Trước lúc về Kiến Hòa, Đặng Xương Tuyết ghé qua quán cà-phê "Sóng Nhạc" biếu anh chủ quán cà-phê hai ký điều vườn ăn lấy thảo.
Anh bạn cùng họ lớn hơn vài tuổi vẫn đang tất bật với hàng nước của mình.
Ban ngày anh ta làm ở đây, tối về lại mở lớp dạy võ.
Hỏi tới chuyện vợ con anh ta chỉ cười cười cho qua lề.
- Điều vườn? Cha! Lâu quá mới thấy nghen.
Ngoài chợ nhiều người bán điều Tàu mà trưng biển điều vườn; cắn vô muốn rụng răng luôn.
- Điều vườn hình dạng lớn nhỏ không đồng đều, màu sắc của mỗi trái cũng không giống nhau, khi chín ăn rất mềm và thơm, vị hơi chua nhưng ngọt hậu.
Còn điều Tàu trái nào trái nấy to hơn trái banh tennis, màu sắc mười trái như một, ăn vô cứng hơn đá và mùi thơm không dễ chịu một xíu nào.
Trái điều là một bài thuốc dân dã phòng và chữa bệnh rất đáng quý; tuy nhiên những người yếu bao tử nên hạn chế ăn và người mạnh cũng không nên ăn lúc bụng đói, tại vì nó cào bao tử ngang ngửa với trái khóm.
- Anh kiếm mua ở đâu hay vậy?
- Tôi đi làm vườn cho nhà của vợ chồng bác Tư, thấy mấy cây điều sai trái quá nên hỏi hai bác có bán không, hai bác mới nói nếu con muốn thì cứ hái dìa ăn, hái hết luôn cũng được...!Tôi chia cho anh một ít, các đồng nghiệp trong toà soạn một ít và những người bạn hữu mướn nhà chung một ít.
Đặng Thừa Tân rửa sơ mấy trái to nhứt, rồi đem mời các nhân viên nếm thử.
Họ tấm tắc khen ngon, rồi nói tiếc rằng còn thiếu muối tôm Tây Ninh nữa là số dzách.
Gã điên gọi một ly trà nho ít ngọt nhiều đá.
Ghé riết rồi quen, ai cũng biết khẩu vị của anh ra sao, nhưng anh vẫn dặn để tránh hiểu lầm gây mích lòng.
Anh chủ quán đang trả lời thắc mắc cho một người khách bận áo sơ-mi trắng, đeo cà-vạt sọc xanh - trắng:
- Theo băng nhạc "Tâm Anh 8 - Quê Hương Chiến Tranh" thì bài "Tình cố đô" được thành hình dựa trên phần nhạc của Lam Phương và lời của Mạnh Thường.
Nhưng đương nhiên để cho lời bài hát trau chuốt, gãy gọn và ăn khớp với giai điệu thì cụ Phương cũng có sửa đôi chỗ theo ý mình.
- Băng nhạc này có bài nào độc đáo không anh?
- Tôi thấy có mỗi bài "Hận Đồ Bàn" của nhạc sĩ Xuân Tiên là nổi tiếng nhất, số còn lại không có gì quá đặc sắc.
À, còn bài "Sầu ly hương" của đôi nhạc sĩ Lam Phương - Lê Mộng Bảo cũng hay lắm; đây cũng là một trong những ca khúc cụ Phương dành tặng cho những người Bắc Kỳ vô Nam sinh sống.
Bạn đồng nghiệp của anh ta đã đi vệ sinh xong, nên anh ta nói lời cáo từ với anh chủ quán, rồi cùng bạn đồng nghiệp trở về sở làm.
Hai người đó vừa đi khỏi, Đặng Thừa Tân liền quay sang bắt chuyện với anh bạn cùng họ:
- Nhiều người hay lẫn lộn bài "Sầu cố đô" của ca - nhạc sĩ Duy Khánh viết về đất Thần Kinh và bài "Tình cố đô" của hai vị Lam Phương - Mạnh Thường" viết về đất Thăng Long.
Khác có một chữ thôi mà địa danh được đề cập trong nhạc phẩm đã thay đổi hoàn toàn.
- Cũng như bài "Trăm nhớ ngàn thương" của nhạc sĩ Lam Phương và bài "Trăm mến nghìn thương" của nhạc sĩ Hoài Linh.
Hai nội dung hoàn toàn khác nhau mặc dù cái tựa đề na ná.
Bỗng dưng, anh chủ quán đổi đề tài:
- Nhiều nhạc sĩ đọc xong một bài thơ hoặc một bài văn bỗng nảy ra cảm hứng sáng tác, nên dù nội dung bài hát có liên quan tới và sử dụng câu chữ của bài thơ hoặc bài văn hay không, các nhạc sĩ vẫn ghi rõ rằng "Ý thơ của....", thậm chí có người còn đính kèm tên cây viết ấy bên cạnh bút hiệu sáng tác của mình như một người đồng tác giả, điển hình là bài "Chân trời tím" của Trần Thiện Thanh, bác lấy bút hiệu là Anh Chương và kèm theo tên Nguyễn Văn Hạnh là tác giả của tiểu thuyết "Chân trời tím".
Đây một cách để tri ân thi sĩ - văn sĩ vì đã cho mình ý tưởng và thi hứng sáng tác rất cao đẹp và sòng phẳng.
Còn nếu ghi "Thơ của..." hoặc "Lời của..." thì chắc chắn có sự đồng sáng tác giữa hai người; nói cụ thể là một người viết lời và một người gọt giũa lời theo giai điệu khuôn nhạc.
- Đáng ra bài hát "Chiều thương đô thị" nên để rõ tên nhạc sĩ sáng tác là "Song Ngọc - Hoài Linh" mới đúng.
Vì ý tưởng viết bài này là của nhạc sĩ Song Ngọc, nhạc sĩ Hoài Linh là người giúp đỡ ông Ngọc hoàn thành tác phẩm.
Hai người đều có chung mục đích là dùng bài hát này đánh dấu kỷ niệm nhập ngũ của ông Ngọc.
Ghi thiếu một trong hai thì thiệt thòi cho người còn lại quá.
Đó là lời nói của người khách tới uống cà-phê lần trước.
- Không sao.
Lầm lẫn thôi mà.
Không để người trai đáng tuổi con mình phân trần, Vệ Thu đã khoát tay cười xòa, rồi gọi một ly cà-phê đen thật đậm.
- Thưa ông, ông có muốn nghe bài nào không? Coi như là quà đền bù...
Vệ Thu gật đầu:
- "Xác em nay ở phương nào?" do Mai Hương trình bày, nhạc sĩ Trần Chí Phúc phổ nhạc từ thơ của thi sĩ Ngọc Khôi.
Giọng hát thật hay của cố danh ca Mai Hương đã tôn thêm nét đẹp và sự bi thương cho một bài "Tưởng Niệm ca".
Cái đoạn ngân nga nghe sao day dứt đến quặn lòng.
- Bài buồn quá ông bạn già ơi.
Vệ Thu nghe ông bạn đi uống cà-phê cùng chắc lưỡi, thở than như vậy chỉ biết lắc đầu cười trừ.
Quay lại buổi tụ họp hôm nay, những người bạn lính của ông chỉ còn lại vài thằng, thương tật thời trẻ đã bào mòn sức khỏe của tụi nó, khiến tuổi già của tụi nó lụi tàn mau hơn.
- Rất nhiều bài hát nhạc ngoại lời Việt không có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng vẫn bị một số người khiên cưỡng nhận lầm.
Nói cụ thể như là bài "Rico Vacilon" của Cuba, được nhạc sĩ Hồng Kông viết lại lời Hoa và do cô ca sĩ Trương Lộ biểu diễn; băng nhạc ấy mang tên "Trương Lộ chi ca".
Sau đó mới tới tai những người Hoa sống ở Chợ Lớn, họ phát bài hát đó và đám trẻ con cùng mấy người ưa giễu nghe xong mới chế lại lời Việt thành: "Chachacha! Ma-ní lấy chồng Chà-và..."
Nói tới đó, anh chủ quán che miệng cười rũ.
Đợi cho cơn tức cười qua đi, anh mới nói nổi:
- Cho nên không biết rõ nguồn gốc mà đã nhận định nhạc ngoại lời Việt đều của người Hoa hết thì đó là một cái tật xấu cần phải bỏ.
Người Nhật và người Hoa cũng lấy nhạc bên mình, bên Tây Phương và các quốc gia khác mà đặt thành lời riêng theo ngôn ngữ của họ.
Như để khẳng định lời mình nói, anh chủ quán bật bản "Johnny mon amour" do một người bạn ca sĩ nghiệp dư của anh hát, đây là lời Pháp của ca khúc "Sầu đông" do nhạc sĩ Khánh Băng đích thân sáng tác.
- Nếu để cho lớp trẻ ngày nay nghe bản tiếng Pháp trước, họ sẽ chụp mũ ông Khánh Băng đạo nhạc liền trong khi chưa tìm hiểu kỹ nguồn gốc nhạc phẩm.
Cố nhạc sĩ là người nổi tiếng giỏi tiếng Pháp và nói năng lưu loát như người sinh ra trên mảnh đất này.
Vệ Thu lại hỏi gốc tích của bài "Sầu Đông":
- Trở về cố hương sau bao năm dài xa vắng, tưởng đâu sẽ dệt mộng uyên ương với cô em năm xưa, ngờ đâu nàng đã có chồng và đã có con luôn rồi; nên ông mới tức cảnh mà viết bài "Tiếng mưa rơi" và "Sầu Đông" để bày tỏ nỗi đau thất tình của mình.
Thấy ca khúc "Sầu Đông" thành công quá, nhà sản xuất mới ngỏ lời mời ông viết phần Hai của nhạc phẩm, nhưng ông đã từ chối vì cảm xúc khi đó đã tiêu tan, phần cũng vì không muốn sáng tác nhạc một cách rập khuôn và y như trả bài.
- Nói cụ thể hơn được không?
- Trước lúc về nhà, nhạc sĩ Khánh Băng ghé qua nhà cô em năm xưa.
Ai ngờ đâu chưa bước vô cửa, ông đã nghe thấy tiếng hát ru con buồn rười rượi của nàng.
Nhưng chẳng lẽ tới đây rồi mà không chào hỏi một tiếng, nên mặc dầu trong lòng đau khổ vô hạn ông cũng ráng bước vô gặp mặt cố nhân.
Nàng vừa bồng con đặng dỗ yên giấc ngủ của nó, vừa ngại ngùng trò chuyện với ông.
Bỗng nhiên, ông nghe tiếng đằng hắng thật lớn vang lên ở bên kia tấm vách.
Rồi một người đàn ông mặc đồ lính bước ra nhìn ông, sau đó đá vô nôi em bé một cái và bỏ xuống nhà sau.
Thấy tình hình không xong, và cũng biết chồng nàng đang đuổi khéo, ông bối rối xin phép ra về.
Mặc cho bên ngoài trời mưa tầm tã, ông cũng đội mưa mà về chớ không nán lại chờ tạnh mưa.
- Cũng may ông Khánh Băng thức thời rời đi, chớ không là thành "Đá bào" rồi.
Mấy ông bạn già của Vệ Thu, anh chủ quán và gã điên cười rần.
Đặng Thừa Tân bật bản nhạc "Sầu Đông" do Nguyễn Hưng ca; bài này Hùng Cường, Elvis Phương và Thái Châu trình bày cũng rất thành công và hợp giọng, mỗi người đều có cái hay riêng.
- Nhắc mới nhớ, nhạc sĩ Lam Phương đã tự viết lời Pháp cho ca khúc "Cho em quên tuổi ngọc", tức bài "Cest toi".
Đáng tiếc bản tiếng Pháp của hai ca khúc đều bị thất truyền và không còn mấy người biết để mà hát lại nữa.
May mắn còn lưu lại được tờ nhạc để làm bằng chứng xác minh quyền tác giả của hai cố nhạc sĩ.
Đặng Thừa Tân gật đầu như để xác minh những gì anh bạn cùng họ nói là đúng, kế anh ta trình bày:
- Thuở xưa, chỉ trừ những bản nhạc có nội dung cổ xúy bạo lực vô nghĩa, ngợi khen chém giết và chiến tranh hay tôn thờ cá nhân, còn lại thể loại nào cũng được bà con hưởng ứng nhiệt liệt và phổ biến rộng rãi.
Bây giờ có nạn nghe nhạc "yêu Nước", nếu như bài hát đó hay và ca sĩ đó hát cũng tuyệt vời thì chẳng có gì đáng để nói hết, đằng này nội dung thì không mấy đặc sắc, lời ca tối nghĩa và cố khoa trương "thông điệp ẩn dụ", còn ca sĩ thì chơi chiêu hễ lên nốt cao là cho dàn nhạc điện tử chèn vô mấy tiếng "Ế...!Ề...!Ê..." hay "Ô...!Ố...!Ồ...!Ô" để lấp liếm cái việc cột hơi bị yếu, vậy mà nhiều trang mạng ráng khen lấy khen để, tâng bốc bằng những mỹ từ quá lố và đương nhiên dù họ đã cố gắng viết bài bằng lối dẫn chuyện tự nhiên nhất có thể, nhưng người đọc vẫn nhận thấy có sự "mua bài".
Tôi nói ra mất lòng, chứ các nhạc sĩ thuộc dòng nhạc Tiền Chiến - nhạc Vàng đã làm được điều đó từ trước năm 75 rồi, và họ còn đi trước thời đại và tiên tri luôn tình hình Đất Nước bây giờ nữa kìa.
