Nhuế Vĩ nổi giận :
- Ai là tiểu huynh đệ của lão trượng?
Lão nhân bây giờ tỏ lộ hảo cảm đối với Nhuế Vĩ rõ rệt. Lão vẫn cười, thốt :
- Cũng được, ta không gọi tiểu huynh đệ nữa. Ngươi nên hiểu, bọn nông phu đó do Diệp Sĩ Mưu đưa đến phục dịch ta. Đương nhiên ta phải nuôi chúng chứ, nếu không thì khi nào chúng chịu ở với ta! Có điều chúng si dại quá, thấy ta ăn rắn sống, chúng cũng bắt chước ăn rắn sống như ta.
Nhuế Vĩ tính hỏi tại sao lão lại ăn sống đầu rắn độc mà không sợ trúng độc, nhưng chàng không muốn nói chuyện vu vơ với lão ta nữa. Chàng hỏi :
- Bọn nông phu đó cũng bị tà thuật của Diệp Sĩ Mưu lung lạc?
Lão nhân gật đầu :
- Đúng vậy! Nếu không thì làm gì chúng an tâm lưu lại trong cốc với ta?
Nhuế Vĩ áng tay lên đốc kiếm trầm giọng thốt :
- Lão trượng! Chúng ta không còn chi để nói nữa, lão trượng đã giết Pháp Hải, giết một số người khác, giết quá nhiều kẻ vô can lắm rồi, tội lão trượng đáng chết. Hôm nay tại hạ quyết báo cừu cho họ. Lão trượng hãy lấy kiếm, chúng ta hãy động thủ với nhau!
Lão nhân thở dài :
- Ý! Ngươi không muốn đàm đạo với ta một lúc nữa sao? Ngươi muốn động thủ liền, ta cũng chiều ý ngươi, song rất tiếc là ta cô độc vẫn hoàn cô độc, mãi mãi về sau biết còn gặp ai như ngươi nữa chăng? Ngươi chờ một chút, ta vào nhà lấy kiếm!
Thốt xong lão lê xác thân ủ rũ chậm chạp bước vào nhà.
Thấy lão quá già nua, gần như lụm cụm, Nhuế Vĩ than thầm :
- "Đáng thương cho lão lắm! Chừng như lão tịch mịch từ lâu lắm rồi! Tại sao lão ẩn cư tại đây? Lão có nỗi niềm thương cảm gì?"
Không lâu lắm, một người từ trong nhà đi ra, lão nhân theo sau người đó.
Người đó vận áo đen, đội mũ đạo sĩ, tuổi độ bốn mươi, tướng mạo thanh nhã.
Xem ra, không phải là một phần tử xấu. Y cầm thanh kiếm, thẫn thờ đi đến sân phơi lúa.
Nhuế Vĩ lắc đầu, thầm nghĩ :
- "Lại một người nữa trúng tà thuật của Diệp Sĩ Mưu! Chẳng rõ thân phận của y như thế nào tại Vũ Đương sơn."
Lão nhân cũng có một thanh kiếm nơi tay, nhưng lại là một thanh trúc kiếm.
Nhuế Vĩ cau mày hỏi :
- Tại sao lão trượng lại dùng trúc kiếm? Phải biết thanh mộc kiếm của tại hạ chẳng phải tầm thường đâu nhé! Nó bằng Huyền Thiết Mộc đấy! So với báu kiếm, nó không kém chút nào.
Lão nhân mỉm cười :
- Tâm địa của ngươi khá lắm! Thật tình ta không muốn so kiếm với ngươi chút nào!
Nhuế Vĩ rút kiếm, ngưng ánh mắt chờ.
Lão nhân tiếp :
- Ta cao tuổi hơn ngươi, đương nhiên công lực phải thâm hậu hơn. Vậy để cho cuộc đấu được công bình, ta nhường cho ngươi xuất chiêu trước.
Nhuế Vĩ cao giọng :
- Đây là một cuộc đấu sanh tử, không thể có việc nhường trước đánh sau gì cả!
Lão nhân thốt :
- Ta không nhượng, cũng phải nhượng, bởi bắt buộc phải vậy. Ngươi chưa biết kiếm pháp của ta như thế nào, nếu xuất thủ mà ta thắng ngươi ngay, thì ta đâu có vinh hạnh gì, mà bại như vậy, ngươi cũng phải ức chứ!
