Hôm sau, từ sáng sớm, trong bộ y phục săn, Giản Hoài Quyên dắt hai con bạch mã đến trước thơ phòng gọi :
- Đại ca ơi! Đại ca! Chúng ta đi thôi!
Nhuế Vĩ đã rửa mặt, thay xiêm áo xong. Xuân Cầm hỏi :
- Hôm nay công tử du ngoạn phía hậu sơn?
Bất đắc dĩ, Nhuế Vĩ "ừ" một tiếng, Bí Thơ liền nói :
- Vậy thì công tử phải thay bộ y phục đó mới được!
Nàng vào trong, mang ra bộ y phục bằng da thuộc, còn Hạ Thi thì mở rương, lấy một chiếc dây lưng, cũng bằng da, bản dây rộng, nơi đường dây có một ngọn roi, một thanh chủy thủ, cả hai thứ đều được xỏ vào khoen cẩn thận. Đông Hoạch mỉm cười thốt :
- Tiểu thơ của chúng ta thích đùa giỡn với sư tử ghê! Công tử vừa về đến, là tổ chức ngay cuộc săn...
Hạ Thi tiếp :
- Không có công tử đi theo, tiểu thơ một mình đâu dám đi? Từ nửa năm nay, sau ngày công tử ly gia, không bao giờ tiểu thơ ra phía hậu sơn du ngoạn, nếu công tử ra đó, thì phải cẩn thận cho lắm nhé, hơn nửa năm rồi, bầy sư tử như bị bỏ quên vậy đó, dã tánh của chúng bừng dậy, chúng hung mãnh dị thường!
Nhuế Vĩ trong lòng sầu muốn chết được, còn hứng thú nào mà nghe bọn liễu hoàn cười cười nói nói?
Rồi hắn miễn cưỡng thay y phục, Xuân Cầm thắt chiếc dây quanh hông hộ hắn.
Nhuế Vĩ nhìn ngọn roi, thanh chủy thủ, thầm nghĩ :
- "Chỉ bằng vào hai vật này mà bắt được sư tử à?"
Hắn và bọn liễu hoàn loay hoay như vậy, mất hết mấy phút.
Giản Hoài Quyên ở bên ngoài, lại gọi :
- Đại ca nhanh lên đi chứ! Nhanh lên một chút!
Nhuế Vĩ làm gan, bước mạnh dạn ra khỏi thơ phòng. Giản Hoài Quyên điểm một nụ cười, tiếp :
- Đi nhanh lên mới được, đại ca. Chậm thêm mấy phút nữa mẹ sẽ gọi tiểu muội đấy, thành ra hỏng cuộc săn hôm nay!
Trông thấy Giản Hoài Quyên cao hứng cực độ, Nhuế Vĩ phải phấn động tinh thần nhưng bên trong thâm tâm, hăn cứ kêu khổ mãi, nghĩ :
- "Bắt sư tử không được, hôm nay lại phải bị sư tử vồ mà xơi xác chứ chẳng chơi đâu!"
Cả hai lên lưng bạch mã, Giản Hoài Quyên đưa tay chỉ cái gò đất vàng phía trước, thốt :
- Chúng ta do ngã đó, đi ra cận lộ.
Nhuế Vĩ gật đầu :
- Được!
Hắn không thể nói tiếng gì hơn, dù óc muốn cũng không nói nổi, rồi giục ngựa chạy về gò đất vàng.
Vừa lúc đó, một liễu hoàn trong phòng lão phu nhân chạy đến, gọi to :
- Tiểu thơ! Tiểu thơ!
Giản Hoài Quyên thở dài thốt :
- Đại ca thấy chưa! Đi không được rồi đại ca ơi!
Nhuế Vĩ thầm vui sướng. Không đi là hay cho hắn lắm. Giản Hoài Quyên cho rằng bất thành, chứ hắn thì nghĩ là rất thành.
Liễu hoàn lướt tới, tiến lên trước ngựa của Giản Hoài Quyên, thân pháp của nàng làm cho Nhuế Vĩ xám mặt, thì ra cả đến bọn liễu hoàn trong Thiên Trì phủ đệ này cũng có thuật khinh công khiếp người! Hắn tự xét, mình còn kém xa bọn thuộc hạ, như vậy đối với chủ nhân hắn có ra cái quái chi đâu?
