- Anh có nhạc sĩ nào ít ai còn biết đến không? Chứ cứ Phạm Duy, Trần Thiện Thanh, Lam Phương, Y Vân,...!hoài cũng chán.
Đặng Thừa Tân trả lời ngay tức khắc:
- Nhạc sĩ Bảo Tố, thuộc dòng dõi hoàng tộc Nguyễn Phước triều Nguyễn.
Cụ còn có bút hiệu là Nguyễn Phước Tố và Anh Tố.
Rồi vừa trở vô kho lấy dĩa than, anh vừa ngoáy đầu nói với ra:
- Tôi mời anh nghe bài "Men tình" của cụ và do ca sĩ trước năm 75 Diễm Chi trình bày, nằm trong băng nhạc "Thanh Thúy 16".
Người mối quen có vẻ rất thích thú với băng nhạc này nên cứ gục gặc đầu và cười mủm mỉm suốt.
- Cụ còn có một bản Đạo ca rất hiếm người biết là "Niềm hân hoan của người Phật tử", được thâu âm qua giọng hát của "họa mi xứ Huế" Hà Thanh.
Chín bản còn lại mong anh tự tìm hiểu thêm.
Một người giao hàng lại quầy để lấy trà sữa đã đặt cho khách khiến anh phải ngắt ngang cuộc trò chuyện.
Xong xuôi hết rồi, anh nói tiếp:
- Cụ cũng từng ở tù chung với ca sĩ Duy Trác và nhạc sĩ Xuân Điềm.
- Nhắc mới nhớ, thi sĩ Hồ Đình Phương có cha là cụ Hồ Văn Huân - Một vị quan triều Nguyễn.
Cụ còn là Viện trưởng Bệnh viện Trung Ương Huế.
- Và ca sĩ Thủy Tiên hải ngoại cũng là hoàng thân quốc thích.
Tên đầy đủ của cô là Huyền Tôn Nữ Thủy Tiên.
- Vợ của ca sĩ đất Bắc Anh Ngọc là ca sĩ Quỳnh Giao - Tức Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang.
Pháp danh của cô là Như Nghiêm.
Cô là một trong những hậu duệ của Tuy Lý Vương Miên Trinh.
- Rất nhiều con cháu quan lại và hoàng tộc triều Nguyễn là ca sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, thương gia, tướng tá và chính khách, chưa kể tới những lãnh vực khác như Luật khoa, Khoa Giáo, Điện ảnh thứ Bảy, Mỹ thuật - Kiến trúc,...!Cho nên một số khứa đánh đồng con cháu quan lại và hoàng thân quốc thích đều là hạng bất tài vô dụng là tầm bậy.
Khi băng nhạc kết thúc, người khách đó mới chịu rời quán.
Một người khách khác bảo rằng rất muốn nghe một bài ca thật hay của "tiếng hát vượt thời gian" Thái Thanh.
Và phần trình bày của cô Thái Thanh qua bản "Thầm mơ (Mùa thương cũ)" của người nhạc sĩ kiêm ảo thuật gia Bảo Thu, một tình khúc rất hiếm người biết, đã làm thỏa lòng người khách đất Bắc.
Thương Hận cười hỏi:
- Anh có thể tặng tôi một bản nhạc không?
- "Nhạc sĩ với cây đàn" của nhạc sĩ Tiền Chiến Nguyễn Văn Khánh, do Sĩ Phú trình bày.
Một bài tình ca rất hay mà không còn mấy ai nhớ tới.
Thương Hận ngợi khen sự lựa chọn của ông chủ quán dễ thương hết lời, rồi mới gọi một ly chanh muối cỡ lớn để cổ họng đỡ khô khi ăn bánh mì xíu mại.
Anh tính ăn uống xong xuôi sẽ khăn gói lên đường tới tòa soạn Canh Tân thăm người bạn điên.
- Quê tôi ở Đồng Tháp, liệu anh có thể tặng tôi một bài mang tên xứ tôi không?
- "Về Đồng Tháp" của nhạc sĩ Anh Việt Thu, nhưng nay đã thất lạc rồi.
Thương Hận lộ rõ vẻ buồn hiu.
- Tôi sẽ mời anh nghe bài "Bảy màu vang" của ông và thi sĩ Trường Anh, người biểu diễn là Nhật Trường - Trần Thiện Thanh.
Rồi vừa dán miệng ly trà sữa, Đặng Thừa Tân vừa trình bày:
- Nhạc sĩ Anh Việt Thu có rất nhiều bản viết về miền Tây rất hay, như "Giòng An Giang", "Đẹp Bạc Liêu", "Về Đồng Tháp", "Thuyền xuôi Kiên Giang", "Ngược dòng Cửu Long",...!Đáng tiếc là hơn phân nửa đã bị thất lạc.
- Còn bài "Đường về miền Nam", "Nhớ vịnh Hà Tiên" - Đồng sáng tác với Kim Mã, "Mưa Cẩm Giang" và "Mưa đêm nay" - Phổ thơ của Trường Anh.
Anh chủ quán gật gù:
- Những bài hát này mang âm hưởng dân ca Nam Kỳ hết sức hay và đặc sắc.
Nếu thế hệ bây giờ tìm được tờ nhạc và biểu diễn đừng phá cách, ắt hẳn...!
Lời chưa nói hết, một người khách lớn tuổi cất giọng ồm ồm cắt ngang:
- Bữa hổm nghe trúng bản "Tàu về Quê Hương" của nhạc sĩ Hồng Vân bị cái đám nào đó hòa âm phối khí theo kiểu mới mà tôi muốn lên tăng-xông.
Cái gì đâu mà tiếng nhạc hát tiếng hát luôn.
Bộ ca dở lắm hay sao mà phải che đậy vậy?
Một người khách đồng trang lứa với ông ta phụ họa:
- Nghĩ cũng tức cười thiệt, nhiều bài nhạc trước năm 75 đâu phải là nhạc giựt hay nhạc vũ trường mà lại đi remix như đại liên nã đạn.
Ông ta ngỏ lời yêu cầu với người chủ quán nhỏ hơn mình một giáp:
- Cho tôi nghe bài "Tàu về Quê Hương" gốc được không?
- Được.
Đợi tôi một lát.
Sau một hồi tìm kiếm trong kho, Đặng Thừa Tân trở ra với băng nhạc "Băng Vàng Shotguns 74 - 75" trên tay.
- Bài "Tàu về Quê Hương" sẽ do song ca Thanh Tuyền - Thái Châu trình diễn.
Rồi anh quay vào rửa máy xay cà-phê với một nhân viên nam.
Nếu như tâm trạng tốt và không có chuyện gì xảy ra, chắc chiều nay anh sẽ đãi các nhân viên một bữa ăn thật ngon ở nhà hàng mà mình yêu thích.
- Nghe như vầy mới hay nè...!Bài kia nghe được mấy câu, nhạc giựt xập xình nhức đầu muốn chết.
Thương Hận bình luận:
- Bác Duy Khánh ca bản này không hợp giọng bằng bác Thái Châu.
Một người Linh mục trẻ có đôi mắt u hoài lại quầy mà nhỏ nhẹ yêu cầu một bài hát có liên quan tới đức tin của mình.
Và anh chủ quán đáp ứng lời yêu cầu của Antonio Vũ, bằng bản nhạc "Lời Kinh Thánh" do đôi nhạc sĩ Minh Kỳ - Hùng Cường sáng tác, người trình bày là Nhật Trường:
"...!Xưa trên núi cao, Chúa đã truyền mười điều giới răn
Mà điều quan yếu Chúa kêu ta hãy thương mọi người
Như thương chính mình, thương yêu hết tình
Lòng đừng gian dối.
Đừng gian dối, dù người dối ta
Thánh Kinh! Thánh Kinh! Có ai nghe theo gì không?"
Rồi anh chủ quán nêu:
- Một người Đạo Phật và một người Đạo Chúa đã cùng nhau viết ra bài ca này...!
Antonio Vũ chống cằm mà hỏi:
- Ai Đạo Phật? Ai Đạo Chúa?
- Bác Hùng Cường, pháp danh là Thiện An.
Còn bác Minh Kỳ, hiện đang yên nghỉ trong Giáo xứ Tân Định.
Antonio Vũ bật cười:
- Sẽ không ai nghĩ bài hát trên do một người Đạo Chúa hợp tác viết lời - soạn nhạc với một người Đạo Phật...!
Một người khách lớn tuổi ngồi mé tay trái người Linh mục trẻ cất tiếng hỏi chủ quán cà-phê trạc tuổi cháu mình:
- Trong băng nhạc này có bài nào hay nữa hôn con?
- "Bà mẹ Phù Sa" của nhạc sĩ Phạm Duy, do cô Hoàng Oanh ca.
Nội dung của ca khúc nói về một người mẹ già đã cứu mạng cả hai người lính khác chiến tuyến, bằng cách lùa họ xuống gầm giường núp kẻ thù trong mắt họ; cuối bài tác giả đã hỏi rằng, "Rốt cuộc thì ai cứu ai?"
- Có phải các nhạc sĩ đặt lời Việt từ ca khúc ngoại quốc luôn không ghi nguồn rõ ràng và tự nhận là mình sáng tác không?
Người đặt câu hỏi trên là một người mặc áo sơ-mi trắng, quần tây đen, trên vai trái vắt cái áo vest đen, còn tay phải xách cái cặp màu xanh dương.
- Chỉ những ai chưa từng thấy cái bìa đĩa nhạc mới nói các nhạc sĩ nhận vơ là mình sáng tác, họ ghi rất rõ ràng rằng mình đặt lời Việt từ ca khúc nào và thậm chí có người còn ghi luôn tên tác giả bài gốc.
- Cho tôi coi đi.
Đặng Thừa Tân liền đưa băng nhạc "Tuyệt phẩm 4 - Nhạc Cổ điển" cho người thanh niên đó coi.
Vừa đưa anh vừa nói một lèo:
- Một số ca sĩ trong Nước tự ý lấy ca khúc nhạc ngoại lời Việt của những nhạc sĩ bên hải ngoại biểu diễn, rồi cẩu thả không ghi chú rõ ràng trên bìa băng nhạc, dẫn tới chuyện những nhạc sĩ bị hàm oan.
Điển hình là bài nhạc Đài Loan lời Việt "Bức tranh Xuân" của nhạc sĩ Anh Bằng, về đổi thành "Con bướm Xuân" rồi bỏ luôn tên của người đặt lời Việt.
Vừa tính tiền cho khách ở bàn 51, anh chủ quán vừa nói:
- Anh có thấy không? Bài đầu tiên mang tựa "Mối tình xa xưa" do nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt từ giai điệu của nhà soạn nhạc Johannes Brahms.
Thấy rõ ràng chưa? Cụ có nhận vơ mình là chủ nhân của giai điệu đó không?
Anh ta cất giọng hòa hoãn:
- Xin anh nói rõ hơn một chút nữa.
- Nữ ca sĩ Đặng Lệ Quân thường đặt hàng cho các nhạc sĩ Nhật Bản sáng tác bài hát để cô biểu diễn trên thị trường âm nhạc xứ họ.
Sau đó, cô mới chuyển lại lời Hoa, tự bản thân hoặc nhờ nhạc sĩ nào đó trong nước viết giùm.
Cho nên, không thể nào nói bản gốc là nhạc Hoa được, mà phải ghi là nhạc Nhật.
Thí dụ là bài "Kuukou (Kuko) - Phi trường" của nhạc sĩ Michio Yamagami, nhạc sĩ Nhật Ngân đặt lời Việt cho ca khúc này và ghi tựa là "Xin thời gian ngừng trôi", tôi sẽ cho anh nghe qua phần trình bày của cô Ngọc Lan.
Rồi anh cúi xuống lục tìm một băng nhạc có chủ đề nhạc ngoại quốc lời Việt.
Sau năm, mười phút, anh đứng thẳng lên và tươi cười trình bày:
- Còn đây là băng nhạc "Nhạc Trẻ 3 (The God Father)" phát hành trước năm 75, và đây là băng nhạc "Chansons DAmour" phát hành sau thời gian này.
Trong lúc đợi người khách đọc xong mục lục in trên hai cuốn băng, Đặng Thừa Tân vừa lấy nùi giẻ lau mặt bàn quầy thu ngân vừa thuật chuyện:
- Tôi thấy trên mạng nhiều người đăng một vài đoạn băng tổng hợp những bài nhạc Hoa nổi tiếng và bản tiếng Việt bên mình.
Điều đáng nói ở đây là có một số bài mang giai điệu không phải do nhạc sĩ người Hoa sáng tạo mà thuộc về giới nhạc sĩ Nhật, Đức, Anh, Mỹ, Ý, Pháp,...!ấy vậy mà chủ biên vẫn cứ đánh đồng là nhạc Hoa lời Việt hết ráo.
Điều mắc cười thứ hai là họ lấy toàn bản tiếng Việt do ca sĩ trong Nước biểu diễn, mà phần đông những ca sĩ này rất hiếm khi chịu bỏ công ghi tên nhạc sĩ đặt hoặc dịch sang lời Việt và tên gốc bài hát trên bìa đĩa, cũng như giới thiệu trên sóng truyền hình.
Rồi một đám bình luận như vầy, "Hóa ra người Việt mình toàn đạo nhạc Hoa", "Nhạc Hoa nghe sang bao nhiêu, nghe nhạc Việt phèn bấy nhiêu", "Mặt dày thật đấy", "Nói Ba Tàu đạo nhái chứ mình còn đạo nhái hơn nó",...!
Người khách đập bàn cái rầm:
- Bởi tôi tức quá nên mới tới đây hỏi thẳng anh nè! Con nhỏ em tôi nó cũng bình luận y hệt vậy.
Nhìn nó tôn thờ nhạc Hoa mà tôi muốn...!cuốn gói ra ở riêng cho đỡ chướng mắt.
- Kêu cổ ra đây.
Tôi còn ít nhất một trăm băng nhạc đem ra làm vật bảo chứng cho quan điểm của mình.
Rồi anh chủ quán nóng máu bước lại dắt người khách mới tới quán lần đầu vô kho coi để kiếm chứng những gì mình đã nói.
Do nơi đây lưu trữ băng cối, dĩa than và đĩa nhạc nên Đặng Thừa Tân phải lắp máy lạnh đặng giữ cho chúng không bị hư và chảy.
Nhiệt độ ở đây cao hơn cái thời Đà Lạt còn là xứ ngàn thông một chút.
Người khách sợ bị bắt đền nên đợi anh chủ quán đưa gì thì coi nấy chớ hổng dám tự tiện lấy theo ý mình.
Anh không thể tin nổi ba thế hệ âm nhạc Việt Nam thu gọn trong một căn phòng nhỏ xíu như vầy.
- Bất cứ băng nhạc nào của mình, cô Ngọc Lan đều ghi tên bài hát gốc và tác giả đặt - dịch lời Việt rất rõ ràng.
Mà hầu như trung tâm băng nhạc hải ngoại nào cũng đều làm như vậy hết.
Người khách ngắm nghía bìa băng nhạc "Ngọc Lan 7 - Mãi mãi yêu anh", rồi tỏ ý lát nữa muốn nghe mấy bài này.