Ông bạn già đeo kiếng lão ưu tư:
- Cái bệnh chụp mũ đúng ra nên bị xếp vô danh sách "Quốc bệnh".
Một người đàn ông mặc âu phục trắng bước lại quầy thu ngân và ngồi xuống cái ghế sát cạnh chậu cây cọ kiểng, rồi gọi một ly trà cam thảo đá.
- Việc rũ bỏ Hán - Việt ra khỏi văn chương và âm nhạc đã góp phần làm cho phẩm chất của nền nghệ thuật bị suy giảm.
Tôi không biết ai là người đầu têu cho cái phong trào bài trừ Hán - Việt triệt để, xài toàn thuần Việt một cách lung tung và ngớ ngẩn.
Người khơi mào cho cuộc tranh luận mới là một nhà báo về hưu đã gần chục năm.
Nay được tòa soạn nơi ông từng làm việc mời tham gia chấm điểm cuộc thi viết "Hoa Không Gian", và ông đã bị chứng kiến nhiều cảnh tượng "hãi hùng" do cách hành văn của cách thí sinh đem lại.
Trường hợp mà ông nhắc đến ở trên chỉ là một trong vô vàn lỗi hành văn của các thí sinh.
Một người hay đọc mục báo do ông nhà báo ấy viết gặp được cây viết mà mình mến mộ nên tay bắt mặt mừng, rồi nhờ ông trả lời thắc mắc của mình.
- Nhiều người nói các cụ Việt hóa hết thảy từ A tới Z, anh thấy nhận định trên có đúng hôn?
- Không, thông thường các cụ chỉ Việt hóa tên địa danh thôi; rất ít ai Việt hóa luôn tên nhân vật vì như vậy sẽ làm hư cái hồn của tác phẩm.
Có nhiều người thấy những cái tên như Nã Phá Luân, Mạc Tư Khoa,...!thì vội vàng chụp cho các cụ cái mũ lậm Hán; trong khi đó, kỳ thực các cụ chỉ Việt hóa một số tên nhân vật nổi tiếng, còn hầu hết các tác phẩm dịch thuật đều giữ nguyên tên gốc của nhân vật.
Hệt như anh thấy cửa hàng người ta trưng bày những giỏ bông hồng ở bậu cửa sổ thì vội vàng cho rằng chỗ này chỉ bán toàn là bông hồng vậy, trong khi chưa hề đặt chân vô bên trong cửa hàng.
Uống xong một hớp bạc-xỉu cho thấm giọng, ông nhà báo mới cất giọng ồ ề trình bày:
- Anh có thể nhìn thấy hậu quả của việc phiên âm theo kiểu "yêu Nước" ở cuốn "Thằng cười" của Victor Hugo; nếu anh không tìm bản gốc theo từ khóa tiếng Anh "The man who laughs", anh sẽ chẳng thể nào biết được tên gốc của các nhân vật và địa danh trong tác phẩm là gì.
Và sau khi lướt qua một vài trang để kiểm chứng những gì tôi nói, mời anh tìm đọc cuốn "Con chim trốn tuyết" của Paul Gallico do nhà xuất bản "An Tiêm" dịch thuật để nhìn thấy cái hay và hợp lý của việc sử dụng luân phiên tên gốc và tên đã Việt hóa trong tác phẩm; xin nói thêm, tên gốc của các nhân vật vẫn được giữ nguyên.
- Đâu anh thí dụ trước coi.
- "Louis" mà viết thành "Luy", "Henry" thì viết "Hăngri", "Dea" chuyển sang "Đêa".
Rồi anh thấy sao? Phiên âm "yêu Nước" mà nhiều người khoái đó.
Nếu muốn rèn học sinh biết cách đọc tên ngoại quốc chính xác thì xin hãy giữ nguyên tên gốc, chớ đừng có phiên âm như vầy rồi tự khen mình "yêu Nước" và không bị "Hán hóa" thì tôi sợ lắm á.
- "Louis" đâu phải đọc là "Luy"...!Thiệt là...
Một ông thầy giáo cũng đã về hưu ngồi mé bàn bên phải ông nhà báo buột miệng nhận xét:
- Lòng tự tôn dân tộc không đúng chỗ cũng là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Ông nhà báo trình bày ví dụ của mình:
- Thử thời như câu "Trơ gan cùng tuế nguyệt", chữ "Tuế nguyệt" đổi thành thuần Việt thì cái hay của câu này có còn không? Còn chữ "Uyên nguyên" và "Miên viễn" nữa, tìm đâu ra một chữ thuần Việt hoàn hảo để diễn tả súc tích ý nghĩa của hai chữ trên? Chẳng lẽ lại viết một cách rườm rà rằng: "Miền xa xôi, phiêu diêu tự tại, không còn muộn phiền và nhiều cảnh lạc thú"? Viết như vậy không những diễn giải không sít sao cái nghĩa cao thâm của hai chữ trên mà còn tự biến mình thành kẻ dốt mà hay nói chữ nữa!
Bà vợ của ông thầy giáo xen vào, những mong nếu bà có nói sai thì sẽ được người giỏi giảng giải giùm:
- Thuở trước chúng ta phiên âm có thêm dấu cho những thứ chỉ đồ vật có nguồn gốc mượn từ tiếng Pháp như cát-xét, ba-lô, sô-cô-la, gạc-măng-rê, bi-đông, va-li, bánh ga-tô,...!và chúng ta còn áp dụng phổ biến tới ngày nay.
Không thấy ai phản bác, bà chắc mẩm mình đúng được vài phần.
Ông nhà báo lại lên tiếng:
- Câu hỏi mà tôi cảm thấy ngô nghê nhất là Việt hóa vậy qua nước người ta đâu có áp dụng được; mình qua nước người ta thì mình nói tiếng Anh hoặc tiếng bản xứ của họ, chớ nói tiếng Việt ai hiểu mà đặt câu hỏi mang tính chất mỉa mai như vậy.
Người đàn ông mặc âu phục mỉm miệng cười mà nói:
- Bên Đạo bạn tôi cũng có dòng Thánh Đa Minh - Dominic, dòng Thánh Vinh Sơn - Vincent,...!đó thôi.
Đặng Xương Tuyết nêu ý kiến của mình:
- Tôi thích giữ nguyên tên người; nhất là tên các vị Thánh và các nhân vật tôn giáo bên Đạo bạn anh.
Riêng bên Đạo tôi, nếu không Việt hóa sẽ rất khó đọc và ghi nhớ nên tôi thích chuyển ngữ, như tôn giả Sariputta - Xá Lợi Phất, tôn giả Moggallana - Mục Kiền Liên.
Cái gì cũng phải uyển chuyển, chớ bài Tây hay bài Hán cực đoan thảy đều tệ hại hết.
- Anh nghĩ sao về cách phiên âm bên Đạo tôi?
- Tác phẩm tôn giáo thì phiên âm cho tín đồ dễ hiểu và nắm rõ tên gọi là được, không quá câu nệ phép tắc như các tác phẩm thuộc thể loại khác, ví dụ: Văn học - Nghệ thuật, Thông cáo - Báo chí, Khoa học - Kỹ thuật, Y học Đông - Tây, Luật pháp, Chính trị,...!; đó là quan niệm riêng của tôi.
- Vậy tên địa danh nào theo anh nên để nguyên?
- Những quốc gia thành lập sau này hoặc những cái tên địa danh đơn giản, Việt hóa khó nhớ và đã thông dụng với đại chúng.
Nhác thấy đã tới giờ xe đò cập bến, Đặng Xương Tuyết bèn gửi tiền trả cho chủ quán, rồi quải ba-lô mà chạy tót ra ngoài trạm ngồi chờ.
Chưa kịp nói hai tiếng "Miễn phí" thì anh bạn cùng họ đã chạy mất tăm, Đành Thừa Tân đành để lần sau.
Đã gần bốn giờ chiều nên khách ra về gần hết, chỉ còn lại vài nhóm khách nhỏ ngồi tụm năm tụm ba hưởng ké máy lạnh.
Những vị khách này đa số là sinh viên nghèo không chịu nổi cái nóng nơi nhà trọ hộp diêm, phần còn lại là bà con buôn gánh bán bưng xin vào nghỉ chân cho đỡ mệt.
Thấy tình cảnh như thế nên anh đã xây hẳn một khuôn viên thật đẹp, sáng sủa và mát rượi để họ có thể tự nhiên ngồi mà không ái ngại chiếm cứ không gian kiếm sống của anh.
Người khách mặc âu phục trắng như công tử họ Huỳnh đang xem tin tức trên các trang mạng xã hội, anh ta gắn tai nghe không dây vô tai để tránh làm phiền tới mọi người.
Chừng thấy ly nước gần cạn, anh ta mới gỡ tai nghe xuống và hỏi Đặng Thừa Tân:
- Bài "Chỉ riêng mình ta" là lấy giai điệu của ca khúc ngoại quốc nào vậy chủ quán?
- Bài "Chỉ riêng mình ta" do nhạc sĩ Lê Xuân Trường đặt lời Việt theo ca khúc Hoa Kỳ "Love potion number 9" của đôi nhạc sĩ Jerry Leiber - Mike Stoller sáng tác vào năm 1959; đây không phải là nhạc Hoa gì sất.
Để thay đổi bầu không khí trầm lặng của quán vắng, Đặng Thừa Tân bèn bật bản nhạc trên với phần trình bày của ca sĩ kiêm vũ sư Nguyễn Hưng.
- Anh đẹp trai vậy chắc chẳng cần "Love potion number 9" đâu.
Ba Đức bật cười, rồi trỏ tay vào bịch điều mà hỏi anh chủ quán mua ở đâu hay vậy.
Nhớ lời anh bạn cùng họ, nên Đặng Thừa Tân bèn nói tên khu vườn trái cây dưới Thủ Đức để người khách đẹp trai tự tìm đến mua.
Rồi rửa sạch một trái, mời anh ta ăn thử.
Anh ta khen ngon, và nói rằng chắc sẽ ghé mua luôn kẻo hết.
Ngồi chơi với anh chủ quán thêm nửa tiếng nữa, Ba Đức cất giọng cáo từ.
Sẵn đang rảnh rỗi, thay vì chạy trên những tuyến xa lộ, Ba Đức lại chọn những con đường rợp bóng cây lành của các khu xóm lao động bình dân.
Đáp lại sự mến mộ của chàng Mục sư đẹp tựa Thiên Thần, bọn ve sầu thi nhau hát vang trên những nhánh cây xù xì, thô ráp và ken dày những phiến lá biếc xanh.
Thỉnh thoảng, chiếc xe hơi do anh cầm lái phải khựng bước vì một lũ trẻ ở đâu bất ngờ nhào ra lấy lại trái banh hay một đứa nhóc băng ẩu qua lộ.
Phía sau ánh sáng đô thành là những khu xóm và hẻm nhỏ chứa đựng vô vàn phận người mệt nhoài với đời sống "tay làm hàm nhai", lay lắt gởi gắm niềm tin tương lai xán lạn vào con cháu của họ; nhưng ngặt nỗi, do suốt ngày lu bù với công việc nên phần đông họ không có thời gian quan tâm và để mắt tới con em mình, thành thử ra lớp thì bị tống đi học đủ môn đủ khóa, lớp thì bị giam hãm sau bức tường nhà, cũng từ nguồn cơn ấy mà rất nhiều hệ lụy ảnh hưởng xấu lên tâm - sinh lý các em, và làm cho giấc mơ đổi đời nhờ con cháu của nhiều người bị tan thành mây khói.
Gần tới chân cầu bắc qua con mương khá rộng, anh chợt thấy ba người, có vẻ là một đôi vợ chồng già và cô con gái quá lứa lỡ thì, đang đứng đợi ai dưới lũy tre cao ngút mắt.
- Ê, có phải đó là chiếc taxi mà mày đặt không con?
Cô con gái đặt bàn tay lên ngang trán, cốt để cho mắt đỡ chói vì cái nắng chói chang ngày Hè.
Rồi thất vọng đáp:
- Hổng phải đâu ba.
Ai khùng mà lại đi lái taxi bằng chiếc xe đắt như vậy.
- Nguyên gia đình có muốn quá giang không?
Ban đầu cả nhà tính từ chối, nhưng sau khi thấy kỹ tướng mạo khôi ngô và hiền lành của Ba Đức nên yên tâm ưng thuận.
Cô con gái bèn gọi điện hồi hãng taxi đã cho gia đình mình "leo cây".
- Đóng phim võ thuật mà hồi đánh thì đấu với hai, ba địch thủ; tới chừng chiến thắng thì kẻ bại trận nằm la liệt như ngả rạ.
Trời ơi, tôi muốn coi phim võ thuật chánh tông chứ đâu phải coi phim lạm dụng kỹ xảo.
Nếu sợ hư cái mặt dặm bảy lớp phấn của mình thì đi đóng thể loại khác, hà cớ gì bản thân thì sợ xấu và "mất hình tượng" mà lại chọn thể loại phim võ thuật.
Hóa ra gia đình lên đây thăm bà con, rồi sẵn dịp ghé bệnh viện kiểm tra tổng quát, xong xuôi hết thảy mới dắt nhau đi coi ciné 3D và ăn thử nhà hàng sang trọng.
Cô con gái thấy tên nam diễn viên đóng vai chính thì bao nhiêu hứng khởi đều biến mất tăm, bởi cô đã từng xem vài thước phim do anh ta đóng ở nhà người bạn thân và vai diễn ấy tệ hại đến độ nó khiến cô cảm thấy mắc cỡ thay anh ta.