Lão quét thanh trúc kiếm qua một đường ngang, kiếm kêu cong cong, biểu hiện một công lực khiếp người.
Nhuế Vĩ tự xét mình còn kém lão rất xa.
Rồi trúc kiếm xẹt đến ngực đạo sĩ, nhưng đạo sĩ lơ lơ láo láo, không hề đón đỡ. Lão nhân thu trúc kiếm về. Nơi ngực của đạo sĩ, có đến bảy tám vết thương, máu tươi rớm ra, nhuộm đỏ ngực áo rách.
Lão nhân nạt khẽ :
- Quy Chân! Chú ý đến kiếm của ta!
Trúc kiếm lại bay vút, tiếng gió vu vu cứ mỗi lần kiếm chạm đạo sĩ, là có bảy tám vết thương nơi mình đạo sĩ, nếu ai để ý, tất nhận thấy bao nhiêu vết thương đều dài ngắn, sâu cạn bằng nhau.
Có lẽ thọ thương nhiều nên đạo sĩ bị chấn động mạnh, vì đau đớn, nhân cảnh bừng dậy, phản công dữ dội. Song vô ích, đạo sĩ chẳng làm gì được lão nhân, trái lại tiếp tục nhận những nhát kiếm thần tốc khắp mình.
Nhuế Vĩ nhận thấy, đạo sĩ chưa phải là đối thủ của lão nhân, lão nhân có thể giết ngay đạo sĩ lúc xuất phát hai ba chiêu đầu, song chẳng biết tại sao lão không giết, cứ quây quần hành hạ đạo sĩ từ từ. Mường tượng lão nhân có ý giữ cái mục tiêu còn sống lâu lâu, để lão thực nghiệm một kiếm pháp, tinh luyện những chiêu tân kỳ.
Nhuế Vĩ mấy phen toan vào cuộc, tiếp trợ Quy Chân đạo sĩ, song thấy đạo sĩ chưa nhận bại, hay chưa ngã, thì chàng không có lý do gì can thiệp vào việc của người. Bởi, can thiệp như vậy là vô cớ chen vào ân oán của người, hành động đó là một vi phạm luật giang hồ, mà chàng thì rất tôn trọng tinh thần hiệp sĩ.
Trong cuộc, lão nhân đùa giỡn với đạo sĩ rõ rệt, như con mèo vờn con chuột trước khi ăn tươi nuốt sống nó, như con hổ giỡn mồi.
Đạo sĩ rất đáng thương, càng đáng thương hơn nữa là tà thuật đã hủy diệt thần trí của y, y phản ứng một cách ngây ngô, có lúc cũng đúng quy củ, có lúc lớ ngớ như một người chới với.
Trúc kiếm dần dần rạch nát mặt mày, thân thể của Quy Chân, dĩ nhiên y phục của y cũng không còn nguyên vẹn.
Thân hình biến thể, mất hẳn nhân dạng, y phục rách tơi tả bay lất phất theo đà xoay động, nhìn y, không ai biết y là một vật thể gì. Vật thể đó làm cho Nhuế Vĩ bất chợt nhớ Pháp Hải. Tình trạng của Pháp Hải không khác tình trạng của đạo sĩ Vũ Đương hiện đại. Cảm thương cho Pháp Hải, Nhuế Vĩ rớm lệ.
Quy Chân dù sao cũng là con người bằng xương bằng thịt, dù có sức chịu đựng dai dẻo đến đâu, khi máu chảy quá nhiều cũng phải ngã. Một lúc sau, y không còn cử động đôi tay nỗi nữa, tay thòng xuống, kiếm rơi liền.
Trong lúc đó thì lão nhân cao hứng vô cùng, niềm cao hứng thấp hèn, làm mất phong cách con nhà võ chân chính.
Thay vì dừng tay, lão càng vung kiếm nhanh hơn, mạnh hơn. Đạo sĩ còn đôi tay không, lão nhân vẫn tiếp tục dùng mũi kiếm rạch thêm mấy vết thương nữa trên mình y.
Đến lúc đó, Nhuế Vĩ không còn nén nổi sự bất bình, lập tức hét lớn :
- Dừng tay!
Đồng thời, chàng khoát mộc kiếm từ dưới lên trên, chận trúc kiếm, không cho chạm vào mình đạo nhân nữa.