Hai người sắp ra khỏi nhà kho, chợt người khách hỏi Đặng Thừa Tân về ca sĩ Ngọc Lan, anh liền đáp rằng:
- Mỗi lúc muốn sửa lời bài hát, cô Ngọc Lan đều đích thân liên lạc với tác giả để xin phép và hỏi ý kiến, nếu được sự đồng ý cô mới dám biểu diễn theo ý mình.
Và đó là điều đã làm hình ảnh cô trở nên cao đẹp và đáng quý trong mắt các nhạc sĩ, ca sĩ hải ngoại thuở trước.
- Sao anh không xài chữ "Album" mà lại sử dụng chữ "Băng nhạc"?
- Trước năm 75, người mình đã có chữ "Băng nhạc" rất hay, đâu cần phải xài tới chữ "Album" phải không nà?
- Ngày mai tôi sẽ đưa nhỏ em tới quán anh...!
- Anh muốn sao cũng được.
Đặng Thừa Tân tiễn chân người khách tới tận chỗ đậu xe của anh ta, mới quay lại quán cà-phê của mình.
- Lâu lâu bị "Phong Thần diễn nghĩa" há anh Út?
- Ừ.
Lát nữa mày pha đồ uống giùm tao, tao đang bực mình nên không pha ra cái giống ôn gì đâu.
Mấy người nhân viên xúm lại to nhỏ với nhau ngay sau khi tiếng động cơ xe gắn máy của chủ họ vang lên.
Một người bình phẩm:
- Trong mắt nhiều người trẻ bây giờ chỉ có nhạc Tàu, cái quần gì cũng nói nhạc Tàu, riết ổng quạu luôn.
Đặng Thừa Tân ra ngoài đài vinh danh Petrus Trương Vĩnh Ký ngồi hóng mát cho khuây khỏa tinh thần.
Chỗ này cách quán nước của anh ước chừng một cây số rưỡi.
- Ăn bánh còng, bánh cam hôn cậu?
Người mời anh mua hàng là một bà cụ lưng còng, đầu đội mâm bánh đầy vung, bận áo bà ba và quần lãnh đen.
Dù không thích ăn đồ ngọt mấy, anh vẫn mua giùm bà cụ mỗi thứ một chục; một chục của bà cụ bằng đơn vị một tá.
Thấy bà cụ không có tiền thối, anh cười hiền mà biểu, "Ngoại giữ luôn đi ngoại.
Coi như con lì-xì ngoại sớm."
Dưới bóng mát của cây bàng, người đàn ông cập bến tứ tuần ấy dõi mắt nhìn đám đông ồn ào, náo nhiệt.
Suốt ngày giam mình trong khuôn viên quán cà-phê và lò võ, đã lâu anh không để bản thân được ngồi giữa khung trời rộn rịp như vầy.
Lòng chợt nổi hứng thi nhân, anh mở bài hát "Mùa Thu cánh nâu" của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và do Xuân Sơn ca; trong bài này cụ ký tên "Hoàng Nhu - Quang Anh": Quang Anh là tên con trai cụ, còn Hoàng Nhu là người đã giúp cụ hợp soạn bài hát diễm tình này.
Khi tình khúc kết thúc, anh tính đứng dậy và lái xe về quán nhỏ phụ giúp nhân viên pha chế, thì chợt trông thấy ký giả Sương Tuyết đang bước lại lư hương của cụ Sĩ Tải để thắp nhang.
Anh nảy ra ý định sẽ mời anh ta về xứ dừa chơi một chuyến.
oOo
Trước lúc giã biệt người bạn trẻ để về thành đô, Lạc Tương Giang nói rằng:
- Cậu Sáu của con bị lộn bài hát "Mô, tê, răng, rứa" của nhạc sĩ Thần Kinh Nguyên Chương với bài dân ca Thanh - Nghệ - Tĩnh "Mô, tê, răng, rứa".
Gã điên cười tủm tỉm:
- Dạ, con với cụ không nỡ "sửa lưng" cẩu.
- Cảm ơn bữa cháo gà nghen cậu Hai!
- Dạ, thầy cũng bảo trọng đó!
Đặng Thừa Tân chở người mối quen và cựu luật sư về nhà bằng chiếc xe hơi hiệu Porsche màu đen bóng loáng của anh.
Thương Hận cáo bận nên chưa xuống hội ngộ mọi người.
Trên đường về, anh chủ quán tắp vô cây xăng châm thêm xăng cho mát máy.
Thấy thằng cháu đã đi đâu mất dạng, ông già Ba Tri mới kể cho hai người bạn trẻ nghe:
- Hồi đó thằng Tuyết có quen với một người, người này rất ghét đàn ông nói giọng trống - mái và ưa giễu nhại mấy khứa đó.
Sau này gặp lại, thì hỡi ôi người này cũng nói giọng trống - mái y chang mấy khứa mà người này vốn ghét cay ghét đắng.
Cho nên việc giễu nhại kẻ mình ghét riết rất có thể khiến mình bị đồng hóa tư tưởng và hành động.
Con nít nó bắt chước riết mà nó giống y chang người nó bắt chước.
Huống hồ chi là mình tự đưa mình vô tròng.
- Một lần giễu nhại kẻ thù là một lần đi quảng cáo thói hư - tật xấu của chúng, và đánh mất một lần giữ gìn nét đẹp - cái hay của mình.
Thằng cháu điên của ông đã quay trở lại tự hồi nào mà ông không hay.
Ông có tịch nên giựt mình giả lả:
- Muốn biết các cụ chửi lộn bằng ngòi viết ra sao, hãy tìm đọc "Phê bình văn học thế hệ 1932 Một và Hai" của Linh mục Thanh Lãng, coi còn vui hơn kịch hài.
Gã điên vừa trao đồ uống cho ông Hai vừa nhún vai bình phẩm:
- Giai đoạn 1954 - 1975 là mốc thời gian có nhiều nhà phê bình công tâm nhứt, còn trước đó và sau này thì...!
- Tôi thấy có một số người nay đã trở thành "Tự Lực Văn Đoàn đệ Nhị", không phải là giỏi tài văn chương hay tinh thông kiến thức, mà là giỏi chửi bới, châm chọc và miệt thị những cái tên ở thế hệ trước.
Có thể tìm thấy vô số bài bài mỉa mai rất nặng lời Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu, Phan Khôi, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh,...!ở tạp chí "Phong Hóa" do các cụ trong nhóm này chắp bút.
Ngừng một lát để xé cái bao giấy bọc ống hút, ông già Ba Tri mới tiếp:
- Tôi chưa thấy cụ Petrus Ký, cụ Hồ Biểu Chánh, cụ Vương Hồng Sển, cụ Paulus Huỳnh Tịnh Của,...!phê bình nặng lời với ai hay tấn công cá nhân người nào hết.
Hầu như các cụ chỉ chăm chăm vô công việc bút ký của mình và lo cho gia đạo - tình hình chính trị và khoa giáo Nước Nhà - phong hóa mỹ tục mà thôi.
Đặng Xương Tuyết ngửa mặt nhìn vòm trời đầy mây mù mà cười buồn:
- Không thể bắt cây điều ra trái ở Bắc, và cũng chẳng thể bắt cây đào ra quả ở Nam.
Vốn dĩ thổ nhưỡng đã hun đúc thành như vậy rồi, hổng thể cãi lại máy Trời được đâu.
Phan Hoài Việt cười buồn:
- Cho nên bây giờ còn được mấy ai giỏi văn - hay thơ như thế hệ trước năm 75 ở miền Nam? Nhìn đâu cũng thấy xách mé, đùa giỡn và tranh biện bằng lối nói cố tình ngọng nghịu và đầy rẫy sự tục tĩu.
Văn chương và tiếng Việt có chết sớm hay không phụ thuộc vào việc mình ráng sức giữ gìn hay hùa theo số đông để thỏa mãn cái Bản Ngã nhất thời.
Ngôi nhà ba gian hai chái của cựu luật sư nằm lọt thỏm trong bờ đất trồng cây bông kiểng xinh tốt; hàng rào bông bụp điểm tô nét duyên, gần gụi cho ngôi nhà bề thế.
Bước qua cánh cổng sắt kiên cố là thấy liền một vuông khoai bên mé tay trái, chưa kịp để mắt tới nó lâu thêm chút nữa người lữ khách đã bị giàn bầu, bí và mướp thu hút ánh nhìn: Thay vì xây mái che, ông Hai lại lắp đặt một giàn cây dây leo từ cổng rào bắt thẳng vô mái hiên nơi thềm ba, dưới "Con đường Thiên Lý" ấy lát gạch kiểu không trơn và có độ bám rất cao để phòng mình hại người và hại mình, hai bên đường trồng bông dừa, mồng gà, móng tay, cúc, lài, sao nháy, bươm bướm, huệ,...!Nằm cạnh vuông khoai là một con đường đất mỏng phân ranh giữa nó và luống mía lau cao nghệu; từ con đường đất này quẹo qua phải và đi thêm chừng năm, bảy bước nữa là tới cây cầu khỉ yếu ớt, bên bờ kia là mấy liếp trồng rau cải xanh um nhưng không được đẹp mắt như các nông trại trồng trọt theo quy cách tân tiến.
Ông Hai mời sắp nhỏ ra ngoài cái chòi dựng nơi bờ đất thứ ba.
Ông cất kiểu nhà sàn của người Thượng để phòng con nước thất thường miệt mình.
Dưới sàn nhà, ông để trống huơ trống hoác đặng ngừa trộm - cướp ẩn nấp và lũ chuột đẻ dai như quỷ.
Mé vách bên phải treo đầy nông cụ và đồ nghề sửa điện nhỏ gọn, những thứ kềnh càng hơn ông đặt ở trên sàn và trên cái bàn bán nguyệt kê sát vách.
Mé vách bên trái trổ cửa sổ thật lớn để đón gió và nắng trời phước lành vô chòi; đứng đây có thể quan sát động tĩnh ở mảnh sân trước nhà ông.
Ông giương tấm ván nơi bức vách cửa hậu cái chòi lên cao, để lộ ra hàng ba rộng thênh thang, khoảng khoát; ở đây mắc năm cái võng lưới và bày hai cái võng xếp mới tinh.
- Mỗi đứa tự chọn cái "long dển" nghen?
Sắp nhỏ cười rần rần, làm "Ông vua không ngai" cũng hạnh phúc theo.
Đợi đám trẻ "an tọa" xong, ông vô trong nhà nấu nước, pha trà.
Sáng nay mối lái trên Sóc Trăng gửi bánh pía cho ông; ông thấy hai chú cháu lái xe kiếm nhà mình cực khổ quá nên biếu mỗi người hai chục uống cà-phê.
Trong lúc chờ ông Hai xuống chơi, Phan Hoài Việt đặt câu hỏi với người bạn điên:
- Anh nghĩ trình độ dân trí của một người bị thấp là do khoa giáo và môi trường xã hội không tốt không?
Đặng Xương Tuyết lắc đầu:
- Mình ngu và bị người ta dắt mũi là vì làm biếng, hết.
Thuở xưa, cụ Petrus Ký đâu có được đầy đủ phương tiện học tập như bây giờ mà vẫn biết gần ba mươi thứ tiếng.
Nếu như cụ ỷ ỷ vô trí nhớ dai và trí thông minh sẵn có, hoặc cam chịu thời cuộc mà phủi bỏ chuyện thu nạp kiến thức, ắt hẳn cụ không bao giờ trở thành một con người có học vấn uyên bác và đáng kính như vầy đâu.
Bên nước người thì có Thomas Edison và Michael Faraday, cũng siêng năng mày mò khám phá, nghiên cứu, học hỏi và chế tạo nên mới có cái danh tiếng nhà bác học.
Sở dĩ tôi khuyến khích việc đọc sách và tài liệu đa chiều là bởi chúng sẽ giúp ta cải thiện quan điểm theo chiều hướng tốt hơn và mở mang đầu óc.
Còn ưa đọc những gì ngọt lòng mình nhưng sai sự thật hoặc đã qua công đoạn thêu dệt, thêm bớt chỉ tổ khiến ta càng ngày càng ngu muội, cố chấp và tự phụ.
Phan Hoài Việt trình bày góc nhìn của mình:
- Tôi thấy nhiều người đọc xong một bài viết thì liền tấm tắc khen hay, trong khi chưa hề kiểm chứng nội dung mà tác giả đã viết, rồi sau này kiểm lại thấy không đúng lại trách người ta gạt mình.
Tác giả cũng là con người, cũng có lúc nhớ lộn hoặc suy nghĩ chủ quan, muốn trách người thì hãy tự trách mình bộp chộp và dễ tin trước.
Rồi anh thầy hỏi:
- Anh có sách nào hướng dẫn người ta tự học không?
- "Tôi tự học" của cụ Thu Giang - Nguyễn Duy Cần.
Hồi nhỏ tôi đã từng đọc qua "Cái dũng của Thánh Nhân" và "Cái cười của Thánh Nhân" cũng do cụ chắp bút.
Gã điên chợt chia sẻ một bài viết trên mạng:
- Người Do Thái học ngoại ngữ như vầy: Ví dụ chữ "Chat" chẳng hạn, họ sẽ ghi nghĩa của nó trong mỗi quốc gia ra tờ giấy; nói cho rõ ràng hơn thì như thế này: "Chat" - "Mèo trong tiếng Pháp", "Nhắn tin, Chuyện gẫu trong tiếng Anh",...!Nhờ vậy mà họ nhớ được rất nhiều ngữ vựng của các quốc gia cùng một lúc.
Phan Hoài Việt lại hỏi:
- "Từ vựng" hay "Ngữ vựng" anh?
- "Từ vựng" là của Ba Tàu, "Ngữ vựng" là của người Việt mình, đã được sử dụng trong khoa giáo Nước Nhà ở miền Nam trước năm 75.
Còn nữa, "Cái chữ" mới đúng, còn "Con chữ" là chữ xài sau này.
Chưa kể tới là "Quốc Văn" chứ không phải "Ngữ Văn".
Ngoài ra, ngày xưa kêu là "Tĩnh từ", còn bây giờ lại gọi "Tính từ".
Hương trà tim sen thơm ngào ngạt lan tỏa khắp không gian cái chòi bé mọn.
Phải hãm ít nhất một tiếng trà uống mới ngon, đậm đà mà không có mùi ngai ngái khó chịu.
Ông Hai cẩn thận bưng mâm trà, bánh ra bàn.
Thằng Tuyết giúp ông soạn chung nước cho từng người, hai người bạn trẻ kia rời cái "Long dển" mà lại ngồi xuống quanh cái bàn cây hình tròn lùn tịt.
Xong xuôi hết thảy, gã điên mới tiếp:
- "Túc cầu" chứ không phải "Bóng đá"; thường mình nói "Đá banh" hay "Trái banh" khi chơi môn thể thao này.
Với những dịp thể thao lớn, người xưa hay sử dụng những chữ trang trọng như "Túc cầu", "Vũ cầu",...!chẳng hạn.
Cụ Đào Văn Bình có nói như vầy, "Tại sao lại nói là" có tiền sử bệnh..."? Vậy chẳng lẽ bệnh này có từ thời ăn lông ở lỗ à? Chỉ cần nói đơn giản là, "Đã từng có/mắc/bị bệnh", "Trước đây có/mắc/bị bệnh" là rõ ý rồi."
