Edit: Yunchan
Rời khỏi trấn Mai Lĩnh đã được mấy ngày, Kinh Niên và Thi Ngũ gia ngày đi đêm nghỉ, một đường xuôi nam tới Lý Nữ giang, một vùng ven sông. Ngày hôm đó khí trời quang đãng, cơn gió Đông Nam mang theo luồng khí khô hanh, thổi vào mặt làm da khô ráp, mồ hôi không đổ được một giọt càng làm cho bụng dạ buồn bực phát hỏa. Kinh Niên bèn tới trước sạp đầu thôn mua một cây quạt hương bồ, vừa đi vừa phe phẩy, trông vào cũng khá là thong dong tự tại.
Đương vào dịp xuân nhộn nhịp, ven bờ sông và trên đường nhỏ tấp nập nhiều thương buôn hơn bình thường gấp bội, xe lừa và mã xa thồ hàng nhan nhản khắp đó đây, rất nhiều người bán hàng rong cũng chạy tới góp náo nhiệt, và cũng không thiếu người chọn dịp này để qua sông thăm người thân. Tiếng chào hàng, tiếng rao bán, tiếng người ầm ĩ không dứt bên tai, như nồi nước sôi đang réo lên sùng sục.
Xưa nay Kinh Niên toàn chọn đi đường nhỏ vắng vẻ yên tĩnh, mặc dù không phải là người ưa ầm ĩ, nhưng đã quá lâu không nhìn thấy khung cảnh nóng hừng hực, nên khi nghe thấy tiếng gào thét tràn đầy tinh thần này, tâm trạng thật là khoan khái. Bước chân tự động sải dài, chạy băng băng về phía âm thanh, đất đai núi rừng và cây cối lùi thật nhanh ra sau. Cô xuyên qua biển người hệt như một người cá, tận tới khi chạy tới chỗ neo tàu mới dừng lại. Cô vừa nghỉ chân xong, Thi Ngũ gia cũng đã đuổi theo sát nút, chẳng qua chỉ xê xít một chốc lát.
Kinh Niên quơ quơ quạt hương bồ, cười nói: “Ngũ gia, ngài sắp chạy nhanh bằng Kinh Niên rồi, lần tới ngài chạy trước để Kinh Niên chạy sau cho.” Nói thì nói vậy, lúc đi về hướng bến thuyền, Thi Ngũ gia vẫn an phận nhảy sau lưng cô.
Ngồi bên rìa đầu cầu gỗ bắt lên thuyền có mấy thợ thuyền, họ đang say sưa tán dóc chuyện trên trời dưới đất. Kinh Niên cắm cái quạt hương bồ vào túi đeo ngang lưng, rồi bước lên cất tiếng chào, hỏi chuyện người có vẻ nhiều tuổi nhất: “Lão sư phụ, xin hỏi mấy thuyền này đi về hướng nào?”
Sư phụ đang ngậm cái tẩu, nghe tiếng thì ngẩng đầu lên, trông thấy người hỏi là một bé gái thì vội vàng đẩy cái tẩu qua bên mép, phả một miệng đầy khói qua bên cạnh rồi đứng lên, hướng mặt về phía sông chỉ vẽ: “Thuyền gỗ sơn đen kia là đi về hướng thôn Yên Hoa, cái thuyền màu đỏ khảm song ngư hí châu(*) thì lái về hướng cố đô Nam thành, đoàn thuyền ở sau đuôi là thuyền khứ hồi, muốn đi các thôn trấn nhỏ khác thì ngồi thuyền kia, số còn lại là thuyền hàng, không chở du khách.”
(*) Song ngư hí châu: Hai con kim ngư và một hạt châu, biểu thị cho phú quý cát tường. Lão sư phụ nói tường tận xong, Kinh Niên nói tiếng cám ơn rồi hỏi tiếp: “Bây giờ có thể lên không?”
Lão sư phụ lắc đầu, nói là chưa tới giờ đón khách, cần đợi thêm một canh giờ nữa. Kinh Niên thấy ông ngậm lại cái tẩu ngồi xuống thì khom lưng thi lễ, cảm ơn mấy tiếng, sau đó lộn trở lại đi tới một nhà khách điếm ở cạnh bến tàu.
Cả trong lẫn ngoài khách điếm đều ngồi chật ních hành khách chờ thuyền, nào còn chỗ trống? Tiểu nhị bèn thương lượng với một bàn bốn hán tử thồ hàng, chừa ra một góc bàn cho Kinh Niên ngồi nhờ. Bốn hán tử thấy bề ngoài cô đáng yêu, còn dắt theo một hành đầu, nên thoải mái hàn huyên với cô đôi câu, hỏi tên tuổi xong thì lại quay về chuyện ba hoa khoác lác giữa cánh đàn ông. Kinh Niên gọi một bình trà và mấy món ăn nhẹ, rồi vừa ăn vừa nghe mấy người kia tán chuyện.
“Nói lại thì bảng treo thưởng quan phủ mới dán mấy ngày trước đây đấy, nhiều hảo hán kéo tới tưởng đâu sắp đạp đổ cổng thành, vậy mà lăn qua lộn lại rất lâu, bảng niêm yết kia vẫn dán ngay ngắn chỉnh tề, tới cái mép giấy cũng không bị xé xuống. Người nào cũng vào thì thẳng thớm ra thì liêu xiêu, không chết mà chả khác nào chết, chẳng phải gãy tay gãy chân, thì nhẹ cũng mặt mũi bầm dập, anh hùng đều thành cẩu hùng hết trọi!”
Nói tới đây thì bốn người phá lên cười, đập tay đập chân, nện bàn rầm rầm, ồn ào một trận, rồi lại nghe người nọ nói tiếp: “Sau này thì không ai dám tới nữa, hoàng bảng dán ở bên kia phơi nắng phơi gió, hư hại tới độ chả nhìn thấy chữ. Thời gian lâu dần, mọi người đều quên béng mất chuyện này. Bên trên muốn trưng thu đất lập miếu quan, kỳ hạn gần ngay trước mắt, Huyện thái gia không sốt ruột tới quýnh lên mới lạ, thành ra lại yết bảng, tiền thưởng tăng lên bội phần, khổ nỗi vẫn chả ma nào thèm ngó, ngươi nói coi bạc hay là mạng quan trọng hơn? Trong bụng ai mà không cân đo đong đếm! Chỉ tội cho Huyện gia không hoàn thành nhiệm vụ, bị cách chức quan là nhỏ, kết tội bỏ tù tịch biên mất mạng mới là oan!”
