương, tự nhiên lòng thấy dịu lại.
Đã thế, bà còn nghe Lý Liên Anh nói mong bà nể mặt Tây thái hậu, thì lòng giận quả đã giảm đi đến quá nửa rồi.
Bà cũng nghĩ rằng nếu bà giết Lý Liên Anh thì quả có điều bất tiện đối với Tây thái hậu thực.
Thế là chuyện chết chóc tưởng đến nơi ngay, mà rút cục lại chỉ là một cơn gió lốc thổi qua.
Giữa lúc đó, mấy tên thị vệ đã từ xa chạy lại.
Chúng dập đầu trước thái hậu đợi lệnh.
Bọn thái giám thấy thị vệ đã chực sẵn, chỉ còn chờ một cái vẫy tay là kéo Lý Liên Anh đi, thôi thì anh nào anh nấy xì xụp van lạy đến trợt cả trán, chảy cả máu.
Một phút trôi qua nặng nể nghẹt thở! Người ta thấy Đông thái hậu dịu bớt giọng xuống, dụ bảo bọn thị vệ kéo Anh ra ngoài đánh hai trăm gậy.
Lý Liên Anh nghe lời dụ, mừng như cha chết sống lại, vội dập đầu lia lịa tạ ơn thái hậu.
Bọn thị vệ bước lẹ tới, kẻ nắm tay, người xốc nách, kéo thốc Anh ra ngoài đánh hai trăm gậy đến chết đi sống lại.
Tuy vậy, Đông thái hậu vẫn chưa hết giận, bà quay lại bảo bọn thái giám:
- Luật lệ của tổ tiên hai trăm năm nay bị cái thằng mất dạy đó làm hỏng hết! Nếu ta không nhìn ngó tới thì biết ăn nói thế nào với Tiên tổ chứ?
Nói đoạn, bà đem theo mấy con cung nữ hầm hầm tới cung của Tây thái hậu.
Tây thái hậu lúc này ngủ trưa đã dậy.
Bà vào phòng trang điểm nhưng chờ mãi chẳng thấy Lý Liên Anh.
Bà lấy làm lạ, định cho người đi gọi thì bỗng có cung nữ báo Đông thái hậu tới.
Từ Hi thái hậu vội chạy ra đón vào.
Từ An thái hậu bước vào phòng, mặt hầm hầm, ngồi phịch trên chiếc giao ỷ, nói toạc ngay:
- Thằng Lý Liên Anh bất quá chỉ là một tên thái giám chứ là cái gì mà định phá hết cả luật lệ của tổ tông.
Hắn có tài thì để hầu hạ chủ hắn thôi chứ! Luật lệ của Tiên tổ nhà này phải để đó, không được phá phách.
Nếu hắn còn lếu láo ngang ngược thì đừng có trách.
Hắn là một tên nô tài của muội, đem so sánh với tên nô tài của tôi đây có khác chi? Ấy thế mà trong con mắt của hắn, hắn chỉ thấy có muội chứ không thấy có tôi.
Hắn thấy tôi mà như thấy bọn phi tần nào khác, chằng thèm biết quỳ lậy là gì! Xem ra càng ngày hắn càng lộng hành, ngang ngược chẳng sợ ai! Tôi đã từng được nghe bên ngoài có kẻ đã bợ đỡ hắn hết mức, gọi hắn là cửu thiên tuế! Đấy! Muội muội thử xem một tên thái giám làm gì mà thanh thế to lớn đến khủng khiếp như vậy? Thế nào rồi đây hắn cũng gây ra nhiều chuyện tai vạ tiếng tăm như tên hoạn quan Nguỵ Trung Hiền thuở nọ cho mà xem! Lúc đó thử hỏi bọn ta còn mặt mũi nào nhìn thấy Tiên tổ dưới suối vàng.
Từ An thái hậu càng nói càng tức.
Tiếng bà càng về sau càng lớn, càng nhát gừng.