Ông Hai bật cười:
- Cái đó gọi là sính chữ Nho mà hổng hiểu nghĩa thành ra làm trò cười cho thiên hạ đó.
Gã điên gật đầu:
- Lúc cần Hán - Việt thì không xài, tới chừng hổng cần thì xài.
Ông Hai kể:
- Ngày xưa người mình có chữ "hàng xuất dương" rất hay.
Nó có nghĩa là các mặt hàng đem bán ở hoặc nhập về từ nước ngoài, theo hợp đồng hoặc không, thông qua đường biển.
Kế, người mình có chữ "xuất cảng - nhập cảng", nghĩa rộng hơn một chút, vì sự có mặt của ngành hàng không nên chúng ta bớt phụ thuộc vô đường bộ và đường thủy trong chuyện giao thương và trao đổi hàng hóa các loại.
Tự nhiên bây giờ lại xài chữ "Xuất khẩu - Nhập khẩu".
So với hai chữ "Xuất cảng - Nhập cảng", tụi nó trật lất hoàn toàn.
Đặng Thừa Tân cười mà thưa rằng:
- Dạ, người ta bán buôn - trao đổi hàng hóa ở cảng, chứ ai lại làm điều đó ở miệng.
Phan Hoài Việt bỗng hỏi gia thế của người bạn điên.
Sau một lúc đắn đo, anh ta kể:
- Ngày xưa mẹ tôi học trường Thiên Mẫu ở bên Mỹ Tho, có lần Sơ hỏi, "Em nào có Đạo thì giơ tay lên." Mẹ tôi thấy bạn bè giơ tay nhiều quá nên cũng đưa theo.
Sơ mới phát cho những trò giơ tay một cuốn Thánh Kinh mỏng và dặn Chúa Nhựt nhớ ghé trường để Sơ dẫn các em đi tham dự Thánh Lễ.
Bà nội của mẹ, tức là bà cố của tôi, nghe mẹ nói sáng Chúa Nhựt chở con lên trường thì cũng không hỏi han gì.
Tới chừng mẹ tôi tham dự Thánh Lễ xong, về nhà khoe lại với gia đình thì ông bà nội và các cô, các cậu mới tá hỏa tam tinh.
Sáng hôm sau, bà cố lên trường trình bày mọi chuyện với Sơ chủ nhiệm lớp và trả lại cuốn Thánh Kinh cho bà; bà cố biểu, "Dạ, mong quý Sơ thông cảm, gia đình tôi theo Đạo Phật." Năm xảy ra sự việc dở khóc dở cười trên mẹ tôi chỉ mới bảy tuổi.
Chuyện thứ hai: Bữa đó đang học, chợt ngoài đường có tiếng nổ thật lớn.
Các Sơ hốt hoảng tri hô, "Tụi nó pháo kích trường học! Mấy em núp xuống gầm bàn liền đi!" Lúc đó các Sơ tuy rất sợ hãi nhưng vẫn liều chết đi ra coi có phải pháo kích thiệt không.
Thì may quá, không phải tụi nó, mà là một chiếc xe vận tải cỡ lớn bị bể bánh.
Đặng Thừa Tân thắc mắc:
- Trường Thiên Mẫu nhận học sinh nào vậy anh?
- Cái trường mà mẹ tôi theo học toàn con nhà khá giả và tướng, tá trong quân đội.
Rồi gã điên kể:
- Chuyện thứ ba: Có hai cậu con nhà sĩ quan không biết chơi giỡn ra sao, mà cậu nọ đá vô bụng dưới cậu kia khiến cậu kia bị bể bọng đái chết ngay tại chỗ.
Mẹ tôi chứng kiến từ đầu tới cuối, nên đâm ra ám ảnh, lúc nào cũng khuyên tôi không được chơi giỡn, chạy nhảy.
Sau sự việc đáng tiếc trên, hai người mẹ của hai cậu đó đã có mặt tại hiện trường...!
Phan Hoài Việt hỏi:
- Vậy bà cố anh theo Đạo Phật hả?
Gã điên gật đầu:
- Hồi còn ở với bà cố, chiều nào mẹ tôi cũng đốt nhang cho bàn thờ Phật và gia tiên, rồi đọc Kinh "Địa Tạng Vương Bồ-Tát bổn nguyện".
Không cần nhìn sách, mẹ tôi cũng thuộc làu mười mấy trang Kinh.
- Vậy mẹ anh theo Đạo Phật?
- Mẹ tôi đâu có theo Đạo Phật? Mà nói đúng hơn là mẹ tôi, và cả ba tôi không có theo Đạo nào.
Đặng Thừa Tân hỏi:
- Anh có kỷ niệm nào với nhà thờ không?
Gã điên lại gật đầu trước khi trình bày:
- Nhà thờ của người ta thì gác chuông lộng lẫy, kiến trúc tinh xảo, còn nhà thờ của Cha vừa nhỏ xíu, vừa xập xệ.
Tôi cứ nhớ hoài hình ảnh Cha ra sân trước kéo chuông; cái tháp chuông của nhà thờ được lắp ráp từ mấy thanh sắt hay thép gì đó rồi phủ sơn màu xanh lơ, dựng mé bên tay phải của khoảnh sân, tuy khoảnh sân trước rất nhỏ nhưng Cha vẫn cố công trồng bông, kiểng và sắp đặt tiểu cảnh để làm đẹp cho nhà thờ của mình và đoàn Chiên.
Ông Hai mời thằng cháu nuôi kể tiếp.
Và nó nói như thế này:
- Sau năm 75, có một người hiệu trưởng vì thời cuộc mà đã xa rời mái trường và dẹp bỏ bút nghiên qua một bên để đi làm công việc tay - chân kiếm cơm nuôi gia đình.
Thật oan nghiệt thay khi nguyên cái vùng đó hễ gặp cụ là gọi "Thầy" hoặc "Hiệu trưởng", chứ không phải lấy thứ mà kêu như cách gọi thân thuộc của dân miền Tây.
Hồi đó, mỗi bận gặp mặt, mẹ tôi thường bước lại mà nói rằng, "Dạ, thưa thầy, thầy cho con mua vé số giùm thầy nghen thầy?" Nghe đâu thầy biết cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, nói và viết ron rót như người bản xứ; ở miền Nam trước năm 75 mà được ngồi vô ghế hiệu trưởng là danh dự và giỏi cỡ nào...!
Nói tới đây, gã điên nghẹn ngào nên không thể kể nữa.
Gã hít ra thở vào một hơi để kiềm cơn xúc cảm, rồi mới trình bày nốt câu chuyện:
- Có nhiều khứa hay khoác lác mình là giáo sư, thạc sĩ, tiến sĩ, cử nhân trời Tây, trời Tàu đâu đó, mà nói tiếng Việt còn ngọng líu ngọng lô, đớt đa đớt đát chứ đừng kể chi là ngoại ngữ.
Trong khi cựu hiệu trưởng chẳng cần khoe bằng cấp và sở học, mà nguyên vùng đều xiển dương và nể phục.
Ấy mới thấy câu "Hữu xạ tự nhiên hương" là đúng...!
- Và "Chuột xạ tự nhiên hôi".
Câu đối của ông Hai gây một trận cười sảng khoái cho hai người khách.
Một cuộc điện thoại từ tòa soạn Canh Tân đã khiến gã điên rời khỏi buổi tán gẫu.
- Thằng Tuyết thực sự cảm mến đứa nào, nó tuyệt đối không bao giờ tiết lộ cho ai hay đâu.
Nó giữ rịt người đó trong lòng như người ta nhốt con chim quý trong lồng.
Sau giờ trà mạn, Thừa Tân và Hoài Việt theo chân ông Hai ra vườn cuốc đất, trồng rau, ương hột và tưới tiêu.
Họ đương ở bờ đất thứ bảy, nơi đầy trồng cam sành, chanh và hạnh.
- Để tôi chỉ cho một cái mẹo trồng cam mọng nước: Về bắt ổ kiến vàng rồi bỏ dưới gốc cây cam, sau này cây cam vừa sai vừa cho trái nhiều nước và có vị chua ngọt rất ngon.
Thừa Tân nhớ tới ba mẹ dưới quê cũng hay biểu rằng con trùn, con kiến, con mối,...!là bạn của nhà nông.
Hễ chúng ở đâu là ở đó đất đai màu mỡ, tơi xốp; và con người thì ngược lại.
- Nhưng phải đề phòng lũ kiến hôi, chúng là giống diệt cây cam.
Chúng mà làm ổ ở đâu thì cây cam đó ra trái bị chai, khô quắt, không có miếng nước nào.
Hoài Việt làm vườn được một lúc thì ôm ngực thở hổn hển.
Anh vốn có bệnh suyễn nên không khỏe mạnh như trai tráng đồng trang lứa.
- Cậu Việt bị suyễn?
Anh thầy thất chí vừa gật đầu vừa hít ống thuốc trị bịnh.
- Có cần tôi gọi xe cứu thương không?
Anh thầy lắc đầu nguầy nguậy.
Rồi không ngại dơ mà ngồi phịch xuống đất, lưng dựa vô gốc cây bình bát.
Người bạn mới quen tên Tân đã phóng qua mấy bờ mương để vào nhà rót cho anh miếng nước nguội.
Đặng Thừa Tân cùng người bạn cà-phê trở ra với bình thủy và chai dầu cù là - thẻ bài cạo gió.
- Nó bị suyễn chứ không phải trúng gió.
Có cạo thì cạo tao nè.
Nói đoạn, ông Hai cởi phứt cái áo sơ-mi xanh, rồi đưa lưng cho thằng cháu nuôi cạo.
Anh chủ quán mời mọi người nghe bài hát "Cung điện buồn" của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, do tam ca Anh Ngọc - Nhật Bằng - Hồng Phúc trình bày.
Rồi nói:
- Tam ca Bắc Kỳ này có bản "Nguồn sống bao la" do đôi nhạc sĩ Xuân Tiên - Y Vân đồng sáng tác rất hay, tiếc rằng trên mạng ít còn chỗ lưu trữ.
Bài hát này nằm trong băng nhạc cùng tên "Đĩa nhựa Nguồn sống bao la".
Xin nói thêm, tôi vẫn chưa thể khẳng định chính xác là cụ Xuân Tiên và ông Y Vân sáng tác chung hay đây là tác phẩm riêng của một trong hai vị nhạc sĩ.
Ngồi thêm nửa tiếng, anh thầy mới gượng dậy nổi.
Ông Hai cảm thấy áy náy nên hứa tối nay sẽ chiêu đãi một bữa cơm thật ngon và thịnh soạn, đương nhiên ông vẫn cần tới sự giúp đỡ của đứa cháu "nước lã".
Thừa Tân và Xương Tuyết dìu người bạn lên cái chòi ban nãy nằm nghỉ mệt.
Đi sau lưng bộ ba là ông Hai với vẻ mặt buồn xo.
Chiều hôm ấy, bốn người đàn ông khác tuổi cùng quây quần bên mâm cơm sớm.
Thể theo ý thích của Hoài Việt và Thừa Tân, hai ông cháu nấu món chân gà rút xương hấp hành, ếch xáo lá cách, sườn ram mặn, rau lang luộc, canh bầu nấu tôm khô và gỏi xoài trộn khô cá lưỡi trâu.
Biết anh thầy và anh chủ quán rất thích ăn cơm cháy nên Xương Tuyết nấu luôn hai nồi cơm cho nhiều.
Còn ông Hai thì đang chặt dừa - khóm làm thức uống đãi khách.
Nghe đến cái tên của giống dừa, Thừa Tân bật cười:
- Miền Nam nói khóm, miền Trung nói thơm, còn miền Bắc nói dứa.
Ông Hai cười:
- Miền Nam với miền Trung hay nói lộn chữ này với nhau, nên không thể biết đích xác miền nào hay xài chữ nào.
Ngoài trời mưa rả rích rơi, tiếc thay thiếu vắng tiếng dế nên nghe sao tẻ nhạt khôn cùng.
Những bọt bong bóng thành hình rồi lại vỡ tan trong những vũng lầy và ổ gà ngoài hè.
Gió lất phất thổi làm xao động lũy tre xanh rì và thoang thoảng thanh âm cú kêu, vạc gọi.
Ông Hai bưng chén và cầm đũa trước tiên, kế mới tới ba người đàn ông miền Tây.
Gã điên mở chủ đề trước:
- Mới đọc xong hai tập "Truyện cổ Cao Miên" của Lê Hương...!
Hoài Việt vừa gắp cái đùi ếch bự chảng vừa niềm nở hỏi:
- Anh thấy sao?
- Tôi thấy nước này có nhiều công trình kiến trúc chịu ảnh hưởng của Bà-La-Môn Giáo.
Và những công trình đó rất nổi tiếng trên thế giới.
Ông Hai giúp Thừa Tân gỡ cọng xương còn sót trong miếng khô cá lưỡi trâu.
Có vẻ cậu trai đô thành rất mê món gỏi do ông trộn.
- "Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng."
Hoài Việt nhướng mắt:
- Hả?
Gã điên nhún vai, cười xòa.
- Muốn biết à?
Ba người kia hào hứng nghe coi có chuyện chi giựt gân hôn.
- Tôi mới phát hiện một người đánh "tâm lý chiến" bằng cách sử dụng tiếng địa phương trong đây để viết bài.
Mọi bài viết của người đó đều cố tình nâng cao đức tin riêng, hạ bệ đức tin của người khác.
Ai từng đời trình bày luận điểm về chữ viết mà cũng phải cố "thọt" vài dòng ngợi ca tôn giáo của mình.
Nếu như để ý kỹ hơn, anh sẽ thấy sự kiện lịch sử đã bị người này cố tình bẻ lái theo chiều hướng có lợi và cao đẹp cho đức tin của họ.
Sùng bái tôn giáo một cách mù quáng thì đừng nên tham dự vô chính trị hay bình luận sự kiện lịch sử.
Người trong Đạo tôi sai, tôi nói vô trong mặt, chứ không bao che một li.
- Có bao giờ anh nghĩ tới chuyện trả đũa không Tuyết?
- Như tôi đã nói với anh và rất nhiều người, mình ghét người ta ở điểm nào thì đừng tự biến bản thân thành bản sao của người ta ở điểm đó.
Chủ đề mà gã điên khởi xướng tạm thời bị dừng lại.
Chủ đề tiếp theo do ông Hai cầm trịch, nói về lợi tức thu được từ mấy công đất vườn.
Kế đến là chủ đề âm nhạc do anh chủ quán dẫn dắt.
Và sau chót là chủ đề khoa giáo và tình hình chính trị trong và ngoài Nước do anh thầy nêu ra.
Tới khoảng bảy giờ hơn, bữa cơm mới xong.
Ông Hai lên nhà trên đốt nhang cho bàn thờ Phật và gia tiên.
Rồi ra sân thắp hương cho bàn thờ Thiên ở sân trước.
Xong đâu vô đấy, ông xuống nhà sau mở truyền hình lên coi thời sự.
- Anh có biết tại sao tôi lại theo Thầy Ananda - Khánh Hỷ không?
Phan Hoài Việt lắc đầu.
- Anh hãy tìm hiểu về cuộc đời của ông, nhất là chuyện "Tôn giả A-Nan nhập Niết Bàn".