Ba Đức giới thiệu một bộ phim hành động khác cho gia đình nông dân hay.
Giọng nói lôi cuốn của anh đã làm tâm trạng ba người tốt lên hẳn; bởi vì sáng giờ họ gặp đủ thứ chuyện, người bà con sợ họ kiếm chuyện xin tiền nên mặt nặng mày nhẹ, chán ngán tình họ hàng bạc như vôi, họ mới đặt taxi để đi chơi vài vòng cho giải khuây, ai dè đâu cái hãng taxi đó cho họ "leo cây", may nhờ có anh chở giùm họ một đoạn không thì chắc họ đứng đến tối mịt mất.
- Hai bác và cô đây có ăn gì chưa?
- Trời, đói meo râu nè cậu.
Sáng giờ có nuốt trôi hột cơm nào đâu.
Mới vô tới nhà nhìn thấy cái bản mặt của vợ chồng con mẻ là tụi tui dông tuốt ra ngoài đường luôn.
Làm như nông dân tụi tui nghèo lắm mà bày đặt khinh khỉnh.
Ba Đức che miệng cười lớn.
Người dân miền Tây là vậy, thương hết mình, ghét hết mình, bao nhiêu ruột cũng để lộ ngoài da hết, nên bị người ta lợi dụng và coi khinh cũng hết mình.
Nếp sống gần gụi thiên nhiên đã góp phần xây nên tính cách hào sảng và chất phác, cũng như không quá câu nệ phép tắc.
Điển hình như ông võ tướng Trương Tấn Bửu, nghe thân phụ nói có vua Gia Long và cận thần của ngài ấy ghé nhà, liền hăm hở vác cái cày xuống nhà dưới rồi đứng trước mặt hai người mà sang sảng hỏi: "Đâu, vua Gia Long là ai, bước ra đây tôi thưa chuyện cái coi?" Làm vua Gia Long tưởng đâu thích khách bên Tây Sơn phái tới nên nín khe.
Tới chừng ông võ tướng "miệt vườn" ấy quát hỏi một lần nữa, ngài mới rụt rè đứng dậy xưng danh mình.
Chỉ chờ có thế, ông võ tướng buông cái cày xuống rồi quỳ xuống hành lễ và trình bày ý nguyện của mình với ngài!
- Cũng gần tới "Popeyes" rồi.
Hai bác và cô đây muốn ăn thử thức ăn nhanh không?
Bác gái e dè hỏi:
- Có khó ăn hôn cậu?
- Dạ không.
Họ đã thay đổi cách thức nêm nếm để phù hợp với khẩu vị xứ mình, nên hương vị rất dễ ăn.
- Đâu cậu biết món nào ngon thì lợi mua giùm gia đình tui đi cậu.
Thật là, không sợ người ta kê khống giá để làm tiền hay sao mà lại nhờ vả một người không quen thân như anh đây kia chứ?
- Vậy con mua ba cái bánh mì vỏ mềm kiểu Mỹ kẹp nhân thịt gà lọc phi-lê tẩm bột chiên giòn và một ít rau salad nghen hai bác? Với khoai tây xắt sợi rồi đem chiên giòn trong chảo dầu.
Cô con gái cười rũ.
Cô vốn biết rành tên gọi vắn tắt của hai món ăn trên, nhưng tội nghiệp cho người đàn ông sang trọng kia sợ ba má cô không biết nên phải diễn giải dài dòng.
Đợi cho người đàn ông bước vào quán, má cô mới hỏi con gái:
- Quán bán món gì mà tên dài thượt cả cây số vậy bây?
- Dạ, bánh sandwich gà chiên và khoai tây chiên.
- Bánh sandwich là bánh gì?
- Là cái bánh mà hồi nãy nó nói huỵch toẹt ra cho hai vợ chồng mình biết á.
Má cô vốn bản tính tiết kiệm nên năm thì mười họa mới ghé vô siêu thị hay những nơi quán xá Tây Phương, thành thử ra ai nhắc tới mấy món này thì má cô huề vốn, chẳng hiểu chi mô.
"Cạch."
- Hết bao nhiêu tiền cho vợ chồng tôi gởi cậu?
- Dạ không.
Miễn phí.
Hai bác và cô đây cứ tự nhiên ăn uống.
- Húy! Cảm ơn cậu nhiều nghen! Nhưng mà cho tôi xin cái biên lai để...
- Cái hóa đơn ông ơi!
- Dạ, cái giấy tính tiền nè bác.
- Đó, nói vậy dễ hiểu hôn, "Biên lai" với chả "Hóa đơn".
Đọc xong cái giấy tính tiền, bác trai muốn lên tăng-xông.
Số tiền phải trả tương đương với chục ký gạo thượng hạng mà ông "trầy vi tróc vảy" mới bán được với mức giá đó cho thương lái.
- Bánh này dát vàng hả con trai?
- Dạ không.
Có lẽ đang đói, mà cũng vì lạ miệng và thức ăn còn giữ nguyên độ nóng, nên hai vợ chồng ăn rất ngon miệng.
Ba Đức còn mua thêm tôm viên để cả nhà no bụng.
- Hai bác muốn nghe bài gì không?
- Bài gì cũng được con trai.
Ba Đức bèn bật bản "Tía má em" do nhạc sĩ Văn Lương sáng tác, qua phần trình bày của bác Duy Khánh và người vợ đầu Tuyết Mai.
Hai vợ chồng nghe bản nhạc thân thuộc ấy bỗng tự nhiên bùi ngùi nhớ đến hồi hai đứa mới cưới.
Ai mà ngờ đâu đã dắt díu nhau đi gần hết nẻo cuộc đời, tuy chẳng giàu sang như ai nhưng tình nghĩa dám khẳng định hơn vạn nếp nhà xa hoa nơi đây.
oOo
Ngoài trời nắng đổ như trút lửa xuống nhân gian, tiếng hát êm dịu của cố danh ca Mai Hương trong bài "Mưa Sài Gòn - Mưa Hà Nội" làm vơi cái oi bức của ngày Hè nắng cháy da người; ban "Hợp ca Thăng Long" trình bày sáng tác này cũng rất hay.
Đây là nhạc phẩm do nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc từ thơ của thi sĩ Hoàng Anh Tuấn.
Thầy Dự đang đọc quyển "Trăm hoa đua nở trên đất Bắc", một tài liệu về vụ án "Nhân Văn Giai Phẩm".
Không biết trong sách viết điều chi mà thầy cười nắc nẻ như được mùa, thỉnh thoảng lại rút khăn mùi soa ra lau lệ.
- Bố ơi, Bố ra đây, để con đọc cho Bố nghe đoạn này.
- Ơi, Cha nghe rồi.
Chờ Cha chút nghen con?
- Vâng, tí nữa nhé?
Rồi trong bữa trưa thật nắng ấy, nơi phòng ăn có gắn máy tỏa hơi gió mát mẻ, hai cha con ngồi tỉ tê hàn huyên tâm sự về những gì mà quyển sách ấy đề cập.
Trưa nay hai cha con ăn canh rau má, tép chấy đường và ếch xào lá cách; bác sĩ khuyên cụ phải hạn ăn chế ăn thịt đỏ nên con trai đã cắt bớt số ngày được ăn thịt đỏ của mình và ông Bố.
Cụ hứa với con trai rằng sẽ ráng hết sức giảm chỉ số đường huyết xuống mức cho phép để Trung Thu này được ăn bánh và uống nước trà cùng nó và mấy ông bạn già trong xóm.
Kể từ ngày Cha Trung về với Chúa, nơi Giáo xứ Saint Pio vắng bóng một người thầy hiền đức và dịu dàng.
Rồi chẳng biết từ bao giờ, quỷ dữ len lỏi vào địa phận mà con Chúa đang nương trú, khiến cho đức tin của một số mục vụ bị đồng tiền trần thế làm cho lu mờ và phai nhạt, họ dẫn dắt những bầy chiên không vững trí theo con đường sai trái và tội lỗi mà con quỷ cầm đầu chỉ định.
Hễ ai lên tiếng cảnh tỉnh là bị cho nghỉ mục vụ hoặc thuyên chuyển sang nơi khác.
Chúng còn vu khống những mục tử can trường ấy là muốn chia rẽ Giáo đoàn và do không kiếm chác được lợi ích nên hãm hại người ngay.
Từ chuyện này Cha Thành bỗng nhớ đến giấc mơ định mệnh đã làm thay đổi cuộc đời cụ.
Trong mộng, cụ nhìn thấy người cha nuôi thương mình hết lòng hết dạ ấy ngồi cạnh bên.
Đoạn, người mục tử đó vẽ hình dấu Thánh Giá trên ấn đường của cụ, như muốn nhờ ông kế thừa sứ mệnh rao giảng Tin Mừng và chăn chiên giùm mình.
Nhưng cụ rất hiếm khi đứng giảng, vì cụ không có lối dẫn chuyện thu hút như các bạn đồng tu, cũng chẳng có khiếu hài hước và khuôn mặt ưa nhìn như cha nuôi, thành thử ra rất tội cho các Giáo dân "xấu số" trúng ngày "lên đài phát thanh" của cụ.
Ấy thế mà lại có một đứa con nít rất mê cách giảng đạo huề trớt ấy.
Nó đẹp một cách thánh thiện như cha nuôi và mang luôn trái tim bác ái như ông ấy, cứ hễ thấy nó, cụ lại nhớ về người cha quá cố.
Có lẽ Chúa đã xui khiến cho người cháu họ thất lạc của cha nuôi tới làm học trò của cụ, và giờ nó thay thế hai cha con cụ trên con đường cõng Thánh Giá và mang tình thương của Đấng Jesus Christ ban phát khắp thế gian.
Một vị khách không mời ghé nhà đột ngột đã làm cắt đứt dòng hồi tưởng của Cha Thành.
Đó là người thanh niên bị câm mà hai cha con cụ đã bắt gặp trong một đêm mưa gió bão bùng.
- Ăn gì chưa con?
Người thanh niên đó lắc đầu, rồi nhét vào tay Cha Thành tờ một trăm đồng mới cắt chỉ, như thể vừa rút từ ngân hàng ra vậy.
- Ở đâu mà con có?
Gã ta chỉ vào hai cánh tay đầy cơ bắp của mình, chắc là muốn nói tiền này có được là nhờ đi làm công.
- Thôi đã tới đây rồi.
Vô làm bậy chén cơm cho ông vui nghen con?
Bất đắc dĩ anh ta phải gật đầu chấp thuận, vì không muốn đày một cụ già đứng dang nắng năn nỉ mình hoài.
Thấy anh ta chịu rồi, Cha Thành hăm hở nhờ con trai hâm cơm, canh giùm mình.
Thầy Dự tức mà không biết kêu ai, chỉ biết phó thác cho Chúa giữ gìn ông Bố tốt một cách thái quá của mình.
Nhưng anh ta không chịu vô nhà ngồi đợi bữa ăn, mà lại vác dao chặt củi, coi như lấy công trừ tiền bữa ăn.
Cha Thành lại men men ra ngoài này nói chuyện, nên gã đành phải bỏ dở công việc mà đi vô nhà ngồi chơi.
Sự lì lợm hết sức đáng yêu của Cha Thành khiến một bên chỉ biết kêu Trời, còn bên kia thống thiết gọi Chúa.
- Sao cậu biết chúng tôi ở đây mà đến trả tiền?
Gã trai xin mượn cuốn tập và cây viết, rồi giải thích một lèo rằng, "Thấy chú đi chợ nên tôi bám theo về đây."
Thầy Dự thở dài thườn thượt, rồi đi xem nồi canh và mấy món thức ăn đã hâm nóng đủ chưa.
Về phần Bố, ông ấy đang đơm cơm vào cái bát nhỏ và đi lấy cái thìa, cái dĩa cho cậu ta.
- Cậu dùng đũa hay cái dĩa? À, cái nĩa.
Gã trai đó chỉ vào cái nĩa và cái muỗng mà Cha Thành đang cầm trên tay.
- Cha!
- Mới tới hả con?
Antonio Vũ ngại ngần nhìn người đàn ông có cách hành xử như bị bệnh tâm thần ấy một đỗi, rồi dụ dự bước vô nhà.
- Anh ta là ai vậy Cha?
- À, một người mà Cha và thầy Dự tình cờ quen biết.
- Để tránh có thêm đứa cằn nhằn, Cha Thành bèn nói lảng sang chuyện khác.
- Con tới thăm Cha có chuyện gì hôn?
- Dạ...
Biết điều, gã trai ấy đứng dậy và bưng tô cơm cùng chén canh ra ngoài hàng ba ngồi ăn.
Nghe xong đầu đuôi sự việc, thầy Dự bất bình lên tiếng trước:
- Người đê hèn và ngu xuẩn thì nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, vì họ không có khả năng để phân biệt mọi thứ dựa trên lương tri và óc sáng suốt.
Và sẽ càng đáng buồn hơn, nếu như họ có óc sáng suốt mà phải quỳ xuống bợ đỡ và tán thưởng kẻ đê hèn và ngu xuẩn hơn họ chỉ vì chúng có tiền và quyền lực.
Cha Thành tiếp lời con trai:
- Đã là một người Công Giáo thì tuyệt đối không được làm tôi hai chủ.
Nạn nhân này đã ngoảnh mặt với Chúa Jesus Kitô chỉ vì đồng tiền trần thế, cũng không khác chi Judas năm xưa.