Lúc này, một hán tử khác chen ngang, đùa cợt: “Vậy là trên đời lại nhiều thêm một oan hồn.”
Dứt lời lại cười vang một trận, tiểu nhị liên tục qua lại đưa thức ăn, lúc đi ngang qua bàn này thì chõ vào vài câu: “Cái gương đó thì thần kỳ bao nhiêu chứ? Đáng để canh giữ ở chỗ đó sao? Ngay cả thăng quan tiến tước cũng không muốn, chẳng phải chỉ là một cái gương vỡ mặt thôi à?”
Đại hán khơi chuyện nghe vậy thì xì một tiếng, nói: “Tiểu nhị ca nói sai rồi! Người nhìn thấy cáo thị tới đây thu đất, chả mấy ai nhìn trúng bạc hết, hơn phân nửa là nhắm vào mặt gương đó đấy. Ngươi nói nó là gương thần, còn người khác nói nó là bảo kính lưu truyền từ thời viễn cổ, coi quá khứ đoán tương lai, muốn gì có nấy. Cũng có người đồn nó là thần vật trấn yêu trừ ma, còn có tin đồn là soi nó sẽ sống lâu trăm tuổi, giữ mãi tuổi thanh xuân, ôi… Càng đồn thì càng phóng lên trời, mấy hán tử cục mịch bọn ta thì không thèm cái chuyện thật giả lẫn lộn đó, nhưng đã có người đồn thì tất có vài chỗ đáng tin, không thì chiếm đất làm giống gì?”
Tiểu nhị nghe mà gật đầu lia lịa, mãi tới khi khách nhân bàn bên réo tên mới chịu đi. Ban đầu Kinh Niên nghe như nghe người ta kể chuyện xưa, vào tai này lại ra tai kia, căn bản không để tâm lắm. Song khi nghe người nọ nói tới cái gương, đột nhiên hai mắt sáng ngời, hứng thú trỗi dậy.
Đại hán kia phát biểu vài câu cảm nghĩ về việc này, rồi chuyển qua đề tài khác. Kinh Niên nghe được không đầu không đuôi, không nhịn nổi bèn lên tiếng hỏi: “Cáo thị dán ở đâu? Chiếm đất giữ gương là ai? Cái gương đó là cái gương gì thế?”
Cô xổ liền mấy câu hỏi hệt như nã pháo liên thanh, hỏi tới nỗi hán tử kia phải đực mặt ra một lát. Thấy cô đỡ má, nhìn mình đầy tò mò, một hán tử thô kệch như hắn không quen qua lại với các cô nương, giờ này lại bị một bé gái nhìn chòng chọc như vậy thì có hơi luống cuống, nhủ bụng chắc chỉ do trẻ con thích tò mò quấy phá, giá nào cũng phải thỏa mãn thôi. Thành ra hắn ho khan vài tiếng, hạ thấp giọng nói:
“Cô nương có chỗ không biết, trong ngọn núi hoang bên ngoài cổng cố đô Nam thành có một tòa phế trạch, nghe đâu chủ nhân của tòa trạch đó đời đời đều là triều thần. Nhưng tới đời này chẳng biết phạm vào tội gì mà lại bị cách chức quan, niêm phong tòa trạch. Mà người đó cũng lạ, nói cỡ nào cũng không chịu rời khỏi chỗ ấy. Ban đầu, hoàng thượng cũng mặc cho hắn ở trong đó, nhưng gần đây lại bảo là muốn xây miếu quan, nhìn trúng đỉnh núi này, bèn kêu người đi trưng thu đất. Chủ nhân tòa nhà lại không chịu nhường, trong khi thánh chỉ truyền xuống hết quyển nọ tới quyển kia, cho hắn phục chức quan, cho hắn đi nơi khác dựng hào trạch, nhưng cỡ nào cũng vô dụng, hắn vẫn ở lỳ không đi. Hoàng thượng dưới cơn nóng giận muốn bắt hắn hỏi chém. Nhưng nói tới cũng kỳ, quan binh tài giỏi cỡ nào đi vào tòa trạch đều trọng thương trở ra, hỏi họ sao lại bị thương, thì tất cả đều nói là không nhớ rõ, chỉ nhớ là nhìn thấy một cái mặt gương. Ngay sau đó lại có thêm vài nhóm đi vào, tất cả đều gặp chuyện y như vậy. Hoàng thượng bèn giao cho Huyện gia quản lý thành này đi xử lý, nếu trong kỳ hạn không thu hồi được đất, thì sẽ hỏi tội ông ta. Huyện gia hết đường lui, đành phải triệu tập người tài trong thiên hạ, cho phép dùng bất cứ cách gì, chỉ cần có thể thu được đất thì sẽ thưởng to. Kết quả ai đi vào cũng bị thương mà về, cũng bảo là không rõ xảy ra chuyện gì, thế không phải có quỷ à?! Mắt thấy thời gian ngày một trôi qua, dù huyện gia có tăng cao tiền thưởng đi nữa thì cũng chẳng ai ngó ngàng.”
Hán tử nói xong một hơi thì nốc hết cả chén nước trà vào bụng, quẹt miệng, rồi liếc về phía Thi Ngũ gia: “Tiểu cô nương, đừng nói cô hỏi thăm chuyện này vì muốn đi đó nhé? Giá nào cũng đừng đi, chuyện này tới mấy người nhiều kinh nghiệm hơn cô cũng bó tay, đừng vì hiếu kỳ mà đâm đầu vào mũi giáo, được một mất mười đấy!”
Kinh Niên vội cười xua xua tay: “Coi đại ca nói kìa, ta không hiếu kỳ, nào có gan mò tới chứ?” Nói thế nhưng con ngươi thì xoay tít mấy vòng, trong đầu thầm suy xét một phen. Chén xong đồ ăn trong đĩa, uống trà rồi ngồi thêm một lúc, sau đó cô mới chào tạm biệt bốn người kia, tính tiền rồi rời khỏi chỗ ngồi.
Ra khỏi tiệm rồi, Kinh Niên rẽ trái đi vòng ra sau tiệm, đi về hướng bờ sông. Gió mát vờn qua trước mặt mang theo mùi đất ẩm, ngửi vào mũi tanh tanh nhưng cũng trong lành không gì sánh được. Cô vươn vai duỗi lưng, tới bên bờ sông ngồi xổm xuống, nhìn sóng gợn lăn tăn trên mặt sông, Thi Ngũ gia thì đứng sau lưng cô.