Giản Hoài Quyên cau mày, quay đầu hướng về Nhuế Vĩ, thốt :
- Chẳng hiểu tại sao, trong mấy hôm sau này, mỗi ngày mẹ lại bức tôi phải luyện công cùng với nhị ca! Tôi phải về, làm cái việc đó, xong rồi là trở ra đây ngay, đại ca ở đây chờ tôi nhé!
Nhuế Vĩ biết rõ nguyên nhân khiến Giãn lão phu nhân buộc anh em nàng hàng ngày luyện tập. Hẳn là để ứng phó với sự xâm phạm của Hắc bảo chứ gì?
Hắn muốn nói: "Hôm nay không đi được, thì ngày mai, ngày kia sẽ đi, cần gì phải nhất quyết đi hôm nay mà ở đây chờ đợi?" Nhưng Giản Hoài Quyên đã quày ngựa, đi xa rồi.
Hắn nghĩ :
- "Đã như thế này thì một mình hắn giục ngựa ra phía hậu sơn xem qua địa thế, lần sau Giản Hoài Quyên có đòi hắn đưa đi săn sư tử, ít nhất hắn cũng không xa lạ gì với cục diện."
Rồi hắn lên gò đất vàng. Nơi đó, chẳng có một vật gì, hắn nghĩ :
- "Một nơi bằng phẳng trơn tru như vậy thì làm sao có nguy hiểm được?"
Hắn lại cho rằng :
"Chỉ cần cẩn thận một chút là hắn thoát khỏi cơ quan, cạm bẫy."
Qua khỏi một gò đất nhỏ, hắn được vô sự. Rồi hắn đến một gò đất lớn hơn, gò lài lài thẳng xuống, là khu vực hậu sơn của Thiên Trì nội phủ.
Nhuế Vĩ lần theo gò đó đi xuống, bên dưới có một sơn cốc, đá chất chồng linh loạn. Hắn định chừng, chính nơi đây là lối xuất nhập của đàn sư tử. Hắn xuống ngựa, vịn vào các mỏm đá, lần vào sơn cốc, rồi đề cao cảnh giác, hắn đi sâu vào sơn cốc.
Ngờ đâu, càng đi vào sâu, hắn chỉ thấy toàn là đá loạn, đá quái hình dị dạng nhưng không có bóng dáng một con sư tử nào. Hắn cho rằng, nơi đây chưa đúng là chỗ đàn sư tử ẩn trú, nên buông lơi cảnh giác, ung dung quay trở lại con đường cũ, ra ngoài.
Hắn đi ngang qua hai mô đá cao bằng tầm vóc với hai người, nơi đó trước đây mấy phút, hắn đã đi qua chẳng gặp gì cả, bây giờ trở lại bỗng nghe một tiếng gió quét kêu vù bên trên đầu.
Hắn kinh hãi, vội soạt chân lướt tới, khỏi hai mô đá rồi hắn quay mình nhìn lại, thấy con mãnh sư đang gầm thét tức uất vì sổng mồi. Nó đang chồm mình như sắp sửa nhảy tới.
Không chậm trễ, Nhuế Vĩ lấy ngọn roi và thanh chủy thủ cầm tay.
Tuy nhiên, hắn không quen sử dụng loại roi da, nhất là loại roi đặc biệt dùng để đối phó với loài sư tử, còn thanh chủy thủ chỉ là một vật hữu dụng trong lúc cấp thời chứ nó cũng không phải là một vật mà dù cho kẻ có võ công cao hoàn toàn ỷ trượng vào, mong được an toàn như ý.
Cho nên, dù thủ trong tay ngọn roi, thanh chủy thủ, Nhuế Vĩ vẫn bối rối như thường. Hắn vung ngọn roi tới tấp, không mục tiêu phân biệt, vung loạn như người chẳng biết võ công.
May mắn cho hắn, con sư tử chắc trước kia đã bị khổ vì thế roi da này nhiều phe lắm rồi nên vừa thấy ngọn roi da vun vút là nó giảm bớt vẻ hung hăng ngay, nó lại cúi thấp đầu tuy vẫn còn rống, song tiếng rống nhỏ lại rất nhiều. Mường tượng là nó được huấn luyện thành thuần phục.