Nhưng Judas còn cảm thấy hối hận, còn anh ta không biết có cảm thấy như vậy không?
Antonio Vũ cũng xen vô:
- Con nghĩ chắc đã từng, nhưng tiếng kêu khát sữa của hai đứa con thơ và cái bụng đói của người vợ đang mang thai đã khiến anh ta phải rũ bỏ lương tâm mà làm chuyện thất đức.
- Con nè, hay là mình gom góp chút tiền gởi cho vợ con anh ta được không?
Nhìn sắc mặt không đồng tình của thầy Dự và ánh mặt ái ngại của cháu họ cha nuôi, Cha Thành hết lời khuyên giải.
- Chúa Jesus chịu khổ nạn cho nhân loại còn được, tại sao chúng ta mang danh mục tử của Ngài mà lại không thể chớ?
Rồi cụ bồi thêm:
- Vả chăng, chúng ta đã mất đi một con chiên ngoan Đạo và thiện lương, đừng để vợ con anh ta cũng sa lầy như vậy.
Antonio Vũ và thầy Dự quyết định nghe theo lời người thầy kiêm luôn cha đạo của họ.
Vét trong túi còn được trăm mấy, chàng Linh mục trẻ đưa luôn cho vị Mục tử cao tuổi, nhưng cụ chỉ nhận phân nửa vì biết con trai không dư dả gì nên nỡ lòng nào mà lấy hết.
Về phần thầy Dự, thầy ủng hộ hai trăm đồng bạc; đây là tiền để dành mua vỏ xe hơi mới mà ông tích cóp gần ba tháng nay, trong phút chốc, "Vèo" một cái, mất tiêu.
Ai mà ngờ gã trai đô con sống bụi đời kia cũng móc túi cho hẵng hai trăm đồng.
Chiếc xe bán tải năm chỗ hiệu Ford của thầy Dự vừa vặn đủ ghế cho cả nhóm.
- Con biết đường không Vũ?
- Dạ, hổm rày báo chí đăng ầm...
- Cái gì mà vô duyên gớm thế? Chưa biết đầu cua tai nheo ra sao mà đã đăng rõ ràng địa chỉ của gia đình nạn nhân, bộ muốn người nhà anh ta bị thanh toán luôn một thể à?
Gã trai gật đầu đồng ý với lời nhận xét của ông thầy đeo mắt kiếng.
Thầy Dự lại tiếp:
- Đúng là chúng muốn truy cùng giết tận gia đình anh ta.
Lấy tiền của quân gian ác đâu có dễ nuốt trôi và sống yên, ấy thế mà lắm kẻ lại chấp nhận làm tôi mọi cho chúng.
Người vợ của gã đàn ông "bần cùng sinh tầm bậy" đó đang ráng hết sức để khiêng thau thịt nướng đặt lên bàn.
Dù hãy còn hai tháng nữa là lâm bồn nhưng chị vẫn phải làm việc nhọc nhằn nhằm trang trải cuộc sống.
Người đàn ông không rõ lai lịch, mà nhóm người Công Giáo đều gọi là "Đô" - lấy từ chữ "Đô" trong "Đô con", xông xáo tiến lên giúp chị ta để thau thịt lên bàn.
- Dạ, cảm ơn anh nghen.
Rồi anh ta tự giác sắp xếp những dĩa đồ ăn kèm lỉnh kỉnh khác lên bàn.
- Dạ, anh tên chi để tôi biết mà mai sau dặn con đáp đền?
Cha Thành hớt lời một cách hóm hỉnh:
- "Bí danh" của cậu ấy là Đô.
Do không chịu xưng tên thiệt nên ông và con cháu trong nhà đặt luôn cái tên này.
- Hì, anh tên giống nhạc sĩ Hoàng Nhạc Đô quá.
Cố nhạc sĩ Hoàng Trọng ̣đặt tên các con thiệt là hay: Nhạc Đô - Cung Fa - Bạch La.
Tôi và ông xã dự tính đẻ ba đứa nên đã "nghiên cứu" tên của các cặp vợ chồng có ba con.
Thằng này tên Chân, đứa kia tên Thiện, còn nhỏ gái trong bụng tên Mỹ.
Tiếc rằng, ảnh đã vì má con tôi mà đánh mất Chân - Thiện - Mỹ của mình...
Nói tới đây, người góa phụ đáng thương bưng mặt khóc mùi.
Bởi vậy mà thần trí của ảnh suốt mấy tháng hay đâu có bình thường, hai vợ chồng đang nhỏ to tâm sự tự nhiên ảnh nổi khùng lên rồi mắng chửi chị xối xả, âm thầm theo dõi mới hay thì ra hễ mà không cãi lại người ta để đẹp lòng khứa chủ là ảnh bị khiển trách nên từ đó tinh thần mới nảy sinh trạng thái bất ổn.
Vì chuyện buồn này mà chị bị động thai.
Cứ nghĩ như mấy lần trước chịu đau một hồi rồi sẽ êm nên chị ngồi bệt xuống vỉa hè cho thoải mái.
Nhưng máu bắt đầu tìm đường rò xuống, chị run rẩy cảm nhận được sinh mệnh của đứa con gái trong bụng đang lâm nguy, nỗi sợ mất con khiến chị quýnh quáng tri hô.
Antonio Vũ sực nhớ ra anh Mục sư Martino Lê Vỹ Khiêm, nên vội vàng gọi hỏi phương pháp sơ cứu.
Còn thầy Dự đã gọi điện báo cho bảo sanh viện Từ Dũ.
- Anh Khiêm.
Cứu.
Em hổng có biết đỡ đẻ.
- Chúa ơi, cậu Vũ đang ở mô?
Antonio Vũ thuật lại cho Martino Lê nghe tình hình của người thai phụ.
Anh không quên nói rõ chị ấy đã làm lụng cực nhọc để nuôi mình cùng các con và mang tâm trạng bí bách như thế nào từ sau cái chết của chồng.
- Để tôi gọi cho Sơ Hiền.
Sơ đang đi mua đồ làm Lễ với hai bà phước cách chỗ này chừng hai trăm mét thôi.
Ước khoảng mười lăm phút sau, Sơ Hiền và hai bà phước trọng tuổi có mặt tại hiện trường.
Ba người tức tốc đưa chị vô nhà rồi khép cửa lại.
Đô đang đun nước sôi trong bếp, thấy đã có nhóm phụ nữ thì vội vàng dông ra ngoài để tránh thấy cảnh không nên thấy.
Nước sôi đã có sẵn, giờ chỉ thiếu một thứ.
- Ai rảnh thì đi mua bia giùm tôi.
- Bà phước có cái nọng che mất cái cổ thò đầu ra ngoài cửa sổ nói.
Thầy Dự nhận lời liền, dầu chẳng hiểu mô tê chi sất.
Chẳng lẽ bia có tác dụng thay thế thuốc giảm đau à?
Ở ngoài này, Giuse - Blanc Thành và Antonio Vũ lần chuỗi Mân Côi nguyện xin Đức Mẹ giúp cho người góa phụ được mẹ tròn con vuông.
Xe cứu thương vẫn chưa thấy tăm hơi đâu.
Còn con trai ông thì đang chạy về hướng này.
Những tiếng la hét váng trời của người góa phụ làm dậy vang khu phố nghèo.
Hàng xóm xúm lại vặn hỏi nhóm người Công Giáo và gã trai bị câm, thì họ trả lời ngắn gọn là các Sơ đang hộ sinh cho cô chủ quán cơm tấm.
Nghe xong, có bà mụ nóng ruột đòi vô trong giúp đỡ, không biết giải quyết sao nên họ đành đồng ý.
Bà mụ vừa giúp sức được một lúc, xe cứu thương trờ tới.
Không còn đưa kịp đến bảo sanh viện nữa nên các bác sĩ và y tá quyết định cho thai phụ sinh con tại nhà luôn.
Nhờ sự hợp sức của mọi người mà chị ta đã hạ sinh con gái một cách bình an vô sự.
- Ai mua bia mà hay dữ vậy?
Bà bác sĩ nói xong, liền khui một lon bia; rồi vừa rẩy bia lên khắp mình mẩy đứa nhỏ, vừa lau sạch nhớt nhau còn vương trên thân thể nó.
Kế đó lau người nó bằng khăn lông mềm nhúng nước.
Sau rốt lấy một cái khăn lông mềm khác lau khô người nó, đoạn bọc nó trong một cái áo choàng em bé màu hồng thật xinh mà ba nó trước lúc đánh mất lương tâm đã mua sẵn cho nó.
- Dạ, tôi xin thành thật cảm ơn quý vị vì đã đến đây giúp đỡ cho mẹ con tôi được vẹn toàn trong kỳ sinh nở.
Ơn cứu mạng này không biết lấy chi đáp đền và hoàn trả bao nhiêu cho đủ.
Sơ Hiền ân cần hỏi chị có muốn bà và hai người chị Đạo làm gì cho mình không.
- Dạ, ảnh muốn con gái theo Đạo.
Con theo Đạo kiểu "mót" nên hổng có biết đường đâu mà lần.
Bà phước có khuôn mặt rất trẻ và đẹp hơn tuổi thật xin phép bày tỏ đôi lời:
- Đợi chừng nào má con con mạnh giỏi, con đem nó lên đây cho Cha Vũ làm Lễ Rửa Tội và đặt tên Thánh nghen?
- Con? Sơ...
- Con làm được mà Vũ.
Cha Thành nhờ Sơ Hiền trao giùm chút tiền mọn mà con cháu cụ và cậu đây hùn lại cho má con cô Thắm.
Chị ráng cầm nước mắt mà sụt sùi nói lời cảm ơn từ tận đáy lòng mình.
Hai bà phước và Sơ Hiền dỗ dành mãi chị mới nguôi ngoai được một chút.
Sực nhớ ra thau thịt, cô Thắm chắt lưỡi than:
- Nhưng, thau thịt còn ê hề, bỏ mứa tội quá...
Sơ Hiền nêu ý kiến:
- Nếu vậy con cho ông đây đem về nướng lại rồi ổng đem phát cho người nghèo ăn có được hôn?
- Dạ được.
Sau khi chia cho bà con trong phố mỗi người mấy miếng thịt, Cha Thành mới đem mớ thịt ướp còn dư về nướng.
Hai bà phước và Sơ Hiền ở lại quán xuyến việc nhà và đỡ đần gia đình vắng bóng tùng quân.
Còn bà mụ thì đi theo hai má con cô Thắm đến bảo sanh viện.
- Không chịu cái tên đó hả con? Con biết viết chữ hôn? Biết hả? Vậy cho cụ biết đi con.
Anh ta viết lên giấy trắng một chữ "Giác".
Đây cũng không phải là tên thật của anh ta, theo linh cảm của Cha Thành như vậy, nhưng cụ không bắt bẻ hay căn vặn hỏi lại.
Bài hát "Chiều trên bến xe buýt" do Thanh Vũ ca như thông báo hoàng hôn đã buông xuống mảnh đất đô thành rộn rịp và hối hả; bác sáng tác bài này với nhạc sĩ Huy Trâm.
Lướt qua một xóm ve chai, Cha Thành bần thần bộc bạch:
- Phải làm sao để đời sống người dân được nâng cao và cải thiện tốt hơn, không bị lệ thuộc vào những bữa cơm của các tấm lòng thiện nguyện, đó là một mệnh đề nan giải và cần lắm sự chung tay của tất cả các ban, ngành.
- Vâng, "con cá" sẽ bào mòn sự cầu tiến và phát triển của xã hội.
Để tránh bị nghi ngờ và bám đuôi, Antonio Vũ bắt taxi về lại Giáo xứ Saint Pio.
Chiếc áo dòng đen tôn lên vóc người cao gầy của anh, cũng toát lên những nỗi u hoài mà anh hẳng chất chứa trong lòng.
Ba người phân mớ thịt ra được ba mươi ba phần, vậy là được ba mươi ba hộp cơm.
mỗi người chia nhau xách mười một hộp cơm.
Mất gần ba tiếng đồng hồ mới nấu nướng xong, nhưng số phần cơm có được thực sự quá ít để mọi người trao tặng hết bà con khốn khó gặp trên đường.
Phố đã lên đèn.
Nhưng những người mưu sinh vẫn chưa về nhà nghỉ ngơi, ai nấy đều cố trụ lại để kiếm thêm đồng ra đồng vào.
Đằng đó là cụ bà hành nghề ve chai - lông vịt, kia là đám con nít đánh giày và bán vé số, ở phía xa hơn là các công nhân quét rác, dưới góc cây phượng là đôi vợ chồng ước chừng trung niên đang bày hàng sửa giày - dép và quần áo.
Chưa đầy hai tiếng đồng hồ, ba người đã phát xong cơm phần.
Nhìn những gương mặt rạng rỡ và ngạc nhiên hết sức của bà con mà ai nấy đều cảm thấy chạnh lòng.
Có câu "Miếng ăn là miếng tồi tàn", nhưng một khi đã muốn san sẻ gánh nặng cơm - áo - gạo tiền với dân lao động nghèo thì cũng nên biết " Cho đi thì nhớ vui cười người ơi".
- Con có đói bụng không, ông dẫn con đi ăn?
Giác gật đầu.
Thầy Dự chiều theo ý Bố.
Rồi làm động tác mời người thanh niên ra băng sau ngồi.
Chiếc xe Ford bán tải này có năm chỗ ngồi, thường những người nó chở là bà con trong xóm và những ai cần kíp mà không có tiền mướn xe.