Từ Hi thái hậu nghe những lời giận tức của Từ An thái hậu, cho rằng bà đang dùng lời lẽ để chửi mình, mắng mỏ mình bất giác cũng nổi sùng lên, cất tiếng thẽo thọt nói:
- Lý Liên Anh chỉ là đứa nô tài! Phải rồi! Nếu tỷ tỷ muốn băm hắn ra thì cứ băm, muốn chém thì cứ chém! Tôi quyết chẳng bao giờ bao bọc che chở gì cho hắn đâu! Nghe qua giọng của tỷ tỷ tôi thấy như tỷ tỷ có ý oán giận tôi lắm, cho rằng chỉ tại tôi sủng dụng hắn quá, để đến nỗi hắn lếu láo xấc xược.
Tỷ tỷ nghĩ thế là lầm! Còn lời đồn đại ở bên ngoài thì nghe làm sao được?
Từ An thái hậu nghe xong lại nói:
- Thằng khốn kiếp ấy lại là nô tài của muội, người ngoài muốn can thiệp có được bao nhiêu! Muội đã thích hắn, tôi đâu còn phải nói nhiều làm gì! Có điều tên tuổi của muội, thằng khốn kiếp ấy đã bôi nhọ hết rồi! Thật đáng tiếc!
Từ Hi thái hậu nghe Từ An thái hậu nói, càng ngày càng ghê khiếp, tức đến điên lên, nhưng không biết làm sao hơn, giơ cao ống tay áo đấm gió đến phịch một cái, y như muốn đấm vào mặt Từ An, rồi quay ngoắt ra sau bỏ đi, chẳng nói thêm một lời nào nữa.
Từ An thái hậu thấy vậy càng tức hơn, cũng quay trở ra chẳng nửa lời cáo từ, bước những bước thật dài đi luôn.
Thế là từ đó giữa hai bà Thái hậu Đông và Tây, hố mâu thuẫn càng ngày càng sâu.
Hai bà lúc này chẳng khác gì mặt trăng với mặt trời.
Tây thái hậu thời thường vài bữa truyền chiếu gọi Nội vụ phủ đại thần là Vinh Lộc vào cung để bàn tính biện pháp khống chế Đông thái hậu.
Lộc giơ thẳng hai cánh tay lên trời rồi đấm phịch một cái vào ngực mình, nói với Tây thái hậu:
- Xin Thái hậu yên tâm.
Nô tài ở bên ngoài đã liên lạc rất nhiều đại thần rồi, họ đều thề quyết trung với thái hậu.
Ví thử Đông thái hậu có ý chỉ đưa xuống, bọn nô tài tôi đều quyết không vâng chiếu.
Tây thái hậu nghe Lộc nói thế trong lòng sung sướng muôn vàn, liền khen Lộc là trung thần.
Rồi cũng từ hôm lấy được lòng thái hậu đó, Lộc cứ lúc rảnh lại chạy vào cung, nhàn đàm với Tây thái hậu.
Vinh Lộc vốn tính quỷ quyệt ranh mãnh.
Lộc bỏ tiền vàng ngọc ra ngấm ngầm mua chuộc hết bọn cung nữ thái giám.
Lộc chỉ cần có mỗi việc là bọn chúng sẽ nói tốt cho mình trước mặt Tây thái hậu.
Trong số cung nhân này, Lý Liên Anh được coi như người số một ăn ý hợp lòng với Lộc.
Hai người kết làm anh em.
Một hôm Anh bảo Lộc:
- Trong cung có một vị Ý phi.
Nàng ta vốn là phi tử của Đồng Trị hoàng đế.
Nàng khéo nói vô cùng, suốt ngày hầu hạ bên cạnh thái hậu, rất được lòng của bà.
Tại sao ngươi không tìm cách liên lạc với nàng.
Vinh Lộc nói:
- Ừ, mỗi khi tôi yết kiến thái hậu đều thấy một nàng phi trang điểm rất duyên dáng, đi một đôi giày cao gót.
Thái hậu hay nói chuyện với nàng.
Trước mặt thái hậu tôi đâu đám nhìn kỹ.
Không biết có phải nàng đó không?
Anh gật đầu bảo Lộc:
- Đúng nàng đấy! Nàng thực là một người đẹp, đôi má hồng hây hây, nước da trắng như trứng gà bóc.
Nàng năm nay mới có mười tám.
Thử một phen đi.
Nếu chiếm được lòng nàng thì còn bằng vạn tôi ấy.
Lộc nghe xong nhớ chuyện trong lòng.