Nhuế Vĩ cả mừng, nghĩ rằng con sư tử đã được người trong Thiên Trì phủ huấn luyện kỹ rồi, nó mất hết dã tánh, hắn quên đi là nếu con sư tử quả đã được huấn luyện thành thuần phục thì khi nào nó vồ người như vừa rồi? Nếu hắn không nhanh chân tránh thoát thì đã mất mạng trong cuộc tập kích của con dã thú.
Hắn sơ sót điều đó, hại đâu chưa thấy, hắn lại được cái lợi là bớt sợ, rồi can đảm tăng gia, hắn bước tới gần con sư tử hơn.
Con mãnh sư lùi dần, lùi dần, từng bước một. Hắn hét :
- Lại đây! Lại đây!
Hắn làm như đang tập luyện loài sư tử vậy. Hắn lại quên luôn là mình chẳng hiểu mảy may về kỹ thuật tập luyện sư tử.
Thoạt đầu, con sư tử thấy ngọn roi quen thuộc đâm khiếp hãi, thu oai, rồi lùi, sau cùng nó bị Nhuế Vĩ bức dồn cực độ, sanh tức uất, dã tánh bừng dậy, gầm lên một tiếng lớn, đoạn lao mình vút tới Nhuế Vĩ.
Nhuế Vĩ chẳng biết bản tính của loài sư tử như thế nào nên không dự liệu được nó có thể phản công như vậy, thành ra hắn kinh hoàng, lại vung loạn ngọn roi da như trước.
Hắn đánh quýnh quáng như vậy, ngọn roi quất vào khoảng không nhiều hơn, ngọn nào quất vào mình sư tử thì không hy vọng trúng, mà có trúng cũng chẳng nhằm chỗ nhược. Hắn lớ ngớ thế nào lại để cho sư tử chụp được ngọn roi, giật mạnh, roi tuột tay hắn.
Mất roi, Nhuế Vĩ càng quýnh quáng hơn, còn sư tử thì hết sợ rồi nên hung mãnh hơn, dậm chân sau nghe "phịch" một tiếng, thân mình lao vù tới. Dù sao tài Nhuế Vĩ cũng tọa tập huyền môn nội công qua mấy năm dài, mắt sáng, tay nhanh, cấp tốc dùng thanh trủy thủ vừa bảo vệ toàn thân vừa đâm thốc mũi sang dã thú.
Khác với lúc cầm roi, hắn đâm thanh chủy thủ rất chuẩn đích, mũi chủy đâm trúng vai tả của sư tử, nhờ thế thoát khỏi cái vồ của nó. Sư tử thọ thương, càng hung mãnh hơn, rống luôn ba tiếng liên tiếp, trong khi đó Nhuế Vĩ chú hết tinh thần theo dõi động tịnh của con vật Bỗng, từ phía sau lưng hắn vọng tới mấy tiếng vang rền. Nhuế Vĩ khiếp hãi, quay đầu nhìn lại. Trời! Chẳng rõ xuất hiện lúc nào, ba con sư tử đứng lù lù, uy mãnh, hùng tráng.
Con sư tử trước, thừa lúc Nhuế Vĩ quay đầu, vừa gầm lên vừa nhào tới.
Nhuế Vĩ vội hụp đầu đồng thời lạng mình xuống, tràn qua một bên.
Ba con sư tử sau, nghe đồng bạn kêu cứu, đã đến nơi rồi thì đương nhiên là nó chuẩn bị tiếp chiến, chúng thấy Nhuế Vĩ di động lập tức phân nhau mỗi con một hướng, từ ba hướng nhào vào.
Trong cơn nguy cấp, Nhuế Vĩ quên mất sử dụng quyền cước, thấy rõ là mình phải làm mồi cho đám sư tử này, bất giác kêu lên :
- Mạng ta dứt rồi!
Đang lúc đó, một bóng đen từ trên đầu mô đá bay xuống, bóng đó chỉ vung ba quyền, phóng ba cước, bốn con sư tử gào lên như sấm, cúi đầu, cúp đuôi chạy trối chết.
