Sáng hôm sau, Lưỡng Giang tổng đốc đi cùng với bọn văn võ quan viên tới ngự chu để thỉnh an.
Giang Hạc Đình cũng có mặt trong đám; không ngờ vừa mới tới mỏm sông, cả bọn đã thấy lũ thái giám xua tay bảo rằng hoàng thượng đang nghe ca trong thuyền chớ có làm phiền khiến anh nào anh nấy quýnh quýnh kéo nhau thối lui, miệng câm như hến, chẳng dám thở mạnh nữa.
Duy chỉ có quan tổng đốc Lưỡng Giang là dám tiến đến nói khó với lũ thái giám cho phép đứng ở đầu thuyền đợi.
Thế mà chúng cũng nhất định không chịu.
Cả bọn vô phương đành đứng dàn hàng trên bờ tít mãi nơi xa mà chờ.
Mãi lâu sau, khi nhìn xuống họ thấy Uông Như Long bước ra ngồi trước mũi thuyền cười nói tự nhiên với bọn thái giám, lại thấy chiếc thuyền đó bốn bên buông màn kín mít, văng vẳng đưa ra những tiếng nhạc giọng ca vô cùng êm ái, vọng mãi tới phía xa bờ khiến ai đi ngang cũng phải dừng chân lắng nghe.
Giang thân sĩ lúc đó ngạc nhiên đến sững sờ.
Ông tự nhủ: trong toàn Trung nguyên thì ca vũ nhất nương châu mà Dương Châu ca vũ lại nhất gánh hát nhà mình, vậy mà hôm nay lại có gánh hát nào giỏi giang đến mức lưu giữ được hoàng thượng dưới thuyền.
Giang càng nghĩ càng tức, liền kéo một tên thái giám ghé tai khẽ hỏi, song hắn chẳng chịu hé miệng.
Bọn quan viên đứng ngoài xa đợi từ sáng cho đến trưa, chân đã thấy chồn, gân đã thấy mềm, lúc đó tiếng ca nhạc mới dứt.
Nhưng tiếng ca vừa dứt thì tiếng cười đùa đã khanh khách nổi lên.
Lưỡng Giang tổng đốc khẩn cầu bọn thái giám lên thuyền thông báo giùm nhưng có ngờ đâu cứ mỗi cái mồm của bọn này là phải có đúng một vạn lạng… Về sau cầu khẩn mãi chúng mới vui lòng nhận cho với giá sáu ngàn.
Bọn thái giám được tiền đút rồi mới vui lòng nói cho biết gánh trên thuyền là gánh Tứ Hỉ của Uông thân sĩ, trên gánh có một cô đào tên gọi Tuyết Như sắc đẹp tuyệt trần, đã được hoàng thượng chấm rồi.
Buổi hát vừa dứt, hiện hoàng thượng đã truyền lệnh Tuyết cô nương hầu rượu trong bàn yến.
Các vị đại nhân dù có muốn triều kiến thì cũng chưa đến lúc.
Tốt hơn hãy cứ lui, đợi khi nảo yến tiệc xong họ sẽ tâu cho.
Bọn quan viên nghe xong chẳng biết lảm sao, đành tạm thời rút lui về, ăn vội ăn vàng cho qua bữa cơm trưa rồi lại kéo nhau tới mỏm sông chờ đợi bọn thái giám vào trong tâu trình.
Bỗng thánh chỉ truyền ra, cho gọi độc mỗi Uông thân sĩ được vào khoang bệ kiến thôi.
Uông thân sĩ đã chực ở đầu thuyền từ lâu, khi nghe lệnh gọi mình, vội đội mũ, sửa áo, cúi thấp đầu xuống, run lập cập bước vào.
Lát sau, người ta thấy Uông thân sĩ miệng cười toe toét, huênh hoang bước ra khỏi khoang.
Một lát sau, lại có thánh chỉ truyền ra, thưởng Uông Như Long một cái mũ nhị phẩm, tám mươi lạng bạc trắng, cho phép làm Ngự tiền đương sai (người sai phái trước mật vua).
Uông Như Long tiếp thánh chỉ, cất bước lên bờ.
Nhiều quan viên chạy tới đón rước xa phụng, bộ mặt Long lúc đó mang vẻ kiêu căng rõ rệt.
Long nhìn thấy Giang Hạc Đình lại càng làm bộ già, Đình chạy lại níu kéo hỏi han, nhưng Long phớt lờ chẳng thèm đếm xỉa tới.
Đình mắc cỡ quá, chỉ muốn độn thổ.
Đã thế, Long thấy tổng đốc cũng chỉ vòng tay chào một cái rồi leo lên kiệu đi ngay.