- Đi đâu giờ Bố?
- Con chạy vô công viên mới xây đi.
Chỗ đó có bán phở ngon lắm.
- Cơ mà Bố đâu có thích ăn phở?
- Ở đó có bán phở gà, Cha ăn được, con khỏi lo cho Cha.
- Vâng.
Giác vẫn làm "Người Việt trầm lặng".
Anh ta gác tay lên thành cửa sổ xe hơi và đưa mắt ngắm nhìn cảnh vật bên đường.
Môi mấp máy theo giai điệu bản nhạc phát ra từ radio.
Người đàn ông đeo kính thuốc đã thấy khẩu hình của gã song không bày tỏ thái độ gì.
Riêng Cha Thành lại để tâm, nghĩ rằng anh ta thích nghe thể loại nhạc này nên bật thêm vài bài nữa.
- Tự nhiên Cha nhớ đến một người bạn thân, hôm đám cưới người yêu, anh ấy đã hát nghêu ngao bài "Giết người anh yêu" của nhạc sĩ Vinh Sử theo giọng của Chế Linh, cũng may là ảnh hát ở nhà.
Thầy Dự bật cười thành tiếng:
- Yêu là khổ mà Bố.
Giác thầm nghĩ, mơi mốt ai muốn phá đám cưới người yêu cũ chỉ cần bật bản nhạc này là banh chành hết.
"Tại sao anh muốn giết người anh yêu
Người yêu anh có tội tình gì đâu
Nàng lên xe hoa ngày cưới, ngỡ như xe tang mở lối
Sung sướng gì theo kẻ không yêu..."
- Hát trong đám cưới đi, rồi cái mỏ máu không.
Thấy Cha Thành hiểu suy nghĩ của mình, nên Giác che mặt cười ngả nghiêng ngả ngửa.
Thầy Dự cũng cười theo.
Tiếng cười xóa nhòa khoảng cách và sự nghi kỵ giữa ba người.
- Bố, con ghé đổ xăng cái nha.
- Anh giữ cái xe kỹ như vậy ai bán xe mới cho anh được đây?
Thầy Dự vừa mở cửa để bước xuống xe, vừa nhếch miệng cười chọc Bố:
- Ai mà dễ ăn tiền của con được.
Cha Thành ngó theo bóng lưng con trai mà cười nói với Giác:
- Có xe hơi phải châm nước mát, thay nhớt định kỳ và đừng nên đợi gần cạn mới đổ xăng thì nó mới bền được.
Cứ thấy nó lưng xuống phân nửa là anh này đã xách xe đi đổ thêm xăng rồi.
Còn bánh xe thì chừng hết năm lại thay vỏ mới coóng.
Trong lúc đợi con trai, Cha Thành mời gã trai bụi đời nghe thử bản nhạc "Về với cát bụi" do đôi nhạc sĩ Minh Kỳ - Lê Dinh sáng tác; người hát là Elvis Phương:
"Sống trên đời này, người giàu sang cũng như người nghèo khó
Trời đã ban cho, ta cám ơn Trời, dù sống thương đau
Mai kia chết rồi, trở về cát bụi, giàu - khó như nhau..."
- Bài hát này còn có tên gọi là "Trở về cát bụi", được viết ra để "nhắc yêu" ông Nguyễn Tất Oanh - Tức ông chủ hãng đĩa "Sóng Nhạc" mà nhóm nhạc sĩ "Lê Minh Bằng" đang cộng tác - Sống biết điều một chút.
Ai ngờ đâu bài hát này lại vận đúng cuộc đời của Nguyễn Phước Vĩnh Mỹ, cũng tức nhạc sĩ Minh Kỳ.
Nghe những gì ông cụ mặt mày sầu khổ nói, Giác bỗng nhớ tới thân phận trôi sông lạc chợ của mình, rồi tự nhiên cảm thấy...!mắc cười.
Tràng cười khó hiểu của gã làm Cha Thành chưng hửng, chẳng hiểu mô tê chi sất.
Quán phở ấy bày bán trên khoảng sân lát gạch của công viên.
Tuy cây cối rậm rạp nhưng nhờ có bóng đèn giăng mắc khắp nơi nên chỗ này không bị tối tăm, mờ mịt.
Nhưng dù sáng tỏa đến vậy muỗi mòng vẫn nhiều như ri.
- Ủa ông mướn thằng đô con đó hồi nào vậy?
Người chồng nghe vợ hỏi thì liền quay đầu lại nhìn.
Quả thật có một người thanh niên tướng mạo như Triệu Tử Long đang giúp vợ ông ra phở.
- Cậu ấy thấy cô đây bán đắt quá nên muốn phụ một tay thôi.
- Dạ, vậy hen ông?
Người vợ nheo mắt hỏi Cha Thành:
- Ông đây nhiêu tuổi rồi?
- Dạ, tôi đã gần chín mươi rồi.
- Mèn đét ơi! Trẻ dữ hen? Nhìn tướng tá tôi tưởng mới bảy mươi mấy là cùng, nên xưng hô thất lễ quá.
Thầy Dự góp lời:
- Chắc nhờ không có cưới vợ nên trẻ lâu.
Chồng của bà thím len lén giơ ngón cái lên.
- Hay quá há! Đồng tình nữa há!
- Qua có nói gì đâu mà bậu giận.
- Đừng có giở lại cái giọng hồi ông mới cua tôi.
Bởi "Bậu bậu - Qua qua" mà tôi mới lầm tới giờ.
- Hổng biết đứa nào lầm đứa nào...!Ui da đau!
Thấy đã ngơi khách, Giác mới ngồi vào bàn mà hai cha con cao tuổi đã chọn.
Mồ hôi mồ kê nhễ nhại khắp mặt mũi anh ta.
Cha Thành đưa xấp khăn giấy và chai gel rửa tay sát khuẩn cho anh ta, rồi dặn nhớ lau kỹ hai bàn tay sau khi xoa gel để tránh dính chất cồn vô miệng, lưỡi khi bốc đồ ăn và cầm đũa, muỗng.
Do anh ta nói không được nên khi cần diễn đạt mình muốn ăn phở thập cẩm tô lớn, anh ta chỉ vô từng dĩa đựng và cái tô bự nhứt đang bày trong tủ kiếng để cho đôi vợ chồng già hiểu.
- Bánh tươi hay cọng hủ tíu hả cưng?
Giác giơ hai ngón tay lên.
- Rồi, một tô phở thập cẩm lớn lấy cọng hủ tíu.
- Sao chị hiểu hay vậy?
- Bán buôn riết tinh ý huynh đài ơi.
Tiểu muội với phu quân hồi đó làm lộn hoài, sau sợ khách bỏ đi nên phải ráng học cách hiểu ý khách.
Thầy Dự biết chị chủ quán trêu mình vì sắc mặt của thầy lúc nào cũng đăm đăm như hiệp khách bôn tẩu giang hồ, nên lựa cách nói chuyện "kiếm hiệp" cho ăn rơ với nhau.
- Dự, Cha định sáng mai mua ít tã giấy và sữa bột làm quà cho má con cô Thắm.
- Bố rút tiền trợ cấp ra mua à?
- Ờ.
Thầy Dự nở nụ cười méo xẹo:
- Bố thật là...
Để tránh làm Bố ăn mất ngon, thầy Dự nuốt lại những gì toan nói ra.
Ông biết Cha Vincent Cao Nhật Trung là nguồn cơn xây dựng nên đức tính thương người quá độ của Bố.
Hồi đưa Bố về nhà nuôi, có nhiều lời đồn đoán rằng Cha Vincent Trung nhận tiền nuôi giùm con của người đàn bà lăng loàn, trắc nết nào đó nên ngụy trang nó dưới vỏ bọc một đứa trẻ mồ côi cho tiện bề "hợp thức hóa".
Thật ra, vì không có tính danh rõ ràng nên Bố không thể làm giấy khai sinh, Cha Vincent Trung bèn mặc kệ tiếng xấu, đứng ra nhận làm cha nuôi cho đứa trẻ tội nghiệp ấy, và đặt tên cho nó là Cao Nhật Thành.
Và kể từ ngày đó, thằng nhỏ lang thang chỉ có mỗi cái tên Thành đã trở thành đứa bé ngoan Đạo Cao Nhật Thành.
- Sao tính nguyên bàn ăn có nửa giá vậy chị?
Trước thắc mắc của thầy Dự, chị chủ quán cười hiền:
- Cậu đây giúp quá trời giúp.
Đã không trả công thì cũng phải bớt tiền phở chớ.
- Cơ mà...
- Thôi, có nhiêu đâu mà phải bận lòng.
- Anh chủ quán khoát khoát tay, phụ họa vô với người bạn trăm năm của mình.
- Mốt nhớ ra đây ăn ủng hộ là vợ chồng tôi vui rồi.
oOo
Châu Lợi nhận mâm cơm cúng dường của Đặng Xương Tuyết và làm ấn thủ bình an.
Đợi cho người đó xoay lưng đi, ông mới lầm rầm đọc một câu Kinh Nikaya.
Vệ Thu đang ngồi lột sầu riêng cho mấy đứa nhỏ cù bất cù bơ.
Vì không ăn phi thời nên cái bị vẫn còn nguyên hiện như cũ.
- Hả? Theo đạo mà không Quy Y Tam Bảo, không có pháp danh, không theo học các khóa tu...
- Phật Tổ đâu có đòi hỏi gì, chỉ có một lớp chúng sanh đời này không hiểu và cả tin theo lời thầy tu rồi làm quá lên, sau rốt lại chỉ trích Phật Giáo màu mè và trọng hình thức.
- Sao Lợi lại dùng chữ "Qua đời"?
- "Qua đời", "Nhập diệt", "Viên tịch",...!tựu trung đều mang hàm nghĩa lìa bỏ thân xác thế gian mà tiến nhập lại hoặc vào một cõi khác, nên theo thiển ý của tôi, sử dụng chữ nào cũng được hết.
"Nhập lại" là trở về vòng xoay luân hồi chuyển kiếp ở các cõi thấp; như cõi Người chẳng hạn.
Còn "Nhập vào" là bước vô vòng xoay luân hồi chuyển kiếp ở các cõi cao; như các cõi Chư Thiên chẳng hạn, Đâu Suất nè, Đao Lợi nè,...
- Theo Lợi thì như thế nào là bị cuồng tín?
- Ngày nào cũng viết bài ca tụng đức tin của mình cũng có thể bị coi là triệu chứng của cuồng tín.
Thay vì viết bài ca tụng, hãy xiển dương đức tin mình hằng ngưỡng vọng bằng những hành động, khẩu ngữ và ý niệm tràn đầy Chân - Thiện - Mỹ.
Đó là cách để người ngoại đạo lẫn trong đạo nhìn nhận đức tin của mình với đôi mắt thiện cảm và tâm thế yêu thương.
- Còn kinh điển có từ lúc nào vậy Lợi?
- Tới chừng Ngài sắp ra đi, Ngài mới dạy tôn giả Ananda soạn thảo kinh điển và nhất là chép lại lời ăn tiếng nói của Ngài.
- Làm cách nào để biết tâm mình còn chấp ngã Lợi há?
- Thầy tôi nói muốn kiểm tra coi tâm mình còn chấp ngã không thì hãy đọc những bài đăng trên mạng xã hội.
Nếu khuôn mặt và tâm hồn giữ được sự tĩnh lặng như nền trời ngày nhiều nắng không mây thì coi như đã vượt qua được bài thử thách trên.
- Lợi và các bạn đồng tu lên mạng xã hội mấy lần một tháng?
- Một lần.
- Một lần? Gì ít vậy?
- Chỉ có bấy nhiêu đó mà hết người này tới người kia diễn giải theo ý mình nên thành ra trong mắt chúng tôi là quá đủ rồi.
Vệ Thu như bừng tỉnh.
Thú vui dây dưa thị phi đã khiến ông không dưng mà đổ bệnh nặng.
Ai bình luận hợp ý thì hỉ hả cười, thiếu điều muốn cắt máu ăn thề quyết một phen sinh tử có nhau.
Ai phản bác, nói lời trái tai gai mắt thì nổi cơn Tam Bành, đến nỗi dù chẳng thù hằn và quen biết gì người đó ông cũng tự nhiên nảy sinh tâm bức hại và khao khát trả đũa kinh khủng.
- Hãy ráng hết sức đừng để Ma-Ba-Tuần chiếm hữu Thân - Khẩu - Ý của mình.
Ở đây, theo thiển ý của tôi, khi thấy người ta làm sai thì lên tiếng phản tỉnh và ngăn chặn, không để cho Ma-Ba-Tuần vô cảm và đớn hèn phát triển; còn nếu người ta làm đúng mà mình làm sai, thì hãy mạnh dạn triệt tiêu Ma-Ba-Tuần cố chấp, sân hận và oán thù đang nhen nhóm sinh sôi trong tâm thức mình.
"Chiến thắng bản thân chính là chiến thắng vĩ đại nhất", ở đây có nghĩa là chiến thắng Vô Minh và Ác Dục trong lòng mình.
Nhác thấy Trì Thương và Hoàng Kỳ, Vệ Thu nài nỉ hai người ăn sầu riêng.
Thấy cái gật đầu nhẹ hẫng của huynh trưởng, họ mới tới và ngồi ăn cùng ông với bầy trẻ.