Qua ngày hôm sau, Lộc ra phố vào tiệm mua nào gương Tư Mã, nào hộp phấn, nào khăn tay khăn lông, toàn đồ nước ngoài hết sức đẹp và hết sức khéo đưa vào cung kính biếu thái hậu.
Tây thái hậu lúc này tuy tuổi đã cao nhưng vẫn thích những đồ quý, của lạ.
Nắm được tâm lý bà, Lộc cứ mỗi lần vào cung là có đồ này, đồ nọ hiếu kính.
Đồ hiếu kính của Lộc có đủ thử có khi đồ thêu, có khi có đồ chơi v.v… Trong số đó có một chiếc tàu thuỷ nhỏ bằng thép chạy dầu hôi của bọn Tây dương.
Môi lần muốn cho nó chạy, cứ việc đổ dầu vào đất là nó phạch phạch chạy trên mặt nước.
Bọn cung nhân thấy nó chạy, khoái chí vỗ tay cười nói, lại được một dịp tốt để nịnh thái hậu.
Ý phi tuổi còn nhỏ, tính còn con nít thấy thế lại còn khoái nữa.
Có một hôm, Lộc vào tâu Thái hậu xong đi ra, vừa mới tới cửa tò vò thì nghe có tiếng người gọi: "Lục gia! Lục gia!".
Lộc vội quay đầu lại thì chẳng phải ai khác mà chính là Ý phi.
Lộc nét mặt bỗng tươi lên như đoá hoa cúc, bước vội tới trước mặt Ý phi, bò sát xuống đất, dập đầu miệng duyên dáng thưa:
- Quý phi gọi nô tài có điều gì chỉ bảo?
Ý phi giữa lúc thảng thốt bất ngờ, tránh không kịp, chỉ còn cách lấy khăn tay thêu che kín đôi môi hồng, mỉm cười đáp lại:
- Lục gia đứng lên đi! Lục gia muốn giết tôi đó sao? Khi nãy Lão Phật gia quên mất mấy việc, xin mời Lục gia quay trở lại ngay cho Phật gia dặn thêm.
Lộc nghe nói lệnh của thái hậu, vội đứng dậy chạy vào phòng thái hậu.
Xong việc dặn dò của Thái hậu, Lộc quay ra, khi đến cửa tò vò vẫn thấy Ý phi đứng đó.
Lộc bước tới cạnh Ý phi khẽ nói:
- Nô tài có chút vật mọn muốn hiếu kính quý phi, chỉ khổ cái không có cơ hội phụng hiến.
Vừa nói Lộc vừa quay mắt nhìn quanh.
May thay có một tên tiểu thái giám đang từ dãy hành lang bước tới.
Lộc liền bảo tên tiểu thái giám chạy đi mời Tổng quản lại.
Để cho tên tiểu thái giám quay gót ra đi, Lộc mới bắt đầu kể câu chuyện bằng nào phong cảnh, nào chợ búa phố phường bên ngoài.
Ý phi vào cung từ hồi còn nhỏ tuổi, âm thầm nơi đất cấm đã bao năm, nay nghe Lộc kể toàn chuyện kỳ lạ thích thú bên ngoài, vừa ngạc nhiên, vừa thèm thuồng.
Lộc còn khéo đem những chuyện ngoài đời, tuy vụn vặt nhưng tươi vui, kể cho nàng nghe.
Lộc cũng nói cả những tiệm ăn nào bán đồ cao lương mỹ vị ngon nhất, những quán nào bán gấm vóc tơ lụa bảnh nhất, những hàng nào bán đồ tạp hoá đẹp quý nhất.
Lộc vừa kể vừa vui vừa mùi mẫn đến nỗi Ý phi phải cười lên khanh khách.
Nàng bảo Lộc:
- Lục gia lúc nào mua cho tôi chiếc tàu thuỷ nhỏ để xem chơi cho vui nhé!
Lộc nghe phán vội lên tiếng sung sướng:
- Có chứ! Có chứ!
Giữa lúc câu chuyện còn nhiều điều hứa hẹn thì Tổng quản Lý Liên Anh đã bước tới sau lưng, còn có thêm, bốn tên tiểu thái giám tay đứa nào cung bưng một vài gói đồ, gói thì to, gói thì nhỏ.
