TIÊN LỘ YÊN TRẦN
Nguyên tác: Quản Bình Triều.
Dịch thuật: Văn Đàn Việt Nam
Quyển 5: Tửu hàm bạt kiếm chước địa ca.
-----o0o-----
Chương 93:Chẩm liễu cao miên, liên ca phi nhập mộng hồn(I).
Thỉnh thoảng lại thổi sáo gọi chim đến chơi đùa, việc này cũng giúp tất cả thành viên trong Tứ Hải đường có được thời gian vui vẻ sau giờ học căng thẳng.
Khiến Tỉnh Ngôn có chút ngạc nhiên đó là, Khấu cô nương bình thường tinh thân lơ đãng, nhưng khi cầm bút luyện chữ thì lập tức quét sạch lo sầu, tinh thần biến thành vô cùng minh mẫn.
Hơn nữa, chỉ khi Tỉnh Ngôn sắm vai thầy giáo, thì cách nói chuyện giữa y với Khấu Tuyết Nghi mới trở nên tự nhiên, hay có thể nói là biến thành bình thường.
Nói đến, Khấu Tuyết Nghi thường ngày rất ít nói chuyện, hết sức cung kính với Tỉnh Ngôn, hệt như là một nô bộc đối với chủ nhân. Ngôn ngữ vô cùng khách khí đó, gây cho vị Tứ Hải đường chủ một cảm giác ngăn cách lãnh đạm.
Với tâm tính thiếu niên, Tỉnh Ngôn vì muốn ấn chứng điểm này, còn từng bắt chước đám lưu manh ở phố chợ ngày trước, cố ý tập trung ánh mắt, nhìn chằm chằm vào mặt phấn của Khấu Tuyết Nghi. Theo lý mà nói, nếu chiếu theo phản ứng bình thường của thiếu nữ, dưới cặp mắt ham hố của Tỉnh Ngôn, Khấu Tuyết Nghi phải đỏ mặt, cúi đầu lúng túng, sau đó thoáng chút bất an, da mặt tái đi mấy phần, thậm chí còn giậm chân, mắng khẽ một câu "Vô lễ", rồi chuyển thân chạy đi!
Còn theo suy nghĩ của Tỉnh Ngôn, dưới ánh mắt vô lễ của y như thế, không kể thiếu nữ Cứ Doanh, ngay cả Long cung công chúa ngang ngược Linh Y Nhi, cũng phải xấu hổ mà cúi đầu vê áo.
Rất đáng tiếc đó là, tất cả những tình thái biểu hiện của nữ nhân mà y dự liệu, đều không xảy ra trên người Khấu Tuyết Nghi!
Nhìn kết quả ấn chứng, chỉ có thể nói, vị Khấu cô nương lên núi không lâu này, vẫn chưa giải thoát được khỏi sự thống khổ do mất mát song thân.
Chính vì như thế, thái độ của Khấu Tuyết Nghi đối với việc luyện chữ rất nghiêm túc, khiến cho thiếu niên cảm thấy có chút ngạc nhiên. Xem ra Khấu cô nương này có thể coi là hết sức hiếu học. Việc luyện chữ đọc sách lại có thể giúp nàng tạm thời quên đi cảm giác thống khổ đó.
So với Khấu Tuyết Nghi, cô nhóc Quỳnh Dung tính tình hiếu động có thể yên lặng nghe giảng bài, thì không khiến thiếu niên quá kinh ngạc. Bởi vì, từ những chuyện thường ngày, Tỉnh Ngôn cảm thấy rất rõ, tiểu nữ oa Quỳnh Dung này, rất là kính trọng mình.
Bất quá, tuy Khấu Tuyết Nghi chăm chỉ học tập, tiểu Quỳnh Dung cũng luyện không biết chán, nhưng Tỉnh Ngôn rất hiểu đạo lý "Dục tốc bất đạt". Đặc biệt là lúc mới bắt đầu, nếu như dạy quá nhiều thì sẽ khiến hai nữ đệ tử sinh ra cảm giác chán ngán.
Do đó, mỗi ngày nếu không có chuyện gì khác, Tỉnh Ngôn thường dẫn hai nữ đệ tử đi ngoạn cảnh núi để thư giãn.
Hiện tại chính là giữa hạ, khác với ngoài núi, mùa hạ trên La Phù sơn, khắp núi biếc xanh, cây cỏ đua chen ngát mắt. Đi sâu vào rừng, cổ thụ chỗ nào cũng thấy. Mấy cây cổ thụ nhiều năm tuổi này, hình dáng vô cùng to lớn, táng cây rất rộng, sum sê rậm rạp, che khuất ánh mặt trời. Nếu đi bộ bên dưới, không hề cảm thấy có chút nóng nực nào.
