Hoà Khôn nhận được thánh chỉ, liền cho một số lớn nhân viên vào rừng núi miền Giang Nam để tìm gỗ quý, mặt khác bắt dân phu ở các tỉnh Sơn Đông, Hà Nam, Sơn Tây để phu dịch, Khôn lại giả thác thánh chỉ quyên góp tiền bạc rồi cho người tới nhà các vị quan lại và thân sĩ địa phương để yêu sách, nếu có kẻ nào không chịu hoặc cúng tiền không vừa ý, Khôn liền bảo họ trái lệnh vua, bắt trị tội ngay.
Cũng nhờ dịp này, Khôn đã trắng trợn cướp được khá nhiều tiền khiến dân chúng oán than khắp.
Trong số người bị Khôn bóc lột kiểu này, có một vị thái thú tỉnh Hồ Bắc tên gọi Khang Vũ Thương chết một cách hết sức khổ sở.
Thương vốn có tiền, nhưng lại chẳng có quan tước gì.
Viên tri phủ địa phương thấy vậy bèn vừa khuyến khích vừa lừa gạt khiến Thương nổi máu anh hùng, độc lực quyên giúp việc đắp đê Hải Đường ba vạn đồng.
Viên tuần phủ Sơn Đông giúp Thương tâu việc này lên hoàng đế.
Thế là một đạo thánh chỉ truyền xuống cho Thương hàm tứ phẩm và cắt cử đi làm võ quan tri phủ tại tỉnh Hồ Bắc.
Bởi đã quyên góp mất ba vạn đồng, nhưng Thương vốn tính tham nhũng cho nên sau khi đến nhậm chức, liền thẳng tay vơ vét của dân.
Không đầy một năm, Thương đã gỡ lại đủ số ba vạn đồng, rồi sáu năm sau tại chức thì Thương đã giàu có lớn.
Suốt một giải đất Dương Châu, Thương có nhiều rộng muối, và cũng có "qua lại" với bọn lái muối Uông Như Long ở Dương Châu.
Không ngờ việc giàu có bốc trời này đồn đại tới tai Hoà Khôn.
Vừa gặp lúc cần tiền xây cất tại vườn Viên Minh, Khôn liền phái người tới tri phủ Hồ Bắc hỏi tiền.
Vừa mới mở mồm đòi, tên tay chân của Khôn đã nói toẹt ra một trăm vạn.
Kháng Vũ Thương thoạt nghe đã hoảng hồn bạt vía đến té xỉu.
Thực ra Thương cũng khó đào ngay một lúc một số tiền quá lớn như vậy để đáp lại lời Khôn.
Bởi thế Thương miễn cưỡng cho người tải ba vạn lạng bạc lên kinh.
Khôn thấy Thương còn kè vậy bèn sinh một kế.
Hồi đó tỉnh Sơn Đông có bắt được một bọn giặc biển, Khôn cho người tới ngầm bảo tên tướng cướp cung xưng là đồ đảng của Thương để vu khống cho Thương.
Lời cung được tâu gấp lên triều.
Hoàng thượng vô cùng tức giận, lập tức hạ lệnh cách chức Thương đồng thời chém hết toàn gia.
Thương có đứa con trai mới năm tháng cũng không khỏi tội chết.
Hoà Khôn giải quyết vụ án này thật là chóng vánh.
Gia sản của Thương, Khôn chẳng chê bai gì, nuốt trôi hết sạch.
Không ngờ trong nhà Thương, Khôn vẫn còn để sót lại một cái góc mầm hoạ, đó là Dư Đại Hải.
Hải vốn là con trai một người bạn của Thương.
Người bạn này đối với Thương có cái nghĩa tám lạy với nhau, cho nên lúc lâm chung bèn đem con ký thác cho Thương.
Thương giữ Lư Đại Hải ở trong nhà và cho học hành thành người.
Thương còn cưới vợ cho Hải nữa.
Dư Đại Hải có một thần lực ghê gớm, ai cũng phải sợ.
Thanh sắt nặng ngàn cân, Hải chỉ cần một tay cũng đủ bốc nổi lên như ta cầm một cây gậy gỗ.
Khi gia sản bị tịch biên, Kháng Vũ Thương cho Hải một vạn lạng bạc và ngầm bảo Hải trốn đi.
Lúc này vợ Hải vừa mới mất chỉ còn có một đứa con gái không tiện mang theo.
Hải bèn tới nhờ Uông Như Long.
Dư Đại Hải từ nhỏ được Kháng Vũ Thương nuôi nấng dạy dỗ hết sức tử tế cho nên trong lòng không quên vì họ Kháng mà báo thù.
Uông Như Long không biết rõ bầu tâm sự này của Hải, chỉ thấy Hải có sức mạnh như thần bèn mời ở lại trong nhà làm một vị tiêu sư.
Về sau, khi Càn Long hoàng đế du Giang Nam lần thứ ba bị viên quan Tổng binh chơi cho vố nhốt chuồng ngựa hoảng hồn, bèn ngầm sai người tìm kiếm những tên mạnh tợn sung vào đội quân Thần Cơ doanh để bảo vệ thánh giá, Uông Như Long liền tiến cử ngay Dư Đại Hải.