“Ngũ gia, ngài nói đi, lần này là thật sao?” Kinh Niên không xoay người lại, nhìn về phía bờ xa xa bên kia sông, hai mắt híp lại: “Bất kể có phải hay không, cũng phải thăm dò thử, thà giết lầm một trăm chứ không bỏ sót một…”
Cô nói xong câu này thì nghệt người ra, đột nhiên bật cười khanh khách: “Ây da, xài câu này cho việc này hình như không hợp xíu nào.”
Cô cười một hồi, người chợt ngả ra sau, đặt mông ngồi bệt dưới đất, dựa lưng vào trước chân của Thi Ngũ gia, rồi ngửa đầu nhìn lên: “Kinh Niên không biết nói chuyện, Ngũ gia ngài có chê không?”
Tất nhiên cô biết Thi Ngũ gia không có khả năng đáp lại cô, chỉ độc thoại theo thói quen mà thôi. Thế rồi cô duỗi hai đầu gối ra, cũng chẳng để tâm bùn trên đất làm dơ chiếc váy trắng tinh, bàn tay phủ lên đầu gối, hai mắt nhìn chằm chằm mười ngón tay đang dao động qua lại.
“Nếu là thật, Kinh Niên tất nhiên là vừa buồn vừa vui, nếu không phải, thì Kinh Niên cũng buồn vui lẫn lộn, giống nhưng cũng khác nhau… chẳng biết Ngũ gia sẽ có tâm trạng nào…”
Cô lại ngẩng đầu, nhìn từ dưới lên, lúc này thấy Thi Ngũ gia đã hơi cúi đầu, mắt hướng xuống, giống như đang nhìn cô. Tim Kinh Niên thót một cái, chân nhảy bật lên, quay người nhìn lại, hai mắt Thi Ngũ gia vẫn nhìn thẳng phía trước như cũ, hoàn toàn trống rỗng, nhìn tới nỗi mũi cô cay xè, ôm chầm tới: “Ngũ gia… Ngũ gia… Kinh Niên cứ luôn nghĩ ngài đang nhìn ta, có phải Kinh Niên nhìn lầm rồi không? Ngũ gia, ngài thấy được chút gì rồi? Trong mắt ngài có hình dáng của Kinh Niên không? Trong lòng ngài có hình dáng của Kinh Niên không?”
Thi Ngũ gia vẫn đứng thẳng đơ, không nhúc nhích lấy một chút, tròng mắt cũng chẳng dao động mảy may, lá bùa che lấp gương mặt in lên một vùng tối đen sâu đậm. Kinh Niên lui về sau vài bước, lấy tay xoắn xoắn lọn tóc rối trên trán, tự giễu: “Kinh Niên à Kinh Niên, ngươi rõ thật là… càng sống càng thụt lùi…” Biết rõ Ngũ gia vô tâm, còn nói mấy câu ngớ ngẩn đó làm gì?
Một trận gió Nam lùa qua mặt sông, thổi tới bờ rồi thổi tung mái tóc, vạt áo tung bay phần phật, cơn gió ẩm ướt ấm áp xoa mát người, nhưng Kinh Niên lại như bị đẩy vào vùng tuyết rét căm, hai tay ôm lấy người, rụt cổ lại, kêu khẽ: “Lạnh, lạnh quá… lạnh quá…”
Chữ lạnh đầu tiên còn chưa dứt, Thi Ngũ gia đã giang cánh tay ra ôm cô vào ngực, trán Kinh Niên kề lên trước ngực hắn, không ngừng kêu to “Lạnh quá”, hắn lập tức thu hẹp hai tay ôm cô càng chặt hơn.
Hai bóng dáng một lam một trắng dưới sóng nước chiếu hắt lên, trông lại từ xa, thấp thoáng như bị ngăn trở sau hàng lớp màn sa, mơ hồ mông lung, làm say lòng người.
Ôm nhau như vậy một lúc, Kinh Niên bèn lệnh cho Thi Ngũ gia buông tay, quay qua ngồi xuống cạnh bờ sông, không nói gì nữa mà chỉ yên lặng thưởng thức phong cảnh. Ngồi một chút đã ngồi hơn nửa canh giờ, tận tới khi bên kia kêu mở thuyền thì mới đứng dậy đi qua, theo dòng người bước lên thuyền khách màu đỏ thắm.
Hành khách trên thuyền cùng lắm chỉ hơn hai mươi người, không bì nổi với chiếc thuyền đen tới thôn Yên Hoa xa xa kia. Có lẽ vì nghe nói trong thành đang náo loạn, nên không ai muốn tới mảnh đất thị phi đó. Vốn dĩ Kinh Niên cũng dự định tới thôn Yên Hoa, bây giờ cách lần trước cô tới cũng lâu rồi, không biết trong thôn lại chế ra loại pháo hoa pháo trúc gì mới đây, cô còn định tới đó mua vài cây nghịch chơi, nào ngờ ngay phút chót lại đổi lộ trình.
Trong khoang thuyền có một thuyết thư tiên sinh(*), đang kể tới nguồn gốc của tên con sông Lý Nữ này, mọi người quây quanh y nghe rất ư là say sưa. Kinh Niên lặng lẽ đi lên trên, dựa vào thành thuyền hóng gió, cúi đầu nhìn xuống bọt sóng đang tung lên cạnh thuyền, cười độc thoại: “Chuyện xưa về con sông này ta cũng thuộc lòng, đổi lại là ta, không biết có kể đặc sắc như thuyết thư tiên sinh không nhở?”
(*) Tiên sinh kể chuyện.Nói rồi liếc liếc Thi Ngũ gia bên cạnh: “Ngũ gia muốn nghe không?” Đoạn im lặng một chút rồi tiếp lời: “Chuyện xưa này rất thú vị, bảo đảm Ngũ gia sẽ không thấy chán.”
Sau đó chậm rãi đưa mắt về trên cuộn sóng, nhẹ giọng bắt đầu chuyện xưa, tiếng nói giòn giã bị tiếng sóng gió át mất, nếu tai của Thi Ngũ gia xài tốt, thì cũng chỉ mình hắn nghe được mà thôi.