Từ lâu, Nhuế Vĩ chỉ nghe nói loài sư tử rất hung mãnh, song chưa từng gặp chúng lần nào, mãi đến hôm nay mới chạm trán với chúng, suýt mất mạng vì chúng. Tuy sợ hãi cực độ, hắn vẫn còn giữ được thần trí sáng suốt, hắn nhìn người vừa cứu mạng, thấy người đó vận y phục chẹt màu đen, mặt bao kín bằng khăn đen, dáng dấp rất yểu điệu. Người đó, đúng là một nữ nhân.
Nữ nhân áo đen đánh đuổi đàn sư tử rồi, dừng tay, dừng chân, không nói một lời, ngây người nhìn Nhuế Vĩ. Nàng có đôi mắt xanh rất trong sáng, mũi cao, da mặt trắng, thân hình hơi ốm một chút, tuy không đẹp bằng Giản Hoài Quyên, song có duyên vô cùng.
Nhuế Vĩ cũng sững sờ, không tưởng là một nữ nhân mảnh khảnh như vậy lại có thể đánh đuổi cùng một lượt bốn con sư tử. Hắn rất cảm kích ơn cứu mạng, hắn hết sức thành kính thốt lời cảm tạ :
- Cô nương cứu mạng, tại hạ ghi khắc ơn ơn trọng muôn đời.
Nữ nhân áo đen chừng như có biến sắc mặt hỏi :
- Ngươi là ai?
Nhuế Vĩ trì nghi một lúc, vốn ý muốn nói tên thật, nhưng nhớ lại sự ủy thác của ân công, thành ra phải nói dối :
- Tại hạ là Giản Thiệu Vũ tại phủ Thiên Trì.
Nữ nhân áo đen lắc đầu :
- Ngươi không phải là đại công tử trong nhà họ Giản.
Sợ nàng khám phá sự thật, Nhuế Vĩ vội cãi :
- Tại sao không phải?
Nữ nhân áo đen bình tĩnh đáp :
- Tại Thiên Trì Nội Phủ, đại công tử họ Giản là tay luyện tập sư tử nổi danh, nếu ngươi là đại công tử thì đâu có cái nạn hôm nay?
Nhuế Vĩ tưởng nên đem nhất thiết các việc tố cáo với nàng, nhưng rồi không dám nói chi tiết, chỉ thở dài, rồi than :
- Tại hạ là Giản đại công tử chân chánh mà!
Nữ nhân rất ôn hòa, không muốn tranh luận nữa, cất tiếng khuyên :
- Sư tử ở đây mười phần hung hăng, ngươi không có kỹ thuật huấn luyện chúng, tốt hơn đừng bén mảng đến vùng này.
Nàng không nói đến việc chân giả nữa, nàng lại chiếu cố đến hắn nên khuyến cáo hắn, hắn cảm kích hết sức, thốt :
- Đa tạ cô nương.
Nữ nhân điềm nhiên :
- Chả cần cái đó!
Nàng ung dung bước đi. Nhuế Vĩ cấp tốc bước theo, tiếp :
- Xin cô nương cho biết phương danh!
Nữ nhân áo đen hơi cúi thấp đầu :
- Tên họ ta, không thể nói cho ngươi biết.
Nhuế Vĩ vội tiếp luôn :
- Tại hạ chưa phải là một kẻ vô lương, sống cảnh đầu đường xó chợ mà chẳng biết ơn cứu mạng trọng đại như thế nào. Nếu cô nương không cho biết phương danh để mà suốt đời khắc niệm thì tại hạ ân hận mãi mãi đến ngày tàn...
Nữ nhân lắc đầu, nhẹ giọng :
- Ta không thể nói cho ngươi biết đâu. Nếu cần nhắc nhở đến ta thì ngươi cứ nhớ ta là Thuần Sư Nữ, một nữ nhân chuyên huấn luyện thuần phục loài dã thú đó.
Rồi nàng bước đi. Nhuế Vĩ cao giọng hỏi :
- Tại hạ có thể gặp lại cô nương chăng?
Ngoài mấy trượng xa, nữ nhân hẳn có nghe câu hỏi song nàng không đáp, thản nhiên đi tới, đi mãi đến lúc khuất dạng trên nẻo đường dài...
Nhuế Vĩ đứng đờ tại chỗ dõi mắt theo nàng, lòng dặn lòng vĩnh viễn không quên cuộc tao ngộ hôm nay.
