Hầu như lúc nào mặt mũi Lâm Tri cũng lạnh te.
Bình thường cậu gần như không bao giờ giao tiếp với người khác, ngoài đời cậu cũng hiếm khi tiếp xúc với việc gì khiến mình cười, dần dà, gương mặt Lâm Tri không còn biểu cảm gì nữa.
Nhưng thật ra mặt cậu rất nét, nhất là hai lúm đồng tiền to bằng hạt gạo chênh chếch dưới khóe môi.
Lúc cậu cười, hai bên má lõm vào, tựa một hũ đường chao nghiêng, toàn thân cậu như hóa từ mùa Đông lạnh lẽo sang mùa Xuân trái ngọt.
Hiềm nỗi cảnh Xuân này chỉ kéo dài trong thoáng chốc, chớp mắt một cái là đã bị chủ nhân giấu nhẹm đi.
Lâm Tri lại ngồi thẳng, chạm phải ánh nhìn của Nhiếp Chấn Hoành, cậu hơi nghi hoặc nghiêng đầu.
“Sửa xong rồi ạ?”
Bấy giờ, Nhiếp Chấn Hoành đang dán miếng gót giày không có nhãn mác vào mặt sau của chiếc giày bên phải, phản ứng đầu tiên của Lâm Tri là ông anh thợ giày này sửa xong rồi.
Cậu nghĩ bụng, hóa ra sửa giày đơn giản quá chừng, y như mình dùng băng dính hai mặt ở nhà vậy, xé một phát, dán một lèo, thế là xong.
“Khụ, làm sao nhanh thế được.” Nhiếp Chấn Hoành không nhìn cậu nữa.
Anh cảm thấy hôm nay lòng hiếu kỳ của mình hơi bị thừa thãi.
Nếu chẳng thế, thì sao mình cứ nhìn người ta chòng chọc làm gì.
Anh thầm thóa mạ bản thân mấy câu, rồi bắt đầu làm việc hết sức chuyên chú.
Mỗi người lại có một tướng đi riêng, phần chân và lực tiếp xúc với mặt đất ít nhiều đều có khác biệt.
Có người dồn trọng tâm về đằng sau, chỗ gót ở sau cùng mòn nhanh nhất, có người đi khuỳnh chân, mặt đế hai bên sẽ bị mài nhiều hơn.
Dần dà, giày sẽ không còn bằng phẳng nữa, thậm chí nếu đứng thẳng, có mấy chỗ còn treo lửng treo lơ.
Thông thường, tình huống này xảy ra khi giày được sử dụng với tần suất cao.
Điều ấy có nghĩa là người chủ cảm thấy giày đi êm chân, nên mới đeo thường xuyên.
Bởi vậy, nhiều người không đành lòng vứt đôi giày yêu thích của mình đi ngay, hầu hết vẫn xách chúng ra tiệm sửa giày, để gã thợ giày như anh đổi miếng gót khác, đặng mang về đeo thêm hai ba năm nữa.
Cho nên, trong các ngón nghề sửa giày, công việc qua tay Nhiếp Chấn Hoành nhiều nhất chính là sửa đế giày.
Anh làm vô cùng thuận tay, nhắm mắt cũng biết phải thay thế nào.
Đầu tiên là lấy một miếng phấn trắng ra từ hộp dụng cụ, so sánh kích cỡ của miếng đế và gót sau, đánh dấu mấy chỗ quan trọng bằng phấn.
Sau đó anh lấy dao tước da và dụng cụ cắt viền ra.
Xoèn xoẹt vài nhát, phần cao su thừa rơi xuống đất, chỗ còn lại sẽ vừa in khin khít với gót giày.
Kế tiếp, những bước sau đấy cũng từa tựa như lúc sửa xăng đan cho bà cụ ban nãy, chỉ cần dùng bàn chải cọ sạch bụi bẩn trên đế giày, rồi dùng keo sửa giày chuyên dụng dán đế lại phơi cho khô là được.
Có điều…
“Cậu đang vội à?” Trước khi dán keo, Nhiếp Chấn Hoành hỏi Lâm Tri thêm một câu.
Nãy anh thoáng thấy cậu chàng trước mặt ngó đồng hồ mấy lần.
“Ừm…”
Lâm Tri lại cúi đầu nhìn cổ tay, ngẫm ngợi một lát, rồi mới gật đầu, “Chắc là vội ạ.”
Nhiếp Chấn Hoành nghe thế thì không khỏi bật cười.
Vội thì vội, không vội thì thôi, chứ “Chắc vội” là cái thể loại gì?
“Keo này chắc tầm nửa tiếng nữa mới khô.
Cậu tự tính toán thử xem, liệu có lỡ việc sau đấy không?”
Nhiếp Chấn Hoành giải thích với cậu, rồi lại đưa ra phương án dự phòng cho cậu, “Nếu cậu sốt ruột thì tôi đóng đinh luôn cho cậu, bao giờ cậu xong việc quay lại đây, tôi lại dính lại cho cậu nhé.”
Hôm nay Lâm Tri ăn mặc trang trọng thế này là để đi làm.
Hôm đó cậu vừa chuyển nhà xong, đang xuống lầu mua đồ thì đột nhiên bị một người ngăn lại.
Người đó hỏi cậu có hứng thú muốn làm quản lý bất động sản không.
Thật ra Lâm Tri chẳng hiểu quản lý bất động sản là cái chi chi, chỉ nghe người nọ bảo được nhiều tiền hoa hồng, thu nhập tốt.
Cậu ngẫm ngợi một lát, rồi gật đầu đồng ý.