Còn nơi mà đám người Tứ Hải đường hay đến trong La Phù động thiên này, là một hồ sen mà tiểu Quỳnh Dung vô ý phát hiện được.
Thì ra, một lần tiểu nữ oa này đi chơi trong núi, ngẫu nhiên phát hiện, dưới một đầu núi cách Bão Hà phòng chừng năm sáu đầu núi, có một hồ nước chu vi khá rộng. Trong quần núi nhấp nhô này, có thể có một cái hồ rộng như thế, cũng xem là một chuyện lạ thường. Khi tiểu Quỳnh Dung đem phát hiện này báo cho Tỉnh Ngôn, hồ nước đó liền trở thành chỗ hóng mát của chúng nhân Tứ Hải đường.
Mặt hồ biếc xanh gờn gợn giữa vùng núi non, cũng như một vầng trăng tròn, yên tĩnh nằm trong lòng núi.
Trong hồ có rất nhiều sen, thời tiết lúc này rất hợp với sen. Trong hồ sen mọc chen chúc. lá dập dờn trên mặt nước, lá nhô lên như cái lộng, xâm chiếm hơn nửa diện tích hồ.
Tuy hiện tại đã giữa hạ, nhưng vì trong núi mát mẻ, hoa sen trong hồ vẫn đua nở. Phóng mắt nhìn, có thể thấy những búp sen hồng hồng lấp ló trong không gian xanh ngát trên hồ.
Hồ nằm sâu trong núi, lại thêm khắp hồ đầy sen, tự nhiên càng không còn cảm thấy cái nóng của tiết hạ. Chỗ hóng mát này của ba người Tỉnh Ngôn, có thể nói là vô cùng đặc biệt.
Ở bờ đông nam hồ sen, có một gốc liễu rất già, rễ cây bám sâu vào bùn, tàng cây rậm rạp nghiêng ra hồ. Trong các nhánh chìa ra hồ, có hai nhánh rất lớn, hệt như hai con thuyền gỗ, treo lơ lửng trên mặt hồ.
Chỗ chọn ngồi hóng mát bên hồ sen này của mấy người Tỉnh Ngôn, chính là trên hai nhánh cây hình con thuyền này. Thân liễu khí thanh, không có sâu bọ, có thể yên tâm ngồi tựa trên đó. Tiểu Quỳnh Dung còn đặt tên cho hai nhánh cây này là "Thụ sàng".
Lúc này Tỉnh Ngôn đang thoải mái nằm trên "Thụ sàng", mắt nửa nhắm nửa mở, hưởng thụ gió hồ mát rượi.
Trong làn gió thoảng như có như không trên hồ, có thể ngửi được mùi tanh thoang thoảng đặc trưng của nước. Mùi nước quen thuộc này khiến thiếu niên cảm thấy phảng phất như mình đã trở về bên Bà Dương hồ ở Nhiêu Châu.
Buổi chiều yên tĩnh, gió hồ thoang thoảng, bất tri bất giác mang lại cảm giác mơ màng cho người, thêm tiếng ve sầu vang vang không ngớt, khiến người thiếu niên hai tay đặt sau gáy, thoải mái ngồi tựa trên nhánh liễu rộng rãi, thần thái dần dần mơ hồ, dường như muốn cứ như thế đánh một giấc.
Giữa lúc nửa mê nửa tỉnh, Tỉnh Ngôn bỗng cảm thấy một cơn ngứa ngáy xuất hiện trên cánh tay. Mở mắt nhìn, thì ra là tiểu nữ oa Quỳnh Dung đang bò đến bên cạnh, đuôi tóc của nó cọ cọ trên tay thiếu niên. Thấy ca ca mở mắt nhìn, tiểu cô nương này liền nhe rằng cười hì hì
Hiện tại, đuôi tóc của Quỳnh Dung phe phẩy trên cánh tay Tỉnh Ngôn, thật khiến y ngứa ngáy khó chịu. Ngay khi thiếu niên định vung tay gạt mấy lọn tóc vàng của cô nhóc ra, thì thấy tiểu nha đầu này, thấy người bị mình chọc phá đã tỉnh, thì ngồi thẳng lên, hai cánh tay nhỏ nhắn nhẹ nhàng đấm vào lưng Tỉnh Ngôn. Tuy tiểu nữ oa đối với chuyện này không hề thuần thục, thỉnh thoảng đấm loạn cả lên, nhưng trong lúc đấm lưng, thần sắc trên