Thừa Tân đổi từ tư thế vắt chân chữ Ngũ sang tư thế nằm nghiêng khi thấy ông Hai xuất hiện.
Anh đang nằm đọc sách điện tử "Ca nhạc cổ điển - Điệu Bạc Liêu" của Trịnh Thiên Tư và nhóm nhạc sĩ Bạc Liêu.
- Anh có biết tại sao mà tôi lại có thể phát hiện điểm bất thường lẹ vậy không?
- Tại sao?
- Hãy nhìn mọi thứ ở góc nhìn "Trung Đạo", rồi anh sẽ thấy được thôi.
- Tức là sao?
- Người ta nói vừa ý anh, cũng đừng vội tin.
Người ta nói trái ý anh, cũng đừng vội bác bỏ.
Người càng sửa đổi theo lời anh nói là người đáng sợ nhất; họ không ngu đâu, họ cố tình hùa theo để làm anh tưởng rằng anh luôn đúng, và tới chừng cái ỷ y của anh đạt đỉnh, hậu quả mà anh sẽ nhận lãnh là khôn lường.
Bản tin về Anton Nhân đã thu hút sự chú ý của nguyên đám.
Lằng nhằng riết khiến cho tòa án bị đem ra làm trò cười cho dân chúng.
Khi bản tin kết thúc, ông Hai dạy thằng cháu ngồi xuống bộ ngựa để ông xức rượu thuốc cho.
- Mày đánh lộn với ai mà bầm mình bầm mẩy vậy con?
- Chưa thể nói được đâu ông.
Ông thở dài thườn thượt:
- Tao biết mày mà về trển là có chuyện liền.
Trời lại làm mưa tiếp.
Tiếng mưa át luôn âm thanh truyền hình nên ông Hai đứng dậy đi đóng cửa hậu cho bớt ồn.
Ánh chớp lóe sáng hắt lên trên người ông một thứ màu sắc huyền diệu.
- Có một ông ở tù chính trị kể như vầy, mặc dù ở trong lao nhưng ổng vẫn giữ thói quen đọc Kinh Phật hằng đêm.
Cho tới một ngày nọ, ổng nghe một khứa "đồng kẽm" đứng ở ngoài sân nói vọng vô thế này, "Đã bắt được A-Nan rồi nhé.
Hiện đang truy nã Ca-Diếp trên toàn quốc." Ổng với mấy ông bạn tù cười rần rần vì cái ngu của chúng.
Tự nhiên hai ông tôn giả nhà Phật bị "chế biến" thành hai tên phản động...!
Thấy sắp nhỏ cười tới chảy nước mắt sống, ông Hai hứng chí bồi tiếp:
- Mấy đứa lên mạng tìm chắc còn giữ lại được bài viết nguyên văn.
Coi hài làm chi, coi mấy cái truyện "Trí khôn của ta đây" giống vầy vui hơn nhiều.
oOo
Bài hát "Thuở em hờn tủi" do nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sáng tác và tự trình bày vọng ra từ xe kẹo kéo vẳng đến tai Cha Thành; cụ ngừng việc xỏ lá làm con cào cào, dế mèn và ve sầu mà lại gần xe hàng của chú Chín và mua ủng hộ vài cây kẹo thơm bùi.
- Con đi đâu vậy Dự?
- Con đi vất rác.
- Đổ rác xong nhớ về sớm nghen?
- Vâng ạ!
Sức khỏe của Cha Thành đã vụt bay theo thời gian và trái thận đã mất.
Sẵn có chứng cao huyết áp trong người nên cụ phải uống thuốc "trường kỳ kháng chiến".
Thấy mặt ông "Bố già" ỉu xìu, thầy Dự biết ngay Bố muốn đến Giáo xứ Saint Pio.
Sẵn lười nấu cơm, ông bèn rủ Bố đi ăn uống tại quán cơm của vợ chồng dì Bảy.
Hôm nay trời lại đổ mưa.
Mưa tầm tã, mưa dầm dề, mưa như vỡ đập.
Tưởng đâu trưa nay được lái xe trong khung cảnh trời xanh - nắng nóng, nào ngờ phải "chèo" cái xe bán tải trong biển nước mênh mông.
Khuôn mặt Simon Tử giống hệt sắc diện Hạng Vũ lúc tự cắt đầu mình.
Đáng ra chỉ mất một tiếng đồng hồ, nào ngờ bị "dôi" ra một tiếng.
Hai cha con vừa đói vừa mệt nên bắt đầu nảy sinh bực bội với nhau.
Cũng thật là lạ khi hai người luôn khắc khẩu và trái ngược mọi chiều lại có thể sống chung với nhau ngần ấy năm.
- Đang diễn nhạc kịch "Người di tản buồn" của nhạc sĩ Nam Lộc hả hai cha con?
Lời của dượng Bảy đã làm Cha Thành bật cười ngặt nghẽo, còn thầy Dự vẫn giữ gương mặt chằm vằm nãy giờ.
- Thiếu điều Giáo xứ muốn "phát lệnh truy nã" luôn.
- Chừng nào Cha Mỹ còn đi cái xe màu ghi đó, chừng nấy bà con mình còn tìm được.
Cuộc đối đáp của hai người đàn bà trạc tuổi nhau đã thu hút sự chú ý của hai cha con đồng Đạo.
Nói vậy là cậu Stephen Đoàn vẫn "Biệt kinh kỳ".
- Kiếm chỗ ngồi đi hai cha con.
Đứng xớ rớ ở đó làm gì cho mỏi chân?
Trước lúc chọn bàn, hai cha con lại quầy đặt món luôn.
Cha Thành ăn cháo sườn với bánh quẩy, còn thầy Dự ăn cơm trắng ăn kèm heo quay kho khoai môn trong nồi đất.
Biết Cha Thành bị mất thận, nên dượng Bảy mời cụ uống nước dừa cho mát người.
Dượng còn dặn Cha nhớ cử cây mã đề để tránh bịnh càng thêm nặng.
Riêng về người đồng nghiệp, dượng làm cho một ly bạc xỉu cỡ lớn và ít ngọt.
Đồ ăn - thức uống vừa dọn lên bàn được năm, mười phút, Antonio Vũ và Ignacio Cường ghé ăn trưa.
Bữa nay nhìn mặt cháu trai Cha Trung mới có mùa Xuân một chút, thường ngày u sầu như ngày Thu mưa rơi đầm đìa.
Vừa rước hai người Linh mục vô bàn, dượng Bảy vừa nói mà như thở than:
- Sắp tới Lễ Tạ Ơn rồi hai Cha.
Antonio Vũ nhìn ông:
- Dạ, chắc năm nay mình dẹp chuyện tổ chức tiệc mừng Lễ Tạ Ơn hén dượng?
Dượng Bảy nhún vai:
- Cái đó còn tùy thuộc vô ý bà con nữa Cha...!
Mấy người thực khách là Giáo dân trong xóm bác bỏ câu hỏi của Antonio Vũ bằng luận điệu hơi nặng nề.
Một buổi sáng thứ Bảy năm xửa năm xưa, Thầy Phó Tế dắt Cha Vũ tới giao cho Cha Thành "giả", rồi nói cậu đây sẽ phụng sự Giáo xứ vài năm trước khi về trường Dòng giảng dạy; cái chữ "Vài năm" nó kéo dài đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thực hiện.
Do Cha Vũ nhận chức một cách không đầu không đuôi nên đã khiến một số Giáo dân bất mãn và không tin phục, thành thử ra hễ Cha nói gì họ đều cãi tới bến.
Ignacio Cường đẩy Antonio Vũ ra sau lưng, rồi trừng mắt nhìn những người đã quát nạt người bạn đồng tu với mình.
Những người này theo phe Stephen Đoàn nên luôn có thành kiến với bạn anh.
Cha Thành lại gần nhóm người đang xích mích, rồi cất giọng giảng hòa:
- "But God demonstrates his own love for us in this: While we were still sinners, Christ died for us." Romans 5:8.
Nhóm Giáo dân bất hòa ngớ người nhìn ông cụ mặt mày sầu khổ.
Họ đoán được đây là câu Kinh Thánh nhưng không hiểu là câu gì.
Nhưng thay vì dịch ra cho họ hiểu, Cha Thành trở lại vai trò một người Ngôn sứ của Chúa:
- Đức Jesus Christ chết vì chúng ta trên cây Thập Tự; còn ở đây, tôi thấy chúng ta đang chết vì nhau trên cây Thành kiến và Chia rẽ.
Rồi cụ nắm tay người cháu trai của cha nuôi và dẫn cậu ấy ra trước mặt nhóm Giáo dân đó:
- Có thể cho Linh mục Antonio Cao Nhật Vũ một sự đánh giá công bằng và khách quan nhứt không?
Ánh mắt hoe đỏ của Cha Thành đã làm lung lay bức tường thành trong lòng từng người.
Họ mạnh dạn bước lên thưa thiệt về những gì mà bản thân không hài lòng ở Antonio Vũ; và mỗi lần họ nêu ra một điểm không tốt, cụ dịu dàng phân trần giùm người Linh mục trẻ.
Khi những hòn đá Định kiến không còn trong lòng nhóm Giáo dân ấy nữa, hình ảnh một người Linh mục bình thường hiển hiện nơi tầm mắt họ.
Biết nhóm Giáo dân ủng hộ Linh mục Stephen Đoàn Ngọc Mỹ đã không còn ác cảm với cháu trai cha mình, Cha Thành lại nhỏ nhẹ rao giảng:
- "For Christ died for sins once for all, the righteous for the unrighteous, to bring you to God." 1 Peter 3:18.
Hồi đó, mỗi bận tôi bị người ta đổ thừa, Cha tôi thường an ủi bằng câu nói này.
Ignacio Cường bèn dịch câu Kinh Thánh trên sang tiếng Việt.
Một người Giáo dân đang ngồi ăn cơm gần đó nêu thắc mắc:
- Ủa, ông ơi, con thấy câu Kinh này đâu có ăn nhập gì với chuyện trên đâu?
- Ý của Cha nuôi tôi là, thay vì nghĩ tới những người đối xử thiếu công bình với mình, hãy dành tâm nghĩ tới Đức Jesus Christ đã chịu khổ hình một cách thiếu công bình ra sao và thái độ tiếp nhận của Ngài đối với cái ác thế gian như thế nào, rồi con sẽ mở được cánh cửa thứ tha và yêu thương trong tim mình.
Rồi Cha Thành đưa tay lên sờ gương mặt bị thay đổi của mình, kế cụ đặt tay lên phần bụng đã mất đi một trái thận, đoạn nở một nụ cười thật bác ái nhà Chúa:
- Tình thương và sự thứ tha có thể không làm người ác hoàn lương, cái ác biến mất; nhưng nhờ vào tình thương và sự thứ tha, chúng ta có thể ngăn chặn những hạt mầm của cái Ác - điều Bất Thiện phát triển...!
- Cháo nguội rồi Bố ơi...!Quẩy cũng lạnh tanh nốt...!Nước dừa gặp gió chua luôn...!
- Dạ, con nghe rồi cha già Quan Họ.
Cha đừng có ngồi đó ca trù nữa, con vô liền.
- Con mà không nói là Bố ca cải lương đến sáng.
- Thôi hai cha con đừng hò khoan nữa, cần hâm cháo không con làm cho?
- Cảm phiền con vậy.
Sau bữa ăn, hai cha con ghé nhà thờ thăm Chúa.
Nơi đây chẳng được tu sửa gì nhiều; vẫn là khung cảnh cũ và hàng ghế gỗ xoan mộc mạc, trên trần lắp thêm quạt năm cánh và dàn loa phát thanh.
- Dự biết sao Cha phải nói tiếng Anh không?
- Biết.
Nhằm thu hút sự chú ý của nhóm Giáo dân.
Đấy là một cách "đánh tâm lý chiến".
- Phải.
Cha Thành dẫn thầy Dự thăm lại ngôi nhà cấp Bốn mà cụ và cha nuôi từng sống chung, nay nó thuộc về con trai của anh Ba Cha Trung.
Từ ngày tiếp quản căn nhà, cậu Sáu cất thêm lầu và trồng bông ti-gôn nơi hàng rào sơn xanh nước biển.
Ngày xưa không có hàng rào kiên cố, chỉ phân ranh bằng những bụi bông bụp, cây trà hay các loại hoa cỏ khác, bây giờ ai nấy đều sắm sửa hàng rào kiên cố.
Tiếng hát của Hoàng Oanh trong ca khúc "Từ đó" của nhạc sĩ Anh Việt Thu càng khiến cảnh xưa thêm buồn muôn phần.
Hai người con của đất Mỹ Tho đã góp nhặt cho vườn âm nhạc Quê Hương vô vàn sắc hương tuyệt vời và đượm tình.
Rồi hình như sợ cụ không đủ buồn, chủ nhà hiện thời lại phát tiếp bản "Cuốn theo chiều gió" cũng do cô Oanh ca và ông Thu sáng tác.
Trời vừa mới ngớt mưa đã hớt hải mưa lại.
Giữa lúc hai cha con đang nhìn ngó xung quanh để kiếm chỗ đụt mưa, cổng nhà chú Sáu bỗng nhiên mở ra.
- Thưa hai ông, hai ông có muốn vô nhà tôi đụt mưa không?
Cha Thành phải công nhận gene nhà Cha Trung quá tốt, đời nào phái nam cũng na ná nhau hết.
Thầy Dự đáp hộ:
- Vâng, rất cảm ơn cậu.
Chú Sáu mời hai người khách lên võng nằm nghỉ lưng cho khỏe trong lúc đợi trời tạnh mưa, rồi xuống nhà sau pha trà đãi khách.
- Cái võng cũ chắc vục rồi...!
Thầy Dự gật đầu, rồi đưa mắt nhìn bàn cờ tướng đang đánh dở đặt trên cái bàn đá hoa cương.
Ông đến xem thế cuộc đang diễn ra như thế nào.
Thì thấy hai con Ngựa đang kiềm Xe và Pháo bên kia, chỉ chực một nước đánh hỏng là toi luôn cuộc cờ.
Bây giờ chỉ còn có nước xập Sĩ và chịu mất con Xe để bảo toàn con Pháo, kế đợi đối phương sơ hở mới xuất chiêu Song Pháo sát Tướng.
- Tôi có thể đánh với anh một ván không?
Chú Sáu đặt khay trà, mứt xuống cái đôn giả cổ, rồi mới quay qua nhếch miệng cười với người khách có đôi lông mày chữ Nhất:
- Thưa được, xin mời.
Thầy Dự đi theo đúng như những gì đã hoạch định trong đầu.
Chú Sáu cười hỏi:
- Anh tính bỏ Xe, giữ Pháo để đánh Song Pháo sát Tướng hả?
Thầy Dự chưng hửng, song im lặng đợi bạn cờ nhỏ tuổi nói tiếp.
- Cái thằng đánh cờ với tôi chuyên môn đi chiêu này.
- Thế cậu ấy đâu rồi chú?
- Giữ cầu rồi...!Ăn nguyên tô chuối chưng - nước cốt dừa quá "đát" nên đâm ra bị "xổ ruột".