Thấy Uông thân sĩ đã đi xa rồi, bọn thái giám mới truyền thánh chỉ ra bảo mọi người, quan lại cũng như thần sĩ, hãy lui về nha môn, quá trưa rồi, hoàng thượng mệt cần phải nghỉ, khỏi túc trực.
Từ phía trong cũng đưa ra một vạn lạng bạc để thưởng cho Giang thân sĩ.
Thân sĩ họ Giang chờ chực đã bao lâu mà chi được vỏn vẹn có một vạn lạng.
Tiền tạ bọn thái giám đã gần hết số đó, Giang nghĩ lại mà chán, đành cúi đầu buồn bã trở về.
Tới nhà, Giang thân sĩ cho người đi dò thám mới được biết gánh hát Tứ Hỉ vốn là gánh hát của gia đình họ Uông.
Hoàng thượng sinh trưởng nơi thanh cung, thường chỉ thấy bọn phấn son phương bắc chứ chưa bao giờ được thưởng thức cái đẹp duyên dáng của gái Giang Nam.
Cho nên khi gặp Tuyết Như, một người đẹp bậc nhất đất Dương Châu, da trắng như tuyết, mịn như nhung, tiếng hát như oanh vàng líu lo trên cành xuân thì làm sao ngài chả mê tít đi ngay.
Tuyết Như lại còn là một cô gái còn trinh, đêm đầu thiêng liêng ấy đã hoàn toàn dành cho ngài, thử hỏi ngài không sủng ái sao được.
Luôn ba ngày đêm, hoàng đế hụp lặn trong suối đào nguyên, chẳng thèm hỏi tới thần dân.
Bọn quan lại thân sĩ bàng hoàng, chẳng hiểu ra sao, bèn lẻn tới bên thuyền hỏi dò bọn thái giám thì biết được hoàng thượng còn mải cùng với người đẹp ca vũ thủ lạc.
Đến ngày thứ tư, hoàng thượng mới triệu kiến Lưỡng Giang tổng đốc.
Lúc này, ngài tỏ vẻ sung sướng, vui vẻ hết sức.
Trước mặt viên tổng đốc, ngài khen lấy khen để, về việc tiếp rước hết, sức chu đáo và tổng đốc là người hết sức trung quân.
Ngài thưởng cho ông ta bốn vạn lạng.
Viên tổng đốc vội dập đầu tạ ơn.
Sáng hôm sau, thuyền rồng nhổ neo.
Suốt dọc đường qua Trấn Giang, Nam Kinh, chỗ nào cũng cung ứng đầy đủ, chẳng thiếu một thứ gì.
Lúc này, hoàng đế đã có người đẹp Tuyết Như hầu hạ bên cạnh, hôm sớm múa vui, thì có cần gì ai khác nữa.
Người thua thiệt nhất trong cuộc này chỉ có Giang thân sĩ.
Họ Giang nhớ mãi cái nhục này, nhất là đối với Uông Như Long.
Y về tới nhà, bèn bàn tính với Huệ Phong suốt mấy ngày đêm, hy vọng tìm ra kế sách rửa được mặt sau này, để khỏi thẹn mình là tay giàu nhất đất Dương Châu.
Mặt khác, nàng Huệ Phong bị một keo cụt hứng cũng cố tìm cách lấy lại tên tuổi mình.
Đã mấy ngày qua, nàng bỗng tìm ra được một điệu kế, gọi là I,Thuỷ hí đài".
Thuỷ hí đài là làm sao? Đó là kế biến mặt thuyền thành sân khấu, trên sân khấu được trần thiết hết sức hoa lệ.
Sân khấu này làm hai cái đúng in nhau.
Lại nhờ những tay soạn kịch trứ danh viết lại những tuồng như Hoàng mẫu Yến, Phong Thần truyện, Kim Sơn tự, với những giọng văn vô cùng vui nhộn hấp dẫn.
Giang thân sĩ còn bỏ ra mười vạn bạc đút lót viên tổng quản thái giám để nhờ y ủng hộ ngầm bên trong.
Hôm đó, ngự chu tới chân núi Kim Sơn thì trời đã nửa đêm.
Giang thân sĩ ngầm đốc thúc bọn địch phu chèo hai toà Thuỷ hí đài lại gần thuyền rồng rồi lấy xích sắt cột chặt lại.
Sáng hôm sau, khi hoàng đế còn đang cùng Tuyết Như yên giấc trên giường, bỗng một điệu nhạc du dương trỗi dậy.
Ngài hỏi thì viên tổng quản thái giám vội tâu có vị thân sĩ Dương Châu muốn hiến một ban ca vũ giúp vui phía ngoài khoang.