- Đức tin mà hễ vui thì theo, gặp chuyện buồn thì bỏ, còn thấy thầy tu bên Đạo nào nói chuyện hài hước, dễ mến thì cải Đạo xin theo; rõ ràng người phát biểu câu đó chẳng hề có đức tin gì sất, mà chỉ toàn hành động theo cảm tính và thế thời.
Có một người đã từng nói với tôi rằng, "Dầu cho ma tăng có phá hủy Chánh Pháp như thế nào đi chăng nữa, con vẫn một lòng đi theo Như Lai đời đời kiếp kiếp.
Thà giết con chết đi, chứ đừng bắt con cải Đạo và phụ rẫy Như Lai, quay lưng với Phật Giáo." Tôi đã hỏi con nghĩ như thế nào ma tăng, nó đã trả lời, "Chúng như rong rêu, rác rến cố bám lấy những bông sen thơm ngát trong đầm để ăn hôi danh tiếng.
Đâu thể vì chúng mà rũ bỏ và bỉ bôi hương sắc của loài sen.
Cho nên con vẫn chiêm bái các đóa sen ấy, và thanh trừ bọn ăn hôi bằng hết khả năng của mình."
Đang nói tới đó, Châu Lợi chợt xin phép rời đi.
Ông thủng thẳng bước ra ngoài nghĩa trang, rồi đứng dựa gốc cây mù u mà khoanh tay đợi người trai ấy đến.
Bên tai ông là tiếng ríu rít của bầy chim sâu làm tổ trên cây mù u, tâm trí của chúng còn nhàn hạ hơn khối người ở cõi Ta-Bà.
Ước khoảng mười lăm phút sau, một chiếc xe Toyota Highlander chạy trờ tới chỗ ông đứng.
Ngay khi cửa sổ xe nơi vị trí người lái vừa hạ xuống, ông mỉm miệng cười chào đón:
- Marshall Võ Kiến Tường.
- Bây giờ, con xin phép hỏi ông về chuyện của cha mạ con, với tư cách một người không có đức tin và xin ông hãy trả lời con trong trạng thái là một người chưa xuất gia.
- Được, ta sẽ kể cho con nghe từ đầu chí cuối về cha mạ con.
Có nhiều chỗ sẽ khiến con phật lòng vì lời lẽ ta còn mang nặng hồn cốt Như Lai, xin con miễn chấp cho.
Năm Tường gật đầu.
Đoạn anh mời vị Tăng sĩ ấy lên ngồi cạnh anh.
Những gì mà ông Lợi kể ra gây cho Năm Tường một nỗi bàng hoàng khôn tả.
Vì sự việc dây mơ rễ má ở đời ông nội anh mà đã khiến gia đình anh phải lãnh chịu sự trừng phạt nặng nề.
Để rồi trong lúc hai vợ chồng ôm con dắt díu nhau rời khỏi quê nhà, một sự việc không may có chủ đích đã xảy đến và anh trở thành trẻ mồ côi từ cái đêm kinh hoàng ấy.
- Luật nào cũng lách được, chỉ trừ luật Nhân Quả.
- Nhưng tại sao con phải là người hứng chịu hết...
- Cái đó là Cộng Nghiệp; dòng họ của Như Lai cũng phải hứng chịu điều đó, chứ chẳng thể né tránh.
Năm Tường gục đầu xuống bánh lái.
Anh không thể ngờ quá khứ của gia đình lại tệ hại và bạc ác nhường vậy.
- Con đang bị chao dao.
Hãy trở về nhà thờ, gặp Thầy của con, nhờ Thầy giải đáp khúc mắc trong lòng.
- Con muốn hỏi ông thêm một câu nữa, đó là cha mạ con đang nương thân ở đâu?
Châu Lợi vẽ sơ đồ chỉ dẫn tới nơi chôn cất của cha mạ Năm Tường.
Ông cẩn thận ghi chú rõ ràng tên địa danh, người dân sống trong khu vực đó và hình dạng, màu sắc của ngôi mộ tạm bợ mà song thân chàng Mục sư "Huế buồn" đang yên nghỉ.
Năm Tường run rẩy hỏi người Tăng sĩ kỳ lạ đó sau khi đã đọc xong bản đồ:
- Ông...!có thật là A-La-Hán không?
- Phật dạy: Không thể nói.
Rồi Châu Lợi mở cửa xe bước xuống, không từ giã chàng Mục sư hiền lành một lời nào, bởi ông biết không nên làm rộn trí chàng ta trong lúc này.
Chiếc xe này Năm Tường mua trả góp trong vòng năm năm.
Đáng ra anh tính không mua nhưng vì nghĩ có thể chở các cô, các bác đi chơi cho khuây khỏa tinh thần nên đành bấm bụng mua trả góp.
Vả chăng, anh dự định ngày gặp lại người thân sẽ đưa họ đi đây đi đó để thỏa nỗi sầu ly biệt hằng bao năm qua, nhưng bây giờ thì hết thật rồi.
Anh lại nghe những bài hát nói về mảnh đất Thần Kinh thân yêu.
Lần này là bản "Huế mù sương" do cô Hoàng Oanh trình bày, người sáng tác là nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi - Ông có pháp danh Phật Giáo là Nguyên Minh, tên thật Vĩnh Khôi, bút hiệu sáng tác được ghép từ tên pháp danh và tên riêng là "Nguyên Minh Khôi" nhưng nhiều người nhầm lẫn thành "Nguyễn Minh Khôi".
Ngoài ra, ông còn là một thành viên trong hoàng tộc triều Nguyễn, thuộc dòng Tùng Thiện Vương.
Trên đường trở về viện dưỡng lão, Năm Tường ghé hàng dì Út mua giùm các cô đồng nghiệp mấy ổ bánh mì.
- Còn mua gì nữa hôn cưng?
- Dạ, dì bán cho con một ổ bánh mì đặc biệt, trét nhiều bơ và pa-tê, có gì con trả thêm cho.
- Tội nghiệp thằng Hoàng...
Nghe thấy cái tên quen quen, Năm Tường vội vàng truy hỏi:
- Anh ta ra sao hả dì?
- Bụng dạ thì tốt lắm.
Chỉ hiềm nỗi cái miệng nó không biết lấy lòng người ta.
Tội nghiệp thằng nhỏ...
- Sao dì tội nghiệp dạ?
- Ở cái xã hội này làm người ngay thẳng khó quá cưng.
Lại thêm một đám theo rình hễ ai nói trái ý chủ chúng là nhảy vô cắn càn, sủa um trời.
Một thằng thân cô thế cô, chỉ có mỗi tấm lòng son đem ra phụng hiến Quốc Gia và thương yêu bà con một Nước, có khác nào như cây lục bình linh đinh trên dòng Cửu Long giang đâu chớ? Sóng to gió lớn, biết nó...
Vừa bỏ mấy ổ bánh mì vào bao nylon, dì Út vừa tần ngần thuật lại chuyện buồn nhà mình:
- Con gái dì bị một thằng con ông cháu cha hãm hiếp có bầu.
Nó là đứa đầu tiên đứng ra viết bài tố cáo tội ác của thằng chó đó.
Dì hỏi nó, "Con có sợ không? Nó cười hiền, "Dạ không, con chỉ sợ một ngày nào đó người dân Nước mình sợ Sự Thật còn hơn sợ cọp."
Nó ở hiền nên gặp lành.
Tự nhiên có chương trình sửa mặt cho mấy đứa con nít hở hàm ếch liên lạc với nó, biểu rằng nếu thành công tốt đẹp thì sẽ mở rộng phạm vi phẫu thuật cho những người lớn bị dị tật xương mặt và cơ hàm.
Nó sẵn có cái mũi dọc dừa rồi, nên giờ "vạt" hàm lại coi bộ ngon trai ghê.
- Song ca Giang Tử - Chế Linh còn có tên gọi là ban "Hai con lạc đà".
Bài "Giang hồ" của nhạc sĩ Tâm Anh tôi chỉ mới thấy bộ đôi này biểu diễn.
Người phát biểu lảng giang ấy là bác xe ôm đang ngồi nghe nhạc trong lúc đợi khách.
Có lẽ sợ dì Út hớ miệng nên bác kiếm chuyện nói trớ ra.
...
Hoàng Kỳ đang dựng lại cây cờ phướn trong khoảnh sân sau của ngôi chùa mang tên tôn giả Ananda.
Chiều cao hơn một mét chín và hình thể vạm vỡ của chú trông không có vẻ gì giống với một nhà tu hành.
- Ma Vương đã từng thề rằng, "Tôi không phá Đạo của ông được thì tôi sẽ cho con cháu, tay sai của tôi mượn áo nhà tu của ông để phá Đạo ông." Việc này đã ứng nghiệm rồi đó.
Cả bảy giấc mộng của Thánh Tăng Ananda nữa.
Vệ Thu lặp lại câu hỏi mà ông từng nhờ người bạn đồng niên giải đáp với Hoàng Kỳ.
Và nhận lại được một câu trả lời y chang.
- Đức Phật có trả lời những câu hỏi về đề tài Vũ Trụ hay những thứ khó giải thích như vậy không?
Hoàng Kỳ lắc đầu, rồi dịu dàng trình bày:
- Những câu trả lời ấy không có lợi ích gì cho việc tu tập nên thường thì Ngài sẽ không giải đáp và giảng luận.
- Hay là tại...!Ngài ấy không biết?
- Dẫu Đức Phật có nói ra đi chăng nữa, những người vốn mang tâm đa nghi hoặc hiềm khích với Phật Giáo cũng sẽ không tin mà còn vu cho Ngài ấy nói dối.
Nếu Ngài ấy biến ra cảnh đó trước mặt hai dạng người này, họ sẽ lại càng không tin hơn nữa và cho rằng Ngài ấy dùng phép thuật để mê hoặc thị chúng.
Cho nên Ngài ấy lựa chọn im lặng, để không tạo ra thị phi không đáng.-
Thưa thí chủ, mạn phép cho tôi tiết lộ sự thật về thí chủ, có phải thí chủ đã từng nghi ngờ con trai thứ Hai, tức cậu Vệ Cung, không phải là con trai ruột vì tật khúc xạ nơi mắt của cậu ấy phải không?
Vệ Thu giật nảy mình.
Ông chưa hề nói chuyện này ra với bất kỳ ai, chỉ len lén đi thử ADN và đã thở phào nhẹ nhõm vì kết quả trùng khớp.
- Nếu như không cầm trên tay tờ giấy kết quả, ắt hẳn tâm trí thí chủ sẽ còn tưởng tượng ra những cảnh lố lăng giữa vợ mình và người đàn ông khác, cũng như bực tức vô cớ mỗi bận nhìn thấy cậu con trai thứ.
Vệ Thu bắt đầu cảm thấy hoang mang và lo sợ tột cùng.
Mồ hôi vã đầy trên đầu ông, hột nào hột nấy to như hột đậu.
- Có rất nhiều giả thuyết lý thú về con người, hãy gác đức tin của mình qua một bên và đọc nó trong tâm thế tham khảo ý kiến và quan điểm cá nhân của người khác về đề tài này.
Có một số người chỉ đọc lướt, hoặc thậm chí không đọc chữ nào nhưng đã vội vàng phán "Tào lao", "Nhảm nhí",...!Đó cũng là lý do tại sao một số Tỳ-Kheo thời Đấng Thế Tôn hãy còn tại thế không chứng đắc được quả vị nào; bởi họ vội vàng chụp mũ theo thiên kiến của mình và gạt đi sở kiến của người khác một cách không suy nghĩ và kiểm chứng.
Và rồi họ vụt mất chân lý của Như Lai dù rằng hằng ngày được tu tập cùng Ngài ấy.
Vừa hay Trì Thương đi tới, Vệ Thu bèn hỏi chú câu hỏi đã nêu với Hoàng Kỳ.
Trì Thương nghe xong bật cười, rồi từ tốn trình bày:
- Bây giờ, tôi đặt ra một tình huống giả định: Có người thấy ma quỷ thật và lưu lại bằng chức năng chụp hình hoặc quay phim trên điện thoại; dẫu anh ta có nói mòn lưỡi, đứt hơi thế nào đi chăng nữa thì những người không tin vẫn kiên quyết cho rằng tấm hình hoặc đoạn phim này đã qua chỉnh sửa.
Như Lai cũng vậy thôi, Ngài ấy sẽ không tạo ra thị phi và nỗi sợ hãi từ sự hiểu biết và thấu triệt của mình, nên thường thì Ngài ấy sẽ không trả lời những đề tài dễ gây thương tổn tâm thức người hỏi, nhất là những ai chưa có duyên tu tập và niềm tin vào Phật Giáo.
- Ví dụ cụ thể được không chú Thương?
Trì Thương vừa cười vừa nói:
- Tôn giả Mục Kiền Liên vì có thần thông nên rất hay nhìn thấy những cô hồn dã quỷ vì Ác Nghiệp lúc còn sống hoặc tâm Vô Minh không gỡ bỏ được mà cứ vất vưởng trên trần thế, chịu cảnh đọa đày triền miên không dứt.
Nhưng ông ấy không đi kể liền cho mọi người biết, mà tới thỉnh ý kiến Như Lai rằng con có nên nói ra sự thật này không, và khi Như Lai gật đầu cho phép, ông mới dám thuật lại.
Thấy trời đã nhá nhem tối, sợ rằng Vệ Thu dễ bị trúng gió nên hai huynh đệ mời ông vào nhà sau nói chuyện chơi.
Quý Tâm đang nấu nước sôi pha trà, còn Từ Minh đang dùng máy tước vỏ hạt bí để sên mứt làm quà mừng Trung Thu cho cô nhi viện và viện dưỡng lão.