Anh chắp tay thỉnh an, rồi đứng ngay người lại chỉ những gói đồ miệng nói:
- Đấy những gói đồ Lục gia cho đưa tới hiếu kính nương nương đó Lục gia có cái tâm quý ấy đã từ lâu, nhưng tiếc rằng lần nào vào cung cũng đều không có dịp gặp mặt nương nương để thưa chuyện.
Bởi thế những đồ mang nào hết lần này qua lần khác đều đem chất tại nhà nô tài.
Hôm nay may thay được gặp nương nương, Lục gia mới bảo đem tới để hiếu kính.
Rất mong nương nương vui lòng nhận cho.
Ý phi nghe Lý Liên Anh, kể dài dòng chuyện tình nghĩa, đôi mắt nhìn chằm chặp Lục gia, lộ hẳn vẻ quyến luyến vui sướng lẫn cảm kích nữa.
Vinh Lộc tiếp theo cất tiếng:
- Xin quý phi ban cho một lời để đưa những đồ này đi.
Ý phi tự nhủ nếu đưa về nhà mình để bọn cung nữ trông thấy thì thế nào cũng điều ong tiếng ve đồn đại.
Chi bằng đưa tới cả cung thái hậu cất trong thư phòng, đợi tới đêm khuya hãy bảo con cung nữ tâm phúc lén chuyển về phòng mình thì quyết chẳng còn chi đáng ngại.
Nghĩ như vậy Ý phi mới vẫy tay gọi bốn tên tiểu thái giám đem gói đồ theo mình qua cửa tò vò vào cung Tây thái hậu.
Vinh Lộc và Lý Liên Anh nhất tề cáo từ quay ra.
Anh giơ tay vỗ mạnh vào lưng Lộc, đắc ý cười nói:
- Cá đã cắn câu rồi! Xin mời Lục gia cứ việc giật, giật cho khéo đấy nhé! Không khéo lỡ giật hụt, chớ trách bọn tôi nghe!
Qua ngày hôm sau Lộc cố ý vào cung sớm hơn một chút.
Quả nhiên khi vào tới tẩm cung nghe ngóng, Lộc được biết Thái hậu còn ngủ chưa dậy.
Một con cung nữ chạy ra chỉ căn phòng gần đó bảo nhỏ Lộc:
- Xin mời Lục gia qua phòng đằng kia ngồi đợi một lát!
Nói đoạn con cung nữ móc trong túi ra một chùm chìa khoá để mở cửa.
Vinh Lộc bước vào trong, đưa mắt nhìn một vòng thấy trên tường có treo đầy thi hoạ ngọc ngà.
Trên cái bàn thập cẩm bày biện thứ tự nào bồn chi, nào chậu lan toả ra một mùi hương thơm phưng phức.
Chiếc tàu thuỷ nhỏ chính Lộc mua hiếu kính cung đã thấy để nơi đây.
Mặt đất trải một chiếc thảm dày, bước trên êm không nghe một tiếng động.
Tựa sát vào cửa sổ là một chiếc án thư phía trên có đủ văn phong tứ bảo, đều làm bằng ngọc ngà, tiện dũa rất tinh vi.
Ngoài ra còn có cái đồng hồ báo thức không to lắm mà cũng không nhỏ lắm để cả ở đấy.
Vinh Lộc lẳng lặng ngồi xuống ghế trước án thư, tai nghe tiếng tích tắc của cái đồng hồ rõ mồn một.
Lộc nhìn lên vách ngắm bức thư hoạ (tranh vẽ chữ).
Bỗng Lộc nghe tiếng sột soạt của quần áo vang lên theo bước chân nhè nhẹ trong phòng lặng.
Lộc vội quay lại nhìn, thì ra là Ý phi tươi như hoa, điểm thêm một nụ cười tình tứ, thầm thì bảo Lộc:
- Lục gia vì sao cho tôi quá nhiều đồ như vậy.
Khiến lòng tôi lúc nào cũng thắc thỏm không quên.
Không nhận thì sợ Lục gia giận.
Mà nhận thì chẳng biết cách nào báo đáp.
Tôi nghĩ chả còn cách gì, chỉ còn cách tạ ơn Lục gia mà thôi!