Hoàng đế nghe nói, lấy làm thích, cho kéo hết rèm màn che cửa sổ lên.
Ngài nhìn ngay thấy hai bên tả hữu ngự chu đều có hai cái sân khấu trang hoàng cực kỳ hoa lệ.
Sân khấu bên tả lúc đó đang diễn vở Quần tiên vũ.
Một đàn con gái son phấn đẹp như hoa như liễu, một bên ca, một bên vũ, tiếng du dương quyến rũ, điệu uyển chuyển mê hồn.
Tiếng sênh, tiếng tiêu hoà tấu nhịp nhàng, chẳng khác gì bày tiên nữ ca vũ trên Quảng Hàn cung.
Khi sân khấu bên tả ngừng diễn thì sân khấu bên hữu mở màn ngay.
Đấy là cảnh Tán hoa thiên nữ (cô gái trời tung hoa).
Một mỹ nhân tuyệt sắc bắt đầu ca và vũ, giọng oanh trong trẻo, dung nhan quyến rũ mê hồn…
Hoàng đế đã mê ngay, thì thầm tự nhủ: "Đẹp như thế kia đúng là nàng tiên rồi!"
Ngài quay lại hỏi:
- Con gái nhà ai vậy?
Viên tổng quản thái giám đã nhận tiền của Giang thân sĩ từ trước, liền tâu:
- Tâu hoàng thượng! Đây là gánh hát Cặp Khánh của thân sĩ Giang Hạc Đình đất Dương Châu.
Cô gái đóng vai nàng tiên kia là đào chính tên gọi Huệ Phong.
Hoàng thượng nghe xong, gật đầu tán thưởng:
- Quả khó được kẻ trung can như hắn! Thằng cha này kể cũng đáng thương lắm!
Hoàng đế nằm trên giường, tay ôm Tuyết Như trong lòng, miệng uống rượu, mắt coi hát.
Trong sân khấu vừa diễn xong màn ca vũ thì tiếng trống lớn tiếng thanh la vang rầm, rồi vở Thiên môn trận bắt đầu.
Vở Thiên môn trận dứt, lại diễn tới vở Pháp môn tự.
Qua ngày hôm sau, trên sân khấu hai bên tả hữu lại luân phiên diễn những vở tuồng vui nhộn như hôm qua.
Thế rồi, hết ngày này qua ngày khác, gánh hát luân phiên diễn xuất.
Hoàng đế vốn từ nhỏ chưa từng được xem những vở tuồng dân dã như vậy bởi thế ngài coi mãi không chán.
Ban đêm, gánh hát lại diễn vở "Mục Liên cứu mẹ" rồi "Quan Âm du địa phủ".
Trong rừng đèn rừng đuốc, nào quỉ, nào thần vụt hiện vụt mất, có lúc đèn đóm tắt ngỏm, nhưng lại có lúc lửa đuốc sáng rực trời.
Hoàng đế vui hết mức, bèn chạy về sau thuyền mời Thái hậu cùng ra xem.
Thái hậu xem rồi cũng hết lời tán thưởng.
Quang cảnh hoạt náo ấy chẳng biết kéo dài đã bao ngày.
Chỉ thấy hôm đó, thái giám tâu bảo đã tới Tô Châu.
Quan tuần phủ Tô Châu đem theo bọn quan lại, thân sĩ đứng ở phía ngoài đón giá.
Hoàng đế nghe bảo, lấy làm lạ lắm, bèn nói:
- Thuyền rồng tuyệt nhiên không thấy dao động, tại sao tới Tô Châu được?
Tổng quản thái giám lúc đó mới được dịp tán tụng Giang Hạc Đình để vừa làm hoàng đế thích thú, vừa kể công được với Giang.
- Chuyện tài tình này đều nhờ óc khôn khéo của Giang Hạc Đình.
Đình sợ Hoàng thượng dọc đường buồn bã, nên sáng tạo hai toà Thuỷ hí đài, tập luyện một gánh hát tuyệt hay để hiếu kính hoàng đế đấy!
Càn Long hoàng đế nghe đoạn liền nói:
- Quả thật khó được một người có lòng trung như Giang Hạc Đình.
Từ đó, Hoàng đế, thanh thì có Huệ Phong, sắc thì có Tuyết Như, lòng ngài vô cùng hứng khởi.
Giang Hạc Đình được Hoàng đế thưởng tứ trở về, cố ý mặc mũ áo nhị phẩm vào rồi đến thăm Uông Như Long.
Long thấy Đình cũng được ân huệ chẳng thua mình, trong lòng đã lấy làm ghen ghét lắm, đến lúc thấy cái vẻ mặt kiêu căng vênh váo của Đình, càng tức tối hơn.
Thế là từ đó, hai