“Rất nhiều năm trước đây… chẳng biết là đã bao nhiêu năm, là ba trăm năm hay là ba ngàn năm… nói tóm lại lúc con sông này còn chưa gọi là Lý Nữ, đương nhiên cũng chưa có bến tàu, chưa có khách điếm, chưa có thương thuyền… Con người thời đó chỉ chống những tấm bản nhỏ xíu tới tới đi đi, ai cũng sống dựa vào nghề bắt cá. Lý ngư(*) trong con sông này vừa béo vừa to, mọi người rất thích ăn, ngày nào cũng nướng lý ngư, luộc lý ngư, chẳng chịu ăn thứ khác… Rồi có một ngày, các ngư phu kết thành đoàn đi thả lưới bắt cá, kết quả bắt được cái gì nào?”
(*) Cá chép.
Nói tới đây, Kinh Niên trợn tròn mắt, vỗ tay đánh bốp: “Là một quái vật nửa người nửa cá! Mọi người nhìn thấy đương nhiên sợ run, chẳng biết xử thế nào, bèn trói nó lại giao cho một ngư phu trẻ tuổi trông coi, định bụng tìm đạo sĩ gì đó tới coi thử. Người cá hết lời cầu xin ngư phu trẻ tuổi thả cho nó một con đường sống… Phải rồi, lúc nãy quên kể, nửa thân trên của người cá là một nữ tử có gương mặt xinh đẹp, khóc như hoa lê trong mưa, ai nhìn thấy mà không đau lòng nào? Mấy ngày đầu ngư phu trẻ tuổi ấy còn do dự, mấy ngày kế tiếp, hai người lại dần nảy sinh cảm tình. Lúc này những người khác dắt theo một hòa thượng tới, nghe đâu là chuyên xua đuổi yêu ma. Hòa thượng này vừa thấy người cá thì phán ngay là tà vật, muốn làm pháp thức để đoạt mạng nó.
Ngư phu trẻ tuổi không đành lòng, nhân lúc đêm khuya thả nó xuống nước, người cá cảm kích vô cùng. Sau khi biết được chuyện này, hòa thượng kia bèn nói rằng ngư phu trẻ tuổi bị người cá mê hoặc tâm trí, phải đánh côn để đuổi quỷ. Một đám người đi tới cầm luân bổng(*) đánh cực lực, cuối cùng đánh chết ngư phu trẻ tuổi ấy!”
(*) Gậy luân thường.Kinh Niên dừng lại một lát, thở dài rồi mới tiếp tục: “Máu tươi của ngư phu chảy xuống lòng sông, vì thế mà người cá biết được ân nhân bị giết hại, dưới cơn phẫn nộ nó đã dâng lên sóng lớn nuốt chửng cả thôn ngư phu, à, lại quên nói, người cá ở trong nước tuy có bản lĩnh ngất trời, nhưng ra khỏi nước thì hết xài được rồi! Từ đó về sau, nếu có ai chèo thuyền trên sông thì sẽ gặp nạn, không ra được sông, cũng không đánh được cá, còn nuôi gia đình thế nào được, ôi! Thành thử, để làm nguôi cơn giận của người cá, mọi người sống bên bờ sông bèn xây một ngôi mộ cho ngư phu trẻ tuổi năm đó, rồi dâng tặng cống phẩm. Sau đó liên tiếp hai ngày hai đêm, trên sông sóng lớn cuộn trào mãnh liệt, không ai dám ra sông, chờ sau khi gió yên sóng lặng thì ngôi mộ còn đâu, cống phẩm cũng bị nước cuốn đi hết. Ai cũng rỉ tai nhau rằng người cá chuyển ngôi mộ đi để đích thân thờ phụng. Vì thế mỗi lần tới ngày giỗ của ngư phu trẻ tuổi, mọi người bèn ném vào sông hoa quả khô và lương thực. Từ đó trở đi, vượt qua con sông này cũng không còn quá khó khăn nữa!”
Nói xong thì thở hắt ra một hơi, sống lưng thẳng tắp, ngoảnh sang Thi Ngũ gia, hớn hở nói: “Ngũ gia, chuyện xưa này ngài cũng nghe rất nhiều lần rồi, nhưng mỗi lần Kinh Niên kể mỗi kiểu, cam đoan ngài sẽ không ngại phiền!”
Đột nhiên mặt cô xị xuống, dùng một ngón tay chọc chọc huyệt thái dương, lầu bầu với vẻ mặt hoang mang: “Tại sao không gọi là Ngư Phu giang chứ? Tại sao lại nói là hai người yêu nhau chứ? Mới ở chung mấy ngày cũng yêu được sao?”
Rồi cô ngước mắt nhìn về phía Thi Ngũ gia: “Kinh Niên chỉ từng nghe câu lâu ngày sinh tình, tuy cũng có cách nói nhất kiến chung tình, nhưng câu trước vẫn thực tế hơn, có phải không? Ngũ gia?” Tiếp đó cười rộ lên, dựa lưng vào thành thuyền, ngửa đầu nhắm mắt như đang hưởng thụ gió sông ấm áp, tóc bị gió thổi phất phơ sau lưng tạo thành gợn sóng dập dềnh.
Qua chừng hai canh giờ, thuyền cập bến ở bậc đá thanh văn, lúc này Kinh Niên mới bước xuống khoang tàu đi tới cửa hông, theo sau mọi người đi qua cây cầu gỗ bắt lên bờ. Ra khỏi bến tàu, là đặt chân vào con đường đá xanh nối tới cổng thành Bắc.
Nam Thành là đường giao thông quan trọng của vùng biên giới, người ở đông đúc, hiệu buôn sầm uất, người làm ăn cảnh ngoại đều phải đi qua bến thuyền này. Để tiện bề giao dịch hàng hóa với phiên ban, quan phủ còn bố trí riêng tổ chức địa phương trong thành, lấy lương thực và lá trà để trao đổi với da dê và ngựa của ngoại tộc.
Sau khi vào thành, Kinh Niên hết nhìn đông tới ngó tây, hai bên đường người bán hàng rong bày sạp, rao hàng í ới với khách qua đường, cô tiện chân dừng lại mấy sạp, ngắm nghía mấy món hàng nho nhỏ bày trên mỗi sạp, thấy thích thì cầm lên soi kỹ, soi xong thì đặt xuống chứ không mua. Mấy chủ sạp thấy cô là một tiểu cô nương, cầm lên đặt xuống đều nhẹ tay nhẹ chân, nên không so đo chuyện cô nhìn mà không mua, cứ mặc cho cô nghịch.