Hai thanh kiếm chạm vào nhau, dính lại đó, bởi lão nhân vận kình, phát huy một hấp lực dồn vào trúc kiếm.
Trúc kiếm hút mộc kiếm dính cứng vào nhau.
Nhuế Vĩ cấp tốc vận dụng "Thiên Y thần công", rồi quát lên :
- Tách ra ngay!
"Thiên Y thần công" là khắc tinh của tà môn, từ tay chàng chuyền sang mộc kiếm, hóa giải hấp lực của lão nhân ngay.
Lão nhân nghe kình lực cuồn cuộn dội lại từ trúc kiếm, đến tay, vào mình, không tài nào chịu nổi, bắt buộc lão phải rút kiếm, lui về ba bước. Lão xuôi tay đứng bất động, trừng mắt nhìn Nhuế Vĩ, mặt trắng nhợt. Lão không tưởng là Nhuế Vĩ đã luyện được một môn công kỳ diệu như vậy. Cái khổ cho lão là môn công đó lại là thứ khắc tinh cực kỳ lợi hại đối với sở học của lão.
Nhuế Vĩ hoành ngang ngọn kiếm, hỏi :
- Lão trượng muốn đấu ngay, hay phải nghỉ ngơi một lúc?
Lão nhân bị khích, nổi giận :
- Ngay bây giờ!
Nhuế Vĩ nhìn lão, lắc đầu :
- Không được! Chờ một lúc nữa.
Chàng thu kiếm, lùi lại.
Lão nhân càng phẫn nộ :
- Ngươi khinh thường ta, hả tiểu tử?
Nhuế Vĩ lại lắc đầu :
- Không phải vậy đâu, chẳng qua tại hạ muốn có cuộc đấu công bình mà thôi!
Nói như thế, là không ngán lão chút nào, chàng không muốn nhân lúc lão tiêu hao khí lực mà giao đấu. Thắng lão trong trường hợp đó, đâu có vinh quang?
Phải để cho lão khôi phục công lực, rồi sẽ đấu, dù sao thì chàng cũng thắng, chắc thắng, thì phải thắng sao cho có vinh quang chứ! Rõ ràng là chàng khinh thường.
Biết vậy, lão nhân càng giận dữ. Ngày trước, khắp sông hồ, có mấy tay chịu nổi với lão trong vòng ba chiêu? Thế mà bây giờ, một gã thiếu niên không xem lão ra cái quái gì! Một cuộc đấu công bình! Thì đối phương muốn thắng một cách công bình! Tuy nhiên, lão cũng khâm phục dũng khí của chàng, chàng không lợi dụng bất cứ trường hợp nào để chiếm tiện nghi.
Nhuế Vĩ lùi đến cạnh Quy Chân, nâng y lên, nhận thấy thương tích nhiều quá, không thể đếm được.
Chợt đạo sĩ mở mắt ra, đôi mắt hiện mơ hồ, dưới da thịt bày nhầy che phủ bên ngoài, thốt :
- Tà Kiếm! Tà Kiếm lợi hại...
Lão nhân giật mình, biến sắc mặt thầm nghĩ:
- "Tại sao hắn nói năng được? Kỳ quái! Hay là thuật Ma Tâm Nhãn của Diệp Sĩ Mưu hết linh nghiệm?"
Thì ra, bất cứ môn tà thuật nào, cũng đều tự giải, nếu người trúng thuật đó trải qua một cơn kinh biến hãi hùng. Người trúng thuật khôi phục trạng thái bình thường, với đầy đủ trí giác. Trước đó có Pháp Hải, bây giờ đến lượt Quy Chân. Cả hai bị lão nhân dày vò đến tâm thần bị chấn động mãnh liệt mới lấy lại được trí giác.
Phàm những cao thủ thuộc lớp trước trong võ lâm, đều có nghe danh Tà Kiếm. Vì Tà Kiếm không giống với bất cứ kiếm pháp nào trong võ thuật, song nhìn qua là Quy Chân đạo sĩ biết ngay, dù ngày trước y chưa hề lãnh giáo thứ kiếm pháp lạ lùng đó.
Nhuế Vĩ khoát tay :
- Thương thế nặng lắm, đạo trưởng đừng nói năng gì cả, hãy tĩnh dưỡng một lúc.
Quy Chân lắc đầu :
- Bần đạo... sắp chết! Bần đạo nhờ... thiếu hiệp... bố cáo khắp giang hồ là Tà Kiếm chưa chết! Cho tất cả cùng đề cao cảnh giác...