Vợ chú Sáu đang ngồi coi truyền hình với bà nội bên chồng, nghe chồng mình đánh cờ với ai mà âm thanh chan chát như đánh kiếm thì tò mò ra ngoài xem.
Cha Thành thấy cái bụng bầu của thím Sáu thì sửng sốt hỏi:
- Vợ chú hả chú?
- Dạ, ẻm đó.
Hình như biết tuổi tác của mình đã cao mà lại có tin mừng về đường con cái, nên thím Sáu vừa xoa bụng vừa tươi cười nói:
- Dạ, Chúa cho thêm đứa con nữa...!
Cha Thành nhìn chú Sáu hỏi.
Ánh mắt cụ vẫn không thôi bàng hoàng:
- Nhiêu tuổi?
- Hơn năm mươi một chút.
- Mạnh dữ.
Cha Thành nói nhỏ rí mà chú Sáu vẫn nghe.
Cậu đỏ bừng mặt, rồi cũng lí nhí nói, "Quá khen."
- Hai người nói lớn đại đi, bày đặt nói nhỏ nhỏ mà ai cũng nghe.
Người vừa phát biểu câu trên là chú Út, mới vừa "ra tù".
- Nhẹ bụng rồi há? Để tao cho mày hai chục ra mua thêm tô chuối chưng y hệt vậy.
Chú Út bốc một miếng mứt mãng cầu bỏ vô miệng, rồi ngồi phịch xuống bậc tam cấp thứ nhì.
- Suốt ngày lông bông như...!con kỳ nhông.
- Vợ chồng ông lo đường con cái giùm tui rồi.
Tui lo chi nữa cho mắc công.
- Chúa ơi! Mày nói vậy mà nghe được hả mày?
- Miễn sao tui nghe được là được rồi.
- Mày giống tánh Cha Thành "thiệt" y chang...!
Do trời vẫn không ngớt mưa nên hai cha con xin phép nán lại thêm một chút nữa.
Đại gia đình họ Cao vui lòng chấp nhận.
Vậy là hai người đợi một lèo tới ba giờ chiều mới cuốc bộ về bãi đậu xe của Giáo xứ.
Nhưng hai người vẫn chưa thể rời khỏi Giáo xứ vì hai người Linh mục quản nhiệm nhờ ông soạn tài liệu cho buổi Lễ Chúa Nhựt tuần tới.
Trong lúc ấy, thầy Dự ra ngoài quán net chơi trò chơi điện tử yêu thích.
- Con cảm ơn Cha đã giải vây cho con.
Cha Thành vỗ vai người Linh mục u sầu, rồi day qua nhỏ giọng khuyên lơn Ignacio Cường:
- Con đừng nên trừng mắt với Giáo dân bất hòa.
Ignacio Cường cúi đầu thưa:
- Dạ, con biết lỗi rồi, thưa Cha.
- Giận quá mất khôn...!
Kế, ba cha con ra sau hè thưởng lan và ngắm minh mông sông nước.
Thảng hoặc, những chiếc xuồng ba lá, tác-ráng và đò nổi trôi trên mặt nước đục ngầu phù sa.
- Nhưng Cha thực sự cũng rất tò mò về Linh mục Stephen Đoàn Ngọc Mỹ.
Dung mạo có vẻ không được đẹp mắt cho lắm.
Có một gia đình nhờ Ignacio Cường đi thăm và làm Lễ cho thân nhân đang trong cơn nguy kịch của họ, nên anh lật đật cáo từ Cha Thành rồi khăn gói lên đường.
Còn lại Antonio Vũ, anh mời Cha Thành vô phòng mình nằm nghỉ lưng cho đỡ mệt.
Cụ cũng không khách sáo từ chối, bèn hăm hở theo chân con trai.
Thấy Cha đã say giấc nồng, Antonio Vũ len lén khép cửa phòng, rồi đón xe để tới bệnh viện mà Anton Nhân đang bị giam lỏng.
Thạch Sang đang điên cái đâu vì phải dạy cậu ta ăn nói sao cho khôn ngoan và đừng hành xử như con khỉ mắc phong.
Để giúp thần trí người cư sĩ Phật Giáo ấy bớt cực nhọc, anh quyết định sẽ phụ anh ta một tay.
Ước chừng sáu giờ hơn, Antonio Vũ mới từ "chiến trường không khói súng" về.
Anh vừa ghé phòng khám tư của một Giáo dân mua thuốc nhức đầu uống.
Đáng ra anh nên mua thêm bài thuốc hoạt huyết để ngừa chứng tăng-xông hay nhồi máu cơ tim bất tử.
Anh bây giờ đã tin trên đời còn có người cứng đầu hơn con bò và chỉ số IQ cũng chẳng cao hơn chúng được bao nhiêu.
- Cha ơi, khoan đi đã.
Con trai của nữ bác sĩ đưa cho anh cái bánh khoai mì và một chai nước suối chưa khui.
- Dạ, mẹ con nói Cha uống thuốc liền cho mau khỏi bịnh.
Antonio Vũ cười hiền:
- Ừm, cảm ơn con đã mang tới tận tay cho Cha.
Con về nói lại với ba mẹ rằng cho Cha gởi lời cảm ơn nghen?
Thằng nhỏ khoanh tay thưa anh và nói lời tạm biệt trước lúc quay về nhà.
Cha Thành đang ngồi đọc báo ở hàng ba trước đại sảnh ký túc xá.
Bên cạnh Cha là đứa con nuôi tên Dự, ổng đang ăn trái hồng và nghe thời sự trên một đài Youtube.
Hai cha con ngừng việc riêng và cùng nhau đứng lên nói lời cáo từ Antonio Vũ.
Mớ củi phơi ngoài sân sau chỉ được che bạt tạm bợ nên chắc đã đi tong rồi.
Không hiểu tại sao tâm trí họ lại bận rộn với đống củi không đáng giá là bao kia trong khi đang chuyện trò với cậu Linh mục "Sầu Đông".
Theo sự chỉ dẫn của Antonio Vũ, hai cha con men theo lối cỏ mòn để lần bước ra bãi đậu xe có mái che của bà con xóm Đạo.
Đi được chừng mấy mươi mét, thấy Bố đau chân - mỏi cẳng, nên ông con đất Bắc khuyên Cha đứng đợi ông đi lấy xe.
Sẵn gió mát trăng thanh, cụ liền đứng tựa gốc bàng già cỗi mà ngắm nhìn phong cảnh dễ thương nhưng man mác buồn ở chốn xưa.
Cố Phêrô Toàn đang ngồi coi mấy đứa cháu đá banh với xấp nhỏ trong xóm nơi bậc tam cấp, chợt thấy một người trạc tuổi mình đứng xớ rớ dưới gốc cây bàng thì lật đật chạy ra ngó.
- Cậu là ai? Sao lại vô đây? Có cần tôi giúp gì hôn?
Người trai kỹ sư công lộ kiêm thầy giáo dạy học cho đám nhỏ mồ côi năm nào nay đã trở thành một ông cụ phúc hậu và chậm chạp.
Quá đỗi xúc động nên Cha Thành ú ớ hoài mà không nói nên lời.
Đang lúc hai bên đang bối rối, con gái trong nhà hỏi vọng ra rằng ba đứng nói chuyện với ai vậy ba, cố Toàn mới trả lời đây là một người khách lỡ đường, thấy ngộ quá nên cụ muốn ra chào hỏi vài câu.
Đúng lúc đó, cụ chợt nghe câu bình phẩm của người trạc tuổi mình, "Đúng là "Toàn rảnh rỗi sanh nông nỗi."
Đương nhiên cố Toàn sao mà quên được thằng nhỏ đã đặt cho mình vô số cái "nick name": Toàn lo chuyện bao đồng/thiên hạ/nhà người ta.
- Thành đây hả con?
Cha Thành chưa kịp phân trần, đã nghe người thầy mà mình trọng như cha lên tiếng:
- Thề có Chúa, cái tật móc họng của bây đã giúp tao nhận ra bây dễ dàng.
Thầy Dự lầm bầm:
- Móc họng có tiếng luôn.
Rồi thầy Dự ngồi lên nắp ca-pô xe bán tải chờ đợi ông bố nhiễu sự.
Cố Toàn sợ thằng học trò nhỏ dông mất, nên cứ giữ rịt nó lại bằng cách hỏi han đủ điều.
Sợ ông bô lắm lời sinh vạ miệng thì khốn, thầy Dự bèn ngỏ lời mời cố Toàn đi ăn với mình và Bố Thành.
Cố Toàn thoáng ngần ngại giây lát, rồi cũng tặc lưỡi ưng thuận.
Trước khi leo lên chiếc xe Ford bán tải của hai cha con thằng Thành, cố Toàn vô nhà báo cho người thân hay.
Cụ còn nhờ thằng cháu trai lén ghi hình lại biển số xe cho chắc ăn.
Cố Toàn ngồi băng sau với Cha Thành.
Thấy cố loay hoay hoài mà không sao cài được dây đai bảo hộ, đứa học trò nhỏ mới cúi xuống cài giùm.
Hai người đều đã có mùi già, da trổ đồi mồi, mắt lắm chân chim, đầu sắp hói hết và nếp nhăn trên gương mặt hằn rõ như điêu khắc.
Nhớ lại dĩ vãng xa xưa, không hẹn mà cố cùng thằng con "nước lã" nhòa lệ.
Tức cảnh sinh tình, Simon Tử mở bài hát "Trở về dĩ vãng" của hai tác giả Lâm Tuyền - Hoàng Vĩnh Lộc và do Sĩ Phú trình bày:
"...!Bao nhiêu ngày Xuân
Đau thương sầu mộng chờ giai nhân
Bao nhiêu Xuân qua, bóng em mờ đắm
Bao nhiêu Thu qua
Nỗi đau còn mãi không phai..."
- Dự ơi Dự, con "chơi" Cha hả Dự?
- Không, bỗng nhiên con nhớ tới mối tình đầu của mình thôi.
Con là dân Bắc nên hồi xưa thường hay hát cho nàng nghe theo tông giọng Duy Trác hoặc Anh Ngọc.
Cố Toàn bật cười và cất giọng góp vui:
- Lâm Tuyền - Dạ Chung (Hoàng Vĩnh Lộc), Trần Trịnh - Nhật Ngân, Song Ngọc - Vọng Châu (Hoài Linh) và Đoàn Chuẩn - Từ Linh là những đôi nhạc sĩ hợp tác viết nhạc thành công nhứt.
Trên quãng đường đi ấy, cố Toàn rất mừng rỡ vì đã xác nhận được đây đúng là thằng Thành mà cụ và cố Giám Mục Vincent Trung coi như con trai ruột.
Nhưng trong mừng có lo, vì người đàn ông tên Dự vẫn chưa chịu dừng xe ở đâu; tính ra đã hơn một tiếng đồng hồ.
Đâm hoảng, cố mới ướm hỏi:
- Nhà hàng, tiệm, quán nào mà xa xuôi dữ vậy cậu Dự?
- Sắp đến rồi cố ơi.
Nhà hàng này ở tận bên quận Hai nên hơi xa tí.
Cố Toàn thôi không hỏi dọ mà làm thinh lần chuỗi Mân Côi.
Thay vì đi một đường tới quận Hai, thầy Dự lại chọn những con đường vòng vèo và tuy ở đô thành nhưng ánh phồn hoa không soi rọi đến để phát cơm cho những mảnh đời "Áo vũ cơ hàn".
Vì mỗi phần gồm bò la-gu ăn với bánh mì baguette và rau củ xào đồ biển nên để lâu không sợ bị oi thiu, thành ra Mục sư Kỳ Anh mới yên tâm giao cho Bố và ông đi phát muộn.
Với trẻ em, thai phụ, người đau yếu, tật nguyền hoặc cao tuổi, họ sẽ biếu thêm sữa pha sẵn dạng lốc hoặc sữa bột tự pha; người bỏ tiền ra mua sữa là Mục sư Vĩnh Đức, Trung Hiếu, Vỹ Khiêm và Thanh Tân.
Cố Toàn vừa ngắm hai cha con thằng Thành vừa mủm mỉm cười.
Quả không uổng công dưỡng dục của Cha Trung, từ một đứa bé đầu đường xó chợ ngỗ nghịch nay đã trở thành một người có tấm lòng bác ái đáng quý và mến phục.
Tới một nhà nọ, cố Toàn hỏi:
- Anh đây bị chi vậy?
Người thanh niên chỉ vô cái chân bó bột trắng xóa mà trả lời:
- Dạ, con mới bị té xe.
Đã vậy chủ không thương còn bắt con đền tiền hàng cho ổng.
Cố Toàn động lòng thương nên gởi cho vài trăm dằn túi.
Người trai đó rối rít cảm ơn, rồi khụt khịt mũi như thể ngăn không cho cơn xúc cảm trào dâng mà hóa thành hai hàng nước mắt.
Từ căn nhà tù mù cuối đường, tiếng hát Ngọc Lan trong bài "Xóm đêm" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương như cất lên tâm sự của bà con quanh năm lam lượm bạc cắc.
- Nhiều người hay bị lộn lắm, "Đêm khuya ngõ xâu như không mầu", chớ không phải "Đêm khuya ngõ sâu như không màu"; chữ "Xâu" ở đây mang hàm nghĩa "Các con hẻm đan cài, xen tiếp với nhau tạo thành một tổng thể vô sắc", còn chữ "Mầu" là nguyên văn của tác giả.
Cố Toàn nghe con trai nói mà cười và nhớ về Cha Trung; thuở còn sanh thời, Cha thường hay ôm cây đờn guitar ra ngồi hát trên lan-can hàng ba của nhà thờ, ngày đó xứ Đạo còn nghèo nên giọng ca tài tử của Cha đã giúp đời sống tinh thần của đàn Chiên thêm sức sống và vui tươi.
Mới đó mà đã ngót hàng chục năm ròng...!
Xong xuôi hết thảy, thầy Dự mới chở Bố và ông cố Toàn đến nhà hàng mà chú Thương cùng anh em giang hồ hùn vốn gầy dựng.
Chú Thương đang ngồi trên cái ghế cỡ lớn đặt nơi đại sảnh, mắt dán chặt vô màn hình điện thoại, tai đeo Airpods; bữa nay chú bận áo thun ba lỗ kiểu thể thao và mặc quần jeans xanh, chân đi giày Skechers rất thời thượng.
Bây giờ thầy Dự mới có dịp nhìn rõ vẻ ngoài của chú Thương: Chú bấm lỗ tai trái, xỏ khuyên họa tiết nhành nguyệt quế; trên bắp tay phải xăm hình đầu sói đang ngửa cổ tru; điểm chung hiếm hoi mà chú tìm thấy ở người này và em trai là cả hai đều xăm mình.
- Dẫn ông bố đi đâu đây anh Dự?
- Ghé ăn ủng hộ chú và các bạn...!
Chú Thương rước ba người vô nhà hàng, rồi chọn cho họ một căn phòng có cửa sổ nhìn ra một góc phố thương mại sầm uất, rộn rịp nằm tuốt trên lầu Ba.
Sau khi giới thiệu những món ăn đặc sắc nhứt của bổn quán, chú mới trở xuống nhà dưới và tiếp tục ngồi đợi người khách đã hẹn với mình.