Tuy mấy ngày gần đây du khách tới vùng này không nhiều lắm, nhưng trong thành vẫn không thiếu trò vui. Kinh Niên đi dạo trong chợ một chút, chốc thì chen vào trong đám đông xem xiếc, chốc thì lẩn vào lũ trẻ con, đông sờ sờ, tây dạo dạo, chạy mòn gót khắp con phố ở cổng thành, chơi vui hết biết. Chờ tới khi chơi thỏa thích rồi thì mới tìm một trà lâu để nghỉ chân.
Bấy giờ mặt trời vẫn còn chênh chếch, chưa tới giờ cơm tối, nên Kinh Niên chỉ gọi một bình trà, một hộp mứt quả bốn ngăn, ngồi ở cái bàn tròn sát bên đài, xem đào nữ trên đài múa hát.
Sau màn, cầm tranh gảy cung, đàn sáo hòa âm, đang hợp tấu một khúc “Hoàn Sơn Nguyệt”, thong dong u tịch, trong nhu hòa pha lẫn đau thương, kể hết nỗi ưu tư như vò tơ trăm mối của tiểu nữ nhi. Đào nữ kia vấn cao búi tóc, mặc chiếc váy đỏ vàng buông dài, khoác chiếc áo ngắn tay bằng sa trắng. Dáng người biến hóa bềnh bồng theo làn điệu, khi phất tay xoay eo làm ống tay áo bay bay, là lúc mọi người bên dưới ngắm đến nỗi như mê như si.
Kinh Niên dựa lưng vào ghế, tay nhón một miếng mơ muối thả vào miệng, nhai nhóp nhép, xem đến là chăm chú, tới chỗ hứng thú còn hùa theo quần chúng vỗ tay reo hò, cứ thế mà tiêu phí thời gian.
Sau khi nghe thêm hai ba khúc nữa, cô ngó ra cửa sổ thấy sắc đã chập tối, đang muốn gọi hỏa kế dọn lên ít thức ăn, thì chợt nghe ngoài cửa tửu lâu vang lên hai tiếng ngựa hí,
sau đó một người ăn vận như thư sinh vội vã nhảy vào cửa, quay lưng hét lên với người bên ngoài: “Ngươi bị gì mà bám theo ta riết thế hả?!”
Giọng này rất quen, Kinh Niên ngó sang, thấy người nọ hầm hầm quay đầu lại, bạch diện thanh tú, chính là Gia Cát Thủ. Sau đó nghe ngoài cửa có người lên tiếng trả lời: “Chẳng phải kết bạn đồng hành sao!”
Giọng sang sảng, sải bước tiến vào ngay sau đó là một người có vóc dáng cường tráng, với gương mặt phóng khoáng của nam nhi phương Bắc, mặc võ bào màu xám tro, hông thắt chiếc đai lưng đen kịt, còn có một tên dán bùa nhảy nhảy sau lưng. Kinh Niên hơi bị kinh ngạc, vì đó chẳng phải ai khác mà chính là người đã đãi cô một bữa no nê ở trấn Mai Lĩnh, Lô Hoài Nhâm. Sao hai người này lại đi chung với nhau thế?
“Ai làm bạn đồng hành với ngươi! Mấy ngày tới không được quấn chân ta nữa… Ớ… Cô!” Gia Cát Thủ vừa la hét vừa đi vào trong, khi ngoái đầu lại thì chạm ngay mặt Kinh Niên. Hắn sững ra một giây, rồi ngay tức khắc hóa thành một cơn gió lốc, cuốn phăng tới trước bàn tròn, cúi đầu trợn mắt trừng cô.
Kinh Niên làm như không thấy cái mặt như quỷ đòi nợ kia, thủng thẳng giơ tay phải lên, cười tươi rói chào: “Ơ! Đạo gia, mới mấy ngày không gặp, ngài đổi nghề làm tú tài rồi à?”
Gia Cát Thủ thấy trên tay cô cầm quả mơ muối, chân bắt chéo, trông điệu bộ hệt như lão thần tự tại, còn nghe cô mở miệng đùa cợt thì càng giận tới nghiến răng. Nhưng may mà hắn tu tính cực tốt, cho dù nghẹn tới nội thương cũng không muốn làm quá lên với cô trước ánh mắt hau háu của đám đông, thế nên chỉ hừ một tiếng lạnh lùng: “Cô nương hưởng thụ thật nhỉ, đừng nói đổi nghề, ngay cả khi bần đạo có chết ngất trong gió lạnh bị người ta lột da rút xương thì cũng chẳng liên quan gì tới cô!”
Kinh Niên biết hắn tính toán chuyện đêm hôm đó, bỏ hắn nằm bò ra đất một đêm quả là thiếu nghĩa khí giang hồ. Nhưng tốt xấu gì cô cũng xác nhận hắn không sao rồi mới đi mà, hơn nữa không có hàn khí, thời tiết rất thích hợp để ngủ ngoài trời đếm sao, còn có hoa rơi thơ mộng, lỗ chỗ nào đâu? Nghĩ thế, cảm giác tội lỗi của cô thoắt cái bị quét sạch trơn.
“Đạo gia, cầm được bạc nên vui vẻ mới đúng, Kinh Niên rất đứng đắn, tới một văn cũng không lấy, sao ngài còn có vẻ mặt ấm ức này vậy? Lại đây lại đây, ngồi xuống uống miếng nước nhai miếng mứt nào!”
Nói rồi thả quả mơ xuống, nhấc ấm trà lên lắc lắc trước mặt hắn. Gia Cát Thủ phất tay đẩy ra, đang muốn nói tiếp, thì đúng lúc này Lô Hoài Nhâm đi theo đằng sau cũng nhìn thấy Kinh Niên, sấn lên vài bước mừng rỡ nói: “Là muội sao, tiểu muội!”
Kinh Niên đứng lên, cười tới nỗi mắt mày cong cong, đáp: “Lô đại ca, chạm phải huynh thật là vui, mời ngồi mời ngồi!”
Sau đó gọi tiểu hỏa kế kê thêm hai cái ghế, Lô Hoài Nhâm không khách sáo, kéo ghế ngồi xuống bên cạnh, Gia Cát Thủ thì vẫn còn hậm hực đứng trước mặt Kinh Niên.
“Đạo gia, có chuyện gì chúng ta ngồi xuống từ từ nói cũng không muộn mà, ngài đâu chỉ tới để tìm Kinh Niên khởi binh vấn tội đúng không?” Kinh Niên thả tay vẩy vẩy phía đối diện, rồi ngồi xuống tiếp tục nhai mơ, còn rất tốt bụng đưa qua một quả. Gia Cát Thủ liếc xéo quả mơ rồi hất đầu đi, bước tới ngồi vào ghế.