Mắt long lên, đạo sĩ hắt hơi mấy tiếng, rồi tắt thở.
Nhuế Vĩ đặt Quy Chân xuống. Đoạn, chàng đứng lên quay mình đối diện với lão nhân, cất tiếng hỏi :
- Tại sao những người đó trước khi tắt thở đều nói là lão trượng chưa chết?
Lão nhân biến sắc mặt, đáp :
- Làm sao ta biết được?
Nhuế Vĩ thở dài, tiếp :
- Có lẽ năm xưa, lão trượng tạo nên một trường sát nghiệp hãi hùng, nên giang hồ đều kinh sợ. Sau đó, lão trượng ẩn tích, mai tung, ai ai cũng tưởng lão trượng đã chết rồi. Bây giờ gặp lại, người ta kinh ngạc?
Lão nhân hừ một tiếng :
- Như vậy đó rồi sao?
Nhuế Vĩ tiếp :
- Trên thế gian, nhất định không thể có một người nào sanh ra với cái thị hiếu sát nhân. Có lẽ vì lão trượng luyện thứ kiếm pháp tà ác, cho nên khi giao thủ là phải giết người! Lão trượng dù không muốn sát nhân, Tà Kiếm bắt buộc phải sát nhân.
Lão nhân hỏi :
- Ngươi nói chuyện với ai đó?
Chàng suy diễn qua sự việc, qua con người của lão nhân, đã hiểu thị hiếu sát nhân của lão không do bổn tánh thiên sanh, mà là vì ảnh hưởng của Tà Kiếm gây nên. Chàng tiếp luôn :
- Ở đây, đâu có người thứ ba, thì tự nhiên tại hạ nói chuyện với lão trượng.
Tại hạ xin khuyên lão trượng từ nay đừng giết người nữa. Lão trượng hãy nhớ đến cái lẽ báo ứng của luật trời, không muốn có quả dữ thì đừng gieo nhân ác.
Lão nhân nổi giận :
- Ngươi giáo huấn ta?
Nhuế Vĩ lắc đầu :
- Tại hạ nào dám phạm thượng!
Lão nhân cười vang :
- Dù cho ngươi dám, thì cũng chỉ là dám lần cuối cùng thôi. Xem kiếm của ta đây!
Lão xuất thủ ngay. Song, kiếm đi nửa đà, lão thu về.
Nhuế Vĩ cho rằng tại vì công lực của lão chưa được hoàn toàn khôi phục, thành thử lão chưa dám thực sự khai diễn cuộc chiến. Chàng thốt :
- Đấu với lão trượng, tại hạ không chắc là mình thủ thắng. Dù tại hạ có chết dưới kiếm trúc của lão trượng, đó là do số mạng, tại hạ không hề oán than. Tuy nhiên tại hạ có lời thỉnh cầu này; giả như tại hạ chết, thì lão trượng nên xem là lần sát nhân sau cùng. Từ nay mong lão trượng đừng bao giờ hủy diệt nhân mạng như trước nữa.
Lão nhân không đáp lời chàng, chỉ hét :
- Tránh qua một bên!
Âm thinh của lão kỳ quái hết sức. Nhuế Vĩ chẳng rõ lão có ý tứ gì, đành phải bước qua một bên, xem lão làm gì kế tiếp.
Phía sau lưng chàng có chiếc giỏ, trong giỏ, còn có một con độc xà, loại "Vũ Tán Tiết".
Lão nhân vọt mình tới cạnh giỏ, quỳ xuống. Thân hình run lên đáng sợ, lão giở nắp giỏ, bắt con độc xà, nhai đầu nó.
Nhuế Vĩ nhận ra, lão có bịnh kín. Có lẽ bịnh kín đó đang hồi phát tác, và mỗi lần bịnh phát tác lão phải ăn sống đầu độc xà, chất độc của rắn làm dịu cơn bịnh.
Ăn xong đầu rắn sống, lão nhân hết run người, thần thái trở lại bình thường ngay. Lão đứng lên.
Nhuế Vĩ thở dài, thốt :
- Cần gì phải dùng biện pháp đó! Bởi chứng bịnh của lão trượng chỉ được xoa dịu thôi, chứ không tiêu trừ hẳn. Sao lão trượng không