Một lúc sau, Nhuế Vĩ bước tới. Nhưng ngọn roi đâu còn, con sư tử chụp được đã xé tan tành rồi!
Ngọn roi nát, thay thế cho hắn!
Hắn khó quên được hình bóng nàng áo đen vừa cứu mạng dù chẳng rõ mặt mày nàng như thế nào, vẻ ôn nhu đó phải là hy hữu trên đời này. Chính thái độ dịu hòa của nàng gây ấn tượng nặng nơi tâm tư hắn hơn là nhan sắc, dù hắn chẳng thấy được nhan sắc của nàng.
Đúng lúc đó, có tiếng gọi lanh lảnh từ xa vọng lại, tiếng gọi của Giản Hoài Quyên :
- Bắt được con nào chăng, đại ca?
Nhuế Vĩ thở dài, đợi nàng đến gần, đáp gọn :
- Không!
Giản Hoài Quyên lại hỏi :
- Thế là đại ca chưa gặp chúng?
Nhuế Vĩ buông lơ là :
- Có gặp rồi!
Giản Hoài Quyên trố mắt :
- Gặp rồi mà không bắt được con nào? Tại sao thế?
Tại sao? Còn tại sao nữa? Là một đại ca giả hiệu thì tài năng đâu mà bắt được loài thú dữ đó? Hắn uể oải đáp :
- Từ sau ngày thọ bệnh, đại ca không còn đủ sức đùa giỡn với loài sư tử như trước. Thôi, chúng ta trở về đi, hiền muội.
Không đợi Giản Hoài Quyên nói gì, hắn bỏ đi trước.
Giản Hoài Quyên mất hứng, nhưng còn biết làm gì hơn khi vị đại ca của nàng viện cớ bệnh hoạn để bỏ cuộc? Nàng phải theo Nhuế Vĩ trở về.
Đến thơ phòng rồi, Nhuế Vĩ nằm dài, nghĩ ngơi một lúc, khi nghe trong người khỏe lại, hắn tùy tiện đưa tay lấy trên giá sách một quyển ngoài bìa có mấy chữ :
"Chung Nam Quyền Kiếm Lục".
Hắn lật từng trang, thấy bên trong ghi chú quyền pháp và kiếm pháp của phái Chung Nam, quyển bí lục này nếu được lưu truyền trên giang hồ thì nó là một báu vật vô giá, nhưng nó lại ở tại đây, nằm tại một chỗ bình thường thì có thể những quyển kia cũng phải bình thường như nó. Nhưng ở bên ngoài, nó là vật vô giá, tại sao ở đây nó trở thành bình thường như vậy? Nhà họ Giản đâu phải là chẳng biết giá trị của một quyển bí lục võ công như thế nào sao? Hay là họ có chỗ hơn người, mấy quyển sách như thế này cũng như là sách thông thường, bỏ đó để trang trí thơ phòng cho rậm đám?
Hắn lấy quyển thứ hai, xem ngoài bìa, có mấy chữ: "Trường Bạch Phong Quyền Kiếm Lục".
Các quyển kế tiếp là: "Võ Đương Quyền Kiếm Lục", "Hoài Tây Phạm Gia Xuất Hà Lục", "Lỗ Đông Đệ Nhất Phách Sơn Chưởng".
Bốn quyển sau trị giá không kém quyển trước, xem đó đủ biết những sách trong thơ phòng này đều quý cả, lạ một điều là người ta không quý trọng cho lắm nên tùy tiện mà sắp xếp, bất quá cho nó ngăn nắp vậy thôi.
Một điều lạ khác là tại sao bí học của các môn các phái trong võ lâm lại tập trung ở đây cả?
Nhuế Vĩ từ nhỏ vốn hiếu võ, hắn lại rất thông minh, hiếu đọc, đọc qua rồi là nhớ kỹ, không bao giờ quên. Đang lúc sầu tư, lại gặp được vô số sách quý như thế này thì còn gì bằng? Hắn bỏ hết mọi điều lo nghĩ, chăm chú đọc.
Trọn ngày đó, đến lúc hoàng hôn xuống thì Nhuế Vĩ đã đọc xong mười bảy quyển. Hắn đã ra lệnh cho bọn liễu hoàn đi ngủ, khỏi phải hầu hạ hắn để hắn được yên tịnh tiếp tục đọc.