Châu Lợi từ trong phòng thiền bước ra.
Ông khoan thai ngồi xuống bộ ngựa, rồi khoanh chân xếp bằng.
Vệ Thu nhân ấy nài người bạn năm xưa kể truyện Phật Giáo cho mình nghe.
Và Châu Lợi chậm rãi thuật rằng:
- Ở một cái kiếp rất xa xôi về trước, lúc đó Như Lai và tôn giả Xá Lợi Phật vẫn chưa tu hành, hai thầy trò chỉ là người phàm hết sức bình thường.
Nhân duyên đưa họ gặp nhau là vầy: Tôn giả Xá Lợi Phất là một phú ông ích kỷ và keo kiệt, thành thử ra khi chết rồi thà đầu thai thành rắn độc để giữ hũ vàng chứ nhất quyết không chịu buông bỏ nó.
Trải qua rất nhiều năm sống kiếp rắn vô cùng khổ sở và đau đớn, lại còn bị mọi người hễ nhìn thấy mặt là xua đuổi và vác cây ra đập vì họ sợ nọc độc của ông, ông bắt đầu tỉnh ngộ ra và nhận thấy thứ mà mình tâng tiu từ lúc còn mang hình người cho đến khi hóa thành loài rắn chỉ là một cái gông xiềng trần ai lạc khổ.
Nhưng phải thêm một khoảng thời gian khá lâu nữa, ông mới có cơ duyên hạnh ngộ với Phật Tổ.
Kiếp này Ngài ấy là một người lái buôn...!bình thường, nhưng không hiểu sao, tôn giả lại cảm thấy an tâm khi ở cạnh Ngài ấy, nên tôn giả bèn nhờ Ngài đưa mình tham dự buổi thuyết giảng của một vị Chư Phật hiện đang tổ chức trong vùng và nhắn rằng làm ơn đem cái hũ vàng kia đi cúng dường luôn.
Đã thấy con rắn nói chuyện được là một điều kinh hãi, giờ lại còn nghe nó nhờ vả mình đủ điều, nên trong thâm tâm người lái buôn đó bắt đầu nảy sinh cảm giác bất an và nghi kỵ, sợ rằng nó tính bày mưu hại mình, thành ra cứ dụ dự hoài không muốn giúp.
Tôn giả đã dạy cho Như Lai một bài học mà nhờ có nó Ngài ấy đã sửa đổi lại tâm tính của mình và thành công trên con đường tu tập; câu nói ấy là như thế này: "Tôi không sợ ông ôm số vàng này đi luôn, vậy nỡ lòng nào ông lại tỏ ra nghi ngờ tôi thế chứ?"
Rất hiếm khi huynh trưởng kể tích truyện Phật Giáo, nên các sư đệ hiểu rằng đang có người cần huynh ấy giúp.
- Ngày nay, dù rằng chưa đi chuyển sinh hóa kiếp, nhưng một số người đã "đầu thai" thành loài vật trong lúc vẫn còn đang sống.
Có vài kẻ biến thành rắn độc chuyên đi cắn nuốt những ai nói ra Sự Thật hay bảo vệ Chân - Thiện - Mỹ.
Một số lại hóa thành heo tham lam nhưng cái đầu rỗng tuếch.
Đôi lúc lại là cáo hay là hồ ly, tuy trong xã hội họ được nhìn nhận như bậc "Thánh Hiền" nhưng thực chất bên trong mục nát và nham hiểm khôn cùng.
Cho nên không có gì lạ khi nhiều người càng về già khuôn mặt lại có hình dạng na ná một con thú, ấy là do tâm sanh tướng mà ra.
Đã tới giờ hẹn với người chiến hữu già nên Vệ Thu đành nói lời từ giã nhóm Tăng sĩ và Sa-di.
Điểm hẹn cũng gần đây thôi, là quán mỳ người Tàu mới mở được vài tháng.
Gặp lại Vệ Thu, người bạn tâm giao mừng mừng tủi tủi.
Hai người bá vai cặp cổ nhau như ngày còn trai trẻ, rồi bước từng bước chân đã úa màu thời gian vào quán mỳ rặt phong cách Trung Hoa.
Vệ Thu hãy còn ám ảnh với những gì mà Hoàng Kỳ nói ban nãy nên chẳng còn tâm trí để suy nghĩ món ăn.
Nghe người bạn khen mỳ vịt tiềm ngon thì gọi đại món đó.
- Thuế thu nhập cá nhân bên Mỹ chắc cao lắm hả mày?
- Thuế thu nhập cá nhân ở Hoa Kỳ không đơn giản như những gì đám "chèo truyền thông - lái dư luận" tung tin đâu.
Nếu người nào đang vừa làm vừa học, có nhiều con hay có người thân đang sống dựa vào họ thì sẽ được chính phủ giảm thuế, hoặc thậm chí còn được hoàn lại một số tiền rất lớn và chỉ cần trích ra trong khoản tiền đó vài trăm Mỹ Kim để đóng thuế.
Đó là lý do tại sao rất nhiều người sinh con đẻ cái thật đông để được hưởng tiền hoàn thuế sau kê khai cuối năm do Liên bang và Tiểu bang mà cả nhà họ đang sinh sống chi ra.
Trẻ nhỏ được cấp sữa miễn phí.
Gia đình nào nghèo quá chúng còn được hưởng chế độ "Phiếu thực phẩm" và không cần phải trả tiền cho tất cả các chương trình - hoạt động liên quan tới giáo dục do chính phủ thành lập và tổ chức.
Người chiến hữu già ngán ngẩm nhận xét:
- Ở bên Việt Nam mà đi lo cho dân Mỹ bị "sưu cao thuế nặng"! Bản thân mình bị "bóc lủm" thì chẳng dám hó hé hay phản kháng, ngồi đó "thương vay - khóc mướn" cho ngoại quốc.
Vệ Thu đồng tình:
- Nhiều khứa bồi bút ráng nói ngược - nói xuôi để bào chữa cho chủ thuê.
Mày có biết cái máy giúp người hát dở chỉnh sửa âm thanh không? Thì cái miệng của chúng cũng y hệt thế.
Dẫu chủ thuê có ngu đần, dở điên dở dại và ác độc cỡ nào chúng cũng có thể tô trát cho đẹp được hết.
Sợ người bạn già không hiểu, Vệ Thu giải thích thêm:
- Đa số dân Mỹ mỗi lần vô mùa thuế đều nhờ luật sư hoặc văn phòng kê chuyên thuế làm giùm; những người này rất rành luật lệ nên sẽ giúp người đi khai thuế đóng thuế ít hơn và thậm chí còn có thể nhận được tiền hoàn thuế.
Mỗi bộ hồ sơ họ tính khoảng một trăm Mỹ Kim, ấy là nhờ dịch vụ văn phòng; còn nhờ luật sư riêng làm giùm thì thường miễn phí, do hằng tháng hoặc mỗi năm thân chủ đã phải đóng phí dịch vụ cho họ rồi.
Người chiến hữu bật ngón tay cái, ra hiệu đã hiểu:
- À, mày còn đóng tiền gì nữa không?
- Có.
Mỗi năm phải đóng phí giao thông vận tải và kiểm tra khí thải xe cộ.
- Vậy đi đường ở bên Mỹ có đóng thêm tiền gì nữa không mày?
- Ở bên Mỹ có hai lựa chọn: Đường không cần đóng phí và đường có đóng phí, thông thường mọi người thường chọn vế thứ nhứt.
Đường có đóng phí được xây theo kiểu xa lộ tốc hành, phân làn rộng rãi và khá dễ chạy; ai muốn chạy xe lên đây phải trả phí hằng năm.
Còn đường không đóng phí phẩm chất vẫn tốt y như đường có đóng phí, nhưng ngặt một cái rất đông xe cộ và thời gian di chuyển đương nhiên sẽ lâu hơn tuyến đường kia; thành thử ra, ai muốn "Fast and Furious" thì phải "mua đường".
Và không có cái chuyện chạy một chút là bị ghé trạm xin tiền đâu, vì họ đã thu phí giao thông vận tải rồi.
Mà nói thiệt, ai chạy xe yếu nên bỏ tiền "mua đường", lỡ có lạc tay lái cũng ít nguy cơ gây tai nạn cho người khác.
Một cậu nhân viên nói lời cáo lỗi vì đã chen ngang cuộc nói chuyện của hai người, rồi dọn hai tô mỳ vịt tiềm, hai chén xí quách và hai ly trà đá lên bàn.
- Có một cô gái son phấn dày cộm, giở giọng xấc láo, chê bai những người nhận cơm tình thương là làm biếng; tao tưởng cô ta cao sang, tài ba thế nào ai ngờ lại là hạng ăn bám chồng, tối ngày chỉ biết đăng mấy bài khoe của và ăn chơi ở chốn phong lưu, đắt đỏ.
Còn thêm một anh chàng hãy còn khá trẻ viết bài bỉ bôi, phê phán các hoạt động từ tâm là cổ xúy cho người siêng ăn nhác làm; kéo xuống coi thêm mới hay, í trời ơi, công ty mà anh ta đang làm giám đốc là của "ông bô" trao cho, chứ chẳng phải tay không tạo dựng sự nghiệp hay nhờ trí óc mà được người ta tin tưởng đầu tư gầy dựng công ty.
Vệ Thu cười buồn:
- Hai hạng người chưa từng thấy cảnh khổ và sống trong cảnh khổ, cũng như trải qua cái cảnh vác đơn khắp nơi xin việc làm và bị sếp đì, ép lương tới cùng cực, thì đâu hiểu cảm nhận của những người lao động nghèo.
Rồi người đàn ông đã gần chạm đến tuổi hạc ấy bùi ngùi kể lại cho bạn già hay thời cơ cực của mình:
- Ngày mới đặt chân lên đất Mỹ, tao cũng phải xếp hàng nhận đồ ăn miễn phí.
Vì họ là người Mỹ nên thực phẩm cũng toàn mang hương vị Mỹ, một thằng vốn quen mắm, muối và gạo trắng nước trong như tao nuốt sao nổi? Nhưng cũng phải ráng tập ăn theo để khỏi chết đói.
Thành thử ra tao hiểu cảm giác của những bà con nghèo đi nhận cơm tình thương...
Nhạc sĩ Song Ngọc đã dựa trên ý thơ của thi sĩ Thiên Hà viết thành bài hát "Ngày tháng lang thang", không rõ thuật lại những năm đầu đặt chân lên đất Mỹ của ổng hay là anh bạn thi sĩ nữa đây: "Anh không có tiền, lang thang trên đất Mỹ." Về sau, ông là một trong những nhạc sĩ hải ngoại thuộc dạng khá giả và có tên tuổi trong giới kinh doanh Hoa Kỳ.
- Người có tài có chí bỏ đâu họ cũng không chết đói được đâu, trái lại còn nhờ nghịch cảnh mà thành công vượt trội.
Mà quên chưa hỏi mày nữa, mày có tính cho sắp nhỏ học thêm nghề gì không?
- Thằng Hai đã rành nghề kim hoàn và đá quý, thằng Ba thì giỏi chuyện nấu nướng, còn thằng Út cũng kiếm sống được bằng công việc streamer và giới thiệu trò chơi điện tử trên các trang mạng xã hội.
Lỡ sau này tao phá sản hoặc bị người ta hãm hại vô tù, tụi nó vẫn sống khỏe re.
- Phải a.
Nhiều người giàu nứt đố đổ vách ỷ y vô tài sản, tới chừng thời cuộc rung chuyển con họ ra đường lượm rác mà ăn.
Mày tính như vậy là hay lắm đó.
- Còn mày thì sao?
- Lỡ như nó làm kỹ sư xây dựng bị căng thẳng thần kinh và áp lực quá thì cũng còn nghề bán hủ tíu lai rai sống được qua ngày.
Tao sắm sẵn cái xe cho nó rồi, chừng nào nó muốn buông xuống thì hai cha con kiếm cái góc nào bán buôn.
oOo
Lương Thái Anh bị nhốt chưa đầy một tháng mà những đứa con khác đã hớt hải lo luật sư để giành lấy tài sản của ông nếu ông bị tuyên án đại hình.
Cũng may ông còn người bạn tù xứ Huế.
Anh ta ở cái trại nào đó mà ông không rõ, chỉ biết nó nằm gần trại A.
Thường ngày, anh ta sẽ ra ngồi ăn cơm và làm vườn với ông.
Nhờ có anh ta mà ông không bị đám tù nhân ức hiếp, kiếm chuyện và trấn lột.
Bữa nay trời đổ mưa dầm, đám tù nhân bị bắt làm đồ thủ công mỹ nghệ thay cho việc vườn tược.
Ông và anh bạn trẻ tuổi ngồi tuốt trong xó làm lồng đèn giấy; ai có tay nghề khéo hơn thì làm mấy loại phức tạp như đèn trần bằng nan tre, xơ dừa, lục bình, gỗ,...!Tất cả số tiền kiếm được từ thành phẩm bán ra, theo như cái miệng của những người cấp cao thì sẽ được gửi vào những nơi và tổ chức bảo trợ cộng đồng, còn trên thực tế gửi cho ai thì còn phải xác minh lại.
- Trưa nay không biết mình ăn gì há cậu?
- Ôi, nỏ có chi đặc biệt mô mà ôn mong chờ.
- Biết để mà chuẩn bị tinh thần chớ.