Sau một hồi cân nhắc, hai người lớn tuổi gọi Coke Diet, còn người trẻ tuổi hơn thì kêu một chai bia ít cồn.
Về phần đồ ăn, họ chọn cua sốt ớt, tôm sú rang trứng muối, cá chẽm hấp đẳng sâm, mỳ xào chay và cải thìa luộc.
Dẫu biết thằng nào cũng già, cũng có bệnh riêng cần kiêng cử một số loại thực phẩm nhưng cái miệng với cái bụng của từng đứa không chịu nhớ lời khuyên của bác sĩ.
- "Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé?"
- Vô duyên...!Tao đang rầu thúi ruột, mày còn ca bản "Anh cứ hẹn" của nhạc sĩ Anh Bằng và thi sĩ Hồ Dzếnh.
Người đàn ông trạc tuổi chú Thương vẫn vừa đứng dẹo qua dẹo lại vừa hát hò om sòm.
- Cái mặt như quỷ mà suốt ngày cứ nhái Như Quỳnh.
Mấy cô Lễ Tân che miệng cười khúc khích.
Ba người đang chè chén no say, gia đình cố Toàn không yên tâm nên gọi tới hỏi thăm.
Không muốn để người nhà lo lắng, thắt thẻo trong dạ, cố đành ngỏ lời kết thúc bữa cơm rất nhiều kỷ niệm với cha con thằng Thành.
Hai cha con nó cũng không nỡ làm cố khó xử, liền nhấn chuông gọi bồi bàn lên tính tiền.
Sẵn được Judas cho hai ngàn đồng xài chơi, nên Cha Thành giành trả tiền bữa cơm, chỉ chịu để thầy Toàn và con trai lo tiền "boa".
- Bố con nay có tiền tiêu vặt rồi nên chi thoải mái lắm.
Cố Toàn nghe vậy nhưng không nhiều chuyện hỏi nguồn gốc của xấp tiền đó ở đâu ra.
Cố đợi cho hóa đơn và tiền thối đã được đưa tận tay thằng Thành, mới đặt vài món ngon đem về cho gia đình và cha con chú Tám Què.
Giờ thì nó hết kịp trả tiền giùm cố.
Bận về mau hơn bận đi vì không còn phải ghé dọc đường nhiều lần nữa.
Duy chỉ có một lần ba người phải dừng chân một lát vì cố Toàn thấy một gia đình vô gia cư ngồi co ro dưới gầm cầu tội nghiệp quá nên cậy thầy Dự trao đồ ăn - thức uống và ba trăm đồng cho họ.
Đồ ăn - thức uống mà nguyên đám trao tặng không phải mua từ nhà hàng ban nãy mà là tại một quán cơm tấm rất ngon nằm cách cây cầu này không xa.
Thay vì đi qua cổng chính của Giáo xứ, cố Toàn lại chỉ cho họ một con đường tắt nằm đâu mặt với Quốc lộ 24.
Phía cảnh sát và bà con hồ nghi kẻ chỉ chỗ phi tang xác chết là một người trong xóm nên mới biết con đường tắt này.
Bỗng nhiên ba người nghe thấy giọng ai đó ngân nga sau luống mía cao nghệu và chưa bẻ.
Không hẹn mà những người đàn ông già đời cùng nhau hấp tấp đi về phía ấy.
Đó là bài hát đã bị lãng quên "Thầm gọi tên nhau trên chiến trường" của nhạc sĩ Phạm Duy, người hát là Anh Ngọc:
"Thầm gọi tên mày!
Thầm gọi tên tao!
Thầm gọi tên nó!
Những thằng tốt đen trong cuộc đời..."
Người phế binh già lê cái chân què lại gần luống mía cao nghệu.
Giọng ca trầm hùng của người ca sĩ Bắc Kỳ cũng đi theo ông ta.
"...!Thầm gọi tên mày
Thằng bạn của tao
Mày vừa ngã xuống
Hỡi mày chết đi cho người đời
Còn sống yên trong nụ cười
Gọi tên mày!
Gọi tên tao!
Gọi tên nó!
Gọi tên nhau, suốt đời..."
- Ủa, cố Toàn?
- Con Liễu sao rồi con?
Ông ta mím môi:
- Dạ, nó cũng y như vậy.
Băng nhạc "Trần Ngọc Đức 2 - Tình khúc ngày xanh" đang phát tới bản nhạc "Mùa Thu không trở lại" của nhạc sĩ Phạm Trọng và cũng do Anh Ngọc ca.
Có vẻ như cô Liễu đã tua băng lại.
Cố Toàn sợ cô Liễu gặp mình và hai cha con thằng Thành sẽ tái phát bịnh điên nên vội vàng trao mấy bịch đồ ăn rồi cất giọng cáo từ.
Biết được đây là nạn nhân của cái đám giết người năm xưa, Cha Thành ứa nước mắt.
Nghe đâu con nhỏ bị chúng giam cầm và tra tấn suốt một tuần liền...!
oOo
Bữa nay Mười Anh dẫn Judas ghé thăm gia đình Hai Nghĩa.
Ngôi nhà một lầu ấy đối diện với bờ hồ quanh năm liễu rũ và xanh mát bóng đại thụ dày lá.
Tuy diện tích không được nhiều nhưng anh Hai vẫn dành ra hai khoảng đất để làm sân trước và sân sau; hai mảnh sân này nối liền với nhau bằng một lối đi bên hông trái ngôi nhà, bề ngang của con đường đó ước chừng hai mét.
Chỗ để xe nằm dưới tầng hầm "lộ thiên"; nơi đây còn có "vai trò" là nhà kho, phòng giặt ủi - phơi sấy và góc sửa đồ điện - cất đồ nghề đủ món của anh Hai.
Sau khi giúp Judas đậu xe ngay ngắn dưới tầng hầm, Hai Nghĩa rước em trai và người bạn Nam Mỹ vô nhà thông qua lối cầu thang dẫn thẳng lên gian bếp trang hoàng đầy hoa tươi.
Bé Hải đang ngồi coi chương trình "Chuyện ngày xưa: Cha đỡ đầu" do nhóm kịch "Líu Lo" thủ diễn; vừa xem hài thiếu nhi vừa ăn trái cây dĩa.
Còn Minh Tâm thì đang lui cui nấu nướng, trên cái bàn nơi quầy bếp đầy nhóc rổ, rá và nồi, niêu, xoong, chảo.
- Ủa? Chú Mười, anh Judas...!
Không đợi ba mẹ la, bé Hải đã bỏ cái dĩa xuống bàn, rồi lật đật đứng dậy và khoanh tay dạ thưa từng người.
- Chú Mười cho con nè...!
Đôi mắt bé Hải sáng rỡ khi thấy bịch bánh kẹo trên tay chú Mười:
- Oa, con cảm ơn chú Mười nhiều!
Minh Tâm nhăn mặt nói:
- Con phì lũ rồi đó.
Mười Anh nói đỡ:
- Dạ, con nít mà chị, ăn nhiều chút cũng đâu có sao.
Minh Tâm chỉ biết cười trừ, rồi đon đả mời hai người ở lại ăn cơm trưa với gia đình mình.
Chị còn "chiêu dụ" bằng cách giới thiệu thực đơn bữa nay, gồm có canh măng giò heo, khổ qua xào hột vịt, cá nâu chiên giòn và tép chấy dừa.
Từ chối không được, hai người đành phải "tuân lệnh".
Chỉ chờ có vậy, Minh Tâm xách xe ra chợ mua thêm ít đồ ăn tươi sống để về chế biến đãi đằng hai người.
Hai Nghĩa nêm lại nồi canh măng giò heo, rồi chỉnh lửa gas ở mức riu riu trước khi lên nhà trên chuyện gẫu với em Mười và anh bạn Ba Tây.
Judas hỏi:
- Nhà mình lắp máy điều hòa hả Micae?
- Đáng ra mua máy lạnh, nhưng sợ thời tiết trái gió bất chừng nên mua máy điều hòa.
- Anh có muốn xây thêm nhà thờ không? Tôi có thể tìm nguồn tài trợ cho.
Hai Nghĩa thấp giọng từ chối, anh viện rằng anh em đã quen làm việc với nhau dưới một mái nhà.
Từ chữ "Mái nhà", Judas sực nhớ tới chữ "Mái trường", gã vui vẻ giới thiệu:
- Ứng dụng "Khan Academy" dạy học rất hay.
Nếu nghe không kịp, hãy bật tính năng "Transcript", nó sẽ hiển thị hội thoại cho mình đọc.
Hai Nghĩa nghe vậy thì rất vui.
Anh cùng vợ đang muốn tìm tài liệu và chương trình học tiếng Anh để bổ túc kiến thức đặng sau này dạy con và các em nhỏ hiếu học cho dễ.
- Thậm chí ứng dụng này còn dạy cả thảo trình và một số thủ thuật cho máy tính.
Chưa kể tới là mục tìm hiểu Lập Pháp, Tư Pháp, Hành Pháp và cách xây dựng - thành lập chánh phủ của Hoa Kỳ.
Mười Anh cũng muốn tải về học nhưng ngặt vốn liếng tiếng Anh quá eo hẹp thì làm sao mà hiểu nổi, nên trong bụng vô cùng muộn phiền.
Như hiểu được nỗi âu sầu của Manuel, Judas liền trấn an rằng:
- Không hiểu thì tra cứu trên Google Dịch và tự điển Anh - Việt.
Hai Nghĩa cũng nói vài lời cổ vũ em trai:
- "Kiến tha lâu cũng đầy tổ" mà lị.
- Dạ.
Hai Nghĩa nhìn bịch bánh kẹo mà nhớ tới anh bạn nhỏ Alain.
Anh mới hỏi Judas về chuyện ai là người đang cấp tiền nuôi dưỡng nó, ngoài chánh phủ Hoa Kỳ ra.
- Nó đi làm thêm để trang trải cuộc sống.
Một giờ mười lăm đồng, làm ở McDonalds.
- Chúa ơi, nó còn kiếm được nhiều tiền hơn tôi.
Hèn chi nó gởi bưu kiện lớn như vậy nổi.
Judas bật cười:
- Nó giỏi lắm.
Mới có chút xíu mà đã chơi cổ phiếu và tiền điện tử, chứ không phụ thuộc vào số tiền mà ba nó để lại.
Hai Nghĩa vừa rót trà cho mỗi người vừa hỏi:
- Sao nó thương em Mười tôi dữ vậy Judas?
- Bởi vì chúng tôi đều là trẻ mồ côi như nhau.
Mười Anh xúc động mà nói:
- Hy vọng trong tương lai tôi có thể đãi nó một bữa cơm và nói chuyện với nó bằng tiếng Anh lưu loát.
oOo
Lối chừng bảy giờ sáng, chú Thương ghé chùa Khánh Hỷ để thông báo chuyện giấy tờ của con trai Phá Vân.
Má của hai anh em cũng đi theo nữa.
- Trời, sao cậu giỏi dữ vậy cậu Thương? Tôi lo cô đó kiếm chuyện làm tiền mới "xì" giấy tờ của thằng nhỏ ra.
Chú Thương vui vẻ thuật lại chuyện hăm dọa đôi vợ chồng sống thiếu đức đó rằng chú sẽ mượn người đưa việc kết hôn giả của người em chồng chị ta lên Sở Di Trú Hoa Kỳ.
Nửa sợ cô em chồng ở tù và bị trục xuất về Việt Nam, nửa khấp khởi hy vọng con trai nuôi sẽ bảo lãnh mình sang Mỹ nên chị ta ưng thuận trao hết giấy tờ cho chú.
Nghe thằng Hai nói xong, mợ Hai đập nhẹ vô vai nó mà bình phẩm:
- Mày côn đồ như vậy hèn chi nó bỏ mày...!Nhìn thằng em mày kìa...!
Chú Thương xụ mặt:
- Phải rồi, con côn đồ, con du đãng, con hành xử giang hồ nên giờ này con mới có cơ ngơi để phụng dưỡng má, chứ như đằng kia...!
Trì Thương nhìn anh Hai mà lắc đầu cười.
Mợ Hai trách:
- Má đặt tên cho hai đứa: Thương - Thảo, tức là "Yêu thương lẫn nhau" và "Hiếu thảo mẹ cha".
Có một đứa con gái mà cứ kết thù trong lòng, há có giống khùng không?
- Ai biểu má đụng vô vết thương lòng của con?
Mợ Hai liếc thằng Hai mà bĩu môi nói:
- Lòng lang dạ sói mà cũng có vết thương.
Trưởng lão Như Phong tính gọi Trì Thương đi khất thực cùng các huynh đệ trong Tăng đoàn, nhưng đã bị mợ Hai cản bước.
Bà lại gần cụ và chắp tay thưa rằng bữa cơm trưa nay sẽ do bà cúng dường; bà dặn sẽ quay lại đây vào lúc mười giờ rưỡi.
Cụ chắp tay thưa lại thay cho lời đồng ý.
Như Phong biểu các đồ đệ đi cất y bát, rồi dẫn học trò đi quán sát thế gian để cùng nhau chiêm nghiệm lẽ Vô Thường ở đời này.
Địa điểm mà Tăng đoàn dừng chân đầu tiên là một xóm lao động nghèo.
Chưa vô sâu trong xóm mà đã ngửi thấy mùi đốt rác khen khét muốn ói.
Nhìn những đứa trẻ thất học đang chơi đồ hàng dưới bóng mát của cây bồ đề, Như Phong thương quá là thương.
Cụ lần bước tới chỗ sắp nhỏ rồi chắp tay hỏi:
- Này các con, các con có muốn đi học không?
Một đứa trẻ mặt mày láu cá bước lại gần hỏi:
- Đi học với đi tu cái nào sướng hơn ông?
- Đi tu "mượn danh nhà Phật" để kiếm sống thì rất là nhàn hạ và còn được ăn trên ngồi tróc như vua chúa.
Còn đi tu Nguyên Thủy Phật Pháp, trong mắt phần đông người đời, thì rất cực khổ, hành xác và ngu muội.
- Vậy tu chi cho khổ ông?
- Khi con bước chân vào Dharma, con sẽ không còn khổ hay bị gông xiềng thế gian trói buộc nữa.
- Ông giải thích rõ hơn được không?
- Con ăn cá thấy ngon, con có thể làm cho ông cảm nhận được cái ngon mà con đã từng nếm qua chỉ bằng vài câu miêu tả không?
- Dạ không.
- Cũng vậy thôi, hương vị của Dharma không thể diễn tả bằng văn bản hay hội thoại, chỉ những người đã nắm giữ nó mới cảm nhận và hiểu thấu mà thôi.
Thấy đứa bé vắt óc suy nghĩ lời ăn tiếng nói sao cho kháy được mình và các đồ đệ tới nỗi mặt mày méo mó khó coi, Như Phong thầm thương hại nó còn nhỏ mà đã tự rước Ác Nghiệp về mình.
Nỗi đau đó khiến ông vuột miệng nói:
- Sadhu, sadhu...!
Tạm biệt những đứa trẻ, Tăng đoàn ghé nhà một bà lão lượm ve chai để trao món tiền mà má của Trì Thương biếu tặng.
Thể theo lời dặn của má và anh Hai, Trì Thương nhắn bà lão ghé quán cà-phê "Giấc mơ Mùa Đông" để lấy ve chai và thùng giấy.