Đến canh hai, hắn lấy ra một quyển nữa, quyển thứ mười tám, ngoài bìa có mấy chữ: "Đàm Gia Uyên Ương Thối". Hắn xem đến giữa quyển chợt thấy một bức đồ, vốn vẽ trên giấy trắng song hiện tại đã ngã màu vàng. Hắn mở ra xem thì là một bức địa đồ.
Một bức địa đồ không gây sự chú ý của hắn mà chính là những chữ bằng chu sa ở sau lưng bức đồ hấp dẫn hắn. Mấy chữ đó là :
"Muốn có tuyệt nghệ, chỉ có cách là đi... đi..."
Nhìn nét bút, hắn nhận ra đúng là tuồng chữ của Giản Thiệu Vũ. Nhuế Vĩ thầm nghĩ :
- "Tại sao y viết chữ "đi" thành một dọc như vậy?"
Đi! Viết một loạt chữ "đi", có nghĩa là người viết nuôi kỳ vọng đi! Mà đi đâu?
Đi tìm cái tuyệt nghệ? Tuyệt nghệ ở đâu?
Nhuế Vĩ xem qua bức địa đồ. Một lúc lâu, hắn tỉnh ngộ. Bức địa đồ phát họa vùng phụ cận của Vạn Thọ Cư! Địa điểm là phía tả Vạn Thọ Cư, là khu rừng nhân tạo. Giản Thiệu Vũ từng cảnh cáo hắn đừng bao giờ đến đó, nếu cãi lời là phải gặp kỳ họa.
Trên địa đồ có những đường vẽ chỉ dẫn màu đỏ, bên cạnh đó có chữ nhỏ giải thích rõ ràng. Thì ra, trong khu rừng nhân tạo đó có mai phục vô số cơ quan giết người. Những đường màu đỏ chỉ dẫn xuyên qua khu rừng nhân tạo, thẳng đến phía hậu.
Nhuế Vĩ thầm nghĩ :
- "Nơi Giản Thiệu Vũ muốn đến hẳn là địa phương nằm phía hậu khu rừng nhân tạo!"
Hắn nhớ lại phong thư của Hắc bảo, hẹn trong nửa tháng nữa sẽ đến đây, đòi lại vật báu gì đó mà ngày trước phụ thân của Giản Thiệu Vũ đã cưỡng đoạt của họ. Người của Hắc bảo có võ công như thế nào Nhuế Vĩ đã hiểu lắm rồi.
Bằng vào tài nghệ còn quá non kém của hắn, hắn làm sao ngăn trở nổi sự xâm nhập của họ?
Hiện tại, hắn đóng vai Giản đại công tử thì hắn phải đảm nhận trách vụ bảo vệ Thiên Trì phủ, muốn làm được việc đó thì trong vòng nửa tháng, hắn phải làm sao học võ công đủ sức chế ngự cuộc xâm phạm của đối phương.
Làm sao? Bí kíp võ công hiện có trong thơ phòng quá nhiều, song trong một thời gian ngắn, hắn học thế nào cho hết? Mà dù có học được hết, tuy hắn tiến bộ phi thường, song chắc gì với sự thành tựu đó, hắn ngăn chặn nổi bọn Hắc bảo?
Đừng nói chi thủ thắng, giữ sao cho cuộc chiến được hòa kể cũng mệt cho hắn không tưởng nổi! Thì cần chi phải chuyên chú đọc hết các quyển bí kíp này, cuối cùng cũng chẳng giúp ích cho hắn trong nhiệm vụ bảo vệ Phủ Thiên Trì?
Chỉ có một cách duy nhất! Cách đó là đi! Như Giản Thiệu Vũ đã nêu kỳ vọng đi! Đi đến địa phương có tuyệt nghệ, tìm tuyệt nghệ đó làm phương tiện bảo vệ gia đình của ân công.
Hắn cũng có thể ly khai Thiên Trì phủ, tránh cái việc khó khăn này, song bỏ đi thì còn ăn nói làm sao với Giản Thiệu Vũ sau này khi gặp lại nhau? Thế thì chỉ còn có cách đó, có vậy hắn mới đáp ân đáp nghĩa cứu mạng được.