Kinh Niên chuyển tay sang Lô Hoài Nhâm bên cạnh: “Lô đại ca, có muốn một miếng không? Ăn ngon lắm.”
Lô Hoài Nhâm nhận lấy rồi ném tọt vào miệng, bị vị chua lè xông cho nhíu chặt mày, lát sau mới giãn mặt ra nói: “Xem ra đại nam nhân không quen ăn thứ mứt quả chua kiểu này.”
Kinh Niên cười cười miễn bình luận, nhìn về phía Gia Cát Thủ vẫn đang uống trà, hỏi: “Sao ngài lại… đi chung với huynh ấy thế?”
Lô Hoài Nhâm nheo mắt nhìn qua: “Ta có vài chuyện muốn tìm tiểu đạo này hỏi, nhưng hắn cứ nói không biết, hừ! Ta không tin thì hắn càng không nói… hừ, cứ vậy mà tới thôi!”
Kinh Niên không lên tiếng, dùng đầu gối nghĩ cũng biết Lô Hoài Nhân muốn hỏi chuyện gì — trong một đêm, hoa mai rụng hết, dưới vạn cánh hoa chôn một đạo sĩ, trên tay còn cầm kiếm, trên mặt đất còn nguyên mấy cái hố… nhìn kiểu nào cũng là kết cục sau một trận đánh nhau kịch liệt, người muốn hỏi rõ bảo đảm không chỉ một người.
Gia Cát Thủ nâng cằm, cặp mắt híp mảnh dài quét tới, nhếch mép nói: “Bần đạo nói không biết là không biết, hỏi ta chi bằng hỏi tiểu cô nương Kinh Niên đây, đúng không?” Nghe sao cũng là giọng điệu sợ thiên họa bớt loạn, cuối cùng còn không quên bỏ nhỏ một câu: “Đêm đó cô nương này còn xung phong vào trước, không hỏi cô thì hỏi ai?”
Lô Hoài Nhâm trợn to mắt một giây, há mồm một lát cuối cùng mới thốt nổi một câu: “Tiểu muội tử! Muội thật quá thiếu suy nghĩ! Lại dám lừa đại ca, không phải đã dặn không được đi rồi sao!”
Kinh Niên chắp hai tay thành hình chữ thập, cười ngượng nói: “Xin lỗi, Lô đại ca, chỉ tại Kinh Niên tò mò quá thôi, lần sau không dám nữa!”
Dừng một chút, khóe mắt liếc tới cái mặt phản đối của Gia Cát Thủ, nói tiếp: “Nhưng ta chẳng thấy được gì hết, chỉ thấy đạo gia kia tự múa kiếm múa tới dữ dội, hất gió đào đất tới nỗi lồi lõm lỗ chỗ, ta trốn ở đằng sau cây bị gió thổi tới rát mặt, hết một lúc lâu hắn mới dừng lại, kết quả dừng một lần thì người cũng ngã theo! Ta không biết chuyện gì xảy ra, sợ quá nên bỏ chạy về thật nhanh!”
Gia Cát Thủ nghe cô bịa bậy chế bạ, cáu mà không có chỗ xả, bèn đứng bật ngay dậy, nhưng mới nói được mỗi chữ “Ngươi” thì đã bị chặn họng.
“Đạo gia, ta biết ngài giận Kinh Niên không nói đạo nghĩa, không thèm nhìn ngài một cái đã bỏ chạy lấy người. Ngài đại nhân đại lượng, đừng tính toán với một tiểu nữ tử được không!” Kinh Niên nặng giọng, ánh mắt bắn về phía Gia Cát Thủ mang theo cảnh cáo, trừng tới nỗi lòng hắn thót lên vô cớ, đứng ngốc ra cả buổi, cuối cùng ngồi xuống im thin thít.
Lô Hoài Nhâm nhìn Kinh Niên một chút rồi ngó sang Gia Cát Thủ một lát, qua lại hai lần, cuối cùng cười nói: “Hiếm khi gặp lại tiểu muội, trước hết khoan nói tới chuyện này đã, đều chưa ăn cơm tối đúng không, nào! Để ta mời!” Nói rồi vẫy tay gọi hỏa kế lại, dọn lên một bàn đủ món chay mặn, thơm ngon nức mũi, đĩa đồ chay thì đẩy hết qua bên Gia Cát Thủ.
Kinh Niên mời mọi người rồi ăn mấy miếng, thấy Gia Cát Thủ không cầm đũa lên thì hỏi: “Đạo gia không ăn vì chê cơm nước không ngon sao?”
Gia Cát Thủ lườm cô, nhìn mấy món chay trước mặt, thầm nhủ người khác lo lắng cho mình chu đáo như thế, sao hắn lại làm dáng được nữa chứ? Nghĩ rồi cầm đũa lên gắp món gần nhất vào bát.
Kinh Niên thấy hắn nhai kỹ nuốt chậm, cười hỏi: “Đạo sĩ ăn chay, nhưng chẳng nghe ai nói tú tài không thể ăn mặn, đạo gia, không phải ngài đổi nghề rồi sao?”
Lúc này Gia Cát Thủ cũng nguôi giận nhiều rồi, nên nghe cô có ý xỏ mình mà cũng chẳng buồn vặt lại, chỉ đáp nhạt nhẽo: “Đổi nghề cái gì? Áo choàng rách không thể mặc tiếp, lúc nào bần đạo đi ngang qua đạo quan tự thì hỏi xin một bộ là được.”
Kinh Niên lè lưỡi, không nói đùa nữa, vừa ăn vừa tám chuyện nhà với Lô Hoài Nhâm, từ thân thế bản thân tới tình hình bản xứ, không giấu nhau thứ gì. Tới khi nói sang chuyện nghề nghiệp, Lô Hoài Nhâm hết sức tự hào, đứng lên vỗ vỗ hành đầu của mình, nói: “Người này tên là Trần Mộc, sinh tiền là đệ tử Thiếu Lâm, theo ta chừng mười năm, công phu khỏi nói, có hắn rồi, mấy tên khác ta đều không thuận mắt!”
Kinh Niên tiến lên trước nhìn phải nhìn trái, rồi ngửa đầu chắp tay: “Trần Mộc đại gia, Kinh Niên bên này có lễ!” Nói xong còn thi lễ có bài có bản hẳn hoi, chọc cho Lô Hoài Nhâm bật cười.