Càn Long hoàng đế sai Hải thử tài ngay trước mặt mình, quả nhiên thấy Hải sức khỏe hơn người, liền trọng dụng Hải rồi khi hồi loan bèn mang theo Hải về kinh.
Lúc lên đường, Hải bèn đem đứa con gái của mình phó thác cho Uông Như Long.
Nó tên gọi Tiểu Mai, hết sức xinh đẹp, duyên dáng.
Long vốn tên hiếu sắc, trong lòng lấy làm vừa ý lắm.
Thế rồi đợi khi Hải lên kinh, Long bèn cậy tiền của và thế lực, bức dâm Tiểu Mai và ép nàng làm nàng hầu.
Tiểu Mai vì thể diện của cha, đành nuốt giận nhẫn nhục đợi chờ.
Dư Đại Hải trong cung, chỉ vì muốn báo thù cho gia đình họ Kháng nên tìm mọi cách để làm thân với Hoà Khôn.
Hải thường đem dâng lễ vật này nọ luôn, lại khi nghe được chuyện chi cơ mật trong cung là lén tới báo cho Khôn hay.
Ngược lại, Khôn cũng nhiều lần nói tốt cho Hải trước mặt hoàng đế.
Nghe Khôn ca tụng Hải, hoàng đế bèn cất nhắc Hải lên chức Thần Cơ doanh trưởng suốt ngày ở trong cung để hộ giá.
Lúc đầu, Dư Đại Hải lên kinh chỉ có một mục đích là giết chết Hoà Khôn để báo thù cho gia đình họ Kháng, nhưng về sau, ngày ngày gần gũi hoàng đế thấy ngài hoang dâm vô đạo, Hải tự nghĩ trăm họ chỉ vì một người mà phải chịu trăm cơ ngàn cực, nên quyết định giết luôn cả hoàng đế nữa để rửa hận cho bao nhiêu triệu đồng bào mình.
Hải nghĩ ra một kế "nhất cử lưỡng tiện".
Số là theo qui củ trong cung thì bất luận Vương công, bối lặc thân tín đến đâu đi nữa, khi vào cung cũng không được phép mang vũ khí theo.
Ngay cả bọn Thần Cơ doanh thị vệ cũng chỉ được phép đeo trường đao chứ cấm không được dùng đoản đao.
Sở dĩ có điều cấm kỵ này bất quá vì sợ hoàng đế bị hành thích mà ra.
Đeo đoản đao thì khó kiểm soát, còn đeo trường đao thì dễ thấy.
Nhưng đặc biệt chỉ có Hoà Khôn là được mang theo cây đoản đao bằng vàng, trên có khắc hai chữ Hoà Khôn, là vật tặng của hoàng đế.
Cây đoản này lúc nào Hoà Khôn cũng đeo ở trong mình thế mà không hiểu tại sao lần này lại bỗng rơi vào tay Dư Đại Hải.
Đêm hôm đó, Càn Long hoàng đế ôm Xuân A Phi trong lòng, thiu thỉu sắp ngủ thì bỗng một người cao lớn nhảy vụt vào phòng.
Ngài vội tri hô lên, chưa dứt thì lưỡi đoản đao đã bay vụt tới trước mặt ngài.
May được Xuân A Phi lẹ tay cầm cái phất trần vung bừa lại trúng phải khiến nó văng xuống đất Hoàng đế nhặt cây đoản đao lên xem thấy trên cán có khắc hai chữ Hoà Khôn rõ ràng.
Lúc đó tên thích khách cũng đã chạy mất dạng không thấy đâu nữa.
Bọn thị vệ nghe tiếng tri hô chạy xô cả vào phòng.
Hoàng đế sợ Hoà Khôn bị đình thần chỉ trích nên dấu nhẹm chuyện cây đao mà chỉ nói có tên thích khách nhảy vào ám sát và đã tẩu thoát.
Bọn thị vệ nghe xong vội ùn ùn kéo ra ngoài, bủa đi khắp nơi lục soát mãi đến hôm sau cũng chẳng thấy hình bóng hung thủ.
Qua đến ngày thứ hai điểm lại hàng ngũ thị vệ thì thấy mất Thần Cơ doanh trưởng Dư Đại Hải.
Thế là lệnh xuống lập tức đóng tất cả các cửa thành lại để bố ráp lùng bắt.
Song Hải cũng đã mất tăm.
Hôm đó khắp triều Văn Võ đến tập hợp tại điện Võ Anh để cùng khấu thánh an.
Tất cả đều lên tiếng tâu:
- Tên Dư Đại Hải vốn là người do Uông Như Long tiến cử.
Bọn thần thiết nghĩ nên phái người tới áp giải ngay tên Long tới kinh, nghiêm hình thẩm vấn cho ra manh mối.
Lời tâu này làm cho Càn Long hoàng đế tỉnh ngộ.
Ngài lập tức hạ dụ cho Lưỡng Giang Tổng đốc bắt giải Uông Như Long lên kinh.
Uông Như Long có một gia tư cư vạn.
Ngày thường Long vẫn đem lại vật biếu kính Hoà Khôn.
Bởi vậy, nay thấy có chỉ bắt Long, Hoà Khôn bèn một mặt giữ thánh chỉ lại, một mặt chạy vào cung xin