Đi! Phải đi!
Hắn quyết định như vậy. Tuy biết là nguy hiểm, song tự vạch cho mình một đường lối hoạt động rồi, hắn nhẹ nhỏm người, hết lo lắng, đắn đo nữa.
Khi tâm tư vơi nhẹ ngàn mối nỗi niềm thì cái mệt mỏi liền đến với hắn. Một ngày đầy xao xuyến, lo lâu, sợ hãi, tinh thần luôn luôn căng thẳng, hắn phải mệt.
Hắn định đi nằm một lúc, ngờ đâu cánh cửa thơ phòng vụt mở ra, Bí Thơ bước vào, trên tay có một cái mâm, trên mâm có tô cháo nóng.
Nhuế Vĩ hỏi :
- Đêm khuya rồi, sao ngươi chưa ngủ?
Bí Thơ nở nụ cười tình, dùng giọng dụ hoặc đáp :
- Nô tỳ thấy công tử chưa ngủ nên không thể ngủ được, mà thức dậy cũng chẳng làm gì nên đi nấu cho công tử một tô cháo liên tử, ăn cho khỏe người.
Nhuế Vĩ thấy cô nàng cử chỉ lả lơi, ăn nói không được nghiêm chỉnh, trong lòng không vui, lạnh lùng thốt :
- Ta không bảo thì các ngươi khỏi phải phục thị ta.
Bí Thơ đặt chiếc mâm xuống bàn, nhìn Nhuế Vĩ, Mắt long lanh gợi tình, buông tiếp với giọng dụ hoặc :
- Đêm hôm khuya khoắc, tôi chịu nhọc nấu cháo cho công tử ăn, công tử hãy ăn đi.
Thấy nàng có hảo ý, Nhuế Vĩ cũng thương tình, cố gắng ăn xong tô cháo, ăn càng chóng xong là nàng càng chóng rời khỏi phòng.
Ăn xong, hắn quay đầu lại, toan gọi Bí Thơ cho nàng mang chiếc mâm đi, ngờ đâu lại thấy nàng đang cởi chiếc áo ngoài, chỉ chừa lại chiếc áo lót rất mỏng, bày thân hình lồ lộ.
Một sự kiện không thể có trong tưởng tượng của Nhuế Vĩ. Một nữ tỳ cởi trần trước mặt công tử chủ nhân giữa đêm khuya và có lẽ nàng sắp sửa cởi truồng nữa cũng nên, trông dáng điệu của nàng, Nhuế Vĩ nghĩ là nàng dám làm như vậy lắm chứ chẳng chơi. Hắn không phải là người háo sắc, thân hình của Bí Thơ có vẻ hấp dẫn lắm, song chỉ nhìn thoáng qua, bắt gặp nàng trong tình trạng đó, hắn quay mặt đi nơi khác liền.
Bí Thơ làm già hơn, xõa tóc cho phủ trọn hai bờ vai, suối tóc làm tăng vẻ quyến rũ của nàng. Rồi nàng cười lơi lả, thốt :
- Công tử ơi! Lâu lắm rồi, tôi không hầu hạ công tử...
Như con rắn, nàng nhoài mình tới, ôm ngang Nhuế Vĩ, quấn tay, quấn chân đeo dính hắn.
Nhuế Vĩ rùng mình qua cái chạm của hai làn da, bởi lần đầu tiên hắn mới cảm nhận cái xúc giác đó. Hắn thấp giọng, nạt :
- Buông ngay!
Hắn sợ hét lớn lên làm kinh động những người khác, dù tức giận hết sức cũng chỉ có thể nạt thế thôi.
Nhưng Bí Thơ không buông tay, trái lại còn ghì mạnh hơn.
Nhuế Vĩ biến sắc, hoành tay rút thanh kiếm treo nơi vách khỏi vỏ, chong mũi kiếm ngay mình nàng, trầm giọng bảo :
- Ngươi chậm buông tay, là ta đâm liền.
Thấy mũi kiếm, Bí Thơ lạnh xuân tình ngay, lập tức buông tay, lùi lại ba bước, lộ vẻ nghi ngờ, hỏi :
- Công tử... sao thế hả?
Nhuế Vĩ đáp :
- Con người, không thể thiếu liêm sỉ, ngươi hãy