Nói đoạn, Ý phi che miệng cười tình, rồi ngồi xuống chiếc giường đặt nằm dài bên cạnh.
Lộc đến lúc này đã hiểu ý người đẹp, nhân đà ngồi luôn xuống cạnh giường, kề sát đôi vai với Ý phi.
Biết Ý phi thích nghe chuyện linh tinh bên ngoài, Lộc lại giở cái chương trình cũ ra, nhưng lần này, vì đã sửa soạn từ lâu, kể toàn những chuyện tình tứ thú vị.
Ý phi càng nghe càng khoái.
Càng khoái càng cười.
Có khi nàng cười lên khanh khách.
Mắt nàng lóng lánh như dao cau, tình nàng bốc lên ngùn ngụt như lửa đỏ.
Lộc càng thấy Ý phi khoái thích, càng trổ hết tài nịnh ra.
Lộc cảm thấy lòng vui sướng như đêm động phòng hoa chúc.
Ý phi kéo dài đời cô quạnh trong thâm cung đã quá lâu lúc này tự nhiên quên hết mình đang ở đâu, ở trong hoàn cảnh nào.
Thế rồi chẳng ai bảo ai, nàng và Lộc càng ngồi càng xích gần đến quá sát…
Giữa lúc đôi người đang say sưa mùi mẫn, bỗng con cung nữ khi nãy vào báo động:
- Lão Phật gia đã dậy rồi đó?
Ý phi giật mình, vội đẩy nhẹ Lộc ra xa, hối hả chạy lên tâm cung thái hậu.
Một lát sau, Vinh Lộc cũng được lệnh tuyên triệu.
Lộc tâu bày mọi, việc với Thái hậu.
Xong đâu đấy, lại cũng Ý phi đưa Lộc ra cửa tò vò như mọi lần trước.
Nhìn quanh không thấy một ai, Ý phi lấy trong bọc ra một cái túi thêu bông sen đút lẹ vào ống tay áo Lộc và bảo:
- Túi này tự tay tôi thêu đó! Lục gia hãy giữ mà dùng.
Từ ngày đó, Lộc và Ý phi mượn căn phòng sách của Thái hậu để làm chỗ họp mặt.
Tình càng đượm, duyên càng thắm, lửa càng nồng…
Ở đời có cái gì giữ được bí mật mãi! Câu chuyện "họp mặt" của Ý phi và Lộc đã trở thành một diễm tình sử đồn khắp cung sâu! Thái giám, cung nữ, đến cả lũ oắt cung nữ, oắt thái giám, ai cũng biết chuyện! Tiếng đồn càng đi xa, nghe càng ly kỳ, nhiều khi đẹp như mộng, nhưng cũng nhiều lúc khiếp như quỷ.
Tiếng đồn bỗng một hôm lọt vào tai một nàng gọi là Thất cách cách (nàng Bảy).
Thất cách cách là cháu gái Từ An thái hậu, gọi hậu bằng bác gái ruột.
Nàng có nhan sắc đổ nước nghiêng thành, mặt tươi như hoa, người lả lướt, như cành liễu tha thướt bên hồ.
Trong cung hồi đó có hai người đẹp: một là Ý phi, còn một nữa là Thất cách cách.
Cả hai nàng đều hầu hạ cạnh Từ Hi thái hậu.
Thất cách cách tuy là người bên phe Từ An thái hậu nhưng nàng lại chạy sang cung Từ Hi thái hậu chơi.
Từ Hi thái hậu thấy nàng xinh đẹp lại nhanh nhẹn, hoạt bát, lấy làm thích thường hay giữ lại bên mình, lúc thì thưởng cho quần áo, lúc thì cho ăn uống.
Nói đến thông minh khôn khéo, thì Thất cách cách ắt phải chiếm được một chỗ ngồi danh dự! Mặt ngoài nàng luôn luôn tỏ ra kính quý Từ Hi thái hậu, nhưng chẳng bao giờ để cho bà lợi dụng.
Từ Hi thái hậu có ý muốn giữ nàng luôn bên cạnh mình, nhưng nàng chối khéo bằng những lời lẽ êm ái dịu dàng, mà vẫn quay về với Từ An, nhưng nàng đều nói là không biết gì!
Từ Hi thái hậu vốn biết nàng và Từ An thái hậu có