Gia Cát Thủ cũng không nhịn được nhìn lâu hơn một lúc: “Cương thi này qua mười năm còn dùng được sao?” Theo hắn biết, mặc dù cương thi không dễ thối rữa như thi thể bình thường, nhưng lâu ngày cũng khó bảo đảm hồn phách không rời khỏi cơ thể, cho nên thông thường Thi quan dùng một hành đầu cùng lắm là năm năm.
Lô Hoài Nhâm hớp rượu cho trôi cái miệng nhồi đầy thịt nướng: “Tiểu đạo sĩ không biết đó thôi, dùng càng lâu thì ngôn chú càng dễ dùng hơn, vật này của ta đã có thể dùng được hơn trăm câu ngôn chú rồi đấy!”
Ngôn chú tức là niệm chú bằng lời. Khi Thi quan muốn cương thi làm một nhiệm vụ nào đó, trước hết phải dán lên một lá bùa, trên đó viết phù tự tương ứng với yêu cầu. Đại bộ phận Thi quan quen mang theo nhiều loại phù chú khác nhau, theo nhu cầu thay đổi, cũng có vài người thích dùng bút lông để vẽ bùa không(*). Thứ nhất là tiết kiệm giấy, thứ hai là trong lúc nguy hiểm đỡ mất thời gian đổi bùa. Phàm là phù chú, đều cần niệm ra miệng mới có hiệu lực, một loại chú dùng lâu dần sẽ có tác động trực tiếp lên thịt da trên cơ thể, mặc dù không dán bùa tương ứng, chỉ cần nói ra lời là đạt hiệu quả ngay.
(*) Bùa vẽ vào khoảng không.Việc này Gia Cát Thủ cũng biết được lõm bõm, nhưng dù ngôn chú có linh hơn nữa, thì cũng chẳng cản được sự ảnh hưởng của ánh sáng mặt trời với hồn phách. Một khi thân thể suy kiệt, cương thi thối rữa, thì giá nào cũng không dùng được nữa. Nhưng nhìn Trần Mộc thì không giống vậy, cho nên hắn vẫn hoang mang không giải thích được: “Gần mười năm mà cũng có thể giữ nguyên dạng sao? Kém chút thì một hai năm đã xuống mồ, cho dù tốt cũng không quá bảy tám năm cơ mà?”
“Ngươi nói không sai, cho nên ta mới dùng thần sa (chu sa loại tốt nhất) bôi lên bảy chỗ, giữa ót, trong ngực, buồng tim, giữa bàn tay trái phải, và giữ hai lòng bàn chân, để che cửa vào thất khiếu(*), trấn áp hồn phách, lúc này dùng thêm hai ba mươi năm cũng không thành vấn đề!”
(*) Thất khiếu gồm hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi và miệng.Lô Hoài Nhâm cười ha ha một tiếng, nói tới hả hê, nhưng Gia Cát Thủ biết cách thức phong hồn này là tà thuật nghịch thiên. Trên hành thư ghi lại, thế gian có ba loại cấm thuật, một là Huyết Cấm thuật, hai là Phong Hồn thuật, và ba là Kỳ Kinh thuật.
Phong Hồn thuật này ngăn trở thiên linh, làm điều trái đạo, là việc con người không thể làm, nếu không ắt sẽ gặp tai họa. Tuy không có tài liệu lịch sử nào ghi chép về tai họa gặp phải, nhưng trong đó thực hư khó đoán, thà tin còn hơn không tin. Thi quan cũng thế mà đạo sĩ cũng vậy, cho dù là tam giới cửu lưu(*) cũng không muốn chạm vào rủi ro này, không biết Lô Hoài Nhâm không tin hay không sợ đây? Mà cấm thuật này không phải ai cũng biết sử dụng, chẳng biết hắn nói thật hay đùa. Thế nên Gia Cát Thủ chỉ than thầm trong bụng, chứ không tiện hỏi nhiều nữa.
(*) Tam giới gồm Đạo Giáo, Phật Giáo, Nho Giáo. Cửu lưu gồm 9 học phái lớn thời Chiến Quốc. Ngụ ý của câu này là tất cả mọi người.Lô Hoài Nhâm nói xong thì uống liền mấy chén rượu nóng vào bụng, trên trán rịn ra một lớp mồ hôi dầy, đoạn ngước mắt nhìn ra sau lưng Kinh Niên: “Tiểu muội, hành đầu này theo muội thế nào? Ngó không dễ ứng phó đâu!”
Kinh Niên đang gắp một tảng thịt lớn đưa tới mép, vừa nghe hắn hỏi vậy thì lập tức thả thịt vào trong bát, quay người lại kéo tay của Thi Ngũ gia: “Ngũ gia, là bảo bối gia truyền của nhà ta!”
“Nói vậy là sao?” Lô Hoài Nhâm kinh ngạc thấy rõ, sao cương thi lại là bảo bối gia truyền được chứ.
“Ngũ gia là do tổ tiên truyền lại, vào năm ta mười lăm tuổi đã theo ta rồi…” Kinh Niên kéo tay Thi Ngũ gia áp lên má mình.
Lô Hoài Nhâm nghĩ cô cũng chỉ mới cập kê, bề ngoài có vẻ trẻ con hơn tuổi thật, nói cách khác lúc Thi Ngũ gia vào tay cô thì cùng lắm là nửa năm tới một năm thôi, thế nên hắn vẫn nửa tin nửa ngờ với lời giải thích của cô: “Tổ tiên truyền lại… vậy ít nhất cũng có trăm năm rồi… sao lại… sao lại…” Nói đoạn, đột nhiên biến sắc: “Lẽ nào cũng dùng Phong Hồn thuật?”
Kinh Niên cười hì hì, thả tay Thi Ngũ gia ra: “Kinh Niên cũng không biết, nhưng Kinh Niên không dùng Phong Hồn thuật gì đó.”
Lô Hoài Nhâm thở hắt ra một hơi, cúi đầu nhìn bóng ngược trong chén rượu, trầm mặc một lát, lại hỏi: “Tiểu muội tới thành này không phải là tình cờ đi ngang thôi đúng không?”
“Lô đại ca, bây giờ Kinh Niên không giấu diếm nữa, Kinh Niên nghe thấy chuyện yết bảng treo thưởng, nên muốn tới tòa trạch trong núi hoang thăm dò tới cùng.”
