Buổi sáng vừa lên, mặt trời vừa ló rạng phía sau cửa biển, tỏa những ánh hồng nhộm đỏ thế gian. Những người dân ngoại thành Hội An bắt đầu bơi thuyền dọc sông Thu Bồn, chở những món hàng hóa vào bán ở khu chợ thương mại Hội An. Những món thủy, hải sản tươi sống, những con lợn, con gà béo mập, những mớ rau xanh ngắt... được bầy đầy trong các quầy bên trong chợ. Cho dù trên đường có người hỏi mua, những người này cũng không dám bán, bởi vì trong dự thảo luật Liên Việt 1401 có ghi rõ ràng: Nghiêm cấm bán các loại hàng hóa bên ngoài chợ, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, nếu bắt được, tịch thu hàng hóa. Bán hàng bên trong chợ có cái dở là gian hàng đều phải thuê, thuế đóng là 1% hàng hóa bán được hôm ấy, nếu không bán được gì thì cũng không cần nộp thuế. Nếu có người gian dối sẽ bị phạt tiền rất nặng, và một nửa số tiền phạt chia cho người tố giác. Đa phần người dân đều thật thà chất phác, có kẻ gian định trốn thuế cũng phải đề phòng mọi người xung quanh tố cáo. Hơn nữa, chỉ 1% hàng hóa bán được, cũng chả cần phải trốn mà làm gì.
Đinh Minh Thu hôm nay mặc một chiếc áo khoác bằng lụa mỏng, màu xanh nhạt. Bên trong nàng mặc một chiếc yếm đào cổ xây, để lộ ra cái cổ cao 3 ngấn trắng ngần. Bên dưới nàng mặc một chiếc váy xanh, thắt lưng màu đỏ. Nàng đi chân trần, bàn chân trắng nõn, lộ ra những chiếc kiềng vàng leng keng nơi cổ chân, nghe thật vui tai. Thu vừa đi vừa ngắm những ngôi nhà ở khu cao cấp bên kia sông, và xa xa ở Cù Lao Chàm là khu đặc cấp của hội Liên Việt, nghe nói hoàng cung Tây Đô cũng không sánh kịp. Có đôi khi nàng ước ao được một lần bước chân vào nơi đó, nhưng nghĩ lại đó cũng chỉ là ý nghĩ viển vông mà thôi.
Thu mỉm cười với hai người cảnh sát vừa đi qua. An ninh trật tự của Hội An được giao cho lực lượng cảnh sát nhân dân, thành lập ngày 12-08-1401, do những cựu chiến binh trong trận chiến Hương Trà, Hội An, đã bị thương tật vĩnh viễn, không thể tiếp tục đi lính được, đảm nhận. Bọn họ mặc quân phục lực lượng cảnh sát nhân dân Liên Việt, áo ngắn tay màu đen, quần đùi và giầy đen, đội mũ rộng vành, trên cánh tay có một tấm băng có thêu ngôi sao và hai chữ C/S. Những người cảnh sát này được phân phối súng lục Hổ Mây, tuần tra khắp các khu phố của Hội An, đảm bảo các hành vi phạm tội không được phép xảy ra. Đôi khi xuất hiện mấy tên côn đồ phát rồ muốn chống lệnh bắt, hay hành hung cảnh sát. Nhưng kết quả là từ doanh trại Tây Hội An, 100 lính Liên Việt được lệnh ra quân, chỉ trong giây lát, 100 chiếc nỏ Kiến Vằn chĩa thẳng vào đám côn đồ, mọi việc liền kết thúc. Dù sao những người cảnh sát này cũng đã từng là đồng đội vào sinh ra tử của những người lính hiện tại.
-----------
- Thu em, mua cá cho chị đi, cá của chị hôm nay tươi lắm – chị Hà, một ngư dân sống trên sông Thu Bồn thấy Thu đi chợ thì đôn đả chào mời
- Cảm ơn chị, mấy hôm nay cha em uống thuốc, thầy lang bảo phải kiêng tanh – Thu lắc đầu, cười nhẹ trả lời
- Không sao, không sao. Hôm nào cha em khỏi bệnh ra mua giúp chị nhé. À chú, chú mua cá giúp chị... – Chị Hà cười, lập tức quay sang chào mời người khác
Thu lượn vòng quanh chợ, mua mấy miếng thịt, mớ rau, nàng chuẩn bị làm món thịt rang cùng canh rau muống luộc mà cha nàng thích nhất, lại thêm mấy quả cà tự muối, bữa cơm cũng đủ thịnh soạn rồi.
Thu vốn là con nhà đài các, là tiểu thư phủ họ Đinh ở đất Nghệ An, trước đây phủ của nàng cũng có mấy trăm người hầu hạ. Nhưng rồi biến cố bất ngờ xảy ra, đám hải tặc đổ bộ lên bờ, cướp cướp, giết giết, sau đó bắt hết mọi người đưa lên thuyền. Mẹ nàng bị hải tặc chém chết, nàng đóng giả người hầu mới thoát cảnh bị nhục, rồi lại chứng kiến đám hải tặc hãm hiếp phụ nữ rồi giết chết, rồi lại chạy trốn, rồi lại tận mắt chứng kiến cha nàng, vì an toàn của mọi người mà nhẫn tâm giết chết đứa em trai bé bỏng của nàng, nàng suýt nữa thì điên mất. Cũng may có các chị em hội Liên Việt khuyên bảo, dần dần nàng cũng nguôi ngoai. Nhưng từ đêm định mệnh ấy, màu áo Liên Việt đã in sâu vào tâm trí của người thiếu nữ.
Sau này, khi nàng cùng cha nàng lên con tàu thần kỳ, cứ như đi ra từ trong truyện cổ tích vậy. Một con tàu hoàn toàn bằng sắt thép mà lại có thể nổi trên mặt nước. Thu nhớ có lần nàng đang ngồi thêu áo bên bờ hồ hóng mát, thì bị rơi mất cây kim. Cây kim bé tẹo đó rơi xuống nước và chìm nghỉm. Đấy, cây kim bé tẹo đó mà còn chìm, vậy mà con tàu sắt này lại nổi được, thật là lạ lùng. Thu nghe cha nàng chép miệng “Xảo đoạt thiên công, thật là xảo đoạt thiên công mà”.
Theo chiến hạm Quang Trung về Triệu Phong, cha nàng được giao nhiệm vụ thủ quỹ, một công việc thật nhàn nhã. Chỉ có điều cha nàng suốt ngày thở ngắn than dài, vì quan trên của ông là một thiếu nữ. Ông hay nói: “Thời buổi loạn lạc đến nơi rồi hay sao mà gà mái cũng học gáy”. Tuy nhiên, ông vẫn cố gắng đi làm. Thu thương cha biết bao. Có lần nàng muốn xin cha cho đi làm thợ may, nhưng rồi lại thôi. Nàng biết cha nàng sẽ không đồng ý để nàng ra ngoài vất vả. Cũng có mấy lần ông định về Nghệ An tìm người thân, nhưng rồi lại thôi. Nghe nói hoàng đế phân đất cho dân chúng, sỹ phu các nơi phản đối kinh lắm, chém chém giết giết, máu chảy thành sông. Ở đây dù có kỳ quái một chút, nhưng được cái yên bình.
Rồi đột nhiên, lại là chiến tranh. Tin quân Chiêm xâm lấn bờ cõi làm mọi người lo sợ mãi không thôi. Rồi đoàn quân mặc giáp mây lại ra trận, mà dẫn đầu là những người lính mặc quân phục ấy, bộ quân phục in sâu trong tâm trí