Một người đàn ông thất nghiệp sống ở kế bên nhà bà lão tình cờ nghe được câu chuyện, bèn đợi Tăng đoàn từ giã bà lão để rước vô nhà nói chuyện chơi.
Như Phong mở lời trước:
- Không cần tốn công pha trà nước đâu thí chủ.
- Dạ.
Trì Thương quan sát sắc diện và hình tướng của vị thí chủ đó một đỗi.
Chú hơi bận tâm tới cái khóe miệng trễ xuống và đôi mắt lắm vết chân chim dù tuổi đời chỉ mới ngoài ba mươi một chút của vị thí chủ đó.
Sau một hồi loay hoay kiếm chìa khóa để mở cửa hậu, rốt cuộc anh ta cũng tìm thấy nó.
Không phải ở đâu hết trong căn nhà, mà là trên cần cổ anh ta!
- Đây, mời chư Tăng ra sau hè ngồi chơi.
Lần lượt từng người Tăng sĩ bước qua ngạch cửa trong tư thế chắp tay và cúi đầu chào anh ta.
Ở đây có hai cây ổi rừng rất cao và sum sê.
Loại ổi này còn gọi là ổi chim ỉ* vì giống cây đó do chim đem từ phương xa tới.
Vừa với tay ngắt những trái ổi trông ngon nhất, anh ta vừa kể sơ chuyện đời mình.
Nghe xong mới hay tin anh ta mới bị sa thải cái sột, đã vậy còn làm ăn thua lỗ, nên vừa trắng tay mà còn phải gánh số nợ lớn.
Chưa kể tới là căn bệnh nghi thần nghi quỷ mạn tính không sao dứt được, cứ hễ gặp ai anh ta cũng đều sinh tâm nghi hoặc người này hãm hại hoặc đi nói xấu mình.
Lời anh ta vừa dứt, Trì Thương đã nêu những gì mình thấy trong thần trí anh ta:
- Lời nói gió bay trên mạng, há sao thí chủ lại tự ôm vào lòng? Hệt như thí chủ thấy một cuộn dây thừng, thay vì bước qua hoặc né tránh nó, thí chủ lại đứng chựng lại và nghi thần nghi quỷ rằng có kẻ muốn hại mình nên mới để cuộn dây ở đây.
Người ta chỉ thí dụ chung chung, thí chủ có tịch nên giựt mình rồi đâm ra thù oán và cứ ôm cái cục đá Sân Hận hoài trong lòng.
Biết anh ta đang cần một công việc, Trì Thương bèn biểu anh ta gọi điện thoại cho anh Hai chú để xin vô làm.
Trưởng lão Như Phong để Trì Thương ở lại giúp anh ta xin việc.
Trước khi tiếp tục cuộc hành trình, cụ dặn dò đồ đệ hãy để mọi chuyện Tùy Duyên.
Ngang qua con đường vắng, Phá Vân thấy một người đàn ông đang lui cui sửa chiếc xe Taxi.
Chú bèn xin nán lại sửa xe giùm ông chú đó.
Nhóm Tăng chỉ còn lại năm người bước qua một cây cầu dừa.
Bước chân của Hoàng Kỳ không vững vì thân hình vạm vỡ của chú.
Còn cách bờ chỉ có vài bước, chú bị trợt chân, nhưng may được ba người bạn đồng tu nắm lấy kéo lại, nên không bị rớt xuống mương.
Như Phong nhìn các trò bằng ánh mắt quyến luyến, rồi ngước mặt nhìn vòm trời trong xanh trên đầu, với cụ đã không còn khoảng cách nữa...!
Hoàng Kỳ và Phú Lâm ở lại một ngôi nhà đang thiếu người khiêng đồ đạc.
Còn Thủy Diệu thì hướng dẫn và cài đặt giùm các nhu liệu cần thiết cho chương trình học tập của một nhóm sinh viên.
Chỉ còn Như Phong và người đệ tử gắn bó lâu năm sóng vai nhau trên vỉa hè cạnh con đường nhựa tráng chưa phai mùi.
Nhưng chưa đi được bao lâu, một người đàn ông thần sắc u ám ngồi vắt chân tréo nguẩy ngoắc hai người Tăng sĩ Theravada lại.
Sau một hồi nói bóng nói gió, nói xa nói gần, rốt cuộc ông ta cũng chịu thể hiện sự bất mãn về đức tin nơi tâm thức ra.
Châu Lợi cười hỏi:
- Rốt cuộc thí chủ tin theo triết lý Đạo nào? Hay là vô thần? Hoặc thấy cái nào hay thì nghe theo và thực hành?
Ông ta không đáp, mà lại hỏi sang chuyện tiền kiếp - hậu kiếp.
Và Châu Lợi vẫn là người đứng ra trả lời:
- Có kiếp sau hay là không có kiếp sau, nếu như tôi nói có mà thí chủ nói không có, vậy một trong hai chúng ta lấy cái gì để chắc chắn lời mình nói là đúng?
Như Phong cười hiền:
- Một số người trải qua những trường hợp đặc biệt, họ thấy những điều mà rất nhiều thí chủ chưa từng diện kiến, nếu họ nói ra thể nào cũng bị chụp mũ "hiện tượng ảo giác trong Y Khoa", "khùng điên", "sử dụng chất kích thích",...!
- Tôi muốn biết có chuyện tranh giành quyền thống lãnh Tăng đoàn sau khi Đức Phật tạ thế hay không...!
Như Phong trả lời:
- Nếu như tôn giả Ma Ha Ca Diếp thực sự muốn tranh giành quyền thống lãnh Tăng đoàn, ông ấy đã không nói lời từ chối khi hai người bạn đồng tu là Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phật đánh tiếng mời - Khi đó Đấng Thế Tôn hãy còn tại thế.
Sau khi Ngài qua đời, ông chọn con đường Bảo Thủ, còn những Tỳ-Kheo ly khai Tăng đoàn thì chọn con đường Tân Tiến; không biết tự bao giờ mà họ nói con đường của ông là Tiểu Thừa, còn bên kia là Đại Thừa, rồi từ đó hai bên xa cách nhau muôn ngàn dặm và cũng vì lẽ đó mà rất nhiều Tăng - Ni đã bị hoặc cố tình lạc đường.
- Còn tại sao một người lại trổ bịnh?
Châu Lợi đáp rằng:
- Không phải tự nhiên mà một người trổ bịnh đâu thí chủ.
Rồi trước cái nhìn không mấy thiện cảm của ông ta, Châu Lợi dần dấn bước vô tâm thức ngổn ngang và nhiều sai trái của ổng:
- Bởi lẽ, một con người luôn nghĩ kế làm giàu bất chánh sẽ rước cái Nghiệp bất an vô người và tương lai sẽ nhận lãnh cái Quả nhìn đâu cũng sợ và nghi thần nghi quỷ không đáng có, có thể kèm theo cả mê tín dị đoan và mưu sát người khác.
Nói cụ thể như những người bị đẹn, có một số người không phải do ăn đồ cay - nóng mà vẫn nổi, nguyên do là vì thần kinh họ bị căng thẳng, lo âu, tính toán và bực tức, đó là bịnh do Nghiệp sanh ra.
- Sao thầy biết chắc được chớ?
- Bởi những người đó là ba và bà con tôi mà.
Hễ lúc nào đơn hàng không xuất cảng được, ba tôi lại bị nổi đẹn; còn bà thím bên ngoại tôi, cứ gần giỗ quải là lại bị y như vậy, do rầu lo không biết nên cúng kiếng cái gì, liệu có hụt tiền ăn tháng này không, mấy đứa con có về thăm không, rồi chỗ đâu cho tụi nó ngủ,...!
Và Như Phong tiếp:
- "Nghiệp" ở đây ám chỉ hành vi và suy nghĩ tiêu cực, chứ không phải mang nghĩa làm ra những chuyện thương thiên hại lý hay khó chấp nhận được.
Nghiệp là Nguyên nhân, Lý do và Nguồn cơn; còn Quả là cái Hậu quả, Kết quả và Kết cục.
Tới phiên Châu Lợi nói:
- Có nhiều người không tin càng gây Nghiệp ác thì về già khó hưởng cuộc sông thanh bình và cái chết êm đềm.
- Sao tôi thấy mấy thằng khứa tham nhũng có bị gì đâu?
- Người ngoài phần đông nhìn vào chỉ thấy đống tiền và cuộc sống xa xỉ, không cần làm đụng tới móng tay của họ, nhưng nào biết có khi họ đang sống trong đau khổ cùng cực.
Bởi vì mình thì bị thiên hạ lôi đầu ra chửi quanh năm suốt tháng, con cái được mấy người biết quý cơ hội mình có mà ra sức học hành và phấn đấu sống chân chánh...!
- Thôi thà bị chửi mà có tiền sống sướng thân, thiên hạ vẫn trọng người có tiền hơn.
- Thí chủ đã từng chửi không biết bao nhiêu người vì đã xã giao với thí chủ chỉ vì tiền phải không?
- Vậy do đâu mà tôi ra nông nỗi này?
- Tâm của thí chủ là cục nam châm và tấm gương, thí chủ đã tự chiêu những người đó về phía mình.
Những người thương yêu khuyên bảo, chỉ đường ngay - lối phải cho thí chủ đi, thí chủ biểu họ là "hạng thầy đời", "quân tử Tàu", "đồng lõa với đám đó", "nói chuyện nghe mắc ghét"...!nên lâu dài họ nản họ mặc xác thí chủ muốn làm gì thì làm.
Rồi những phường điếm đàng biết thí chủ ưa nịnh và thích mọi người hùa theo mình nên ra sức thổi lỗ tai và vuốt lưng; cái Nghiệp đói rách, gặp toàn thứ lừa thầy - phản bạn,...!là do thí chủ tự tạo ra chứ Ông Trời nào có tội tình gì mà phải bị thí chủ đem ra đổ thừa.
Ông ta toát mồ hôi mẹ, mồ hôi con.
Có lẽ người Tăng sĩ đáng tuổi con trai ông còn biết ông đã bị đám đồng cô - bóng cậu gạt mua bùa ngải chiêu tài.
Ông sợ hãi chắp tay bạch:
- Nhưng trong kinh điển có nhắc tới ai tạo Nghiệp mà về già chịu khổ như vậy không Thầy?
- Đề Bà Đạt Đa.
Ông ta khẩn khoản nài xin Châu Lợi cứu mình.
Song người Tăng sĩ họ Hồ ấy chỉ cười buồn mà trình bày như vầy:
- Thí chủ vốn dĩ đâu muốn tìm hiểu điều chi, mà chỉ muốn gây hấn, thì tôi nói nữa để làm cái gì? Nói cho thí chủ dễ hiểu: Tỷ như một người thật lòng muốn hỏi tôi rằng uống nước ngọt có tốt không, tôi sẽ giải thích cặn kẽ cho người đó hiểu; ngược lại, nếu chỉ muốn hỏi cho biết, tôi sẽ trả lời ngắn gọn là "Không tốt", bởi tôi biết có nói tới đâu đi chăng nữa thì người đó vẫn khư khư ôm quan điểm và lý lẽ của mình chứ không chịu lắng tai nghe tôi phân tích.
- Đó là lý do tại sao mà suốt bao nhiêu năm qua các Thầy không tổ chức hoằng pháp phải không?
- Phải, chúng tôi làm theo tôn chỉ của tôn giả Ma Ha Ca Diếp.
- Tôn chỉ gì cơ?
Châu Lợi chỉ cười mà không nói.
Như Phong thấy thương hại người đàn ông lo tranh đấu với đời để kiếm tiền nuôi gia đình nội - ngoại hai bên, nên đưa cho ổng một cái lá bồ đề, và dặn hãy làm theo lời nhắn đã ghi ở đó.
Áng chừng chín giờ rưỡi, Tăng đoàn mới quay gót về chùa.
Con trai của Phá Vân, con trai của ân nhân ông Thu và sa-di đã hoàn tục Tố Nguyệt đang dọn mâm sắp chén trên bộ ngựa; còn Vệ Thu và gia đình Trì Thương đang ngồi chơi trên đó.
Thím Hai đãi mọi người món sườn khìa nước cốt dừa, gỏi bồn bồn ngâm chua, cá tai tượng chiên xù, canh chua bông so đũa nấu với tép mòng, nghêu kho sả - ớt, cải ngồng luộc và khổ qua xào hột vịt; biết con trai sẽ không ăn cá, tép và nghêu nếu như mình mua lúc chúng còn sống rồi nhờ người bán mần sạch hoặc về tự làm, nên mợ Hai chọn mua đã mần sẵn, thằng Hai cũng có phụ bà nấu nướng một chút.
- Tôi có nấu cho cậu Út một nồi nước rễ tranh, mã đề và mía lau...!
- Dạ, em cảm ơn anh Hai.
Chú Thương khoát tay, tỏ vẻ không thích cử chỉ khách sáo của đứa em song sinh.
Trong bữa cơm, con trai của Phá Vân và người anh kết nghĩa giang hồ kể lại những tháng ngày truân chuyên nơi đất Việt.
Mẹ ruột của nó đã bỏ nó cho người má nuôi, người má này coi nó như thằng ở không lương nên nó chịu không đặng mà trốn nhà đi bụi, lang thang đầu đường xó chợ, rày đây mai đó suốt mấy năm liền.
Sau này may gặp người anh nuôi, được anh ta bảo bọc và cho đi học chữ ở lớp tình thương nên mới biết đọc, biết viết và làm toán lớp Bảy.
Đang kể tới đó, Nguyễn Quý Sinh xen vô:
- Dạ, ẻm thông minh lắm đó quý vị.
Tuy mới mười tuổi rưỡi nhưng đã làm được toán lớp Bảy, thầy Hiếu khen ngợi suốt.
- Thầy Hiếu? Mục sư Nguyễn Trung Hiếu ở Hội Thánh Tin Lành Lutheran?
- Ủa? Sao Thầy Tâm biết?
Quý Tâm bật cười và trả lời rằng:
- Đoán đại thôi...!Ai dè trúng phốc.
Nguyễn Quý Sinh vừa dẻ cá vừa cười tủm tỉm mà trình bày thêm:
- Dạ, Thầy Hiếu tổ chức lớp học tình thương ở nhà nguyện trên đường Tuy Lý Vương, mỗi tuần dạy bốn buổi: Hai - Tư - Sáu - Chúa Nhựt, vào lúc năm giờ chiều tới bảy giờ rưỡi tối, có khi tới tám giờ hơn mới tan học.
Cùng Thầy dạy học là Thầy Trần Nghệ và Thầy La Viễn Phương.
Sau giờ thọ thực, nhóm Tăng sĩ lui vào phòng thiền để tĩnh tọa.
- Nơi chộn rộn đã làm con mệt mỏi rồi hả Lợi?
- Không, con chỉ thấy hơi ngộ ở chỗ có người không theo đức tin nào mà lại đi diễn giải Kinh Sách của các tôn giáo.
Họ hệt như kiểu người đặt mỗi chân lên một cái ghe vậy; bên nào cũng nắm, bên nào cũng giữ, rồi trật vuột giữa hai lằn ranh.
- Vậy con tính coi chừng nào người đó té xuống nước?