Gia Cát Thủ đã ăn uống no nê đang ngồi tới sắp buồn ngủ, vừa nghe cô nói câu này, thoắt cái thẳng người dậy. Lô Hoài Nhâm lấy ngón trỏ gãi gãi huyệt Thái Dương: “Tiểu muội à, lúc này lại hiếu kỳ nữa sao?”
Kinh Niên gật đầu: “Đương nhiên rất hiếu kỳ, còn có tiền thưởng cao, đủ mua mảnh đất sống yên ổn. Lô đại ca, huynh cũng muốn đi phải không? Ta không cần nhiều đâu, huynh chia cho ta hai phần là đủ rồi!”
Lô Hoài Nhâm phì cười, lật đật lấy tay che miệng cười nghẹn một lát mới nói tiếp: “Tiểu muội muốn tiền thưởng có gì khó đâu, đại ca cho muội hết cũng được.”
Gia Cát Thủ bên kia lành lạnh ngắt lời: “Đừng quên một phần của bần đạo.”
Hai người còn lại đờ ra, lập tức phá lên cười lăn lộn. Bữa cơm này ăn cũng thoải mái. Thanh toán xong ba người nhất trí tìm một khách điếm để ngủ trọ, hẹn giờ ngọ ngày mai cùng nhau lên núi, sau đó ai về phòng nấy.
Kinh Niên vừa mới kiểm kê mấy món đồ quan trọng xong, chưa kịp ngồi xuống thì cánh cửa đã bị gõ vang, cô thở dài bước tới, đẩy cửa ra thì chỉ thấy Gia Cát Thủ đang đeo cái mặt tối tăm đứng ngay trước cửa, sắc mặt kia muốn thối bao nhiêu thì thối bấy nhiêu: “Đạo gia, đã trễ thế này, thứ cho Kinh Niên không tiện mời ngài vào phòng.”
Gia Cát Thủ cố sức nhắm hai mắt lại, quả đấm hết bóp chặt rồi thả ra, cuối cùng dằn giọng quát khẽ một tiếng: “Đi ra!”
Kinh Niên nhún vai: “Đạo gia ngài tìm Kinh Niên đánh nhau sao? Cần gì chứ? Không sợ người ta nói ngài ỷ lớn hiếp nhỏ sao?” Nói xong còn chớp mắt mấy cái, rõ là dáng vẻ đáng thương vô tội, đổi lại người khác thì đã bị bộ dạng này làm trỗi dậy tình thương phụ mẫu rồi.
Nhưng Gia Cát Thủ lúc này chỉ muốn bóp cái cổ nhỏ của cô rồi hung hăng rống một trận, hắn lôi ra nụ cười hiền lành, dịu thanh dịu giọng nói: “Cô nương, bần đạo chỉ muốn tìm cô thỉnh giáo chút chuyện, có thể dời gót theo bần đạo ra ngoài đàm đạo được không?”
Kinh Niên xoa xoa cánh tay, cũng đáp trả bằng nụ cười ngây thơ: “Đạo gia, không phải ngài muốn hỏi chuyện đêm đó sao, Kinh Niên nói cho ngài biết ngay tại đây luôn. Thật ra Kinh Niên không thấy gì hết, sau khi ngài bị linh xà đánh ngất đương nhiên ta giữ mạng là quan trọng, cho nên chạy một mạch ra ngoài. Ta nghĩ hôm sau cũng có nhiều người lên núi, không cần tới ta đi chuyến nữa để giúp ngài nhặt xác…”
Cô càng nói mặt Gia Cát Thủ càng khó coi, Kinh Niên thành khẩn nhìn chằm chằm hai đấm của hắn, đỡ cho một lần kích động nó lại chào hỏi lên mặt mình: “Không phải ngài vẫn sống khỏe re sao? Còn cầm được cả đống bạc, Kinh Niên có làm ngài lỗ gì đâu!”
Gia Cát Thu vung một đấm nện lên khung cửa, trừng mắt lườm cô hung tợn: “Lão tử không lấy một xu!”
Dứt lời quay ngoắc người bước thẳng về hướng phòng mình.
Kinh Niên dựa lên ván cửa, nhìn dấu nấm đấm in lên khung cửa, huýt sáo một tiếng: “Đạo gia, ngài quả thật không đơn giản đâu.”
Gió đêm gào rít, ánh trăng bị tầng mây mỏng che mờ như ẩn như hiện. Mọi nhà đã tắt đèn chìm vào giấc ngủ từ lâu, thỉnh thoảng chỉ thấy hai ba người lữ hành đến muộn đang tìm khách điếm để qua đêm.
Bỗng nhiên cổng lớn của một khách điếm bị đẩy từ trong ra, công tử bạch y lặng lẽ ra khỏi tiệm. Ánh trăng mờ tỏ chiếu lên khuôn mặt, mờ nhạt tới nỗi không thấy rõ mặt mũi. Chỉ thấy người nọ đi dọc theo con phố đi về hướng ngoài thành, ra khỏi thành rồi đi thẳng tới bờ Lý Nữ giang, tìm tới bến đò. Sau đó rút từ ống tay áo ra một vật dài nhỏ, móc đá đánh lửa từ đai lưng, chà cạch cạch vài cái trên mặt đất, tóe ra tia lửa, nhen lên vật dài kia một chút. Vật dài kia bén lửa cháy bùng lên, tới khi cháy gần nửa, hắn mới cắm đứng nó lên đất, lui ra sau hai bước. Chỉ nghe trong đó rung lên mấy đợt, rồi bắn ra một tia sáng vàng nhắm thẳng lên đám mây, hóa ra là một cây pháo trúc trùng thiên.
Cây pháo trúc chỉ bắn lên vài phát rồi tắt lửa, công tử bạch y lại lấy từ trong ngực ra một tẩu thuốc, lấy đá đánh lửa nhen lên thuốc, rồi ngồi xổm xuống đất hút. Sau vài lần phả khói, hắn lầu bầu nói: “Một ngày được hai lần thế này, khó quá đi mất…”
Nói rồi ngẩng đầu nhìn trời một lát, đang muốn đứng dậy thì cảm thấy thân thể bị ghìm xuống, gáy sau như bị kẹp kiềm sắc.
“Vết thương ở gáy còn chưa lành đúng không?” Giọng quen thuộc vang lên sau ót, hắn định quay đầu lại, nhưng mới động khẽ, xương gáy đã lan ra một cơn đau nhói, chợt nghe giọng kia nói tiếp: “Không muốn cái cổ bị bẻ gãy thì đừng nhúc nhích.”