Trước kia có mẹ nuôi cậu, giờ mẹ không còn nữa, cậu phải tự nuôi sống bản thân.
Suy nghĩ của Lâm Tri rất đơn giản, giờ cậu không có tiền, đi làm là kiếm được tiền, vậy thì cậu đi làm thôi.
Trước kia mẹ hay lo cậu ra ngoài sẽ bị người ta bắt nạt, nhưng Lâm Tri cảm thấy mình đã trưởng thành rồi.
Nhìn mà xem, đến cả anh thợ sửa giày cũng thấy cậu giỏi lắm nhé!
Lâm Tri còn nhớ như in ông quản lý bất động sản kia hẹn cậu lúc 11h hôm nay, giờ còn 10 phút nữa là tới lịch hẹn.
Cậu ngẫm lại câu nói của Nhiếp Chấn Hoành một lần trong đầu, rồi mới hỏi.
“Đóng… đóng đinh, có mất thêm tiền không?”
Trong túi quần cậu có 100 tệ, cậu rút nó ra từ bao lì xì mẹ cho cậu hồi Tết năm ngoái.
Ở nhà còn mấy tờ nữa, đó là món tiền duy nhất cậu có bây giờ.
Số còn lại đã bị gã đàn ông kia lấy mất trước khi chuyển nhà rồi.
Lâm Tri không giỏi học hành, nhưng tính toán thì cũng ổn.
Cậu cảm thấy nếu mình ăn tiêu cần kiệm thì vẫn trụ được mấy tháng.
Nên bây giờ tiết kiệm được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Nhiếp Chấn Hoành không biết suy nghĩ của Lâm Tri, anh chỉ cảm thấy vị khách này thú vị thật.
Tụi trẻ bây giờ đều rất sĩ diện, bình thường chỉ có các cụ ông cụ bà thích tích cóp tiền mới hỏi mấy câu thế này.
Thi thoảng họ tính toán chi ly đến mức khiến anh phải cạn lời, chẳng có kiên nhẫn mà trả lời mấy câu kiểu vậy nữa.
Nhưng khi cậu thanh niên hỏi thế, Nhiếp Chấn Hoành lại có cảm giác cậu chàng đang rất chân thành.
Không có bất kỳ hàm ý sâu xa gì khác, cậu ta chỉ muốn biết có tốn thêm tiền không, mà tốn thì tốn bao nhiêu mà thôi.
Nhiếp Chấn Hoành rất thích kiểu thẳng thắng thế này, nên anh cũng trả lời đúng sự thật luôn, “Mất thêm đấy.
Nếu đóng đinh cậu phải trả thêm 5 tệ.”
Phí vật liệu và phí lao động, tính thế hẵng còn rẻ.
“Vậy thì tôi không đóng đinh đâu.”
Câu trả lời của Lâm Tri cũng vô cùng dứt khoát.
Nhiếp Chấn Hoành nghe khách đáp vậy, cũng chẳng mất vui tẹo nào vì không kiếm được thêm tiền.
Ngược lại, thấy câu trả lời của cậu thanh niên không khác suy đoán của mình là bao, anh còn không khỏi bật cười thích thú.
“Được, vậy cậu vừa ăn sáng vừa ngồi đây đợi nhé, lát nữa là khô thôi.”
“Vâng.” Lâm Tri gật đầu.
Nhưng cậu không ăn sáng ngay, mà lấy di động ra khỏi túi quần, lật danh bạ đến cuộc gọi gần nhất, gọi lại vào số đó.
“Quản lý Triệu.”
“Vâng.”
“Vẫn chưa ạ.
Giày em hỏng rồi.
Đang sửa ạ.”
“Phải muộn nửa tiếng.”
“Vâng.
Hẹn gặp lại anh ạ.”
Nhiếp Chấn Hoành nghe cậu thanh niên trò chuyện với đầu dây kia, đối đáp cực kỳ đơn giản rõ ràng súc tích, thẳng thừng đến độ anh còn có thể đoán được đầu dây bên ấy đang hỏi gì.
Chờ bên đó đồng ý rồi, bên này chẳng thèm tám thêm câu nào dư thừa, lập tức cúp máy luôn.
Nhiếp Chấn Hoành nghĩ bụng, đến anh còn có thể tưởng tượng ra tâm tình của người nghe ở đầu dây kia đang đè nén đến mức nào.
Cu cậu này thú vị quá.
“Ơ, Tiểu Nhiếp ơi.” Lúc này, Trương Thúy Phương – bà chủ tiệm tạp hóa kế bên thò đầu ra, tay cầm chiếc đũa.
“Chị luộc ngô, mềm lắm đấy, mau qua lấy một bắp ăn thử này!”
Trương Thúy Phương tuy có hơi bép xép, nhưng tính tình vẫn rất thơm thảo.
Đôi bên đều là hàng xóm láng giềng, lại ở ngay gần nhau như thế, bình thường có đồ ăn thức uống gì ngon lành, thím đều hay sẵn lòng chia sẻ với Nhiếp Chấn Hoành.
Nhiếp Chấn Hoành quơ tuýp keo mình đang cầm, “Cảm ơn chị Trương, em đang bận ạ!”
Anh vốn định từ chối, nhưng lướt thoáng qua túi quà sáng Lâm Tri đặt trên tủ, anh lại nói lái đi, “Cậu khách trong quán em cũng chưa ăn gì, hay là chị cho người ta nếm thử nhé?”
Nhiếp Chấn Hoành còn nhớ rõ mồm một vẻ mặt chê bôi của Lâm Tri lúc nhìn túi