- Vốn dĩ người đó đã đứng lơ lửng trên mặt nước, không đợi té cũng đủ lạnh và ướt rồi.
Trì Thương nhìn huynh trưởng và Thầy mà cười buồn:
- Cho nên con hay dặn Mỹ Hải hoài: Đừng nên đề cập Phật Giáo với bất kỳ ai.
Như Phong gật, gật đầu.
Đoạn biểu:
- Biết điều gì đáng sợ nhứt không Lợi?
- Ba phải.
- Đúng vậy.
Người hùa theo còn biết đường mà né, nhưng kẻ ba phải ngụy trang dưới vỏ bọc "Dĩ hòa vi quý", "Thế giới đại đồng" thì khó lòng mà biết được.
Như Phong khuyên lơn Châu Lợi:
- "Bỏ cả Tốt lẫn Xấu", còn nhớ bài học đó không Lợi?
- Thưa Thầy, con luôn khắc cốt ghi tâm bài học đó.
- Bài học đó dành cho ai?
- Giới thầy tu Phật Giáo, không phải cho tín đồ hay hàng cư sĩ tại gia.
- Cho nên, chẳng có chuyện gì đáng để con lăn tăn hết.
Lòng con đang dao động như mặt nước bị người ta liệng sỏi, đá, đất xuống một cách liên tục.
Hãy học Hạnh của Nước, nghen con?
- Dạ.
- Trở về núi không Lợi?
- Dạ về, thưa Thầy.
Hết Duyên rồi Thầy.
Như Phong đưa mắt nhìn các đồ đệ mà cụ tìm thấy trong kiếp sống này, rồi ngậm ngùi nhớ tới ngày đầu tiên gặp mặt từng đứa, tới đây hai hàng nước mắt của cụ rơi lã chã không ngừng.
Hoàng Kỳ đi bằng hai đầu gối tới chỗ Thầy chú, rồi lau lệ cho Thầy bằng khăn giấy.
Cơn xúc động đã qua, Như Phong thông báo:
- Khuya nay ta đi, mấy đứa ở lại mạnh giỏi nghen?
Đôi mắt Hoàng Kỳ mở bừng lên:
- Sớm vậy Thầy?
...!
Đúng mười hai giờ đêm, sáu người đệ tử của Như Phong, cư sĩ Quý Tâm và Thạch Sang, cùng với Tín có mặt trong Chánh Điện.
Cụ đắp áo cà-sa rất cũ, cơ hồ như nó đã có tuổi đời gần nửa thế kỷ, nhưng không bị nổi mốc meo và có mùi hôi.
- Tín, lại đây.
- Dạ...!
- Ta đặt cho con pháp danh Hỷ Tín.
Hy vọng khi con cải hối, sẽ là người thầy đưa chúng sanh về nẻo Thiện; không còn là con quạ đi gieo rắc bất hạnh và bất hòa cho thế gian này nữa.
Tín chưa kịp thanh minh thanh nga hay biện giải điều chi, Như Phong đã dạy Hoàng Kỳ lại gần mình, rồi đưa tay xoa đầu người luôn coi mình là cha ruột mà dịu dàng nhắn nhủ:
- Đừng quyến luyến, đừng đau khổ, đừng như tôn giả Ananda gục ngã khi Đấng Thế Tôn nhập diệt Niết Bàn.
Hoàng Kỳ cắn môi, rồi run giọng thưa:
- Con sẽ ráng hết sức, thưa cha.
Thủy Diệu, Phá Vân và Phú Lâm lần lượt được gọi lên để Trưởng lão gởi gắm và khuyên bảo đôi lời.
Kế là Quý Tâm và người tiếp theo là Thạch Sang.
Sau rốt là Châu Lợi và Trì Thương.
Xong xuôi hết thảy, Như Phong biểu mọi người nhắm mắt tọa thiền mười lăm phút.
Khi mọi người mở mắt ra, đã thấy cụ nằm theo dáng sư tử với đôi mắt nhắm nghiền.
Gương mặt cụ an lạc vô ngần.
Châu Lợi nở nụ cười tiễn biệt người Thầy Đạo:
- Thầy đi rồi...!
- Đi ngủ hả Thầy Lợi?
- Không, đi luôn.
- Hả? Chết gì lẹ vậy? Hổng có giỡn chơi kỳ cục vậy nghen Thầy?
Quý Tâm cũng không tin nốt.
Ông run rẩy lết lại gần bên xác Thầy, rồi sợ hãi đặt ngón trỏ lên ngang mũi Thầy.
Vẫn chưa dám tin, ông hấp tấp cầm tay Thầy lên bắt mạch; hết tay trái rồi sang tay phải, rồi lại đảo sang tay kia.
Kế, ông rọi đèn pin vào từng bên mắt của Thầy; đồng tử đã giãn, chẳng còn một phản ứng nào nữa.
Khỏi cần kiểm tra nhịp tim, ông cũng đã chắc Thầy đã tắt thở thật rồi.
Ông run rẩy thông báo:
- Giờ tử vong là mười hai giờ kém mười lăm phút.
Thạch Sang quay sang chắp tay bạch Châu Lợi:
- Huynh trưởng có ý kiến gì không?
- Làm thủ tục khai báo theo quy định của pháp luật, xong xuôi hết thảy mới đem Thầy đi hỏa táng, sau đó về núi tu tập tiếp.
- Hổng tổ chức đám tang hả Thầy Lợi?
- Đó là di nguyện của Thầy.
- Trần đời mới thấy cái di nguyện gì cụt lủn như vậy!
Tín chỉ nghe nói loài cá heo và cá voi mới có khả năng tự tắt thở, đây là lần đầu tiên anh chứng kiến một người ra đi theo cách tự định đoạt giờ Tử như vầy.
Cái chết của người Trưởng lão Theravada đã đẩy anh tiến lại gần con thuyền Bát Nhã Ba-La-Mật.
...!
Thủy Diệu và Hoàng Kỳ đã trở về Cô Tô từ chập tối hôm qua.
Trước đó vài ngày, Phá Vân và Phú Lâm đã rời khỏi đây.
Trì Thương và Châu Lợi còn nán lại để lo hậu sự cho Trưởng lão Như Phong, Tín cũng tham gia phụ giúp một tay.
Xíu nữa thì quên, còn gia đình dì Út Đẹt và hai chị em cô Mận giúp sức nữa.
- Ủa xong rồi hả hai Thầy?
Châu Lợi mỉm cười xác nhận:
- Đúng vậy, thưa thí chủ.
- Sơ sài quá...!
- Hồi chúng ta sanh ra cũng sơ sài hệt vậy, ngoài cái mình không dính đầy nhớt nhau và cái cuống rún kết nối mẫu - tử ra, chúng ta chẳng có gì sất.
- Thầy nói sao tôi nghe rầu quá...!
- Sadhu.
- Ê, hông đúng nghen, chúng ta có nhà có cửa...!
- Đó là tài sản của đấng sinh thành hoặc người cưu mang thí chủ, chớ thí chủ có cái gì?
- Ờ há!
Quý Tâm và hai cha con họ Thạch khóc nhiều nhất trong cái đám tang chẳng kèn chẳng trống, không băng-rôn "nhiệt liệt thông báo", không cờ xí rợp trời và không quan khách thăm viếng.
Trì Thương ghé tai Châu Lợi mà hỏi:
- Huynh nghĩ sao về lời dặn dò của Thầy?
- Phải sẩy chân, mới lại gần Đạo được.
Người đó hãy còn cách Đạo quá xa.
- Như tôn giả Khánh Hỷ vậy, phải đợi tới khi Đấng Thế Tôn qua đời và bị hai hiền huynh là Ca-Diếp và A-Na-Luật thúc ép, ông mới chứng đắc quả vị A-La-Hán.
- Hoàng Kỳ khóc nhiều lắm hả Thảo?
- Dạ.
- Cẩu vốn là trẻ mồ côi, sanh ra ở tiểu bang Philadelphia, rồi trôi dạt qua Cali...!
Trì Thương bổ sung:
- Cẩu không chấp nhận rải tro cốt của Thầy xuống gốc cây bồ đề trong sân sau tịnh thất.
- Rải hay không rải cũng chẳng khác gì nhau, cứ để tro cốt của Thầy ở đó.
Trì Thương bồi hồi nhớ lại hôm đó: Hoàng Kỳ xin phép được đứng ra lãnh cốt của Thầy với tư cách một người con trai ruột, các huynh đệ của Hoàng Kỳ đồng thuận cho chú làm người đại diện thủ tục báo tử và mai táng của Trưởng lão Như Phong.
Hai người tính dợm bước khất thực, Quý Tâm đã gọi giật lại:
- Hai huynh ở đây với đệ một thời gian nữa có được không?
Châu Lợi gật đầu:
- Được.
Tín xin đi theo hai người để có tài liệu viết báo, hai huynh đệ vui lòng ưng thuận.
Nhờ đi theo cách bước của hai người Tăng sĩ Theravada, mà người trai lầm lạc đó thấy được cuộc sống xung quanh thật đẹp và rực rỡ.
Lá me bay trên đầu lã chã như mưa phùn, gió mùa Thu dìu dịu xua tan cái oi ả mến thương của đất Sài Gòn, cứ cách mỗi quãng ngắn là lại bắt gặp một quán ăn, xe bán hàng hay gánh hàng rong đơn sơ, mộc mạc.
Đôi lúc, Châu Lợi lại ngừng bước để vươn tay làm nhành cây cho những con sẻ nâu đậu; khi ấy, Tín sẽ nghe thấy ông ngâm nga bài "Kinh Phước Báu - Ratana Sutta", hay còn gọi là "Kinh Châu Báu", dường như là để hộ trì cho chúng.
- Hai Thầy có biết tiếng Pali và tiếng Sanskrit không?
Châu Lợi nhoẻn miệng cười:
- Thưa có, thí chủ.
- Có thể dạy tôi học không?
- Thưa được, thí chủ.
Rồi Tín hỏi:
- Không biết Trưởng lão Như Phong đang ở đâu ha? Hai Thầy nghĩ sao, có thể nêu quan điểm xíu không?
Trì Thương bèn đọc bài "Kinh Rải Tâm Từ - The chant of Metta" cho con quạ đen đó nghe.
- Nói vậy là...!
Lời chưa tròn mà Tín phải ngắt ngang vì thấy nhóm ký giả "Nhạn Vàng Bình Công", trước đây anh ta từng dối gạt ký giả Huế Thương nên không dám gặp mặt.
- Đừng sợ...!
Châu Lợi nắm tay dắt Tín rời đi.
Nhưng Đức Hoàng xông tới cản lại.
Châu Lợi nhìn gương mặt đã qua thẩm mỹ của gã trai đất thiêng một đỗi, rồi mỉm miệng cười và gọi:
- Hoàng.
Đức Hoàng trừng mắt nhìn kẻ lừa đảo bạn hắn, rồi chắp tay xá hai vị Tăng sĩ và gật đầu xác nhận:
- Tôi đây, thưa Thầy.
- Có những người không hề đáng để thí chủ chịu Khẩu Nghiệp như vậy đâu.
Tôi biết thí chủ đã nói láo vô số lần để giúp đỡ người khác, nhưng số người thương và mang ơn thí chủ thật lòng chỉ có vài cái tên.
Muốn giúp ai, hãy cứ giúp thẳng, đừng sợ người đó mắc cỡ hay tìm mình báo ơn là mở lời bịa đặt.
Trái tim của thí chủ rất tốt, song đừng nên nhún nhường người khác quá đáng mà chiêu Ác Nghiệp về mình.
Đức Hoàng đã bật khóc khi nghe lời khuyên giải của Trì Thương.
Hắn đã chấp nhận phạm Cấm Ngữ để giúp đỡ người khác, nhưng ngoại trừ mấy thằng bạn ra, những người kia chẳng ai biết quý trọng lòng tốt của hắn.
- Hoàng theo Phật Giáo Hòa Hảo?
- Dạ phải, thưa Thầy.
- Theravada hay Hòa Hảo đều ráng hết sức giữ gìn Chánh Ngữ.
Chánh Ngữ là gì Hoàng biết không?
- Dạ, là một trong Bát Chánh Đạo.
- Kể ra đi Hoàng.
- Chánh Niệm, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Kiến, Chánh Ngữ, Chánh Tinh Tấn, Chánh Định và Chánh Tư Duy.
- Không có cái nào trong tám cái trên dễ giữ hết, chỉ cần ra đường hay lên mạng xã hội là Bát Chánh Đạo mất tiêu liền.
Biết hai vị Tăng sĩ chỉ còn hai tiếng nữa là hết giờ thọ thực, lại hay rằng Theravada không bó buộc ăn chay, nên Đức Hoàng bèn kêu thằng Ngạn ghé tiệm cơm người Tiều gần "Đài vinh danh Petrus Trương Vĩnh Ký" ăn trưa.
Hai huynh đệ Theravada vừa mới dợm bước vào quán đã gây một trận ồn ào khôn tả.
Đức Hoàng làm cử chỉ mời hai người ngồi xuống ghế, rồi đưa cho mỗi người một cuốn thực đơn và nói lời mời họ chọn món.
Tín vuột miệng hỏi:
- Sao hai Thầy lại đồng ý chọn món?
Trì Thương cười hỏi:
- Vì giữ giới mà khiến người khác sanh tâm bất an, khó xử, há có đáng không?
Châu Lợi chọn bánh canh Trảng Bàng, còn Trì Thương thì ăn mỳ vịt tiềm.
Riêng đồ uống thì hai người lấy trà đá.
Trong lúc đợi đồ ăn dọn lên, Châu Lợi vừa xát đũa với miếng chanh cắt nửa vừa kể chuyện ngày xưa:
- Hồi gia đình còn đói khổ, má tôi thường gánh nồi cháo cá kèo ra bán ở khúc sông Gành Hào, địa phận Cà Mau.
Đức Hoàng cười hỏi:
- Nói vậy Thầy đây là người đất mũi?
- Phải, còn thí chủ là người đất thiêng.
Khán Bình trỏ vô mặt mình:
- Tôi thì sao?
- Đất Thần Kinh.
Tống Ngạn cười hỏi:
- Tôi?
- Đất Gia Định.
Chí Công xen vào:
- Tôi nữa.
- Đất ngọt.
Gã trai Hố Nai chưng hửng:
- Sao lại kêu là đất ngọt?
- Xứ sở của đường mía và bưởi trứ danh mà.
- Cũng có thể gọi là đất nai.
Cách ăn uống của Châu Lợi đã thu hút được những người khách nhiều chuyện.
Dẫu sanh ra trong cảnh bần hàn, cách ăn uống của ông lại giống hệt hoàng thân quốc thích một cách kỳ lạ.
Bởi lẽ, ba ông đã dạy rằng ăn sao cho coi được một chút, đừng vì cái khổ mà mất tư cách của mình, nên ông đã tập cầm đũa, muỗng, nĩa và dao theo kiểu hoàng gia.
Chưa kịp và đũa bún Thái mới gắp vô miệng, Đức Hoàng đã phải ngừng lại để trừng mắt nhìn đám đông đang cười nhạo hai vị Tăng sĩ ăn mặn.
- Tâm thức mình tựa như ngôi nhà, muốn mở cửa đón - rước ai là