- Gì mà giống Cao Bá Quát đợi xử chém rứa?
Đến đây hai người hết đề tài để nói, giám thị lại rảo ngang qua, nên họ không hẹn mà cùng cắm cúi làm lồng đèn giấy.
Có lẽ nhờ "Đấng thanh tra" viếng thăm nên bữa trưa của tù nhân sạch sẽ và phong phú hơn thường ngày.
Sau giờ cơm, trời cũng hưng hửng nắng, nên ai muốn ra sân chơi thì tùy.
Đang đi loanh quanh trong mảnh sân tù còn ngai ngái hơi đất sau mưa, Lương Thái Anh phát hiện cánh cổng thường ngày bị khóa chặt nay bỗng nhiên lập lờ mở hé.
Lòng tò mò kèm theo sự ngạc nhiên trỗi dậy, ông dạm bước đến đó để xem coi đằng sau chỗ ấy đang ẩn giấu điều gì.
Chỗ ấy là một sân chơi bóng chuyền đã bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm và hoa dại nở rộ muôn màu muôn vẻ.
Có một cây cột cờ đã rỉ sét đứng chờ Trời giáng búa xuống.
Tấm lưới phân cách hai đội đã thủng lỗ chỗ.
Đâu đó còn vương lại vài miếng rác do ai đó ăn uống xong rồi vứt bừa xuống đất.
Ngắm cảnh đìu hiu chưa được bao lâu, Lương Thái Anh bỗng nhiên cảm thấy chóng mặt, rồi ngã quỵ xuống.
Tới khi tỉnh lại mới hay mình bị trúng kế của đồng bọn năm cũ.
Ông hiện đang bị trói gô bằng sợi dây xích trên cái ghế sắt.
- Dẫn nó đi tiểu rồi quay lại đây nói chuyện với tao.
Tao không muốn ngửi mùi khai của nước đái đâu.
Con người mẫu mực của công chúng giờ đã hiện nguyên hình là phường lang sói ăn dơ nói tục.
Nhưng dầu sao cũng phải cảm ơn hắn vì đã giúp bàng quang của ông bình yên.
Vừa mới ngồi lại ghế, thủ hạ của hắn ta còn chưa trói ông xong, hắn đã mở miệng chiêu dụ:
- Rõ ràng anh đâu có dụ dỗ con nhỏ câm điếc đó.
Nó bị mẹ ruột hành hạ nên mới tìm đến cái chết, và anh là người thực hiện tâm nguyện của nó mà.
- Chính tay tôi đã đẩy cô bé đó đến con đường chết.
- Anh có biết tại sao cánh cổng của khu trại giam lâu lâu lại "tự nhiên" lơi lỏng không?
- Tôi biết, để cho tay trong của các ông tiện bề làm việc riêng.
Hắn ta vỗ tay ba cái, như ngầm ngợi khen trí khôn của Lương Thái Anh.
Rồi đanh mặt hút xì-gà tiếp.
- Ông đã lấy bao nhiêu nội tạng của họ rồi? Số tiền kiếm được không đủ để ông thỏa mãn sao mà còn nhúng tay làm nữa...
- Một khi tay đã nhúng chàm thì khó lòng mà gột rửa được.
Chưa kịp phản ứng gì, Lương Thái Anh đã bị đàn em của ông chủ chém một phát ngọt sớt vô bả vai phải.
- Lưỡi mã tấu đã được tẩm độc.
Chúc anh yên giấc ngàn thu nha.
- Thằng chó đẻ!
Nửa bên mặt trái của Lương Thái Anh bắt đầu co giật, lỗ tai cùng phía nhói buốt từng cơn như bị đũa chọc xuyên màng nhĩ, cơ thể nóng hầm hập, đầu óc choáng váng cùng cực; nhưng dù trải qua những cảm giác kinh khủng trên, ông vẫn tự nhận thấy nó không bằng cơn đau mà một người bị cướp nội tạng đã trải qua, sự trừng phạt này đối với ông hãy còn quá nhẹ nhàng.
"Rầm."
Ông té xuống đất, đầu nện xuống mặt đất trải xi-măng cũ kỹ, bất tỉnh nhân sự.
...
Tiếng chuông chùa làm Lương Thái Anh thức tỉnh.
Vết thương trên vai ông tiếp tục mưng mủ, rỉ nước vàng và sưng tấy lên, tuy vậy cơn sốt cũng đã dịu xuống được vài phần.
Một ni cô tuổi tác áng chừng ba mươi xuất hiện trong tầm mắt ông.
Cô ấy đang vắt khăn cho ráo, chắc để chườm lên trán ông.
Khuôn mặt bầu bĩnh thật hiền, dù không hề xinh đẹp nhưng ở cô có cái gì đó tạo dựng được thiện cảm và tin tưởng cho người khác ngay khi mới gặp mặt lần đầu.
- Thưa sư cô...
Ni cô phản ứng khá chậm, dường như nghe không rõ thì phải? Ông bèn lặp lại lần nữa.
- Thưa sư cô...
Ni cô ra dấu thủ ngữ với ông, ngụ ý "Ông cảm thấy như thế nào? Đã đỡ hơn chưa?"
Ông không hiểu nên cứ ngẩn ra đó, không "Ừ hử" cũng chẳng hỏi han gì.
May thay, một vị ni cô lớn tuổi kịp thời giải vây cho ông.
Bà bước lại gần và hỏi han ông cảm thấy trong người ra sao, có muốn ăn gì không để Lan Đài dọn lên.
- Quý chùa có món chi thì tôi ăn món nấy.
Không dám đòi hỏi gì.
Bà ni cô bèn sai ni cô trẻ mang pháp danh Lan Đài múc cháo chay.
Đoạn bà kéo ghế ngồi xuống phía đối diện ông, và hỏi:
- Thí chủ có biết cô gái này là ai không?
Ông lắc đầu.
- Là cô bé mà ông đã giao cho bọn buôn nội tạng.
Vị bác sĩ thực hiện ca mổ xét nghiệm thấy nội tạng của cô bé không "đạt tiêu chuẩn" nên đã tha mạng.
Bọn họ mới đem cô bé giao cho một quán bia ôm để học việc nhằm bù lại số vốn đã đưa cho ông.
Nó đã may mắn thoát khỏi động quỷ ấy trong một lần cảnh sát ập vào bắt giữ tội phạm.
Cũng may nó chưa bị xâm phạm thân thể...
Thời gian như ngưng đọng sau lời trình bày của người Ni cô.
Một đỗi rất lâu sau, Lương Thái Anh mới có thể mở miệng hỏi tròn vành rõ chữ:
- Tại sao cô bé ấy không hận tôi?
- Nếu như đã tin vào Như Lai, ắt sẽ đồng ý với thuyết Nhân Quả - Luân Hồi mà Ngài ấy truyền đạt, rằng kiếp nào chúng ta cũng phải sinh ra rồi lại chết đi, có được tất cả rồi lại đánh mất mọi thứ vì quy luật Vô Thường, không kiếp nào được hưởng hạnh phúc trọn vẹn mà cũng chẳng kiếp nào phải chịu khổ đau cùng cực.
Tóm gọn lại, bây giờ trong mắt Lan Đài ông là người mắc nạn cần cứu, chứ không phải là người đã đẩy nó vào con đường thống khổ năm xưa.
Nó đã để người ác ở lại Quá Khứ, liệu ông có sẵn lòng vì nó mà trở thành người thiện lương ở Hiện Tại và Tương Lai không?
Lương Thái Anh vừa lau nước mắt vừa mếu máo nói:
- Tôi rất sẵn lòng.
Ăn xong tô cháo ân huệ, Lương Thái Anh gọi điện cho đồn cảnh sát Diệp Trầm.
Ông biết mình còn sống không được bao lâu nên rất thanh thản đón nhận cái chết.
Trong lúc đợi cảnh sát tới bắt mình, ông hỏi bà ni cô rằng Lan Đài có muốn gặp lại cha mẹ không; ông cũng không quên thuật lại chuyện họ nghe nhà mình giàu có nên đã đòi ông bồi thường một số tiền lên tới hàng triệu đồng.
- Lúc nhỏ Lan Đài có "nói" cho tôi nghe chuyện mình bị mẹ ruột đánh đập vì "tội" câm điếc...
Chừng như sợ Lương Thái Anh hiểu lầm, bà ni cô mỉm cười phân trần:
- Tôi không phải giúp thí chủ giảm nhẹ án tù, chỉ là tôi và Lan Đài không muốn nhìn bà ta tạo thêm Ác Nghiệp thôi.
Lan Đài vẫn giữ nguyên sắc mặt bình thản, tựa hồ như không có chuyện gì xảy ra.
Đoàn xe cảnh sát đến đây và phong tỏa khu vực này tự bao giờ mà ba người không hề hay biết.
Tới chừng cảnh sát trưởng cùng bốn nhân viên thuộc cấp xuất hiện và tiến hành tra còng vào tay Lương Thái Anh, họ mới nhận ra.
Viên cảnh sát bước đến trước mặt hai ni cô và ngả nón chào họ, rồi ướm hỏi:
- Thưa hai Ni, ông ta có làm gì không phải với hai Ni không vậy?
- Dạ thưa ông, không có.
Mời quý cảnh sát ngồi xuống đây, để tôi thưa trình đôi lời...
Nghe xong đầu cua tai nheo mọi chuyện, viên cảnh sát chưng hửng nhìn ni cô Lan Đài, rồi ấp úng hỏi:
- Vậy Ni cô Lan Đài tính ra làm chứng cho ông ta hả?
- Con nhỏ không bị điếc, chỉ hơi nghễnh ngãng xíu thôi, nên vẫn đủ điều kiện sức khỏe để ra đối chất trước tòa.
- Dạ, tùy hai Ni tính vậy.
Nói rồi, ông cảnh sát trưởng sai mấy thằng lính ruột áp giải Lương Thái Anh đi.
Điểm dừng chân đầu tiên mà họ phải ghé là Quân Y Viện để thăm khám vết thương của người phạm nhân già, kế đó mới tính tới chuyện sẽ giam ông ta tiếp hay giữ lại nhà thương điều trị.
oOo
Anton Nhân đang nghe bản nhạc "Leave me alone" do Michael Jackson trình bày.
Cậu đã đọc qua bản tin sáng nay, nói về việc đã tìm thấy tù nhân Lương Thái Anh.
Một người có bằng chứng phạm tội rõ ràng như vậy kết án ít nhất cũng chung thân.
Còn cậu thì sao? Vô duyên vô cớ bị vu khống giết người.
Nếu quả đúng như lời buộc tội mà chúng đã cưỡng ép lên đầu cậu, là cậu đã giết người do bị ảnh hưởng của chất kích thích gây ảo giác, cậu sẽ không tức giận mà trái lại còn thành khẩn cúi đầu chờ ngày tuyên án.
Đằng này...
- Cha Vũ.
- Có chịu đọc những cuốn sách tôi giới thiệu chưa?
- Mới đọc được vài trang trong một cuốn hà Cha.
Antonio Vũ che miệng cười hiền.
Cái nết đánh chết cũng không bỏ được, vậy thì làm sao mà ra tòa tranh cãi cho lại người ta kia chứ?
- Cậu có biết câu "Nothing but the true" không?
- Theo cách dịch hạn hẹp của tôi thì "Không gì ngoài Sự Thật".
- Nhưng Sự Thật chưa chắc gì giải oan được cho cậu, vì gia đình nạn nhân đã cậy nhờ một luật sư khét tiếng "nương vào Sự Thật để bẻ cong Sự Thật" nhằm ép bức bên đối lập đúng hay sai cũng phải nhận tội.
Vốn dĩ khuôn mặt của Cha Vũ đã mang nét buồn như ngày thu tắt nắng, giờ càng thêm muôn phần âu sầu.
Tự biết trí óc kém cỏi nên Anton Nhân rất mực đau khổ và mắc cỡ với mọi người, nhưng không biết làm cách nào để "sửa miệng, nắn não" mình lại.
- Để giúp cho luật sư Sang, chỉ còn có cách là cậu đừng gây ra bất cứ hành động gì dễ làm đối phương có đủ bằng cớ cáo buộc rằng thần kinh cậu không bình thường, vì hiện giờ họ đang nương vào đó để làm động cơ giết người của cậu.
- Dạ.
- Chưa từng sử dụng cái gì hết phải không?
- Mỗi thuốc lá thôi.
- Vậy thì tốt.
Antonio Vũ thấy trời sắp chuyển mưa lớn nên đứng dậy, đi lại đóng cửa sổ và kéo rèm che.
Vừa làm anh vừa nói:
- Tôi đã xin Cha Phó tới đây làm Bí Tích Giải Tội cho cậu.
Anton Nhân nhảy cỡn lên vì mừng rỡ:
- Thành thật cảm ơn Cha Vũ.
Antonio Vũ cười gượng.
Anh không mong gì hơn là khẳng định được Anton Nhân thực sự vô tội; cậu ấy có lầm lạc và dại khờ thật, nhưng anh tin rằng cậu ấy không phải là một kẻ sát nhân.
- À, chút xíu nữa quên mất, tôi có mua bánh canh giò heo, chả cua và nước đá me.
Cậu ăn liền cho nóng.
oOo
Ngôi nhà cấp Bốn mà nguyên đám mướn ở thời may có mặt tiền hướng ra đường cái nên Tào Việt Bân không cần phải mua chỗ đậu cho chiếc xe hơi sang trọng của mình.
Đáng ra con trai ông cụ chủ nhà đã xây